Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Thành Rome trong mắt tôi

Người Phương Tây thường ví von: Rome wasn’t built in a day… Vậy thì Rome, thủ đô của nước Ý, được xây dựng từ khi nào? 

Theo lịch sử, Rome được hình thành vào giữa thế kỷ thứ 8 trước công nguyên. Tính đến nay đã có hơn 2.800 năm lập quốc và thành phố này được tôn vinh là Thành phố Vĩnh hằngRome còn được gọi là Thành phố của 7 ngọn đồi vì ngày xưa người ta xây dựng thị trấn này trên 7 quả đồi. Đúng ra thì con số 7 ngọn đồi chỉ là tượng trưng cho địa thế của Rome vì số đồi trên thực tế còn nhiều hơn thế. Có điều ngày nay người ta khó xác định được chỗ nào là đồi núi, chỗ nào là đồng bằng.

Rome lại còn có tên Thành phố của bảo tàng. Tại đây, ngoài những bảo tàng nghệ thuật, chính bản thân thành phố cũng là một bảo tàng khổng lồ của những giai đoạn lịch sử và kiến trúc từ thời Hi Lạp - La Mã. Cũng vì thế, nhà sử học Edward Gibbon với tác phẩm nổi tiếng History of the Decline and Fall of the Roman Empire đã dành một phần đời của mình để viết về Đế chế La Mã, tiền thân của nước Ý ngày nay.

Riêng đối với tôi, thưở còn đi học, tôi chỉ biết đại khái về nước Ý qua tác phẩm Bố Già (The Godfather) của Mario Puzo do Ngọc Thứ Lang dịch. Đến năm 1972, Bố Già được đưa lên màn ảnh qua diễn xuất của Marlon Brando trong vai Bố Già Don Vito Corleone.

Ấn tượng từ thời thanh niên của tôi về một nước Ý chỉ là nỗi ám ảnh “một thế giới ngầm Mafia”… Cho đến khi đặt chân lên nước Ý nói chung và Rome nói riêng, tôi vẫn còn giữ nguyên cảm nghĩ ban đầu. Cứ nhìn người Ý qua lại trước mặt tôi lại tự hỏi: Đâu biết chừng hắn ta là Mafia? Thế mới biết, ấn tượng ban đầu không dễ gì phai lạt.

Thưở còn đi học, xem phim La Mã là một trong những sở thích của tôi. Hầu như Sài Gòn chiếu phim nào thuộc loại giác đấu như Hercule, Spartacus, Ben Hur, Cleopatre… thế nào tôi cũng mò đến rạp. Khi đến Rome tôi vẫn giữ trong đầu óc những hình ảnh của các bạo chúa như Caesar, Nero ngồi dự khán những trận tử chiến của các võ sĩ giác đấu (gladiator).

Đến Rome, có lẽ việc đầu tiên là phải thăm Đấu trường La Mã (còn gọi là Colosseum) được xây dựng khoảng 10 năm sau Công Nguyên với sức chứa 50.000 người. Nơi đây, ngoài những trận giác đấu giữa những nô lệ với nhau còn có những trận tử chiến giữa gladiator và thú dữ. Số phận của kẻ thua được quyết định qua cái gật đầu của hoàng đế hay viên chức chủ tọa.

Bên ngoài đấu trường Colosseum

Qua các phim La Mã, người ta thấy trò giải trí bằng mạng sống của các nô lệ được các bạo chúa dùng làm thú tiêu khiển. Chẳng trách nào Đế chế La Mã sau thời kỳ hưng thịnh lại dễ dàng tiến đến giai đoạn sụp đổ vào năm 476. 
     
Colosseum là công trình vĩ đại nhất của thời La Mã cổ đại còn sót lại đến ngày nay. Nhìn từ bên ngoài, Đấu trường La Mã mang dáng dấp của một sân vận động với chiều cao gần 50m, có 80 cửa ra vào vây quanh một kiến trúc hình tròn, chu vi 545m. Người ta nói, để xây dựng kiến trúc này, người La Mã phải dùng đến 100.000m3 đá.

Sau nhiều biến động của thiên nhiên như động đất và biến động do lòng tham của con người qua việc lấy đá, Colosseum ngày nay chỉ còn sót lại một phần để hậu thế được chứng kiến một trong những kiểu mẫu kiến trúc La Mã.

Cửa vào Colosseum
  
Tôi nghĩ, người Ý làm du lịch một cách rất ‘bình dân’. Đây là kiểu làm gần giống với Việt Nam nhưng có phần... ‘cao cấp’ hơn một chút. Bên ngoài Colosseum có những người địa phương mặc trang phục lính La Mã, mang gươm và cờ xí, lăng xăng tìm khách du lịch để chụp hình kỷ niệm lấy thù lao.

Không biết những ‘người mẫu’ khác tính tiền công đứng chụp hình ra sao chứ riêng tôi có chọn một anh lính La Mã còn trẻ, khi hỏi tiền công, anh trả lời một cách dễ dãi: “Bao nhiêu cũng được!!!”. Tôi móc trong túi thấy còn 2 tờ 1 đôla nên đưa cho anh. Lính của Caesar cười hồn nhiên và Thank you rối rít trước khi chạy đi tìm khách mới!

Lại một lần nữa, tôi bị ám ảnh bởi ‘nền văn hóa Mafia’. Phải chăng lính La Mã hành nghề trước Colosseum cũng thuộc một tổ chức Mafia... ‘cò con’. Chắc không phải thế vì thời La Mã làm gì có Mafia!

Đã bị đâm mà còn phải trả tiền!

Rome là thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ như quảng trường, nhà thờ, tu viện, hoàng cung, miếu thờ thần, pháo đài cổ và điểm xuyết vào đó là những đài phun nước. Nổi tiếng nhất trong số hơn 30 công trình phun nước của Rome là Trevi Fountain. Đài phun nước này được xếp hạng là một trong những bồn hoa phun nước nổi tiếng nhất thế giới.

Trevi là một quần thể những bức tượng các nhân vật trong Kinh Thánh được xen lẫn bằng những vòi phun nước theo kiểu Baroque. Đại khái chỉ đơn giản như vậy! Ấy thế mà hàng triệu du khách đến Rome không thể bỏ qua Trevi. Tôi tự hỏi tại sao. Đẹp? Hẳn nhiên rồi. Hùng vĩ? Cũng đúng thôi. Theo tôi, lý do khiến Trevi hấp dẫn còn nằm ở những điều nhỏ nhặt, riêng tư của mỗi cá nhân thưởng ngoạn.

 Toàn cảnh Trevi Fountain

Riêng với tôi, Trevi gợi lại một thế giới mơ mộng của tuổi học trò. Giới ghiền xi-nê ở Sài Gòn vào cuối thập niên 60 chắc không thể nào quên những cuốn phim lấy bối cảnh thành Rome. Chẳng hạn như La Dolce Vita (1960) của đạo diễn Federico Fellini với các tài tử Anita Ekberg và Marcello Mastroianni. Cuốn phim này đã bị Tòa thánh Vatican cực lực phê phán và bị kiểm duyệt ‘không thương tiếc’ tại nhiều quốc gia vì nghệ thuật điện ảnh tả chân. 

Phim Vacance Romaine (Roman Holiday) kể lại chuyện tình lãng mạn của nàng công chúa Audrey Hepburn và chàng ký giả Gregory Peck. Họ đã rong ruổi khắp Rome trên chiếc Vespa và dĩ nhiên đạo diễn William Wyler không thể nào bỏ qua đài phun nước Trevi trong những cảnh quay về Rome.

Poster phim “Roman Holiday”
với Audrey Hepburn và Gregory Peck

Với tôi, Trevi đã tạo một ấn tượng đẹp từ thời xa xưa qua màn ảnh nhưng đến khi thấy được Trevi trên thực tế lại khác hẳn. Những thơ mộng, lãng mạn ngày xưa không còn nữa và thay vào đó là cảm giác về một địa điểm du lịch xô bồ. Xô bồ đến độ người hướng dẫn du lịch phải cảnh báo “Coi chừng móc túi!”, chẳng khác gì ở xứ ta. Ấn tượng về vùng đất của Mafia lại có dịp trở lại trong suy nghĩ của tôi.

Trevi Fountain

Ngoài việc ngắm nhìn quang cảnh đồ sộ của của công trình tượng và nước, du khách đến Trevi còn muốn được tự tay ném các đồng xu xuống nước để mong những điều ước thầm kín của mình sớm trở thành hiện thực. Trong phim Three Coins in the Fountain, 3 cô gái Mỹ đến Rome đều đạt được ước nguyện về hạnh phúc khi ném những đồng xu tại Trevi.

Người ta tin rằng nếu một người ném tới 2 đồng xu sẽ tìm được người tình mới, ném tới 3 đồng sẽ mang lại kết quả là một cuộc hôn nhân hay ly dị. Người ‘sáng tác’ ra loại ‘tin đồn’ này chắc phải là ‘chuyên gia tâm lý’ vì… được sống chung với nhau hoặc chia tay nhau đều là hạnh phúc của tình yêu theo từng giai đoạn cuộc đời.

Lại có người tin rằng ném một đồng xu xuống bồn phun nước Trevi sẽ… bảo đảm có ngày được trở lại Rome! Nếu ném tới 3 đồng từ bàn tay phải, qua vai trái sẽ còn may mắn gấp bội! Chẳng thế mà mỗi ngày ở Trevi người ta thu gom được số tiền trị giá lên đến vài nghìn đôla để tài trợ cho một siêu thị dành cho người nghèo tại Rome. Tuy nhiên, cũng có một số dân địa phương sinh sống bằng nghề ‘lượm bạc cắc’: họ kiên nhẫn vớt những đồng xu tại Trevi theo kiểu… tích tiểu thành đa!
     
Trevi Fountain lúc nào cũng đông nghẹt người

Như đã nói, Rome được xây dựng trên những ngọn đồi nhưng bình thường người ta không có cảm giác lên đồi, xuống dốc như ở San Francisco. Phải đến đồi Pincio mới có thể kiểm chứng địa thế núi đồi của Rome.

Trên đỉnh đồi là nhà thờ Trinita dei Monti của Pháp được xây dựng từ năm 1502. Đường lên nhà thờ là những bực thang cấp cầu kỳ, người ta gọi đây là Những bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps). Vì tò mò, tôi đã leo hết bậc thang để nhìn xuống toàn cảnh quảng trường có vòi phun nước dưới chân đồi.

Những cặp tình nhân thường đến đây, họ ngồi trên những bực thang cấp chỉ để nhìn những người qua lại dưới quảng trường, thỉnh thoảng có những chiếc xe song mã chở khách du lịch chạy qua. Tại nơi đây có một ngôi nhà màu hồng, đó là ngôi nhà kỷ niệm của hai nhà thơ nổi tiếng người Anh, John Keats và Percy Byssche Shelley.

Hằng năm cũng tại đây còn có một cuộc biểu diễn thời trang của các nhà tạo mẫu nổi tiếng thế giới kèm theo đó là một đội ngũ ‘chân dài’ cũng nổi tiếng không kém. Tôi thấy Piazza di Spagna thơ mộng hơn Trevi mà ngày xưa tôi đã từng ngưỡng mộ qua màn ảnh. 
 
Piazza di Spagna (Spanish Steps)

Rượu vang của Ý nổi tiếng với vai trò nước xuất khẩu rượu lớn nhất thế giới. Rome còn có một học viện đào tạo những chuyên viên thử rượu (wine taster). Khách du lịch cũng có thể dự một khóa học về rượu vang trong vòng 90 phút bao gồm một bữa ăn trên sân thượng của học viện. Tôi nghĩ, đây chỉ là một màn quảng cáo nhằm thu hút sự tò mò của những người rủng rỉnh đôla. 

Spaghetti có xuất xứ từ Ý và người Ý thường ăn mì với sốt cà chua, thịt bằm với vài loại gia vị như húng, dầu olive và cheese xay nhuyễn. Thật tình, ăn mì Tàu ở Chợ Lớn vẫn thấy ngon hơn, có lẽ đó là vấn đề khẩu vị của mỗi người.

Pizza là món đặc sản của Ý. Pizza chính gốc của Rome rất mỏng và rất dòn không như kiểu Mỹ. Cà phê của Ý cũng có hương vị khác với Starbucks. Phong cách phục vụ cũng khác: latte trong tiếng Ý chỉ có nghĩa là một ly sữa, bạn phải gọi caffe latte nếu muốn có cà phê trong sữa. Espresso doppio có nghĩa là ly đúp espresso trong khi espresso macchiato là cà phê sữa nóng. Cái tên cappuccino nổi tiếng khắp thế giới… nhưng ngoại trừ ở nước Ý. Người Ý không uống cappuccino vào bất cứ giờ nào trong ngày, họ chỉ uống vào buổi sáng!

Một tiệm Cafe Ý

Người Ý mỗi khi gặp nhau thường nói Ciao!, phát âm như chào trong tiếng Việt. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên về văn hóa nhưng cũng không kém phần thú vị. Lại có một bài hát phổ biến ở Ý nhưng cũng được nhiều người Việt Nam thuộc thế hệ xưa biết đến. Bài hát này đã xuất hiện trong phim Seven Hills of Rome do danh ca Mario Lanza trình bày vào cuối thập niên 50. Đó là bài Arrivederci Roma, được dịch sang tiếng Việt là Tạm biệt thành Rome để thay lời kết cho đoạn hồi ức này.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

*** 

2 Comments on Multiply

msscarlett wrote on Jan 25, '11
Bài viết hay lắm chú, gà mang dzìa chuồng để dành vì thích Ý &.......Godfather :DD

nguyenngocchinh wrote on Jan 25, '11
msscarlett said “Bài viết hay lém chú, gà mang dzìa chuồng để dành vì thích Ý &.......Godfather :DD
It's OK, msscarlett. Sẽ có bài viết về The Godfather.

3 nhận xét:

  1. Anh NNC có nhiều tư liệu sống thật hay. Giá mà tôi có được một phần trăm khả năng diễn đạt của anh thì tốt hơn nhiều:)

    Trả lờiXóa
  2. Lại thêm một lần du lịch thú vị cùng anh Chinh . Để em xem thử mấy cai film anh kể. Tuấn Anh.

    Trả lờiXóa
  3. Thanks Anna and Andro đã quá khen. Video clip của Andro trên trang FB của tôi rất thú vị vì kết hợp hình ảnh đen trắng (1953, năm làm phim Vacance Romaine) và hình màu của năm 2011.

    Trả lờiXóa

Popular posts