Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Tháng ba gãy súng – Cao Xuân Huy


“Tháng ba gãy súng” là hồi ký chiến tranh của Cao Xuân Huy, nguyên Trung úy Đại đội phó Đại đội 4, Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, thuộc Lữ đoàn 147 TQLC, quân đội VNCH.

Cuốn sách viết về giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam tại Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế. Không gian trong hồi ký bắt đầu ngay tại Sài Gòn trong một lần tác giả đi phép và thời gian vào tháng ba khi Ban Mê Thuột bị thất thủ.

 

“Tháng Ba Gãy Súng”, Văn Khoa xuất bản lần đầu tiên năm 1986 tại Hoa Kỳ

 

Chiều 15 tháng Ba, tại Sài Gòn, Trung úy Cao Xuân Huy gặp Thiếu Úy Bé, Quân Cảnh và được tin khu vực trách nhiệm của Tiểu đoàn anh là từ bờ Bắc sông An Lỗ ra đến căn cứ Hòa Mỹ đang bị tấn công.

Tiểu Đoàn của anh, nằm ở cây số 23 về phía Bắc trên Quốc Lộ 1 tính từ Huế, đang đụng lớn. Sông An Lỗ và hai làng Cổ Bi và Hiền Sĩ, nơi đã xảy ra những trận đánh lớn và hiện vẫn đang bị đặc công và du kích quấy phá, nhưng chỉ là quấy phá chứ không có gì đáng ngại.

Tại đây có một trọng điểm chiến lược là Đồi 51 vì từ đây có thể quan sát được những cuộc chuyển quân, kiểm soát được những hoạt động tại các vị trí của địch. Nếu Tiểu Đoàn của anh đụng lớn, chắc chắn là đụng tại Đồi 51.

 

Trung úy Cao Xuân Huy (1947-2010)

 

Sáng 16 tháng Ba, Cao Xuân Huy lên trình diện Bộ Tư Lệnh, phòng Tư cho biết ít ra phải cả tuần nữa anh mới có tên trong danh sách của chuyến bay ra Đà Nẵng, Phi Trường Phú Bài đã không sử dụng được vì nằm trong tầm pháo của địch.

Chiều 17 tháng Ba, Cao Xuân Huy từ biệt gia đinh để đi Đà Nẵng. Mọi người đều muốn anh đào ngũ, ở nhà để tránh phải húc đầu vào những trận đánh vô ích. Anh nói mình không phải là một người hùng, nhưng cũng không phải là một người hèn.

Anh chỉ là một người lính. Lính của một binh chủng chuyên môn đánh trận và chỉ nhận những quân nhân tình nguyện. Anh phải xứng đáng với màu mũ đang đội, màu áo đang mặc (và hơi cá nhân một chút) anh phải xứng đáng với cặp lon đang đeo.

 

Cao Xuân Huy bên mẹ già (2007)

 

“Tháng ba gãy súng” bắt đầu từ đó. Cao Xuân Huy đưa người đọc vào những ngày tàn của cuộc chiến bằng những dòng chữ ngay trong Lời Tựa của tác phẩm. Với một giọng văn của một người viết không chuyên, anh đã đưa độc giả đến từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Mời các bạn đọc Lời Tựa của “Tháng ba gãy súng” dưới đây. Chi tiết của cuốn sách xin đọc tại:

https://www.vinadia.org/thang-ba-gay-sung-cao-xuan-huy/

 

Cao Xuân Huy và vợ (2007)

 

***

“Tôi không phải là một nhà văn, mà tôi chỉ là một người lính, lính tác chiến đúng nghĩa của danh từ, và những điều tôi viết trong quyển sách này chỉ là một câu chuyện, câu chuyện thật một trăm phần trăm được kể lại bằng chữ.

“Tôi viết những điều mà những thằng lính chúng tôi đã trực tiếp tham dự nhưng không ai viết lại, trong khi nhiều người đã viết về những chuyện chiến trường thì hình như chẳng có ai dự.

 

Vợ chồng Cao Xuân Huy và 2 con gái Chúc Dung, Xuân Dung

 

“Trong lứa tuổi của tôi, lứa tuổi dưới mười khi theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam, ngoại trừ những người có thân nhân ruột thịt bị giết bởi việt cộng, còn hầu hết, có bao nhiêu người thực sự căm thù việt cộng đâu, vì rõ rệt một điều là từ lứa tuổi tôi trở xuống, có đứa nào biết việt cộng là cái gì đâu.

“Cũng y như lứa tuổi dưới mười khi theo cha mẹ qua Mỹ từ năm 1975 ở đây bây giờ. Cũng thù ghét việt cộng vậy, nhưng chỉ là cái thù gia truyền, cha mẹ thù ghét thì mình cũng thù ghét theo thế thôi, chứ chẳng có gì là sâu đậm cả.

“Cho đến khi lớn lên, đầu óc đã tạm đủ để suy xét thì khổ một nỗi, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam Cộng Hòa lại có giá trị phản tuyên truyền nhiều hơn là tuyên truyền.

 

Di tản khỏi miền trung bằng tàu biển

 

“Cho nên khi vào quân đội, tôi tình nguyện vào đơn vị tác chiến thứ thiệt vì căm thù kẻ địch thì ít mà vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, vì bị kích thích bởi những cảm giác mạnh của chiến trường thì nhiều. 

“Tuy nhiên, vì ở một đơn vị thường xuyên tác chiến, cùng gian nguy, cùng sống chết với nhau nên tôi đã gắn bó với bạn bè, đồng đội trong đơn vị như với anh em ruột thịt. Tôi yêu đơn vị tôi, tôi yêu màu mũ, màu áo tôi, tôi yêu thuộc cấp tôi và tôi kính trọng thượng cấp tôi.

“Tôi bình thản chấp nhận mọi thói hư tật xấu của thượng cấp và thuộc cấp, và chính tôi cũng có quá nhiều thói hư tật xấu. Nhưng, khi hai ông xếp lớn của tôi là Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng và Trung Tá Lữ Đoàn Phó bỏ Lữ Đoàn gồm bốn Tiểu Đoàn tác chiến và các đơn vị phụ thuộc tổng cộng vào khoảng trên dưới bốn ngàn người trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân thì lòng căm hận của tôi đột nhiên bùng dậy.

 

Di tản bằng đường bộ

 

“Tôi giết việt cộng không gớm tay nhưng không bởi lòng căm thù vì giữa chúng tôi và việt cộng đã có lằn ranh rõ rệt, hai bên chiến tuyến hẳn hòi, hễ cứ thấy mặt nhau là giết, dùng mọi mưu mọi cách để giết nhau. Còn đằng này, vừa mất niềm tin vừa tủi nhục vì những người mình vừa kính trọng vừa phải tuân lệnh một cách tuyệt đối.

“Làm Thuyền Trưởng thì phải sống chết theo tàu, làm Đơn Vị Trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội.

“Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả Lữ Đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một Đại Đội du kích việt cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà tôi đã trải qua.

 

Bàn dịch “Tháng ba gãy súng” (tiếng Pháp)

 

“Tôi ôm cái kỷ niệm đau đớn và tủi nhục này cả chục năm nay, qua những năm tù đày, qua những ngày tháng lang thang ở trại tỵ nạn, qua đến Mỹ, tôi đọc được lời tuyên bố của một ông tướng cũ nào đó trên báo đại khái “Để mất nước là tội chung của mọi người, làm lớn thì tội lớn, làm bé thì tội bé”.

“Tôi nghĩ ngay đến một điều là những thằng đâm sau lưng chiến sĩ có tội, và những thằng chiến sĩ đưa lưng cho xếp của mình đâm cũng có tội luôn. Điều này đã là cái ấn nút để tôi kể lại câu chuyện này.

“Điều tôi muốn nói trong quyển sách này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình, mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ dám nhận một cái lỗi chung chung “lớn lỗi lớn, bé lỗi bé” đúng theo cái kiểu “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.

“Thằng thất phu còn có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy. Tôi không nhớ câu này của ai: “Cái đám quân thần của triều đinh cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn ngoài cái giá và cái túi”.

 



“Đâu phải đất nước ta là một bàn cờ để hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân. Đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.

“Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm.

“Cái dĩ vãng thối tha và hèn nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn cái chính danh là chống cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới.

“Với tư thế mới, họ mới là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được việt cộng, khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới là người có tư cách làm.

“Quyển sách này không hề là một tiểu thuyết mà là một hồi ký. Bởi vì tôi chưa từng là một người cầm bút và tôi cũng không biết cách sắp xếp câu chuyện như thế nào. Tháng Ba thì mọi người đã rõ, còn Gãy Súng, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục, chính tôi đã dẫn Đại Đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm.

“Súng của chúng tôi có phải là đã bị bẻ gãy không khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi ? Tôi đặt chữ Gãy Súng cho quyển sách này là như vậy.

 

Tưởng niệm Cao Xuân Huy

 

“Và tôi gọi Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết, tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm.

“Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào, chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết, và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy, tai nghe, những điều tôi đã nhận lệnh và đã thi hành.

“Nếu Tháng Ba Gãy Súng là tiểu thuyết thì tôi lại phải thêm một câu màu mè đại khái “những nhân vật và những sự việc đều do sự tưởng tượng của tác giả, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn...”, trong khi tôi chỉ có một điều ngoài ý muốn là tôi đã không đủ khả năng để viết tất cả những điều tôi phải viết.

 

Cao Xuân Huy

(California 1985) 

*** 

--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

Nỗi truân chuyên của bức tranh Mona Lisa


Mona Lisa (còn có tên là La Joconde, La Gioconda hay Chân dung Lisa Gherardini…) là một bức tranh chân dung được sáng tác vào thế kỷ thứ 16 bởi danh họa Leonardo da Vinci trong thời kỳ Phục hưng tại Florence, nước Ý.

 

Chân dung Mona Lisa

 

Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, mô tả một phụ nữ có khuôn mặt thường được người thưởng ngoạn xem là “bí ẩn” và “huyền ảo”… nhưng số phận lại không kém phần “trôi nổi” pha lẫn “điêu linh”.

Da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào khoảng năm 1503 sau khi ông đã ngưng nó trong suốt bốn năm. Rồi từ Ý sang Pháp, ông tiếp tục vẽ trong suốt ba năm và hoàn thành trong một thời gian ngắn trước khi mất năm 1519.

 

Chân dung tự hoạ của Leonardo da Vinci

 

Vua François I đã mời họa sĩ tới làm việc tại Clos Lucé gần lâu đài của nhà vua tại Amboise, Pháp. Nhà vua đã mua bức tranh với giá 4.000 écu, treo nó tại Château Fontainebleau. Rồi lại đưa bức tranh tới Cung điện Versailles.

Sau cuộc Cách mạng Pháp, Mona Lisa được đưa tới Bảo tàng Louvre. Napoleon I chuyển nó tới phòng ngủ trong Cung điện Tuileries rồi lại quay trở về Louvre. Trong Chiến tranh Pháp-Phổ (1870–1871), một lần nữa được chuyển từ Louvre tới một nơi cất giấu an toàn tại Pháp.

Mona Lisa là tên của Lisa del Giocondo, thuộc gia đình Gherardini tại Florence và cũng là vợ của Francesco del Giocondo, một thương nhân tơ lụa giàu có người Florence. Khởi đầu, bức tranh được đặt hàng cho ngôi nhà mới của họ và cũng để kỷ niệm ngày sinh của đứa con trai thứ hai, Andrea.

 

Đám đông trước bức hoạ Mona Lisa tại bảo tàng Louvre

 

Dưới con mắt của các nhà phê bình hội họa, có rất nhiều lý do khiến Mona Lisa thu hút sự quan tâm của người thưởng ngoạn. Trước tiên là “nụ cười bí ẩn” lúc nào cũng thu hút người xem tranh nhờ “kỹ thuật sfumato” của Vinci. Kỹ thuật này gây ấn tượng về độ sâu và bóng tối của nụ cười khiến người xem trong tư thế đối diện trực tiếp sẽ hầu như không thấy được!

 

Khuôn mặt Mona Lisa

 

Đôi mắt của Mona Lisa ẩn chứa những con số và chữ cái… vô hình. Đó chính là những “mật mã” trong đôi mắt “có thần”, “có nội tâm” và “có cá tính”. Đôi mắt luôn dõi theo từng người đối diện, bất kể họ ở vị trí nào. Đôi mắt đó chính là “cửa sổ của tâm hồn” mà chúng ta thường ca tụng!

 

Đôi mắt… có thần

 

Quanh mắt của Mona Lisa vẫn có lông mày và lông mi, không giống với những gì chúng ta nghĩ trước đây về khuôn mặt của nàng. Trạng thái cảm xúc trên gương mặt Mona Lisa qua sự tính toán trên góc độ khoa học cho thấy có 83% hạnh phúc, 9% chán chường, 6% sợ hãi, tức giận 2%, 1% trung tính nhưng hoàn toàn không có sự ngạc nhiên.

 

Nụ cười… bí ẩn

 

Cuối cùng là sự bí ẩn về đôi tay của Mona Lisa. Một vị trí hiếm thấy trong tranh của các họa sĩ khi da Vinci để bàn tay phải và bàn tay trái của nàng nằm chéo nhau ngang trên bụng. Người ta bỗng nghĩ đến việc bức họa được vẽ khi Lisa del Giocondo ngồi làm mẫu để mừng ngày sinh của đứa con trai sắp chào đời!

 

Hai bàn tay che bụng

 

Thêm vào đó là những chi tiết của bối cảnh bức tranh. Theo các chuyên gia, phía sau lưng nàng Lisa là hình ảnh đầu một con trâu, đầu sư tử khi ta nối hoàn chỉnh những nét vẽ và xoay theo 1 góc thích hợp. Phải chăng đây cũng là một khám phá đặc biệt về nghệ thuật của da Vinci?

 

Chi tiết hậu cảnh

 

Số phận của bức tranh nổi tiếng thế giới đã trải qua những bước thăng trầm kỳ lạ. Ngày 21/08/1911, bức tranh biến mất một cách bí ẩn khỏi Salon Carré nơi nó đã được trưng bày trong 5 năm tại Bảo tàng Lourve mà không để lại một dấu vết.

Đây chính là một trong những vụ trộm hội hoạ vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Vụ trộm không chỉ dậy sóng vì những tranh cãi về văn hoá, giá trị nghệ thuật mà còn biến bức tranh thành… kỳ quan đặc biệt của cả thế giới.

 

Khoảng tường trống không tại Salon Carré, Bảo tàng Louvre, sau khi bức tranh Mona Lisa bị đánh cắp

 

Nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà thơ Guillaume Apollinaire, người đã có lần kêu gọi "đốt cháy" Louvre, đã bị nghi ngờ có dính líu. Ngay cả họa sĩ Pablo Picasso, cũng bị lọt vào tầm ngắm của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cả hai đều được chứng minh là không hề liên quan.

Phải đến 3 năm sau, cuộc điều tra mới có kết quả và tìm ra thủ phạm, đó là Peruggia, một người Ý. Sau khi đã giữ bức tranh trong căn hộ của mình trong hai năm, Peruggia đã bị bắt khi tìm cách bán nó cho giám đốc của Uffizi Gallery ở Florence.

Theo lời khai của Peruggia, động cơ lấy tranh được giải thích theo hướng “một hành động yêu nước”. Bức chân dung đã bị nước Pháp “cưỡng đoạt” vào thế kỷ 18, vì thế việc trả lại nàng Mona Lisa cho nước Ý là điều “đúng đắn” và “công bằng”!

Bức tranh được trao trả về Louvre năm 1913 và “thủ phạm” Peruggia được ca ngợi về lòng yêu nước tại Ý và chỉ bị tù vài tháng về tội… “đem tranh về Ý”!

 

Sau hơn 2 năm rưỡi lưu lạc và được cất giấu ở một nơi tồi tàn, vào tháng 1/1914, Mona Lisa đã được trao trả lại cho bảo tàng Louvre

 

Chưa hết, trong Chiến Tranh Thế Giới thứ hai, bức tranh một lần nữa bị “lưu lạc” khỏi Louvre và mang tới cất dấu ở một nơi an toàn, ban đầu là Château d'Amboise, sau đó là Loc-Dieu Abbey và cuối cùng tới Bảo tàng Ingres ở Montauban.

Năm 1956, phần dưới của bức tranh đã bị hư hại nghiêm trọng khi một kẻ phá hoại tạt axít. Ngày 30/12 cùng năm ấy, một người Bolivia trẻ tuổi tên là Ugo Ungaza Villegas đã phá bức tranh bằng cách ném một hòn đá. Điều này khiến bức tranh mất một mẩu màu gần khuỷu tay trái, chỗ này sau đó đã được vẽ lại.

Kính chống đạn đã được lắp đặt để bảo vệ Mona Lisa khỏi những cuộc tấn công. Tháng 4/1974, một phụ nữ tàn tật, bực tức vì chính sách của chính quyền với người tàn tật, đã phun sơn đỏ vào bức tranh khi nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản.

Sau khi kính chống đạn bị gỡ bỏ, ngày 2/8/2009, một phụ nữ Nga, quẫn trí vì bị từ chối trao quyền công dân Pháp, đã ném một chiếc ly mua tại bảo tàng vào bức tranh ở Louvre. Ở cả hai trường hợp, bức tranh đều không bị hư hại.

 

Tranh Mona Lisa được photoshop dựa theo bản gốc trong mùa Covid

 

Nguyễn Du trong truyện Kiều đã từng viết về hiện tượng “hồng nhan đa truân” sau khi gặp nấm mộ Đạm Tiên trong tiết Thanh minh:


“Đau đớn thay, phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

 

Trong lãnh vực hội họa, người ta không thể nào không nghĩ đến bức tranh Mona Lisa với những nỗi truân chuyên kể từ khi Leonardo da Vinci chấp bút sáng tác. Giờ đã 500 năm nhìn lại, những người hâm mộ không khỏi tiếc thương cho một quãng đời có quá nhiều sóng gió của một tác phẩm… để đời!

 

Tranh Mona Lisa được ghép hình theo lối Zigsaw Puzzle, treo trong phòng khách ở Melbourne. Hình chụp tháng 8/2007

 

*** 

--> Read more..

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Văn hóa cà phê


Có một loại “văn hóa”, tạm gọi là “văn hóa cà phê” đã và đang hình thành tại Việt Nam, đặc biệt ở Miền Nam.

