Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Facebook trong cơn chao đảo


Ngày Thứ Tư, 21/03/2018, ông chủ mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg, chính thức thừa nhận việc Facebook không thông báo đầy đủ cho người sử dụng rằng những thông tin trong hồ sơ cá nhân (personal profile) của họ có thể bị Cambridge Analytica (Anh Quốc) thu thập và lưu giữ.

Trong bản tin cùng ngày của New York Post, tờ báo cho biết Mark Zuckerberg đã “phá vỡ sự yên lặng lâu nay” bằng việc thừa nhận mạng FB đã “xâm phạm đến sự tin tưởng ” (breach of trust) trong việc chuyển giao những thông tin cá nhân của các Facebookers cho một công ty “tư vấn chính trị” Cambridge Analytica trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ năm 2016.

Cambridge Analytica bị cáo buộc đã “rình mò” những dữ liệu cá nhân của khoảng 50 triệu Facebookers trong một nỗ lực phục vụ cuộc bầu cử Tổng thống Donald Trump. Ông Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ là nhờ một phần lớn “công sức” của tờ “The Apprentice” thuộc nhóm “báo in” chứ không phải là “báo mạng”. Thế cho nên mới có “chiến dịch” nhắm vào Internet.

Ông “Trùm” Mark Zuckerberg (năm 2018 chỉ mới 33 tuổi)

Cũng trong ngày 21/3/2018, Zuckerberg đã thừa nhận trên trang cá nhân của mình rằng FB “đã phạm sai lầm” và hứa sẽ không để xảy ra một “tai họa” tương tự trong tương lai. Biện pháp trước mắt là FB sẽ kiểm soát lại hàng ngàn những ứng dụng (apps) hiện có, đồng thời tìm các biện pháp “chế ngự” việc tiếp cận các nguồn dữ liệu của người sử dụng.

Facebook hiện đang “triệt để giới hạn” việc tiếp cận các tài khoản cá nhân ngay từ bước đầu. Những người truy cập một tài khoản trên FB chỉ có thể biết tên người sử dụng, hình ảnh đại diện và địa chỉ email. FB còn tạo cho các Facebookers việc chọn lựa những ứng dụng để ngăn chặn bớt việc thâm nhập quá chi tiết. Các chuyên viên về “an ninh mạng” đưa ra lời khuyên cho người sử dụng:

(1) Hãy tắt các ứng dụng (apps) của FB để chặn đường truy cập của “người thứ ba”, ngoại trừ chủ tài khoản và FB. Để làm được đều này, trên phía bên trái có dấu chấm hỏi, bấm vào đấy sẽ thấy hiện ra nhiều chọn lựa. Bấm vào “Setting”, chọn “Edit” rồi chọn “Apps, Web sites and Plug-ins”. Cuối cùng, chọn “Disable Platform”.

(2) Kiểm tra thường xuyên tài khoản của mình vì FB thay đổi “privacy settings” (chọn lựa sự riêng tư) rất thường xuyên. Làm được diều này cũng tựa như “kiểm tra đồng hồ và pin” trong thiết bị phát hiện khói để ngăn ngừa hỏa hoạn.

(3) Thường xuyên thay đổi “mật khẩu” (password) cũng tựa như việc… đánh răng hàng ngày. Mật khẩu phải là những con số và ký tự (viết thường và viết hoa) càng “không giống ai” càng an toàn.

Không một Facebooker nào lại thích hình ảnh “dislike” này!

Zuckerberg trấn an các Facebookers: “Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của bạn, và nếu chúng tôi không làm được điều đó, chúng tôi không xứng đáng để phục vụ các bạn” (We have a responsibility to protect your data, and if we can’t then we don’t deserve to serve you).

Về mặt kinh doanh, cơn “chao đảo” vào tháng 3/2018 đã kéo cổ phiếu của FB giảm 6,2%, có lúc xuống đến 11%. Tính ra FB mất đến 60 tỷ USD so với giá trị vốn ban đầu! Thậm chí đã có lúc nhà đầu tư công nghệ, Jason Calacanis, khuyên Zuckerberg nên từ chức để Sheryl Sandberg lên thay.

Đó là “chuyện lớn”  nơi xứ người khi FB phải đối diện với “một cuộc khủng hoảng thực sự” và tình hình được mô tả là "hết sức nghiêm trọng". Tại Việt Nam, cơn chao đảo đó  hầu như không ảnh hưởng gì đến các Facebookers. Thế nhưng, những ngày gần đây đã xảy ra hiện tượng được share “rộng rãi” trong giới nghiện FB tại Việt Nam. Đó là trào lưu được bình luận rôm rả mang tên “BFF”. Người ta bảo:

"Hãy bình luận (comment) bằng cách viết chữ "BFF" xuống bên dưới một bài viết. Nếu chữ màu xanh thì Facebook của bạn đã được bảo vệ. Nếu chữ màu đen tức Facebook của bạn đã bị ai đó theo dõi hoặc bị “hack”.Hãy đổi mật khẩu ngay".

Đúng là khi viết "BFF" thì dòng chữ này vẫn là màu đen hoặc có thể đổi màu xanh kèm theo hiệu ứng vỗ tay trên màn hình. Tuy nhiên, đó không phải công cụ mà nhà sáng lập FB tạo ra nhằm kiểm tra mức độ an toàn của tài khoản như thông tin lan truyền.

Theo Celebritiesbuzz, thực chất "BFF" là viết tắt của "Best Friend Forever" (Mãi mãi là bạn tốt nhất) hoặc cũng có thể lấy các chữ cái đầu của "Best Friend on Facebook" (Bạn tốt nhất trên Facebook).

Facebook nhận dạng chữ “BFF” để đổi sang màu xanh và thêm hiệu ứng để tạo thành một biểu tượng về tình bạn. Cũng như trước đó, khi bình luận có chữ “Congrats” hoặc “Chúc mừng” sẽ tạo ra hiệu ứng màu đỏ kèm thêm bong bóng nổ để… chúc mừng.

Lý do có người bình luận hiện chữ màu đen và có người ra chữ màu xanh là vì thuật toán của Facebook không được cập nhật đồng thời. Chính vì điều này mà không ít thành viên mạng xã hội đã tin vào thông tin lan truyền, nghĩ rằng tài khoản của mình bị theo dõi hay bị hack khi chữ "BFF" có màu đen trong khi những người khác là màu xanh.

Không riêng tại Việt Nam, mà “chiêu lừa” còn lan truyền mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút hàng chục nghìn người. "Điểm mấu chốt đây là một trò lừa bịp. Xin vui lòng không chia sẻ hoặc tham gia bình luận", trang Celebritiesbuzz viết.

“Chiêu lừa” mới trên FB

Trước khi chấm dứt câu chuyện về Facebook, người viết bài này xin đặt một câu hỏi vui như sau. “Bạn có biết FB hiện có bao nhiêu tài khoản “vô chủ”… vì chủ của tài khoản đó đã qua đời?”.

Xin trả lời là đã có 30 triệu tài khoản mà chủ nhân của nó đã lìa đời. Câu hỏi này không những là câu hỏi vui mà là, nói dại, có hay không một ngày nào đó tất cả tài khoản hiện nay của chúng ta đều… biến mất?

Đó là ngày FB, nếu không vượt qua được cơn “chao đảo” đến nỗi phải… đóng cửa. Cũng giống như mạng Blog Multiply ngày nào mà một số bạn phải chạy sang FB để… “tỵ nạn”. Không ai muốn một trường hợp Multiply thứ hai lại xảy ra trong tương lai.

Keep on doing, Facebook!    


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts