Thứ Năm, 9 tháng 3, 2023

Hai Bà Trưng và Ngày 8/3

 

Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 Âm lịch, là ngày giỗ hay còn gọi là Lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng” được tổ chức như một ngày lễ chính thức của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1955 đến 1975.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc chiến chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo để đánh đuổi lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ, mang lại độc lập trong 3 năm cho người Việt.

 

Hai Bà Trưng đã đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm

 

Trưng Trắc, Trưng Nhị vốn là hai chị em sinh đôi (sinh vào ngày mồng một tháng tám năm Giáp Tuất, năm 14 sau công nguyên) thuộc dòng dõi Hùng Vương. Hai bà là con gái của Lạc tướng (người đứng đầu bộ lạc) huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

Sau khi người chồng của hai bà là ông Thi Sách bị Tô Định giết, Hai Bà Trưng củng các Lạc tướng quyết tâm chống lại nhà Hán để trả thù. Cuộc khởi nghĩa diễn ra vào nửa cuối năm 39 và bị Mã Viện trấn áp khiến hai bà phải tuẫn tiết.

 

Trưng Trắc & Trưng Nhị... nữ anh hùng đất Việt

 

Mã Viện cho xây một cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán và cũng để đe dọa người Việt với câu “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Người dân đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao để lấp trụ đồng.

Hiện nay, trên cả nước Việt Nam có 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình… trong đó riêng huyện Mê Linh có 25 di tích thuộc 13 xã.

 

Đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội

 

“Đại Nam quốc sử diễn ca” là một tác phẩm lịch sử văn vần bằng chữ Nôm, sáng tác dưới triều vua Tự Đức thời nhà Nguyễn, đã ghi chép giai đoạn lịch sử này.Theo lời bạt của bản in năm 1870, tác giả Lê Ngô Cát đã viết 1.887 câu lục bát, có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng:

 

“Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

 

“Ngàn Tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

 

“Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục, hai là Bá Vương

 

“Uy danh động tới Bắc Phương

Hán sai Mã Viện lên đường tấn công

Hồ Tây đua sức vẫy vùng

Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

 

“Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo

Hai Bà thất thế cùng liều với sông!

Trước là nghĩa, sau là trung

Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

 

Hai Bà Trưng (tranh dân gian Đông Hồ)

 

Khi cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Hai Bà quyết không để sa vào tay giặc nên đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Tương truyền, sau khi hai bà mất, khí phách đã kết thành tượng đá. Sau đó, tượng theo dòng nước xuôi xuống bãi Đồng Nhân. Người dân ở khu vực này thấy thế đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ.

Đền thờ Hai Bà Trưng được vua Lý Anh Tông truyền lập ngay tại bờ sông vào năm 1142. Đến năm 1819, do bờ sông sạt lở nên đền được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương (ngày nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng).

Vua Tự Đức đã nhận xét: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách”.

Để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà và cuộc khởi nghĩa hào hùng, hằng năm cứ vào tháng 2 âm lịch (tức khoảng tháng 3 dương lịch) người dân tại quận Hai Bà Trưng và tại Mê Linh lại long trọng tổ chức lễ kỷ niệm.

 

Tem Hai Bà Trưng, phát hành ngày 14/3/1959 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

 

Như vậy, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng lừng lẫy một thời không trùng với ngày “Quốc tế phụ nữ 8/3” mà ngày nay chúng ta tổ chức để vinh danh phụ nữ trên thế giới.

Theo trang web IWD (International Women’s Day), chỉ có 27 quốc gia lấy ngày này làm ngày lễ kỷ niệm và vinh danh người phụ nữ. 27 quốc gia này chỉ chiếm 14% trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc!

Đa số là các nước này thuộc khối XHCN như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba, Lào, Campuchia, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan, Zambia, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Madagascar, Uganda và Nepal.

 

Voi diễn hành nhân ngày Lễ Hai Bà Trưng, 7/3/1957, tại Sài Gòn

 

Trong cuốn sách “Những người phụ nữ thay đổi thế giới” của Kay Woodward viết về 25 người phụ nữ truyền cảm hứng có đề cập đến nhân vật Hai Bà Trưng bên cạnh Ekaterina Đại đế hay những nhà khoa học, chính trị gia như Marie Curie, Michelle Obama, Emma Watson…

 

Tranh vẽ Hai Bà Trưng của Kay Woodward

 

Như vậy, Hai Bà Trưng cũng là một phụ nữ nổi tiếng thế giới chứ không phải chỉ là một nữ anh hùng của Việt Nam. Nhiều người cứ lầm tưởng ngày giỗ của hai bà chính là ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3!

 

Ngày 27/2/1974, Bưu chính VNCH đã phát hành bộ tem Kỷ niệm Hai Bà Trưng

 

Đó là sự nhầm lẫn trong nhận thức. Và đó cũng là sự khác biệt giữa lịch sử đã qua và trào lưu của thời đại ngày nay.

Người ta thường nói, nếu bắn vào quá khứ bằng một khẩu súng lục thì tương lai sẽ bắn vào chúng ta với một khẩu… đại bác! 

 

Phong bì “Ngày đầu tiên” 27/2/1974 phát hành bộ tem kỷ niệm

 

***

 

* Xem Video “Ca khúc “Trưng Nữ Vương” của nhạc sĩ Thẩm Oánh do các cựu nữ sinh trường Trưng Vương nhiều niên khóa trình diễn tại Hoa Kỳ ngày 20/3/2016:

 https://www.youtube.com/watch?v=sZPxElmttOY&t=72s


*** 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts