Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Saigon Stories: Hồi ức của các nhân vật

Bài viết này ghi nhận cảm tưởng của các nhân vật thuộc mọi thành phần chính trị-xã hội về những giai đoạn lịch sử của Việt Nam trong cuốn sách Saigon Stories, tác giả Sam Korsmoe, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2006 (Nhà xuất bản PublishAmerica, Baltimore).

Tôi đã có một bài viết về Saigon Stories, xoay quanh những thành viên trong gia đình tôi là một trong 5 gia đình trong truyện. Bài viết này sẽ theo một hướng khác, chú ý đến những cảm nghĩ của các nhân vật trong Saigon Stories về giai đoạn lịch sử đã qua. Rất nhiều nhân vật có thật được đề cập đến trong cuốn sách nhưng tựu chung họ xuất xứ từ 5 gia đình thuộc thành phần chính trị-xã hội khác nhau, bao gồm:

(1) Những người di dân miền Bắc (The Northern Migrants), họ vào Nam sau ngày 30/4/75;
(2) Những người ái quốc miền Nam (The Southern Patriots) tập kết ra Bắc năm 1954;
(3) Chính khách miền Nam (The Southern Politician);
(4) Người sĩ quan miền Nam (The Southern Officer) phục vụ trong quân đội VNCH; và 
(5) Những người trở về (The Returnees) từ nước ngoài.

"Saigon Stories", tác giả Sam Korsmoe,
NXB PublishAmerica, Baltimore

***

Chương đầu tiên Sam Korsmoe phỏng vấn một gia đình những người di dân từ miền Bắc vào Nam sau năm 1975 gồm 2 vợ chồng và 3 người con gái. Phan Xuân Giáp (bác sĩ thú y, sinh năm 1945) và vợ là Nguyễn Thị Vinh (giáo viên tại Vĩnh Phú) sinh ra và lớn lên tại miền Bắc. Cô giáo Vinh kể lại cảm tưởng vào sáng ngày 30/4/1975:

Tôi đang dạy trong lớp thì có tiếng người báo: ‘Giải phóng rồi! Thống nhất rồi!’ thế là cả trường hò reo. Hồi đó người dân đa số chưa có đài [máy thu thanh (radio). Chú thích của NNC] nên mọi người phải nghe tin qua loa phóng thanh gắn trên cây trong sân trường. Chúng tôi ai cũng hồ hởi. Cả nước hồ hởi. Miền Bắc hồ hởi. Mừng vì không còn chiến tranh, không còn chết chóc!

Chứng nhận đăng ký máy thu thanh 
tại miền Bắc trước năm 1975

Vợ chồng Giáp-Vinh di dân vào miền Nam rất sớm trong năm 1975. Khởi đầu là cô giáo Vinh, tình nguyện vào dạy học tại Sài Gòn vào tháng 12/1975 vì, theo chính quyền Hà Nội lúc đó, “miền Nam rất cần giáo viên”.

Chúng tôi phải học chính trị trong suốt 2 tháng trước khi vào Nam. Chúng tôi được hướng dẫn cách dậy học khi vào trong đó, học cả tâm lý của học sinh Sài Gòn, học cách làm gương vì chúng tôi sẽ là những đại diện của miền Bắc tại vùng mới giải phóng…”  

Nguyễn Thị Vinh xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản, theo lời kể của Sam Korsmoe, bố mẹ cô được giáo dục và nói tiếng Pháp trôi chảy (Her parents were educated and spoke French fluently), họ còn có cô chú đã di cư vào Nam từ năm 1954. Cảm giác đầu tiên của cô khi bước chân vào Sài Gòn vào tháng 12/1975:

Sài Gòn đẹp quá. Khi xe vào đến cầu Sài Gòn thì trời đã nhá nhem tối nhưng hai bên đường đèn sáng rực. Cả đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều đèn đến như vậy. Tôi thấy thích thành phố này…” 

Tại Sài Gòn, cô giáo Vinh ở tại nhà người chú trong 3 tháng và ăn cái Tết đầu tiên tại vùng đất mới ‘giải phóng’. Cô nhớ mãi đêm giao thừa năm đó, trên TV chiếu tuồng cải lương Thái hậu Dương Vân Nga do Thanh Nga thủ vai chính.

Tôi được xem TV lần đầu tiên khi vào đến Sài Gòn, miền Bắc không có TV. Tôi chỉ được nghe người ta đồn trên TV vừa có hình ảnh và âm thanh nên rất háo hức được xem dù khi đó hình ảnh chỉ là đen trắng…”  

Một năm sau đó, ông Giáp, chồng cô, mới vào Sài Gòn và làm việc tại Sở Nông nghiệp. Họ mua một căn nhà tại quận 10 vào năm 1976. Tiền lương giáo viên và cán bộ chỉ đủ chi tiêu trong vòng 2 tuần đối với một gia đình gồm 5 thành viên. Cô Vinh tâm sự:

Để kiếm thêm tiền, tôi nuôi 3 con lợn con, về sau chúng biến thành cả một đàn lợn. Con gái tôi khi đó mới 4 tuổi cũng phụ giúp mẹ trong việc nuôi lợn trong nhà... Lợn đẻ một năm 2 lứa, tôi bán lợn con cho các giáo viên trong trường. Chồng tôi là bác sĩ thú y nên tìm được nguồn cám cho lợn. Anh ấy còn hỗ trợ trong việc chữa trị cho lợn của nhà và của bạn bè mỗi khi chúng đau… Về sau chúng tôi bỏ ra một chỉ vàng để mua một con chó lai giống German Shepherd”.

Một chỉ vàng là cả một gia tài họ dành dụm được từ số tiền bán lợn con. Ông Giáp đưa chó đi lai giống và kết quả là họ có một đàn chó 15 con. Họ nuôi chó bằng bằng sữa đặc có đường, sau đó chuyển sang một thực đơn đầy ‘sáng tạo’: nấu cháo với da cá, đầu cá, xương cá. Đàn chó bẹc-giê ăn… cháo cá nhưng vẫn… lớn như thổi! Chỉ 4 tháng sau, khách đến nua chó nườm nượp. Họ đến mua những chú chó con bằng vàng, hột xoàn, bông tai và nhiều thứ khác nữa.

Vợ chồng Giáp-Vinh cũng là nạn nhân trong vụ huy động vốn của hãng nước hoa Thanh Hương với lãi xuất 15% vào cuối thập niên 80. Họ gửi hết tiền vào Thanh Hương để hàng tháng đến lãnh tiền lời nhưng cuối cùng có đến hàng ngàn người bị lừa khi Giám đốc Nguyễn Văn Mười Hai bỏ trốn. Tháng 3/1990, cơ quan chức năng phát hiện Thanh Hương lỗ 37 tỷ đồng, vụ án đổ bể.

Sau vụ Thanh Hương, Giáp-Vinh lại bắt đầu lao vào việc kinh doanh. Gom hết số tiền còn lại họ chỉ còn 1 cây rưỡi vàng để mua một khu đất rộng 1.000 m2 của một gia đình bộ đội. Khu đất 1,5 cây vàng sau này mang lại số lợi khủng khiếp: 100 cây vàng vào năm 1989.

Sam Korsmoe thực hiện cuộc phỏng vấn với Phan Lan Anh (sinh năm 1973 và là con gái lớn của Giáp-Vinh), tại khách sạn Caravelle nơi cô làm Giám đốc Kinh doanh phụ trách khối khách hàng là các công ty. Theo mô tả của Sam Korsmoe, Lan Anh nói tiếng Anh trôi chảy và tỏ ra rất thoải mái khi tiếp xúc với người nước ngoài.

Người con thứ nhì Sam gặp là Phan Kiều Mỹ, một kiến trúc sư trẻ tuổi làm việc cho một công ty Việt Nam có trụ sở chính tại Mỹ và văn phòng tại Việt Nam. Kiều Mỹ nói công việc tại đây rất lý thú nhưng cô hướng tới tương lai tại Bỉ vì chồng cô, một tiến sĩ môn Vật lý Lý thuyết (theoritical physics) sẽ là nghiên cứu sinh tại Bỉ trong 3 năm.

Người con gái thứ ba, Phan Việt Hương, chỉ mới 22 tuổi, nhưng Sam lại cho rằng cô trông trẻ hơn tuổi đời thật sự. Theo Sam, người Việt luôn luôn trẻ hơn tuổi thật. Việt Hương sinh năm 1982, tượng trưng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Họ rất ít khi nhớ lại những năm tháng khó khăn mà thế hệ cha ông đã từng trải qua các thời kỳ ở miền Bắc cũng như miền Nam. Cô sinh viên năm thứ 3 kiến trúc tượng trưng cho một thế hệ mà theo Sam, “They don’t look back too often because they are too busy looking forward”.

Trên đây là câu chuyện của 5 người xuất thân từ miền Bắc di dân vào Nam ngay sau biến cố 30/4/1975. Người viết bài này chỉ thuật lại những chi tiết đặc biệt về họ. Phần bình luận và nhận xét xin nhường lại người đọc Saigon Stories.   

***

Chương thứ hai, Sam Korsmoe viết về những người ‘ái quốc’ miền Nam. Năm 1954, hơn 1 triệu người di cư vào Nam vì không muốn sống dưới chế độ Cộng sản nhưng một số nhỏ từ miền Nam lại tập kết ra Bắc với hy vọng sẽ trở về khi đất nước thống nhất. Họ sẽ chiến đấu cho mục tiêu thống nhất đất nước và được chính quyền miền Bắc mệnh danh là ‘những người ái quốc miền Nam’. 

Trịnh Xuân Chung (74 tuổi) thuộc lớp người ‘ái quốc’ đó. Ông tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp từ năm 1947, khi đó chỉ mới 18 tuổi. Gốc người đồng bằng sông Cửu Long, ông hoạt động tại rừng U Minh, rồi Hậu Giang và Đồng Tháp Mười. Kháng chiến tại miền Nam khác hẳn với tiêu thổ kháng chiến tại miền Bắc. Tại miền Nam không có doanh trại như ở chiến khu Việt Bắc, ngược lại, bộ đội sống trà trộn trong dân tại những vùng quê và không ngừng di chuyển để bảo toàn bí mật.

Chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn đến Hiệp định Genève chia cắt đất nước vào năm 1954. Đa số những người theo kháng chiến đều tập kết ra Bắc với hy vọng hai năm sau đất nước sẽ thống nhất và họ sẽ trở về miền Nam. Khi ra Bắc, bộ đội tập kết như ông Chung được huấn luyện quân sự một cách bài bản để sẵn sàng trở về chiến đấu tại miền Nam.

Đến năm 1958, tình hình chính trị không như kỳ vọng trở về trong vòng 2 năm của những người tập kết. Họ được chuyển ngành, ông Chung được chuyển sang công tác trong ngành ngoại thương tại Hà Nội. Ông nhận xét về những năm tháng sống tại đây: “Chúng tôi đã sống trong thời kỳ khó khăn nhưng cũng phải công nhận nhà nước không để một người dân nào đói. Chúng tôi phải xếp hàng mua gạo và dùng tem phiếu để mua nhu yếu phẩm… Tuy mức sinh hoạt thấp nhưng hoàn toàn không thấy khoảng cách giàu nghèo như ngày nay”.

Sổ đăng ký mua lương thực

Đầu năm 1975, người miền Bắc có thể cảm thấy cuộc chiến đang ngày một tiến gần hơn đến giai đoạn kết thúc. Ông Chung kể lại với Sam:

Dù lạc quan nhưng chúng tôi vẫn bị bất ngờ về ngày 30/4/1975. Tôi không thể ngờ được chiến thắng đã đến một cách mau chóng đến như vậy. Tin chiến thắng từng ngày được phát ra dồn dập trên hệ thống loa phóng thanh tại thủ đô Hà Nội. Từng địa danh vốn đã quen thuộc với tôi lần lượt được giải phóng và cuối cùng là ngày 30/4…

Đêm đó tôi không ngủ vì quá sung sướng… Đã từ lâu tôi chẳng nhận được tin tức gì từ gia đình ở miền Nam. Thực ra thì tôi có thể gửi bưu thiếp về nhà nhưng chuyện này quá nguy hiểm với gia đình có người thân là Việt Cộng. Tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình…”

Chỉ một tháng sau biến cố 30/4, ông Chung trở về miền Nam bằng tàu biển từ Hải Phòng vào Đà Nẵng và tiếp tục cuộc hành trình về đến Sài Gòn bằng đường bộ. Tại đây ông gặp lại người em trai, mẹ ông từ Cần Thơ cũng lên Sài Gòn rồi hai mẹ con trở về Cần Thơ nơi gia đình ông sinh sống. Mọi người đều ngạc nhiên khi gặp lại ông vì ngày ra Bắc ông hãy còn là một thanh niên trẻ. Sau chuyến thăm quê trong vòng 20 ngày, Chung trở lại Hà Nội và đến năm 1976 ông mới nhận được lệnh thuyên chuyển vào Nam.

Ông Chung được điều về công tác tại Rạch Giá, Kiên Giang, với nhiệm vụ thu mua thủy hải sản để xuất khẩu sang Hồng Kông, Liên Xô và các nước Đông Âu. Ông cũng nhìn nhận trong khoảng thời gian từ 1975 đến 1983 đời sống quá khó khăn với một số người nên dẫn đến tình trạng vượt biên.

Rạch Giá là một trong những nơi xuất phát các vụ vượt biên nhưng đây cũng là nơi giàu tiềm năng với nghề đánh bắt cá từ trước giải phóng. Tuy nhiên, sau năm 1975, ngư dân phải đương đầu với một số khó khăn, chẳng hạn như không đủ dầu để chạy tàu ra khơi. Nhiều ngư dân vượt biên tìm một cuộc sống dễ thở hơn và nhiều người tại các địa phương khác, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, cũng ra đây để vượt biên vì lý do chính trị và kinh tế…”

Năm 1983, ông Chung là Phó giám đốc một công ty nhà nước chuyên sản xuất dầu thực vật được chế biến từ dừa, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Để trả lời câu hỏi về những khó khăn khi điều hành một công ty quốc doanh, trước tiên ông Chung yêu cầu Sam tắt máy ghi âm rồi mới vào vấn đề. Với vốn tiếng Việt tương đối còn hạn chế, Sam ghi lại những điều ông Chung nói:

Đối với ông [Chung], khó khăn quan trọng nhất là không bao giờ nguyên liệu mà nhà máy cần cho việc sản xuất lại đến đúng hẹn chỉ vì tệ nạn giấy tờ. Ngoài ra chính công ty nhà nước cũng là nạn nhân của tình trạng ‘ngăn sông, cấm chợ’ do mỗi địa phương tự đặt ra. Chính ông là người đã nhiều lần vi phạm những quy định về giấy tờ chỉ vì muốn giải quyết những vấn đề cấp bách của nhà máy. Tuy nhiên, ông không nói những vi phạm đó có bị phát hiện hay khiển trách bởi cấp cao hơn hay không…” 

Năm 1988 ông Chung về hưu và thành lập công ty riêng. Trước tiên là công ty sản xuất gạch, nguồn lợi tức từ gạch giúp ông dựng thêm một công ty sản xuất cà-rem (ice cream). Cuối cùng ông bán lại công ty kem và chuyển công ty gạch về Vũng Tàu cho đến khi nghỉ hưu hoàn toàn vào năm 1993.

Sam gặp vợ ông, bà Lê Thị Hương (sinh năm 1931 tại Rạch Giá), người cùng tập kết ra Bắc với ông Chung năm 1954. Hai người gặp nhau tại Cần Thơ năm 1949 và lấy nhau năm 1951 khi bà mới 19 tuổi. Ông Chung theo Cách mạng khi 23 tuổi, lúc đó thì bà mới 11 tuổi, mồ côi cha từ năm 3 tuổi và mất mẹ lúc 14 tuổi. Bản thân bà không phải là người theo kháng chiến, khi lập gia đình với ông bà cũng chỉ là ‘cảm tình viên’ chứ không hiểu rõ thế nào là Cách mạng. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc theo đoàn cán bộ và bộ đội đến tháng 8/1954 bà cũng có mặt trên chuyến tầu biển cuối cùng ra Hải Phòng. Bà kể lại:

Tại Hải Phòng, chúng tôi được Ủy ban Tiếp nhận Trung ương chào đón và ở lại đây 15 ngày trước khi chuyển tiếp về Hà Nội. Cảm giác đầu tiên khi đến đây là sự an toàn không như thời gian còn ở miền Nam. Tôi đi nhiều nơi để tìm chồng, người địa phương cũng có khi giúp đỡ bằng cách cho đi nhờ xe đạp khi biết tôi là người tập kết đi tìm chồng…”

Tàu Liên Xô và Ba Lan chở bộ đội và thiếu nhi miền Nam 
“tập kết ra Bắc” năm 1954

Cuối cùng thì bà Hương cũng tìm ra được đơn vị của chồng. Là người miền Nam tập kết ra Bắc tìm chồng nên bà được đặc cách cho thăm 2 ngày vì khi đó đơn vị của ông Chung đang trong thời gian huấn luyện. Bà Hương sống và học tập tại Ủy ban Tiếp nhận, bà chọn ngành y tế nên được học một khóa 6 tháng để trở thành y tá.

Tốt nghiệp y tá, tôi được điều về công tác tại Hải Dương và chồng tôi lại chuyển về Hà Nội, cách Hải Dương 58km. Vì xa xôi và công việc bận rộn nên vợ chồng cũng ít khi gặp nhau. Đến năm 1959 tôi quyết định chuyển về Hà Nội theo học ngành kế toán. Khi đó vợ chồng mới được sống gần nhau và cháu Anh, con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời…”

Sam gặp Trịnh Xuân Anh, chủ một nhà hàng sang trọng mang sắc thái Paris ở Sài Gòn. Anh sinh năm 1959 tại Hà Nội nhưng đến năm 1968 phải sơ tán về Lạng Sơn, đó cũng là lúc bà Hương mang thai người con thứ hai, Trịnh Xuân Hoa. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, Xuân Anh tiếp Sam tại nhà hàng Pháp của mình với trang phục và mái tóc kiểu… Mao Trạch Đông:

Tôi nhớ mãi ngày 14/5/1975. Đó là ngày tôi về thăm quê miền Nam lần đầu tiên trên tàu Sông Hương chở toàn những người tập kết và gia đình trực chỉ Sài Gòn… Phải mất ba ngày, hai đêm để vượt biển từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Cuộc hành trình dài chỉ toàn chuyện say sóng, nôn mửa nhưng khi tàu cập cảng Khánh Hội, mọi mệt nhọc trên tàu được xóa đi bằng những thực tế trước mắt

Trước khi lên tàu, Sài Gòn trong trí tưởng tượng của tôi là một thành phố nghèo nàn, bẩn thỉu và đáng thương trong vòng kềm kẹp của Mỹ-Ngụy. Thực tế trước mắt tôi Sài Gòn đẹp lộng lẫy, đẹp khủng khiếp… Tôi chưa bao giờ tưởng tượng Sài Gòn lại văn minh đến thế, cuộc sống của người dân Sài Gòn tốt hơn và cao hơn miền Bắc rất nhiều… Tự nhiên tôi thầm có cảm giác hãnh diện về quê hương miền Nam của mình

Cuộc đời của Xuân Anh tại Sài Gòn sau ngày 30/4/1975, nếu so với các bạn bè đồng trang lứa thì có phần ‘dễ thở’ hơn vì thuộc ‘gia đình cách mạng’: “Trong cuộc chiến chống bọn diệt chủng Pol Pot ở Campuchia năm 1979 tôi không bị đi nghĩa vụ quân sự, thay vào đó là đi ‘lao động hợp tác’ tại Tiệp Khắc suốt 4 năm, khi về nước lại làm việc trong ngành hải quan [quan thuế] một thời gian. Cuối cùng, với số tiền dành dụm khi còn ở Tiệp, tôi quyết định mở một nhà hàng và tương đối thành công trong việc kinh doanh…”

Em gái của Trịnh Xuân Anh cũng là một doanh nhân thành đạt tại Sài Gòn. Trong cuộc phỏng vấn lần thứ nhất, Trịnh Xuân Hoa đã cho chiếc xe BMW với tài xế đến đón Sam Korsmoe về căn biệt thự sang trọng. Một phóng viên người Mỹ như Sam cũng phải lúng túng không biết làm sao mở cửa chiếc BMW đời mới… và căn biệt thự, theo lời sự diễn tả của Sam, “… the most beautiful home I have visited in my 11 years in Viet Nam. It took more than one year to build and is modeled on the 1,000 year old Temple of Literature…” 

Căn biệt thự của Xuân Hoa ngày nay khác hẳn với những gì cô kể về những ngày sống tại miền Bắc xa xưa: “12 gia đình chia nhau một căn biệt thự tại Hà Nội. Bếp dùng chung cho tất cả mọi người, thậm chí cả nhà tắm cũng phải xếp hàng mỗi khi muốn sử dụng, trẻ con thì tắm chung là chuyện bình thường. Tuy thế mà vui, bọn trẻ chúng tôi vẫn thấy mình còn sung sướng hơn những đứa khác vì ba tôi được nhà nước cấp một chiếc xe jeep của Liên Xô, niền tự hào của tôi vào thời niên thiếu…”

***

Chương ba của Saigon Stories xoay quanh gia đình nhân vật Lý Quý Chung, Bộ trưởng Thông tin trong nội các cuối cùng của Tổng thống Dương Văn Minh và đồng thời cũng là dân biểu Quốc hội VNCH. Ông còn được biết đến qua tài năng của một họa sĩ, một bình luận viên bóng đá có uy tín và nhà báo lão thành với bút hiệu Chánh Trinh. Sam Korsmoe đặt tên cho Chương 3 là: Chính khách miền Nam (The Southern Politician).

Theo mô tả của Sam, Lý Quý Chung là một người điểm trai, “có khuôn nặt đẹp lão khi tuổi tác ngày một cao… ông nhìn thẳng vào mắt tôi mỗi khi trao đổi và dùng rất nhiều cử chỉ bằng tay khi nói chuyện…”.  Sam gặp nhà báo Chánh Trinh lần đầu tiên vào năm 1996 khi phỏng vấn ông về báo chí Việt Nam vốn nổi tiếng về sự kiểm duyệt khắt khe nhưng ông đã thẳng thắn trình bày vấn đề nhạy cảm này.

Lý Quý Chung mất năm 2005 nên không kịp đọc Saigon Stories phát hành năm 2006, Sam đã dành một câu đầu trang sách để tưởng nhớ ông: “In Memory of Lý Quý Chung (1940-2005)”.

Bước vào nghề báo năm 22 tuổi nhưng ông Chung đã có một chính kiến dứt khoát: “Ngay từ buổi đầu, cả chính phủ niền Nam lẫn miền Bắc không đủ sức thuyết phục tôi vì chính sách của họ là chiến tranh chứ không phải hòa bình… Tôi chọn phe thứ ba: chỉ có hòa giải dân tộc mới đem lại hòa bình cho đất nước…” 

Đó cũng là lý do khiến ông tham gia nội các ‘hòa bình & hòa giải dân tộc’ của Tổng thống Dương Văn Minh được thành lập ngày 26/4/1975. Nội các ‘giờ thứ 25’ này chỉ vỏn vẹn có 4 người, Dương Văn Minh (Tổng thống), Nguyễn Văn Huyền (Phó tổng thống), Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng) và Lý Quý Chung (Bộ trưởng Thông tin). Buổi lễ bàn giao chức vụ Tổng thống từ Trần Văn Hương sang Dương Văn Minh được diễn ra ngày 27/4 nhưng tướng Minh không trực tiếp điều hành ngay lập tức, ông dự tính sẽ bắt đầu vào ngày 30/4.

Nội các Dương Văm Minh, Lý Quý Chung, Vũ Văn Mẫu

Ông Chung giải thích sự việc này như sau: “Là người thân cận với tướng Minh, tôi biết ông rất tin dị đoan. Trợ lý của ông cũng tin là 30/4 mới là ngày tốt nên tướng Minh quyết định sẽ ra mắt nội các vào ngày đó… Trong vai trò Bộ trưởng Thông tin của nội các, dù chưa chính thức hoạt động, tôi vẫn phải tiến hành những thay đổi về chính sách từ ‘chống Cộng’ sang ‘hòa giải’…” 

Ngày 28/4, ông Chung xuất hiện trên TV, kêu gọi dân chúng đoàn kết và bảo đảm sẽ không có ‘cuộc chiến cuối cùng’ tại Sài Gòn như chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã dự báo về ‘một cuộc tắm máu’ khi Việt cộng vào Sài Gòn.

Tôi cũng kêu gọi đồng bào không nên rời bỏ quê hương, nơi có mồ mả của tổ tiên ông bà… Chính phủ mới của Tổng thống Dương Văn Minh sẽ không đối đầu quân sự với miền Bắc, chúng tôi sẽ thực hiện chính sách hòa giải dân tộc để đi đến hòa bình cho đất nước…”

Gặp tướng Minh trong ngày 29/4, ông Chung đề nghị sẽ tuyên bố Sài Gòn là ‘thành phố bỏ ngỏ’ [open city – nguyên văn chữ trong Saigon Stories – Chú thích của NNC] và tự nguyện chuyển giao quyền lực cho Mặt trận [volunteer to transfer the right to the Front (South Vietnam Liberation Front)]. Tướng Minh đồng ý và liên lạc với Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền để soạn thảo bản thông báo. Khi đó đã vào buổi tối nên thông báo của chính phủ sẽ được công bố ngày hôm sau, 30/4.

Tối 29/4 chúng tôi ngủ lại tại dinh Độc Lập để sáng hôm sau công bố thông báo của chính phủ. Tôi còn nhớ rất rõ, phòng ngủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi đó trống trơn. Duy nhất chỉ còn lại chiếc giường và bộ da cọp trải phía trước… Tại dinh có khoảng từ 70 đến 80 người bao gồm nhân viên dân sự, sĩ quan cao cấp và quân nhân bảo vệ. Tối hôm đó, từ dinh Độc Lập nhìn ra cuối đường có thể thấy máy bay trực thăng lên xuống trên nóc tòa Đại sứ Hoa Kỳ cho đến khoảng 5g sáng…” 

Sáng 30/4, vào lúc 8g30, tướng Minh tuyên bố với những người có mặt trong dinh Độc Lập về quyết định chuyển giao quyền lực cho Mặt trận Giải phóng Miền Nam và ông Chung, với nhiệm vụ của Bộ trưởng Thông tin, chuẩn bị việc ghi âm và ghi hình nội dung tuyên bố. Tướng Minh cũng nói thêm với mọi người: họ có toàn quyền đi hay ở lại. Nếu muốn đi thì có tàu Việt Nam Thương tín chờ ngoài bến…

Ông Chung kể tiếp: “Tôi nhớ sau khi ông Minh nói xong, chỉ có một người đặt câu hỏi, đó là ông Bùi Tường Quân: ‘Liệu tôi có đủ thì giờ về nhà để đưa vợ con đi cùng?’. Ông Minh trả lời dứt khoát: ‘Không còn kịp nữa. Anh phải ra tàu ngay nếu muốn đi’. Cuối cùng, ông Quân ở lại trong khi đó, thật trớ trêu, vợ con ông ở nhà đã tìm đường ra đi. Ông Quân ở lại và đi học tập cải tạo rất lâu

Trường hợp của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lại khác. Ông nói chỉ rời Việt Nam bằng con đường chính thức với sự đồng ý của chính quyền mới chứ không thể di tản ngay lúc này, chẳng khác gì chạy trốn. Ông Minh quay sang tôi: ‘Tôi biết anh Chung có đến 5 đứa con, anh nên đi’. Tôi trả lời sẽ không đi, ông vỗ vai tôi và tỏ vẻ thông cảm…”

Theo ông Chung, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (khi đó là phó Tổng tham mưu trưởng) nêu ý kiến cần có lệnh của một lãnh đạo quân đội ra lệnh cho lực lượng VNCH không nổ súng vào phía bên kia. Ông Minh đồng ý. Như vậy là có hai thông báo, một của Tổng thống Dương Văn Minh và một của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Sau này mọi người mới biết ông Hạnh là người của phía bên kia! 

Khoảng 11g, một chiếc xe tăng xuất hiện trên đường Thống nhất, cách dinh Độc Lập khoảng 500m. Xe tăng nổ súng, theo tôi, họ bắn chỉ thiên để phô trương sức mạnh chứ không nhắm vào dinh Độc Lập. Mọi người hốt hoảng rút vào trong dinh. Đến khi bộ đội vào dinh, chúng tôi khoảng từ 30 đến 40 người giơ tay đầu hàng

Ba người chúng tôi [Minh, Mẫu, Chung] bước tới phía trước, họ ra lệnh: ‘Buông súng xuống! Giơ tay lên!’… Một thoáng suy nghĩ trong đầu óc tôi, ‘Mình tranh đấu cho hòa bình và kết quả như thế này sao? Kết cuộc không hợp lý chút nào!’… Một vài phóng viên, trong đó có Nguyễn Bá Thành, ôm chầm lấy tôi, họ reo vui ‘Chúng ta thắng rồi! Chúng ta thắng rồi!’…  

Thượng tá Bùi Tín (bên phải) nhận sự đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.
Ðứng cạnh ông Minh là Bộ trưởng Thông tin Lý Quí Chung và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. 
(Ảnh do ông Bùi Tín cung cấp cho Larry Engel)

Số phận của Lý Quý Chung ra sao sau ngày 30/4/1975? Ông cho biết, trong lúc chuẩn bị tư tưởng để đi học tập cải tạo, ông nhận được thư của Ủy ban Quân quản gửi đến tận nhà, báo ông sẽ không thuộc diện học tập tập trung. Theo ông Chung, chính quyền mới lập một danh sách đặc biệt khoảng 25 đến 30 trí thức thuộc nhóm chống đối Tổng thống Thiệu, không có liên hệ với Mỹ và không có tì vết tham nhũng. Họ được học tập chính trị riêng trong 2 tháng rồi được trở về với gia đình. Điều đáng nói, ông Chung luôn nhấn mạnh mình không Cộng sản, chẳng biết gì về Cộng sản, chẳng có thân nhân nào thuộc phe bên kia bảo lãnh cho khỏi đi học tập….

Công việc sau đó của ông Chung là hợp tác với Ngô Công Đức (lưu vong từ Thụy Điển trở về) để ra tờ Tin sáng, tờ báo duy nhất trong thế giới Cộng sản do tư nhân làm chủ. Tin sáng có số lượng phát hành từ 80.000 đến 100.000 tờ mỗi ngày tại Sài Gòn và sống được 5 năm sau khi các cấp lãnh đạo thấy… ‘nhiệm vụ lịch sử của tờ báo đã hoàn tất’!

Năm 1989, bà Quỳnh Nga (vợ ông Chung) mở nhà hàng Thanh Niên, nguồn thu nhập chính của gia đình. 15 năm sau Thanh Niên, gia đình họ Lý có hơn 10 nhà hàng ở Sài Gòn và Hà Nội, tuyển dụng hàng trăm nhân viên và phục vụ hàng ngàn du khách. Các con của ông Chung đều thành đạt. Lý Quý Trung là người đầu tiên trong gia đình được xuất ngoại khi sang Úc học năm 1990 và đem về nước tấm bằng PhD. Trung hiện nay là Giám đốc nạng lưới của hàng Phở 24 của gia đình họ Lý. Người con trai út, Lý Quý Chánh, theo nghiệp bố làm phóng viên thể thao đài truyền hình HTV. Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh!

***

Nhân vật chính trong Chương 5: Những người trở về là Hoàng Học, một người đã hướng dẫn và đào tạo rất nhiều cán bộ Việt Minh tại miền Trung trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trước khi tham gia Việt Minh, Hoàng Học là một tiểu tư sản có cơ sở kinh doanh phát đạt trong ngành lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1945, ông từ bỏ tất cả để theo kháng chiến với Việt Minh và sinh sống tại Đà Nẵng.

Năm 1954, Hoàng Học quyết định ở lại miền Nam, không như các đồng chí khác tập kết ra Bắc. Theo những gì Sam giới thiệu trong Saigon Stories, Hoàng Học là người theo chủ nghĩa ‘xét lại’ những hoạt động cách mạng của ông trước đó. Tại Sài Gòn, Hoàng Học thành công trong việc thành lập một công ty xây dựng, công trình lớn nhất là trúng thầu dự án xây Thư viện Quốc gia.

Hoàng Học trở thành “một-người-chống-Cộng-hơn-bất-kỳ-người-chống-Cộng-nào”, ông ủng hộ việc người Mỹ đến Việt Nam, thậm chí còn hợp tác với các công ty xây dựng của Hoa Kỳ. Ông đã cho con trai lớn, Chánh Hoàng, đi học bên Nhật. Chánh kể lại với Sam:

Tại Nhật lúc đó chỉ có một nhóm nhỏ du học sinh người Việt nhưng vẫn chia thành 2 phe đối nghịch: thân miền Nam và miền Bắc. Chúng tôi thường tổ chức các cuộc biểu tình phản chiến thu hút khá đông thanh niên Nhật. Tôi là người miền Nam nhưng lại theo phe đa số chống chiến tranh Việt Nam. Khi ba tôi biết được, ông gửi thư khuyên tôi nên chú tâm vào việc học chứ đừng dính dáng đến chuyện chính trị

Năm 1969 tôi sang Mỹ học tại UC Berkeley nhưng vẫn ‘ủng hộ miền Bắc’ trong khi đa số sinh viên Việt tại Mỹ lúc đó thuộc thành phần ủng hộ miền Nam. Tôi chỉ suy nghĩ thật đơn giản: phản chiến đồng nghĩa với việc ‘ủng hộ miền Bắc’, nói khác đi là ủng hộ Việt Cộng!!!

Những ngày tháng 4/1975, Chánh Hoàng từ Mỹ điện thoại về cho bố, báo tin Tổng thống Ford tuyên bố tình trạng bi đát Việt Nam. Ngày 20/4/1975 ông Học tiễn hai đứa con (một trai, một gái) lên chiếc C130 trực chỉ đảo Guam. Ông nói với 2 con rằng chúng sẽ đi nghỉ hè tại Mỹ và sẽ về ngay thôi. Ngày 27/4, Học và vợ bay sang Manila (Phi Luật Tân), họ đến San Francisco vào tuần đầu tiên của tháng 5. Chuyến ‘nghỉ hè’ của cả gia đình tại Mỹ kéo dài đến năm 1990 mới chấm dứt!

Đó là năm ông Học về Việt Nam lần đầu. Những năm sau đó các thành viên trong gia đình ông về Việt Nam thường xuyên và họ tiếp tục lao vào kinh doanh, các con của ông coi Việt Nam là nhà, lập gia đình tại đây.

Người em trai của Chánh Hoàng sinh năm 1950 tại Đà Nẵng. Sau khi Vick Hoàng tốt nghiệp trung học, ông Hoàng Học quyết định cho con đi du học vào tuổi 18 để tránh việc bị động viên vào quân đội VNCH. Với sự giúp sức của anh rể người Mỹ (chồng của Kim, người chị gái), Vick Hoàng học tại UCLA, California.

Sam gặp Vick Hoàng tại một khách sạn 40 phòng ở Quận 10, một trong những cơ sở kinh doanh của gia đình Hoàng Học tại Việt Nam. Vick nhìn nhận một thực tế rất phũ phàng trong suốt thời chiến tranh tại Việt Nam: đa số các gia đình bị phân hóa, nửa ‘bên này’ và một nửa theo ‘bên kia’.

Nội trong họ hàng của tôi sống tại miền Nam cũng chia rẽ. Người ủng hộ miền Nam muốn bảo vệ mảnh đất của cha ông cho đến cùng, người lại thân miền Bắc, chỉ mong sao Việt Cộng chóng thôn tính miền Nam. Riêng về phần tôi không có ý kiến, thật ra tôi chẳng theo phe nào

Sau đây là hồi ức của Vick về ngày định mệnh: “Tôi nhớ mãi ngày 30/4/1975 tại Mỹ. Không chỉ riêng tôi mà các bạn người Việt khác tại UCLA không đến trường vào ngày hôm đó. Chúng tôi hoang mang trên đất khách quê người, không biết số phận của gia đình và người thân ra sao. Tôi không bỏ sót một bản tin nào về Việt Nam trên CBS News và ABC News. Thật kỳ diệu, tôi thấy Hải, em trai tôi, trên TV trong số những người di tản. Tôi vội báo cho anh Chánh, vài tuần sau anh lại báo tin nhận được điện thoại của bố từ Manila… Đúng là một cuộc đoàn tụ ngoạn mục đối với gia đình chúng tôi.”

Cuộc gặp gỡ giữa Hải Hoàng và Sam Korsmoe diễn ra tại một quán cà phê lộ thiên gần Nhà thờ Đức Bà. Hải bày tỏ quan điểm chính trị: “Tôi không phải là người chống Mỹ nhưng tôi lại ngưỡng mộ miền Bắc. Trong suốt cuộc chiến tranh, tôi thấy giới lãnh đạo miền Bắc trong sạch và nghiêm túc hơn những người đồng nhiệm miền Nam. Có lẽ đó là lý do dẫn họ đến chiến thắng vào ngày 30/4/1975

Sau năm 1975, anh Chánh, Vick và tôi trở thành cột trụ của gia đình trên đất Mỹ. Chúng tôi đã trải qua những năm tháng khó khăn, tôi phải nghỉ học để kiếm việc làm. Thật tình, tuy sống trên đất Mỹ nhưng tôi vẫn có cảm giác mình là kẻ đứng bên lề. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ trở thành một người Mỹ thật sự. Rất nhiều rào cản về văn hóa, truyền thống, màu da nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Phải chăng đó là lý do khiến tôi về Việt Nam để kinh doanh và cũng để tìm lại cội nguồn…      

*** 
Lẽ ra trong loạt bài điểm sách này, Chương 4: Người sĩ quan miền Nam phải đi trước Chương 5: Những người trở về nhưng, như đã nói ở phần trên, Chương 4 là những câu chuyện xoay quanh gia đình tôi và đã được đề cập đến trong bài viết Saigon Stories 
(http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/saigon-stories.html)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả bắt đầu viết chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*** 

3 Comments on Multiply

chauxuannguyen wrote on Apr 30, '11
This is first time I read this. I knew there is something about you.........
Remarkable to say the least. This is the story to teach me... do not only look onto yourself, there are other people out there. But to defend myself, the etiquette for my friendlist is don't ask, don't tell (besides, I have over 1300 in my friendlist...).
Regards,
Chau Xuan Nguyen.
Please drop me a line on tcdrafting@bigpond.com

andropause wrote on May 2, '11
Anh tóm lược Saigon Stories bằng giọng văn rất lưu loát và hấp dẫn, đọc một lèo luôn. Quyển này có vẻ ít chửi bới loạn xạ, tuy nhiên lấy sample có 5 so với vài chục triệu người thì em thấy có hơi ít!!! Dù sao cũng nói lên một vài khía cạnh của lịch sử VN một cách khách quan. Cám ơn anh Chinh.
À quên, đọc xong thấy SG xưa kia quả là một thành phố đẹp.

nguyenngocchinh wrote on May 2, '11
andropause said "Anh tóm lược Saigon Stories bằng giọng văn rất lưu loát và hấp dẫn, đọc một lèo luôn. Quyển này có vẻ ít chửi bới loạn xạ, tuy nhiên lấy sample có 5 so với vài chục triệu người thì em thấy có hơi ít!!! Dù sao cũng nói lên một vài khía cạnh của lịch sử VN một cách khách quan. Cám ơn anh Chinh.
Đồng ý với Andro, Saigon Stories "ít chửi bới loạn xạ", có lẽ vì người viết là một phóng viên Mỹ nên có phần khách quan. Tuy nhiên, tôi cũng thấy được nhiều ẩn ý phía sau những câu chuyện của các gia đình, dù thuộc thành phần chính trị-xã hội nào đi nữa, cũng đều nghĩ về Sài Gòn xưa là một thành phố không hổ danh với danh hiệu "Hòn Ngọc Viễn Đông". Có lẽ đó là một trong những điều còn đọng lại trong ký ức của những người đã gắn bó với Sài Gòn, dù đã trải qua những thăng trầm của lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts