Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Liệu thế giới có thể.. chết vì Trung Quốc? (1)


“Dead by China” được viết bởi Peter W. Navarro, giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công cộng thuộc Đại học California, cùng với sự cộng tác của đồng nghiệp Greg Autry. Navarro là người đã được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bổ nhiệm phụ trách Ủy ban Thương mại Quốc gia trong nội các của ông.

Sách thuộc loại nghiên cứu – bình luận, dày 300 trang và được xuất bản ngày 15/5/2011 tại Hoa Kỳ. Thật ra, cuốn sách có tựa đề đầy đủ: “Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action” (Chết bởi Trung Quốc - Ðương đầu với con Rồng - Lời kêu gọi Hành Ðộng Toàn Cầu). Cuốn sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, và cộng thêm một bộ phim tài liệu, dựa vào cuốn sách cũng đã được trình chiếu.

Phần bản dịch tiếng Việt do Tiến sĩ Trần Diệu Chân dịch với tựa đề “Chết bởi Trung Quốc” và được giới thiệu lần đầu tiên tại Little Saigon, California, vào ngày 11/11/2012. Có rất nhiều bản dịch với tựa của cuốn sách mang tên khác nhau, chẳng hạn như “Chết dưới tay Trung Quốc”, “Chết vì Trung Quốc”… Chúng tôi dùng bản dịch của TS Chân để tham khảo.

“Dead by China” bản tiếng Anh

Trong “Lời nói đầu” giới thiệu cuốn sách, ông Đường Bách Kiều (Dang Baiqiao), Hiệu trưởng Đại học Dân Chủ, lãnh đạo phong trào sinh viên đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989, đã viết:

“Những năm cuối thập niên 80 (thế kỷ 20) là những năm mà Trung Quốc tràn đầy phấn kích và niềm hy vọng vì những tư tưởng mới của phương Tây như tự do cá nhân, kinh tế tư nhân đang lan tỏa mạnh mẽ và đầy sức sống, có tác dụng gột rửa vết nhơ do cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông gây ra.

Trong thời điểm tràn đầy niềm hy vọng, tôi đã cùng một số lãnh đạo sinh viên, học sinh kêu gọi cải cách chính trị, dùng tư duy mới của thế giới hiện đại để mang lại sự tôn nghiêm cho Trung Quốc. Tôi đã tổ chức diễn thuyết tại các trường học và quảng trường ở khắp nơi trên toàn quốc trong ngập tràn mong mỏi lãnh đạo tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc nghe theo chủ trương của chúng tôi.

Nhưng thảm kịch tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 với những cỗ xe tăng đã nghiền nát phong trào của chúng tôi, những hình ảnh khủng bố chiếu trên truyền hình là minh chứng cho thảm kịch này…

(hết trích)

Theo ông Đường Bách Kiều, cuốn sách viết về Trung Quốc sẽ giúp độc giả hiểu được  những sự thật khó tintrong việc lãnh đạo Bắc Kinh duy trì áp chế tàn bạo tiếng nói của người dân Trung Quốc. Mặt khác, họ vẫn tung ra khắp thế giới những sản phẩm nguy hiểm “chết người”.

Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã hủy hoại nền kinh tế Mỹ nói riêng Phương Tây nói chung. Ngoài ra, thông qua mạng lưới gián điệp được tổ chức tinh vi, Bắc Kinh đã đánh cắp những kỹ thuật chiến tranh tân tiến nhất của Ngũ Giác Đài (Lầu Năm Góc) để nhanh chóng tự trang bị cho họ nhằm thực hiện mộng “bá quyền”.

Bức ảnh một thanh niên đơn độc trước đoàn xe tăng trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989

“Dead by China” gồm 5 phần chính với 16 Chương, qua đó tác giả điểm lại một loạt các sự kiện, từ những chính sách thương mại – tiền tệ bị Trung Quốc lạm dụng, đến lao động nô lệ và các sản phẩm tiêu dùng đầu độc con người. Đó là những mối đe đọa rõ rệt đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu và hòa bình thế giới.

Ngay ở phần đầu sách, Navarro khẳng định “Cuốn sách không nhằm việc đả kích hay chỉ trích Bắc Kinh vì đó là sự thật… họ là sát thủ tàn độc nhất hành tinh”. Bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng, họ tung ra các sản phẩm “đầu độc hàng loạt” từ đồ chơi cho trẻ em đến những loại thực phẩm chúng ta… “đút vào mồm”.

“Trong khi đó, "thứ xảy ra ở Trung Quốc không ở lại Trung Quốc". Khi các nhà máy Trung Quốc tạo ra cơn lũ sản phẩm để chất lên giá các cửa hàng của Target và Walmart, các loại tro bụi ô nhiễm không khí cực kỳ độc hại của Trung Quốc cũng bay hơn 6.000 dặm theo các dòng khí đối lưu tầng trên khí quyển đến California, thả các chất thải độc hại xuống dọc đường đi.

“Ngày nay, phần lớn mưa acid ở Nhật và Hàn quốc là "Made in China", trong khi tỉ lệ ngày càng tăng các hạt bụi mịn phát hiện trong không khí các thành phố ở bờ biển phía Tây như Los Angeles cũng xuất phát từ các nhà máy của Trung Quốc….”

(hết trích)

Chúng tôi không Bán và Mua bất cứ thứ gì “Made in China”

Navarro phanh phui một sự thật “trần truồng” về xã hội Trung Quốc: “… Đảng Cộng sản cầm quyền cai trị không phải là một đảng "Cộng hòa Nhân dân" chân chính mà là một chế độ thần quyền thế tục. Trong khi Mác trở mình trong mồ và xác ướp Mao từ chiếc hòm pha lê của mình hướng cặp mắt đờ đẫn vào quảng trường Thiên An Môn, một bộ phận nhỏ dân số Trung Quốc trở nên giàu có cực kỳ dù cho một tỉ công dân Trung Quốc tiếp tục sống trong thế giới đói nghèo...”

Để dập tắt chống đối, đảng cầm quyền đã dựa vào công an và lực lượng bán quân sự với con số trên một triệu người. Mạng lưới theo dõi “kiểu Orwell” (*) cũng có khoảng 50.000 công an mạng. Các công an “thực” và “ảo” này không ngừng ngăn chặn và đàn áp những thế lực mà họ cho là “thù địch”.

“Ngay cả khi vô số cái chết dưới tay Trung Quốc diễn ra cả bên trong nước Cộng hòa Nhân dân này và ở những xưởng máy chết chóc trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà báo, và nhà chính trị Mỹ có quá ít để nói về nguy cơ lớn nhất, duy nhất đối mặt với nước Mỹ và thế giới.

“Trong lĩnh vực kinh doanh, một số công ty lớn nhất của Mỹ - từ Caterpillar và Cisco đến General Motors và Microsoft - đã hoàn toàn đồng lõa với chính sách "trước hết chia rẽ nước Mỹ và sau đó chinh phục nó" của Trung Quốc. Bi kịch ở đây là khi chủ nghĩa con buôn Trung Quốc bắt đầu tấn công ngành công nghiệp Mỹ vào cuối những năm 1990 - những ngành như đồ gỗ, dệt và may mặc - bắt đầu sụp đổ hết ngành này đến ngành khác…”.

(hết trích)

Đối với các dược phẩm, Trung Quốc cũng sản xuất cho thế giới đến 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, và 33% lượng tylenol. Các công ty dược Trung Quốc cũng đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần thế giới về kháng sinh, enzyme, các acid amin chính và vitamin tổng hợp.

Trung Quốc thậm chí đã thống lĩnh đến 90% thị phần thế giới về vitamin C, cùng lúc đó họ đang có vai trò áp đảo trong việc việc sản xuất các loại vitamin A, B12, và E, không kể nhiều loại nguyên liệu để sản xuất vitamin tổng hợp.

“Các số liệu thống kê này làm tất cả chúng ta lo lắng chỉ vì một lý do đơn giản: Một phần quá lớn các loại thuốc Trung Quốc đang tràn ngập các cửa hàng và siêu thị thuốc của chúng ta thực sự là chất độc. Đấy là lý do tại sao thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc luôn được xếp hàng đầu trong các loại phải kiểm tra khi nhập vào biên giới hoặc bị trả về bởi cả cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm của Mỹ lẫn Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu”.

Cho dù là do ngẫu nhiên hay cố tình, việc đầu tiên bạn cần biết cụ thể về cái Chết dưới tay Trung Quốc này là nó không phải dành riêng ai. Thật vậy, người Trung Quốc, dù là nông dân, ngư dân, nhà chế biến thực phẩm hay là người bán thuốc, đều có thể đầu độc chính người dân của họ y như họ đầu độc người Mỹ, người Châu Âu, người Nhật, người Hàn và tất cả những ai trên toàn thế giới dùng thực phẩm và thuốc của họ, trong đó có Việt Nam.

Để nếm thử chút ít vị “chua chát” trong câu nói trên, hãy tự đặt câu hỏi với đầu bếp Trung quốc: “Có gì trong chảo của anh thế?”. Câu trả lời là có tới 10% nhà hàng ở Trung Quốc sử dụng cái gọi là “dầu ăn bẩn" để nấu nướng.

“Dầu ăn bẩn là một hỗn hợp hôi hám của dầu đã qua sử dụng và chất thải thu được từ hố ga và cống rãnh từ các nhà bếp thương mại, chứa đầy nấm mốc độc aflatoxin gây ung thư gan. Những kẻ nhặt rác ở Trung Quốc lén lút bán thứ này cho nhiều nhà hàng với giá chỉ bằng một phần năm giá dầu đậu nành hay dầu lạc mới. Ngoài khả năng gây ung thư, cái hỗn hợp gồm dầu bị mốc với đủ loại thực phẩm bỏ đi này có thể là bản án tử hình bất ngờ cho bất kỳ ai bị dị ứng thực phẩm nặng”.

Câu chuyện “dầu ăn bẩn” này cho dù có thể làm chúng ta căm phẫn dù đã từng xảy ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với chuyện những kẻ giết người hàng loạt melamine thì nó… chưa là gì cả.

“Những kẻ sát nhân” mang tên melamine đã “hạ gục” nhiều nạn nhân ngay trên đất Trung Hoa và phần còn lại của thế giới. Bản thân melamine là một hóa chất “có giá trị” khi chúng không bị lén lút cho vào thực phẩm.

“Kết hợp melamine với formaldehyde để sản xuất nhựa melamine, bạn sẽ có được một chất dẻo có độ bền cao dùng chế tạo các sản phẩm như formica và các bảng viết bằng bút xóa. Trộn với một số hóa chất khác, bạn có thể dùng melamine như một chất chống cháy, phân bón, hay là “phụ gia siêu dẻo” dùng trong bê tông cường độ cao. Thế nhưng thêm melamine vào các sản phẩm như thức ăn gia súc, sữa, hoặc sữa cho trẻ sơ sinh thì không còn cách nào nhanh hơn để hủy hoại hai quả thận trong người”.

Thế tại sao những doanh nhân Trung Quốc lại thêm melamine vào thực phẩm? Đó là vì hàm lượng nitrogen cao trong melamine có thể “nhái” mức protein cao trong thực phẩm. Sự giả mạo protein “kiểu Trung Quốc” do đó có thể đánh lừa các nhân viên kiểm tra thực phẩm chứ chưa nói gì đến người tiêu thụ. Vì melamine rất rẻ so với protein thật, nên điều này có nghĩa là rất nhiều tiền sẽ vào túi kẻ “bất nhân”, bất kể nhiều người có thể thiệt mạng.

Thế giới lần đầu biết đến việc giả mạo protein của Trung Quốc vào năm 2007, khi hàng chục ngàn chó và mèo ở châu Âu, Mỹ và Nam Phi bị chết vì loạt thức ăn nhiễm melamine. Thế cho nên, các du khách Trung Hoa ra nước ngoài thay vì “ngoạn cảnh” lại dành thì giờ xếp hàng tại các siêu thị để mua sữa mang về nước. Họ mất tin tưởng vào sữa “nội địa”!

Trung Quốc thu giữ 72.000 tấn sữa nhiễm melamine

Người Phương Tây có câu “An apple a day, keeps the doctor away” (Mỗi ngày một trái táo, bác sĩ sẽ tránh xa). Một quả táo ở Trung Quốc lại khác, ăn táo “xuất khẩu” từ Trung Quốc sẽ khiến cho các bác sĩ chuyên khoa ung thư có việc làm… cả đời.

“Hơn 30 năm qua, các nhà xuất khẩu nước táo cô đặc Trung Quốc đã tăng từ 10.000 gallon lên đến gần nửa tỷ gallon mỗi năm; và ngày nay Trung Quốc chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường Mỹ. Điều chắc chắn là, giá của họ rẻ hơn giá của các nhà nông Mỹ. Nhưng có một lý do làm cho nó rẻ là vì các vườn cây Trung Quốc dùng rất nhiều các loại thuốc trừ sâu bất hợp pháp có chứa arsen để rồi thấm vào cây và cô đọng trong quả”.

Lai có một câu mà người ta hay nói “Mọi thứ trà đều là trà Tầu cả”. Đúng thế vì trà xuất xứ từ Trung Hoa từ ngàn xưa nhưng “trà Tầu” ngày nay được người Trung Quốc “chế biến” bằng cách phơi lá chè trên một cái sân kho rất rộng rồi dùng xe tải cán lên… “cho chóng khô”. Xe Trung Quốc dùng xăng pha chì nên không có cách nào hiệu quả hơn thế để biến lá chè thơm ngon trở thành một thứ vũ khí giết người!

“Câu chuyện thủy sản” Trung Quốc bắt đầu ở miền Đông Nam Hoa Kỳ, nơi mà trong những năm 90s việc nuôi cá da trơn miền Nam là một trong những câu chuyện thành công lớn của ngành thủy sản Mỹ. Thế rồi con rồng Châu Á bước vào.

Các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm lợi nhuận bằng mọi trò lừa đảo trong kinh doanh, và các cơ sở nuôi thủy sản của Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Thật vậy, bắt đầu vào những năm đầu của thế kỷ 21, dưới sự tấn công dữ dội của ngành xuất khẩu được trợ cấp của Trung Quốc, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản Hoa Kỳ ở các tiểu bang như Louisiana, Mississippi và Alabama đã thực sự hoàn toàn biến mất.

“Ngày nay, Trung Quốc là nhà cung cấp thủy sản nuôi số một thế giới và chiếm lĩnh các thị trường cá da trơn, cá rô phi, tôm, và lươn. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trồng thủy sản Trung Quốc cho chúng ta một hình ảnh thôn quê không yên bình và không hòa hợp với thiên nhiên. Hơn thế nữa, họ còn tạo ra một cơn ác mộng của sự bẩn thỉu kinh người như dưới địa ngục”.

Sự “bẩn thỉu” của các cơ sở thủy sản bắt đầu bằng sự kiện chỉ có dưới một nửa đất nước Trung Hoa là có cơ sở xử lý nước thải. Vậy thì, cái cách thức mà những thứ do người thải ra này - cùng với không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu, phân bón, bùn than, thuốc kháng sinh, thuốc nhuộm, và các chất gây ô nhiễm khác - tìm được đường đến bữa cơm tối ở nhà bạn. Đó là điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Nằm dọc sông Dương Tử, những thành phố lớn đang phát triển, chẳng hạn như Thành Đô và Trùng Khánh, đổ thẳng ra sông hàng tỷ tấn chất thải chưa qua xử lý từ người, động vật và cả chất thải công nghiệp. Đống độc hại này sau đấy lại có thêm thời gian để lên men và thối rữa khi dồn về hồ chứa đằng sau đập Tam Hiệp khổng lồ phía bên dưới Trùng Khánh.

Nuôi thủy sản tại Trung Quốc

Tin trên báo St. Louis Post-Dispatch: Bà Donnals đang ngồi trên hiên nhà bỗng nghe một tiếng nổ, kế theo sau là những tiếng la hoảng loạn. Quay nhìn con trai mình, Bryan, 6 tuổi, đang chạy về phía bà, quần áo trên người đang cháy, và ngọn lửa đang phun ra từ phía sau của ngôi nhà di động của gia đình Donnals.

Bryan đang chơi với chiếc xe địa hình ATV được chế tạo tại Trung Quốc … thì bất ngờ nó tăng tốc và lồng lên mất kiểm soát… Chiếc xe bốn bánh màu đỏ dung tích 110cc đã chút nữa đâm vào một bình khí propan trước khi đâm vào chiếc xe moóc và bốc cháy.

Chẳng có gì buồn cười về câu chuyện hãi hùng này. May thay, cậu bé Bryan đã sống sót sau khi bị phỏng nặng. Tuy nhiên, các bạn vẫn nên biết nhận xét hài hước hoàn toàn không cố ý của ông nội Bryan sau tai nạn bởi vì nó phản ánh tính dễ lãng quên hiện nay của quá nhiều khách hàng người Mỹ về mối đe dọa của “đồ rẻ tiền” Trung Quốc”.

Ông Tim Donnals, người đã mua chiếc xe cho đứa cháu đáng thương, nói: “Tôi đã không nghĩ rằng nó sẽ có thể nổ tung, nếu không tôi đã chẳng mua nó”. Quả thật như vậy. Từ nay trở đi bạn cần nhớ:

“Bất cứ khi nào bạn mua cái gì từ Trung Quốc, bạn phải lường trước về điều xấu nhất. Đó chính là vì các nhà sản xuất Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về đồ rẻ tiền có thể nổ tung vào ban đêm hay ban ngày, bốc cháy và vỡ tan, gây chấn thương và đau đớn”.

Nạn nhân của đồ chơi Trung Quốc

Kể cũng lạ. Việt Nam vì còn nghèo nên chuộng “của rẻ”… nhưng một nước giàu như Hoa Kỳ cũng lại bị rơi vào cái bẫy “rẻ tiền” của hàng Trung Quốc. Tác giả Navarro phân tích như sau:

“Sở dĩ gian thương Trung Quốc không quan tâm đến yếu tố an toàn cho người tiêu thụ và các nhà sản xuất Trung Quốc không sợ bị trừng phạt. Có bị kiện ra tòa họ cũng được nhà nước Bắc Kinh bao che và nhất là rất khó theo đuổi một vụ kiện đòi bồi thường tại Hoa Kỳ hay tại Trung Quốc. Ngoài ra, cán bộ kiểm phẩm an toàn của Trung Quốc đã bị mua từ trên cao xuống đến thấp. Đây là bộ máy tham ô và tồi bại nhất thế giới”.

(Còn tiếp)

***

Chú thích:

* Tiểu thuyết "1984" của George Orwell viết năm 1948 mô tả một chế độ mà mọi cử chỉ và suy nghĩ của công dân đều bị theo dõi qua một mạng lưới bao trùm khắp mọi nơi, từ phòng ngủ ra đến quảng trường. (Xem thêm bài viết “Từ tương lai trở về… hiện tại” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/04/tu-tuong-lai-tro-ve-hien-tai.html)

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Hậu World Cup 2018


Đây là bài viết cuối cùng về World Cup 2018. “Tàn dư” để lại sau một tháng (từ ngày 14/6 đến 15/7/2018) “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” (theo như cách nói thời thượng ở Việt Nam ngày nay)… là gì?

Về xã hội, một tháng bóng đá tại Việt Nam gây “thiệt hại kinh tế” từ “quy mô nhỏ”… đến “quy mô lớn”. Có những túi tiền bỗng dưng “lủng” vì phải chi đột xuất cho những ly cà phê “ngoài ý muốn” vì cá độ… Có những gia đình xào xáo, có những chiếc xe chạy thẳng vào tiệm cầm đồ rồi “sổ hồng, sổ đỏ” bị “giam cầm” chung số phận với “kèo trên”, “kèo dưới”.

Trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.com) đưa tin ngày 28/6/2018: “Chỉ vì trái bóng lăn mùa World Cup, không ít vụ án mạng như chồng giết vợ, nhảy cầu Chương Dương tự tử, đâm chủ nợ đã xảy ra...”. Khiếp thật!

Ở một quy mô lớn hơn, có tầm vóc “kinh tế vĩ mô”, con số thống kê (theo Zing.vn) thật khủng khiếp qua việc “Phá đường dây đánh bạc 2.000 tỷ mùa World Cup”. Tờ báo mạng đưa tin: “14 tổ công tác do Bộ Công An chủ trì đã đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp và triệu tập người liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc quy mô 2.000 tỷ đồng”.

Đợc biết, đó là đường dây M88, có tên miền www.m88xxx.com. Đây là trang cá độ, đánh bạc có máy chủ đặt tại Philippines với giao diện được thể hiện qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, dĩ nhiên là có cả tiếng Việt. Theo Zing.vn, muốn tham gia đánh bạc, người chơi phải tạo tài khoản trên hệ thống rồi nộp tiền vào tài khoản ngân hàng với tiền USD hoặc VND.

Con số 2.000 tỷ đồng thật quá “ấn tượng” trong hoàn cảnh “nợ ngập đầu” của cả nước. Tiền này ở đâu ra? Hỏi tức là đã có câu trả lời. Chúng từ két sắt của các “đại gia” và các “cậu ấm, cô chiêu”… nhưng cũng không loại trừ từ những “quỹ đen của các quan tham”. (Trước World Cup đã lâu có trường hợp một Thứ trưởng đã bỏ ra hơn một triệu USD để cá độ bóng đá!)


Mọi sự việc luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Xét về phương diện thuần túy thể thao, World Cup tại Nga năm 2018 là một thành công của nước chủ nhà. Đã không xảy ra điều mà những nhà tổ chức cũng như FIFA lo lắng nhất: khủng bố.

Sự kiện đáng nhớ nhất là màn “khủng bố trên sân cỏ” của khán giả trong trận Chung kết Pháp-Croatia vào phút thứ 52. Hai khán giả xuống sân cỏ nhưng đã bị nhân viên an ninh kịp thời “áp giải” ra khỏi sân.

Chí ít họ cũng làm nên “giây phút lịch sử World Cup” trước mắt hàng tỷ khán giả truyền hình thế giới khi trận đấu phải tạm ngưng trong vài phút. Nhiều người lại còn cười, cho rằng đây là lối “khủng bố dễ thương”, không gây hại cho một ai giữa lúc trận đấu căng thẳng.

Hình chụp cận cảnh trên sân vận động Luzhniki cho thấy người “xâm nhập” có thể là chính nhân viên trong ban tổ chức đứng vòng quanh sân (?). Người ta thấy cả bảng tên nhận diện an ninh và nụ cười “toe toét” của cô này. Thật hi hữu!

“Khủng bố” trên sân cỏ

Người ta cũng nhắc đến hai chữ “fair play” trong trận vòng bảng giữa Nhật Bản và Senegal. Hai đội hòa nhau 2-2 nhưng Nhật được “xử” thắng vì không bị thẻ vàng. Khán giả Nhật sau mỗi trận đấu đều ở lại khán đài của họ để dọn dẹp rác. Họ còn dọn cả nhà vệ sinh và trước khi ra về còn để lại “thông điệp” bằng tiếng Nga “Spaciba” với hàm ý “Cám ơn”. Fair play đến thế là cùng!

Khán giả Nhật nhặt rác sau trận đấu

Nhiều người hâm mộ túc cầu lại có những ý kiến trái ngược về các trận đấu. Một số cho rằng hấp dẫn nhất là các trận Vòng Bảng của 32 quốc gia. Qua đó, khán giả có một cái nhìn tổng quát về bóng đá thế giới, họ thích “coi giò, coi cẳng” của các cầu thủ đến từ các châu lục.

World Cup năm nay cũng đánh dấu hiện tượng “đi xuống” của các “cường quốc túc cầu” như Brasil, Argentina, Urugay đồng thời cũng “nổi lên” những đội như Croatia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ít người có thể ngờ được Croatia đã hạ Argentina 3-0 hay Hàn Quốc thắng Đức với tỷ số 2-0. Thế cho nên, năm nay nhiều “ông lớn” sách va-li về nước ngay sau Vòng Bảng. Thể thao là vậy!

32 quốc gia thi đấu trong Vòng bảng

Dĩ nhiên trận cầu cuối cùng là “đỉnh điểm” của World Cup và cũng là trận có giá vé đắt nhất. Pháp gặp Croatia với kết quả 4-2 nghiêng về đội “Les Blues” và các chú “Gà trống Gaulois” lần thứ 2 đăng quang World Cup. Thế là kể từ năm nay, trên áo của tuyển Pháp có hai ngôi sao trắng.

Kể cũng lạ, Nike đã “chơi bạo”, sản xuất loạt áo này trước khi có trận Chung kết. Điều gì sẽ xảy ra khi Croatia thắng? Quả thật đội “cà rốt” chơi có phần hay hơn đội “con gà” (?). Có lẽ Pháp thắng là “có điềm báo trước”… vì trước đó một ngày họ đã ăn mừng Quốc khánh “Cắt tóc thui dê” (14/7). Dù sao đi nữa xin chúc mừng… “Allez Les Blues!”.

Hai sao trên áo của “con gà”, số 10 Mbappe, ngay trong ngày đăng quang

Về tiến bộ kỹ thuật trong Giải Túc cầu Thế giới lần này là áp dụng lần đầu tiên kể từ khi có World Cup năm 1930 một trọng tài nữa nhưng không vào sân cỏ. Đó là “ông” VAR (Video Assistant Referee), một trợ lý trọng tài bằng màn hình để trọng tài chính trên sân kiểm tra lại sự chính xác trong quyết định của mình.

World Cup năm nay có tổng cộng 29 trường hợp phạt đền, con số này cao hơn 4 năm trước tại Brasil tới 16 quả. Trong 29 quyết định phạt đền, trọng tài đã nhờ đến VAR cả thẩy 11 lần. Nhụ vậy là “trọng tài VAR” đã chứng tỏ sự xuất hiện của mình, tuy không trực tiếp trên sân nhưng cũng rất quan trọng.

Có một số khán giả và cầu thủ lại không đồng ý với việc áp dụng công nghệ VAR. Họ cho rằng VAR làm mất đi tính cách “sinh động, hào hứng” của bóng đá vì những phút “thời gian chết” trên sân cỏ! Đúng là “5 người, 10 ý” nhưng có lẽ phần đông khán giả ủng hộ… “ông trọng tài người máy này”.

VAR – Trợ lý trọng tài theo dõi trận đấu nhưng không hề có mặt trên sân cỏ

Tuy nhiên, VAR vẫn bị “tai tiếng” trong trận Chung kết cuối cùng giữa Pháp và Croatia. Pháp thắng Croatia 4-2 nhưng ngay trong hiệp 1 ở phút thứ 33 khung thành của Croatia bị vây hãm. Ivab Perisic của Croatia đội đầu phá banh ra cuối sân, trọng tài Nestor Pitana (người Argentina) thổi quả phát bóng lên cho Croatia.

Người ủng hộ đội Pháp phản đối vì cho rằng bóng đã đụng tay Perisic. Sau khi nghe nhắc nhở của VAR qua earphone, trọng tài xem lại hình ảnh và thấy Perisic kẹp hai tay sát mình khi bóng trúng cánh tay anh. Ông Pitana đã thay đổi ý kiến ban đầu về một quả phát bóng cho Croatia, thay vào đó là quả phạt đền cho Pháp.

Đối với những người hiểu chuyện, trường hợp này lỗi không ở VAR mà chính là “lỗi nhận định” của cá nhân trọng tài Pitana! Nếu không có quả phạt đền “định mệnh” đó, cục diện trận đấu có thể thay đổi theo một chiều hướng khác. Biết đâu chừng Croatia lại đem Cúp Vàng về cho đất nước đã từng bị chiến tranh tàn phá!

Trọng tài dừng trận đấu để tham khảo hình ảnh của VAR

Cuối cùng phải dành ít dòng cho đội bóng “cà rốt” với màu áo mang biểu tượng “cravate carô màu đỏ-trắng”. Rất ít người biết chiếc cà-vạt mà chúng ta dùng ngày nay có xuất xứ từ Croatia từ thế kỷ thứ 17.

Hồi đó, những chàng trai Croatia được các cô gái tặng chiếc khăn quấn cổ hình ca-rô đỏ trước khi ra trận. Chiếc khăn sau này trở thành khăn quàng cổ cho các hiệp sỹ Châu âu và người ta gọi nó là “Khăn Hrvat” hay là “Khăn Croate”. Người Pháp có thành ngữ "à la Croate" được đổi thành "la cravate" của giới quý tộc ngay từ đầu thế kỷ thứ 18.

Người Croatia tự hào về chiếc khăn này của họ, năm 2008, nhà nước đã chính thức lấy ngày 18/10 là "Ngày Cravate". Bóng đá Nam Tư thời Tito đã là một thách thức cho bất cứ “cường quốc bóng đá” nào. Các câu lạc bộ "Sao đỏ Belgrad", "Hajduk Split" hay "Dynamo Zagreb" đã từng tung hoành ở châu Âu.

Đội tuyển quốc gia Croatia tại World Cup 2018

Tại World Cup 2018, Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic của Croatia đã để lại ấn tượng đậm nét khi mặc áo truyền thống của đội tuyển và cỗ vũ rất nhiệt tình cho đội nhà trên khán đài cùng các cổ động viên.

Có người lại nhận xét: Croatia ra sân với 12 chứ không phải 11 cầu thủ. Cầu thủ thứ 12 này mang tên Kolinda Grabar-Kitarovic và bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong thể thao.

Tổng thống Croatia: cầu thủ thứ 12

Riêng đội tuyển Croatia đã có một nghĩa cử cao đẹp khi dành hết số tiền thưởng cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại nước nhà. Số tiền họ nhận được là 28 triệu USD, cộng thêm 1,5 triệu USD tiền hỗ trợ chi phí chuẩn bị do FIFA cấp trước giải đấu.

Sau khi trận Chung kết thúc, hình ảnh hai Tổng thống Croatia và Pháp trong buổi lễ trao Cúp trong cơn mưa tầm tã đã trở thành một kỷ niệm đẹp được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Một số người thậm chí còn khẳng định: Người chiến thắng trong trận đấu giữa Pháp và Croatia chính là Tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic. Một chiến thắng không cần tỷ số hay Cúp vàng.

Chiến thắng đó chính là việc giành trọn trái tim của người hâm mộ túc cầu trên khắp thế giới, không chỉ trên cương vị lãnh đạo một quốc gia mà còn là hình ảnh của một người yêu bóng đá với tinh thần thể thao thật sự.

Hai vị Tổng thống Pháp & Croatia, Emmanuel Macron & Kolinda Grabar-Kitarovic, trong cơn mưa tầm tã tại buổi lễ trao giải World Cup 2018

***

Hẹn gặp lại các bạn tại World Cup kỳ thứ 22… tại Qatar, năm 2022.

***

--> Read more..

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Ký giả Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh trận chung kết World Cup 2018


* Kính tặng hương hồn ký giả thể thao Huyền Vũ, người bình luận túc cầu “không thể nào thay thế” của mọi thời đại.

***

Ký giả Huyền Vũ (1914-2005)

Nhạc hiệu quen thuộc của buổi trực tiếp truyền thanh đã nổi lên. Một lần nữa, khán giả lại được nghe giọng nói của Huyền Vũ từ bên kia thế giới vọng về qua làn sóng điện. Giọng ông vẫn không có gì thay đổi sau cuộc hành trình từ giã cõi đời ngày 24/8/2005 tại Virginia, Hoa Kỳ. Khi đó, ông đã 90 tuổi và, nếu bây giờ còn sống, ông đã ngoài trăm tuổi với gần 25 năm trong nghề tường thuật túc cầu.

Việc Huyền Vũ có mặt tại thủ đô nước Nga trong mùa World Cup này quả là một chuyện đầy bí ẩn, chỉ xảy ra trong mơ… nhưng giọng nói của ông vẫn oang oang trên sân vận động Luzhniki tại thủ đô Mạc Tư Khoa. Vẫn biết nghề của ông là ký giả thể thao nhưng làm sao ông đến được nơi đây khi âm dương cách biệt để tường thuật trận chung kết giữ Pháp và Croatia?

Có người nói, Huyền Vũ là “người không thể thay thế” trong vai trò phóng viên tường thuật túc cầu trên làn sóng điện ở Sài Gòn năm xưa. Đó là thời kỳ chưa có TV và người ta chỉ có chiếc radio “một đèn” và tiếp theo tiếp theo đó là radio transistor. Chúng ta hãy trở về thời kỳ đó và tưởng tượng Huyền Vũ trước máy ghi âm để tường thuật cho mọi khán giả Miền Nam qua đài phát thanh Sài Gòn… Và, Huyền Vũ cất tiếng nói khởi đầu buổi tường thuật World Cup 2018:

“Huyền Vũ xin kính chào quý vị thính giả. Điều đầu tiên chúng tôi phải nhắc lại trước khi trận cầu bắt đầu là radio transistor của quý vị mang theo chỉ mở vừa đủ nghe để không gây trở ngại cho việc trực tiếp truyền thanh.”

Đó cũng là điều dễ hiểu. Nếu mở radio quá lớn trong sân vận động sẽ tạo nên tiếng vang (echo) mỗi khi ông nói trực tiếp vào máy vi âm. Khi đó, khán giả nghe radio tại nhà sẽ phải nghe tới hai lần: giọng nói trực tiếp của ông và theo sau đó là tiếng vọng lại qua radio trên sân cỏ.


Sân vận động Luzhniki trong trận chung kết Pháp gặp Croatia hôm nay được bắt đầu bằng lễ bế mạc với những màn ca múa nhạc của những người Nga thật đặc sắc. Công nghệ mới giúp các diễn viên tạo thành hình những màn ảnh đa sắc màu, thay đổi đến chóng mặt nhưng cũng thật đặc sắc.

22 cầu thủ tiến ra sân cỏ để trình diện khán giả, họ có dắt thêm 22 cầu thủ “nhí” đi cùng. Huyền Vũ nhận thấy trong số các em có một cậu bé da vàng, đeo kính cận và, theo ông, đó là một bé trai người Việt (?). Ông tường thuật tiếp:

“Sân cỏ rực một sắc màu xanh-đỏ-trắng của “màu cờ sắc áo” hai đội bóng. Cờ “tam tài” và cờ carô đỏ-trắng biến sân Luzhniki thành một bức tranh đầy màu sắc trên các khán đài…

“… Và trận đấu then chốt rồi cũng đến sau màn chào cờ hai nước Pháp và Croatia. Bản quốc ca “La Marseillaise” của Pháp với những nét nhạc hùng dũng cất lên và tiếp sau là quốc ca Croatia, “Lijepa naša domovino”, có phần trầm buồn như hoàn cảnh chiến tranh tương tàn của nước này trên một phần lãnh thổ Nam Tư cũ sau thế chiến thứ hai”.

(hết trích)

Sau những tiếng đếm ngược từ 10 đến 1, trái bóng lăn trên sân cỏ để bắt đầu cuộc tranh tài. Croatia ra quân với “hừng hực khí thế” của một đội bóng trẻ trong khi Pháp “già dặn hơn” nhưng lại có phần yếu thế hơn trong chiến thuật “rình sơ hở của đối phương”. Hai đội hầu như không phải thăm dò vì đã hiểu nhau quá rõ. Tỷ số được mở khi trận đấu diễn ra chưa đầy 20 phút. Giọng của Huyền Vũ theo sát từng đường banh:

“Sau nhiều đợt tấn công bão táp của Croatia nhưng chưa thể ghi bàn, các chú Gà Trống phản công trước cầu môn… Từ một quả đá phạt của đội Pháp, bóng được câu vào trước khung thành, người ta thấy hai ba cái đầu cùng nhảy lên đón…

Thật bất ngờ, tiền đạo Mandzukíc của Croatia đội đầu phá bóng… nhưng quả da lại không dội về phía trước… mà lại trượt về phía sau khiến thủ môn Subasic không kịp phản ứng… Màng lưới của Croatia đã không còn trinh bạch với cú đánh đầu về lưới nhà… Bây giờ mới chỉ là phút thứ 18…”   

(hết trích)


Bị dẫn trước nhưng Croatia vẫn không hề nao núng. Chỉ 10 phút sau đó họ có ngay bàn gỡ hòa khi bóng đến chân của tiền vệ Perisic và anh khéo léo ngoặt bóng lừa hàng thủ của Pháp rồi tung cú sút tréo góc để hạ gục thủ môn Lloris của Pháp. Tiếng Huyền Vũ vang lên trong máy thu thanh:

“Tiền vệ số 4 [Perisic] làm người ta nhớ đến truyện “Bồn Lừa” của Duyên Anh với tài lừa bóng và cú “ngả bàn đèn” điệu nghệ. Cầu trường một lần nữa lại bị khấy động vì cú dứt “thần sầu, quỷ khóc” của cầu thủ Croatia trong bàn gỡ huề. Cả hai đội lại tiếp tục trận đấu tại vạch vôi giữa sân…”


Đội Pháp lại vượt lên dẫn 2-1 vào phút thứ 34 với quả phạt đền của Griezmann khi hậu vệ Croatia để bóng chạm tay trong vùng cấm địa. Trọng tài quyết định tạm ngưng trận đấu để tham khảo những hình ảnh của VAR (video assistant referee). Công nghệ VAR, còn được gọi là biện pháp phán xét theo sự trợ giúp của video, được FIFA chính thức áp dụng tại World Cup 2018. Huyền Vũ bình luận:

“VAR giúp các trọng tài quyết định chính xác hơn khi những pha gay cấn được chiếu chậm trên máy vi tính. VAR giúp cho trọng tài có quyết định cuối cùng khi cầu thủ Croatia đã để bóng chạm tay trước khi phá bóng ra vạch vôi cuối sân. Tuy nhiên, VAR cũng làm giảm đi sự hào hứng của khán giả cũng như cầu thủ khi phải chờ đợi quyết định cuối cùng của trọng tài…”


Tỷ số 2-1 được giữ cho đến hết hiệp 1. Đa số người hâm mộ trên sân đều công nhận Croatia chơi hay hơn Pháp trong suốt 45 phút đầu. “Les Blues” ghi 2 trái trong khi đó chỉ có một cú ghi bàn còn trái kia là do Croatia “biếu không” cho Pháp. Thể thao là vậy, đội chơi hay chưa chắc là đội thắng chung cuộc!

Hiệp 2 vẫn hừng hực khí thế của cả hai đội. Pháp với thể lực sung mãn còn Croatia đã bị “bào mòn” qua 3 trận đấu trước đó, trận nào cũng phải đá thêm hiệp phụ! Phút thứ 52 có hai khán giả tìm cách chạy xuống sân cỏ nhưng đã bị nhân viên an ninh kịp thời “áp giải” ra khỏi sân. Đó là “lối chơi trội” vẫn thường thấy ở những thanh niên trong những trận banh có nhiều người xem.

Phút 60 và 65, từ những cú sút xa “thần tốc” của Mbappe và Pogba đã nâng tỷ số lên 4-1 cho đội tuyển Pháp. Tưởng chừng như cách biệt 3 bàn sẽ khiến đội Croatia mất đi nhuệ khí. Nhưng không, Huyền Vũ tường thuật với tất cả sự say mê của một “ký giả lão làng” về thể thao:

“Croatia vẫn thi đấu với một tinh thần thể thao tuyệt vời. Và ở phút thứ 68, Croatia đã có một bàn thắng “trời cho” khi thủ môn Lloris giữ bóng trong chân, anh vụng về “lừa” Mandzukic. Lừa bóng không phải là sở trường của các thủ môn nên “chỉ trong một phút phù du”, Mandzukic đã lấy được bóng và dùng chân trái đẩy nhẹ vào khung thành của Pháp, rút ngắn tỷ số còn 4-2!”

Mandzukic đã “lập công chuộc tội” khi anh đội đầu ngược về khung thành đội nhà ở phút thứ 18 đầu trận. Tuy nhiên, tỷ số 4-2 được giữ cho đến khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu vô địch World Cup 2018. Chiếc Cúp vàng đã về tay đội tuyển Pháp lần thứ hai, sau 20 năm chờ đợi!

Cổ động viên Croatia

Có người ví trận túc cầu Pháp-Croatia như một cuộc “thư hùng giữa David và Goliath”. Có khác chăng là chàng David nhỏ bé với hơn 4 triệu dân không thắng được người khổng lồ Goliath vốn mang biệt danh “Gà Trống Gaulois”. Dù sao đi nữa, Croatia đã chiến đấu ngang ngửa với Pháp trên sân cỏ trong một tinh thần thể thao tuyệt vời!

Một cách ăn mừng chiến thắng của người Pháp:
treo cờ "Tam Tài" với 3 màu xanh-trắng-đỏ trước cổng nhà!

Hình ảnh đáng nhớ là hai vị Tổng thống Pháp và Croatia thắm thiết bên nhau trên khán đài và trong buổi lễ trao cúp. Cả hai người, ông Emmanuel Macron (Pháp) và bà Kolinda Grabar-Kitarovic (Croatia), đều là những nguyên thủ quốc gia trẻ, họ đã trở thành một biểu tượng tuyệt vời của thể thao và chính trị. Đối đầu trên sân cỏ nhưng cũng là bạn bè trên chính trường.     

Ông Emmanuel Macron (Pháp) và bà Kolinda Grabar-Kitarovic (Croatia) đội mưa trong lễ trao giải

Tổng thống Croatia, Kolinda Grabar-Kitarovic

Tổng thống Emmanuel Macron ăn mừng  

***

--> Read more..

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Nhân World Cup đọc truyện “Bồn Lừa” của Duyên Anh

Tiếng “máy phóng thanh” trên “cầu trường” oang oang giữa những ồn ào của khán giả: “Mười phút nữa, hội tuyển Thiếu-niên Sài-gòn sẽ gặp hội tuyển Ba-tây”.

Tiếng ồn trên sân vận động bỗng lắng xuống để nghe giới thiệu tiểu sử và thành tích của 11 “hảo thủ” đến từ vùng đất Nam Mỹ, nơi được coi là “cái nôi của túc cầu”. Đó là Ba Tây, tên gọi của đất nước Brazil được đại diện bởi Pelé trong bộ quần áo thi đấu áo xanh lam sọc trắng và quần mầu tím sậm. Nhà văn Duyên Anh mô tả các cầu thủ Brazil:

- Người nào đen thì như tây đen. Phần đông, họ có nước da cháy nắng, trông to con và khoẻ mạnh vô cùng. Vài khán giả sành điệu, chỉ trỏ anh cầu thủ Ba-tây đen cao kều, la hét: Pelé, Pelé !

Ông vua phá lưới Pelé toét miệng cười. Răng anh chàng trắng ởn, môi đỏ tựa thoa son. Khán giả bàn tán:

- Pelé mà sút, sức mấy thằng Rạng em bắt nổi.

- Hai lần vô địch bóng tròn quốc tế nó đá với mình chắc giống mèo vờn chuột quá à...

- Đi coi chân cẳng Ba-tây chứ tin gì hội nhà...


(hết trích)

Cầu thủ Ba Tây chạy ra giữa sân chào khán giả, họ tạo thành một vòng tròn để biểu diễn “tặng” khán giả Việt Nam. Khi bóng đến chân “vua phá lưới” Pelé thì trái bóng đã dính chặt trên mu bàn chân, ngoan ngoãn… “y hệt một hòn đất nằm im trên lưỡi cuốc”. Pelé giơ chân lên cao, trái banh vẫn dính chặt trong chân. Rất điệu nghệ, anh hất nhẹ ngang tầm đầu rồi “đánh một cú tết” [đội đầu] để chuyền sang cho Vava. Cầu thủ này nghiêng đầu để giữ trái bóng trên vai, chạy vài bước rồi thẳng đầu để bóng rơi xuống chân…

Khán giả sững sờ rồi vỗ tay, hò reo không ngớt. Có người bật thốt: “Trời đất, cầu thủ Ba Tây điệu nghệ quá”. Có người lại than thở: “Nhà nghề như vậy thì đội Thiếu niên Sài Gòn chơi sao cho lại”. Một người khác phụ họa: “Chắc phải đem cả cần xé đựng banh mất thôi!”.

Từ dưới hầm vận động trường, đội bóng Thiếu niên Sài Gòn cũng chui lên, chạy ra sân cỏ giữ tiếng hoan hô, cổ võ của khán giả. Mười một “con cưng” của nền túc cầu Việt Nam ngoài cái tên thật còn được mang những cái tên của lớp cầu thủ đàn anh đi kèm với chữ “em” để tiếp nối truyền thống của túc cầu Sài Gòn.

Trấn giữ khung thành có Chương “còm” tức “Rạng em”, hữu vệ Hưng “mập” mang tên “Lắm em”, tả vệ Tư “chăn vịt” tức “Có em”, trung ứng Sơn “trán cao” còn được gọi là “Tam Lang em”, hữu ứng Tí “điên” tức “Hiền em”, tả ứng Bảo “méo mồm” tức “Thanh em”, trung phong Bồn “lừa” tức “Vinh em”, hữu nội Tiến “gầy” tức Ngôn em, tả nội Quyên “Tân Định” tức Thuận em, hữu biên Dzũng “Đa Kao” tức “Dậu em”, tả biên nhóc con Hùng tức “Ngầu em”.

Nhưng tại sao lại có tên Bồn đi kèm chữ “lừa”? Lừa ở đây không phải là con lừa, cũng không phải là lừa đảo. Trong thể thao, “lừa” tức là lừa banh bằng những động tác kỹ thuật khéo léo của các cầu thủ trên sân cỏ.

Những cái tên đó đều mang biệt hiệu của “thần tượng túc cầu Việt Nam” với hy vọng sẽ ra sân như những ngôi sao mới trên sân cỏ Sài Gòn. Đây là trận banh quốc tế đầu tiên của “hội tuyển nhí” và khán giả không mong sẽ thắng được Ba Tây, những “bậc thầy” của “túc cầu giáo”. Nói theo ngôn từ thời nay chỉ là “cọ xát để rút kinh nghiệm trong thi đấu”. Nếu thủ hòa với đội của Pelé là “may” và “hay” lắm rồi!

Cầu thủ thiếu niên Việt Nam ra sân với màu áo xanh da trời, quần trắng. Được đá mở màn trên sân đã là một “vinh dự” đối với các em nhưng gặp đội “sừng sỏ” là Brazil có lẽ là một điều quá sức, khó có thể “vượt qua chính mình”. Duyên Anh viết:

“Tổng-cuộc và Ban Tổ-chức đã đồng ý chọn hội tuyển Thiếu-niên đá trận đầu với Ba-tây. Khán giả cũng như báo chí đều phản đối sự sắp xếp vụng về này. Đưa thiếu niên chọi nhà nghề có khác gì đưa bầy nai thả vào chuồng cọp. Nhìn mười một cầu thủ nhỏ thó của hội nhà, khán giả bỗng thương hại...”

Thế nhưng, mọi chuyện đã được Tổng cục Túc cầu quyết định và vé đã được bán. Có lẽ khán giả đến kín sân cỏ là để coi trận mở màn “lót đường” cho trận chính. Sau những thủ tục thông thường của một trận cầu quốc tế như chào khán giả, trao cờ kỷ niệm, chụp ảnh, chọn sân, hai đội bóng đã dàn quân. Trận giao hữu mở màn giữa thiếu niên Sài Gòn và đội tuyển Ba Tây diễn ra qua ngòi bút của Duyên Anh:

“Cầu trường im lặng đến ngạt thở. Ba-tây giao ban trước, Pelé hất nhẹ cho Vava. Anh này mang ban lên chuyền cho Garrincha. Garrincha đem sâu xuống nữa, qua mặt Tiến gầy, bắn vào giữa. Tiến gầy chưa tới kịp, Sơn trán cao đã phá ban lên. Bảo méo mồm nhận được ban, mớm nhẹ cho Bồn lừa. Khán giả cổ võ :

- Bồn lừa, Bồn lừa, Bồn lừa...

Bồn lừa, hai tiếng rời nhau và đệm bằng nhịp vỗ tay nghe dõng dạc như hồi trống thúc quân. Bồn lừa giơ tay lên trời, tỏ ý bảo khán giả "biết rồi cứ yên tâm, tôi sẽ làm tụi Ba-tây lác mắt". Nó giữ bóng chập chờn như thể chiếc lá xoay trong cơn lốc nhỏ. Nó đợi đối thủ tới gần mới biều diễn.. lừa lọc. Bồn lừa thường làm chậm trễ đường ban và mất cơ hội làm bàn vì nó thích thêu dệt bay bướm. Nhưng khán giả giận nó mà vẫn khoái nó. Bởi thế, nó mang cái tên Bồn lừa. Bồn lừa len lỏi rất tài tình. Nó qua mặt những ông vua lừa Ba-tây, dẫn bóng xuống tận cấm địa của đối phương, Cầu trường giục nó :

- Sút đi!

- Sút đi Bồn lừa!

Nó không thèm sút vội, thêu dệt thêm vài đường. Và bị đối phương phá bóng. Khán giả yêu nó "ồ " dài thất vọng. Tiếng "ồ" vang hơn sấm sét, Có người yêu quá hóa tức nguyền rủa nó:

- Đồ con khỉ, Bồn lừa!


(hết trích)

Brazil bắt đầu “lấn sân” Sài Gòn. Pelé được bóng, đơn thương độc mã, dẫn lên. Viên huyền châu của vòm trời túc cầu Mỹ châu La Tinh đã làm sáng rực sân Cộng Hòa. Bóng qua vạch vôi trắng giữa sân, sang đất đội Thiếu niên, Pelé nhử Quyên “Tân Định”, giỡn Bảo “méo mồm”, đùa Sơn “trán cao”. Rồi sút tà tà cho Garrincha.

Hữu biên thần sầu của Ba Tây đem bóng sâu xuống, sâu xuống nữa. Hưng “mập” ra cản, Garrincha chuyền bóng cho Pelé. Anh này chặn bóng lại. Đụng Tí “điên”, viên huyền châu quạt chân trái. Quả bóng xé không khí vô thẳng khung thành của hội Thiếu-niên.

Hàng chục ngàn trái tim nín thở. Rồi nở căng để sung sướng tột độ khi nhìn rõ trái sút nghìn cân của Pelé đã nằm gọn trong đôi tay nhựa của “Rạng em” Chương “còm”. Cả triệu dân nghiền quả bóng tròn Sài Gòn được nghe tiếng thét đầy cảm xúc của phái viên thể thao Huyền Vũ trên làn sóng điện. Thủ môn Chương còm nhồi bóng, đá lên cao. Tiến gầy chặn bóng, hất nhẹ cho Dzũng Đakao. Khán giả vỗ tay làm nhịp :

- Dzũng Đakao, Dzũng Đakao...

Dzũng Đakao hứng chí "mơ nê" [dẫn banh] thật bay bướm. Bất thần, nó tạt vào khoảng trống giữa sân. Bồn lừa, như một mũi tên, phóng tới.

- Bồn lừa, Bồn lừa...

- Đừng lừa nữa, Vinh “em” !

- "Dô" liền nghe !

Bao nhiêu lời gửi gấm Bồn lừa. Gã cầu thủ tuyệt luân của nền bóng tròn Việt-nam thực sự đang là một ông vua, một thần tượng trên sân cỏ. Lúc này, không ai nghĩ tới Thủ tướng hay Tổng thống cả. Chỉ biết có mười một “con gà nòi”, mười một anh hùng đương cầm chân cả thế giới bóng tròn, đương làm vô địch Mỹ châu điêu đứng.

Bồn lừa phóng qua trái banh rồi chạy lại ngay. Đó là cái "giơ" [jeu] đặc biệt của nó. Tuy đường banh có bị chậm nhưng nó đã làm đẹp mắt khán giả và trêu tức đối phương. Banh đang ở dưới chân Bồn “lừa”, nó giáo giác nhìn hai bên. Rồi, thay vì lừa banh, nó lại mớm nhẹ cho Tiến “gầy”.

Hữu nội “chân ống xì đồng” trả ban cho Bồn lừa. Thằng Vinh “em” dẫn banh sâu xuống thêm, qua mặt trung ứng Ba Tây. Nó tạt sang bên trái cho Dzũng Đakao. Dzũng Đakao chạy nhanh. Nó "ngả bàn đèn" một cú tuyệt diệu. Trái banh như một đường rót vào giữa. Bồn “lừa” đón đúng lúc, nó tung người, đá vớt. Trái ban trúng trụ thành Ba-tây, dội ra, Sơn “trán cao” sút trái thứ hai. Trái banh lại trúng sà ngang.

Sóng gíó kinh hồn diễn ra ở vùng cấm địa Ba Tây. Pelé phải chạy về giải cứu. Thủ môn Ba Tây rối loạn. Khán giả cổ võ như sấm sét trên sân. Không một người nào ngồi cả. Tường thuật viên Huyền Vũ bộc lộ niềm sung sướng bằng cả trái tìm mình trên đài phát thanh:

"Thưa quý vị. Bồn lừa đã cướp bóng từ đôi chân vàng của quái kiệt Pelé. Anh đang đưa bóng lên... Thưa quý vị, chúng tôi thấy Pelé lắc đầu. Chắc là thán phục... Thưa quý vị thính giả, chúng tôi đang ở phút 20 của trận đấu. Chưa bên nào mở tỷ số."

“Kịch tính” diễn ra trên phần sân của Sài Gòn khi cú sút của Pelé lọt lưới góc trái khung thành, Chương “còm” nhẩy lên nhưng không kịp nữa. Trái ban thần sầu đã phá lưới mở tỷ số cho Ba Tây. Khán gỉả vỗ tay ca ngợi đội khách, nhưng cũng giậm chân nuối tiếc cho đội nhà. Nhưng trọng tài lại thổi còi xua tay khiến khán giả ngơ ngác. Trọng tài chạy tới cửa gôn Sài Gòn rít còi và chỉ tay: Brazil bị phạt việt vị, bàn thắng không được công nhận.

Pelé nhún vai, lắc đầu. Một vài cầu thủ Ba Tây bu quanh trọng tài phân trần, tranh luận. Song trọng tài nhất định không công nhận bàn thắng của Ba Tây, ý ông ta là chỉ căn cứ vào lá cờ của trọng tài biên khi phất lên. Duyên Anh bình luận:

“Chưa có khán giả túc cầu nào ở trên thế giới vô tư và hiếu khách bằng khán giả Việt-nam. Họ đi xem đá bóng với tinh thần thượng võ. Hội khách biểu diễn nghệ thuật, họ hoan hô bằng cả tấm lòng của người mộ điệu, hội nhà chơi đẹp, họ ủng hộ, cổ võ… Nhất là khi trọng tài bất công, bênh vực hội nhà, họ càng nguyền rủa hết lời.”

Còn Huyền Vũ tường thuật trực tiếp trên sân: "Thưa quý vị, chúng tôi đang ở phút 25 của trận đấu. Phút sóng gió đã tan trước cửa thành hội tuyển Thiếu-niên. Trái bóng vàng do hảo thủ Pelé sút lọt lưới Chương còm đã bị trọng tài hủy bỏ. Thưa quý vị, những tiếng ồn ào quý vị vừa nghe trong máy chính là những tiếng la ó của khán giả. Khán giả phẫn nộ khi trọng tài bênh hội nhà một cách lộ liễu. Và thưa quý vị, Ba-tây đã chấp nhận quả phạt việt vị rất mã thượng..."



Sóng gió lại ập đến trên phần sân Brazil. Bồn “lừa” đưa banh ra rồi bất thần ngả người sút một trái… "ngả bàn đèn". Bóng xoáy tròn như một cơn lốc, bay thẳng vào gôn Ba Tây giữa lúc cực kỳ nguy hiểm. Thủ môn Gilmar đã thúc thủ. Quá bối rối, hữu vệ Brazil giơ tay lên đỡ. Trọng tài rít còi. Ba-tây bị một trái phạt đền.

Mấy chục ngàn con mắt hướng về Bồn “lừa” với trái bóng như nhỏ đi khi Bồn “lừa” sút quả phạt đền. Chỉ có Bồn “lừa” sừng sững như một trái núi, như một thần núi. Trọng tài rít còi, nhưng Bồn “lừa”… khẽ hất chân. Trái banh uể oải lăn trên mặt cỏ. Và thủ môn Gilmar thong thả cúi xuống lượm trái bóng “cao thượng” của đối phương.

Phía khán đài bình dân vang lên những lời chửi bới, la ó. Nhưng phía khán đài trung ương và khán đài chính, khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Bồn lừa đã trả nợ trái bóng "ăn gian" của trọng tài. Pelé chạy tới bắt tay Bồn lừa, lắc lia lịa. Thủ môn Gilmar bỏ thành, nhào lên ôm lấy Dzũng Đakao tỏ sự cảm phục. Duyên Anh viết:

“Những tên Việt-nam mất gốc, hễ mở miệng là khinh bỉ đất nước, quê hương mình, đã nghĩ gì về hành động cao thượng của những Bồn lừa, Dzũng Đakao, Chương còm, Tí điên, Tiến gầy, nhóc con Hùng, Quyên Tân-định, Hưng mập, Sơn trán cao, Bảo méo mồm, Tư chăn vịt?”

Sang hiệp hai, Huyền Vũ tường thuật trên radio: "Thưa quí thính giả, chúng tôi đang ở phút đầu tiên của hiệp nhì. Hàng ngũ hai bên không có gì mới lạ. Bên Ba-tây vẫn thủ môn Gilmar, hữu vệ Djalma, tả vệ Nilton, trung ứng Mauro, hữu ứng Zito, tả ứng Marinho de Sordi, trung phong Pelé, hữu nội Garrincha, tả nội Vava, hữu biên Pépé, tả biên Didi. Bên hội tuyển Thiếu-niên giữ nguyên thành phần cũ…”

Ký giả thể thao Huyền Vũ mang đầy "lửa" trong buồi trực tiếp truyền thanh tường thuật trận túc cầu nghìn năm một thuở này. Ông ta nói say sưa như chưa bao giờ từng được say sưa đến thế. Ông là tai mắt của hàng triệu khán giả bốn phương. Ông thuộc tên các cầu thủ hội khách mà dù đương ngồi trên khán đài sân Cộng Hòa, nhiều người vẫn không nhớ nổi, họ phải mang những cái máy thu thanh "tăng-di-to" nhỏ, mở khẽ, để sát bên tai nghe ông đọc tên giùm.

Thế rồi giây phút kịch tính nhất của trận đấu đã đến. Bồn Lừa vốn đã nồi tiếng có tài làm bàn với những thế sút lệch lạc người. Chẳng hạn, đang dẫn bóng thật nhanh, nó ngã ngang người tống banh vào lưới địch. Cú này giống hệt một người nằm hút thuốc phiện nên gọi là cú "ngả bàn đèn". Huyền Vũ phải thét lên với một giọng như lạc đi:

"Bồn lừa bắn bóng thủng lưới Gilmar mở tỷ sõ đầu tiên cho Việt-nam. Chúng tôi đang ở phút thứ 25 của hiệp nhì. Việt-nam dẫn trước tỷ sổ 1-0, Bồn lừa đã phá thủng lưới của Gilmar bằng cú sút lạ lùng nhất thế giới bóng tròn."


Truyện “Bồn Lừa” của Duyên Anh 


*** 


Những diễn biến trên đây chỉ là một giấc mơ của Bồn Lừa. Một giấc mơ mà những người ghiền túc cầu Việt Nam chỉ mong nó sẽ biến thành sự thật một ngày nào đó! Duyên Anh đã vẽ nên một giấc mơ “không tưởng” nhưng chắc chắn những người đọc truyện “Bồn Lừa” (nhất là những bạn trẻ) đã không ít thì nhiều “mơ” đến một tương lai như thế.


Không ai có thể tính giấc mơ bằng tiền bạc. Các bạn trẻ lại càng “sống trong mơ”, một giấc mơ hoàn toàn “miễn phí” nhưng tác dụng của nó là tạo dựng một niềm tin trong bối cảnh một đất nước thiếu hẳn những cơ sở vật chất cho thể thao.


Ở Sài Gòn xưa có bao nhiêu sân bóng? Sân vận động Cộng Hòa đứng đầu danh sách vì nơi đây diễn ra các trận cầu có tầm vóc quốc tế cũng như quốc nội. Dĩ nhiên đây là sân chơi chính nên luôn “cửa đóng then gài” đối với các đội bóng thiếu nhi như của Bồn “lừa”. Vào được sân này chỉ theo chân người lớn hay cùng lắm là “leo rào” coi “cọp”.


Sân Tao Đàn xếp hạng nhì, nơi diễn ra các trận “thư hùng” của các đội bóng hạng hai. Đây cũng là nơi tập luyện của các đội “bán chuyên nghiệp” như đội các nghệ sĩ cải lương, đường Hiệp Hòa… Có lần Bồn Lừa và đồng đội ngồi ở lằn vôi biên xem đội “cải lương” thi đấu trên sân Tao Đàn.


Khi trái banh vượt khỏi lằn vôi biên, kép cải lương Thành Được chạy ra để chuẩn bị ném biên nhưng Bồn Lừa đã đứng dậy, “ngứa nghề” nên lừa banh không cho Thành Được lấy banh. Thế là chỉ trong vài phút “phù du”, Bồn Lừa đi những đường banh lả lướt khiến anh kép cải lương không tài nào lấy được banh. Đó có lẽ là lần đầu tiên Bồn Lừa có vài phút cao hứng biểu diễn nghệ thuật lừa banh trước một số đông người xem trên sân Tao Đàn.


Sân Hoa Lư là “sân nhà” của đội banh Bồn Lừa vì tương đối sân này mở cửa cho bọn trẻ tập dượt và “thi đấu”. Trẻ con chỉ có thể quần bóng vào lúc sáng tinh mơ, giữa trưa nắng cháy hay đá "ké" người lớn ở dưới hai bên cột gôn.Tại đây, có những trận cầu “nảy lửa” giữa đội bán bong bóng và đội bán báo. Thắng bại chia đều cho cả hai đội nhưng cái kết “có hậu” nhất là cầu thủ hai đội đã trở thành “bạn” sau những cuộc tranh tài.


*** 


Nhân World Cup 2018 chúng ta hãy đọc lại “Bồn Lừa” mà Duyên Anh viết từ năm 1967 với lời đề tặng thanh thiếu niên một cách chân tình:


“Tặng thế hệ các em tôi với một niềm ao ước lớn: trong mọi lãnh vực, các em đều phi thường như Bồn lừa.”





*** 


* Tham khảo thêm bài viết “Cuộc đời nhà văn Duyên Anh” tại:

http://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/03/cuoc-oi-nha-van-duyen-anh.html


***
--> Read more..

Popular posts