Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

Quên !!!


Định nghĩa ngắn gọn nhất cho trạng thái QUÊN là… KHÔNG NHỚ.

Gần đây, có một em học sinh Lớp 1, trường Quốc tế Geteway, đã bị “bỏ quên” trên xe đưa rước học sinh. Cho đến giờ, cơ quan điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng em học sinh đã chết trên xe sau 9 tiếng đồng hồ do lỗi của ai.

Dư luận thì nhiều ý kiến. Có thật em bị bỏ quên trên xe hay đó chỉ là dàn dựng để tránh tiếng cho nhà trường? Dư luận có quyền nghị vấn vì Geteway do các gia đình đại gia “có chức, có quyền”  bỏ tiền ra đầu tư vào trường.

Chiếc xe gây tai nạn tử vong của trường Getway

Chỉ ít lâu sau vụ Gateway, cũng tại Hà Nội, một học sinh trường “mầm non cao cấp” Đô Rê Mí lại bị bỏ quên nhiều tiếng đồng hồ trên xe đưa rước. May mắn em đã thoát chết vì nhờ cửa xe bị hở… 10 cm.

Cái giá phải trả của Đô Rê Mí là trường đã bị đóng cửa dù học sinh bị quên đã thoát chết. Trong khi đó, trường Geteway vẫn khai giảng niên học 2019 dù trước đó một học sinh đã bị tử vong!

Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí đã bị đóng cửa sau khi bỏ quên học sinh trên xe

Bài viết này không đi sâu vào chuyện học sinh bị bỏ quên trên xe, chủ đề chính mà chúng tôi bàn đến là tình trạng “quên” trong cuộc sống hàng ngày. Suy cho cùng, có rất nhiều hình thức của việc quên. Phàm là người, bất kể là những người thông minh, tài trí cho đến những người bình thường như chúng ta, ai cũng có lúc quên.  

Nhà vật lý và toán học André-Marie Ampère (1775-1836) là một trong những nhà phát minh ra điện từ trường với Định luật Ampère. Giai thoại kể rằng một hôm, ông có việc phải ra khỏi nhà vào buổi sáng. Lúc đi, ông khoá cửa và viết mấy chữ: “Ampère đi vắng, 4 giờ chiều mới có mặt ở nhà.”

Ông đi công chuyện và xong việc sớm nên 2 giờ chiều đã về. Đến cửa, ông thấy dòng chữ nói trên, và cũng vì mải suy nghĩ nên ông quên khuấy mình chính là Ampère. Ông thở dài, xem đồng hồ và lẩm bẩm: “Vậy là mất đứt gần hai giờ nữa để chờ đợi!”

Cái quên của Ampère được gọi là “sự đãng trí”, không gây hại cho ai, trừ bản thân mình. Thế cho nên, không phải cứ là nhà thông thái thì sẽ không bao giờ quên!

André-Marie Ampère (1775-1836)

Nhà bác học người Mỹ gốc Do Thái, Albert Einstein (1879-1955), được biết đến nhiều qua phương trình về sự tương đương giữa khối lượng và năng lượng: E = mc2. Ấy thế mà cái “bệnh quên” của ông xem ra còn nặng hơn sự “đãng trí” của Ampère.

Người ta kể, một hôm Einstein bước lên xe buýt nhưng lỡ làm rơi mắt kiếng, ông đang lom khom sờ soạng tìm dưới sàn xe thì cô bé đứng đối diện nhặt kiếng lên dúi vào tay ông.

Einstein rất cảm động và lên tiếng: “Cảm ơn bé, cháu tên gì nhỉ?”. Cô bé trả lời: “Con là Clara Einstein đây bố ạ!”.

Albert Einstein (1879-1955)

Trong tình yêu trai gái, “nhớ” và “quên” là hai hành động tương phản nhau như trắng với đen, như lửa với nước. Những người thất tình thường nhớ tới bóng dáng người yêu đã chia tay. Bản nhạc “Sầu lẻ bóng” có một câu thật da diết: “Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm, dòng đời là chuỗi tiếc nhớ…” (1).

Ngược lại, cũng có người cho rằng “Quên không phải là cái đau khổ nhất, người đau khổ là người có trí nhớ”. Nếu quả như vậy, “nhớ” chỉ là cách tự giày vò bản thân vì càng cố gắng muốn “quên” thì càng nhớ một cách mãnh liệt.

Triết gia, nhà hùng biện và cũng là một chính khách người La Mã, Marcus Tullius Cicero (106 Trước công nguyên-43 Trước công nguyên), để lại cho hậu thế một câu mà khi mới đọc qua tưởng chừng như vô lý, khó hiểu:

“Tôi nhớ điều mà tôi không muốn nhớ; tôi không thể quên điều mà tôi muốn quên” (I remember the very thing that I do not wish to; I cannot forget the things I wish to forget).

Marcus Tullius Cicero (106 TCN - 43 TCN)

Với tuổi già, “quên” trở thành một bệnh lý không loại trừ một người nào, vấn đề chỉ là nó xảy ra vào giai đoạn nào, sớm hay muộn.

Theo y học,  cái mà người ta gọi là “sa sút trí tuệ” (Dementia) nơi những người lớn tuổi là những triệu chứng ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Người ta thường gọi đó là triệu chứng “lúc nhớ, lúc quên”.

Ở một mức độ cao hơn, người bị sa sút trí tuệ có thể chuyển thành bệnh Alzheimer, tức là mất trí nhớ hoàn toàn, hay còn gọi là lú lẫn khi tuổi tác ngày một cao. Bản thân tôi nay đã ngoài 70 nên rất hiểu thế nào là Dementia nhưng cũng may, chưa đến độ Alzheimer.

Có những lúc tôi không thể nào nhớ được tên người bạn thời trung học, lại có những khi quên hẳn sáng hôm qua mình đã ăn gì! Chìa khóa để trong túi mà cứ loay hoay tìm khắp mọi nơi! Viết lách thì “nhớ tới đâu, viết tới đó”, “quên trước, quên sau” dù đã dặn lòng phải nhớ cho kỹ!

Mỗi ngày qua đi luôn cảm thấy trí nhớ của mình ngày nột sa sút dù đã cố gắng tập thể dục cho cơ thể cũng như trí não. Đi bộ mỗi sáng, leo cầu thang nhiều lần trong một ngày và cả việc chơi trò ghép hình, Zigzaw Puzzle, để luyện trí nhớ hàng ngày (2).

Zigsaw Puzzle: nột trò chơi thể dục trí não

Âu đó cũng là điều bình thường của tạo hóa, cũng tựa như một cỗ máy già nua, đang trong tiến trình phế thải!

Lực bất tòng tâm là thế đó. Hãy cố “nhớ” trước khi vĩnh viễn… “quên”. 



***

Chú thích:

(1) Mời nghe "Sầu lẻ bóng" qua giọng ca Hoàng Oanh, tại: https://www.youtube.com/watch?v=TVCvIBC_SOA

(2) Để tập thể dục cho trí óc, các bạn có thể tải về phần mềm https://www.mobilityware.com/jigsawpuzzle.
Khi chơi trò chơi ghép hình nên dùng iPad hoặc laptop vì trên smartphone màn hình không đủ rộng. Website này có những trò chơi rất thú vị, ngoài việc hàng ngày có 1 daily puzzle còn có hình thức tích lũy điểm để chơi các puzzle khác với hình ảnh rất đẹp thuộc đủ loại đề tài.

***
--> Read more..

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Quả bom sex Sophia Loren bước vào tuổi 85

Ngày 20/9/1934, cô bé Sofia Costanza Brigida Villani Scicolone ra chào đời tại Naples, Italia. Tuổi thơ của Sofia gặp quá nhiều bất hạnh, là con của một bà mẹ đơn thân sống với bà ngoại tại thành phổ đổ nát của Ý sau Thế chiến thứ hai. Cũng vì thiếu ăn nên Sofia được mô tả là… “gầy như que tăm”.

Bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời của Sofia là cuộc thi hoa hậu tại địa phương và cũng từ đó, cô được Hollywood để mắt đến. Từ cuốn phim đầu tiên, “The Pride and the Passion”, cô được đóng cặp với Cary Grant với cái tên Sophia Loren. Sự nghiệp điện ảnh của cô khởi đầu một cách chói sáng và kết thúc với khoảng 100 phim đã đóng.

Danh tiếng của Sophia Loren bắt đầu nổi lên như cồn trong hơn 6 thập kỷ bên cạnh các tài tử đã thành danh như Frank Sinatra, Marlon Brando, Gregory Peck, Jack Lemmon, Paul Newman… Người ta có cảm giác chuyện đời của Sophia như là một truyện thần thoại kiểu “Cô bé lọ lem”!  

Nước Mỹ có Marilyn Moroe (MM), Pháp có Brigitte Bardot (BB) nhưng Ý có tới 2 người đẹp Gina Lollobrigida và Sophia Loren. Kể cũng lạ. Sophia Loren khi còn bé gầy như que tăm nhưng đến khi trưởng thành cô lại là một “quả bom sex” làm mê mẩn giới đàn ông. Trong khi Gina đẹp một cách quý phái thì Sophia lại mang vẻ đẹp quyến rũ của một cô gái quê mùa, chất phác.

Cô đoạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài của Hollywood năm 1991 với phim “Two Women”. Trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình mang tên “Yesterday, Today, and Tomorrow: My Life” (cũng là tên của cuốn phim do Sophia thủ vai chính) cô kể lại đời mình bằng một giọng văn giản dị, thành thật, hoàn toàn không thêu dệt, không hoa mỹ.   

Sophia kể lại, khi mới 14 tuổi cô đã nghe nhiều tiếng huýt gió của cánh đàn ông mỗi khi cô đi qua họ! Cô thắng giải hoa hậu với số tiền thưởng chỉ có 35 đô la và một vé xe lửa để đến Rome làm người mẫu. Sophia cũng còn là người thích ăn uống, cô viết, “Những gì các bạn thấy nơi tôi là do món mì spaghetti mang lại!”

Chồng cô, Carlo Ponti, cũng là một giám khảo trong cuộc thi hoa hậu năm 1950 mà Sophia tham dự. Ông cũng là đạo diễn lừng danh của Ý. Năm 1957 ông ly dị vợ theo luật Mexico. Tuy nhiên, luật của Ý không công nhận cuộc ly dị của ông với người vợ cũ Giuliana.

Năm 1962, cuộc hôn nhân bị huỷ bỏ vì nhà thờ Công giáo không chấp nhận. Cuối cùng, Carlo Ponti thương lượng với Giuliana để cả ba chuyển tới Pháp để nhập quốc tịch Pháp, đất nước cho phép ly dị. Năm 1965, Giuliana Ponti ly dị để Ponti cưới Sophia năm 1966 theo đúng luật.

Họ có với nhau hai đứa con là Carlo Ponti Jr. và Edoardo Ponti. Edoardo Ponti cưới nữ diễn viên Sasha Alexander tại Geneva, Thuỵ Sĩ, và có một con gái Lucia Sofia, sinh ngày 12 tháng 5 năm 2006.

Cũng trong cuốn tự truyện “Yesterday, Today, Tomorrow: My Life” phát hành tháng 11/2014, nữ minh tinh gạo cội kể lại cuộc hội ngộ với Jayne Mansfield, cô đào văm người Mỹ có bộ ngực vĩ đại:

"Cô ta đến ngay bàn của tôi. Cô ta biết ánh mắt mọi người đang dõi theo nên ngồi xuống… Hãy nhìn vào bức ảnh. Ánh mắt của tôi đang nhìn đi đâu rồi? Tôi đang nhìn chằm chằm vào cặp nhũ hoa của cô ta đấy, bởi vì tôi sợ nó sẽ rớt vào đĩa của tôi!".

***

Photo album này gồm 2 phần:

(1)  Hình ảnh về Sophia Loren qua các thời kỳ
(2)  Một số posters phim do Sophia Loren đóng

***

Tiểu sử tự thuật của Sophia Loren

Cuộc hội ngộ với Jayne Mansfield

Sofia Loren và em gái Maria Scicolone, 1961


Sophia Loren và em gái, Maria Scicolone, 1955

Sophia Loren và chồng, Carlo Ponti.

Sophia Loren và chồng, Carlo Ponti


Sophia Loren và chồng, Carlo Ponti

Vợ chồng Sophia Loren  với Carlo Ponti, Jr., vợ Andrea Meszaros và cháu nội

































Dos Mujeres

El Signo de Venus, 1955

Ieri, Oggi, Domani

Yesterday, Today, Tomorrow

La Ciociara, 1960

L'Oro di Napoli, 1954

Madame sans Gene

Matrimonio a la Italiana

Orquidea Negra

Questi Fabtasmi

La Ciociara (Two Women), 1960 

***
--> Read more..

Popular posts