Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Những vấp ngã của tuổi già!

Tôi sinh năm 1946, nhằm năm Bính Tuất theo Âm Lịch, cầm tinh con chó giữ nhà.

Người ta thường cho rằng những người sinh ra vào năm Tuất xem ra còn sướng hơn những động vật khác như Sửu (con trâu làm việc suốt ngày ngoài đồng), Ngọ (con ngựa vất vả vì bị loài người đè đầu cưỡi cổ), ngay cả Hợi hay Dậu (con heo hay gà chỉ nuôi cho béo đợi ngày làm thịt)!

Chó thì được nuôi để giữ nhà và luôn quấn quýt bên chủ. Nhiều người còn quý chó hơn mèo vì tính chó thân thiện, dễ gần… Thế cho nên ở Phương Tây người ta ca tụng chó là “người bạn tốt nhất” (man’s best friend)!

Hiện giờ tôi chỉ là một “con chó già” vì bao đức tính của chó đã từ từ biến mất sau gần 80 năm lăn lộn với đời. Thay vào đó là những thay đổi “khủng khiếp” của năm tháng dãi dầu khiến con người đã biến dạng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Năm ngũ quan vốn có cũng đều suy giảm trầm trọng: mắt mờ, tai nghễnh ngãng, mũi không còn cảm nhận được mùi hương, ăn chẳng thấy ngon và quan trọng hơn cả, sức lực ngày càng tệ hại! Những bước đi giờ lại có thêm tiếng kêu “răng rắc” của xương cốt!

Những vật dụng bình thường trước đây bỗng dưng trở thành “chướng ngại vật” trên bước đường già đi. Chỉ trong một phút bất ngờ, các bậc thang lên xuống, tấm thảm trên sàn nhà, sàn nhà tắm bóng lộn… đều có thể trờ thành những “bất trắc” khó lường.

Khoảng 5 năm về trước, tôi đã chọn căn phòng tận lầu ba vì nghĩ rằng mình vẫn còn sức trong việc đi lên, đi xuống. Hằng ngày vẫn lên xuống đều đặn như một hình thức tập thể dục, vận động cơ thể khi vượt qua gần cả trăm bậc thang lên xuống mỗi ngày.

Cho đến một hôm…

“Một bước hụt trên cầu thang đi xuống

Cũng đủ làm xô ngã một đời vui

Một bước thôi, chỉ một bước, đã rồi

Chân không vững để già đời tiếc nuối!”


Người già thường cẩn thận nhưng sự cẩn thận đó chỉ cần sơ ý qua một bước chân cũng đủ để nhớ đời. Chỉ một bước lơ đãng hụt chân cũng có thể thay đổi hoàn toàn tình trạng sức khỏe. Cũng may, lần bước hụt chân đó không gây thương tích nặng nề như gãy xương hay đột quỵ phải nằm bệnh viện.

Làm người ai chẳng có lúc vấp ngã nhưng vấp ngã nào cũng đều có nguyên nhân và hậu quả. Một danh nhân đã từng nói: bạn phạm sai lầm (thậm chí ngay cả sai lầm nghiêm trọng), bạn có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào bạn chọn, bởi cái mà ta gọi là "thất bại" không phải là ngã xuống, mà là ngã xuống rồi… nằm luôn mà không biết đứng dậy”.

Phải chăng người già khác người trẻ ở chỗ không còn đủ sức lực để đứng dậy sau khi ngã? Hỏi như vậy vì ta cần nhớ đến yếu tố “sức khỏe” của người cao tuổi một khi đã ngã xuống.

Chỉ một cú vấp ngã là cuộc sống của người già có thể thay đổi hoàn toàn. Sự đau đớn thể xác luôn đi kèm với nỗi vật vã của tâm hồn. Đó chính là mối ưu tư, ám ảnh của tuổi già dù họ có sống trong một xã hội văn minh hay lạc hậu đi nữa.

Thời gian gần đây bà xã tôi qua đời nên con cháu trong nhà thuyết phục tôi dọn phòng từ lầu 3 xuống lầu 1, nơi bà đã ở trước đây. Tôi gật đầu đồng ý ngay và việc dời phòng diễn ra một cách nhanh chóng.

Căn phòng cũ ở trên cao giờ chỉ còn là một “thư viện chứa sách vở” và căn phòng mới (xưa là phòng ngủ của bà xã) vẫn giữ nguyên như cũ, hình ảnh trên tường vẫn như cũ, có thay đổi đôi chút như cái bàn làm việc, cái kệ trang trí những vật kỷ niệm ngày xưa.

Căn phòng mới ở lầu 1 giờ chỉ cần vài bước có thể đến thắp nhang cho người quá cố. Mỗi sáng sớm trước khi đi uống cà phê sáng tôi vẫn thắp một nén nhang cho người đã khuất để bắt đầu một ngày mới. Tôi nghĩ đó là việc giản đơn để thực hiện câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”.

Tôi đang bước vào “những ngày cuối trên sân ga”, chờ đợi một chuyến tàu suốt với chiếc vé… “không lượt về”.

Ngày đó thật gần và tôi hoan hỉ bước lên tàu vì chấp nhận lẽ thường tình “sinh-lão-bệnh-tử” mà không chút nuối tiếc!


***

Căn phòng xưa trên lầu 3


Giờ chỉ là... "thư viện"


Căn phòng xưa với hình ảnh các cháu nội-ngoại


Căn phòng mới trên lầu 1


Trang trí trong phòng mới


Trang trí trong phòng mới


Trang trí trong phòng mới


Trang trí trong phòng mới


Phòng thờ


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts