Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

38 năm nhìn lại

Con gái út của tôi sinh ngày 14/2/1975. Đây là một ngày tương đối đặc biệt nếu vào thời buổi này vì nhằm ngày Lễ Tình nhân Valentine. Bây giờ vào ngày này, những người trẻ tuổi yêu nhau thường tặng nhau hoa hồng hay kẹo chocolate có hình trái tim. Ngày con gái út ra đời, Sài Gòn chưa biết đến Valentine nên 14/2 chỉ một ngày bình thường như bao ngày khác tại miền Nam đang ngày một leo thang chiến cuộc.

Điều quan trọng mà mãi mấy tháng sau tôi mới biết, cháu sinh ra chỉ cách ngày Sài Gòn đổi chủ hơn 2 tháng. Khi đó người Sài Gòn đã cảm thấy chiến tranh đang tiến gần đến cửa nhà mình. Những người “có máu mặt” đang rục rịch tìm đường “di tản” bằng nhiều cách, miễn là thoát khỏi Sài Gòn mà mọi người biết là vòng vây ngày càng thắt chặt.

Tôi chỉ là một Trung úy quèn, làm giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội, lại vừa mới đi tu nghiệp lần thứ 2 tại Hoa Kỳ trở về. Tôi không tìm đường đi Mỹ vì một điều dễ hiểu là mới từ bên đó trở về. Nói chung, cuộc sống ở đâu cũng khó khăn về vật chất nhưng về tinh thần thì sống tại nước Mỹ giữa những người khác màu da thì làm sao thấy thoải mái bằng ở Việt Nam, nơi ta sinh ra và lớn lên. Ý nghĩ đó theo tôi mãi cho đến ngày… bước vào trại học tập cải tạo.    

Ngay từ khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10/3/1975 (1) tin tức chiến sự ngày một xấu đi. Các bản tin luôn nhắc đến “di tản” rồi “di tản chiến thuật” bắt đầu từ cao nguyên rồi đến miền Trung. Mọi người chạy loạn đều cố về gần Sài Gòn, phòng tuyến cuối cùng của miền Nam.

Ngày đó, người ta nghe đài VOA, BBC vào sáng sớm cũng như mỗi tối để cập nhật tin chiến sự. Sau này có người còn nói chính đài BBC đã góp phần khai tử Sài Gòn sớm hơn bằng những bản tin chiến sự nóng hổi đến độ còn đang đánh nhau đã đưa tin thua trận!

Những ngày cuối tháng 4 tại Bến Bạch Đằng, Sài Gòn

Trở lại với Sài Gòn vào những ngày cuối tháng 4/1975. Chiều ngày 28/4/1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị oanh kích. Mãi sau này tôi mới biết người dẫn đầu phi đội 5 chiếc A-37 từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) cất cánh về hướng Sài Gòn và thả bom sân bay Tân Sơn Nhất là Trung úy phi công quân lực VNCH Nguyễn Thành Trung (2).

Nguyễn Thành Trung chính thức xuất hiện như một người thuộc “phía bên kia” từ ngày 8/4/1975. Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng, Nguyễn Thành Trung xuất phát từ sân bay Biên Hòa đã lái chiếc F5E ném bom dinh Độc Lập. Lần đầu ném 2 quả bom rơi không trúng mục tiêu, lần cắt bom thứ hai có trúng đích nhưng chỉ có một quả nổ (!).

Trung tiếp tục dùng súng 20 ly bắn vào kho xăng Nhà Bè, rồi lái máy bay đáp an toàn trên đường băng dã chiến 1.000m ở sân bay tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) trong khi F5E cần một đường băng hạ cánh đến 3000m. Phước Long khi đó đã thất thủ vào tay VC.

Trong chiến tranh, những trường hợp “hai mang” như Nguyễn Thành Trung không phải là hiếm. Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Trịnh Xuân Ẩn… (3) là những gián điệp “nằm vùng” hoạt động trước Nguyễn Thành Trung. Vai trò của họ đã và sẽ được dư luận đánh giá “có công” hay “có tội”.

Có điều tất cả họ sẽ vấp phải những nghi kỵ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ “nằm vùng”. Lê Thành Chơn trong “Phút cô đơn và phẩm chất của người anh hùng” trên báo Sài Gòn Giải Phóng viết về Nguyễn Thành Trung như sau:

“… Đời người sĩ quan tình báo đã dấn thân tự nguyện phụng sự cho Tổ quốc thì coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Còn bây giờ, anh đang sống trong lòng đồng đội. Nhưng, một buổi chiều, Trung được yêu cầu phải báo cáo một số vấn đề thuộc về lý lịch của mình... Chẳng ai nói với anh nguyên nhân! Nhưng với giác quan của người sĩ quan tình báo lâu năm, anh hiểu đó là việc làm bình thường. Gần đây đã có một số phi công xấu lợi dụng sơ hở, cướp máy bay chạy trốn...”

Trung Úy phi công Nguyễn Thành Trung
trong vòng tay của những người “phía bên kia”

Nhà tôi ở rất gần Lăng Cha Cả. Ngày 28/4, từ căn gác trên đường Bùi Thị Xuân tôi có thể nghe tiếng bom nổ ở phi trường Tân Sơn Nhất và sau đó cột khói đen bốc lên cao. Chiến tranh đã thực sự đến thật gần. Sáng hôm sau, 29/4/1975, tôi quyết định chở gia đình vào tá túc tại Bệnh viện Sài Gòn, nơi bà xã đang làm việc.

Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu làm thế nào một gia đình gồm 6 người trong đó có một đứa trẻ sơ sinh còn ẵm ngửa có thể ngồi hết trên chiếc Honda SS50 chạy một mạch từ Lăng Cha Cả về Chợ Bến Thành. Tôi vẫn còn nhớ đường tại khu vực quận 1 khi ấy rất nhộn nhịp khác thường. Có cả phóng viên ảnh người nước ngoài đang cố gắng ghi lại những hình ảnh cuối cùng của Hòn ngọc Viễn Đông.

Đưa vợ con vào tá túc trong Bệnh viện Sài Gòn tạm ổn tôi mới tính đến bản thân mình. Lúc đó tôi đang được trường sinh ngữ biệt phái về Tổng cục Quân huấn để thành lập ban Tu thư Dịch thuật. Tổng cục Quân huấn nằm trong Bộ Tổng tham mưu nên cuối cùng tôi quyết định vào đó “ứng chiến”.

Sáng ngày 30/4/1975 tôi rời khỏi Bộ Tổng tham mưu trong bộ đồ dân sự. Lúc đó khoảng 10g sáng, trời mưa lất phất. Ngoài đường vắng vẻ hơn ngày thường, một cơn mưa trái mùa khiến tôi có cảm tưởng như trời đang khóc cho Sài Gòn vào ngày “đổi chủ” và sau đó người Sài Gòn “đổi đời”!

Tờ lịch ngày Thứ Tư, 30/4/1975

Bây giờ ngồi viết lại tản mạn những suy nghĩ sau một thời kỳ kéo dài 38 năm tôi hoàn toàn không có ý tả lại những cảnh khổ. Điều này đã có quá nhiều bài viết và người viết đã làm. Mỗi người một cảnh, mỗi người một suy nghĩ khi nhìn lại quãng thời gian 38 năm.

Ông Võ Văn Kiệt khi nói về ngày 30/4/1975 đã cho rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Nói như thế, sự kiện 30/4 được đón nhận theo cảm tính trái ngược nhau của những người sống tại miền Bắc và miền Nam vào thời điểm đó. Cũng là lẽ thường tình vì chúng ta nằm trong guồng máy chiến tranh, hoặc “bên này” hoặc “bên kia”.

Dĩ nhiên, người dân sống tại miền Bắc thấy cảm thấy “hồ hởi” trong số “hàng triệu người vui”. Có những gia đình vui vì chồng cha, anh em sẽ không còn chịu cảnh “sinh Bắc, tử Nam”. Có những người vui vì đất nước thống nhất, nói theo kiểu Trịnh Công Sơn, “khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm…”.

Hay nói như “chú nhỏ 13 tuổi” Huy Đức trong Bên Thắng Cuộc: Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.

Đó chỉ là ý nghĩ nông cạn của một chú bé đã lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Cảm nghĩ của Huy Đức sẽ thay đổi như thế nào khi đối diện với thực tế ở miền Nam những năm sau đó? Sự vui mừng đó có còn trọn vẹn sau 38 năm đối với những người miền Bắc? Hỏi tức là đã trả lời.

Cảm xúc của Dương Thu Huơng lại khác. Ngày mới đặt chân đến Sài Gòn khi vừa được “giải phóng”, tác giả đã bị choáng ngợp trước cuộc sống tiện nghi ở miền Nam, khác rất xa với cuộc sống khó khăn ở miền Bắc: “Tôi đã ngồi phệt xuống vỉa hè Sài Gòn khóc, tôi biết miền Nam đã giải phóng miền Bắc chứ không phải ngược lại...”.

Như vậy là những người từ miền Bắc vào Nam như Dương Thu Hương lại có một nỗi buồn chứ không phải nỗi vui khi nhìn tận mắt sự khác biệt giữ hai miền ngay từ năm 1975. Nói chung, đó chỉ là những cảm nghĩ “vui – buồn” tức thời của nguời miền Bắc khi nghe tin “Sài Gòn được giải phóng”, cái mà người ta quan tâm là những thay đổi trong “tư duy” sau 38 năm.

“Bên Thắng Cuộc” trước dinh Độc Lập

Hàng triệu người miền Nam còn ở lại trong nước hay đã ra đi chắc chắn cũng không vui trong ngày 30/4/1975. Có thể ai đó cũng vui khi Sài Gòn không bị “tắm máu” như lời đồn đãi. Có thể người Sài Gòn bình thường cũng vui khi biết rằng đất nước sẽ qua đi thời chinh chiến để cùng nhau xây dựng lại quê hương theo như di chúc của ông Hồ Chí Minh:

“Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
  

Thực tế nhìn lại sau 38 năm thật phũ phàng. Thời điêu linh (4) kéo dài hơn 10 năm với các chính sách cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế mới, đổi tiền, đốt sách… đã khiến hằng triệu người phải bỏ nước ra đi trên những chiếc thuyền mong manh giữa sóng biển.  

Những người trong hình có đến được bến bờ tự do?

Trở lại với chuyện cô con út của tôi khi Sài Gòn sụp đổ mới chỉ chưa đầy ba tháng, hãy còn ẵm ngửa. Cô con gái này sau có biệt danh “xúi quẩy”. Cả nhà vẫn thường gọi đùa là vậy. “Xúi quẩy” vì đồ đạc trong nhà cứ thay nhau ra chợ trời để lấy tiền mua gạo. “Xúi quẩy” vì bố đi học tập mút chỉ. Nói chung, “xúi quẩy” vì cả miền Nam đang trong thờ kỳ… “xúi quẩy”!

Tội nghiệp cho con bé hãy còn ẵm ngửa, nào có tội tình gì mà lại phải mang cái tên “xúi quẩy”. Sau này khi biết nói, cháu bé còn giải thích vanh vách khi có người hỏi tại sao lại có tên “xúi quẩy”:

“Xúi quẩy là bán đồ đạc để lấy gạo ăn!”.

Từ đó, đối với tôi, hai chữ “xúi quẩy” vừa nghe buồn buồn của một thời điêu linh nhưng cũng lại mang ý khôi hài khi phát ra từ miệng trẻ thơ.

Cô con gái út còn ẵm ngửa ngày nào nay đã là mẹ của hai đứa trẻ. 38 năm nhìn lại tôi bỗng rùng mình như vừa qua một cơn ác mộng. Mộng và thực cứ như quyện lấy nhau đến độ không biết đâu là mộng, đâu là thực.

Trong sách Trang Tử có đoạn về Mộng hồ điệp được nhà văn Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu”.

Chúng ta không phải là Trang Chu nhưng cơn ác mộng kéo dài 38 năm tựa như những ám ảnh trong tiếng đàn của Thúy Kiều:

“Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là Hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên”.

***

Chú thích:

(1) Đọc “Ban Mê Thuột: Khởi đầu của một kết thúc”

(2) Nguyễn Thành Trung là một một cựu Đại tá Không quân Nhân dân Việt Nam, tên thật là Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9/10/1947, tại Bến Tre. Cha là Đinh Văn Dậu (còn gọi là Tư Dậu), mẹ là bà Nguyễn Thị Mỹ. Trung là người con trai thứ 4 trong gia đình có 5 anh em, vì vậy ông có có tên gọi trong gia đình là Năm Chung.

Sau năm 1954, trừ người anh cả tập kết ra Bắc, cả gia đình ông đều ở lại miền Nam. Cha ông và người anh thứ hai đều hoạt động bí mật tại quê nhà. Riêng ông cùng người anh thứ ba và người em gái út sống công khai với mẹ để tiếp tục đi học.

Năm 1965, Trung được Ban binh vận T2 (khu 8) đưa lên Sài Gòn tiếp tục học hết bậc phổ thông, rồi vào học khoa Toán - Lý - Hóa ở Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học tự nhiên). Sau khi tốt nghiệp, ông được Ban Binh vận Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo thi tuyển vào Không lực Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, ngày 31/5/1969, Nguyễn Thành Trung được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam.

Sau hơn một năm huấn luyện ở Nha Trang, Nguyễn Thành Trung được đưa đi đào tạo phi công ở các căn cứ Hoa Kỳ tại các bang bang Texas, Louisiana và Mississippi. Đến năm 1972 về nước, phục vụ tại căn cứ không quân Biên Hòa, trực thuộc Sư đoàn 3 Không quân, Phi đoàn 540 Thần Hổ.

Sau 1975, vì là người duy nhất có thể lái máy bay F5 và A37 của QĐNDVN, Nguyễn Thành Trung được phân công phụ trách công tác đào tạo, huấn luyện bay và đã góp phần rất lớn gầy dựng nên Trung Đoàn Không Quân Cường Kích 937 và Trung Đoàn Không Quân Tiêm Kích 935.

Tuy nhiên sau đó đã xảy ra một số vụ vượt biên trái phép bằng máy bay tại các sân bay phía Nam mà chủ mưu thường là các sĩ quan không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trá hàng nên Nguyễn Thành Trung cũng bị vạ lây và mất tin tưởng từ cấp trên, phải 'ngồi chơi xơi nước' cho đến năm 1980 mới được bay lại, nhưng chỉ được bay 4 vòng quanh sân bay rồi xuống đất chỉ đạo tiếp.

Cuối cùng Nguyễn Thành Trung cũng được minh oan và những đóng góp to lớn của ông đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ngày 20/1/1994. Sau đó ông là Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Sau khi về hưu, Nguyễn Thành Trung đã lái máy bay Beechcraft King Air 350 của Bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh-Gia Lai), người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng.

(Nguồn: Wikipedia)

Nguyễn Thành Trung bên chiếc F5E đã thả bom xuống dinh Độc Lập ngày 8/4/1975
(Ảnh: Dirck Haltstead)

(3) Đọc “Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: Những từ ngữ đã đi vào quá khứ”

(4) Đọc thêm về Thời Điêu Linh

·         “Góp nhặt buồn vui thời cải tạo”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-cai-tao.html

 

·         Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đổi tiền


·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Chợ trời”

·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách”


·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Bao cấp”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-bao-cap.html

 

·         “Buồn vui thời điêu linh: Kinh tế mới”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/buon-vui-thoi-ieu-linh-kinh-te-moi.html

 

·         “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Cải tạo Công thương nghiệp”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-cai-tao.html


***
 


--> Read more..

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (23): Ghi chép bên lề

(Tiếp theo)

Đây là entry cuối cùng trong loạt bài Du ký xứ Miệt Dưới với chủ đề những ghi chép bên lề chuyến đi 45 ngày đến Nam Bán Cầu. Dưới dạng nhật ký nên tác giả thường “ngày đi, đêm viết” để khỏi bỏ sót những diễn biến nóng hổi. Tuy nhiên, khi đọc lại 22 bài du ký về nước Úc thấy còn quên một số điều, bài viết này bổ sung những thiếu sót đó.     

Dưới dạng ghi chép, tác giả cũng muốn nêu lên một số vấn đề có liên quan đến nước Úc và người Úc, không hẳn chỉ toàn khen nhưng có những chuyện, xét thấy ở một mức độ nào đó, cũng đáng… chê.

Chẳng hạn như chuyện dòng sông Yarra ngay giữ thành phố Melbourne. Dòng sông Yarra trong bức hình dưới đây được chụp từ xa trông rất đẹp với phong cảnh hai bên bờ nhưng chiếc cầu bắc ngang sông là một khối thép thô kệch có màu xám xịt trông khá phản cảm:

Dòng sông Yarra thơ mộng 

Ra sát bờ sông lại thêm một chuyện thật ngỡ ngàng. Nước sông không trong như nhìn từ xa, ngược lại, lá cây và một số vật thể lạ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Dù không có bao nylon hay rác rến như dòng kênh Nhiêu Lộc hay kênh Thị Nghè ở Sài Gòn nhưng quả thật tôi bị sốc vì những gì hiện ra trước mắt trên dòng sông Yarra.

Đồng ý là lá trên cây hai bên bờ rụng xuống chứ không phải là rác nhưng việc giữ dòng sông trong sạch là điều cần phải làm đối với những người có trách nhiệm bảo vệ môi trường của dòng sông. Chẳng hạn như giao việc đó cho một toán công nhân chuyên đi vớt lá khô hoặc dùng thiết bị chuyên môn nào đó để thường xuyên hút lá, giòng sông chắc chắn sẽ thơ mộng hơn nhiều.

Đây là thực tế trên bờ sông 

Vấn đề thứ hai, tôi biết khi nêu ra có nhiều người sẽ không đồng ý, nhưng là một người nghiện thuốc lá tôi phải viết. Hút thuốc có hại cho sức khỏe, điều đó ai cũng đã rõ. Một trong những cách hạn chế số người hút thuốc là tăng mức thuế thật cao, điều này xem ra cũng hợp lý.

Khi đến Úc tôi mới biết, theo luật mới, hành khách của các chuyến bay chỉ được mang theo hai gói thuốc, tức là 40 điếu. Một quy định quá ngặt nghèo cho những người nghiện thuốc lá. Tôi mang theo 1 cây ruỡi thuốc lá, tức là 15 gói, để trong hành lý xách tay một cách hoàn vô tư vì không rõ luật. Đến phi trường Melbourne quan thuế không khám hành lý, nếu họ làm điều đó chắc chắn tôi bị bỏ lại tới 13 gói thuốc một cách oan uổng.

Chưa hết, khi vào siêu thị mua thuốc lại còn sốc hơn nữa vì giá cả cao ngất ngưởng. Tôi dò trong danh sách giá cả các loại thuốc bán ở đây và cuối cùng lựa thuốc “rẻ” nhất có nhãn hiệu Holiday (bright blue), loại 50 điếu một gói và phải trả $32, có nghĩa là một điếu thuốc trị giá $0.64 một điếu. Quy đổi sang tiền đồng bằng cách nhân đôi, như vậy một điếu thuốc trị giá gần 13.000 đồng, bao thuốc 50 điếu lên đến 640.000 đồng. Một con số khó có thể tưởng tượng: người hút một điếu thuốc ở Úc bằng gần một gói ở Việt Nam!

Quả là một chênh lệch đến độ phi lý đối với những người lỡ nghiện mà không bỏ được thuốc. Tôi chưa thấy một bao thuốc nào “Made in Australia”, chỉ toàn thuốc sản xuất từ Malaysia, Singapore… Tôi lại nghĩ, nếu muốn bỏ thuốc, mời bạn đến nước Úc! Nhưng thật ra vẫn còn nhiều người hút thuốc tại đây vì nếu không sẽ không có bảng Cấm Hút Thuốc! Cũng vẫn thấy mẩu tàn thuốc dưới chân, có lẽ còn nhiều hơn ở Singapore!

Cách trình bày bao thuốc bán tại Úc cũng rất đặc biệt. Bên ngoài là những hình ảnh khủng khiếp của căn bệnh ung thư phổi, ung thư vòm họng với những dòng chữ cảnh báo in thật to, thật rõ:

Lời cảnh báo trên bao thuốc

Hằng năm, cứ đến ngày 25/4 nước Úc kỷ niệm ANZAC Day, đó là ngày Quân đội Hoàng gia Úc tham gia hoạt động quân sự với cuộc đổ bộ ngày 25/4/1915 cùng các lực lượng đồng minh lên bán đảo Gallipoli (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) trong Thế chiến thứ nhất. ANZAC là chữ tắt của Australian & New Zealand Army Corps, tạm dịch là Quân đoàn Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi.

Ngày nay ANZAC Day được coi là ngày tưởng niệm sự hy sinh cao cả của quân nhân Úc trong các hoạt động bảo vệ nền hòa bình thế giới. Đây cũng là ngày vinh danh các cựu quân nhân, trong đó có những người đã phục vụ Quân đội Hoàng gia Úc tại Việt Nam.

Nước Úc không những tiếp nhận người Việt tỵ nạn mà còn dành cho những người trước đây phục vụ trong quân lực VNCH chính sách ưu đãi như những cựu quân nhân người bản xứ. Điều này thể hiện sự quan tâm đến những người một thời đã cùng chiến tuyến dù khác chủng tộc, trong khi tại Hoa Kỳ, ngày xưa là một đồng minh lớn, cũng không hề có chế độ ưu đãi tương tự.      

Rất tình cờ, một buổi sáng tại trước nhà ga Flinders Street Station tôi đã gặp một cựu quân nhân Úc với chiếc nón rộng vành quen thuộc ngày nào tại Long Hải, Vũng Tàu. Anh xuất hiện tại đây với nhiệm vụ bán huy hiệu ANZAC để lấy tiền gây quỹ và chuẩn bị cho ANZAC Day.

Trong tấm hình dưới đây, một người Úc lớn tuổi và con gái tôi đang mua ủng hộ ANZAC. Sự có mặt của Hà mang ý nghĩa một sự tri ân của thế hệ người Việt trẻ tại Úc, dù ANZAC Day còn một tuần nữa mới đến. 

Một tấm hình kỷ niệm quý giá

ANZAC Appeal là một chiến dịch vận động quyên góp trên toàn lãnh thổ Úc để gây quỹ hỗ trợ các cựu quân nhân. Người hảo tâm đóng góp tùy theo khả năng và đổi lại họ nhận được huy hiệu ANZAC Appeal có giá từ $5 đến $10.

Khi biết tôi là người Việt Nam, người cựu quân nhân trước ngực có gắn bảng tên Fisher vui vẻ đứng chụp hình trước khi rời nhà ga Flinders Street Station để băng qua đường. Fisher cho biết anh đã có thời gian phục vụ tại Việt Nam!

Cựu binh Fisher và chiến dịch ANZAC Appeal

Có một hình thức quyên tiền khác nữa là các nhạc sĩ đem lời ca tiếng nhạc làm kế mưu sinh. Ngay trước Flinders Street Station có một anh chàng đội mũ cowboy ngồi hát loại nhạc country.

Anh ngồi trên ampli, hát bằng micro và đệm bằng đàn guitar. Trước mặt anh là bao đàn còn được dùng để chứa bạc cắc của những người hảo tâm. Nhìn vào đó chỉ thấy vài đồng xu nhưng anh vẫn nhiệt tình hát. Tôi thấy hình như anh hát cho chính mình, không cần biết đến mọi người qua lại trước mặt.

Anh chàng ca sĩ bất cần đời

Tôi còn gặp một anh nhạc sĩ hình như gốc Ấn Độ vì anh chơi đàn sitar. Ấn Độ nổi tiếng với đàn sitar xuất hiện từ thời Trung Cổ có khoang cộng hưởng là một quả bầu, được dùng chủ yếu trong nhạc cổ điển miền bắc Ấn. Vào thập niên 1950 – 1960 ban nhạc  Beatles và Rolling Stones cũng đã sử dụng đàn sitar.

Có một sự trùng hợp về âm nhạc giữa Việt Nam và Ấn Độ qua… trái bầu! Việt Nam có đàn bầu còn đàn sitar của Ấn Độ cũng có khoang cộng hưởng là trái bầu cho dù ngày nay người ta thay trái bầu bằng những vật liệu khác!  

Nhạc sĩ Ấn Độ và cây đàn sitar

Anh chàng nhạc sĩ ngồi bên lối đi dạo ở bờ Nam sông Yarra. Trông anh giống như một thuật sĩ với dáng ngồi tĩnh tọa như đang thiền, đôi mắt lim dim. Anh cũng dùng ampli để khuếch đại âm thanh từ tiếng đàn, nhưng chỉ đàn thôi chứ không hát.

Bên cạnh anh là mấy đĩa CD, chắc để bán. Trước mặt anh là một cái hũ có những hoa văn đặc trưng Ấn Độ để… đựng tiền. Tôi bỏ tiền vào hũ và ngỏ lời muốn chụp một tấm hình kỷ niệm. Đạo sĩ Ấn Độ cười, gật đầu nhưng vẫn tiếp tục đàn. Tôi ngồi cạnh anh và có được một tấm hình đàn sitar của Ấn trên đất Úc. Đến lúc về nhà xem hình sao bỗng thấy hai khuôn mặt giống nhau đến thế!

Nghe tiếng đàn sitar trên đất Úc

Lại nói về chuyện thể thao. Melbourne là nơi khai sinh “bóng bầu dục Úc” (rugby), một môn thể thao tương tự như football của Mỹ nhưng cầu thủ không mặc quần áo bảo vệ như tại Mỹ và luật chơi cũng không bạo lực như football.

Melbourne còn là nơi đăng cai Giải quần vợt Úc Mở Rộng (Australian Open) là một trong bốn giải Grand Slam trong năm: Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng.

Australian Open là giải Grand Slam đầu tiên trong năm và diễn ra vào nửa cuối tháng 1 tại Melbourne. Hầu hết các tay vợt nổi tiếng thế giới đều đã đoạt giải Úc Mở Rộng nhiều lần như Andre Agassi, Venus Williams, Serena Williams (Mỹ), Roger Federer, Martina Hingis (Thụy Sĩ)…

Túc cầu cũng là môn thể thao mới, thu hút nhiều khán giả tại Úc. Có lẽ vì một số cầu thủ Úc thi đấu thành công tại nước ngoài như Tom Cahill, Mark Schwarzer, Harry Kewell… Trong khi nước Úc có biệt danh là xứ sở của Kangaroo, đội tuyển bóng đá  lại được các fan hâm mộ gọi là… Socceroo

Ở một công viên gần nhà chúng tôi có một sân bóng mini dành cho cư dân đến luyện tập và thi đấu bên cạnh một sân bóng chầy có đèn. Hàng tuần vào ngày Thứ Bảy có rất nhiều cầu thủ nghiệp dư người Việt cũng đến đây luyện tập và ngày Chủ Nhật thường có thi đấu giữa các đội thiếu nhi của địa phương.

Đội bóng thiếu nhi thi đấu

Xin có đôi lời về người Việt tại Úc, cả lời khen lẫn lời chê. Úc là quốc gia có số người Việt định cư nhiều thứ nhì sau Hoa Kỳ nên có rất nhiều khu người Việt tập trung tại Melbourne như Footscray, Sunshine, St Alban, Richmond, Springvale…

Những nơi này tôi đã từng đi qua và nhận thấy việc kinh doanh tiến triển tốt trong nhiều lãnh vực như ăn uống, thực phẩm… và cả những ngành nghề tưởng chừng như không ăn khách như xây dựng hoặc sửa xe hơi. Dù đang trong thời buổi kinh tế khó khăn nhưng xem ra hoạt động buôn bán vẫn nhộn nhịp để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Cửa hàng CD và VCD tại Sunshine

Cuộc sống tinh thần của người Việt rất thoải mái về mặt tín ngưỡng nhưng phạm trù tinh thần không phải chỉ có vậy. Hiểu theo nghĩa rộng, cuộc sống tinh thần bao gồm cả thái độ sống, sự tiếp xúc hằng ngày với người bản xứ cũng như với người đồng hương.

Tôi có dịp nói chuyện với một người Việt làm công chức tại cơ quan của chính phủ. Anh khẳng định nước Úc không “kỳ thị  chủng tộc” nhưng cứ nhìn vào các chức vụ cao như manager thì thấy rõ, trong 2 người có trình độ và năng lực như nhau, bao giờ người bản xứ cũng được ưu tiên chọn vào chức vụ này hơn là người Việt. Đó không được coi là “kỳ thị chủng tộc” nhưng gọi nó là gì thì anh chưa có câu trả lời chính xác.

Tôi cũng có lần tiếp xúc với một thanh niên gốc từ Hải Phòng, có vợ người cùng xứ. Anh nói thẳng thừng là trong cộng đồng người Việt tại đây vẫn có một khoảng cách vô hình nhưng rất khó vượt qua. Đó là rào cản giữa hai miền Nam-Bắc.

Người miền Nam bỏ nước ra đi sau năm 1975 vì không chịu được sự thống trị của người miền Bắc. Sang đến nước Úc họ vẫn giữ thành kiến với người miền Bắc, dù ngay trong số họ có những người gốc miền Bắc rời bỏ quê hương để di cư vào Nam từ năm 1954.

Theo tôi, đây cũng không phải là sự kỳ thị mà là chuyện “không ưa” nhau, hay dùng chữ nặng hơn là “ghét nhau”. Điều này thấy rõ nhất ở những người Việt thuộc thế hệ thứ nhất, họ là những người bỏ lại tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng. Những người miền Bắc đến Úc sau họ, thường là những gia đình khá giả hoặc là con cháu của những cán bộ có chức có quyền.

Vô hình chung có 2 loại người Việt đến Úc: người đến bằng những chiếc thuyền vượt biên ọp ẹp rồi còn phải sống lay lứt trong các trại tỵ nạm và người đến trên những chuyến phi cơ chính thức chỉ mất 8 tiếng đồng hồ. Làm sao có thể xóa được hố ngăn cách đó?

Tiệm phở Hiền Vương, khu Footscray

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
--> Read more..

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (22): Thành phố Melbourne

(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 15/4/2013: Thành phố Melbourne

Mãi đến ngày gần về chúng tôi mới bỏ ra nửa ngày để đi thăm khu trung tâm thành phố Melbourne. Thực ra thì đã nhiều lần “chạy xe qua phố” nhưng hôm nay mới thực hiện một chuyến đi bộ đến những điểm nổi bật của Melbourne, thành phố lớn nhất tiểu bang Victoria và lớn thứ nhì nước Úc, sau Sydney.

Người ta chỉ biết Canberra là thủ đô của Úc nhưng rất ít người biết Melbourne đã từng là thủ đô trong suốt 26 năm, từ 1901 đến 1927. Vào ngày 1/1/1901, Melbourne đã trở thành thủ đô của Liên bang Úc và Quốc hội Liên bang đầu tiên được thành lập vào ngày 9/5 ở Tòa nhà Triển lãm Hoàng gia. Trụ sở chính phủ và thủ đô của quốc gia được đặt ở Melbourne cho đến năm 1927, khi đó thủ đô mới được dời đến Canberra.

Federation Square

Melbourne đã có một lịch sử đáng nhớ trong thời kỳ mọi người đổ xô đi tìm vàng (gold rush). Vào năm 1854, dân số Melbourne đã tăng một cách đột ngột với 125.000 người từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây vì vàng. Trong 2 thập niên sau đó, 1870 và 1880, Melbourne là thành phố đông dân nhất nước Úc.

Vào thập niên 1890, sự suy sụp kinh tế đã hạ gục Melbourne. Dân số Melbourne sụt giảm một lượng lớn trong những năm 1890 là kết quả của làn sóng những người thất nghiệp di cư về phía tây để làm việc trong những ngành công nghiệp mới. Sau năm 1945, dân số Melbourne lại tăng lên khi người Anh, Nam Tư, Hà Lan, Đức, Ả Rập và Malta di cư đến đây.

Một số lớn người Ý và Hy Lạp cũng đã đến vào những thập niên 1950 và 1960, trở thành những cộng đồng lớn nhất bên cạnh những cộng đồng khác từ Anh và Ireland. Melbourne là nơi có cộng đồng người Hy Lạp sinh sống ngoài đất nước Hy Lạp đông nhất thế giới.

Trong những thập niên 1970 và 1980, những người tị nạn từ Campuchia và Việt Nam đã chọn Melbourne làm quê hương cùng với người Ấn Độ, Philippines và Malaysia. Làn sóng dân di cư gần đây nhất đến từ Nam Phi.

Về giáo dục, một số đại học lớn được đặt tại đây, bao gồm các trường Đại học RMIT (có chi nhánh tại Sài Gòn), Đại học Melbourne, Đại học Deakin, Đại học La Trobe, Đại học Monash, Đại học Kỹ thuật Swinburne và Đại học Kỹ thuật Victoria. Melbourne hiện cũng có số đông sinh viên Việt Nam đến học và số sinh viên này chỉ thua so với Hoa Kỳ, mảnh đất lý tưởng của các sinh viên người Việt. 

Crowne Plaza bên giòng sông Yarra

Dọc theo bờ phía Nam con sông Yarra là một con đường dành cho người đi bộ, nơi đây hàng năm thu hút 18 triệu du khách mỗi khi đến Melbourne. Dọc theo lối đi dạo có hơn 40 nhà hàng, quán cà phê, hộp đêm nằm dọc theo bờ sông Yarra thơ mộng.

Đặc biệt hơn cả là một casino mang tên Crown. Đây là “thiên đường” hay “địa ngục” tùy theo trạng thái của người mắc phải dòng máu đỏ đen. Chúng tôi ghé qua đây vào ban ngày nhưng bầu không khí sát phạt tại đây cũng nhộn nhịp con bạc. Dĩ nhiên là vào những ngày nghỉ cuối tuần người ta đến đây đông hơn ngày thường.

Tòa nhà Crown nơi có casino nổi tiếng nhất Melbourne

Hình như vào ban ngày những quý ông, quý bà lớn tuổi, không bị bận rộn với công việc, thích vào đây giải trí và cũng để thử thời vận bằng cách ngồi “bấm máy”. Đã qua rồi thời “kéo máy”, một hình thức kéo cần gạt của tên “tướng cướp một tay” (one-armed bandit) để thử thời vận, thay vào đó là công việc bấm nút để hy vọng vận đỏ.

Tôi nhận thấy người châu Á có mặt tại đây khá nhiều, có lẽ hầu hết là người Việt. Có bà ngồi trước máy một mình say sưa bấm nút, nhìn vào các sòng cao cấp hơn cũng thấy những mái đầu đen ngồi trên ghế, trước mặt họ là những đồng jeton. Không khí có vẻ căng thẳng vì chuyện hơn thua, thắng bại. Ranh giới giữ “thiên đàng” và “địa ngục” không xa nhau là mấy, chỉ quyết định trong những cây bài do dealer chia cho mỗi người.

Lối vào casino

Không được chụp hình trong casino nên tôi chỉ chụp từ ngoài nhìn vào. Tấm hình không được rõ lắm nhưng đại khái cũng ghi lại được hình ảnh những con bạc ngồi “bấm máy”, người đứng tại góc trái là bảo vệ casino to như một con gorille. Phía góc phải là tấm bảng đèn mầu Jackpot như khyến khích những người bước vào, biết đâu họ lại chẳng “Hit the jackpot”.

Người phụ nữ tóc đen bước vào casino

Dạo gần đây tin tức có liên quan đến Crown thường xuyên xuất hiện trên báo chí Úc. Có tin casino này đã bị những tay “cờ bạc chuyên nghiệp” dùng công nghệ cao thắng sòng bạc nhiều triệu đô la. Cũng có tin con bạc kiện Crown đã “lường gạt” họ cũng cả triệu đô la.

Chuyện đâu còn có đó nhưng trước mắt Crown vẫn hoạt động suốt ngày đêm dù không nhộn nhịp bằng Las Vegas nhưng cũng đủ để các con bạc dở khóc, dở cười. Crown được mệnh danh là sòng bạc lớn nhất phía Nam Bán Cầu nhưng nếu như so với Las Vegas ở phía Bắc Bán Cầu thì chỉ bằng 1 trong số hàng chục casino mở cửa suốt ngày đêm tại vùng sa mạc Nevada.    

Chúng tôi gửi xe ở Crown nhưng để chỉ lướt qua sòng bạc xem chơi cho biết, còn chủ yếu là đi bộ vượt sông Yarra sang tận Federal Square. Các tầng hầm đậu xe tại đây có chính sách “khuyến khích” mọi người tham gia Crown Signature Club sẽ được gửi xe miễn phí.

Giá phí gửi xe thấp nhất là $6 trong vòng 6 tiếng, cao nhất là $12 trong những ngày cuối tuần. Nếu đánh mất vé phải trả $20! Tính ra thì vẫn còn rẻ nếu so với Sài Gòn vào những dịp “chặt, chém” không thuơng tiếc!

Tầng hầm đậu xe trong casino

Trong tòa nhà Crown không phải chỉ có casino mà còn rất nhiều cửa hàng sang trọng, nói theo kiểu Việt Nam là “hàng hiệu”. Trong Crown còn có những những tiệm ăn đủ mọi quốc tịch, phục vụ các món truyền thống của Tầu, Ý, Ấn Độ nhưng không thấy tiệm ăn của người Việt, có lẽ vì thuê mặt bằng kinh doanh tại đây quá cao.    

Versace

Forever New

Bên trong Crown Towers

Chúng tôi vượt sông Yarra bằng một trong những cây cầu bắc ngang để sang trung tâm thành phố mà người Úc gọi là CBD (Central Business District). Những người trẻ tuổi đang yêu có một sáng kiến: họ mua ổ khóa, viết tên hai người rồi khóa trên lan can cầu. Một hành động chứng tỏ tình yêu bền vững có cây cầu làm chứng.

Biết đâu đó vài chục năm sau trở lại nơi này, họ tìm lại được chứng tích của tình yêu trên cây cầu bắc ngang sông Yarra. Biết đâu chừng chỉ có một trong hai người trở lại nơi đây để hồi tưởng một tình yêu đã mất. Nhưng cũng không biết chừng cầu đã được xây dựng lại, mất hẳn dấu tích năm xưa!

Tôi chợt nhớ đã thấy những “ổ khóa tình yêu” này trên chiếc cầu bắc ngang sông Seine ở Paris ngày nào… và tại đây, giữa Melbourne, chúng lại xuất hiện. Cầu chúc cho tình yêu của những người trẻ tuổi bền vững như những ổ khóa trên thành cầu.  

Tình yêu và... ổ khóa 

Tâm điểm của CBD Malbourne là nhà ga Flinders Street Station, nhà ga lớn nhất nước Úc với gần 100 năm hoạt động. Nhà ga chiếm hẳn một góc phố giữa đường Swanton và Flinders, người Melbourne coi đây là biểu tượng của thành phố với 3 mái vòm theo kiến trúc Victoria.

Flinders Street Station

Mặt tiền nhà ga đắp các phù điêu nổi mang phong cách kiến trúc cổ kính thời nữ hoàng Victoria (1837-1901). Có 9 chiếc đồng hồ chỉ giờ khởi hành đi các tuyến đường, bên dưới còn ghi rõ số sân ga. Du khách thường tụ tập tại đây, không phải để đi tầu mà để ngắm nhìn công trình kiến trúc.

Mặt tiền nhà ga

Ngoài xe lửa, Melbourne còn có hệ thống xe “tram”, một loại xe chạy trên các tuyến đường sắt, phía trên là cần dẫn điện. Đây là hệ thống xe “tram” duy nhất tại Úc nhưng có điều bất tiện là những nơi nào có tuyến xe “tram” thì nơi đó dây điện giăng mắc trên đầu. Lại nhớ đến Sài Gòn với những lưới điện… mạng nhện.

Xe “tram”

Bên kia đường, đối diện với nhà ga cố kính Flinders Street Station là quảng trường Federation Square theo phong cách hiện đại với những tòa nhà mang hình lập thể. Quả là một sự tương phản rõ nét nhưng chỉ cách nhau một con đường. Phải chăng đó cũng là một trong những điều hấp dẫn du khách đến với Melbourne.

Federation Square

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


--> Read more..

Popular posts