Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Hiệp định Genève nhìn từ các phía

Vào ngày 26/4/1954, 9 quốc gia (Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Pháp, Lào, Campuchia, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Quốc gia Việt Nam) đã nhóm họp tại Genève (Thuỵ Sĩ) để bàn về việc khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương.

Hội nghị tái nhóm vào ngày 8/5/1954 và đã trở thành cuộc “mặc cả”“đi đêm” giữa Việt Minh và thực dân Pháp. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Minh đòi chia đôi Việt Nam kể từ vĩ tuyến 13 (ngang với Tuy Hòa). Nhưng trước sức ép của Liên Xô và Trung Cộng, Việt Minh chấp thuận đề nghị dời lên vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị.

 

Phòng họp về Hiệp định Genève

 

Đại diện phía Quốc Gia Việt Nam luôn luôn phản đối việc chia cắt đất nước. Bác sĩ Trần Văn Đỗ đã ra một bản tuyên ngôn với những lời lẽ gay gắt:

“Chúng tôi long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngưng chiến do hai cơ quan Tư Lệnh Tối Cao Pháp và Việt Minh… yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của nhân dân Việt Nam”.

Sở dĩ phái đoàn Quốc Gia Việt Nam phải chống đối kịch liệt việc chia cắt đất nước, vì thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước cũng bị chia đôi bởi giòng sông Gianh và là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam.

Sông Gianh (còn gọi là Linh Giang) dài khoảng 160 km, cắt qua Quốc lộ 1 ở tây bắc. Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh–Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786). Cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần nửa thế kỷ (từ 1627 đến1672).

 

Sông Gianh, đoạn qua Tuyên Hóa, Quảng Bình

Sông Bến Hải, nằm ở vĩ tuyến 17, dài chừng 100 km với nơi rộng nhất khoảng 200 m, thuộc huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, được Hiệp định Genève chọn làm ranh giới giữa hai miền Nam Bắc với chiếc cầu Hiền Lương (183 m) bắc ngang.

 

Cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải là ranh giới giữa 2 miền Nam-Bắc

Đúng 12 giờ đêm ngày 20/7/1954, Hiệp Định vẫn chưa được ký nên đồng hồ trong phòng họp ngưng chạy cho đến khi bản Hiệp Định ra đời. Trên thực tế, Pháp và Việt Minh đã phải vội vã ký kết vào lúc 3 giờ 50 sáng ngày 21/7/1954, nhưng Hiệp định vẫn đề ngày 20/7/1954 với chữ ký của đại diện Pháp và Việt Minh.

Nội dung Hiệp Định có những điểm chính như sau: Hai bên có 300 ngày để di chuyển nhân sự, hai năm sau (ngày 20/7/1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, Ủy Ban Quốc Tế Giám Sát việc thi hành gồm 3 quốc gia: Ấn Độ, Ba Lan và Canada.

Hiệp định Genève cũng cấm phá hủy cơ sở trước khi rút quân, cấm trả thù hoặc ngược đãi những người đã cộng tác với đối phương, cấm đưa thêm quân đội, vũ khí hoặc lập căn cứ quân sự ở vùng đối phương.

Hiệp Định cũng ấn định một thời gian chuyển tiếp để dân chúng hai miền được quyền tự do lựa chọn đi theo chính phủ Cộng Sản hay Quốc Gia. Phía Quốc Gia có thời hạn tập trung dân chúng 80 ngày tại Hà Nội, 100 ngày ở Hải Dương và 300 ngày tại Hải Phòng để xuôi Nam.

Tại Miền Nam, những người muốn theo Việt Minh để ra Bắc có thể tập trung tại Hàm Tân 80 ngày, Bình Định 100 ngày và Cà Mâu 300 ngày để di chuyển về Miền Bắc. Người dân Miền Nam di cư về Bắc rất ít, chủ yếu là thân nhân bộ đội tập kết ra Bắc.

 

Sau Hiệp định, gần 1 triệu người đã rời miền Bắc di cư vào Nam

Tổng kết tính đến ngày di tản cuối cùng vào tháng 3 năm 1955, đã có khoảng gần 1 triệu người theo “Con Đường Đến Tự Do” (Passage to Freedom) từ Bắc vào Nam. Đa số là người theo đạo Công Giáo… nhưng khi thời gian di cư chấm dứt, nhiều người vẫn tiếp tục vượt biên bằng thuyền bè hoặc bơi qua sông Bến Hải.

 

Chương trình “Passage to Freedom” (Con đường đến Tự Do) do Pháp và Hoa Kỳ tổ chức để đưa người vào Nam

Lập trường của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do, giới tuyến quân sự không được coi là “biên giới quốc gia” và chỉ tồn tại cho đến khi hoàn thành Tổng tuyển cử để thành lập Chính phủ Liên hiệp.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị ở thế tương đối “bị động” do sự thiếu thông tin từ việc phải đặt căn cứ ở vùng rừng núi, không kiểm soát được các thành phố lớn và thiếu một hệ thống tình báo chiến lược có hiệu quả.

Phía Việt Nam cũng tỏ ra thiếu kinh nghiệm, cũng vì thiếu thông tin nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không đánh giá được hết ý đồ của các nước lớn trong đó có vai trò của Trung Quốc, tham vọng của Anh và Hoa Kỳ cũng như không nắm được hết những mâu thuẫn giữa những nước lớn với nhau.

Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã dành toàn bộ bài phát biểu đầu tiên cho việc đòi đại diện các lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Campuchia (Khmer Issarak) phải được tham dự như các thành viên bình đẳng. Tuy nhiên, các nước phương Tây bác bỏ đề nghị này vì vấn đề tại Lào-Campuchia là một vấn đề khác.

Lập trường ban đầu của Trung Quốc giống với Việt Nam là giải quyết cùng một lúc vấn đề ở ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, sau khi Việt Nam chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc chuyển sang ủng hộ quan điểm của các nước phương Tây.

Cả Pháp lẫn Việt Nam đều xác định Điện Biên Phủ là trận chiến quyết định vị thế hai bên trước khi bước vào bàn đàm phán. Chính phủ chủ chiến ở Pháp gặp nhiều sức ép trong nội bộ, vị thế Đảng Cộng sản Pháp trong Quốc hội được nâng cao và giải pháp Bảo Đại không phát huy tác dụng.

Pháp muốn có một lối thoát trong danh dự khỏi cuộc chiến cũng như bảo vệ các lợi ích còn sót lại tại Đông Dương. Ban đầu phái đoàn Pháp tham dự Hội nghị giữ lập trường khá cứng rắn: đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xoa dịu dư luận và để chính phủ của Thủ tướng Laniel tránh bị mất tín nhiệm, đồng thời tranh thủ thời gian cứu nguy cho quân đội Pháp ở Đông Dương.

Phía Pháp chủ trương chỉ giải quyết vấn đề quân sự theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là ngừng bắn và giải giáp tại chỗ những lực lượng không chính quy mà không có giải pháp chính trị.

Sau một thời gian giữ lập trường cứng rắn thì Pháp gánh chịu thất bại lớn ở trận Điện Biên Phủ, nội các của thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức ngày 12/6/1954.

Phe chủ chiến ở Pháp bị đánh đổ, ngày 18/6, khi nhậm chức, Mendès France tuyên bố sẽ từ chức nếu trong vòng một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Pháp muốn rút khỏi chiến tranh Đông Dương trong danh dự đồng thời duy trì những lợi ích kinh tế và ảnh hưởng văn hoá tại Lào, Campuchia và Miền Nam Việt Nam.

Pháp không chấp nhận phương án vĩ tuyến 13 của Việt Nam với lý do chính quyền Bảo Đại vẫn cần phải có Huế, đồng thời Pháp vẫn cần Đường 9 để tiếp tế cho Lào từ Biển Đông, mất Tây Nguyên thì sớm hay muộn Việt Nam Dân chủ Cộng hóa cũng sẽ chiếm Nam Việt Nam.

Pháp đề xuất vĩ tuyến 18 để ép Việt Nam phải từ bỏ vùng kháng chiến ở khu vực miền Trung gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, những địa bàn có lực lượng Việt Minh rất mạnh cả về chính trị lẫn quân sự.

Ngày 4/6/1954, trước khi Hiệp định Genève được ký kết 6 tuần, Thủ tướng Pháp đã ký tắt dự thảo Hiệp ước Matignon với Thủ tướng Quốc gia Việt Nam. Bản dự thảo dự kiến công nhận Quốc gia Việt Nam hoàn toàn độc lập khỏi Chính phủ Pháp và là thành viên của khối Liên hiệp Pháp.

Mặt khác, Hiệp ước Matignon mới chỉ được ký tắt dưới dạng ghi nhớ giữa 2 Thủ tướng chứ không phải nguyên thủ cao nhất của 2 bên là Tổng thống Pháp René Coty và Quốc trưởng Bảo Đại, nên nó vẫn chưa có hiệu lực pháp lý.

Bảo Đại đã đến Pháp từ tháng 4 và dự định rằng vấn đề chữ ký chính thức sẽ được giải quyết trong 2-3 tuần, nhưng dự định này đã tắt ngấm khi Hiệp định Geneve diễn tiến quá nhanh. Sau khi Hiệp định Genève được ký, Hiệp ước Matignon đã trở nên không còn hiệu lực. Đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:

"Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn quốc gia Việt Nam... Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở."

Tuy vậy, lời phản kháng và đề nghị của đại diện Quốc gia Việt Nam đã không được Hội nghị bàn tới. Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ từ Genève tuyên bố với báo chí:

"Từ khi đến Genève, phái đoàn không bao giờ được Pháp hỏi về ý kiến về điều kiện đình chiến, đường phân ranh và thời hạn Tổng tuyển cử. Tất cả nhưng vấn đề đó đều được thảo luận ngoài Hội nghị, thành ra phái đoàn Việt Nam không làm thế nào bầy tỏ được quan điểm của mình".

Tuy lên tiếng phản đối, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, Chính phủ và quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn cùng quân Pháp tập kết về phía nam vĩ tuyến 17, bởi họ vẫn là thành viên của Liên hiệp Pháp.

Ngày 28/4/1954, Ủy ban Bảo vệ Bắc Việt Nam của Quốc gia Việt Nam tìm cách kêu gọi dân chúng di cư vào Nam. Một kế hoạch di cư được đặt ra và một Uỷ ban di cư được thành lập. Ngày 30/7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phát biểu cổ vũ dân chúng miền Bắc di cư với khẩu hiệu “Chúa đã vào Nam”.

Sau đó, hậu thân của Quốc gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức tuyển cử thống nhất Việt Nam, trái với Tuyên bố chung của Hiệp định.

Chính phủ Hoàng gia Campuchia mong muốn hoàn toàn độc lập, đồng thời chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Campuchia. Lực lượng Khmer Issarak phải giải giáp, đổi lại Chính phủ Campuchia chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do được bầu ra.

Lập trường của Chính phủ Hoàng gia Lào tương tự Chính phủ Campuchia. Lào mong muốn hoàn toàn độc lập và chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Lào. Lực lượng quân sự Pathet Lào phải tập kết về hai tỉnh Phongsaly và Xamneua dưới sự giám sát quốc tế, đổi lại Chính phủ Lào chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử tự do bầu ra Chính phủ mới trong đó những thành viên Pathet Lào có thể tham gia với tư cách là ứng cử viên hoặc cử tri.

Nước Anh không muốn dính líu vào cuộc tái xâm lược của Pháp ở Đông Dương cùng với Mỹ nhưng cũng không muốn gây tổn hại đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Anh kiên trì khuyên Mỹ trì hoãn những hành động quân sự tại Đông Dương bao gồm việc thành lập khối SEATO cho đến khi "lực lượng cộng sản đưa ra giải pháp hoà bình" được Mỹ chấp thuận do đó không phải lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ Mỹ.

Ngoài ra, Anh chủ trương ủng hộ Pháp thương lượng trên thế mạnh. Đồng thời Anh cũng đề nghị các nước thân Anh tham gia Hội nghị loại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khỏi Hội nghị. Tuy nhiên đề xuất của Anh bị Liên Xô bác bỏ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bên tham chiến trực tiếp với Pháp.

Ngay trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc một tháng, Hoa Kỳ đã yêu cầu Pháp bằng mọi cách không được thất bại do lo ngại phong trào Cộng sản sẽ lan rộng khắp Đông Nam Á.

Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối ký Hiệp định Genève nhưng ra tuyên bố nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm Hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế".

Trong tuyên bố của mình, đối với sự chia cắt Việt Nam trái nguyện vọng của hai miền Nam - Bắc, chính phủ Mỹ cũng nêu rõ quan điểm "tiếp tục cố gắng đạt được sự thống nhất thông qua những cuộc tuyển cử tự do được giám sát bởi Liên Hợp Quốc để bảo đảm chúng diễn ra công bằng".

Kết thúc Hội nghị Genève, trưởng phái đoàn Chính phủ Mỹ tuyên bố ghi nhận và cam kết tôn trọng quyết định của các bên tham gia Hội nghị Genève. Nhưng liền sau đó, chính Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Hoa Kỳ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Genève và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy".

Cũng như Tổng thống của mình, thượng nghị sĩ (4 năm sau trở thành Tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố: "Nó (Quốc gia Việt Nam) là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó".

Mục tiêu của Liên Xô là ngăn chặn nguy cơ chiến tranh vượt ra khỏi phạm vi Đông Dương khiến phương Tây đoàn kết lại ủng hộ Mỹ. Liên Xô cũng muốn ngăn ngừa việc quốc hội Pháp thông qua kế hoạch thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu. Đồng thời Liên Xô muốn tạo dựng hình ảnh là người bảo vệ hoà bình thế giới và nâng đỡ vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Liên Xô chỉ quan tâm tới các vấn đề ở châu Âu còn các vấn đề ở Châu Á - Thái Bình Dương, Liên Xô phó thác toàn bộ cho Trung Quốc. Do giữ được độc lập và tự chủ trong đường lối đối ngoại nên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biết cách hóa giải quan điểm này của Liên Xô.

Hội nghị Genève là cơ hội quan trọng để đưa Trung Quốc thành một thế lực chính tại châu Á. Lúc này, do Trung Quốc vừa bước ra khỏi Chiến tranh Triều Tiên với nhiều tổn thất, đồng thời, Mao Trạch Đông cũng đang chuẩn bị thực hiện Đại Nhảy Vọt nên cần nhiều nguồn lực.

Trung Quốc lúc này không muốn chiến tranh ở Đông Dương tiếp diễn để không phải chi viện cho các nước Đông Dương. Về mặt chính trị, Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để nâng cao vị thế và tranh thủ sự ủng hộ của các nước phương Tây.

Để thực hiện mục đích của mình, Trung Quốc đã cử một phái đoàn rất lớn gồm 200 người là những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai đứng đầu.

Bên cạnh đó, vào lúc này Trung Quốc chưa có bom nguyên tử hay phương tiện để tấn công Hoa Kỳ nên nước này cũng lo ngại việc chiến tranh tiếp diễn sẽ khiến Hoa Kỳ sử dụng bom nguyên tử ở Việt Nam, thậm chí là cả ở Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã biết Hoa Kỳ có kế hoạch tấn công đảo Hải Nam để hỗ trợ Đài Loan. Tuy nhiên, thông tin này sau đó được phía Hoa Kỳ xác nhận là sẽ không thực hiện vì Hoa Kỳ không muốn tiếp tục đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Trung Quốc thoả hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ bất lợi đối với lực lượng bản xứ chống Pháp tại các nước này. Để kêu gọi sự ủng hộ của Liên Xô đối với các lập trường của Trung Quốc, phái đoàn Trung Quốc đã cố tình cung cấp thông tin sai lệch về tình hình chiến trường Điện Biên Phủ khiến cho Liên Xô không tin rằng Việt Nam sẽ thắng trận và lên các phương án đàm phán không có lợi cho Việt Nam.

Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố:

"Ba nước Đông Dương sẽ không tham gia vào bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ." Tuyên bố của Trung Quốc kết thúc bằng câu "Chúng ta hãy hết sức tin tưởng và tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hoà bình thế giới."

Trong cuộc đàm phán giữa các bên, Trung Quốc giờ đây lại giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng, đặc biệt từ ngày 10/7/1954, Trung Quốc ngày càng thúc ép Việt Nam chịu thiệt thòi, họ cho rằng điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp để tránh Hoa Kỳ có lý do phá hoại.

Ngày 23/6, trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Pháp, Chu Ân Lai thể hiện lập trường không có lợi cho Việt Nam trên bàn đàm phán, như cho Pháp biết quân tình nguyện Việt Nam sẽ rút khỏi Lào và Campuchia, Trung Quốc sẵn sàng công nhận Chính phủ Vientiane và Chính phủ Phnom Penh.

Phía Việt Nam đã phải chấp nhận nhượng bộ rất nhiều nhưng có hai điều khoản phía Việt Nam cương quyết phải có đó là Tổng tuyển cử và giới tuyến quân sự tạm thời không được coi là biên giới quốc gia.

 

Hình nộm Charles de Gaulle và Hồ Chí Minh bị treo cổ của sinh viên biểu tình tại Sài Gòn, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hiệp định Genève vào tháng 7/1964


Nhân kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève 20/7/1954, chúng ta cần nhìn lại lập trường của các bên liên quan để thấy rằng “bàn cờ chính trị” luôn dựa theo chính kiến riêng của từng quốc gia tham dự. 

Có điều câu nói “mạnh được, yếu thua” vẫn là cốt lõi của vần đề!

 

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2024

Duyên văn nghệ!

Sáng nay ngồi cà phê quen nhưng lại có… chuyện lạ!

Trước mắt bỗng xuất hiện một chàng khoảng U-70, chở phía sau là một nàng đeo sau lưng một chiếc đàn guitar.

Xe dừng lại, chàng chuyển cái “amplifier” xuống đường còn nàng thì tháo đàn ra khỏi bao.

Thì ra đây là một cặp đi hát dạo… Trong khi chàng lên dây đàn thì nàng mở cốp xe, lấy ra những tập sách để chuẩn bị cho một buổi tiếp thị… chớp nhoáng!

Giọng hát chàng thật ấm áp cất lên còn nàng thì tiến đến những bàn có khách đang mải chuyện trò hoặc dán mắt vào điện thoại.

Lúc nàng đến bàn tôi khi đó mới biết những quyền sách là những tập nhạc tuyển dày khoảng gần 200 trang với những bài hát quen thuộc trước năm 1975, một thời để nhớ!

Tôi chọn mua một tuyển tập mang tên “Cát Bụi” có hình Trịnh Công Sơn ngoài bìa. Mục lục đầu tuyển tập có tới 180 bài hát của các nhạc sĩ một thời được ưa thích.

Thật quý để có được một tuyển tập với giá 100.000 đồng… mặc dù giờ đây tôi không còn chơi nhạc, bỏ hẳn guitar… nhưng cái quý là có được một tuyển tập đề giữ làm kỷ niệm!

Phải coi đây là một “mối duyên văn nghệ” khi đã bước vào tuổi gần đất xa trời. Ăn uống giờ đây chẳng được bao nhiêu nhưng với món quà văn nghệ này mới thật là… vô giá!


 ***




















***


















 

--> Read more..

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Chuyện tình xe ôm

* Chị:

Chị mở “app” để gọi Grab. Trên Grab hiện hình ảnh người tài xế xe ôm khiến chị có cảm giác quen quen. Sự “ngờ ngợ” ban đầu bỗng trở “sững sờ” khi xe ôm đến!

Cũng vẫn khuôn mặt quen thuộc ngày nào nhưng giờ đây có pha chút dấu tích của thời gian sau 12 năm xa cách. Anh vẫn là người ít nói nhưng qua ánh mắt chị vẫn cảm nhận được sự “ngỡ ngàng” của một người tài xế xe ôm, an phận với hoàn cảnh hiện tại.

12 năm trước đây anh là giáo viên dạy Anh văn các lớp đêm của Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật thành phố. Họ quen nhau vì dạy cùng trường vào buổi tối. Chị biết anh đã có gia đình nhưng không hiểu tại sao hai người vẫn yêu nhau trong một mối tình… nghiệt ngã.

Kể từ đó, chị không màng đến những bạn đồng nghiệp khác lúc nào cũng vây quanh chị. Chị “ở vậy” cho đến thời điểm ngồi trên xe ôm của anh với một mối tình “không lối thoát”.

* Anh:

Anh đã trải qua 3 năm trời trong trại cải tạo sau ngày 30/4/1975. Khi ra trại, anh đã làm đủ mọi việc, từ lao động phổ thông, trông hàng ngoài chợ cho đến việc bỏ mối lò dầu hôi cho các chợ lớn nhỏ khắp thành phố, kể cả việc “dạy chui” tiếng Anh cho những người tính vượt biên.

Khi Trung tâm Nghiên cứu Dịch thuật mở các lớp đêm dạy tiếng Anh, anh may mắn được “đứng lớp” và đó cũng là cơ hội anh được gặp chị, một trong số ít các đồng nghiệp nữ.

Thế rồi từ quen biết hai người tiến xa hơn trong một cuộc tình… ngang trái. Thế rồi thời gian cũng khiến cho họ phải xa nhau cho đến ngày hôm nay, trong “cương vị” của anh lái xe ôm chở khách hàng là người tình cũ.

* Đoạn kết:

Ngồi sau xe ôm anh chở, chị bỗng cất tiếng:

- Hay là... hay là mình quay lại đi anh?

- Quay lại đường cũ hả?

Anh còn nói thêm:

- Đang ế mà gặp khách như em anh mừng lắm. Nhưng quay lại vào giờ cao điểm có khi cước phí gấp đôi đấy em nhé!

Chuyện tình xe ôm của 2 người chấm dứt tại đây thuộc loại “chuyện hư cấu”. Người kể chuyện không biết diễn biến của câu chuyện như thế nào sau đó!

***

* Chuyện phỏng theo “Mình quay lại đi anh !” trên Facebook của Son Bui tại:

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=499651795832236&id=100073622584948



 

***
--> Read more..

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Bóng người trong cảnh hoàng hôn

Mặt trời lặn là một hiện tượng thiên nhiên diễn ra trước con mắt mọi người mỗi khi chiều dần xuống để bước vào đêm. Hiện tượng này cứ lập đi lập lại một lần vào cuối ngày khiến chúng ta nhiều khi không để ý đến.

Thế nhưng, qua con mắt của những người làm nghệ thuật, đặc biệt là những nhiếp ảnh gia, đó là một đề tài được rất nhiều nghệ sĩ quan tâm đến để khai thác.

Dựa vào hậu cảnh của mặt trời đang từ từ lặn, người bấm náy có thể dùng bóng người trên nền trời hoàng hôn đỏ thắm để truyền tải ý nghĩa của câu chuyện mà mình muốn nói.

Dĩ nhiên, để có một tác phẩm đặc biệt về mặt trời lặn đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải có một ý tưởng độc đáo, kết hợp với một kỹ thuật nhiếp ảnh của riêng mình để bức ảnh mang một sắc thái vừa nghệ thuật lại vừa bắt mắt.

Aaditya Shrirang, một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi người Ấn Độ, đã chọn cho mình hướng sáng tác đó. Hiện tượng mặt trời lặn là một hình ảnh thật quyến rũ nhưng cái khéo của anh là những bóng người vây quanh để nói lên một câu chuyện có chủ đề mà người nghệ sĩ muốn truyền tải.

Mời các bạn thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật của Aaditya Shrirang được thực hiện qua iPhone, loại điện thoại rất thông dụng trong thời đại công nghệ ngày nay!

* Xem "Bóng người trong cảnh hoàng hôn" trên Facebook tại: 
https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589/posts/pfbid02aksPzL1oSgV4SozsQwHLLKz9jkHgZkcceuuc87e56RDtDRKuKGZTrpo5V7X5f8vil

* Xem thêm những tác phẩm của Aaditya Shrirang trên trang Instagram tại: instagram.com/aadigraphy999/



***


Chiếc nhẫn đính hôn


Con người và Thiên nhiên


Một sự kết hợp nhuần nhuyễn trong cảnh hoàng hôn


Hãy giữ lại giây phút quý giá này!


Một ý tưởng rất... giản đơn


Mặt trời trong bàn tay con người


Hoa... hướng dương


Giây phút thăng hoa


Chuyện hai nguòi


Trận đấu giữa hoàng hôn


Làm thế nào để bắn được mặt trời?


Khi người nông dân thu hoạch viên ngọc quý


***


--> Read more..

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Có thể bạn chưa biết về Ngày Quốc Khánh Mỹ

Hằng năm, cứ đến ngày 4 tháng 7, nước Mỹ lại tưng bừng kỷ niệm ngày Độc Lập, hay còn gọi là Ngày Quốc Khánh, với các cuộc diển hành, bắn pháo bông… bên cạnh đó, mỗi gia đình còn tổ chức những bữa tiệc thịt nướng (BBQ) tại sân cỏ sau nhà.

Tuy nhiên, có những điều mà ngay cả người bản xứ cũng không biết rõ về những “bí ẩn” quanh ngày xứ Cờ Hoa kỷ niệm ngày Độc Lập của họ.

Người ta chỉ đơn thuần nghĩ ngày 4/7/1776 là ngày Bản Tuyên ngôn Độc lập được ký. Vì trước đó, ngày 11/6, Quốc hội đã biểu quyết nhưng mãi đến ngày 2/7 mới được chính thức xác nhận bằng văn bản.

Ban đầu, John Adams, người cổ suý cho nền Độc Lập của 13 thuộc địa khỏi nước Anh, chủ trương ngày 2/7/1776 sẽ là ngày khai sinh ra nước Mỹ. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 4/7 văn bản mới được John Hancock (Chủ tịch Quốc hội) và Charles Thomson (Tổng thư ký Quốc hội) ký kết.

Những chữ ký tiếp sau đó trong Bản Tuyên Ngôn chỉ được thực hiện trong những tháng sau… Như vậy, có thể nói “Ngày 4 tháng 7” chỉ là một con số tượng trưng.

 

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ

 

“Ngày 4 tháng 7” đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử nước Mỹ nhưng lại cũng lưu lại những kỷ niệm đáng buồn khi cũng vào ngày này Hoa Kỳ đã chịu tới 3 cái tang của các vị Tổng Thống trong những ngày Quốc Khánh năm 1826 và 1831.

(1) John Adams, Tổng Thống thứ 2 (nhiệm kỳ 1797-1801), qua đời ngày 4/7/1826;

(2) Thomas Jefferson, Tổng Thống thứ 3 (nhiệm kỳ 1801-1809), qua đời cũng vào ngày 4/7/1826, và

(3) James Monroe, Tổng Thống thứ 5 (nhiệm kỳ 1817-1825), qua đời ngày 4/7/1831.

Đúng là một trường hợp đáng tiếc khi cả ba vị Tổng Thống lần lượt qua đời vào những ngày mà cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Độc Lập với những bữa tiệc sum họp của gia đình!

Cái chết cùng ngày của 3 vị Tỗng Thống khiến cho người đời sau có nhiều chuyện để bình luận. Daniel Webster cho rằng các vị đã cống hiến đời mình cho tổ quốc thì họ cùng qua đời trong một ngày cũng là một “đoạn kết có hậu” cho Hoa Kỳ.

Nhà sử học John Tyler còn tiết lộ chi tiết “động trời”: Jefferson có lần đã bày tỏ ông muốn “ra đi” vào ngày 4/7… để chứng minh rằng cái chết của ông có sự sắp đặt trước. Nếu đúng như vậy, Jefferson đã không qua đời một cách… tự nhiên!

 

Tổng Thống Thomas Jefferson qua đời ngày 4/7/1826

 

Ngày nay, những món chính trong bữa tiệc BBQ ngày Quốc Khánh là “hot dog”“hamburger” nhưng ngày xưa người dân xứ Cờ Hoa chỉ dùng những món thuần tuý như gà nướng, cá và rau quả.

Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, những di dân gốc Đức mới đem xúc xích, “frankfurters” vào thực đơn ngày lễ.

Thật đơn giản và ít tốn kém để chuẩn bị những món này cho những buổi BBQ quy tụ đông người… Thế cho nên “hot dog”“hamburger” đã trở thành những món “truyền thống” cho bữa tiệc ngoải trời để chung vui trong ngày 4/7.

 

“Hot dog” là một trong những món ăn đặc biệt trong Ngày 4 Tháng 7

 

Cái thú của ngày Độc Lập là được ngắm nhìn pháo bông trên bầu trời đêm. Rất ít người biết những bông hoa nở giữa trời đêm lại có xuất xứ từ Trung Hoa Cổ đại… vì người Tàu đã biết bắn pháo bông từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên.

Pháo bông từ Châu Âu đầu tiên được du nhập vào Mỹ để phục vụ trong ngày vui tại Philadelphia năm 1777, một năm sau ngày tuyên bố Độc Lập. Kể từ khi đó, pháo bông là một hoạt động không thể thiếu trong “ngày sinh nhật” của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

Pháo bông có xuất xứ từ Trung Hoa Cổ đại

 

Ngày Độc Lập đầu tiên năm 1776 được cử hành ở mức quá đơn giản nếu so với những hoạt động tưng bừng ngày nay. Hồi đó, tại Philadelphia là thủ tục đọc Tuyên ngôn, đi kèm theo 13 tiếng súng đại diện cho 13 thuộc địa của Anh và sau đó là việc… nâng ly chúc mừng.

Cũng có sự hiện diện của quân đội và ban quân nhạc… nhưng phải đợi đến khi lòng yêu nước của người dân sau khi chấm dứt cuộc chiến năm 1812 mới được tổ chức một cách “bài bản” hơn. “Ngày 4 tháng 7” khi đó mới được tổ chức trọng thể trên toàn quốc.

 

Pháo bông Ngày 4 tháng 7

 

Tuy nhiên, cuộc diễn hành tại thị trấn nhỏ Aptos (California) lại được coi là “một trong những cuộc diễn hành… ngắn nhất” tỗ chức vào năm 2012!

Dân tỉnh lẻ Aptos cũng có đầy đủ các thành phần tham dự như đội cứu hoả địa phương, ban nhạc, xe cổ và cả những thiếu nhi trên những chiếc xe được trang trí sặc sỡ.

* Xem Video Clip “World's Shortest Parade July 4th, 2012 - Aptos, CA” tại:

https://www.youtube.com/watch?v=RHGh_0NX18E


 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2024

Nhạc xưa… Người Viết & Người Ca

Người Viết” ở đây là những nhạc sĩ sáng tác những nhạc phẩm để rồi sau đó được những “Người Ca” trình diễn trước công chúng. Họ gắn bó với nhau như hình với bóng. Cũng vì vậy, một khi bản nhạc đã được quần chúng chấp nhận cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ đều trở thành “thần tượng” của đám đông.

Trong tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) tuy không phải là người tài năng nhất, cũng không phải là người được hâm mộ nhất, nhưng có điều chắc chắn ông là người có đóng góp nhiều nhất cho âm nhạc nếu xét về số lượng ca khúc nổi tiếng được đông đảo công chúng biết tới.

Phạm Duy cũng là người duy nhất sáng tác tất cả các thể loại âm nhạc và ông cũng là người duy nhất hiện diện trong tất cả các giai đoạn lịch sử của đất nước. Ông đã theo Việt Minh vào sống trong chiến khu và cũng đã diện kiến những lãnh tụ quốc gia thuộc nhiều xu thế chính trị khác nhau như vua Bảo Đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, và Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Phạm Duy cũng được nhiều người biết đến với một gia đình nổi tiếng trong lãnh vực ca nhạc ở Hà Nội, từ ban hợp ca Thăng Long với Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) , Hoải Trung đến thế hệ con em như ca sĩ Thái Hiền, Duy Quang, Thái Thảo, Julie Quang…

Là con người “hào hoa”, cuộc đời tình ái của Phạm Duy cũng nổi bật không thua gì cuộc đời nghệ thuật. Ông tâm sự:

“Sống rất phóng túng và nhất là sống trong một thời đại rất náo động thì – hoặc ít hay nhiều – tôi có thể đã làm nên những điều lầm lỗi. Tôi rất muốn được xin lỗi nhiều người”.

Ông lại còn được mệnh danh là “người hát rong của thế kỷ” và đã có lần tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn:

“Người hát rong đã suốt đời không nhận làm một chú hề cho vua chúa (bouffon du roi), đã chọn người dân là đối tượng, rồi trong một thời loạn lạc chia ly đã tự nguyện làm người “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” thì làm sao mà im tiếng hát trước những buồn vui của dân tộc được?

“Trong một nước có quá nhiều biến cố chính trị như nước ta, tôi cũng công nhận rằng nhiều phen tôi bị chính trị bủa vây, nhưng tôi đã cố gắng tránh nó… Không biết tôi có tránh nổi nó chưa? Hay cứ bị người ta đeo vào mình hết nhãn hiệu này tới nhãn hiệu khác?”

(hết trích)

 

Bức ảnh vợ chồng nhạc sĩ Phạm Duy - Thái Hằng ở chiến khu Việt Bắc năm 1949

 

Trên trang web của nhacxua.vn có nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người sinh ra tại Quảng Trị năm 1929 và kết hôn với ca sĩ trẻ đẹp Thuý Nga năm 1957.

“Một trong những bản nhạc mà khi nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người ta không thể không nhớ đến, đó là “Đường Xưa Lối Cũ”. Trong tờ nhạc xuất bản trước 1975, đề bút dưới tựa đề của bài hát này, nhạc sĩ đã ghi: “Kính tặng Mẹ và tặng Em”. Từ khi ra đời cho đến nay, bài hát đã được nhiều người yêu thích, dễ đi vào lòng người nghe nhờ những giai điệu và ca từ buồn thương tiếc nhớ về hình bóng của những người thân yêu đã không còn nữa trên lối cũ về làng xưa. Bài hát này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác khi ông trở về làng Bích Khê ở Quảng Trị sau nhiều năm xa cách vì đất nước loạn lạc”.

Theo nhacxua.vn, trong bài hát có câu: “Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn…” lâu nay đã có nhiều người tưởng rằng nhạc sĩ nói về nỗi buồn người yêu sang ngang, tuy nhiên theo chính lời kể của nhạc sĩ thì đó là người em gái yêu dấu của ông, đã lấy chồng biệt xứ trong hoàn cảnh đất nước đã chia đôi.

Trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và đa dạng của mình, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã để lại cho đời hàng trăm ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu nhất là “Đường Xưa Lối Cũ”, “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi”, “Túp Lều Lý Tưởng”… và đặc biệt là những ca khúc viết về quê hương như “Gạo Trắng Trăng Thanh”, “Trăng Rụng Xuống Cầu”, “Rước Tình Về Với Quê Hương”…

 

Hoàng Thi Thơ - Thuý Nga và các con

 

Kho tàng âm nhạc trước 1975 còn rất nhiều nhạc sĩ đã góp phần không nhỏ vào lịch sử âm nhạc Miền Nam. Điển hình là các tên tuổi như:

- Y Vân (1933-1992), nhiều sáng tác của ông đã trở thành bất hủ như “Lòng Mẹ” năm 1957 và hiện vẫn được trình diễn bởi các thế hệ ca sĩ đương thời. Ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu cha cha cha, disco, twist như “Sài Gòn”, “Ảo Ảnh”, “Sáu Mươi Năm Cuộc Đời”, “Thôi”...

 

Y Vân (1933-1992)

 

- Đỗ Lễ (1941-1997) với những nhạc phẩm nổi tiếng “Chia Ly”, “Sang Ngang” và “Tình Phụ”. Năm 1994, sang định cư tại Mỹ và trở về Việt Nam năm 1996. Ông đã kết liễu đời mình bằng một liều Quinine cực mạnh tại Sài Gòn năm 1997.

 

Đỗ Lễ (1941-1997)

 

- Trịnh Công Sơn (1939-2001) những tác phẩm của ông được biết đến rộng rãi là khoảng 236 ca khúc. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly với “Diễm Xưa”, “Ướt Mi”, “Gia Tài Của Mẹ”…

 

Trịnh Công Sơn (1939-2001)

 

Về phần ca sĩ, Khánh Ly vốn nổi tiếng một thời với danh hiệu “nữ hoàng chân đất” đã thằng thắn nhìn nhận:

“Chúng tôi, lớp người đã được quần chúng chấp nhận trước 75, thật sự đã trải qua bao nhiêu khó khăn, bằng chính năng khiếu của mình. Chỉ có một ít may mắn đủ trình độ văn hoá Đại học và tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc như Hoàng Oanh, Thanh Lan, Đức Huy, Quỳnh Giao, Mai Hương…. Còn lại, đa số chỉ đến Trung học, chưa bao giờ bước chân vào Quốc Gia Âm Nhạc. Lên sân khấu, với năng khiếu Trời cho và may mắn được chấp nhận”.

 

Khánh Ly (sinh năm 1945)

 

- Ca sĩ Thanh Thuý (sinh năm 1943) đã một thời nổi tiếng với những tác phẩm như “Nửa Đêm Ngoài Phố”, “Mưa Nửa Đêm”, “Phố Buồn”... Bà cũng là một ca sĩ được khán giả đặt cho nhiều biệt danh nhất, như “Tiếng Hát Liêu Trai”, “Tiếng Hát Lúc 0 Giờ”, “Tiếng Hát Về Khuya”.

Thanh Thuý còn được một số nhạc sĩ viết tặng nhiều bài hát, như “Uớt Mi”, “Thúy Đã Đi Rồi”, “Được Tin Em Lấy Chồng”… cùng rất nhiều bài thơ của các thi nhân viết để tặng bà.

Năm 1961, bà được phong danh hiệu "Hoa hậu Nghệ sĩ" tại phòng trà Anh Vũ. Bà trở thành một ngôi sao trên các đại nhạc hội, làn sóng điện đài phát thanh và những hãng băng dĩa lớn thời đó. Bà còn lập cả trung tâm băng nhạc Thanh Thúy, do chính bà thực hiện và do nhạc sĩ Ngọc Chánh hòa âm và thành công với số lượng trên dưới 30 băng nhạc.

Sau năm 1975, bà sang Hoa Kỳ định cư cùng với gia đình. Tại đây, bà thành lập một trung tâm băng nhạc mang tên "Thanh Thúy Productions". Bà cũng cộng tác với một số trung tâm băng nhạc tại hải ngoại, điển hình là trung tâm Asia.

 

Thanh Thuý, trong đêm “Một thời đề nhớ”, Melbourrne, 2013

 

- Thanh Lan (sinh năm 1948) là một nghệ sĩ hiếm hoi đã thành công trong cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Ngay từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức và tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà.

Ca sĩ Thanh Lan, nổi tiếng với các ca khúc nhạc Pháp, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn. Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên.

Với điện ảnh, bà đã tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như “Tiếng Hát Học Trò”, “Ván Bài Lật Ngửa”… Ngay từ khi vào năm thứ nhất Đại học Văn khoa, Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Bà tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi.

Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp. Bà cũng đi lưu diễn ở một số nước trên thế giới.

Năm 1973, tại Nhật Bản, Thanh Lan đã trình bày ca khúc "Tuổi biết buồn" được vào chung kết tại Đại hội Âm nhạc Quốc tế Yamaha tại Tokyo. Bà còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài "Ai no hio Kesanaide""Tuổi mộng mơ" của Phạm Duy, được dịch sang tiếng Nhật là "Yume o Miruno".

Sau vài năm gián đoạn từ 1975, Thanh Lan lại tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc, nổi tiếng với các bài hát như: "Phượng hồng", "Em đi chùa Hương", "Khi xưa ta bé” (Bang bang), "Trở về mái nhà xưa” (Come back to Sorrento), "Búp bê không tình yêu", "Giàn thiên lý đã xa", "Trưng Vương khung cửa mùa thu"…

Cuối thập niên 1980 Thanh Lan tìm cách vượt biển và vượt biên bằng đường bộ theo các nhóm ra Vũng Tàu, rồi Bến Tre, lên thuyền ra khơi, nhưng kém may mắn, mấy lần vượt biển thất bại, bị công an bắt giam.

Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm bộ phim điện ảnh đầu tay với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc đóng vai chính, nhưng chưa kịp thực hiện. Cũng trong năm đó, trong một chuyến đi quảng bá phim, Thanh Lan đã chọn ở lại Hoa Kỳ và định cư từ đó đến nay.

 

Nữ danh ca Thanh Lan và hồi ký “Bão Tố Cuộc Đời”

 

Trước năm 1975, Miền Nam có loại “tờ nhạc” hay “bìa nhạc” (music sheet) gồm 4 trang với kích thước 30x22cm, được gấp lại thành khổ giấy A4 và bày bán trên thị trường với giá tương đối rẻ. Vì vậy có thể nói một trong những nguồn thu lớn của các nhạc sĩ và nhà xuất bản âm nhạc thời đó đến từ việc bán… tờ bài hát.

Trang đầu có thể là bức tranh vẽ hoặc hình chụp ca sĩ nổi tiếng, in tựa đề bản nhạc và tác giả sáng tác bài hát. Hai trang giữa là bản nhạc, ký âm với những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung bậc. Thậm chí sau này, trên mỗi khuông nhạc lại được các nhạc sĩ ghi cả từng hợp âm để dễ dàng cho người đệm đàn guitar hoặc piano…

Trang cuối là phần quảng cáo của nhà xuất bản, liệt kê những tờ nhạc đã phát hành. Có rất nhiều nhà xuất bản tờ nhạc, nổi tiếng nhất là Minh Phát, Tinh Hoa Miền Nam, Sống Chung, Á Châu, An Phú….

Cũng phải nói thêm, phần trỉnh bày do các hoạ sĩ đảm nhận, có những hoạ sĩ chuyên sống bằng nghề thiết kế hình bìa tờ nhạc. Trong phần hình ảnh, chúng tôi trích dẫn một số “music sheet” trước năm 1975.

 

“Bảy ngày đợi mong” - Trần Thiện Thanh

 

“Chiều Hành quân” - Lam Phương

 

“Chiều mưa biến giới” - Nguyễn Văn Đông

 

“Cô hàng hoa” - Thẩm Oánh

 

“Hè về” - Hùng Lân

 *** 

--> Read more..

Popular posts