Tôi cũng như đa số người dùng Internet đều thấy mình như những
kẻ lạ khi bước vào một thế giới “bí hiểm” trên mạng Internet. Bài viết này được
viết bởi một trong những người “gà mờ” đó và coi như “abc nhập môn” dành cho những người mới tập tễnh bước vào… thế giới
phẳng.
Với ngôn ngữ của một người “ngoại đạo kỹ thuật số” tôi cố gắng giải thích những từ ngữ tiếng
Anh một cách đơn giản và dễ hiểu nhất để cùng các bạn làm quen với công nghệ
thông tin, một lãnh vực mà đa số chúng ta hãy còn mù mờ.
Những hình ảnh đi kèm sẽ giúp chúng ta hiểu thêm được vấn
đề trình bày. Bạn cứ yên tâm, không phải là lỗi của chúng ta khi không hiểu được
những khái niệm này, vì quả thật, nó không được giảng dậy trong trường học
nhưng lại rất quan trọng trong “trường đời”.
Web browser (tạm gọi là trình duyệt Web) là cứ bất kể phần mềm (software hay còn gọi là nhu liệu) nào đó giúp bạn đọc được trang
web. Như vậy, bất cứ khi nào ta tiếp cận Internet để vào một trang web hay tra
cứu bạn phải dùng web browser, cũng tựa
như chiếc chìa khóa để mở vào không gian mạng.
Trong máy tính hoặc trên điện thoại di động, phần mềm này
đã được cái sẵn, đôi khi cũng phải tự tải
(download) về để giúp bạn truy cập được thông tin trên Internet. Một số web browsers
thông dụng: Chrome, Safari, Firefox, hoặc Internet Explorer.
Trình duyệt web
Mỗi khi mở trình
duyệt web và nhập vào đó bất kỳ địa chỉ nào, bạn thấy trang web tự động
thêm tiền tố HTTP:// (HyperText
Transfer Protocol) hoặc HTTPS:// (HyperText
Transfer Protocol Secure). Đó là các giao thức để truyền dữ liệu từ máy chủ (web server) đến trình duyệt web
của người truy cập và ngược lại.
Hiện nay, việc sử dụng giao thức Https chủ yếu được dùng cho các trang web có giao dịch trực tuyến sử
dụng thẻ thanh toán đơn hàng. Nhằm đảm bảo an toàn cho giao dịch, tránh những rủi
ro bị lấy mất thông tin thể xảy ra trong quá trình thanh toán.
HTTP & HTTPS
URL là chữ viết tắt của “Uniform Resource Locator”, tiếng
Việt tạm gọi là “địa chỉ mạng” hay “liên kết mạng”. URL được dùng để tìm đến
trang mình muốn tra cứu trên Internet. Địa chỉ này xuất hiện “ảo” trên Internet
và cũng là “thật” trong đời thường vì ta thường thấy ngày nay nhiều người còn
in URL ngay trên danh thiếp của mình.
Chẳng hạn như khi vào bấm vào một đường truyền (link) trên Google, Safari, hay Internet Explorer… bạn
sẽ đến được địa chỉ URL. Thí dụ như URL của trang web của Facebook: https://www.facebook.com/. Cũng có thể viết
tắt một cách ngắn gọn thành www.facebook.com.
Ngoài ra, để phân biệt rõ hơn các loại địa chỉ, người ta có
thể thay đuôi “.com” bằng những ký tự
như “.edu” (education: thuộc lãnh vực
giáo dục), “.org” (organisation, địa
chỉ của tổ chức)… Xuất xứ hay còn gọi là “tên
miền” (domain name) là một địa chỉ trên mạng giống với số nhà của bạn ngoài
đời thường, chẳng hạn như “.vn” (Việt
Nam).
Tên miền
Web page (trang
web) tựa như một cửa sổ xuất hiện trên trình
duyệt (web browser) với địa chỉ mạng
(URL) trên Internet. Bạn có thể đi từ trang web này sang một trang khác tựa như
ta lật trang trên một tạp chí. Một trang web có nhiều hình thức, chẳng hạn như
phần chữ viết, hình ảnh, video, đường dẫn
(link) và cả… quảng cáo.
Khác biệt lớn nhất của trang web với trang báo là sự tương tác (interactive), có nghĩa là
bạn có thể lướt đọc và đồng thời nhắp chuột vào những khu vực đặc biệt để tìm
hiểu thêm về đề tài hoặc cũng có thể vào những trang có đường dẫn. Như vậy, nhiều
trang web có thể tạo thành một trang mạng
(website, web site).
Web site & Web page
Social Media được
hiểu là mạng xã hội, được thiết kế để những người sử dụng (hay còn gọi là cư dân mạng) trao đổi với nhau. Hai mạng
xã hội Facebook và Twitter nổi tiếng hoàn toàn miễn phí, có số người tham gia
lên đến hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người đăng ký.
Ngoài ra còn có YouTube
(chủ yếu là các video clips), Instagram, Flickr (hình ảnh), LinkedIn, Google+,
Pinterest, Tumblr, Snapchat, Reddit… Bên
cạnh việc tương tác giữa người sử dụng, mạng xã hội còn cung cấp những thông
tin trong đủ các lãnh vực như giải trí, giáo dục, khoa học… Một số các cơ quan
chính phủ hay doanh nghiệp cũng thiết kế mạng để cung cấp những thông tin có
liên quan đến hoạt động của mình.
