* Lời giới thiệu:
Tôi thường nhận được
email gửi các truyện ngắn của một người có bút danh Phương Lan. Truyện ngắn của
nhà văn nữ này mang hơi hướng của O’Henry, nhà văn Mỹ với những tình tiết luôn
mang đoạn kết bất ngờ. Nói vậy có lẽ hơi quá khi so sánh Phương Lan với
O’Henry.
Nghĩ cho cùng, cuộc đời đôi khi chỉ
là một vở kịch trên sân khấu, tất cả đều là giả tạo, là diễn xuất. Chỉ sau khi
tấm màn nhung buông xuống, son phấn đã đuợc rửa sạch, thì những bộ mặt thật của
diễn viên mới lộ ra, khác hẳn.
Đó chính là chủ đề
của truyện “Khi màn đã hạ” trong bối cảnh là một thời Sài Gòn Xưa… Mời các bạn
cùng đọc truyện ngắn (nhưng lại hơi dài) của Phương Lan.
***
Cung thất nghiệp đã bốn tháng nay rồi. Cái hãng buôn mà
chàng đang làm thư ký bỗng dưng đổi chủ, người chủ cũ lâm bệnh nặng, phải đi
ngoại quốc chữa trị, giao quyền điều hành cho người em ruột. Ông này cải tổ lại
toàn diện, thay đổi ban trị sự và giảm bớt một số nhân viên. Cung và năm người
nữa không may có tên trong số những người bị sa thải. Chàng lãnh cái giấy giới
thiệu và ba tháng lương tiền bồi thường, đi tìm việc mới. Không dám nghỉ ngơi một
ngày nào, Cung vác giấy giới thiệu, và đơn xin việc đi khắp các hãng xưởng để
xin viêc làm, nhưng không nơi nào cần người cả. Có một chỗ thâu ngân viên trong
một vũ trường, nhưng họ đòi phải thế chân tới 100 ngàn, Cung không có đủ tiền để
đóng, nên thất nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp.
Cung lo lắm, bây giờ mỗi ngày chàng đều mua một tờ báo, không phải để đọc
tin tức, mà để dò trong mục rao vặt xem có chỗ nào cần người. Từ hai tháng nay,
Cung đã phải trả lại căn nhà tiện nghi đang ở, để thuê chung phòng với một người
bạn cũng độc thân như chàng, trong một cao ốc chung cư, cho rẻ. Người bạn chung
phòng với chàng tên Thịnh, là một bạn học cũ của chàng từ thuở còn học trung học.
Thịnh bây giờ làm nghề chạy áp phe, khi trúng mối thì ăn chơi như một ông
hoàng, khi không có mối cũng lâm vào cảnh đói rách như chàng bây giờ. Họ gặp
nhau khi cả hai cùng lang thang trên hè phố, Thịnh mời Cung về ở chung để chia
đỡ tiền phòng.
Sáng nay, sau bữa điểm tâm nghèo nàn chỉ gồm có xôi bắp và ly cà phê không
sữa, cả hai tên thất nghiệp đều châu đầu vào tờ báo. Bất chợt Thịnh la lên:
- Này Cung, đọc coi!
- Cái gì? Cung vừa nhấp một ngụm cà phê vừa hỏi, giọng không lấy gì làm sốt sắng lắm, có nơi cần người à?
- Không, nhưng bạn hãy đọc cái tin mừng này đi!
- Cái gì? Cung vừa nhấp một ngụm cà phê vừa hỏi, giọng không lấy gì làm sốt sắng lắm, có nơi cần người à?
- Không, nhưng bạn hãy đọc cái tin mừng này đi!
Cung vẫn thờ ơ:
- Tin mừng thì có gì phải coi? Tin mừng của người ta, chứ có phải tin mừng của mình đâu?
- Nhưng tin mừng này có liên quan tới cậu. Còn nhớ Diễm Liên chứ? nàng sắp lấy chống đấy.
- Tin mừng thì có gì phải coi? Tin mừng của người ta, chứ có phải tin mừng của mình đâu?
- Nhưng tin mừng này có liên quan tới cậu. Còn nhớ Diễm Liên chứ? nàng sắp lấy chống đấy.
Cung giật nảy mình, giật vội lấy tờ bào trong tay Thịnh,
hồi hộp, run run lật ra coi. Nơi trang tư của tờ nhật trình, một hàng chữ thật
lớn đập ngay vào mắt chàng. Bản tin được đóng khung, và chiếm tới một phần tám
trang báo khổ lớn.
TIN MỪNG
Nhận được hồng thiệp
của ông bà hiệu trưởng Trần Quang Trung, báo tin sẽ làm lễ vu qui cho trưởng nữ
là cô Trần Thị Diễm Liên, giáo sư đẹp duyên cùng cậu Lê Văn Hùng, bác sĩ, trưởng
nam của ông bà giám đốc Lê Văn Giảng.
Hôn lễ sẽ cử hành
vào lúc 11 giờ sáng ngày... tháng... năm.. tại tư gia số... đường Hai Bà Trưng,
Tân Định, Sài Gòn.
Chúng tôi xin chia
vui cùng hai họ, và chúc cô dâu, chú rể sắt cầm hoà hiệp, bách niên giai lão.
Một nhóm giáo sư đồng
nghiệp.
***
Cung dặt tờ báo xuống, thừ nguời nghĩ ngợi, thôi đúng rồi,
từ tên họ, nghề nghiệp, tới tên cha mẹ của nàng đều không sai tí nào, đúng là
Diễm Liên, người yêu của chàng mười năm về trước. Dạo đó, cả hai cùng học trường
Nguyễn Bá Tòng, Cung học trên nàng hai lớp. Diễm Liên nổi tiếng là cô nữ sinh đẹp
nhất lớp đệ tứ A1, khuôn mặt bầu bĩnh, hai má lúm đồng tiền, và nụ cuời xinh
như mộng của nàng đã làm cho bao nhiêu cậu nam sinh chết mê, chết mệt. Cung đã
vất vả lắm mới chiếm được trái tim của nàng, nhờ cái mã đẹp trai, con nhà giàu,
và tài ăn nói có duyên của chàng. Hai người yêu nhau dòng dã cả năm trời, thì
cha của Diễm Liên được thăng chức, nhưng phải đổi ra miền Trung để nhận chức
thanh tra học chính. Diễm Liên theo gia đình dọn nhà đi Qui Nhơn, xa cách nhưng
tình yêu của cả hai không vì thế mà gián đoạn, họ vẫn thư từ qua lại một thời
gian nữa, mới từ từ thưa dần, và sau cùng chấm dứt hẳn.
Đã hơn mười năm rồi, không biết Diễm Liên bây giờ ra sao,
nhưng đời Cung đã trải qua quá nhiều biến cố. Nhiều tai ương dồn dập xảy tới
cho gia đình chàng, khiến Cung phải cố gắng lắm mới vượt qua nổi. Trước hết là
cha chàng làm ăn thua lỗ, bị phá sản, đang từ một doanh thuơng giàu có, bỗng chốc
trở nên trắng tay, lại thêm nợ nần chồng chất không trả nổi, ông phẫn chí uống
rượu, rồi sinh bệnh và qua đời. Cung phải bỏ học để đi làm nuôi mẹ và một đứa
em gái. Thế rồi mẹ chàng cũng qua đời, và đứa em gái đi lấy chồng xa, đời Cung
hoàn toàn cô độc từ đó. Cuộc kiếm sống khá vất vả, khiến Cung chẳng còn thì giờ
nghĩ đến việc lập gia đình, vì thế cho nên tới giờ này chàng vẫn còn độc thân.
Bây giờ được tin người yêu cũ sắp đi lấy chồng, tim chàng quả có hơi xao xuyến.
Cung run tay móc bao thuốc lá, châm lửa hút, Thịnh nãy giờ vẫn không ngừng quan
sát bạn, bây giờ mới lên tiếng:
- Thế nào? có phải đúng là nàng không? Bây giờ bạn tính
sao?
- Còn tính sao nữa? Cung thở dài, bọn tôi dứt liên lạc đã lâu, cô ta đi lấy chồng là phải rồi.
- Thế bạn không đau lòng ư?
- Đau thì có đau, nhưng làm thế nào bây giờ? Tôi thân tàn ma dại như vầy...
- Còn tính sao nữa? Cung thở dài, bọn tôi dứt liên lạc đã lâu, cô ta đi lấy chồng là phải rồi.
- Thế bạn không đau lòng ư?
- Đau thì có đau, nhưng làm thế nào bây giờ? Tôi thân tàn ma dại như vầy...
Thịnh mỉm cười, ngắt lời:
- Ậy, nếu bạn muốn thì vẫn làm được chứ? Hắn nhìn vào mắt Cung, cố gắng thuyết phục, phải làm một cái gì, không thì uổng lắm. Này! bạn còn cất giữ những thư từ, hình ảnh của hai người lúc còn yêu nhau không?
- Còn, nhưng cậu hỏi để làm gì?
- Ậy, nếu bạn muốn thì vẫn làm được chứ? Hắn nhìn vào mắt Cung, cố gắng thuyết phục, phải làm một cái gì, không thì uổng lắm. Này! bạn còn cất giữ những thư từ, hình ảnh của hai người lúc còn yêu nhau không?
- Còn, nhưng cậu hỏi để làm gì?
Thịnh thở ra một hơi dài:
- Cũng may cậu chưa vứt bỏ... Những thứ đó bây giờ là kho vàng, kho bạc đấy!
- Cũng may cậu chưa vứt bỏ... Những thứ đó bây giờ là kho vàng, kho bạc đấy!
Cung nhíu mày:
- Tôi không hiểu cậu nói gì cả..
- Tôi không hiểu cậu nói gì cả..
Thịnh nháy mắt cười rất đểu:
- Có thế mà không hiểu, sao cậu ngây thơ quá vậy? Này nhé, người ta sắp làm vợ một ông bác sĩ giàu có, danh giá, nên rất sợ tai tiếng. Cậu mà đem những thứ đó ra hù là họ phải sợ ngay.
- Có thế mà không hiểu, sao cậu ngây thơ quá vậy? Này nhé, người ta sắp làm vợ một ông bác sĩ giàu có, danh giá, nên rất sợ tai tiếng. Cậu mà đem những thứ đó ra hù là họ phải sợ ngay.
Cung à lên một tiếng:
- Cậu muốn tôi dùng những thứ đó để tống tiền nàng à?
- Chứ còn gì nữa? Ông bác sĩ mà biết được người vợ tương lai có một dĩ vãng không trong sạch thì nhất định sẽ từ hôn ngay. Bạn cứ đòi 300 ngàn để chuộc những bằng chứng đó, tôi tin rằng họ sẽ không từ chối đâu, dại gì mất người chồng danh giá, chỉ vì có 300 ngàn bạc? Giá mua sự im lặng như vậy là quá rẻ.
- Cậu muốn tôi dùng những thứ đó để tống tiền nàng à?
- Chứ còn gì nữa? Ông bác sĩ mà biết được người vợ tương lai có một dĩ vãng không trong sạch thì nhất định sẽ từ hôn ngay. Bạn cứ đòi 300 ngàn để chuộc những bằng chứng đó, tôi tin rằng họ sẽ không từ chối đâu, dại gì mất người chồng danh giá, chỉ vì có 300 ngàn bạc? Giá mua sự im lặng như vậy là quá rẻ.
Cung bàng hoàng, vì hết bị những bất ngờ này đến những bất
ngờ khác.. Khẽ liếc nhìn người bạn chuyên làm áp phe, trí óc chàng làm việc rất
nhanh, trong đầu chàng chợt nảy ra một ý định... Cung ra vẻ nghĩ ngợi một lúc,
rồi lắc đầu:
- Không được, làm vậy kỳ quá. Tôi ngại..
Thịnh cười khảy:
- Chết đói tới nơi rồi, còn làm bộ quân tử Tàu. Hay nếu cậu ngại, thì cứ giao cho tôi, bao nhiêu việc tôi sẽ lo hết. Chúng ta cùng hợp tác, cậu có bửu bối, còn tôi có công, thành quả sẽ chia đôi, đồng ý?
- Chết đói tới nơi rồi, còn làm bộ quân tử Tàu. Hay nếu cậu ngại, thì cứ giao cho tôi, bao nhiêu việc tôi sẽ lo hết. Chúng ta cùng hợp tác, cậu có bửu bối, còn tôi có công, thành quả sẽ chia đôi, đồng ý?
Cung nhìn con cáo già đang đứng trước mặt, khẽ rùng mình,
tên này quả là một đứa lưu manh chuyên nghiệp, không từ một việc gì có thể kiếm
ra tiền mà không làm, kể cả những việc vô liêm sỉ nhất. Chàng lại thở dài, đến
bước đường cùng, ta cũng làm như hắn thôi. Nhưng hắn tham lam quá, chàng đâu có
ngu gì để cho hắn chơi trội? Nhưng quả thật, đây là một vấn đề quá mới mẻ mà
chàng chưa bao giờ nghĩ tới, nên phải cần có thời gian để tính kế, sắp đặt mọi
việc cho hoàn hảo, vội vã là hỏng cả. Nghĩ vậy nên Cung tìm kế hoãn binh:
- Cậu cho tôi vài tuần để suy nghĩ.
Hai tuần sau đó, ngày nào Cung cũng cố gắng đi tìm việc
làm, nhưng vô ích. Thịnh vẫn để ý theo dõi bạn, khi biết trong túi Cung chỉ còn
vài trăm bạc, tiện tặn lắm cũng chỉ đủ tiêu đến cuối tháng, hắn mới dục:
- Cậu phải quyết định nhanh lên, còn chưa tới một tháng nữa là đám cưới, để
cưới rồi, thì hỏng việc.
Cung thở dài, ra điều miễn cưỡng:
- Thôi được, tôi đồng ý. Cậu cứ việc tiến hành theo ý cậu.
***
Hôm nay Diễm Liên vui lắm, nàng nôn nao vô cùng, chỉ còn
ba tuần nữa là đám cưới, biết bao nhiêu việc phải làm, mà việc nào cũng cần thiết
cả. Từ hai tháng trước, thiệp cưới đã được gởi đi hết. Bà Trung, mẹ nàng bận tối
mắt để lo sửa soạn nhà cửa, sắm đồ tế nhuyễn cho cô dâu, và xếp đặt chỗ ngồi từng
bàn cho những khách được mời. Bà bàn với ông:
- Đám cuới con gái đầu lòng của chúng ta, phải làm sao cho nở mày nở mặt với
thiên hạ, ông đồng ý chứ?
- Tuỳ bà..
- Tuỳ bà..
Ông gật đầu ngay, trong lòng rất hân hoan, sung sướng. Suốt
ngày từ sáng đến tối, nhà ông bà không lúc nào vắng khách, họ đến để chia vui,
để giúp việc tổ chức tiệc tùng đón nhà trai, để góp ý kiến về những lễ nghi
trong đám cuới v..v.. Diễm Liên cũng lăng xăng giúp mẹ trang hoàng nhà cửa, đặt
hoa tươi, lau chùi lư hương và những đồ bằng đồng để bày bàn thờ. Diễm Liên đã
chọn bạn phù dâu, và may xong áo cưới. Ngoài bộ áo cưới bằng satin dài đến gót
chân, với khăn voan và vương miện cài đầu theo kiểu Tây phương, nàng còn sắm
thêm một áo dài cổ truyền với khăn vành dây, và một bộ đồ xường sám bằng kim
tuyến màu đỏ, xẻ lên tới đùi, nom thật là hấp dẫn. Diễm Liên nghĩ thầm, chắc
Hùng sẽ ngạc nhiên lắm thấy ta mặc áo này hôm đám cưới, lúc đôi tân hôn mở đầu
cuộc khiêu vũ. Có lần hai người đi xem một phim Trung Hoa, thấy cô đào Lăng Ba
mặc một bộ xường sám màu đỏ, Hùng đã buột miệng khen… Thế là Diễm Liên nhất định
sẽ cho chàng thấy nàng mặc áo đó cũng đẹp không thua cô đào Lăng Ba nổi tiếng của
Trung quốc. Nghĩ đến vẻ mặt nghệt ra của Hùng khi ngắm nàng, Diễm Liên mỉm cười
thích thú… Ôi! nàng yêu biết bao chàng thanh niên hiền lành, trí thức đó.
Buổi sáng nay, nhà vắng vẻ không có khách, cha mẹ nàng rời
nhà từ lúc 10 giờ để đến nhà hàng Văn Cảnh chọn thực đơn, và xem phòng đặt tiệc
cưới, các em nàng cũng đi học cả. Một mình Diễm Liên ở nhà, nàng đem mấy cái áo
cưới ra ngắm nghía mãi cũng chán, nên lấy sách ra đọc, nhưng chẳng đọc được chữ
nào. Diễm Liên chợt nhìn ra cửa, và thấy một đứa bé cứ thập thò nơi cổng, rụt
dè không dám bấm chuông. Lấy làm lạ, nàng đi ra cửa, vẫy đứa bé lại gần, hỏi:
- Em muốn kiếm ai?
Đứa bé nhìn nàng chăm chú, rồi mới lễ phép hỏi:
- Đây có phải là nhà của cô Diễm Liên không ạ?
- Phải, chính là chị đây. Em muốn gì?
- Có người nhờ em đưa một bức thư, dặn phải trao tận tay cho chị.
- Ai vậy?
- Phải, chính là chị đây. Em muốn gì?
- Có người nhờ em đưa một bức thư, dặn phải trao tận tay cho chị.
- Ai vậy?
Nhưng đứa bé không trả lời, nó lặng lẽ rút từ trong túi
áo ra một phong thư dán kín, dúi vào tay nàng, rồi ù té chạy mất. Ngạc nhiên hết
sức, Diễm Liên vội vã đi nhanh về phòng mình, đóng chặt của lại, rồi mới xé bì
thư ra đọc. Mới vài giòng đầu, sắc mặt Diễm liên đã tái ngắt, và khi đọc hết lá
thư, thì mồ hôi nàng nhỏ giọt, mặc dù nhà có gắn máy lạnh. Thư có nội dung như
sau:
Sài Gòn ngày..
tháng.. năm...
Thưa cô Diễm Liên
Hẳn cô còn nhớ Cung
chứ? Phạm Đỗ Cung, học lớp đệ nhị B trường Nguyễn Bá Tòng mười năm về trước.
Tôi cũng cùng lớp với hắn. Dạo đó Cung và cô yêu nhau, cả lớp đều biết. Mối
tình thật đẹp và hai người trông thật xứng đôi. Chúng tôi đã tưởng sẽ được đi dự
đám cưới của hai bạn. Ai dè cô lại thay lòng đổi dạ, và dứt tình, làm bạn tôi
đau khổ hết sức. Cung vẫn thăm dò tin tức của cô, nhưng vì xa xôi quá, nên bặt
tin khá lâu. Không ngờ cô đã về lại Sài Gòn. Tình cờ đọc báo, thấy tin cô sắp lấy
chồng, Cung tuyệt vọng lắm, hắn nhờ tôi nhắn cô cho hắn gặp mặt một lần chót, để
giao trả tất cả những thư từ, hình ảnh, và những kỷ vật cô đã tặng hắn năm xưa,
nhưng với một điều kiện... Cung bây giờ đã xa sút, và đang thất nghiệp, hắn
đang cần tiền ghê lắm. Những thứ hắn đang nắm giữ trong tay, rất có giá trị với
cô. Cung muốn đề nghị một cuộc trao đổi sòng phẳng, nói trắng ra là, hắn muốn
đánh đổi tất cả các bằng chứng có thể đưa tới sự từ hôn của nhà trai, lấy một số
tiền mặt là 300 ngàn đồng. Số tiền đó đối với gia đình cô chẳng thầm vào đâu,
nhưng với Cung thì có hiệu lực cứu sống đời hắn. Cung lâm vào đường cùng rồi, hắn
hoá liều, và việc gì cũng dám làm. Cô nên suy nghĩ kỹ, xem có nên vì một số tiền
không lớn lắm đó, mà bỏ lỡ cơ hội được làm vợ của một ông bác sĩ giàu sang,
danh giá? Lại còn danh dự của gia đình cô nữa, cha cô đường đường là một nhà mô
phạm, một vị hiệu trưởng có uy tín trong giới giáo dục, mà có đưa con gái bị từ
hôn, thì nhục nhã thế nào, chắc cô cũng đoán hiểu.
Nếu cô đông ý với
điều kiện tôi đưa ra, thì xin hãy đem tiền đến gặp bạn tôi lúc 5 giờ chiều
ngày... tháng.. tại địa chỉ số.. đưòng Bàn Cờ. Tất cả những kỷ vật nói trên sẽ
được trao tận tay cho cô, ngay sau khi đưa tiền. Để làm bằng cớ chúng tôi còn
giữ tất cả những tài liệu quí giá đó, tôi xin gởi kèm đây, một bức ảnh hai người
chụp chung ở Vũng Tàu năm xưa...
Tôi tin rằng cô sẽ
không gài bẫy, gọi cảnh sát bắt chúng tôi đâu, bởi vì cô không muốn báo chí sẽ
làm rùm beng cái dĩ vãng cần phải dấu kin của cô.
Kinh thư
Nguyễn Văn X
Đặt lá thư xuống bàn, Diêm Liên lảo đảo ngồi xuống, trong
phong bì còn một bức ảnh, Diễm Liên run run cầm lên xem và rụng rời, thật không
thế chối cãi gì được, hai người đều mặc áo tắm hở hang, và Cung đang ôm vai
nàng. Liên sợ hãi ghê gớm, mặc dù sự thật giữa hai người chưa có gì cả, chỉ là
một bức ảnh chụp lúc đang tắm biển. Thế nhưng làm sao chứng minh? Ai dè chỉ vì
mối tình trong trắng ngây thơ thuở học trò, mà bây giờ phải nhận lãnh hậu quả.
Diễm Liên thở dài, nhẫn nại chịu số phận, nàng tom góp tất cả tiền bạc dành dụm,
và bán đi một cái lắc vàng và môt sợi dây chuyền có cái mề đay bằng kim cương,
mới gom đủ số.
***
Cuộc hội kiến lúc đầu xem ra rất căng thẳng, hai cố nhân
nhìn nhau như hai kẻ thù địch, và cứ ngậm câm, không ai chịu mở miệng trước. Chỉ
có kẻ thứ ba là đóng vai chủ động, Thịnh nhìn Diêm Liên dò xét một hồi, rồi mới
lên tiếng:
- Thật sự chúng tôi không có ý tống tiền cô, vạn bất đắc dĩ mới phải làm vậy,
và xin thề là sẽ không có lần thứ hai.
Thịnh vừa nói vừa dơ lên một cái gói có cột dây cẩn thận:
- Đây là tất cả những thơ từ, hình ảnh và kỷ vật, chúng tôi sẽ giao cho cô
để hủy bỏ tại đây, tuỳ cô quyết định, sau khi cô đã trả tiền sòng phẳng. Cô đem
đủ số đó chứ?
Diêm Liên lắc đầu:
- Dạ chưa, tôi không có sẵn, tại ông cho một cái hẹn cận ngày quá, món tiền
lại quá lớn, tôi chạy đâu ra?
Thịnh sầm mặt lại:
- Thế hôm nay cô đến đây làm gì?
- Để.. để.. xin khất với ông cho tôi một thời gian nữa, mới chạy cho đủ số.
- Một thời gian nữa là bao lâu? Thịnh hỏi gần như quát, cô muốn khất lần khất lữa để qua mặt chúng tôi hả? Thôi được, cô đã không nhận chịu điều kiện, thì chúng tôi sẽ có cách khác. Cô cứ về đi, đến sáng mai, cái gói này sẽ đến tay gia đình bên chồng tương lai của cô.
- Để.. để.. xin khất với ông cho tôi một thời gian nữa, mới chạy cho đủ số.
- Một thời gian nữa là bao lâu? Thịnh hỏi gần như quát, cô muốn khất lần khất lữa để qua mặt chúng tôi hả? Thôi được, cô đã không nhận chịu điều kiện, thì chúng tôi sẽ có cách khác. Cô cứ về đi, đến sáng mai, cái gói này sẽ đến tay gia đình bên chồng tương lai của cô.
Vừa nói, Thịnh vừa giận dữ quật mạnh cái gói xuống bàn.
Diêm Liên mặt cắt không còn một hạt máu, nhưng mắt nàng rực lên những tia lửa
căm hờn. Cung từ đầu tới giờ chỉ đứng im, đầu cúi xuống, nét mặt mang một vẻ lạnh
lùng khó hiểu, bây giờ mới ngẩng lên, đưa mắt nhìn người yêu cũ với vẻ ái ngại,
chàng bất chợt lên tiếng, giọng êm dịu khác thường:
- Diễm Liên đừng sợ. Em cứ an tâm về đi, anh hứa sẽ không có chuyện gì xảy
ra cả.
Vừa nói, chàng vừa giằng lấy cái gói trong tay Thịnh, đưa
cho nàng:
- Em hãy cầm lấy, đem về nhà đốt. Anh xin lỗi Liên vì chuyện xảy ra hôm
nay. Bây giờ em về đi, những chuyện trong quá khứ chúng ta hãy quên hết, em cứ
yên tâm đi lấy chồng, anh chúc phúc cho em.
Cả Thịnh và Liên đều há hốc miệng. Liên mắt đỏ hoe, nàng
lùi dần, lùi dần... rồi chạy thật nhanh ra cửa. Còn lại Thịnh và Cung, mặt Thịnh
đỏ phừng phừng, hắn gầm lên:
- Thế này là thế nào? Khi không sao mày lại bỏ cuộc? Thằng điên! Thế là mất
toi nó 300 ngàn..
Cung điềm nhiên:
- Người ta đã không có tiền, có ép cũng vô ích. Thôi, bỏ qua đi!
- Đồ khốn nạn! thế còn công lao của tao?
- Coi như tụi mình xui xẻo.
- Xui đâu mà xui? Chỉ tại mày, chén cơm đã bưng tới miệng còn bị mày hất đổ. Đồ hèn!
- Vừa thôi, bạn đâu có quyền xỉ vả tôi như vậy?
- Sao không? ai bảo mày bỗng dưng đổi ý vào phút chót, làm bao nhiêu công lao của tao đổ xuống sông, xuống biển hết. Đã quân tử Tầu thì cuốn xéo ra khỏi nhà này, rồi uống nước lã mà sống.
- Bạn khỏi đuổi tôi cũng đi. Như thế này, sao còn tiếp tục ở với nhau được nữa?
- Đồ khốn nạn! thế còn công lao của tao?
- Coi như tụi mình xui xẻo.
- Xui đâu mà xui? Chỉ tại mày, chén cơm đã bưng tới miệng còn bị mày hất đổ. Đồ hèn!
- Vừa thôi, bạn đâu có quyền xỉ vả tôi như vậy?
- Sao không? ai bảo mày bỗng dưng đổi ý vào phút chót, làm bao nhiêu công lao của tao đổ xuống sông, xuống biển hết. Đã quân tử Tầu thì cuốn xéo ra khỏi nhà này, rồi uống nước lã mà sống.
- Bạn khỏi đuổi tôi cũng đi. Như thế này, sao còn tiếp tục ở với nhau được nữa?
Nói xong, Cung lập tức tom góp vài bộ quần áo cũ đã sờn
rách, cho vào một cái túi xách, và đi thẳng ra cửa. Chàng dốc hết số tiền còn lại,
thuê một căn phòng hạng bét trong một khách sạn rẻ tiền, rồi gọi điện thoại cho
Liên:
- Anh đã rời khỏì tên bạn lưu manh đó rồi. Xin lỗi Liên về chuyện hồi chiều
đã làm cho em sợ.
- Anh đang ở đâu? em sẽ đến ngay.
- Anh đang ở đâu? em sẽ đến ngay.
Cung trầm giọng xuống, ra vẻ đau khổ:
- Em đến làm gì? giữa chúng ta coi như đã hết. Anh vẫn rất yêu em, anh
không sao quên được mối tình thơ mộng của chúng ta khi xưa. Nhưng bây giờ anh sắp
mất em, anh cần phải xóa đi hình ảnh của em trong tim anh... Em đừng đến nữa,
nhìn thấy em, anh càng thêm đau lòng.
- Không, thể nào em cũng đến, em có một việc quan trọng cần nói với anh.
- Chuyện gì vậy? sao không nói bây giờ?
- Không tiện nói qua điện thoại.
- Không, thể nào em cũng đến, em có một việc quan trọng cần nói với anh.
- Chuyện gì vậy? sao không nói bây giờ?
- Không tiện nói qua điện thoại.
Cung tặc lưỡi, giọng xuôi xị:
- Thôi được rồi, anh cũng có chuyện cần giải thích với em. Chúng ta gặp
nhau một lần chót vậy, nhưng em đến khách sạn không tiện đâu, ai biết được, em
sẽ mang tiếng. Chúng ta hẹn nhau trong một quán nước nào đó tùy em chọn.
- Cám ơn anh đã giữ gìn cho em... Diễm Liên nói giọng cảm động, vậy 7 giờ tối mai, chúng ta gặp nhau ở quán cà phê Phượng, ở đường Nguyễn Văn Giai, anh nhé?
- Được, đúng7 giờ tối mai, anh sẽ có mặt.
- Cám ơn anh đã giữ gìn cho em... Diễm Liên nói giọng cảm động, vậy 7 giờ tối mai, chúng ta gặp nhau ở quán cà phê Phượng, ở đường Nguyễn Văn Giai, anh nhé?
- Được, đúng7 giờ tối mai, anh sẽ có mặt.
***
Quán cà phê mờ ảo ánh đèn, và vắng khách. Họ chọn một bàn
khuất trong một góc tối, xa tầm nhìn của mọi nguời. Gọi nước cho Diễm Liên
xong, Cung mở đầu câu chuyện. Vắn tắt, chàng kể cho nàng nghe về cuộc đời của
mình, rồi thở dài:
- Cha anh chết đi, để lại một món nợ khá lớn mà anh phải trang trải, cho
nên mới ra nông nỗi này. Anh đã phải bỏ học để kiếm sống, nhưng cũng không khá,
mới đây lại bị mất việc..
Diêm Liên ngậm ngùi:
- Tất cả nhũng điều anh kể, bây giờ em mới biết. Trước đây, em chỉ biết một
điều là anh đang túng quẫn, nên em vẫn có ý định sẽ giúp đỡ anh. Chiều hôm qua,
em có mang theo tiền, nhưng không đưa ngay, chỉ sợ thằng cha lưu manh đó cuỗm hết,
bởi thế nên em tìm cách trì hoãn, vì em vẫn nghi ngờ lắm, em biết anh không nỡ
đối xử hèn hạ như thế với em, chắc chỉ tại thằng cha ấy bày trò làm láo. Đến
khi anh đưa cái gói và bảo em về đi, thì em biết em đã đoán đúng, em rất xúc động,
thì ra anh vẫn là một người có tình cảm và lương thiện, chứ đâu phải là một tên
lưu manh, đểu cáng.
- Cám ơn em đã nghĩ tốt về anh, sự thật đúng là thế đấy.
- Em rất thông cảm hoàn cảnh của anh..
- Cám ơn em đã nghĩ tốt về anh, sự thật đúng là thế đấy.
- Em rất thông cảm hoàn cảnh của anh..
Diễm Liên ngưng lại như để lựa lời, rồi mới thong thả nói
tiếp, em có một chút lòng thành muốn giúp đỡ. Nói xong nàng mở sắc tay, lấy ra
một cuộn giấy bạc lớn gói trong giấy nhật trình, đặt vào tay Cung:
- Đây là số tiền 300 ngàn em giúp riêng anh, hãy cầm lấy
và làm lại cuộc đời.
Cung đẩy gói bạc trở lại, buồn rầu nói:
- Em đừng làm thế, anh mang mặc cảm tội lỗi, giống như đang tống tiền em vậy.
Diễm Liên cười dịu dàng:
- Giống sao mà giống? Đây là tiền ân tiền nghĩa, chứ đâu phải là những đồng
tiền bẩn thỉu, bất chính. Anh cầm lấy cho em an tâm, thấy tình cảnh của anh như
vậy, em cũng đau lòng lắm, anh không lấy là phụ lòng em đó.
Vừa nói, nàng vừa nhét xấp bạc vào túi chàng. Cung để yên
cho nàng làm xong, rồi mới thỏ dài, nói nhỏ:
- Em đã nói thế thì anh phải nhận vậy, mặc dù anh rất xấu hổ.
Diễm Liên an ủi:
- Anh cứ cầm đi, đừng ngại gì cả. Con người ta ai chẳng có lúc gặp vận
xui, hy vọng rồi sẽ qua đi. Em chúc anh may mắn.
Nói xong nàng đứng dậy:
- Em phải về kẻo trễ rồi.
Cung cũng đứng dậy:
- Ừ thôi, chúng ta chia tay, anh chúc em hạnh phúc.
Tiễn nàng ra cửa, Cung đứng trông theo cho tới khi bóng
nàng khuất hẳn nơi góc phố, mới quay vào.
***
Bây giờ mới là lúc hạ màn. Cung kêu taxi trở về khách sạn,
hắn mở xấp bạc dầy cộm ra kiểm điểm lại, rồi cười một cách khoái trá:
- Không ngờ ta đã đi một nước cờ cao, và thắng một ván bài lớn như vậy, đớp
trọn số tiền 300 ngàn, mà không phải chia chác gì cả, đã thế lại còn được tiếng
là con người có tình, có nghĩa... Ha ha! ai dám bảo ta không phải là một con
cáo già?
Cung rút túi lấy ra một điếu thuốc thơm cuối cùng, bật lửa
đốt, rồi vò cái bao rỗng, quăng vào sọt rác. Hắn khoan khoái hít một hơi thật
dài, trong khói thuốc mờ ảo, Cung mỉm cuời đắc ý, tự khen mình là một diễn viên
đại tài đã đóng trọn vai trò quân tử, trong sạch của mình một cách xuất sắc, cả
tên đồng loã và nạn nhân của hắn đều không ai nghi ngờ gì cả.
PHƯƠNG - LAN
(trích từ tập truyện "Còn chờ một kiếp sau")
(trích từ tập truyện "Còn chờ một kiếp sau")
***
Vài dòng về tác giả
Tác giả tên thật là Lưu Phương Lan, sinh quán tại Hà Nội,
lớn lên tại miền Nam Việt Nam. Cựu học sinh Trưng Vương Sài Gòn. Tốt nghiệp dược
sĩ tại Đại Học Dược Khoa Sài Gòn, và California Hoa Kỳ. Hiện làm nghề dược sĩ
phòng thí nghiệm y khoa ở California. Đã lập gia đình, phu quân là bác sĩ Lưu
Văn Chương, hai vợ chồng có bốn con: Lan Tú Lưu, James Khôi Lưu, William Quang
Lưu, Carolyn Hương Lưu.
Các tác phẩm của Phương Lan đã xuất bản:
1- Tiếng dương cầm (truyện dài)
2- Anh mới biết yêu lần đầu (tập truyện ngắn, chung với
PT Quang Ninh)
3- Còn chờ một kiếp sau (tập truyện ngắn)
4- Bốn mươi năm cuộc tình (tập truyện ngắn)
5- Tiếng đàn xưa (tập truyện ngắn)
6- Lấy chồng xa (tập truyện ngắn)
7- Dòng sông dĩ vãng (truyện dài)
8- Qua lối cũ (tập truyện ngắn)
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét