Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Chuyện “Cái Nòn”

Tựa đề câu chuyện “Cái Nòn” tôi không đánh máy sai chính tả mà lấy từ một đoản văn của nhà báo Bùi Bảo Trúc [1]. Ông đã qua đời năm 2016 tại Hoa Kỳ và bài viết “Cái Nòn” nằm trong cuốn sách “Thư gửi bạn ta Chuyện Thật Mà Như Đùa”, gồm 86 chuyện cực ngắn do nhà xuất bản Vietstream phát hành tháng 12/2016 tại Hoa Kỳ.

Mới đọc tựa đề chuyện “Cái Nòn” (viết vào tháng 12/2015) người ta không khỏi thắc mắc: “Cái nòn là cái gì? Tại sao lại có tên “Cái Nòn”? Ngay câu đầu truyện, ta có thể hiểu được thâm ý của tác giả:

“Vào internet đọc báo ở trong nước tôi ghét nhất là những bức hình trên báo chụp những người đàn ông đội những cái nón cối màu cứt ngựa”.

À… như vậy là Bùi Bảo Trúc rất “dị ứng” với cái nón cối… nhưng mãi đến đoạn kết mới hiểu lý do tại sao tác giả gọi là “Cái Nòn” chứ không phải là “Cái Nón”. Ông kể lại sự tích một hôm trời mưa nặng hạt, bác Hồ xuống thăm “cơ sở” và nhà thơ “bình dân” Bút Tre [2] kể lại:  

“Chị Định đón bác dưới mưa
Chị sợ bác ướt, chị đưa cán nòn…”

Sách của Bùi Bảo Trúc

“Cái Nòn” của Bút Tre là vậy! Và “Cái Nòn” của Bùi Bảo Trúc cũng xuất xứ từ đấy. Tuy nhiên, đối với nhà văn Nguyễn Bá Chổi, cái nón cối lại mang “nhiều ấn tượng nhất” trong số nhiều loại nón như mũ phớt, mũ lưỡi trai, mũ nồi, mũ rừng, mũ nhựa, mũ sắt và… mũ “bảo hiểm” mà ngày xưa còn có tên “mũ an toàn” (safety helmet). Tác giả tâm sự:

“Ngày ấy, sau Chiến Thắng Điện Biên Phủ một thời gian không lâu, quê tôi, làng Yên Phú bên bờ Sông La, lần đầu tiên đón tiếp các chú Bộ đội Cụ Hồ về đóng quân tại nhà dân. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt cái nón cối.

“Chiến thắng Điện Biên, Bộ đội ta kéo quân trở về, giữa mùa hoa nở”. Nghe các chú ấy hát, tôi hình dung những cái nón cối nhấp nhô trên đường phố Hà Nội giữa tiếng reo hò của đồng bào Thủ Đô, thấy oai phong lẫm liệt hùng tráng làm sao; bây giờ hồi tưởng laị cảm xúc lúc ấy, và để diễn tả cho chính xác hơn, chắc phải mượn mấy chữ của Công tử Hà Đông [biệt hiệu của nhà văn Hoàng Hải Thủy – Chú thích của NNC], “cảm khái cách gì”.

“Tình yêu nón cối” của tôi đã không qua mắt mẹ tôì dù bà luôn đi sớm về tối với đôi quang gánh trên vai lo việc buôn bán nơi chợ bên kia sông,và bà đã đi chợ Huyện sắm cho hai anh em tôi mỗi đứa một cái nón Cối và một đôi dép Lốp (sau này được biết còn gọi là dép Bình Trị Thiên hay dép Râu). Cái món thời trang quý hiếm này, hai anh em tôi may mắn có sớm nhất trong làng khiến những đứa khác trầm trồ càng làm tôi hãnh diện, và thích đi đó đây ngoài... đường.

“Nhưng rồi ngày vui qua mau. Làng bỗng xuất hiện một tốp người lạ cũng đội nón Cối mang dép râu, quần áo màu nâu và vai mang cái xắc cốt dây dài thượt... và không lâu sau đó dân làng người nhìn nhau xa lạ, kẻ nói nhau xầm xì, và những cuộc đấu tố... Bữa ăn cơm phải đóng kín cửa và nghe mẹ dặn "nay con phải gọi cá bằng cà, và thịt bằng dưa. Nhớ nha con, không thì chết cả nhà".

(hết trích)

Bộ đội cụ Hồ và chiếc nón cối

Nhân Nguyễn Bá Chổi có nhắc đến “Công tử Hà Đông” tức nhà văn Hoàng Hải Thủy nên cũng cần nói thêm đôi điều. Bài viết “Giải pháp Bảo Đại” trên trang mạng “Hoàng Hải Thủy a.k Công tử Hà Đông” (https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/03/11/gi%E1%BA%A3i-phap-b%E1%BA%A3o-d%E1%BA%A1i/) có đăng một bức hình với caption “Vua Bảo Đại xuất hiện trong một nghi lễ chính thức với quan chức Pháp năm 1930”, Hoàng Hải Thủy xác định “là không đúng”. Tác giả viết:

“Vua Bảo Đại chỉ về nước chính thức làm Vua năm 1934. Tôi đăng ảnh xưa này để quí vị thấy cái Nón Cối – Quan Tây gọi là – casque colonial – cát cô-lô-nhần, được các quí quan Đại Pháp đội vào nước ta từ những năm 1880, 1890. Ông Tây, bà Đầm từ giã 3 nước Đông Pháp, Nón Cối của quí quan Đại Pháp ở lại với người An-nam Bắc Kỳ mãi cho đến nay. Người Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không dùng Nón Cối. Chủ Tịt Hồ chí Minh đáng được chính phủ Pháp ghi công là “người có công bảo tồn Nón Cối, di sản Văn Minh Phú-lăng-sa ở Đông Dương.”

Nhà văn Hoàng Hải Thủy phản bác chú thích của tấm hình này

Nhà văn Bùi Bảo Trúc cũng đã xác định về lai lịch của chiếc nón cối trong bài viết “Cái Nòn” đã dẫn:

“Những chiếc mũ cối ấy lại có nguồn gốc rất thực dân. Chính người Pháp đã đem nó vào Việt Nam. Nó được làm bằng bấc nên nó còn được gọi là mũ liège. Nó nhẹ, không giữ nóng nên rất thích hợp cho các vùng nhiệt đới.

“Ở Ấn Độ, ở Phi châu, ở Đông Nam Á nó đều có mặt. Kiểu có thể hơi khác nhau nhưng chung chung thì nó vẫn giống nhau. Bác sĩ Schweitzer đội nó ở rừng già Phi châu, toàn quyền Doumer đội nó trong bức ảnh chụp chung với vua Khải Định, phó vương Mountbatten ở Ấn Độ… và tôi cũng bị bắt đội nó trong mấy năm tiểu học. Có thể vì thế mà tôi thù ghét nó suốt bao nhiêu năm nay”

(hết trích)

Bác sĩ Albert Schweitzer và chiếc nón thuộc địa tại Phi châu (hình chụp năm 1933)

Cái nón cối xuất hiện tại Việt Nam thời xa xưa có mầu trắng hay mày vàng nhạt. Hình như nó mang những cái tên như “mũ muồng”, “mũ thuộc địa” thường thấy trên đầu mấy anh Tây thực dân mặc quần “short” áo “chemise” tay ngắn. Người ta cũng thấy những học sinh thời thuộc địa mặc quần áo dài chân mang “sandale” hay “pantoufle” trắng đội thêm chiếc nón muồng trên đầu.

Những người già trong làng Phương Trung kể lại: Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện lưu vực ven sông Luộc, nhất là vùng đất xã Hồng Nam, Hoàng Hanh, Phương Chiểu có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với việc trồng cây muồng. Cũng từ việc phát hiện đó mà nơi đây đã hình thành nên vùng thâm canh cây muồng và sản xuất mũ muồng bán cho “quan Tây” và lính Pháp thời bấy giờ.

Một cơ sở sản xuất “mũ muồng”, thôn Phương Trung, xã Phương Chiểu, Tiên Lữ, đạt sản lượng trên 4 vạn cốt mũ mỗi năm

***

Trên đây là những “chuyện xưa, tích cũ” còn chuyện mới nhất bây giờ là niên khóa 2017-2018 trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 tại Nghệ An đồng loạt đội nón cối trong ngày khai giảng. Theo báo chí, “… Từ ý tưởng học môn Quốc phòng phải đội mũ cối, sáng 5/9, học sinh trường THPT Thanh Chương 3 mặc quần áo chỉnh tề, đội mũ cối dự lễ khai giảng năm học mới”.

Cũng theo báo “lề phải”, ý tưởng này được Đoàn trường đưa ra từ hai năm trước. Đây là lần thứ hai trường tổ chức khai giảng bằng cách cho học sinh đội mũ cối. Thầy Nguyễn Nhật Đức, Bí thư đoàn trường, chia sẻ: "Năm trước, học sinh có đội nhưng chỉ được gần 30% học sinh hưởng ứng". Theo thầy Đức, việc đội mũ cối vừa tạo ra nét riêng, học sinh được che nắng, mưa, đảm bảo sức khỏe.

Thầy Phan Bá Tiến - Hiệu trưởng trường THPT Thanh Chương 3 - cho biết khi Đoàn trường đề xuất ý tưởng này, ban giám hiệu hưởng ứng nhiệt tình. Nhà trường đánh giá cao những ý tưởng mà Đoàn trường đề ra.

Ngày khai giảng niên học 2017-2018 tại Nghệ An

Xin miễn bình luận thêm về sự kiện này. Nghĩ sao còn tùy chính kiến của mỗi người nhưng tác giả bài viết này chỉ xin một câu kết như sau:

“Từ chuyện “cái nòn” sang đến chuyện “cái nón” quả thật có nhiều ý nghĩa. Lịch sử của cái nón cối cũng khiến người đọc phải suy nghĩ. Và cuối cùng, chuyện học sinh đội mũ cối đi khai giảng niên học thật “ly kỳ”, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Hóa ra chuyện “cái nòn” ngày nào đành thua chuyện “cái nón cối” đi vào trường học ngày nay!”.


***

Chú thích:

[1] Trong “tiểu sử tự thuật” Bùi Bảo Trúc lúc còn sinh thời viết về mình có đoạn:

“Bùi Bảo Trúc sinh năm 1944 ở miền Bắc nhưng chỉ ở Hà Nội có đúng 10 năm đầu. Sống ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc, và sống ở ngoài Việt Nam lâu hơn là sống ở trong nước. Dậy học ở Sài Gòn rồi cho một community college ở Washington DC.

“Làm phát ngôn viên cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 rồi làm cho đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) trong hơn 20 năm cho đến khi về hưu. Viết cho một số báo chí Việt ngữ ở hải ngoại như đã gắn bó với nghề cầm bút từ thời còn đi du học và sau khi về nước. Dính cả với truyền thanh và truyền hình Việt Nam ở nước ngoài. Cũng đã làm truyền hình ở Sài Gòn hồi năm 1968”

(hết trích)

[2] Phải nói thêm cho rõ, thơ Bút Tre là loại thơ bình dân xuất xứ từ miền Bắc với phong cách thơ mang một sắc thái lạ: “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” lại thêm đặc điểm thường hay dùng lối “cắt tên, xuống dòng” gây ngộ nhận và thích thú cho người đọc. Tham khảo thêm về Bút Tre tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/but-tre-va-truong-phai-tho-binh-dan.html

***


--> Read more..

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Điển cố văn học: Thạch Sùng

Trong các tác phẩn văn học xưa của ta, rất nhiều truyện nhắc đến một nhân vật giàu có thuộc loại “nứt đố, đổ vách”. Đó là Thạch Sùng với một gia tài đồ sộ, dinh cơ tráng lệ, tiền bạc như nước. Ngày nay, người ta thường dùng chữ “đại gia” để ám chỉ những kẻ giàu sang nhưng dùng trong một ngữ cảnh khác, từ ngữ này lại là một “trọc phú” với bản chất tham lam.

Sự tích con thạch sùng là truyện cổ tích dân gian kể về một nhân vật nghèo khổ bỗng phát tài giàu có, khi chết hoá làm con thạch sùng. Có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng, sống bằng nghề ăn xin và góp nhặt được một số vốn.

Một hôm Thạch Sùng nhìn điềm trời đoán biết sẽ mưa lụt to, nên dồn tiền vào việc tích trữ gạo. Quả nhiên, tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt lớn, giá gạo tăng vọt, Thạch Sùng đem số gạo tích trữ ra bán, trở nên giàu có và thôi nghề ăn xin.

Thạch Sùng trở thành một phú ông, lại nhờ tài buôn bán và cho vay lãi, gia tài của ông ngày càng lớn, và mua được địa vị, vua phong tước cho ông tước Quận công. Em hoàng hậu họ Vương cũng là tay cự phú và tiêu tiền phí vào bậc nhất, khi gặp Thạch Sùng trong một bữa tiệc hai bên đều muốn khoe của. Ai cũng khoe mình nhiều tiền của và tự cho mình là giàu hơn. Các quan thấy vậy bèn nói:

“Hai ngài cãi nhau như thế không ích gì cả. Cần phải có chứng cớ thì chúng tôi mới tin. Hai ngài hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem. Ai thua phải nộp cho bên được mười thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho...”

Hai bên nhận lời và ký vào giấy giao ước, nếu ai thua cuộc thì mất toàn bộ gia sản. Cả hai bên mang đủ thứ tài sản trong nhà ra khoe: gấm vóc, sừng tê, ngói thuỷ tinh, đá lát nhà, san hô, ngựa thiên lý, ngọc, bạc, vàng... Tuy nhiên vẫn không ai chịu kém ai.

Hoàng hậu lo cho em mình thua cuộc, có phái mấy viên hoạn quan nhiều mưu trí đi theo để giúp sức bày kế cho Vương Khải nên thách Thạch Sùng đưa ra “mẻ kho”. Vì “mẻ kho” là thứ nồi đất mẻ mà chỉ nhà nào cùng khổ lắm mới dùng để nấu thức ăn, mà lúc đó Thạch Sùng đã quá giàu có, bỏ đi từ lâu không dùng nữa, không có nên đành thua cuộc.

Thạch Sùng cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ... đều chạy sang tay họ Vương, ông tắc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay lại hoàn tay trắng. Rồi ông chết, hóa thành con thạch sùng. Thạch sùng thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng chép miệng vì tiếc của.

Thạch sùng (Hemidactylus frenatus) săn mồi vào ban đêm, thường hoạt động ở những khu vực có ánh đèn là những nơi thu hút côn trùng. Đôi khi người ta thấy thạch sùng "ăn vụng" thức ăn hoặc nước uống không được đậy kỹ trong nhà, nên mặc dù là loài động vật rất có ích nhưng chúng vẫn gây ác cảm đối với một số người. Cũng có khi phân của thạch sùng làm nhiều người khó chịu.

Thạch sùng là hình tượng giản dị gần gũi với người dân Việt Nam, bắt nguồn từ tiếng kêu "chách chách" của thạch sùng nghe giống như người than thở "tiếc của". Ở miền Nam, thạch sùng được gọi là thằn lằn. Tuy nhiên tên gọi này có thể khiến chúng bị nhầm lẫn với một vài loài thằn lằn khác.

Thạch sùng săn mồi

Chuyện về “đại gia” Thạch Sùng được Phan Thế Roanh giải thích một cách chi tiết hơn trong cuốn “Điển Cố” về truyện và thơ do nhà xuất bản Nam Sơn (63 Hàng Giấy, Hà Nội) phát hành. Đây là cuốn sách xuất bản năm 1954 do thân phụ tôi để lại với nhiều bút tích ghi chép bên lề.

“Điển Cố” – Nhà xuất bảm Nam Sơn, Hà Nội (1954)

Trong “Điển Cố”, Thạch Sùng được nhắc đến qua truyện thơ Nôm “Trinh Thử” [1]. Truyện thuộc loại ngụ ngôn, kể lại chuyện con chuột đực tán tỉnh con chuột bạch góa chồng rồi bị chuột cái ghen tương nên quyết liều chết để bảo toàn chữ Trinh nên mới có tên là “Trinh Thử”.

“Thạch Sùng tắc lưỡi lắc đầu.
Nhân sinh rất mực hóa dầu hóa sang”

Hơn thế nữa, tác giả còn nhắc đến Thạch Sùng qua tác phẩm thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính” [2] với hai câu lục bát:

“Trong làng có một phú ông,
Gia tư đọ với Thách Sùng kém đâu”

Theo Phan Thế Roanh, Thạch Sùng vốn sinh ở Thanh Châu, đời Tây Tấn. Thạch Sùng có bố tên là Thạch Bào, lúc lâm chung ông chia của cho các con, Thạch Sùng là người được phần ít nhất. Người mẹ hỏi tại sao không chia đều, Thạch Bào giải thích: “Về sau nó sẽ có nhiều hơn những đứa kia”.

Sau Thạch Sùng làm quan được phong tước An Dương Hầu nhưng lại thường kết bè kết đảng với lũ cường đạo, ăn cướp của những thương khách nên trở thành “đại phú”. Thạch Sùng có một biệt thự ở lũng Kim Cốc rất tráng lệ là nơi thường họp các bạn bè để ăn uống, chơi bời. Phan Thế Roanh viết về sự xa hoa của Thạch sùng:

“Càng ngày càng giàu có, lâu các nguy nga, cao đến trăm trượng, trăng toàn gầm vóc, trạm lộng rất công phu, các đồ trân quý không biết bao nhiêu mà kể. Kể về tài sản thì thực là thiên hạ vô song”.

Thời bầy giờ có quan Hậu Tướng Quân, tên Vương Khải, em hoàng hậu, nhà cũng rất giàu, xa xỉ cũng vào bậc nhất. Một hôm hai người cạnh tranh nhau về sự giàu có. Vương Khải nói: “Tôi lấy đường làm tro”, Thạch Sùng đáp: “Tôi lấy nến làm củi”. Vua thấy thế bèn phán: “Lời nói không lấy gì làm bằng. Muốn biết ai hơn ai kém, phải lấy những thứ quý nhất đem ra, hễ ai nhiều thì được”

Vương Khải lấy trướng lụa rải đường được 40 dặm, Thạch Sùng lại trải được 50 dặm. Vương Khải dùng phấn đá đỏ quét vôi nhà, Thạch Sùng lại dùng hồ tiêu. Vương Khải đem cây san hô cao 2 mét, Thạch Sùng lấy ngọc như ý đập cây ấy vỡ tan.

Đến khi vua Vũ Đế băng hà, thái tử là Huệ Đế lên ngôi. Vị vua nhu nhược nên quyền chính về tay Thân Vương tranh quyền thành ra nội loạn. Gian thần Tôn Tú nghe nói Thạch Sùng có một ái cơ tên Lục Châu, nhan sắc lạ thường, cầm kỳ thi họa vào hàng tuyệt kỷ.

Tôn Tú khiến sai nha đến bắt Lục Châu nhưng Thạch Sùng phản đối. Tôn Tú cả giận tâu vua: “Thạch Sùng có ý làm phản, ỷ thế giàu có, lập mưu làm loạn, nếu không trừ khử, sau hối không kịp”.

Triệu Vương nói nếu thế thì cứ giết. Tôn Tú được lệnh đem 200 quân đến vây nhà Thạch Sùng, khi đó đang cùng Lục Châu ngồi trên lầu Kim Cốc. Thạch Sùng nói với Lục Châu: “Tôi vì nàng mà bị tội”. Lục Châu đáp: “Quân hầu đã vì thiếp mà phải tội thì thiếp cũng vì Quân hầu mà chết”. Nói rồi nhảy từ trên lầu cao mà chết. Thế là Thạch Sùng bị đem ra xử trảm, gia sản bị tịch biên.

Trang “Điển Cố” viết về Thạch Sùng

Sự tích Thạch Sùng theo Phan Thế Roanh là vậy. Phải chăng “việc soi gương kim cổ” cũng là một bài học muôn đời cho hậu thế? Phương Đông có câu “Của phi nghĩa không bền” và Phương Tây đáp lại “Trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar”.

Thời nào cũng vậy. Điển cố văn học về Thạch Sùng cũng là một bài học cho người đương thời!   

*** 
Chú thích:

[1] “Trinh Thử” là một truyện thơ nôm,  dài 850 câu lục bát kể chuyện con chuột đực quyến rũ chuột bạch. Theo bản in năm Đinh Tỵ (1875) kể rằng vào năm Long Khánh (niên hiệu của Trần Duệ Tông), đời Trần ở miền Lộc Đỗng có người Hồ sinh, học rộng biết nhiều, lại nghe được tiếng chim muông, dã thú.

Nhân ra chơi kinh thành, chàng ngụ ở gần nhà Thừa tướng Hồ Quý Ly. Đêm nằm bỗng nghe tiếng chó sủa. Chó sủa làm cho một con chuột bạch góa chồng đang đi kiếm ăn bên nhà Hồ Quý Ly kinh hãi chạy vào nấp ở hang chuột đực. Bị chuột đực tán tỉnh nhưng chuột bạch nhất định cự tuyệt và quyết liều chết để bảo toàn chữ trinh.

Đang khi ấy, vợ chuột đực là chuột cái về, ngờ rằng chồng mình và chuột bạch có tình gian, tỏ ý giận dữ. Chuột Bạch giãi bày, biện bạch rồi từ biệt ra về. Nhưng Chuột Cái không tin, nổi ghen, đay nghiến chồng, rồi còn đến nhà Chuột Bạch để xỉ vả. Mèo ở đâu chợt đến. Chuột Bạch chạy thoát vào cong gạo, còn Chuột Cái chạy lạc đường sa xuống ao. Hồ sinh thấy thế, bèn đuổi mèo đi, vớt Chuột Cái lên, rồi lấy lời lẽ phải trái nói rõ lòng trinh tiết của Chuột Bạch và khuyên nhủ Chuột Cái về đạo cư xử trong gia đình.

Trinh thử nghĩa là con chuột có lòng trinh tiết. Theo một số nhà nghiên cứu trước đây như Dương Quảng Hàm, Bùi Kỷ thì đây là một câu chuyện ngụ ngôn, Hồ Huyền Quy mượn chuyện của loài chuột để tán dương lòng trinh tiết và chỉ trích lòng dâm tà của người đời. Cũng có ý kiến cho rằng Hồ Huyền Quy mượn chuyện con chuột để châm biếm Hồ Quý Ly và hoàn cảnh chính trị đương thời.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh xác định thì truyện Trinh Thử thoát thai từ một tác phẩm văn xuôi chữ Hán tên là "Đông thành trinh thử truyện" (Truyện con chuột trinh tiết ở tường thành phía đông) vào nửa sau thế kỷ XIX. Cũng theo ông, thì tác giả có thể là một danh sĩ lúc bấy giờ.

Một số người lại cho rằng truyện này do Nguyễn Hàm Nghi (em ruột Nguyễn Hàm Ninh) ở Quảng Bình viết vào thời thực dân Pháp mới sang xâm lược Việt Nam, và có ý ám chỉ thời thế. Sách "Từ điển văn học" (bộ mới) ghi tác giả là khuyết danh. Trong khi chưa xác định được tác giả chính xác, ở đây tạm xếp truyện này vào tác giả Hồ Huyền Quy.

* Nhà nghiên cứu Triêu Dương bình luận:

“Trinh thử” đề cao lối sống trong sạch, chỉ trích những kẻ keo bẩn ky cóp làm giàu một cách không chính đáng. Tác phẩm cũng chĩa mũi nhọn vào bọn quyền thần, và phản đối lối sống tùy thời của những kẻ chuyên luồn cúi. Luân lý ở đây có phần hợp với nhân dân lao động, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến chính thống...”

* Giáo sư Thanh Lãng nhận xét:

“Đây là cuộc đấu tranh xoay quanh vấn đề giá trị của đạo đức và ý nghĩa của cuộc sống. Chuột Đực phản đối trinh tiết, mỉa mai đời sống thanh bần, chê cuộc sống theo nề nếp. Về lý thuyết, Chuột Đực chủ trương thuyết vị lợi, sống là hưởng thụ, và hoài nghi mọi giá trị đạo đức luân lý.

“Chuột Bạch bảo vệ trinh tiết, phản đối bội bạc, coi khinh giàu sang bất chính... “Trinh Thử” là hình ảnh của hạng người trong xã hội đương thời, một bên là trọng nghĩa khinh tài, một bên là phường giá áo túi cơm...”

* Xét về lời văn, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết:

“Lời văn truyện Trinh thử bình thường giản dị mà vẫn chải chuốt thanh tao. Và có một điều đặc sắc là dùng nhiều câu phương ngôn, tục ngữ một cách khéo léo”.

[2] “Quan Âm Thị Kính”, còn có tên là “Quan Âm Tân Truyện” là một truyện thơ Nôm. Từ lâu, truyện thơ vẫn được xem là của tác giả "khuyết danh", nhưng hiện nay lại có hai giả thuyết:

1. Theo nghiên cứu của Hoa Bằng (1902-1977), thì tác giả của truyện thơ này là Nguyễn Cấp, một nhà văn sống vào nửa đầu thế kỷ 19. Ông là người ở thôn Thượng, xã Nguyên Khiết, huyện Thọ Xương; nay thuộc thành phố Hà Nội.

2. Theo Gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh do Dương Xuân Thự cung cấp, thì truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” do Đỗ Trọng Dư (1786 - 1868) sáng tác. Ông là người xã Đại Mão, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đỗ Hương cống năm 1819, ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Quốc Oai.

Theo văn bản của Giáo sư Dương Quảng Hàm giới thiệu tại lần xuất bản duy nhất cho đến nay của Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, ấn hành năm 1961 thì truyện này gồm 786 câu lục bát. Tập truyện gồm 5 hồi: (1) Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng; (2) Thị Kính đi tu; (3) Thị Kính mắc tiếng oan với Thị Mầu; (4) Thị Kính nuôi con Thị Mầu; và (5) Thị Kính rửa sạch tiếng oan và thành Phật.

* Theo Giáo sự Thanh Lãng:

“Tư tưởng trong “Quan Âm Thị Kính” là tư tưởng Phật giáo. Đời là một bể khổ mà mỗi người là một con thuyền vô trạo, một cánh bèo trôi giạt ở bến mê. Đời Thị Kính là một thí dụ. Đời buồn là thế, chúng sinh muốn hết khổ thì phải tìm đến con đường tu hành. Do vậy, luân lý của truyện có thể tóm lại ở câu:

“Nhân sinh thành Phật dễ đâu,
Tu thân, cứu khổ, rồi sau mới thành”

* Giáo sư Phạm Thế Ngũ nhận xét:

“Truyện Quan Âm Thị Kính chính là một lời cảnh báo cho những người chọn con đường thanh nhàn khi đi tìm tới đạo Phật. Để đắc đạo, người ta phải chỉ chịu khổ hạnh, mà còn phải chịu những oan ức bất công nữa...Như Thị Kính, oan uổng đến vậy mà không hề oán trách trời và số phận, chỉ lấy từ tâm mà chiến thắng cảnh ngộ...

“Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”.

“Ngoài ra ở truyện, ta cũng có thể nhận ra cái thuyết "tài sắc phong trần". Thị Kính bị oan ức, bị quấy rầy, chẳng qua vì nàng có tài sắc hơn người:

“Trời sinh tài sắc làm chi,
Hoa thơm bướm cũng có khi bận lòng...”

“Về hình thức, tình tiết truyện có chỗ gò ép, như việc hiểu lầm của Thiện Sĩ, đã gây ra cái oan thứ nhất. Cái oan thứ hai với Thị Mầu được xây dựng khéo hơn... Văn của truyện thường mộc mạc, giản dị, chịu ảnh hưởng của văn Kiều”.

***

* P/S: Bản sao đồng kính gửi các vị “quan tham” để… “chiêm nghiệm”.

***

Bình luận trên Facebook

Bình luận trên Facebook

Bình luận trên Facebook


***
--> Read more..

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Luận về Tiền Bạc

Có rất nhiều bình luận về Tiền Bạc. Cũng có nhiều thơ văn “ca tụng” cũng như “khinh miệt” đồng tiền. Từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây đã có nhiều cách nhìn trái chiều về tiền bạc. “Đồng tiền nối liền khúc ruột” là vậy!

Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp một đoạn bình luận về Tiền Bạc từ tiếng Anh và diễn ý sang tiếng Việt. Nghe cũng vui vui nhưng có lẽ cũng rất thâm thúy nếu chúng ta “đọc giữa hai dòng chữ”. Người Phương Tây nhận xét về mãnh lực của đồng tiền như sau:

"It can buy a House, but not a Home”
(Tiền tậu được một Căn Nhà nhưng không thể mua được Mái Ấm)

 “It can buy a Bed, but not Sleep”
(Tiền mua được Chiếc Giường  nhưng không phải là Giấc Ngủ)


“It can buy a Clock, but not Time”
(Tiền mua được Chiếc Đồng Hồ nhưng không phải là Thời Gian)

“It can buy you a Book, but not Knowledge”
(Tiền mua được Cuốn Sách nhưng không phải là Kiến Thức)


”It can buy you a Position, but not Respect”
(Tiền kiếm được Chức Quyền nhưng không phải là Sự Kính Nể)


“It can buy you Medicine, but not Health”
(Tiền mua được Thuốc Men nhưng không phải là Sức Khỏe)


“It can buy you Blood, but not Life”
(Tiền có thể mua được Những Giọt Máu nhưng không phải là Sự Sống)


It can buy you Sex, but not Love”
(Tiền thỏa mãn Tình Dục nhưng đó không phải là Tình Yêu)

***

Dưới đây là một số nhân vật nổi tiếng luận về Tiền:

* Jean J. Rousseau: “The money we possess is a tool of liberty. The money we seek is a tool of slavery” (Tiền mà ta có là công cụ cùa sự tự do. Tiền mà ta tìm kiếm là công cụ cùa sự nô lệ)

* Lev. Tolstoi: “Money represents a new form of slavery replacing the old one” (Tiền bạc tượng trưng một hình thức nô lệ mới thay cho thứ nô lệ cũ)

* Francis Bacon: “Money is like muck, not good except it be spared” (Tiền bạc cũng giống như phân bón, chỉ tốt khi nó được rải ra)

* Horace: “Make money! If you can, make money honestly… if not, by whatever means you can, make money” (Hãy kiếm tiền! Nếu có thể, hãy kiếm tiền một cách lương thiện… Nếu không thể, bằng bất cứ phương tiện nào, hãy kiếm tiền)

* Benjamin Franklin: “If you would know the value of money, go and try to borrow some” (Nếu muốn biết giá trị của đồng tiền, xin hãy thử đi vay)

* Eduard Bourdet: “Money is like a woman: to keep it, one must have some care; if not… it will become somebody else’s happiness” (Tiền bạc cũng giống như phụ nữ: muốn giữ được nó phải quan tâm đến nó; nếu không… nó sẽ trở thành hạnh phúc của kẻ khác)

* Ogden Nash: “Certainly, there are a lot of things in life that money won’t buy, but it’s very funny – have you ever tried to buy them without money?” (Dĩ nhiên là có nhiều thứ trên đời mà tiền sẽ không mua nổi, nhưng… thật buồn cười: Bạn đã bao giờ thử đi mua chúng mà không cần đến tiền chưa?)

***

Người ta thường nói “Đông và Tây không bao giờ gặp nhau” nhưng riêng về Tiền Bạc, có lẽ cả hai phía đều có những luận bàn rất gần với nhau.


***
--> Read more..

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2017

Một sự tình cờ kỳ lạ

20/09/2017

Hôm qua, Giáo sư Bùi Dương Chi gọi điện thoại cho biết ông về Việt Nam được mấy hôm và ông cũng vừa đi Vũng Tàu về. Ông hẹn sẽ đi xe ôm đến nhà tôi chơi để hàn huyên sau thời gian xa cách.   

Giáo sư Chi là thầy cũ dậy tôi môn Anh văn hồi thập niên 60 tại trường Trung học Ban Mê Thuột. Thầy trò chỉ hơn nhau có vài tuổi nhưng cái tình đó rất sâu đậm. Ông đã viết trong “Thay lời bạt” cuốn “Hồi ức Ban Mê”, xuất bản tại Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường:

“Tôi rất hân hạnh nhận lời giới thiệu người viết vì kể từ niên khóa 1963-1964 đến nay [2016] chúng tôi đã giữ mối liên hệ thầy trò, thân hữu và chuyên nghiệp được 51 năm. Thầy trò vì tôi dạy Chính môn Anh văn sinh ngữ phụ lớp 11 và 12. Thân hữu vì chúng tôi hơn kém nhau 7 tuổi, có nhân sinh quan khá tương đồng và có chung mấy sở thích như viết lách, dịch thuật, trau dồi kiến thức phổ thông, du khảo, đờn ca, v.v…

“Hơn nữa, còn có thêm một cơ duyên độc đáo là Chính dậy má tôi tiếng Anh trong cuối thập niên 80 sau khi má tôi được thả và trở vào Nam sau gần 13 năm tù vì tội “gián điệp, phản động” ở ngoài Bắc”.

(hết trích)

Người mẹ mà thầy Chi nói đến là nhà văn Thụy An, nhũ danh Lưu Thị Yến. Người mà tôi đã có một bài viết mang tên “Nhân văn – Giai phẩm: nhà văn Thụy An”. Bài viết này đã đăng trên Blogspot, năm 2012 (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/nhan-van-giai-pham-nha-van-thuy-an.html).

Ngày 20/09/2016 tôi đã post bài này trên Facebook và hôm nay, 20/09/2017, FB đã nhắc lại sự kiện này. Như vậy, quả là có sự tình cờ trong cùng một thời điểm (tháng 9/2017) đã diễn ra giữa chuyện thầy Chi, mẹ của thầy, nhà văn Thụy An và bài viết về nhà văn Thụy An.

Kỳ lạ hơn nữa là thầy Chi đi cùng vài người ban ở Pháp ra Vũng Tàu. Đối với thầy, việc ra Vũng Tàu không phải là một chuyến du lịch vì ông ra biển là để tưởng niệm người mẹ. Bà Thụy An trước khi lìa đời có ước nguyện được hỏa táng và phần tro cốt đem rải xuống biển. Gia đình đã làm đúng nguyện vọng của bà. Và người con của bà năm nay ra biển, thả xuống vài cánh hoa để tưởng niệm người đã khuất.

Như các bạn đã đọc trong bài viết đã dẫn, cuộc đời của nhà văn Thụy An là một thiên truyện “có một không hai” của một người phụ nữ can trường trước số phận của định mệnh. Theo tôi, nổi bật nhất là việc hủy hoại một con mắt trong thời gian giam cầm để chỉ “nhìn đời bằng một con mắt”. Quản giáo hồi đó vẫn thường gọi bà bằng cái tên đầy tính miệt thị: “An Chột”.

Cách đây đã lâu, nhà phê bình văn học Thụy Khê ở Pháp có liên lạc với tôi để tìm hiểu về những ngày cuối cùng của bà Thụy An. Tôi tình thật trả lời:

“Những gì tôi biết về bà đã giãi bày qua bài viết và những người có trách nhiệm còn nợ bà một lời xin lỗi vì tất cả những người trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm ngày nào đều đã được “minh oan”, phục hồi danh dự. Chỉ duy nhất có bà Thụy An là không ai đếm xỉa gì!”.

Viết những dòng này tôi chỉ muốn kể lại “một sự tình cờ kỳ lạ” về những diễn biến xoay quanh thầy Chi, mẹ thầy, nhà văn Thụy An và bài đăng trên Facebook. Tất cả được diễn ra vào những ngày cuối tháng 9/2017!


***

Tác phẩm của nhà văn Thụy An: "Một linh hồn"


Truyện ngắn: "Bốn mớ tóc"


Thủ bút của nhà văn Thụy An

Bình luận trên Facebook


Bình luận trên Facebook


Bình luận trên Facebook

***








--> Read more..

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Thư từ bên kia thế giới

Em yêu,

Anh đã được thông báo có đồ “thăm nuôi” em gửi. Ở dưới này sao cũng giống như ngày xưa anh đi học tập: đồ đạc thăm nuôi đều được tập trung và chờ giải quyết. Anh dùng chữ “dưới này” để tránh dùng chữ “âm phủ” (một từ ngữ mà anh cho rằng người đời trên đó đã dùng một cách miệt thị).

Đúng ra thì đây là cả một “thế giới”. Khác hẳn với cái thế giới mà anh và em đã sống nhưng giờ thì chỉ còn mình em trên đó. Cuộc chia ly nào cũng cũng tan nát, đau lòng và cuộc chia tay giữa anh và em lại còn bi thảm hơn. Cái ngày anh bị chiếc xa tải cán là một kỷ niệm vừa đau, vừa buồn mà mỗi lần nhớ lại anh thấy tê tái cõi lòng.

Anh còn nhớ ở Việt Nam có lệ cúng cô hồn. Cũng nhờ ngày này, người sống nhớ đến người đã ra đi bằng các gửi “hàng mã” với hy vọng họ sẽ nhận được quà để an ủi. Đó cũng là một nhịp cầu nối giữa hai thế giới.

Về tinh thần, cúng cô hồn là dịp thể hiện tấm lòng của người còn sống. “Nghĩa tử là nghĩa tận” nên mọi tị hiềm, ghen tuông, bất mãn, chán chường khi sống với nhau đều không còn được nhắc đến trong việc “thăm nuôi” đó. Một nghĩa cử đáng… “trọng thị”.

Về vật chất, “hàng mã” cho người cõi âm không khác gì mấy so với dương trần. Cũng tiền bạc, nhà lầu, xe hơi cho đến những vật dụng hàng ngày như bộ quần áo để mặc, hình nhân để “thủ thỉ”, điện thoại thông minh để gọi bạn bè hay lướt Net. Nhưng, anh lại nghĩ, đó chỉ là hình thức biểu lộ tình cảm một cách… “tiêu cực”.

Nếu dư giả “tiền thật” để mua “hàng mã” anh sẽ không phản đối việc em làm. Tuy nhiên, đối với những người còn chật vật trong cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền” thì đó lại là điều “không tưởng”, vô lý và nói một cách thẳng thắn là… “vô ích”.

Nghĩ đến nhau và nhờ đến nhau mới là điều đáng quý, còn cho nhau những của cải, vật chất bằng những món “hàng mã” chỉ là một sự phí phạm trong lúc còn phải tất bật với cuộc sống trên dương thế.

Cuộc sống ở cõi âm không phức tạp như thế giới em đang sống. Khi chết, người ta không mang theo những cái mình đã có ở cái thế giới của người sống. Dù là “đại gia” hay ông “quan tham” với biệt phủ, nhà lầu xe hơi, quyền cao chức trọng khi bước ra khỏi thế giới của người sống cũng chỉ mang theo hai bàn tay trắng!

Anh không triết lý xa vời. Anh cũng không mơ tưởng đến một tương lai sán lạn ở kiếp sau. Giờ này anh chỉ nghĩ làm thế nào bức thư này đến được tay em là điều “vĩ đại” nhất.

Thư anh cũng là nỗi lòng của những người đã trở thành “đa số thầm lặng”. Đó là thế giới của người chết.

Thăm em và các con.


***








***
--> Read more..

Popular posts