Mạng xã hội
Internet cũng có thể tạo ra những “phiền phức ngoài ý muốn”. Coi chừng, một ngày đẹp trời nào đó,
trên thư điện tử (email) của bạn lại
xuất hiện những bức thư có địa chỉ lạ hoắc mà dân chuyên môn gọi là “spam email” hay “thư rác”. Người gửi những thư đó có 1 trong 2 mục đích:
1. Quảng cáo cho những sản phẩm, dịch vụ của họ khi họ biết
được địa chỉ email của bạn. Điều này xem ra cũng vô hại nhưng khiến bạn mất thì
giờ để đọc những dòng quảng cáo mà mình chẳng bao giờ quan tâm đến!
2. Nguy hiểm nhất là loại email của các “tin tặc” (dịch từ chữ hackers). Họ là những người hiểu rõ hoạt
động của hệ thống máy tính, mạng máy tính… họ có thể viết hay chỉnh sửa phần mềm,
phần cứng máy tính để làm thay đổi, chỉnh sửa nó với nhiều mục đích tốt xấu
khác nhau.
Có hai loại hacker. “Hacker
mũ trắng” là từ ngũ thường được dùng để gọi những người mà hành động thâm
nhập và thay đổi hệ thống của họ được xem là tốt, chẳng hạn như những nhà bảo mật,
lập trình viên, chuyên viên mạng máy tính.
Với tính cách luôn ưa thích thử thách, hacker mũ trắng thường cảm thấy buồn
chán khi họ đã giải quyết được tất cả những vấn đề khó khăn nên họ tìm thú vui
khi thâm nhập vào mạng máy tính. Họ có khả năng hoàn thiện và tối ưu hóa hệ thống
mạng nhưng một khi đã đột nhập vào đó họ đã gây phiền phức cho những người khác.
Loại thứ hai là “Hacker
mũ đen” là những người mà hành động thâm nhập có mục đích phá hoại, lừa đảo
hoặc vi phạm pháp luật. Hacker mũ đen
luôn tìm cách dò thông tin cá nhân (personal
data) hoặc mật khẩu (password) của bạn.
Thế cho nên, hãy cẩn thận với những email bạn nhận được
dù đó là của ngân hàng, chính quyền hay người mà bạn quen biết. Đặc biệt khi
trong thư có dẫn đến các đường link, nếu bấm vào đó, bạn đã lọt vào bẫy của
hacker. Lúc đó, chỉ có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra với bạn.
Tin tặc
Blog là gì? Đơn
giản chỉ là những bài viết của một cá nhân (blogger) đăng trên một trang mạng
xã hội (website). Chẳng hạn như trên trang mạng Blogspot (blogspot.com) tôi có
một trang blog mang tên “chinhhoiuc.blogspot.com”, “chinhhoiuc” là tên của
trang “Nguyễn Ngọc Chính’s Hồi ức một đời người” do tôi tự đặt.
Như vậy, trang blog có thể là một nguồn thông tin hữu ích
do một cá nhân cung cấp nhưng độ tin cậy hãy còn bỏ ngỏ vì tùy thuộc vào trình
độ hoặc chính kiến của blogger. Trang blog cũng có tính tương tác qua phần nhận xét (comments) của người đọc. Một số
bloggers cũng có thể kinh doanh trên blog của mình bằng cách cho đăng quảng
cáo.
Trang blog của tôi trên Blogspot
Gần đây chúng ta thường nghe nói đến từ ngữ “đám mây” trên Internet, được dịch từ
“cloud” trong tiếng Anh. Hiểu theo nghĩa đơn giản, “đám mây” là nơi lưu trữ, cất giữ những thông tin (kể cả hình ảnh)
của người sử dụng Internet. Bạn có thể sở hữu một “đám mây” qua trình duyệt web (web browser) có sẵn trên máy tính hoặc
qua “app” (phần mềm ứng dụng) trên điện
thoại.
Có rất nhiều dịch vụ cung cấp “đám mây” như iCloud (của Apple iPhone) hay Google Drive (https://www.google.com/intl/vi_ALL/drive/).
Tôi có một “đám mây” trên Dropbox với
dung lượng hạn chế nhưng cũng đủ để lưu trữ những tài liệu mà minh muốn cất giữ.
Một khi có được “đám mây”, bạn có thể
truy cập những thông tin trong đó bất cứ lúc nào bằng máy tính hoặc điện thoại.
Bạn còn có thể chia
sẻ (share) những thông tin đó đến các địa chỉ hoặc người sử dụng khác. Mặt
khác, “đám mây” kết nối nhiều người từ
khắp nơi trên thế giới để cùng làm việc cho một dự án chung.
Những dịch vụ cung cấp những “đám mây” phổ
biến trên Internet
Trên đây là một số kiến thức tối thiểu giúp người sử dụng
hiểu được phần nào các ứng dụng của Internet. Dĩ nhiên, bài viết này vẫn còn ở
dạng sơ khai và trình bày qua lối hành văn của người… không chuyên môn.
Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn (đặc biệt là những người
lớn tuổi không còn cơ hội đến trường lớp chuyên môn) có thể hình dung được “thế
giới phẳng” ngày nay như thế nào.
Người xưa có câu “Trăm
hay không bằng tay quen”, hãy cứ mạnh dạn bước vào Internet. Càng ngày, bạn
sẽ thấy càng thích thú với những khám phá trên không gian mạng!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét