Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Hồi ức 30/4: Lai lịch một tấm ảnh

Lời gới thiệu: Cảm giác đầu tiên khi nhìn bức ảnh mà các bạn thấy dưới đây có thể cũng giống như hằng trăm bức ảnh chụp nhân dịp kỷ niệm ngày Sài Gòn thất thủ cách đây đã 46 năm.

Tuy nhiên, điều đặc biệt về nó là câu chuyện phía sau bức ảnh bao gồm ngày và địa điểm chụp do anh Trần Đình Thục, người đã có mặt tại Paris, ngày 27/4/1975, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Qua bài viết của anh Thục người ta mới thấy được tâm trạng và khí thế của các sinh viên Việt Nam đang du học tại Pháp lúc đó. Chỉ 3 ngày sau, Sài Gòn đã đổi tên, và biểu ngữ của sinh viên “Grand Journée de Deuil” (Ngày đại tang) đã trở thành hiện thực.

Cái tang chung cho những người đã từng gắn bó với Sài Gòn đến nay vẫn còn đó! Hôm nay, ngày 27/4/2021, chúng tôi post lại bài viết của anh Trần Đình Thục để hoài niệm ngày 27/4/1975 tại Thủ đô Hoa lệ Paris! 

***

...Tôi cũng không ngờ, khi chụp tấm hình anh chị em sinh viên Paris vào một ngày cuối Tháng Tư, 1975, ngày mà họ cấp bách làm một cuộc xuống đường qua các dãy phố thành phố Paris, để ủng hộ miền Nam Việt Nam và tưởng nhớ tới những chiến sĩ thân yêu đang hy sinh trong giai đoạn mịt mù khói lửa này, lại là một tấm hình lịch sử, đánh dấu sớm ngày tang thương của đất nước. Chỉ sớm trước có 3 ngày.

Phải, trước đó, ròng rã suốt Tháng Ba, hình ảnh trên TV cho thấy người dân Đà Nẵng chạy loạn, hình ảnh các chiến trận hoang tàn, rồi cuộc rút lui chiến thuật bỏ đứt vùng cao nguyên, rồi việc Tổng Thống Thiệu từ chức, v.v... đã dồn dập chiếm trọn giờ tin tức trên đài truyền hình, khiến cho người sinh viên Việt, sống xa quê nhà có cảm tưởng như đang ngồi trên lửa bỏng.

Tổng Hội Sinh Viên tại Paris do anh Trần Văn Bá làm chủ tịch lúc đó, đã quyết định phải làm một cái gì để nâng đỡ tinh thần bên quê nhà, mong ước chuyển về bên ấy chút tâm hiệp với các chiến sĩ đang khốn đốn vì bom lửa đạn. Họ, những người sinh viên thuộc vùng Paris và những vùng lân cận Orsay-Antony, Nanterre, đã kêu gọi nhau cùng tổ chức “Một Ngày Cho Quê Hương.”

Trước tiên, phải là một cuộc xuống đường để ủng hộ miền Nam.

Ngày 27 Tháng Tư, mọi người hẹn nhau tại Cư Xá Sinh Viên Quốc Gia trên đường Bertholet. Cư xá là một khách sạn 7 tầng, Hotel Lutèce, được sinh viên âu yếm gọi là Nhà Lý Toét, nằm ngay trong khu La Tinh, trung tâm của các ngôi trường đại học lớn của thủ đô Paris.

Hotel Lutèce được chính phủ VNCH thuê dài hạn từ nhiều năm, để tá túc những sinh viên trong những năm đầu khi họ từ Việt Nam qua Paris du học, giống như một ký túc xá.

Sinh viên đồng lòng thúc đẩy anh em xuống đường trong tinh thần tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh tại quê nhà để bản thân mọi người được tiếp tục trau giồi việc học nơi xứ người.

Từng thước vải đen được trải ra, những dòng chữ “Vinh Danh Các Chiến Sĩ Đã Nằm Xuống Cho Tự Do,” “Miền Nam Tự Do Bất Diệt,” “Ngày Đại Tang,” v.v... được viết bằng tiếng Pháp, chữ trắng trên nền vải đen.

Mỗi người tự chít cho mình vành khăn trắng trên trán, phần để nói lên tâm nguyện của mình, phần để nhận diện nhau, tránh sự trà trộn trong lúc diễn hành của những phần tử “không quốc gia,” muốn phá hoại. 

 

Ngày 27 /4/1975: Sinh viên Việt Nam tại Pháp để tang cho miền Nam

 

Đúng 3 giờ trưa, anh em sinh viên bắt đầu cuộc tuần hành trong thầm lặng qua các dãy phố của Quận 5, khu đại học. Biểu ngữ được giương cao, bát nhang, lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ được căng rộng bốn góc, dẫn đầu cuộc tuần hành dài cả trăm người.

Hoàn toàn trong im lặng, không hoan hô, đả đảo. Một sự chịu đựng đầy tôn nghiêm và trật tự. Khởi đầu đoàn người bắt đầu đi từ đường Gay Lussac, một đại lộ sát nách với Điện Panthéon, nơi chôn cất những vĩ nhân của nước Pháp như Voltaire, Victor Hugo, Marie Curie, v.v... Họ đi dọc xuống tới vườn Luxembourg, rồi quẹo mặt ra đường Boulevard St. Michel, đi ngang trước cửa trường La Sorbonne, ngôi trường Văn Khoa và Luật Khoa nổi tiếng của Paris. Đoàn người qua chiếc cầu Pont St. Michel, sau đó đổ ra đại lộ Rivoli rồi trực chỉ nhắm công trường La Concorde đi tới.

Chữ La Concorde có nghĩa là “Đồng Tâm.” Anh em sinh viên, những đứa con của niền Nam, đang thực sự hướng về quê nhà, đang thực sự đồng tâm chia sẻ nỗi điêu đứng của đất nước trong giai đoạn tàn tạ khốn đốn này.

Bên đường, tiếng la lối của nhóm thiên tả cũng nhiều, tiếng khích lệ từ những người lớn lái xe qua “sao không làm sớm hơn?” cũng không ít.

Anh chị em sinh viên vẫn âm thầm tiến bước. Ban báo chí của tổng hội trao tay cho những người qua đường những tờ bươm bướm in bằng máy roneo nói lên tình trạng của một nước tự do nhỏ bé đang bị cả khối cộng sản phụ nhau lấn chiếm.

Cuộc tuần hành, không có giấy phép của tòa đô chính. Tình trạng đất nước đang ở giai đoạn khẩn trương, không còn thì giờ để xin phép qua thủ tục hành chánh rườm rà. Vả lại đơn xin chắc chắn cũng sẽ bị Tòa Đại Sứ Bắc Việt và cánh tả Pháp thiên Cộng phản đối, ngăn chặn.

Bởi vậy phải tính chuyện liều mạng tổ chức một cuộc tuần hành chớp nhoáng, trong trường hợp bị chặn lại, cũng sẽ có tiếng vang trong giới báo chí, vẫn sẽ có những phản ứng thuận lợi về hình ảnh hiền hòa của một miền Nam đang bị xâm chiếm, trái ngược với những thỏa hiệp trong Hiệp Định Paris đã được ký kết ngay tại thành phố này.

Cuộc tuần hành tuy không hợp lệ, nhưng lại là một thành công. Thành công ở chỗ đã không bị giải tán trong suốt lộ trình. Cơ quan công lực thành phố Paris thấy những khuôn mặt sinh viên trẻ Việt Nam tuần hành đông đảo, nhưng nghiêm túc, trong trật tự, không la hét, đập phá nên họ lẳng lặng theo sát, cuối cùng, cấp trên của họ đã tiếp xúc thẳng tại chỗ với người đại diện của Tổng Hội Sinh Viên là anh Trần Văn Bá. Sau khi đã biết rõ chủ đích ôn hòa và lộ trình của đoàn người, chính họ lại đích thân hộ tống đoàn tuần hành, giúp giải tỏa những khúc kẹt xe do cuộc xuống đường gây nên để giao thông có thể tránh và rẽ qua những hướng khác, một cách nhã nhặn êm thấm.

Tôn chỉ của xã hội Pháp là “Liberté - Égalité - Fraternité” (Tự Do - Bình Đẳng - Nhân Ái) quả thật đã được tôn trọng một cách dân chủ.

Riêng đối với niềm tin của những con dân đất Việt, hồn thiêng sông núi, vong linh các chiến sĩ của tiền nhân, hình như đã chứng giám và hỗ trợ cho lòng thiện tâm của lớp trẻ, nên màn đầu của chương trình “Một Ngày Cho Quê Hương” đã có được một cuộc tuần hành êm ả, thành công.

Màn sau của cuộc biểu tình đã được dự trù là sau khi đã tới được công trường La Concorde rồi, sinh viên sẽ tới ngay trước cổng Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, nằm tại một góc của công trường La Concorde (cuối đường Rivoli) để phản đối chính sách Mỹ đã dồn miền Nam vào hoàn cảnh tang thương hiện tại.

Nhưng khi đoàn sinh viên tới sát khu Tòa Đại Sứ Mỹ, thì nhân viên công lực Pháp, có sĩ quan cao cấp hiện diện, đã chặn đoàn biểu tình lại. Họ nhã nhặn nói: “Chúng tôi không thể để các bạn tới gần hơn nữa.”

Tôn trọng luật lệ xứ người, anh chị em sinh viên đã dàn hàng ngang tại một góc công trường La Concorde, chênh chếch đối diện với Tòa Đại Sứ Mỹ, trang nghiêm làm nghi thức tưởng niệm các chiến sĩ và cất cao bài quốc ca miền Nam để kết thúc cuộc biểu dương tấm lòng chia sẻ nỗi đau thương với đất nước.

Tiếng hát của 300 người trẻ tuy đông đảo nhưng nghe vẫn như mất hút, lạc lõng bơ vơ giữa cái không gian bao la của một công trường rộng lớn. Lạc lõng bơ vơ như thân phận côi cút của một mảnh đất nhỏ bé đang bị bỏ rơi, nằm bên kia quá nửa vòng trái đất.

Đoàn biểu tình sau đó kéo nhau từng nhóm nhỏ về tụ tập tại trường Chính Trị Kinh Doanh của trường Đại Học Assas, nằm bên hông vườn Luxembourg. Giảng đường to lớn của trường đại học có khuynh hướng thân hữu này luôn luôn rộng mở cho những người con của miền Nam tự do.

Tại đây, anh chị em sinh viên của cả ba khu đại học đã làm một đêm không ngủ, có hội thảo, có ca hát. Những bài hát quê hương, tranh đấu được anh em sinh viên tự hát an ủi nhau trong giờ phút khốn đốn của miền Nam nước Việt.

Ba ngày sau, đâu ngờ, Sài Gòn thất thủ.

Thôi rồi, thế là mất hết, mất Sài Gòn, mất quê hương, mất luôn ngày về của lớp trẻ vẫn hằng mơ ước một ngày có thể đóng góp phần trí tuệ của mình cho quê hương thân yêu miền Nam.

Trần Đình Thục

(Nguồn: https://hung-viet.org/p11a18125/lai-lich-mot-tam-anh)

 *** 

--> Read more..

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Vĩnh biệt Hoàng tế Philip

Tang lễ của Hoàng tế Philip diễn ra tại Nhà nguyện St George với sự có mặt đầy đủ của các thành viên Hoàng gia Anh, ai cũng mang một nỗi buồn nặng trĩu đến tiễn biệt Công tước xứ Edinburgh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhưng người buồn nhất chính là Nữ hoàng Elizabeth II, bởi sau 73 năm gắn bó với phu quân hết lòng vì quốc gia dân tộc. Thật khó có thể tưởng tượng được nỗi cô đơn, trống vắng mà Nữ hoàng đang phải trải qua khi mất đi người chồng yêu quý.

Trong đám tang, có một khoảnh khắc ghi lại cho thấy Nữ hoàng ngồi một mình một góc trong nhà nguyện, bà lặng lẽ cúi đầu như để dành tất cả lòng thành kính tiễn đưa chồng về nơi an nghỉ.

Hoàng tế Philip từ trần vào ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi, và tang lễ được cử hành tại Lâu đài Windsor ngày 17/4/2021. Chiếc quan tài được chở trên một chiếc xe tang Land Rover được chế tạo riêng do chính ông thiết kế và sửa đổi trong hơn 16 năm.

Đội Pháo binh Hoàng gia đã bắn một phát súng để báo hiệu bắt đầu phút tưởng niệm tĩnh lặng vào lúc 3g chiều. Phát ngôn viên Cung điện Buckingham cho biết thứ tự trong đám tang "thay đổi theo tình hình thực tế, không phải quyết định chứa đựng bất cứ thông điệp nào".

Tất cả 4 người con của Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth, gồm Thái tử Charles (72 tuổi và là người kế vị Nữ Hoàng), Công chúa Anne, Hoàng tử Andrew, Hoàng tử Edward đều có mặt trong lễ tang cùng sự hiện diện của các con dâu và con rể.

Tám người cháu của Hoàng thân Philip cùng vợ hoặc chồng của họ có mặt trong đám tang, những người khác gồm nhân viên thân cận của Hoàng thân Philip và các thành viên Hoàng gia Anh khác. Số người tham dự tang lễ giới hạn với con số 30 người trong hoàng tộc.

Chúng tôi sưu tầm một số hình ảnh trong buổi lễ tang Hoàng thân Philip. Các bạn cũng có thể xem video clip về buổi lễ này qua video chính thức của Hoàng gia Anh: https://www.royal.uk/funeral-duke-edinburgh-0.


***


Di ảnh Hoàng thân Philip


Nữ hoàng Elizabeth II


Nữ hoàng ngồi một mình một góc trong buổi lễ tang


Một mình một bóng!


Toàn cảnh buổi lễ trong nhà nguyện


Hình ảnh kỷ niệm khi Hoàng thân Philip còn sống và Nữ hoàng một mình trong trong buổi lễ tang


Ba thế hệ Hoàng tộc


 
Hoàng tử Charles, người sẽ nối ngôi Nữ hoàng Elizabeth ll, bên quan tài của cha


Hai người con của Hoàng tử Charles: Hoàng tử William và người em, Hoàng tử Harry.


Quan tài của Hoàng thân Philip trong nhà nguyện


Quan tài được chở trên một chiếc xe Land Rover do chính Hoàng thân Philip thiết kế khi còn sống.


Lễ tiễn đưa Hoàng tế Philip


Vòng hoa phúng điếu của các thành viên trong hoàng tộc.


Hoa phúng điếu của các thần dân


***
--> Read more..

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Chuyện tình Vương Hồng Sển - Năm Sa Đéc

Tôi không phải là “tín đồ” của cải lương, hát bội. Dù là người gốc Bắc di cư vào Nam năm 1953, tôi cũng không quan tâm đến loại cải lương “lai” như của cô đào Kim Chung “Tiếng chuông vàng Thủ Đô” tại Sài Gòn hồi cuối thập niên 50s.

Đó là loại cải lương giống như của người miền Nam nhưng lại hát theo giọng Bắc của ông bầu Trần Viết Long và cũng là chồng của cô đào chính Kim Chung. Dĩ nhiên là đa số khán giả là những người Bắc di cư vào nam từ năm 1954. Họ đến để ủng hộ đoàn cải lương “cây nhà lá vườn”.

 

Nữ nghệ sĩ Kim Chung và ông bầu Trần Viết Long

 

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cô đào hát Kim Chung người Bắc lại trùng vói tên của cô Nguyễn Kim Chung (1908-1988) sinh tại Sa Đéc. Cô là con của ông Hương cả Nguyễn Duy Tam, người sáng lập Thiện Tiền Ban - gánh hát bội đầu tiên ở Sa Đéc năm 1915.

Cô Kim Chung (Sa Đéc) lại là một nghệ sĩ hát bội mang nghệ danh “Cô Năm Sa Đéc”, nổi tiếng với những vai diễn để đời trên sân khấu như Đổng Trác, Lữ Bố, Trưng Trắc… Giọng hát hay cộng với sắc đẹp trời cho nên cô nức tiếng với lời tán tụng “thanh sắc lưỡng toàn”.

 

Bà Năm Sa Đéc (1908-1988)

 

Sau khi gánh hát Thiện Tiền Ban tan rã, Cô Năm sang Cần Thơ đi hát cho gánh của Bầu Bòn. Bầu Bòn chuyển thể thành gánh hát bội pha cải lương vì phải chiều theo thị hiếu của quần chúng bình dân miền Nam lúc đó.

Từ khi bước vào nghiệp cầm ca, thoạt đầu Cô Năm có nghệ danh là Năm Nhỏ nhưng vì “đụng hàng” với một cô đào hát bội khác nổi tiếng thuộc lớp đàn chị là cô Năm Nhỏ (Cần Thơ) nên Cô Năm phải chọn nghệ danh mới là “Năm Sa Đéc”!

Năm 1937, mối tình đầu của Cô Năm Sa Đéc với kép Hai Thành không thành, Cô Năm lập gia đình với Đốc phủ sứ Đặng Ngọc Chấn ở Sài Gòn và có với nhau một người con trai tên Đặng. Ông Đặng sau này cũng đóng nhiều phim như Hòn Đất, Ván bài lật ngửa, Đằng sau một số phận, Người đẹp Tây Đô, Ngọn nến hoàng cung…

 

Chân dung Bà Năm Sa Đéc

 

Cô Năm còn có thêm cuộc tình với học giả nổi tiếng là Vương Hồng Sển (1902-1996). Thời trẻ, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Sau khi thi đỗ bằng Brevet Elémentaire, ông được phân làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943).

 

Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996)

 

Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964. Vương Hồng Sển cưới một cô gái nhà giàu, tên Trần Thị Thố. Đám cưới năm 1924 nhưng chỉ hai năm sau hai người kéo nhau ra tòa ly dị. Lý do duy nhất: ông chồng quá mê sách và đồ cổ.

Năm 1927 ông cưới bà vợ thứ hai, tên Dương Thị Tuyết, con gái ông Phủ Lê Văn An.  Khi ông bà Phủ An từ trần, để lại một gia tài đồ sộ cho vợ chồng Vương Hồng Sển. Ông tâm sự:

“… cũng vì có tiền nhiều nên nhơn tâm biến đổi. Sau mười chín năm từ 1927 đến 1946, vợ chồng ăn ở với nhau như bát nước đầy. Bỗng vợ tôi tâm ôm cầm sang thuyền khác. Cô ôm một ô hột xoàn, bỏ tôi với mớ đồ cổ cô cho là vô dụng, chén bát cũ và sách rách bìa xác xơ như chủ nó”.  

Năm 1947, Vương Hồng Sển ôm mối hận nên bỏ Sóc Trăng lên Sài Gòn, trong bụng “nuôi mộng trả thù”. Nhưng thù chưa trả được thì lại “đụng” cô Năm Sa Đéc. Người bị mất vợ, người bị chồng bỏ, hai trái tim đang tan vỡ lắp ghép vào nhau. Ông Sển kể lại về Cô Năm:

“Năm ở một chòi lá, mướn mỗi tháng 3 đồng; tôi thì không nhà lại thêm tánh quân tử Tàu, nên cũng chẳng có gì... Rồi Năm sanh một trai, cha già con muộn, tôi mừng quá. Hai nỗi khổ gặp nhau. Tôi làm khai sanh và giao kết với nhau: còn thương thì ở, hết thương thì đường ai nấy đi, không có gì bận bịu, cũng không nhắc đến việc gì khác ngoài cái nghĩa tào khang”.

Tháng 6/1948, có bố ráp tại xóm Cù Lao, lính Tây bắt cả xóm ra ngồi ngoài sân. Cũng may, tai qua nạn khỏi và cũng nhờ cuộc bố ráp này, ông xin được Sở Canh nông cho phép cất một căn nhà lá tạm, ở đến năm 1953 mới dọn đi. Ông kể lại: “Nơi đây là hạnh phúc nhứt trong đời tôi. Vừa còn trẻ, thêm sanh đứa con trai duy nhứt, đặt tên là Vương Hồng Bảo”.

 

Tranh chân dung Vương Hồng Sển do chính tay con trai, Vương Hồng Bảo, thực hiện

 

Sống với nhau hơn 40 năm, ông Vương Hồng Sển đã khóc trong lúc vợ lâm chung năm 1988: “Năm ơi! Năm cũng nên xét lại mà bỏ qua những lỗi lầm của anh, để trong giờ phút sắp tiễn biệt em, đôi ta kẻ âm người dương gian, xin em tha thứ để anh vơi bớt nỗi khổ tâm”.

Ông còn làm bài thơ “Khóc em Năm Sadec”, trong đó có chữ “Sóc Sa” với hàm ý Sóc Trăng và Sa Đéc, nơi “chôn nhau cắt rún” của hai người:

“Trăm năm dầu lỗi hẹn hò,

Chén cơm Bà Chiểu, con đò Sóc Sa”.

 

Học giả Vương Hồng Sển qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ

 

Đó là mối tình già của một kẻ “50 năm mê cải lương” với cô đào hát Năm Sa Đéc. Soạn giả cải lương Nguyễn Phương kể lại:

“Ông Vương Hồng Sển trong những dịp trà dư tửu hậu, kể những kỷ niệm ngày đầu gặp gỡ, những khó khăn trở ngại và những lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chồng vợ của ông và bà Năm cho tôi và một số ít nghệ sĩ thân thiết trong Ban kịch Phương Nam nghe khi chúng tôi đến nhà ông ở số 9 đường Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bà Chiểu, Gia Định, để tập kịch thu truyền hình (năm 1967)”.

Ông Sển cho biết, sau khi người vợ thứ hai của ông là bà Dương Thị Tuyết bỏ ông, rồi lấy cái hộp sắt đựng 360 viên hột xoàn từ 3 đến 4 ly của bà Phủ An cho hai vợ chồng ông hưởng gia tài để sang thuyền khác với ông bạn Hà Văn Thân. Ông Sển ra tòa ly dị với bà Tuyết xong nên về Saigon ở để kiếm việc làm.

Ông ở nhờ nhà của bà Hai Hẩu ở đường Aviateur Garros tức đường Thủ Khoa Huân và ông được nhận cho làm việc ở Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên năm 1948, ăn lương công nhựt, mỗi tháng 1.173 đồng. Vương Hồng Sển kể lại cơ duyên gặp gỡ Bà Năm Sa Đéc: 

“Tôi quen biết Năm năm 1943, khi đoàn hát Phụng Hảo hát ở Sóc Trăng. Nhà tôi rộng rãi nên tôi rước anh chị em đào kép về nhà tôi ở. Lúc đó có chị Bảy Phùng Há, vợ chồng anh Tư Út (Phạm Văn Đẩu và vợ là Sáu Ngỗng), cô Kim Thoa, cô Tư Thanh Tùng, cô Sáu Ngọc Sương, cô Tường Vi, anh Hai Tiền và Năm đây…

“Tôi làm công chức, đứng bàn ông chánh tỉnh trưởng Tây nên ở Sadec, tôi cũng thuộc về hạng có máu mặt. Tôi mê coi hát bội, hát cải lương hồi còn đi học trường Tây, giờ đây được dịp gần gũi chuyện trò với những anh chị đào kép hát mà tôi qúy mến thì còn gì thích cho bằng? Bởi vậy trong nhà tôi cứ ba ngày có một tiệc lớn, bảy ngày có tiệc nhỏ theo kiểu Tào Tháo chiêu đãi Quan Vân Trường, Tam nhật đại yến, thất nhật tiểu yến… tôi thật sự mến mộ đặc biệt với Năm đây…

“Lúc Năm hát bội thì được giới hát bội nhà nghề đánh giá là thuộc về nhóm Ngũ Châu tức là năm viên ngọc quý: đó là các cô Năm Đồ, cô Cao Long Ngà, cô Ba Út, cô Hai Nhỏ và cô Năm Sadec đây (hồi hát bội có nghệ danh là Năm Nhỏ). Khi qua lãnh vực hát cải lương thì Năm đây đổi nghệ danh là Năm Sadec, Năm cũng được báo chí và khán giả khen tặng là tài danh thinh sắc lưỡng toàn. Tôi chú ý tới Năm là vì lúc đó Năm vừa đẹp, vừa hát hay mà lại là con người chịu khó làm lụng chuyên cần.

“Mỗi khi tôi bày cuộc tiệc ăn nhậu cho các bạn đào kép thì Năm là người đầu tiên xăn tay áo nhào vô lo việc bếp núc. Khi cuộc tiệc tàn thì Năm xăn tay áo lo thu dọn, rửa chén bát, quét nhà, dọn dẹp như chính là cái nhà của Năm. Lúc đó thì con vợ của tôi, bà Tuyết đó, bả lo đi đậu chến, đi từ sáng tới tối mịt, đứt chến mới mò về, nhà cửa bất biết, thằng chồng no hay đói cũng không hỏi han tới… tôi thương vợ tôi thiệt nhưng mà sao trong lòng hỏng thấy quý bà ta như quý em Năm…

(hết trích)

Qua lời kể lại của soạn giả Nguyễn Phương, Vương Hồng Sển tâm sự về hoàn cảnh của cả hai, một kẻ thì mê cải lương và một kẻ là đào hát:

“Lúc đó, cái năm 1947, tui buồn cho cái thân tui bị vợ cặm sừng, nó bỏ tui… Cái tự ái của thằng đàn ông, tính hỏng thèm lấy vợ nữa… Còn bả thì bả bị thằng chồng nó theo con vợ bé, nó cũng bỏ bả… Tui thì ra tòa chờ tòa tuyên bố cho ly dị, còn bả khi có chồng thì hồi đó nghệ sĩ đâu có làm hôn thơ giá thú chi cho nó tốn tiền mà lại giấy tờ rắc rối. Bởi vậy khi thằng chồng nó quất ngựa chuối truy phong thì cô vợ xách rương ôm trấp kiếm chỗ khác mà sống. Bởi vậy bả hận đàn ông, còn tui hận đàn bà…”

 

Cặp vợ chồng Vương Hồng Sển - Năm Sa Đéc

 

Cuộc gặp gỡ “định mệnh” đầu tiên của hai người diễn ra một cách tình cờ nhưng cũng không kém phần lãng nạm: chàng dắt chiếc xe đạp lẽo đẽo đi theo… người đẹp:

“Rồi thì trời xui đất khiến, cái đêm tôi đi coi hát bội gánh Tấn Thành Ban hát ở chùa Dọn Bàn, Dakao, bỗng nhiên tôi gặp lại em Năm trong vai Lữ Phụng Tiên… Khi nghe em hát… Giỏ lá vai mang nhè nhẹ, em xuống giọng “thoàng”… tôi nghe thiệt là mê man trong dạ. Vãn hát rồi tôi chưa chịu về, còn nấn ná ở cửa hậu trường để gặp Năm khen mấy tiếng thì mới đành bụng.

“Ai ngờ gặp nhau, nói đủ thứ chuyện, tôi dắt chiếc xe đạp, dẫn bộ theo em lại cầu Mac Mahon, em nói em ở xóm Cù Lao nằm bên nầy đường Võ Di Nguy. Đêm đó tôi nhất quyết đi theo cho biết nhà em ở đâu và trong bụng cũng tính khi có dịp thuận tiện thì sẽ lại mời em xuống Chợ Cũ lại tiệm Cao Lâu ăn một bữa cơm Tàu.

(hết trích)

 

Vở “Đoạn tuyệt: trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga năm 1960 (Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Kim Hương, Năm Sa Đéc, Việt Hùng)

 

Thế rồi Vương Hồng Sển cũng mò tới xóm Cù Lao. Xui cho ông gặp đúng lúc “mã tà” bao vây cả xóm để xét giấy tờ. Chỉ huy nhóm lính nầy là một thiếu úy người Pháp và hai thằng “xét dăng” (sergent). Cũng nhờ nói tiếng Tây rốp rốp, ông bỗng thành thông dịch viên tình nguyện. Nhờ trong xóm có người “có học”, biết tiếng Pháp, nên lính chỉ xét qua loa rồi bỏ đi. Câu chuyện kết thúc “có hậu” cho cả hai ngườ. Ông kể lại:

“Đã gần 12 giờ khuya, giới nghiêm rồi làm sao mà về nhà đây… Năm cũng biết vậy nên biểu tôi vô nhà ngủ, sáng sớm sẽ về. Mà trong nhà chỉ có một chiếc chõng tre một người nằm, tôi ngủ chung trên chõng đó sao được. Bởi vậy tôi kiếm giấy nhựt trình trải dưới đất, tính dọn một chỗ để ngã lưng qua đêm. Ai dè Năm cười cười: “Bộ tính ngủ ở dưới nền đất thiệt sao? Ngủ như vậy, tới sáng thì bịnh đó”

- Thì cũng ráng chịu, bụng làm dạ chịu, đâu có than van… Tôi trải giấy nhựt trình xong, sửa soạn nằm xuống.

- Năm nói: “Nè, hỏi thiệt, anh có thương tui hông? Có muốn thiệt tâm làm vợ làm chồng với tui hông? Nói thiệt đi…

- Thiệt tình tôi thương Năm, tôi thề…

- Khỏi thề! Lên giường đây ngủ. Anh đàng hoàng hay không đàng hoàng, tui biết liền…”

 

Nhà cổ Vương Hồng Sển, di sản nằm thoi thóp giữa Sài Gòn

 

Một đời mê hát cải lương, trong đó có hơn 40 năm sống chung cùng đào hát, chuyện đời của ông Vương Hồng Sển và Bà Năm Sa Đéc có thể được coi là một “Love Story made in Vietnam”!

 *** 

--> Read more..

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Tưởng nhớ “quái kiệt” Trần Văn Trạch

Ngày này 27 năm về trước, 12/4/1994, “quái kiệt” Trần Văn Trạch (1924-1994) đã từ giã cõi đời tại Pháp, hưởng thọ 70 tuổi. Nơi ông an nghỉ là Nghĩa trang Cimetière Intercommunal ở Valenton, thuộc ngoại ô Paris.

 

Trần Văn Trạch (1924-1994)

 

Khác với người anh cả, Giáo sư Âm nhạc Trần Văn Khê, nổi bật về học hàm cũng như học vị, Trần Văn Trạch không bằng cấp nhưng cũng đủ tài và đủ sức khuấy động sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn suốt thời gian dài bằng tài năng nghệ thuật của mình.

Trần Văn Trạch nhỏ hơn Trần Văn Khê 3 tuổi, thuở nhỏ cả hai đều theo học Trường Tiểu học ở “Collège de Mỹ Tho” cho tới năm 18 tuổi. Kể về đứa em kế của mình, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê viết:

“Khi Trạch mới sanh, cả nhà đều vui mừng. Ông nội tôi muốn đặt tên con cháu đều có bộ Thủy nên cha tôi tên Triều là dòng nước, tôi tên Khê là khe suối, em tôi tên Trạch là ao, đầm. Nhưng từ lúc lên một, mỗi khi trong nhà có ai gọi em tôi "Trạch ơi!" là con cháu của bà cụ láng giềng trùng tên thấy khó chịu, nên qua xin ông nội tôi đặt tên khác cho chú bé Trạch, để bà khỏi bị kêu réo tên bà”. Từ đó, dù trong sổ bộ vẫn tên Trần Văn Trạch, nhưng cậu bé Trạch được gọi cái tên mới là “Khê em”, còn Trần Văn Khê là “Khê anh”.

 

GS Trần Văn Khê và hai em Trần Văn Trạch, Trần Ngọc Sương

 

Ngay từ lúc nhỏ, Trần Văn Trạch đã có năng khiếu về âm nhạc, lại được người cô ruột là cô Ba Viện chỉ dạy, nên ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm và đàn tỳ bà. Ông còn học đàn mandoline với anh ruột Trần Văn Khê và học đàn violon với người anh họ Nguyễn Mỹ Ca. Ở tuổi thiếu niên, ông đã biết chơi thành thạo những bài nhạc Pháp thịnh hành thuở đó.

Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng và quân đội Pháp trở lại Việt Nam, phòng trà được phép mở cửa trở lại. Với tài năng thiên phú, Trần Văn Trạch trở thành “hoạt náo viên” (ngày nay gọi là MC) và hát tại Dancing Théophile ở vùng Dakao, Tân Định. Sau khi có được một số vốn, ông mở một phòng trà nhỏ ở đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng, Sài Gòn).

 

Trần Văn Trạch và cháu dâu, ca sĩ Bạch Yến, vợ của Trần Quang Hải

 

Đến năm 1949, tân nhạc bắt đầu thịnh hành, Trần Văn Trạch nảy ra ý nghĩ mở “đại nhạc hội”, tên gọi của các chương trình văn nghệ bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật… Với cách làm này, Trần Văn Trạch chinh phục được nhiều khán giả trên khắp mọi miền. Và kể từ đó, cái tên “đại nhạc hội” bỗng trở nên phổ biến.

Năm 1951, bắt đầu từ rạp Ciné Nam Việt, ông đưa ca nhạc vào các rạp chiếu bóng để diễn trước giờ chiếu phim chính. Cách làm này cũng được nhiều người xem hoan nghênh và cụm từ “chương trình văn nghệ phụ diễn” cũng ra đời từ đó.

Ngoài sáng tác nhạc và ca hát ông còn là trưởng ban nhạc Sầm Giang của đài phát thanh Pháp Á, vào khoảng thập niên 1950. Ban này gồm những ca sĩ nổi tiếng đương thời như Linh Sơn, Tâm Vấn, Minh Diệu, Mạnh Phát, Tôn Thất Niệm…

 

Nhạc sĩ Hoài Linh cùng nghệ sĩ Trần Văn Trạch và nhạc sĩ Mạnh Phát

 

Người hâm mộ tặng ông danh hiệu “quái kiệt” vì rất nhiều lý do. Trần Văn Trạch luôn để một bộ tóc dài, kiểu tóc này mau chóng tở thành mode “Trần Văn Trạch”! Ngoài giọng ca trầm ấm, ông lại có biệt tài bắt chiếc “như thật” những tiếng động khi trình diễn trên sân khấu, chẳng hạn như tiếng xe lửa chạy trên đường rấy.

Phải công nhận ông là người đầu tiên viết nhạc hài hước để tự trình diễn trước đám đông khán giả. “Quái kiệt” Trần Văn Trạch đã thu hút sự ngưỡng mộ cũng như cảm phục của người xem và nghe ông hát.

Bản nhạc “Anh Phu Xích Lô” là sáng tác đầu tiên của ca nhạc sĩ Trần Văn Trạch với những lời ca mộc mạc:

“Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn

Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới

Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới

Ê! Tôi xin mời lại đây…”

 

Trần Văn Trạch cùng Phạm Duy và Cao Thái

 

Những bài hát nổi tiếng ngày xưa là “Cái Đồng Hồ Tay”, “Cây Bút Máy”, “Anh Chàng Thất Nghiệp”, “Sở Vòi Rồng”, “Đừng Có Lo”, “Tôi Đóng Xi-Nê”, “Ba Chàng Đi Hỏi Vợ”, “Chiếc Ô-Tô Cũ”… Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là bài “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia”, một bản nhạc phải nói hầu như người miền Nam nào cũng biết đến.

Bản nhạc này được hát hàng tuần khi có xổ số tại rạp Thống Nhất và được trực tiếp truyền thanh qua đài phát thanh Sài Gòn:

 

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà

 

“Tô điểm giang san

Qua bao lầm than

Ta thề kiến thiết

Trong giấc mộng vàng

 

“Triệu phú đến nơi

Năm muời đồng thôi

Mua lấy xe nhà

Giàu sang mấy hồi

 

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Ấy là thiên chức

Của người Việt Nam

 

“Mua số mau lên

Xổ số gần đến

Mua số mau lên

Xổ số… gần… đến…

(Trần Văn Trạch hát “Xổ Số Kiến Thiết”: https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w)

 

Nhạc của Trần Văn Trạch không chỉ mang tính hài hước mà lại có những bài rất cảm động. Chẳng hạn như bài “Chuyến xe lửa Mùng 5” kể lại chuyện một người chỉ có 3 ngày phép để về thăm nhà mà lại trùng Mùng 5 Tết, ngày “xui xẻo” cũng tựa như Thứ Sáu 13. Điều xui nhất là khi bước vào nhà mới biết là mẹ mình đã… qua đời!

(Trần Văn Trạch hát “Xe Lửa Mùng 5”: https://www.youtube.com/watch?v=V4X6TH7Etr0)

 

Đôi khi trong nhạc của ông cũng pha lẫn chút triết lý, như bài “Khi người ta yêu nhau”:

 

“Khi người ta yêu nhau

Yêu trong lúc hai mươi tuổi đầu

Thì không phải vì tiền đâu

Nhưng mà chẳng được bao lâu…

 

“Khi người ta yêu nhau

Yêu trong lúc bảy mươi tuổi đầu

Thì không phải vì tiền đâu

Nhưng mà chẳng còn bao lâu…”

 

Ca sĩ Trần Văn Trạch với giọng trầm ấm đã thành công cả với bản nhạc trữ tình “Chiều Mưa Biên Giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với phần nhạc đệm từ một băng nhạc thu sẵn ở bên Pháp. Kỹ thuật trình diễn này rất mới lạ và sau này ta gọi đó là… karaoke.

(Trần Văn Trạch hát “Chiều mưa biên giới”: https://www.youtube.com/watch?v=IweTG9PGJ-Y)

 

Tiến sĩ âm nhạc Trần Quang Hải, con của giáo sư Trần Văn Khê, đã viết về người chú của mình:

“Nghệ sĩ Trần Văn Trạch có một lối hát mộc mạc, đúng giọng miền Nam để hát, lời lẽ rất đơn giản, không cầu kỳ, màu mè, những từ ngữ được nghe trong đời sống hàng ngày, nhưng chủ đề lấy từ cuộc sống người dân nghèo nên rất dễ làm xúc động người nghe…”

 

Tượng Trần Văn Trạch của Điêu khắc gia Phạm Thế Trung

 

Tháng 12/1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Paris. Từ đó trở đi cho tới ngày từ trần, Trần Văn Trạch, từng nổi tiếng là “quái kiệt”, gần như tạm dừng công việc nghệ thuật. Ông tâm sự:

“Trong một đêm Noel, sau khi đã “chạy sô” khắp các sân khấu, hộp đêm ở Sài Gòn, người nghệ sĩ hài đi lang thang vô định trên đường phố bởi không biết về đâu. Nhà ai cũng sáng choang đèn nến và bữa ăn reveillon rộn rã chuỗi cười duy chỉ có người nghệ sĩ là… đứng dựa cột đèn, lắng nghe giọng hát hài hước, vui nhộn của chính mình phát ra từ một đĩa pick-up của ngôi nhà đang có tiệc tùng mà thấm thía nỗi tủi cực ở phía sau ánh đèn màu hào nhoáng…”

Đọc đến đoạn “đứng dựa cột đèn”… người ta nhớ lại khi đã định cư tại Pháp, Trần Văn Trạch có nói:

“Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi!”

(https://www.vanews.org/2020/06/neu-cot-ien-o-my-biet-i-thi-se-ve-viet.html?fbclid=IwAR1PORm_ThsykvzE1GQ0RFWAkqY3FiCZEjHiEGib4uWF6FSXu9Rl1aUMEV0)

 


***

 * Mời xem thêm một video clip đã đưa Trần Văn Trạch đến danh hiệu “quái kiệt”: “Tai nạn téléphone”: https://www.youtube.com/watch?v=2Xu_A6xvhfA

 ***

* Facebook: https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589/posts/10215099084028737

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Những cuộc hôn nhân vương giả

(8/4/2021)

Ngày xưa, mấy anh lính VNCH thường hát nghêu ngao:

“Ðừng chê anh lính đám cưới nhà binh em ơi

Em sẽ là cô dâu đẹp tuyệt vời

Ðằng trai của anh đi chiếc xe tăng tàu bay

Ðám cưới tụi ta linh đình biết mấy…”

(https://www.youtube.com/watch?v=9d9lJRABsQg)

Nhắc lại để nhớ cái thời binh lửa nhưng cũng không kém phần vui nhộn, khi mà hầu như mọi thanh niên đều khoác áo lính. Đó là chuyện dĩ vãng… nhưng lại có chuyện những đám cưới ở bên trời Tây có phần “nghiêm túc” hơn của các ông hoàng, bà chúa nước Anh.

Chiếc áo cưới màu trắng tinh xuất hiện từ đâu? Chắc ít người để ý đến vì nó xuất hiện từ năm 1840, trong lễ cưới của Nữ hoàng Victoria với Hoàng tử Albert. Lại nữa, năm 1947, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã dùng “tem thực phẩm” (ration stamp) để mua vải trắng may áo cưới. Đó là thời kỳ vừa mới chấm dứt Thế chiến thứ hai, hoàng gia hay dân thường cũng đều gặp khó khăn trong cuộc sống! 

Đám cưới Hoàng gia Anh luôn là đề tài thu hút sự chú ý của công chúng. Đáng chú ý là hai cuộc hôn nhân gần đây nhất trong thập kỷ qua: (1) Hoàng tử William và Kate Middleton năm 2011; và (2) Hoàng tử Harry và Meghan Markle năm 2018.

Đám cưới của cặp mới nhất đã dẫn đến việc Hoàng tử Harry tuyên bố tách rời khỏi hoàng gia Anh để sinh sống tại nước ngoài vì những “mâu thuẫn” trong nội bộ hoàng gia. Thế mới biết, dù có là vua chúa cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của người thường: Hỉ - Nộ - Ái - Ố!

Mời các bạn xem lại hình ảnh những đám cưới của Hoàng gia Anh để so sánh với “đám cưới nhà binh” của ta, ngày nào.


Ngày 10/2/1840: Hôn lễ giữa Nữ hoàng Victoria and Ông hoàng Albert, xứ Saxe-Coburg và Gotha, tại Cung điện St James.\

 
Ngày 10/3/1863: Hoàng tử Edward (sau này là Vua Edward VII) kết hôn cùng Công nương Alexandra của Đan Mạch, tại Nhà thờ St George, lâu đài Windsor.


Ngày 5/7/1866: Công nương Helena (con gái Nữ hoàng Victoria) kết hôn với Hoàng tử Christian, xứ Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg, tại Nhà thờ St George, lâu đài Windsor.


Ngày 21/3/1871: Công nương Louise (con gái của Nữ hoàng Victoria) kết hôn cùng Hầu tước xứ Lorne (sau này là Công tước xứ Argyll) tại Nhà thờ St George, lâu đài Windsor.


Ngày 13/3/1879: Công nương Louise Margaret xứ Phổ, kết hôn với Hoàng tử Arthur (con thứ 3 của Nữ hoàng Victoria), tại Nhà thờ St George, lâu đài Windsor.


Ngày 6/7/1893: Hoàng tử George (sau này là Vua George V) kết hôn cùng Công nương Victoria Mary tại Nhà thờ Royal, lâu đài St James.


Ngày 15/6/1905: Công nương Margaret xứ Connaught (con gái của Hoàng tử Arthur và là cháu ngoại của Nữ hoàng Victoria) kết hôn với Hoàng tử Gustaf Adolf của Thụy Điển (sau này là Vua Gustaf VI) tại Nhà thờ St George, lâu đài Windsor.


Ngày 27/2/1919: Công nương Patricia xứ Connaught (con gái của Hoàng tử Arthur và là cháu của Nữ hoàng Victoria) kết hôn với Alexander Ramsey tại Tu viện Westminster.


Ngày 28/2/1922: Công nương Mary (con gái của Vua George V) kết hôn cùng Tử tước Lascelles tại Tu viện Westminster.


Ngày 26/4/1923: Hoàng tử Albert (sau này là Vua George VI) kết hôn cùng Elizabeth Bowes-Lyon tại Tu viện Westminster.


Ngày 3/6/1937: Hoàng tử Edward (sau này là Vua Edward VIII) kết hôn cùng Wallis Warfield Simpson tại lâu đài Candé, Pháp.


Ngày 29/7/198tử Charles (con của Nữ hoàng Elizabeth II) kết hôn cùng Diana 1: Hoàng Spencer tại Nhà thờ St Paul.


Ngày 23 /7/1986: Hoàng tử Andrew (con của Nữ hoàng Elizabeth II) kết hôn với Sarah Ferguson tại Tu viện Westminster.


Ngày 19/6/2010: Công nương Thụy Điển Victoria kết hôn cùng Daniel Westling, Quận công xứ Västergötland tại Nhà thờ Stockholm.


Ngày 20/10/2012: Quận công Guillaume, Luxembourg, kết hôn cùng Nữ Bá tước Stéphanie de Lannoy tại Nhà thờ Luxemburg.


Ngày 29/4/2011: Hoàng tử William (con trai Thái tử Charles và là cháu của Nữ hoàng Elizabeth II) kết hôn cùng Catherine Middleton tại Tu viện Westminster.


Ngày 19/5/2018: Hoàng tử Harry (con trai của Thái tử Charles và là cháu của Nữ hoàng Elizabeth II) kết hôn cùng Meghan Markle tại Nhà thờ St George, Lâu đài Windsor Castle.

***

Quả là một sự tình cờ hi hữu: tôi post chuyện “Những cuộc hôn nhân vương giả” một ngày trước khi có tin Hoàng tế Philip, phu quân của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, từ trần ngày 9/4/2021, hưởng thọ 99 tuổi!

Với tước hiệu chính thức là Công tước xứ Edinburgh, Hoàng tế Philip luôn ở bên cạnh Nữ Hoàng Elizabeth trong suốt 68 năm bà ngồi trên ngai vàng. Đây cũng là thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh.

Cuộc đời Hoàng tế Philip kéo dài gần một thế kỷ, suốt chiều dài lịch sử của Âu Châu. Ông ra đời trong gia đình hoàng gia Hy Lạp nhưng lại chấm dứt khi làm phu quân của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị của Anh.

Nữ Hoàng Elizabeth, vốn là người thường kín tiếng, nhưng cũng đã từng nói trước công chúng rằng “Ông là chỗ dựa vững chắc của tôi”.

Hoàng tế Philip ra đi để lại 4 người con: Thái Tử Charles, Công Chúa Anne, Hoàng Tử Andrew và Hoàng Tử Edward, cùng 8 cháu nội ngoại và 9 chắt. Thông cáo của Điện Buckingham viết ngày 9/4/2021:

“Với sự đau buồn vô hạn, Nữ Hoàng loan báo việc tạ thế của người chồng yêu thương của bà, Hoàng Tế Philip, Công Tước Edinburgh. Ngài đã từ giã cõi đời trong sự bình yên vào sáng nay tại lâu đài Windsor”

Cuộc tình vương giả được bắt đầu khi “nàng” mới chỉ 13 và “chàng” là một thanh niên 18 tuổi khi còn theo học tại Học viện Hải quân. Trong thời gian chiến tranh, chàng phục vụ trên một chiếc tầu ở vùng Địa Trung Hải và nàng giữ một tấm hình của chàng đặt trên bàn trang điểm, bất chấp sự phản đối của ông bố khó tánh!

Họ cưới nhau ngày 20/11/1947, khi đó nàng vừa 21 và chàng thì đã 26 xuân xanh! Đến khi Vua George VI băng hà, năm 25 tuổi nàng trở thành Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị vào năm 25 tuổi.

Hoàng tế Philip sinh ra tại đảo Corfu, Hy Lạp. Ông mang trong mình dòng máu hoàng tộc Hy Lạp và Đan Mạch. Năm ông lên 9, gia đình ông bị trục xuất khỏi Hy Lạp và sống lưu vong. Cha ông mất vào năm 1944, mẹ sống trong viện tâm thần và cuộc đời “chàng hoàng tử bé” trở nên khốn đốn.

Philip và Elizabeth thật ra là anh em họ đời thứ ba khi đều là “hậu duệ” của Nữ hoàng Victoria. Nữ hoàng Victoria là cụ cố của Elizabeth. Trong khi đó, gia đình mẹ của Philip cũng có mối quan hệ họ hàng với Nữ hoàng Victoria.

Mùa Hè năm 1946, “chàng Hoàng tử lưu vong” cầu hôn Elizabeth. Cô công chúa đồng ý ngay mà chưa hề hỏi ý kiến bố mẹ. Cha của Elizabeth, vua George VI, do dự về cuộc hôn nhân vì ông sợ con gái còn quá trẻ. Khi ấy, cả mẹ của công chúa và triều thần đều phản đối. Nhưng cuối cùng, trước sự kiên quyết của nàng công chúa, Hoàng gia Anh đành nhượng bộ.

Hoàng thân Philip là người bảo trợ cho hơn 800 tổ chức, ông đặc biệt quan tâm đến động vật hoang dã và môi trường. Ông là chủ tịch của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới từ năm 1961 đến năm 1982.

Ông cũng đặc biệt yêu thương những thành viên trẻ tuổi của hoàng gia và một mực ủng hộ hai cháu trai là William và Harry, nhất là sau khi cháu ông mồ côi mẹ, Công nương xứ Wales, Diana, vào tháng 9/1997.

Philip là người phục vụ lâu nhất trong lịch sử nước Anh và là cộng sự lâu đời nhất của một vị vua trị vì. Philip luôn coi việc mình đứng đằng sau cổ vũ, làm chỗ dựa vững chắc cho người vợ quyền lực như là một nhiệm vụ thiêng liêng:

“Công việc đầu tiên, thứ hai và cuối cùng của tôi là không bao giờ làm cho Nữ hoàng thất vọng.”

Trong kỷ niệm “đám cưới vàng” vào năm 1997, Nữ hoàng Elizabeth chia sẻ: “Đơn giản chỉ vì ông ấy là sức mạnh của tôi và ở bên tôi suốt những năm qua”.

Tại “đám cưới kim cương” vào năm 2012, bà nói… ông là sức mạnh vô biên và là người dẫn đường cho bà!

R.I.P. HOÀNG TẾ PHILIP!

 ***


Ảnh chân dung Hoàng tế Philip


Philip Mountbatten tại điện Buckingham tháng 10 năm 1947


Đám cưới diễn ra vào ngày 20 /11/1947


Công nương Elizabeth và Philip Mountbatten, Quận công Edinburgh, trong thời kỳ trăng mật, tháng 11 năm 1947


Công nương Elizabeth và Philip Mountbatten, Quận công Edinburgh, trong thời kỳ trăng mật, tháng 11 năm 1947.


Quận công Edinburgh và công nương Elizabeth bên các con, Charles và Anne, tháng 8 năm 1951


Quận công Edinburgh trong lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II, ngày 2 /6/1953


Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng tế Philip tại "Trooping the Colour 2015". Đây là nghi lễ được thực hiện bởi các trung đoàn của quân đội Anh và Khối thịnh vượng chung.


Hình bìa trên báo Time, năm 1957


***


***
--> Read more..

Popular posts