Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (21): Thăm Tu viện Quảng Đức


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 14/4/2013: Thăm chùa Quảng Đức

Tôi là người tin vào Đạo Phật nhưng lại không phải là một Phật tử theo đúng nghĩa. Tôi không hiểu rõ lắm về các nghi thức ở chùa, khi vào chùa cũng chẳng biết phải làm thế nào cho phải cách. Tôi cũng chẳng khi nào đi nghe thuyết pháp nhưng có đọc một số sách viết về Đạo Phật.

Đối với tôi, ảnh hưởng lớn nhất của giáo lý Phật Giáo lại thông qua bố tôi, một người cũng rất ít đi chùa nhưng trong nhà có treo rải rác những tấm bìa ghi lời Phật dậy được viết bằng mực bút nguyên tử xanh-đỏ, có cả gạch dưới ở những câu quan trọng. Bố tôi cũng chẳng bao giờ học kinh kệ nhưng ông đọc sách viết về Phật giáo và rút ra từ đó những điều ông muốn khuyên nhủ các con.

Gọi một người như bố tôi là cư sĩ cũng không đúng, ông chỉ tìm hiểu về Phật Giáo qua những triết lý nằm trong sách chứ không phải trong kinh. Khi bố tôi mất, tôi thừa hưởng những kiến thức về Phật Giáo một cách sơ sài nhưng cũng biết phân biệt thế nào là đại thừa - tiểu thừa, hiểu thế nào là “tham, sân, si”, vòng luân hồi, luật nhân quả, nghiệp chướng …

Phải nói dài dòng như vậy vì bài viết này nói về một ngôi chùa của người Việt tại Melbourne mang tên Quảng Đức mà vợ chồng Đạt & Hoa có nhã ý đưa chúng tôi đến thăm ngày hôm nay. Bài viết này được trình bày qua cái nhìn của một du khách chứ không phải một Phật Tử nên có thể không có tính cách “bênh vực” hay “nhạo báng” đạo Phật.        

Tam quan Tu viện Quảng Đức

Trong hình trên, cổng tam có tên đề Tu viện Quảng Đức (Quang Duc Monastery) chứ không phải là chùa Quảng Đức như người ta quen gọi. Hiểu theo nghĩa thông thường, tu viện là công trình xây dựng dành cho các nhà tu hành như tu sĩ, ẩn sĩ, nữ tu... nghỉ ngơi, sinh hoạt, hành lễ và tu đạo. Danh từ “tu viện” được dùng chung cho Phật giáo, Công giáo và cả Hồi giáo. Ngược lại, chùa được dùng riêng cho Phật giáo nhưng tôi vẫn chưa hiểu hết giữa Tu viện và Chùa trong trường cụ thể như Tu viện Quảng Đức hay Chùa Quảng Đức.

Mặt sau tam quan

Trên thực tế, có rất nhiều ngôi chùa mang tên Hòa thượng Thích Quảng Đức (1879-1963), người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu – Cách mạng tháng 8) ngày 11/6/1963 để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm.

Việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong lịch sử chính trị miền Nam khi nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Diệm bị lật đổ qua một cuộc đảo chính quân sự ngày 1/11/1963. Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi khắp thế giới và gây nên sự quan tâm đặc biệt tới chính sách của chính phủ thời đó.

Phóng viên David Halberstam được trao giải Pulitzer nhờ một bài báo tường thuật sự kiện này và phóng viên ảnh Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ bức hình dưới đây:

Bức ảnh của phóng viên David Halberstam

Hòa thượng Thích Quảng Đức xuất hiện trong số 350 nhà sư và ni cô dẫn đầu bởi một chiếc xe hiệu Austin Westminster. Hòa thượng từ trong xe bước ra với hai nhà sư khác, một người đặt tấm nệm xuống đường còn người kia mở cabin xe và lấy ra một bình xăng.

Hai nhà sư sau đó tưới xăng lên người Hòa thượng Thích Quảng Đức trong khi đồng đạo châm lửa từ xa. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt của vị hòa thượng, khói đen bốc lên từ cơ thể đang cháy. Chiếc xe Austin hiện còn được lưu giữ tại chùa Thiên Mụ ở Huế.


Ngoài con số gần 15.000 ngôi chùa rải rác khắp lãnh thổ Việt Nam còn có những ngôi chùa được xây dựng tại nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Việt tại hải ngoại. Riêng đối với các ngôi chùa mang tên Quảng Đức, ở Việt Nam cũng như hải ngoại có rất nhiều, trong đó có Tu viện Quảng Đức, khu Fawkner, thành phố Melbourne, thuộc Giáo hội Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan.

Tu viện Quảng Đức do Thượng tọa Thích Tâm Phương thành lập từ năm 1990 trên nền trước đây là ngôi trường tiểu học với diện tích rộng 8000 mét vuông. Tăng ni, Phật tử tại địa phương đã tổ chức quyên góp và mua lại khu đất với giá $350.000.

Điều lý thú Thượng tọa Tâm Phương gốc người thành phố Nha Trang, tỵ nạn tại Úc năm 1986, lại có hai người em ruột cũng xuất gia, Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, hiện là phó trụ trì, và sư cô Thích nữ Tâm Vân hiện trụ trì chùa Thiên Long, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Kiến trúc chính của chùa gồm tường rào dài 90m, cổng tam quan, chánh điện, tượng đài Quan Âm lộ thiên, vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Lộc Uyển Hàng… với tổng chi phí lên đến 2 triệu Úc kim. Có 25 bậc thang dẫn lên Chánh điện với 8 bức phù điêu đắp nổi, mô tả các giai đoạn về cuộc đời Đức Phật.

Chánh điện

Tầng lầu có sân thượng rộng khoảng 10m và hành lang chạy dọc theo 2 bên hông Chánh Điện; bên trong, Chánh điện thờ Phật là một tòa phạm vũ nguy nga, bề rộng 15m, dài 35m, với sức chứa 300 người. Bàn thờ Phật được thiết trí rất trang nghiêm, chính giữa thờ tượng đồng Đức Phật Thích Ca thiền định trên tòa sen cao 2,50m, nặng khoảng 1,5 tấn, bên dưới là pho tượng Phật Ngọc cao 5 tấc; hai bên là hai tôn tượng Hộ Pháp Già Lam được mạ vàng.

Bên trong Chánh điện

Tọa lạc trên một khu đất trước đây là trường học nên Tu viện Quảng Đức phải nằm giữa một khu vực dân cư. Dĩ nhiên, đây không phải là lợi thế của một công trình tôn giáo vốn cần một bầu không khí trang nghiêm, tĩnh mịch. Con đường trước mặt tu viện chỉ có 2 làn xe nên rất dễ bị tắc nghẽn khi xe vào hay ra khỏi chùa. Bãi đậu xe trong sân lại quá nhỏ khiến các ngày lễ lớn tập trung đông người trở thành một vấn đề nan giải đối với các Phật tử cũng như gây phiền phức cho cư dân địa phương.

Không thể không ghi nhận một nỗ lực rất lớn về tinh thần và vật chất của Phật tử người Việt tại vùng Fawkner trong việc tạo dựng một ngôi chùa trên nước Úc. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố khách quan như đã nói ở trên còn có những vấn đề thuộc về chủ quan như việc thiết kế và trang trí.

Tu viện Quảng Đức giờ đã quá chật hẹp so với lần tôi đến thăm vào năm 2007. Đó là hậu quả của việc xây dựng thêm một công trình nằm phía bên phải Chánh điện vào năm 2012. Tòa nhà này đề tên “Truyền Đăng Tục Diện – Phương Trượng”, một loạt những từ ngữ Hán Việt mà một người bình thường như tôi cảm thấy khó hiểu.

Truyền Đăng Tục Diện – Phương Trượng

Trước đó, từ năm 2008 chùa cũng đã xây thêm Tăng xá Quảng Đức và Bảo tháp Tứ Ân. Bảo Tháp Tứ Ân gồm 4 tầng, cao 14m và rộng 5m, trên nóc Bảo Tháp có một pho tượng cao 1m20; tầng cao nhất của Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật và 3 pho tượng Tam Thánh Tây Phương bằng đồng. Tầng 2 và 3 thờ Bồ tát Ðịa Tạng và tro cốt của những Phật tử gửi tại chùa. Từ năm 2008, tu viện đã thiết kế màn hình vi tính để trên 1000 chân dung người quá cố được hiển thị suốt ngày đêm.

Hình thức xây tháp được thực hiện tại hầu hết các ngôi chùa Á châu chứ không riêng gì Việt Nam. Tôi đã có dịp chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc chùa Nam Thiên của Đài Loan ở Wollongong, nơi đây cũng có một ngọn tháp cao 8 tầng nhưng ở quy mô lớn hơn (*).

Bảo Tháp Tứ Ân

Tăng Xá có chiều dài 20m, rộng 11m, gồm 2 tầng có 12 phòng ngủ, một phòng khách và một gác lửng 8x16m dùng làm Thiền đường và phòng hội họp. Kinh phí xây dựng công trình này theo chiết tính của kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành và các kỹ sư xây dựng đã lên đến $900,000 Úc kim. Sau một năm xây dựng, Tăng Xá đã hoàn tất và được cắt băng khành thành nhân dịp lễ khai mạc chiêm bái Phật Ngọc vào ngày 5/12/2009.

Tu Viện Quảng Đức do kiến trúc sư Nguyễn Kiển Thành thiết kế, kiến trúc tổng quát của Tu Viện được kiến lập theo kiểu chữ "Công" (), mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông. Nhìn từ bên ngoài, các kiến trúc đều có mái giả ngói, giữa nóc có bánh xe pháp luân và các góc chạm hình đầu rồng và phượng.

Cầu thang lên Chánh điện được trang trí đầu rồng

Tuy nhiên, mái của các tòa nhà mang nhiều đường thẳng theo kỷ hà học hơn là những đường cong thường thấy ở các chùa Việt Nam. Tôi nghĩ, mái chùa càng cong càng có nét Đông Phương nềm mại hơn là những đường thẳng của Phương Tây. Nhưng quan trọng hơn cả là cách phối trí màu sắc của quần thể kiến trúc.

Ngay từ cổng tam quan người ta đã thấy sự pha trộn của quá nhiều mầu sơn rất chỏi nhau: cổng màu xanh, tường màu nâu, bảng trên cổng có chữ màu vàng, mái ngói màu lam… Theo tôi, đó là sự lạm dụng màu sắc đối với khung cảnh trang nghiêm của một ngôi chùa.   

Ngoài vườn chùa có các tượng như Phật Thích Ca Thuyết pháp, Phật Thích Ca Thiền định, Phật Thích Ca Nhập Niết bàn, Phật A Di Đà phóng quang, tượng Phật Di Lặc, Bồ Tát Quan Âm, 18 pho tượng A La Hán, đặc biệt có Phật tích Vườn Lộc Uyển với Đức Phật lăn chuyển bánh xe Chánh pháp.



  
Chúng tôi cũng dự một bữa cơm chay gây quỹ nhà chùa vì hôm đó là ngày Chủ Nhật với giá vé $20. Bữa “ngọ trai” được tổ chức theo dạng buffet và được mở đầu với đôi lời của thượng tọa trụ trì Thích Tâm Phương. Thượng tọa trước khi vào đề nhắc nhở Phật tử nên học theo “văn minh của người Úc” giữ yên lặng khi có người phát biểu. Và để tạo sự chú ý, Thượng tọa yêu cầu mọi người đứng dậy trước khi nói đến Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn năm 1963.

Thượng tọa trụ trì Thích Tâm Phương

Bữa ăn trưa diễn ra với chương trình ca nhạc gồm các bản nhạc Đạo & Đời do những ca sĩ “cây nhà lá vườn” trình diễn giúp vui. Tôi thấy có cả những người mang đồ ăn về nhà theo kiểu “take away” nên trên bàn buffet dù đã được các tình nguyện viên liên tục phục vụ nhưng chẳng mấy chốc đã cạn. Người ta cho rằng đồ ăn chay ở chùa cũng là lộc của Phật nên mang về chăng?

Bàn tiệc buffet chay

Chúng tôi ra về, kết thúc hơn nửa ngày tại một trong những ngôi chùa của người Việt tại Melbourne với những điều mắt thấy tai nghe.

***

(*) Xem bài Du ký xứ… Miệt Dưới (6): Nan Tien Temple http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/03/du-ky-xu-miet-duoi-6iep.html

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

1 nhận xét:

  1. Theo anh mô tả thì đây là ngôi chùa mới đúng, vì chùa là nơi dành cho Tăng hoặc Ni sinh hoạt, tu hành và hoành dương đạo Phật, Phật tử sẽ thường xuyên đến viếng chùa, nghe quí Thầy thuyết giảng và tu học Phật pháp.

    Có lẽ M nhìn quen cảnh kiến trúc các ngôi chùa cổ ở VN, hoặc kiến trúc của các ngôi chùa của Đài loan hay chùa của người Hoa ở VN, cho nên nhìn ngôi chùa này lại chẳng thấy giống một trong hai ngôi chùa trên, mà có những nét như ngôi nhà thiết kế theo kiểu chùa.

    Ngoài sân thì bài trí quá nhiều Tượng Phật, mỗi tượng một màu sắc, màu sắc trong chánh điện cũng thế, nhìn chung thiếu sự hài hòa về mỹ thuật và tôn giáo. Nhìn chung thiếu hương vị của một ngôi chùa tĩnh tịch thiêng liêng.

    M cũng vừa đưa một số hình ảnh mới của ngôi chùa "cổ" ở trên núi Chấu Thới, mời anh quá bộ qua xem nhé.


    Trả lờiXóa

Popular posts