 

Văn hóa cà phê

 

Tôi biết đến cà phê rất sớm, từ năm 1953, hồi còn học Lớp Nhất trên Đà Lạt. Khi đó, ông cụ tôi có thói quen uống cà phê vào buổi sáng trong tiết trời lành lạnh, tôi tự “phân công” cho mình việc dẹp ly khi ông uống xong.

Bao giờ trong ly cũng còn lại một ít chất nước đen đen, sền sệt… đăng đắng mà lại ngòn ngọt. Thế là lúc dọn dẹp thế nào tôi cũng tự cho mình thưởng thức chút “sái” còn lại, dĩ nhiên vào lúc không ai nhìn thấy.

Chuyện “bí mật” đó đã xảy ra cách đây hơn 60 năm bây giờ mới “tiết lộ” nhưng được nói một cách công khai chứ không vụng trộm như hồi còn nhỏ. Như vậy là tôi đã “biết thưởng thức” cà phê và đã trở thành “ghiền” trước cả khi biết đến thuốc lá.

Đến khi gia đình di chuyển sang “xứ cà phê” Ban Mê Thuột tôi mới được dịp thấy tận mắt vườn cà phê với hoa cà phê màu trắng, thơm ngát. Tôi cũng đã có dịp đi xa hơn nữa là các đồn điền cà phê của người Pháp trên vùng đất đỏ ba-zan màu mỡ.

 

Trái cà phê

 

Vì xứ Ban Mê không có lớp Đệ Nhất nên một lần nữa tôi cùng 3 người bạn trở về Đà Lạt như một “du sinh trọ học”. Năm cuối trung học tôi đã lê la tại Cà phê Tùng với bạn bè từ hồi quán còn “cái chú phục vụ cao cao, gầy gầy”.

Cà phê Tùng cũng là nơi họp mặt của những “cây văn nghệ” trường Trần Hưng Đạo, trong số đó có Từ Công Phụng, cũng là một du sinh từ Tháp Chàm lên. Phụng sau này nổi tiếng là một nhạc sĩ với những bản nhạc đầu tay như “Bây giờ tháng mấy” hay “Mùa thu mây ngàn”.

 

Cà phê Tùng, Đà Lạt

 

Khi về Sài Gòn tôi đã có lần tháp tùng đoàn sinh viên Mỹ “du học” Việt Nam trong chuyến “cross-country” từ Nam ra Bắc. Dịp này tôi đã thấy tận mắt và hít thở mùi hương của hoa cà phê tại các đồn điền hai bên đường trên cao nguyên Trung Phần.

 

Hoa cà phê

 

Đồn điền cà phê đầu tiên được lập ở Việt Nam là do người Pháp khởi trồng ở gần Kẻ Sở, Bắc Kỳ, vào năm 1888. Có ba dòng cây cà phê chính: Arabica (cà phê chè), Robusta (cà phê vối) và Liberia (cà phê mít).

Điều đáng ngạc nhiên là người Pháp trồng cà phê Arabica ở ven sông Miền Bắc chứ không phải tại Miền Nam. Về sau, việc canh tác cà phê lan xuống vùng Phủ Lý, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… rồi sau mới đến vùng cao nguyên Kon Tum và Djiring.

Ban đầu cà phê rất đắt ở Châu Âu, chỉ có tầng lớp quý tộc hoặc những người giàu có mới được thưởng thức thứ đồ uống thơm ngon này. Người ta nói, nhà văn Honoré de Balzac thường uống loại cà phê rất đặc để có thể thức làm việc. Ông thường viết 12 tiếng một ngày.

Nhạc sĩ Ludwig van Beethoven có thói quen lựa chọn đủ 60 hạt cà phê để pha một tách Mokka, còn triết gia Johann Wolfgang von Goethe thì có ý tưởng chưng cất cà phê theo kiểu cà phê phin ngày nay.

Không giống như các loại đồ uống khác, chức năng chính của cà phê không phải là giải khát. Nhiều người uống nó với mục đích tạo cảm giác hưng phấn. Cà phê là một nguồn cung cấp các chất chống ôxi hóa (antioxidant) cho cơ thể, vai trò mà trước đây người ta chỉ thấy ở hoa quả và rau xanh!

Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản ở Tokyo đã thực hiện một thí nghiệm kéo dài 10 năm trên 100.000 người uống cà phê và phát hiện ra trong số họ chỉ có 214 người mắc phải chứng ung thư thận.

Trong khi đó ở những người không uống cà phê, tỉ lệ này là 547/100.000, nghĩa là cao hơn hai lần. Từ đó họ rút ra kết luận rằng các chất chống ôxy hoá trong cà phê có khả năng bảo vệ các tế bào thận khỏi bị ăn mòn.

 

Cà phê pha tại bàn

 

Năm 1554 quán cà phê đầu tiên ở châu Âu đã được mở ở đây bất chấp sự phản đối của nhà thờ. Vào năm 1645 quán cà phê đầu tiên của Ý được mở ở Venezia. Năm 1650 ở Oxford và năm 1652 ở London lần lượt xuất hiện các quán cà phê đầu tiên của Vương quốc Anh.

Tại Pháp, những quán đầu tiên được khai trương vào năm 1659 ở thành phố cảng Marseille, Paris theo sau vào năm 1672. Vào năm 1683, thủ đô Wien (Áo) cũng có quán cà phê đầu tiên sau khi Áo giành thắng lợi trước Thổ Nhĩ Kỳ và tịch thu được 500 bao cà phê chiến lợi phẩm.

Từ nước Pháp, cà phê du nhập vào Đức qua thành phố cảng Bremen vào năm 1673. Năm 1679 quán cà phê đầu tiên của Đức được một người Anh mở ở Hamburg, sau đó là Regensburg (1686) và Leipzig (1694).

Tại Việt Nam cà phê là một thức uống được ưa chuộng, đặc biệt vào buổi sáng, được coi như một “nguồn năng lượng” cho một ngày mới. Các quán bán nước giải khát thường gọi là "quán cà phê", mặc dù trên thực tế còn phục vụ những thức uống khác.

 

Cà phê đường phố

 

Cà phê, đối với những người Việt “nghiện” chất cafein, có nhiều cách để thưởng thức.  Cà phê đen nóng thường được nén chặt trong phin rồi chế nước sôi. Kiên nhẫn nhìn từng giọt nhỏ xuống ly trước khi nhắp ngụm cà phê đầu tiên trong ngày.

Sau 30/4/75 không ít người phải ngạc nhiên khi nghe “cái nồi ngồi trên cái cốc” được bộ đội Miền Bắc dùng để chỉ cái phin cà phê ở Sài Gòn. Phải chăng đó cũng là “một cú sốc văn hóa” khi đa số bộ đội là những thanh niên miền quê ngoài Bắc “được” lên đường “xẻ dọc Trường Sơn” đi… cứu nước!

 

Cà phê vợt

 

Cà phê sữa nóng thì thêm sữa đặc có đường hoặc sữa tươi tùy theo khẩu vị. Nhiều người còn có thể uống cà phê nóng hoặc cà phê sữa nóng vào buổi sáng sớm mà không cần ăn sáng.

Cà phê đen đá hay cà phê sữa đá thường được dùng vào những buổi trưa như một thứ nước giải khát, giải nhiệt. Lại còn có “bạc sỉu xuất phát từ thói quen uống cà phê của người Hoa gốc Quảng Đông, rất phổ biến trong miền Nam, nhất là Chợ Lớn. Lại còn cách dùng “dầu cha quẩy” chấm vào cà phê để thay cho một bữa ăn sáng trong ngày!

 

“Bạc sỉu” và “dầu cha quẩy”

 

Cà phê trứng, phổ biến tại Miền Bắc, cần đập một quả trứng sống vào ly cà phê nóng. Lòng đỏ trứng được đánh bông thành kem hòa cùng một lượng nhỏ cà phê đen chắc cũng… bổ dưỡng lắm. Tôi theo “đạo cà phê” đã khá lâu nhưng chưa một lần được thưởng thức món thức uống “đặc sắc” này.

Cà phê mang đi là dạng cà phê chế biến cho những người bận rộn, không có thì giờ ngồi lại quán thưởng thức. Cà phê này có nhiều loại được chế biến từ cà phê Việt Nam hoặc cà phê Cappuccino của nước ngoài.

Cà phê chồn (Kopi Luwak) đã từng có mặt ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 là một sản phẩm của loài chồn ăn những hạt cà phê chín rồi bài tiết ra. Người ta thu gom chất phế thải đó, chế biến thành một loại cà phê có chất lượng hảo hạng có giá trị nhất trên thị trường!

Trên thực tế, cà phê chồn ngày nay không còn có giá trị như ban đầu. Các nhà sản xuất dùng những phương pháp chế biến nhân tạo chứ không phải là cách như ban đầu do con chồn bài tiết ra.

 

Hội ngộ bạn bè tại Trung Nguyên Legend, Quận 1

 

Thời gian gần đây, trên thị trường Việt Nam lại xuất hiện cách chế biến cà phê bằng đậu nành, bắp rang cháy pha trộn cùng với hàng chục loại phụ gia, hương liệu hóa học để thành các loại bột cà phê.

Những loại cà phê này rất có hại cho sức khỏe người tiêu dùng, không còn giá trị dinh dưỡng mà trái lại, sinh ra nhiều loại chất độc hại cho cơ thể. Những chất đó có khả năng gây ung thư cho người sử dụng, quá nhiều đường hóa học sẽ dẫn tới triệu chứng tiêu chảy.

Nước xuất khẩu cà phê chính của thế giới là Brasil với sản lượng trên 1,7 triệu tấn mỗi năm, chiếm 25% thị trường quốc tế. Các nước xuất khẩu lớn khác ngoài Việt Nan còn có Colombia, Indonesia, Côte d'Ivoire, Mexico, Ấn Độ, Guatemala, Ethiopia, Uganda, Costa Rica, Peru và El Salvador.

Những nước tiêu thụ cà phê lớn nhất là Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản và Ý. Riêng tại Mỹ có một tập đoàn mang tên Starbucks đã phát triển một mạng lưới trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam đã khai tương năm 2013.

Tại các nước Châu Á, theo thống kê của Euromonitor, việc kinh doanh của Starbucks tại Việt Nam không gặp nhiều thuận lợi như tại Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore.

 

Mạng lưới cửa hàng Starbuks tại Châu Á

 

Một trong những lý do giải thích hiện tượng này là sự phát triển rầm rộ của các mạng lưới các nhà cung cấp nội địa. Trong đó phải kể đến các nhãn hiệu cà phê như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên Legend… Starbucks chỉ chiếm một con số khiêm nhường.

Giá cả cạnh tranh cũng là một lý do khiến Starbucks không phát triển như kỳ vọng ban đầu. Trong khi một ly cà phê Arabica của Starbucks có giá khoảng 5 đô la tại Sài Gòn thì giá của một ly Robusta của các cửa hàng nội địa chỉ vào khoảng 1 đô la.

 

Mạng lưới các cửa hàng cà phê trong nước

 

Bên cạnh các cửa hàng cà phê nội địa lịch sự, có trang trí bắt mắt… lại còn có những quán cà phê với giá cả bình dân, luôn đáp ứng nhu cầu của khách vãng lai. Chỉ riêng con đường Hoa Sứ thuộc quận Phú Nhuận có đến hàng chục quán cà phê nổi lên, mỗi quán đều có những khách hàng thân thuộc riêng.

Ngoài ra lại còn có những nơi uống cà phê thật đơn giản… chỉ gồm những chiếc ghế nhỏ, vừa dùng làm bàn để phục vụ khách ghé giải khát. Đó là những loại cà phê “cóc”, cà phê “bệt”, cà phê “vỉa hè”… và sẵn sàng “giải tán” khi có các lực lượng chức năng “ra quân” dọn dẹp!

 

Cà phê vỉa hè

 

Xem ra “văn hóa cà phê” xứ Việt thật đa dạng nhưng cũng không kém phần phức tạp. Tất cả cũng chỉ vì “miếng cơm, manh áo”.

Trước khi dừng bút, tác giả xin kể lại một câu chuyện vui nghe được trong một lần ngồi uống cà phê. Anh bạn tôi kể, uống rượu bia thì khi quá chén về nhà sẽ “quậy tới bến”, làm khổ vợ con. Còn uống cà phê thì chưa nhắp ngụm nào đã “quậy” rồi!

Tôi phản đối, làm gì có chuyện đó. Anh bạn trả lời tỉnh bơ: “Không quậy cho tan đường thì cà phê đắng ngắt, ai mà uống cho được?”.

 

Cà Phê Starbucks, Quận 1

 

***
--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

Hiện tượng “Làng tôi” trong âm nhạc Việt



Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn ngủi, nền âm nhạc Việt Nam đã có đến 3 bài hát mang cùng tựa đề “Làng tôi”. Đó là một hiện tượng “đặc thù” và “hiếm có” vì cả 3 bài đều mang đến cho người yêu nhạc tiền chiến những tác phẩm bất hủ về làng quê.


***

Năm 1947, một năm sau kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhạc sĩ Văn Cao là người đầu tiên sáng tác nhạc phẩm “Làng tôi”. Khi đó, ông cùng các văn nghệ sĩ tản cư về một thôn thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Đông.

Trong một lần đi công tác, con đò chở ông xuôi sông Đáy, hai bên bờ sông rợp bóng tre xanh thơ mộng. Theo lời kể của họa sĩ Văn Thao, con trai của nhạc sĩ Văn Cao, ông sáng tác “Làng tôi” dành tặng cho vợ thay quà cưới. Văn Thao kể lại:

“Bỗng một hồi chuông từ nhà thờ ngân lên hòa cùng tiếng mái chèo khua nước. Tiếng chuông khiến tâm hồn nhạy cảm của của Văn Cao bồi hồi, xao xuyến và đưa ông về với miền quê thân thương đầy ắp những kỷ niệm…”


Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995)


Những cảm xúc xuất thần đã khiến ông viết ca từ theo nhịp điệu Valse 6/8 với những câu thật tự nhiên, thơ mộng nhưng cũng không kém phần tang tóc của chiến tranh:


“Làng tôi xanh bóng tre

Từng tiếng chuông ban chiều

Tiếng chuông nhà thờ rung

Đời đang vui đồng quê yêu dấu

Bóng cau với con thuyền, một dòng sông.



“Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà

Ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn

Đường ngập bao xương máu tơi bời

Đồng không nhà trống tàn hoang…”


Bản nhạc “Làng Tôi” của Văn Cao


Hai năm sau (1949), cũng tại chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Hồ Bắc sáng tác “Làng tôi” và cũng vẫn điệu Valse ¾:


“Làng tôi sau lũy tre mờ xa

Tình quê yêu thương những nếp nhà

Làng tôi yên ấm bao ngày qua

Những chiều đàn em vui hòa ca



“Làng tôi bát ngát cánh đồng

Mỗi khi thu sang nắng vàng bông lúa chín

Làng mạc vui sống êm đềm,

Người nông dân hăng hái tăng gia cho đời no


Nhạc sĩ Hồ Bắc (1930-2021)


Chuyển sang đoạn thứ hai là cảnh xơ xác của kháng chiến chống Pháp với sự tham gia của những người trai thời loạn:


“Nhưng ngày nào quân cướp tràn qua đốt phá tan hoang, quê nhà tôi xơ xác

Có những người chiến sĩ xa quê hương súng bên mình cùng tiến bước lên đường”



Và cuối cùng là đoạn nhạc trầm ấm, mô tả đoàn du kích trở về vào một buổi chiều:


“Có những chiều đoàn du kích quân về

Trong đêm khuya rộn ràng nghe tiếng bước

Nhớ những người con đã xa quê hương

Bóng mẹ già nhìn theo mến thương…”


Bản nhạc “Làng Tôi” của Hồ Bắc


Đến năm 1952, tại Hà Nội, nhạc sĩ Chung Quân lại cho ra đời “Làng tôi”, một nhạc phẩm với tiết tấu Slow, chậm rãi, thiên về tả cảnh một ngôi làng quê thơ mộng:


“Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh

Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam

Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau

Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng…



Quê hương mang hơi thở của một vùng quê yên bình với lời lẽ mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt:


“Quê tôi chìm chân trời mờ sương

Quê tôi là bao nguồn yêu thương

Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn

Là bao vấn vương tâm hồn… người bốn phương…”


Nhạc sĩ Chung Quân (1936-1988)


Công ty điện ảnh của đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội có sáng kiến tổ chức một cuộc thi viết nhạc nền cho bộ phim “Kiếp hoa”. “Làng tôi” của Chung Quân đã trúng giải khi tác giả ca khúc chỉ mới 16 tuổi. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của điện ảnh Việt Nam vào thời ấy.

“Làng Tôi” được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, với lời lẽ mộc mạc, dung dị nhưng lại thấm đẫm tình cảm cho dù tác giả của nó thuộc loại… “vô danh tiểu tốt”. Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và cũng nhờ danh tiếng của “Làng tôi”, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An và Nguyễn Trãi. Ông cũng đã là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc…


Bản nhạc “Làng Tôi” của Chung Quân


Có một giai thoại về Chung Quân cùng một giáo sư là ông Hà Đạo Hạnh dạy cùng trường. Ông là một cử nhân toán, có vẻ như coi thường nhạc sĩ Chung Quân:

– Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?

– Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết!

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc, ông về nước dạy văn và ở Huế cho đến ngày qua đời vào năm 1988.


***

Như đã nói ở trên, chỉ trong một thời gian 5 năm, từ 1947 đến 1952, nền âm nhạc Việt Nam đã có đến 3 nhạc phẩm mang cùng tên. Cả 3 bài hát đều mô tả “Làng tôi” qua những cách nhìn đặc thù của những nhạc sĩ.

Tuy nhiên, tựu chung cũng đã nói lên tình cảm của người dân Việt đối với làng quê nơi đã từng cưu mang những kỷ niệm đẹp (cũng như bất hạnh) của những người đã từng gắn bó bên những lũy tre làng!


***

* Làng Tôi (Văn Cao) – Tiếng hát Mai Hương & Quỳnh Giao
https://www.youtube.com/watch?v=oeS17TXOVQ4


* Làng Tôi (Hồ Bắc ) – Tiếng hát Thanh Giang & Tốp nữ CLB văn nghệ cựu chiến binh Sư đoàn 308
https://www.youtube.com/watch?v=tPEVTJGnkXg


* Làng Tôi (Chung Quân) - Tiếng hát Hương Lan
https://www.youtube.com/watch?v=oyTjs3wq9Vg


***

--> Read more..

Popular posts