Một lần nữa, Đà Lạt lại gắn bó với cuộc đời tôi, nhưng lần
này là thời thanh niên chứ không còn là thời niên thiếu. Điểm đặc biệt nữa là
lần này về Đà Lạt tôi ở trọ tại 79 Võ Tánh, đây là con đường có rất nhiều nhà
trọ cho sinh viên, học sinh vì ở rất gần Viện Đại học Đà Lạt, trường Bùi Thị
Xuân và trường Bồ Đề.
Đà Lạt sương mù
Căn nhà của gia đình trên đường Phạm Hồng Thái ngày nào nay
giao cho gia đình bác Chánh trông coi. Hơn nữa, ở vào tuổi thanh niên thích
sống tự do nên tôi trọ học ngoài phố chứ không về ở ngôi nhà gần Trại Hầm. Cùng
về Đà Lạt với tôi còn có 3 người bạn học từ BMT gồm Vĩnh Anh, Nguyễn Mạnh Dũng
và Trần Hen.
Vĩnh Anh và tôi vốn có ‘máu văn nghệ’ nên rất hợp nhau. Vĩnh
Anh trong thời gian còn đi học đã là tay trống trong một ban nhạc ở các phòng
trà trên BMT. Có rủng rỉnh tiền Vĩnh Anh thỉnh thoảng mua đĩa hát 45 tours để
hai đứa cùng nghe Francois Hardy, Sylvie Vartan... đôi khi cũng mua sách về đọc
chung.
Vĩnh Anh gắn bó với gia đình tôi như một thành viên đến độ
gọi bố mẹ tôi là Cậu, Mợ. Bố mẹ tôi cũng rất qúy người bạn thân của con nên
thường giữ Vĩnh Anh ở lại ăn cơm khi nhà còn ở đường Lý Thường Kiệt, gần góc
đường Ama Trang Long, BMT.
Sống xa nhà, hoàn toàn tự do trên Đà Lạt nên 4 đứa chúng tôi
– Nguyễn Mạnh Dũng, Vĩnh Anh, Trần Hen và tôi – chỉ lấy việc vui chơi là chính
còn chuyện học hành chỉ là… phụ! Bây giờ ngồi nghĩ lại thời gian rong chơi trên
Đà Lạt có lẽ là giai đoạn ‘vàng son’ nhất trong lứa tuổi chớm vào đời của
tôi.
Chợ Đà Lạt (1961)
Ở Đà Lạt, tôi quen với Lê Thị Tuyết Lan, nhà ở cuối dốc Võ
Tánh, phía gần hồ Xuân Hương. Tuyết Lan là em của Lộc mà sau này nổi tiếng qua
cặp song ca Lê Uyên Phương tại Sài Gòn, một phiên bản của Sonny & Cher của
Mỹ vào thời 60-70.
Tuyết Lan vóc người cao ráo, tóc dài, má lúc nào cũng hây
hây hồng, một điển hình của các cô gái Đà Lạt. Tuyết Lan chưa phải là người
tình vì hai chúng tôi đối xử với nhau như những người bạn thân thiết dù có hai đứa có lần đi chơi trên Vallé
d’Amour, Thung lũng tình yêu.
Trên thung lũng vắng lặng, chúng tôi hồn nhiên hái doa dại,
đuổi bắt nhau và rồi nằm bên nhau ngắm bầu trời xanh lơ của Đà Lạt, chuyện trò
vu vơ. Thế nhưng, chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện yêu đương, chỉ biết mỗi khi
bên nhau cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Bảo thế là tình yêu thì quá sớm, chắc chỉ
ở mức trên tình bạn.
Hồ Xuân Hương trong sương mù
Có những buổi tối bọn con trai nhà trọ chúng tôi chở nhau
trên những chiếc xe gắn máy Puchs, Gobel chạy vòng vòng quanh khu Hòa Bình. Hoàn toàn không
có chuyện đua xe, bão đêm như một số
thanh niên bây giờ. Có hôm cao hứng chạy một vòng hồ Xuân Hương chỉ vì cá nhau
quanh hồ có tất cả bao nhiêu cột đèn!
Có những đêm chúng tôi thả bộ, xuôi dốc Võ Tánh để lang
thang ngoài phố. Khuya đói bụng mua bắp nướng trét hành mỡ, mỗi đứa gậm một
cái, nhai từ từ mới thấy vị ngọt của bắp vườn mới bẻ. Đậu phụng hay hạt dẻ rang
cũng vừa ấm lòng vừa no bụng. Nếu còn đói thì một khúc bánh mì thịt nướng dòn,
khát thì có xe sữa đậu nành nóng chuyên phục vụ khách về đêm.
Đà Lạt vốn được coi là thành phố của… tri thức. Nếu nói về
những con số khô khan thì Đà lạt xưa có tỷ lệ trường đại học cao nhất nước.
Miền Nam
trong thập niên 60, chỉ có bốn trường đại học thì Đà Lạt đã chiếm một: Viện Đại
Học Đà Lạt bên cạnh các đại học Sài Gòn, Vạn Hạnh và Huế. Về mặt quân sự, Đà
Lạt có Trường Võ bị Đà Lạt đào tạo lớp sĩ quan hiện dịch ra trường với cấp bằng
cử nhân, Trường Chiến tranh Chính trị nơi huấn luyện các sĩ quan chuyên ngành
‘giặc nói’ và Trường Đại học Tham mưu dành cho các sĩ quan từ Trung uý cho đến
Trung tá.
Trường Võ bị Quốc gia (1968)
Đà Lạt còn có 2 học viện Công giáo: Học viện Dòng Chúa Cứu Thế
và Giáo Hoàng Học Viện. Đặc biệt nơi này được giảng dạy bởi các giáo sư thần
học đến từ nước ngoài và khoảng trên 100 giáo sư từ phương Tây sang cư ngụ và
giảng dạy. Bên cạnh đó là các trường Pháp dành cho con em giới thượng lưu từ
Sài Gòn lên học. Người ta biết đến
những cái tên như Grand Lycée Yersin, Petit Lycée, Adran, Couvent des Oiseaux,
Domaine de Marie...
Grand Lycée
Yersin (ngày nay được đổi tên
là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) là một công trình kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới
(UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới
trong thế kỷ 20. Trường được người Pháp thành lập năm 1927, do kiến trúc sư
Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Năm 1932 trường Petit Lycée Dalat được đổi
tên thành Grand Lycée de Dalat và đến năm 1935 trường có tên là Lycée Yersin để
tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin.
Dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch
trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái được lợp bằng ngói làm từ Pháp. Điểm nhấn
của dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông nổi bật trên vòm trời Đà Lạt.
Lycée Yersin với tháp chuông nổi bật trên nền trời Đà Lạt
Cũng vì thế, Đà
Lạt trở thành nơi vãng lai của những người đến từ khắp miền Nam và không ít
người đã coi đây là thành phố của một thời kỷ niệm. Đà Lạt đối với tôi còn là
quê hương thứ hai sau khi gia đình rời Hà Nội vào Nam năm 1953. Từng con dốc,
từng ngõ hẻm, từng căn nhà làm bằng gỗ thông, từng hàng quán... đã ăn sâu trong
tiềm thức tôi và lúc nào cũng sẵng sàng bùng lên như một ngọn lửa.
Cà phê Tùng là một phần không thể thiếu của Đà Lạt. Hồi mới
từ Hà Nội vào Đà Lạt tôi còn nhớ quán cà phê đã ở đó không biết từ bao giờ. Chú
Tùng (chúng tôi thường gọi một cách thân mật) là người Bắc di cư, nhưng có lẽ
cũng giống như gia đình tôi đã di cư sớm, trước đợt di cư vĩ đại của gần 1
triệu người vào năm 1954.
Tính cho đến ngày nay, cà phê Tùng đã hiện diện ở Đà Lạt hơn
một nửa thế kỷ. Chú Tùng nay đã qua đời nhưng những người trong gia đình vẫn
còn giữ truyền thống của một tiệm cà phê cổ. Những chiếc bàn cũ kỹ, những bức
tranh bạc mầu, những miếng gỗ ốp tường và cả chiếc cửa ra vào lúc nào cũng mở
hé là tất cả những gì Tùng xưa bắt đầu và Tùng nay gìn giữ.
Cà phê Tùng ngày nay
Gữa cái rét căm căm của Đà Lạt về đêm, ngồi trong cà phê
Tùng nhìn qua lớp cửa kính mới thấy được nét đặc biệt của Đà Lạt trong sương
mù. Những ngọn đèn đường mờ mờ, ảo ảo trong sương đêm tạo nên một Đà Lạt hoàn
toàn khác với Đà Lạt của ban ngày.
Có người chê cà phê ở Tùng không có gì xuất sắc lắm, có
người than nhạc ở Tùng buồn quá, có người lại nói không gian ở Tùng chật chội
nhưng không ai phủ nhận sự hiện diện hơn nửa thế kỷ của cà phê Tùng tại thành
phố sương mù. Sự hiện diện mang tính cách lịch sử gắn liền với thành phố Đà
Lạt.
Phong cách, kiểu dáng của quán thuở ấy tới bây giờ, lúc nào
cũng vẫn vậy. Vẫn những bàn ghế trang trọng mà đơn giản giữ mãi một vẻ không cũ
không mới trong tiếng nhạc vừa đủ nghe và cũng vừa đủ để chuyện trò.
Ngày xa xưa, cà phê Tùng dành trọn ngày Thứ Năm cho khách
thưởng thức nhạc Pháp. Người ta có
thể nghe Francois Hardy trầm buồn qua Tous
les garcons et les filles, Ton
meilleur ami; Sylvie Vartan nhí nhảnh với La plus belle pour aller danser, En ecoutant la pluie, Quand le film est triste; Dalida với giọng ca lão
luyện qua Bambino, Histoire d’un anour, Besame Mucho rồi Christophe cất tiếng
hát Mal, Aline, Main dans la main
hay Charles Aznavour với Et Moi Dans Mon
Coin...
Không gian của
Tùng được ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng lớp kính. Ngồi trong Tùng ta có
thể thấy cảnh sinh hoạt, người qua lại trên khu Hòa Bình hay ngắm các cô nữ
sinh áo len xanh Bùi Thị Xuân vào những giờ tan trường. Vào những đêm sương
lạnh xuống nhiều, Tùng là cái lò sưởi ấm nhưng đối với tôi, sẽ thú vị hơn khi
ngồi trên balcon (chỉ có một bàn duy nhất) để nhìn xuống đường trong cái giá
lạnh về đêm của thành phố sương mù.
Chiếm khoảng lớn
trên bức tường chú Tùng treo họa phẩm Người
đàn ghi-ta của Vị Ý. Bức tranh có mầu tối sẫn, người đàn guitar một mình
một bóng vươn dài rồi gãy gục. Đầu người và đầu phím đàn chúc xuống bục gỗ màu
nâu khô.
Trên vách bên
trái là bức Thiếu nữ xanh của Đinh
Cường, màu xanh nhung nhàn nhạt một lớp bụi thời gian. Ở gian trong là họa phẩm
của Cù Nguyễn, Thiếu nữ mơ màng một hạnh
phúc nào với chiếc bandeau màu hồng nhạt cột trên tóc... Hình như những bức
tranh muốn nói dù khách có phiêu bạt bất cứ nơi đâu, khi trở lại Đà Lạt vẫn
muôn đời là chốn cũ.
Nếu tinh ý, khi
bước vào Tùng có thể nhận ra ngay màu nâu chủ đạo của quán từ lớp simili bọc
nệm ghế ngồi, những mảnh gỗ ốp trên tường cho đến những bức tranh trang trí,
nước sơn tường đều đưa khách về màu nâu sẫm của cà phê rang chín.
Toàn cảnh gian ngoài cà phê Tùng
Nguyễn Đạt đã viết về Cafe Tùng: “Ông Tùng đã mất vài năm nay, trở thành người thiên cổ, như nhà văn
Nguyễn Tuân còn lại ở quán cà-phê Tùng câu chuyện về ly rượu mạnh, như hoạ sĩ
Vị Ý còn lại trên bức tường quán Người đàn ghi-ta mãi hoài cơn đam mê khắc
khoải. Người con của ông Tùng, Trần Đình Thông, đảm đương quán cà-phê Tùng tiếp
nối ông Tùng. Chúng tôi nghĩ tới những tên tuổi danh xưng như định mệnh: Tùng,
Thông ở nơi chốn ngàn thông..”.
Lần gần đây nhất tôi trở lại Đà Lạt vào năm 2009 để xây mộ
cho song thân. Cùng với một người bạn học cũ vẫn còn ‘tử thủ’ tại Đà Lạt, chúng
tôi ghé cà phê Tùng mong tìm lại những giây phút của thời mới chớm bước vào
tuổi thanh niên của ngày nào.
Cảnh vẫn như xưa nhưng người xưa còn lại chỉ có vợ chú Tùng.
Bà ngồi yên lặng một mình nơi góc cửa, mắt đăm đăm nhìn ra những người qua lại
ngoài đường. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt đó một nét buồn của hơn một nửa thế kỷ
còn đọng lại.
Bà Tùng với nét buồn sau hơn nửa thế kỷ
Một lúc sau, bà quay vào ngồi ở quầy tính tiền. Tôi biết, bà
đã quay về với thực tế đời thường của cơm áo, gạo tiền. Cũng là lẽ thường tình,
khách nhớ chủ quán chứ chủ cà phê làm sao nhớ hết khách vãng lai. Sau khi tự
giới thiệu là khách phương xa trở về Đà Lạt, bà Tùng như cởi mở tấm lòng đã từ
lâu chôn kín.
Nhìn những bức tranh trên tường bà kể lại sau 30/4/75 quán
phải ‘cất’ đi vì ‘tự’ thấy vị trí của những bức tranh đó không thích hợp trong
buổi giao thời. Nhưng rồi tranh cũng được treo lại đúng vị trí cũ. Lúc đó tôi
tự nhiên nghĩ đến quán cà phê Lâm ngoài Hà Nội với những bức tranh được vẽ bởi
các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng…
Hỏi thăm về chú Tùng bà cho biết ông qua đời sau vụ tai nạn
xe cộ ngoài đường, hỏi về ‘cái chú cao cao, đầu hói’ (là người phục vụ chính
của Tùng ngày xưa) bà nói chú ấy cũng đã ‘quy tiên’ rồi. Hóa ra, giờ thì chỉ
còn mình bà với cái tên cà phê Tùng đã đi vào lịch sử của Đà Lạt cùng với những
nhân vật một thời nổi danh của miền Nam .
Bà Tùng còn nhắc lại thời kỳ quán phát đạt ông Tùng còn mở một
quán cà phê thứ hai trên đường Phan Bội Châu, lấy tên là Domino. Cà phê Domino,
giá rẻ để phục vụ cho giới lao động chân tay còn cà phê Tùng, đắt hơn, dành cho
giới trí thức. Ông Tùng đã xã hội hóa
các quán cà phê của ông từ những năm 60, đi trước khái niệm xã hội hóa của thời đại này đến hơn một
nửa thế kỷ!
Tại cà phê Tùng ngày nào, Trịnh Công Sơn đã gặp Khánh Ly, Từ
Công Phụng và đám bạn của tôi trong ban nhạc trường Trần Hưng Đạo đã từng mài
đũng quần trên ghế cà phê Tùng. Thi sĩ Bùi Giáng cũng đã ngồi nơi đây. Có lẽ
ông nhìn bầu trời Đà Lạt âm u qua cửa kính cà phê Tùng để viết hai câu thơ lục
bát phá cách trên miếng giấy bạc của bao thuốc lá:
Quán
ngồi mỏi. Nắng chưa lên.
Chợt
vui tràn. Thấy còn nguyên sơ đầu.
Xin kết thúc bài viết về cà phê của Đà Lạt sương mù với câu
chuyện của một anh bạn thuộc loại ghiền cà phê có hạng. Anh bảo: “Uống rượu thì
say mới quậy, nhưng uống cà phê thì quậy rồi mới say!”.
Theo lý luận thường tình, tôi phản ứng: “Làm gì có chuyện
uống cà phê quậy rồi mới say?”.
Anh bạn thủng thẳng đáp: “Thì uống cà phê phải quậy cho tan
đường rồi mới uống chứ?!”
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người – Chương 3: Thời thanh niên)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
***
6 Comments on Multiply
nguoigiaonline
wrote on Oct 28, '10
Chẹp... đở ghiền rồi. Cafe Tùng tôi ghé mổi chiều đến khuya
khi có dịp lên đó, không phải vì hương vị mà vì không gian + nhạc hợp gout...
penseedl wrote on
Oct 29, '10, edited on Oct 29, '10
nguyenngocchinh
said “ở trọ tại 79 Võ Tánh, đây là
con đường có rất nhiều nhà trọ cho sinh viên, học sinh vì ở rất gần Viện Đại
học Đà Lạt, trường Bùi Thị Xuân và trường Bồ Đề.”
Hóa ra tác giả ở trọ gần trường của Pensée quá. Ngôi nhà số
77 là nhà cô giáo dạy Triết của Pensée ở BTX. Con gái lớn của café Tùng là bạn
học cùng lớp năm đệ tam với Pensée, nhưng sớm trở thành góa phụ khi chưa xong
tú tài I. Thời đó có nhiều ông bên THĐ chẳng biết "cúp-cua" hay đi
"cua-đào" mà cứ tới giờ tan học buổi trưa, ngồi đầy ở mấy quán café
dọc theo đường Võ Tánh, Hàm Nghi, với "những đôi mắt mang hình... cây
si", khiến đám nữ sinh Bồ Đề và BTX đi học về luống cuống quá chừng !. Có
lần thấy cả Đơn Dương cũng "tham gia" ở đó nữa. Đọc bài viết, nhớ lại
ngày ấy thật vui và đẹp ! Xin cảm ơn tác giả.
nguyenngocchinh
wrote on Oct 29, '10, edited on Oct 29, '10
penseedl said “Thời đó có nhiều ông bên THĐ
chẳng biết "cúp-cua" hay đi "cua-đào" mà cứ tới giờ tan học
buổi trưa, ngồi đầy ở mấy quán café dọc theo đường Võ Tánh, Hàm Nghi, với
"những đôi mắt mang hình... cây si", khiến đám nữ sinh Bồ Đề và BTX
đi học về luống cuống quá chừng !”
Đại diện số anh em bên THĐ, tôi xin gửi lời xin lỗi muộn
màng đến các cô BTX và BĐ vì đã làm các cô... "luống cuống quá
chừng". Nhanh thật, mới đó mà bây giờ đã lên đến chức ông bà nội ngoại
rồi!
andropause
wrote on Nov 16, '10
Em có ít hình ảnh Dalat 2010, anh Chính coi chơi cho vui.
http://andropause.multiply.com/photos/album/44
http://andropause.multiply.com/photos/album/44
andropause
wrote on Nov 16, '10, edited on Nov 16, '10
Thật tình cờ khi em cũng có một bài viết về cafe Tùng mà
trong đó cũng có nhắc một chút đến Cafe Lâm!
Tuy nhiên em không cảm nhận được như anh Chính! Sorry.
http://andropause.multiply.com/journal/item/179/179
Hồi Mậu Thân em cũng đang học lớp 2 ở Petit Lycee ! Chạy loạn quá xá cỡ !!!
Ba em trước đây đi lính ở Chiến Tranh Chính Trị và dạy ở Văn Học.
Tuy nhiên em không cảm nhận được như anh Chính! Sorry.
http://andropause.multiply.com/journal/item/179/179
Hồi Mậu Thân em cũng đang học lớp 2 ở Petit Lycee ! Chạy loạn quá xá cỡ !!!
Ba em trước đây đi lính ở Chiến Tranh Chính Trị và dạy ở Văn Học.
nguyenngocchinh
wrote on Nov 17, '10
andropause said
“http://andropause.multiply.com/journal/item/179/179”
Trong entry này, tôi thích nhất phần viết về Cafe Tùng. Vốn là người có khá nhiều kỷ niệm với Đà Lạt nên tôi chia sẻ với tác giả. Đối với những người lớn tuổi, Tùng và Đà Lạt gắn bó với nhau như hình với bóng. Có thể nói Cafe Tùng là chứng nhân lịch sử của Đà Lạt. Mong được đọc tiếp những dòng hồi ức của NNC về Đà Lạt...
Trả lờiXóaĐọc bài viết của bạn thật thú vị chờ xem tiếp những dòng hồi ức của bạn về Đà lạt .
Trả lờiXóaChào chú !
Trả lờiXóaCháu cũng là người miền bắc vào sống ở Đà Lạt sau năm 75, thời thơ ấu của cháu cũng ở Đà Lạt (hiện nay cháu đang sống và làm việc ở Sài Gòn) nên đọc bài của chú cháu rất xúc động, nhớ về một tuổi thơ yên bình, hạnh phúc bên cha mẹ, anh chị em.
Cháu cũng xin chia sẻ những khó khăn, bất công mà chú và những người chế độ cũ đã phải chịu trong những năm tháng sau chiến tranh. Mặc dù gia đình cháu là những cán bộ miền bắc vào miền nam công tác nhưng cuộc sống thời bấy giờ cũng khổ không kém, sau giờ làm bố mẹ cháu phải trồng rau, nuôi heo, bọn cháu thì đi mót gạo, bắp rơi vãi ở các kho lương thực ... Mãi đến sau năm 2000 khi bọn cháu lớn lên, đi làm thì cuộc sống mới dễ thở hơn.
Tình yêu của cháu với Đà Lạt ko bao giờ nguôi, cháu đã mua nhà ở Đà Lạt để sau này trở về sinh sống khi tuổi già.
Qua những bài viết cháu thấy chú là một người rất nghị lực, đã trãi qua rất nhiều biến cố nhưng chú vẫn đứng vững và đã có một cuộc sống viên mãn lúc tuổi già.
Cám ơn những bài viết của chú đã giúp cháu hiểu biết hơn, nhìn nhận ra được nhiều điều trong cuộc sống,nhớ lại một thời đáng để nhớ.
Chúc chú và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và ngày càng có nhiều bài viết hay cho đọc giả.
Cháu Hòang.
Cháu Hoàng,
Trả lờiXóaNhư chú vẫn thường nói, "Hồi Ức Một Đời Người" được viết để bạn bè chia sẻ và con cháu đọc để thấy được phần nào những khía cạnh cuộc sống của lớp cha ông... Thế hệ U-70 của chú và cả thế hệ trước đó đã chìm sâu trong chiến tranh dai dẳng nhưng chú tin rằng thế hệ của cháu sẽ có một "định mệnh" tốt đẹp và tươi sáng hơn những người đi trước...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaTẶNG ANH HÌNH BẠN XƯA NÈ, ANH CÓ NHẬN RA KHÔNG.NHƯNG SAO POST HÌNH MÃI MÀ CHƯA ĐƯỢC NEN ANH HÃY CHỜ NHÉ.
Trả lờiXóaE không đưa hình vào trang này được do vậy anh qua địa chỉ này xem hình anh nhé. http://www.facebook.com/ntk1305
Trả lờiXóaĐã xem 10 tấm hình. Thanks ntk.
Trả lờiXóak/g tác giả Ngọc Chính: tôi (cháu) là 1 người sinh ra ở HN, trong chế độ XHCN, sau 1975, xin phép không đề cập tới vấn đề chế độ, không đề cập tới vấn đề khoảng cách thế hệ. Với quan điểm của 1 người thích xê dịch, là 1 người học ở 1 trường khoa học tự nhiên ra, đang làm trong ngành Địa chất, xin phép có 1 số ý kiến, trao đổi, bình luận sau:
Trả lờiXóa1. Bài viết giống như 1 dạng ghi lại trải nghiệm, đánh giá, có tính đến delta chênh lệch giữa 1 thời kỳ, 2 thời điểm. Nó là bài viết của 1 người ưa du ngoạn, ưa thám hiểm, ưa trải nghiệm. Cái "hồn" người viết đã có trải nghiệm khiến cá nhân tôi (cháu) rất thích, cảm thấy có chút đồng cảm.
2. Tôi (cháu) và vợ đã chọn Đà lạt là nơi nghỉ trăng mật và thực hiện theo đúng tôn chỉ: đi để khám phá. 2 vợ chồng đã thuê xe, đi lòng vòng qua một số nơi của Đà Lạt, đặc biệt quan tâm tới một số địa điểm du lịch nổi danh. nhưng do thời gian hạn chế cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Mong sẽ có lần được trở lại Đà Lạt.
bác+chú ruột của tôi (cháu) đã từng làm việc tại ĐH ĐL sau năm 1978, chuyến đi trăng mật đã ghé qua ĐH ĐL, đã thỏa mãn 1 phần mong muốn được đến ĐH ĐL, cảm giác khác lắm trường ĐH Tổng hợp - ĐH Đông Dương. vừa gần gũi thiên nhiên, vừa có bàn tay nghệ thuật. Mong muốn khác là được đi tới Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN) để xem người Pháp xây dựng khuôn viên, phong cách kiến trúc...
3. sẽ có bình luận bổ sung vào các dịp phù hợp, mong tác giả có thêm bài viết nào đó về Đà Lạt.
trân trọng, chúc tác giả luôn mạnh khỏe.
Hình như anh nói hơi sai, nhà của gia đình anh Lộc là số 22 Võ Tánh Dalat, là khúc giữa của đường Võ Tánh, khá xa bờ hồ, nhà này phải nói là gần Lữ Quán Thanh Niên và trường Bồ Đề thì đúng hơn. Muốn đi xuống bờ hồ thì phải cuốc bộ vài cây số. Nhà tôi ở số 14 Võ Tánh và tôi cũng có quen biết với gia đình chị Bích Đào, anh Lộc, Lan...
Trả lờiXóaXin ghi nhận ý kiến của bạn. Theo như tôi còn nhớ, gia đình anh Lộc ở 22 Võ Tánh không xa đến nỗi... "phải cuốc bộ vài cây số", cùng lắm là khoảng 1 cây số thôi!
Xóa