Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Nhất Linh và Tự lực văn đoàn


"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do."

(Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam)

***

Đoạn văn trên là bức thư tuyệt mệnh Nhất Linh viết ngày 7/7/1963 trước khi dùng độc dược từ giã cõi đời để phản đối chính sách được coi là “đàn áp Phật Giáo” của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông tự sát một ngày trước khi bị chính phủ đem ra xét xử, ngày 8/7/1963.

Diễn biến chính trị trong năm 1963 đã dẫn đến sự cáo chung của nền Đệ nhất Cộng hòa, qua đó hai anh em ông Diệm – Nhu đã bị hạ sát trong một cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Cái chết của Nhất Linh cũng được coi là “giọt nước tràn ly” trong tình hình chính trị vào thời điểm đó.

Ngày nay, các nhà sử học vẫn còn những ý kiến “trái chiều” về chính phủ của Tổng thống Diệm. Ông có “công” hay có “tội” vẫn còn tùy thuộc vào chính kiến và sự nhận xét của từng cá nhân người viết sử. Tuy nhiên, mọi người đều có chung một suy nghĩ: cái chết của Nhất Linh năm 1963 là một hành động “phi thường” của một con người can trường trong cuộc tranh đấu cho tự do.

Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam
(1906-1963)

Nhất Linh là bút danh của Nguyễn Tường Tam, người đã thành lập “Tự lực văn đoàn” (TLVĐ) vào nửa đầu thế kỷ 20. Dù chỉ tồn tại trong 10 năm (1932-1942), TLVĐ đã trở thành “ngọn cờ đầu” trong sinh hoạt văn hóa – xã hội của Việt Nam trong bối cảnh giao thời giữa xã hội phong kiến và cấp tiến.

Có người gọi đó là “luồng gió mới” thổi vào cuộc sống của người dân Miền Bắc từ năm 1932 rồi lan rộng đến Miền Trung và sau cùng là Miền Nam. Các nhà phê bình văn học còn gọi đó là một cuộc “khai phóng” bắt đầu từ những tác phẩm nói lên tư tưởng và hành động của những con người đã từ lâu sống trong sự kìm hãm của những suy nghĩ thủ cựu.

Trong tác phẩm Đoạn Tuyệt (1934), Nhất Linh lấy chủ đề là sự xung đột giữa Cũ và Mới. Ông đã để cô Loan nói lên một quan niệm hoàn toàn mới về gia đình, cụ thể là cảnh “mẹ chồng, nàng dâu”:

“Mẹ chồng ác thì đi chỗ khác mà ở, chồng ghét thì lại càng nên đi lắm. Khổ là vì cứ tưởng mình là thân con gái thì phải lấy gia đình chồng làm gia đình mình, nếu mất gia đình ấy là đời mình bỏ đi. Sao lại thế được. Mình sống, muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng. Sao đàn ông họ bỏ vợ này lấy vợ khác lại là sự thường?”

Khi thành lập “Tự lực văn đoàn”, Nhất Linh chỉ có một mục đích duy nhất là tập họp những người đồng chí hướng trong văn giới để cổ súy những tư tưởng mới. Văn phong của TLVĐ hoàn toàn theo phong cách “bình dân” nhưng đó lại là lối hành văn chuẩn mực.

Tôn chỉ của nhóm có ghi: “Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước nhà mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả qúy phái”. Cũng vì thế, giáo dục trong suốt thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa tại Miền Nam, TLVĐ được coi là “khuôn vàng, thước ngọc” cho các học sinh.

Ta hãy đọc lại đối thoại “rất đời thường” giữa Loan và Dũng trước khi Loan đi lấy chồng trong Đoạn Tuyệt. Dũng là người mà Loan yêu nhưng gia đình cô không chấp nhận:

“- Năm nay cô nhất định thôi học?
Loan đáp:
- Nào có ở em mà em định. Em muốn học nữa nhưng nhà không cho.
- Vì cớ gì thế cô?
Ngập ngừng, Loan đáp:
- Vì... vì em không còn ở nhà. Ra giêng có lẽ em...

Loan ngừng lại nhìn Dũng nhưng thấy Dũng nét mặt không có gì đổi khác. Dũng ôn tồn nói:
- À, cô sắp sửa phải về ấp Thái Hà. Khi nào có tin mừng tôi sẽ về...
- Thế ra anh đã biết?
- Vâng, tôi biết từ lâu. Tôi vẫn đợi, nhưng không ngờ rằng sắp đến ngày cô về nhà chồng, tôi lại phải đi xa. Nhưng thế nào tôi cũng phải cố về để mừng cô.

Loan mặt nóng bừng, hai con mắt nhìn Dũng có vẻ căm hờn. Nghẹn nào, nàng bảo Dũng:
- Nhưng anh đã biết đâu là một tin mừng. Đối với em không phải là tin mừng.
Thấy vẻ mặt ngơ ngác của Dũng, Loan nói tiếp:
- Vì thầy me bắt ép em.”

(hết trích)

Tác phẩm “Đoạn Tuyệt”

Cơ quan ngôn luận của “Tự Lực văn đoàn” là tuần báo Phong Hóa (1932-1936) và Ngày nay (1935-1940). Ngoài ra, văn đoàn còn có nhà xuất bản Đời Nay để tự xuất bản sách của mình. Ban đầu, nhóm chỉ có 6 thành viên chính thức là những nhà văn nổi tiếng một thời: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), và Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu). Về sau còn kết nạp thêm nhà thơ Xuân Diệu.

Bên cạnh đó còn có những “cộng tác viên”, các nhà văn, nhà thơ Huy Cận, Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Phạm Cao Củng, Nguyễn Khắc Hiếu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đinh Hùng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách...

Trong những năm 1937- 1939, tờ Ngày Nay lại trở thành một cơ quan chính trị với những bài xã luận đanh thép của Hoàng Đạo, đề cập đến những vấn đề cấp thiết của thời đại. Ngoài ra, đây cũng là nơi “Tự Lực văn đoàn” cổ động cho Phong trào Ánh Sáng với mục đích cải tạo nếp sống ở nông thôn.

Ngoài việc viết văn, Nhất Linh còn hoạt động trong lãnh vực hội họa và ông cũng đã kết bạn với các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường (Le Mur), Lê Minh Đức… Trên Phong Hóa, ông tạo ra hai nhân vật để “châm biếm” là Lý Toét và Xã Xệ. Những hí họa này luôn tạo tác dụng đả phá cái cũ để xây dựng một xã hội mới đến người đọc thời đó.

Lý Toét – Xã Xệ

Xã Xệ là một ông xã trong làng với thân hình “béo tốt” còn Lý Toét là một ông già nhà quê, giữ chức lý trưởng nên được gọi là Lý. Cụ Lý bị “đau mắt hột” từ bé nên mắt mũi kèm nhèm, như viền vải tây mà ta gọi là “mắt toét”. Nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau thành tên chứ Lý Toét không phải là tên cúng cơm, bố mẹ đặt cho.

Lý Toét ra tỉnh: “Quái, người ta chôn ai mà đào dài vậy??”

Bản thân nhà văn Nhất Linh còn là một họa sĩ và đến ngày nay một số tác phẩm của ông đã được giới thưởng ngoạn quốc tế đón nhận một cách trân trọng qua những cuộc bán đấu giá tranh quốc tế.

Tháng 10/2010, một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh, bức “Cảnh Phố Chợ Đông Dương” (Scène de Marché de rue Indochinois) đã được bán đấu giá tại Hồng Kông với giá khởi đầu 25.000-32.200 Mỹ kim. Trong phần giới thiệu Nhất Linh và tác phẩm, Sotheby’s Hồng Kông viết:

“Bạn cùng lớp với ông có Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thu, Georges Khán, Công Văn Trung và Lê Ang Phan, những người mà sau này được xem là tầng lớp họa sĩ tiền phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại.”

Bức tranh “Cảnh Phố Chợ Đông Dương” (Scène de Marché de rue Indochinois) được đấu giá tại Sotheby’s

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi trở lại câu chuyện Nhất Linh trong vai trò một nhà hoạt động chính trị. Ông là người sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng năm 1939, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng khi hai đảng hợp nhất vào năm 1945.

Nhất Linh chạy sang Quảng Châu và hoạt động trong Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội để chống Pháp dù trước đó (năm 1927) ông đã từng du học và tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Giáo khoa tại Pháp.

Sau khi quân của Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam, đầu năm 1946 Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 3/1946, sau khi đàm phán với Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Vì những bất đồng chính kiến với chính phủ, ông không dự Hội nghị Fontainebleau đàm phán với Pháp dù được cử đứng đầu phái đoàn Việt Nam. Thay vào đó, ông lưu vong sang Trung Quốc tháng 5/1946 và ở lại Hồng Kông cho tới 1951.

Khi Nguyễn Tường Tam rời bỏ chính phủ, ông bị coi như “đào nhiệm” cộng thêm tội “biển thủ công quỹ” (tiền chi phí cho phái đoàn sang Pháp). Tuy nhiên, theo sử gia David G. Marr, việc này “rất khó xảy ra” vì ông không thể nào được giao trách nhiệm giữ tiền của phái đoàn.

Năm 1951, Nguyễn Tường Tam về nước, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn, và tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị nữa. Năm 1953, Nguyễn Tường Tam lên sống tại Đà Lạt cho đến năm 1958.

Về Sài Gòn, ông chủ trương giai phẩm “Văn hóa Ngày Nay” nhưng chỉ phát hành được 11 số thì bị đình bản. Nhất Linh ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông nhưng cuộc đảo chính thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng.

Thái độ “chùm chăn” của Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam được thể hiện qua bức tranh “Vịnh tấm chăn len Chí Hòa” nhưng cuối cùng cũng dẫn đến bi kịch tự sát trong ngày “song thất” (7/7/1963). Lời thơ được ghi trong bức tranh như sau:

“Một tấn chăn len khám Chí Hòa
Ấy ai vượt ngục mới đem ra,
Tù nhân tặng kẻ “chùm chăn” kín
Tuy mỏng nhưng mà cũng ấm da”

Bức tranh “Vịnh tấm chăn len Chí Hòa” của Nhất Linh

Thi thể của Nhất Linh được khâm liệm tại Nhà thương Grall, ngày 12/7/1963. Đoàn xe tang đi qua các đường Mạc Đĩnh Chi, Phan Đình Phùng, Bà Huyện Thanh Quan, để rồi ghé lại chùa Xá Lợi vào hồi 10g45. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, một người bạn thân của Nguyễn Tường Tam, kể lại:

“Đám tang thật là đơn giản, nhưng vô cùng ảm đạm, trang nghiêm. Khi khởi hành từ bệnh viện Grall, số người tham dự còn thưa thớt, nhưng dần dần mỗi lúc một đông. Phần nhiều là thanh niên, học sinh, sinh viên, giới trí thức. Có rất đông phóng viên, ký giả ngoại quốc, nam có, nữ có, có mặt trong đám táng để chụp ảnh hoặc để quay phim. Họ chịu khó biên chép tất cả những câu viết trên các đối trướng rồi nhờ người dịch sang tiếng Anh. Họ lại còn ghi âm tất cả những lời khóc than kể lể của chị Nhất Linh.”


“Đoàn xe tiến về đường Phan Thanh Giản, rẽ sang đường Hai Bà Trưng rồi chạy về Gò Vấp. Có hàng trăm chiếc xe, xe đạp lẫn xe gắn máy, trên mỗi xe có hai người, phần đông là thanh niên, học sinh, sinh viên, có cả ký giả ngoại quốc nữa, băng băng đi theo sau, hoặc đi trước, hoặc ở hai bên xe tang. Ngay cả trên nóc xe hơi cũng có người nữa. Hàng phố, từ đường Hai Bà Trưng trở đi, đổ xô ra xem.

“Một điều đáng ghi nhận là từ chùa Xá Lợi trở đi, không có một ngã tư nào là không có nhân viên công lực đứng, không phải để giữ an ninh trật tự, mà trái lại, để cố tình cắt quãng đoàn xe tang, làm sao cho số người tham dự đừng đông đảo.

“Và khi tới nghĩa trang Gò Vấp, liếc nhìn chung quanh, ai nấy đều có một cảm giác nặng nề, ghê rợn, dường như bao phủ bởi một bầu sát khí đằng đằng: chỗ này một tốp người vận quân phục, chỗ kia một tốp, với súng trường, súng lục, tiểu liên, lựu đạn… Tôi tự hỏi, chẳng hay họ chuẩn bị như vậy để bảo vệ ai, hoặc để giết ai ở một nơi hoang vu, tĩnh mịch và tôn nghiêm này?”


Lễ cầu siêu cho Nhất Linh tại chùa Xá Lợi

***

* Tác phẩm của Nhất Linh:

·         Tiểu thuyết
 - Gánh hàng hoa (cùng Khái Hưng, 1934)
- Đời mưa gió (cùng Khái Hưng, 1934)
- Nắng thu (1934)
- Đoạn tuyệt (1934-1935)
- Lạnh lùng (1935-1936)
- Đôi bạn (1936-1937)
- Bướm trắng (1938-1939)
- Xóm cầu mới (1949-1957). Trường thiên, viết dở dang.
- Giòng sông Thanh Thủy (1960-1961). Trường thiên, tác phẩm cuối cùng, gồm ba tập:
Ba người bộ hành
Chi bộ hai người
Vọng quốc

 ·         Tập truyện
- Nho phong (1924)
- Người quay tơ (1926)
- Anh phải sống (cùng Khái Hưng, 1932 - 1933)
- Đi Tây (1935)
- Hai buổi chiều vàng (1934-1937)
- Thế rồi một buổi chiều (1934-1937)
- Thương chồng (1961)

·         Tiểu luận
- Viết và đọc tiểu thuyết (1952-1961)

·         Dịch phẩm
- Đỉnh gió hú của Emily Bronte (đăng báo 1960, xuất bản 1974)[18]

·         Hội họa
Mặc dầu thời gian theo học Trường Mỹ thuật không lâu, Nhất Linh cũng đã để lại một số tranh vẽ trong đó có bức “Scène de Marché de rue Indochinois” (Cảnh Phố Chợ Đông Dương) vẽ trên lụa thực hiện khoảng 1926-1929. Bức tranh này năm 2010 được hãng Sotheby's bán đấu giá ở Hương Cảng với giá 596.000 Đô la Hồng Kông, tương đương với 75.000 Mỹ kim.

***
--> Read more..

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Tôi… “nhảy dù”


* Đây là một truyện ngắn, viết theo lời kể của một sinh viên sĩ quan Không quân theo học Anh văn tại Trường Sinh ngữ Quân đội. Thời gian của câu chuyện: những tháng cuối cùng của VNCH, rất gần với ngày 30/4/1975… “định mệnh”.

***

Tôi hãnh diện khi mặc bộ quân phục của quân đội VNCH. Điều hãnh diện hơn nữa đó là bộ quân phục của binh chủng Không quân, trên ngực áo có may hai tấm bảng: bảng tên và mã số khóa học vì tôi là sinh viên sĩ quan chưa ra trường. Nhưng có lẽ niềm hãnh diện tột cùng là tôi đang trong giai đoạn học Anh văn tại Trường Sinh ngữ Quân đội để chuẩn bị lên đường đi Hoa Kỳ thụ huấn khóa đào tạo phi hành.

Tôi nghĩ, mình còn rất trẻ nên chọn binh nghiệp cho đời mình là một quyết định đúng đắn của một thanh niên trong hoàn cảnh đất nước đang lâm vào cảnh binh đao. Và đó cũng là con đường duy nhất, nếu không muốn sống một cuộc đời… “trốn lính”. 

Nếu không mặc quân phục trong thời chiến người ta sẽ tự tách mình ra bên lề xã hội. Tôi không muốn mình lúc nào cũng phải trốn chui, trốn nhủi khi thấy bóng cảnh sát xét hỏi giấy tờ.

Lời bài hát “Bức tâm thư” của Lam Phương & Hồ Đình Phương rất thịnh hành vào thời đó, lúc nào cũng như nhắc nhở: “Vài hàng gửi anh trìu mến. Vừa rồi làng có truyền tin. Nói rằng: Nước non đang mong. Đi quân dịch là thương nòi giống….”


Hình minh họa: 
Sinh viên Sĩ quan Không quân chuẩn bị lên đường du học Hoa Kỳ


Cuộc sống của khóa sinh Không quân đang học sinh ngữ tràn đầy những kỷ niệm, vui cũng như buồn. Chúng tôi ở trong trại lính thuộc khu vực Tân Sơn Nhất được gọi là “Trại Khóa Sinh” hay còn có một cái tên rất thân thương: “Tent City”.

Gọi như thế vì trại lính chỉ là những chiếc lều dã chiến của quân đội dùng làm nơi ăn ở và cứ thế, mỗi sáng chúng tôi xếp hàng, đi bộ sang trường Sinh ngữ để học Anh văn. Trường chỉ cách Tent City một hàng rào kẽm gai.

Người ta thường nói, tuổi trẻ luôn luôn sôi động… nhưng cũng có những lúc bỗng thấy lòng mình chùng xuống trong những ngày ở “Tent City”. Đó là những phút nhớ nhà, nhớ cuộc sống tự do của những ngày dân sự. Thế cho nên, thỉnh thoảng cũng có những khóa sinh “chịu chơi” nghĩ đến chuyện… “dù về nhà”.

Tôi cũng thuộc loại “chịu chơi” nên đã có những lần… “nhảy dù”. Chuyến “vượt rào đầu tiên” thành công mặc dù đến khi lọt vào thành phố bị quân cảnh (QC)… “hỏi giấy”. Cũng may, gặp mấy anh QC dễ dãi… nhìn tờ giấy duy nhất tôi có trong người và “thông cảm” cho đi.

Bạn biết không? Đó chỉ là “Phiếu mượn sách” của trường, trên đó có ghi họ tên, số quân của khóa sinh. Trên phiếu mượn sách in tên các cuốn sách ALC (American Language Course) mà tôi đang học.

Bộ sách ALC gồm 4 cuốn dành cho những người học “vỡ lòng”: từ 1100 đến 1400. Học hết sơ cấp, khóa sinh tiếp tục lên trung cấp cũng với 4 cuốn: 2100-2400. Sách không bán ờ ngoài, nhà trường chỉ cho mượn nên mới có đóng dấu ngày nhận và trả sách.

Anh QC có lẽ cũng chẳng hiểu gì nhưng có lẽ vì tôi “thật thà” trình giấy chứng minh mình đang học sinh ngữ nên khoát tay… cho đi! Thật hú hồn, tôi thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc.

Ăn quen nên nhịn chẳng quen. Tôi “nhảy dù” lần thứ hai, lần này về tận Biên Hòa. Và lần này mới là “đại họa” vì trong người chẳng có một tấm giấy lận lưng. Lại gặp QC hỏi giấy, lục trong túi tôi tìm mãi mới thấy “Phiếu ăn” mà trên phiếu chỉ có tên, không có số quân đi kèm.

QC nói chỉ biết tên mà không có số quân nên phải về Quân vụ Thị trấn. Tạm giữ cho đến khi đơn vị có công văn xác nhận. Cứ tưởng chuyện “nhảy dù” đơn giản, giờ mới biết… đi đêm có ngày gặp ma.

Hình chỉ có tính cách minh họa

Quân vụ Thị trấn Biên Hòa có một khu, tạm gọi là “quân lao”. Đó nơi QC giam giữ các quân nhân không có giấy tờ chứng minh và chờ đơn vị xác nhận. Trong khu này cũng chia làm hai: khu binh sĩ và khu sĩ quan. Tôi là sinh viên sĩ quan nên được “tạm giam” ở khu sĩ quan.

Ở khu sĩ quan tương đối còn được “tự do” trong vòng rào kẽm gai. Bạn có thể ra câu lạc bộ ăn uống nhưng không được “vượt rào” để trở thành một quân nhân bình thường. Nằm tại đây tôi đã nghĩ ra cách “tự cứu mình” bằng cách viết thư nhờ nhân viên câu lạc bộ chuyển ra ngoài. Dĩ nhiên là phải tốn tiền nhờ vả.

Tôi viết 2 lá thư: một cho gia đình và một cho ông thầy dạy tại trường. Trong thư gửi về gia đình, tôi dặn kỹ là phải đem thư riêng đến tận tay Thiếu úy NCB, người đang phụ trách dạy lớp tôi tại trường Sinh ngữ. Đó cũng chỉ là việc làm “cầu âu”, không có gì bảo đảm ông thầy sẽ giúp mình vượt qua “đại nạn”.

Thật bất ngờ, thư đến tay ông thầy và chỉ vài hôm sau có giấy xác nhận tôi là khóa sinh của trường. Như một phép lạ: tôi được QC trả tự do và vội vàng về trường, trình diện ông thầy. Ông chỉ nói tôi “ba gai”… mà không hề giải thích những việc ông làm một cách chi tiết.

Đại khái chỉ biết cách của ông làm là chỉ "chạy chọt" trong vòng những bạn bè ở trường, hoàn toàn không dính dáng tới “hệ thống quân giai” của trường. Ông còn nói vui, “Chỉ tốn vài chầu nhậu”. Câu nói của ông làm tôi phải suy nghĩ.

Tháng đó sau khi lĩnh lương hơn 8.000 đồng, tôi bỏ riêng ra 200 đồng trong phong bì. Tôi gặp ông trong câu lạc bộ và nói: 

“Thiếu úy ơi, ơn này em không biết làm thế nào trả nổi… Bỗng dưng thầy lại tốn tiền vì em nên em chỉ xin bù đắp lại phần đó…”

Mặt ông thầy nghiêm hẳn ra, ông gọi tôi bằng “mày”, xưng “tao”, thay vì “anh” như mọi khi. Ông “quạt” tôi một tràng như một loạt tiểu liên:

“Thế này là mày hối lộ cho tao đấy hả? Tao làm chỉ vì tao thấy hoàn cảnh của mày tội nghiệp. Vụ này nếu trường biết thì mày chắc chắn sẽ bị trả về đơn vị, rồi Không quân sẽ đưa mày về Bộ binh… hậu quả rất khó lường. Tao đếm từ 1 đến 3… mày phải cất cái phong bì đi. Tiền nằm trong đó không đủ để mua cái tình người đâu!”

Cho đến giờ, đã gần 50 năm mà tôi vẫn nhớ như in những lời của Thiếu úy TCB. Tôi đã tìm cách liên lạc với các giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội để biết tin tức của ông giờ này ra sao. Cho đến giờ này cũng chẳng ai biết ông ở nơi nào. Hy vọng mong manh ông đọc được những dòng chữ này để thấy được lòng biết ơn của tôi. 

Cho đến ngày 30/4/75, tôi vẫn chưa ra trường để trở thành một sĩ quan thực thụ, tôi cũng chưa đi Mỹ học lái máy bay… nhưng tôi đã có được một bài học để đời.

Phải chăng đó là bài học "huynh đệ chi binh" mà ngày xưa người ta thường nói.

Hình chỉ có tính cách minh họa

***

--> Read more..

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Lê Phổ: Họa sĩ vẽ ra tiền


Đầu năm 2017 tôi có viết một bài lấy tựa đề “Họa sĩ… vẽ ra tiền?” (*). Đó là câu chuyện của các danh họa lừng danh thế giới như Pablo Picasso (1881-1973),  Paul Cézanne (1839 -1906), Paul Gauguin (1848-1903), Vincent van Gogh (1853 -1890) và Willem de Kooning (1904- 1997).

Họ là những người lúc đương thời sáng tác trong cơ hàn, thiếu thốn. Cho đến khi qua đời, những tác phẩm của họ được giới sưu tập tranh săn lùng và “nâng giá” qua các phiên đấu giá (chứ không phải “đấu phí” theo ngôn ngữ thời nay!) .

Điển hình là Picasso đã chiếm 3 vị trí trong danh sách “20 tác phẩm hội họa đắt giá nhất thế giới”. Đó là những vị trí thứ 7 (179,4 triệu đô la), thứ 9 (155 triệu đô la) và thứ 18 (106,5 triệu đô la).

Trong bài viết này, chúng ta làm quen với một họa sĩ người Việt cũng đã… “vẽ ra tiền”. “Làm quen” bởi vì đa số người Việt chúng ta thường không biết và cũng có thể chưa nghe nói đến họa sĩ Lê Phổ và các phiên đấu giá tranh tại nước ngoài. Một lý do dễ hiểu vì phần đông chúng ta không quan tâm đến hội họa.

Hơn nữa, họa sĩ Lê Phổ tuy sinh ra tại Hà Đông, Hà Nội, năm 1907 nhưng đến năm 1937 ông sang Pháp định cư và từ đó cho đến khi qua đời năm 2001 ông chưa lần nào trở lại Việt Nam. Ông đã chọn nước Pháp vốn là “trung tâm nghệ thuật của Âu châu” nên chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Họa sĩ Lê Phổ xuất thân từ một gia đình quan lại triều Nguyễn, cha ông là Lê Hoan, người được sử sách xem là “có công” giúp chính quyền bảo hộ Pháp đàn áp nghĩa quân Đề Thám. Tuổi thơ của họa sĩ Lê Phổ cũng không hạnh phúc, mồ côi mẹ lúc 3 tuổi và mồ côi cha lúc 8 tuổi.

Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001)

Năm 1925, họa sĩ Lê Phổ trúng tuyển khoá 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Ông là một trong 10 sinh viên Việt Nam được giáo sư Victor Tardieu xếp vào nhóm sinh viên "tinh hoa" của khóa học. Ông cũng là người hướng Lê Phổ đi theo trường phái nghệ thuật Á Đông trong suốt 5 năm học.

Giáo sư Victor Tardieu (1870-1937) là một họa sĩ người Pháp có kiến thức sâu sắc về các trường phái nghệ thuật châu Âu. Năm 1924, ông cùng họa sĩ người Việt, tên Nam Sơn, thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay.

Giáo sư Victor Tardieu và những sinh viên “tinh hoa” của khóa 1, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (họa sĩ Lê Phổ ở bìa trái)

Tại Pháp, năm 1947 họa sĩ Lê Phổ cưới vợ người bản xứ là bà Paulette Vaux, phóng viên báo Life & Time ở Paris. Bà Vaux nói về người chồng quá cố: "Ông không kể với con cái về tuổi thơ của mình, ông trầm lặng và sống nội tâm. Ông không nhớ gì về cha mình ngoại trừ việc biết cha mình hút thuốc phiện".

Cũng theo lời bà Paulette Vaux: "Ông Lê Phổ xem giáo sư Tardieu như người cha tinh thần. Ông ngưỡng mộ và rất gần gũi với Tardieu. Giáo sư Tardieu đã đặt nền móng cho những thành công trong hội hoạ sau này của ông".

Bà Paulette Vaux và con gái

Năm 1928, Lê Phổ cùng với các họa sĩ Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ tổ chức triển lãm tranh đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1931, ông sang Pháp để trang trí một số cuộc triển lãm ở Paris. Sau đó 1 năm, ông được cấp học bổng tại Trường Mỹ thuật Paris.

Năm 1933, họa sĩ trở về Hà Nội tham gia giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1935, ông được mời vào Huế để vẽ chân dung vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh khổ lớn để trang trí ở cung đình Huế.

Năm 1938, tại Paris, lần đầu tiên họa sĩ Lê Phổ tổ chức triển lãm phòng tranh cá nhân của mình với các tác phẩm như tranh vẽ các người đẹp Việt Nam hoặc đang say sưa bên các sắc hoa, hoặc đang mơ màng bên trang sách, hoặc tranh thiếu nữ đọc thư tình trong vườn, những cô gái đang phơi áo... Những tác phẩm đó được công chúng Phương Tây đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1963, ông hợp tác cùng phòng tranh Wally Finday, Hoa Kỳ, tổ chức vài buổi triển lãm tranh. Phòng tranh cũng chính là nơi ông giới thiệu và công bố các tác phẩm của mình ra khắp thế giới. Kể từ năm đó, Gallery Wally Findlay đã trở thành nhà sưu tập gần như độc quyền về tranh Lê Phổ, họ có cả trăm bức.

Có thể nói, họa sĩ Lê Phổ là một con người sống nội tâm, rất nhạy cảm và cũng rất tinh tế. Cuộc đời của ông cũng có những giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn kết thúc “có hậu”. Tác phẩm của ông đã được đấu giá nhiều lần trên thị trường hội họa thế giới, một hiện tượng mà ít họa sĩ Việt Nam có được.

Họa sĩ Lê Phổ bên tác phẩm

Họa sĩ Lê Phổ cho rằng các chất liệu trong tranh lụa có một số nhược điểm, không những về khuôn khổ mà còn về màu sắc đều chưa bộc lộ những ý tưởng tác giả muốn thể hiện. Đó là lý do ông đã chuyển sang vẽ tranh sơn dầu.

Ngoài việc thay đổi chất liệu vẽ, ông cũng mở rộng đề tài một cách phóng khoáng và thoải mái hơn. Ví dụ rõ nét đó là người phụ nữ trong tranh của họa sĩ dần vượt ra ngoài lễ giáo Khổng Mạnh để mang một sắc màu "thế tục".

Waldemar George, nhà phê bình nghệ thuật Pháp khi viết cuốn sách về Lê Phổ vào năm 1970, ông gọi hoạ sĩ Việt này là “Hoạ sĩ siêu phàm” (Divine Painter). Waldemar cho rằng phong cách hội họa của Lê Phổ được phân thành hai giai đoạn và cả hai giai đoạn đều có sự kết hợp của trường phái Đông Tây từ kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức họa sĩ học được.

Trong cuốn sách đã dẫn, Waldemar viết về họa sĩ Lê phổ: "Những con đường của châu Á và châu Âu giao thoa, nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây mở ra một cuộc đối thoại thân tình".

Bức "Thiếu phụ trong vườn" thuộc triển lãm Leslie Hindman, dạng tranh sơn dầu trên lụa, khổ 104,1 x 83,8 cm được định giá từ 30.000 đến 50.000 USD vào tháng 9/2007. Dạng tranh cỡ nhỏ (46,4 x 27,3 cm) cũng có giá khoảng 6.000 đến 8.000 USD. Tác phẩm "Cho chim ăn" đã được rao bán giá kỷ lục là gần 100.000 USD vào năm 1997.

Những Gallery nổi tiếng thế giới như Romanet (Paris), Florence Art (Ý), Simyo (Hàn Quốc), Art Forum, Ode To Art (Singapore), La Luna, Thavibu (Thái Lan)… đều có chú ý đặc biệt đến họa sĩ Lê Phổ. Nguồn tranh chủ yếu đều xuất phát từ Wally Findlay.

Lê Thái Sơn, chủ Thai Son Fine Arts Gallery & Collection, nhận xét: “Khi nhìn vào hệ thống chuyên nghiệp và trải rộng như thế này, chắc chúng ta cũng hình dung được tại sao tranh Lê Phổ thu hút được người mua ở khắp thế giới” .

Tác phẩm “Hoài cố hương” được nhà đấu giá Sotheby’s đưa ra năm 2006 tại Singapore, có giá bán khoảng 360.000 Đô La Singapore (tương đương 4,7 tỷ đồng)

Bức “Chân dung thiếu phụ và hoa sen” vẽ năm 1939, đạt mức giá 1.240.000 đô la Hồng Kông (gần 3,5 tỉ đồng)

Bức “Mẹ và con” nhà đấu giá Christie’s định giá khoảng 130.000 USD và đã từng đạt mức giá 1.160.000 đô la Hồng Kông (hơn 3,2 tỉ đồng)



Bức “Gia đình nhỏ” vẽ năm 1940. Tác phẩm từng đạt mức giá 740.000 đô la Hồng Kông (khoảng 2 tỉ đồng)

Bức “Những chú chim” được mua với giá 625.000 đô la Hồng Kông (hơn 1,7 tỷ đồng)
  
Bức “Đi tắm” được thực hiện năm 1937-1938, có giá 562.500 đô la Hồng Kông (gần 1,6 tỉ đồng)



Bức “Hai chị em gái” được thực hiện năm 1940 đạt mức giá 250.000 đô la Hồng Kông (hơn 700 triệu đồng)

“Bức màn tím”, vẽ từ 1942-1945 đã được bán đấu giá với mức giá 2,9 triệu đô la Hồng Kông

“Chân dung một cậu bé Việt Nam” từng đạt mức giá 225.000 đô la Hồng Kông (631 triệu đồng)

“Nhìn từ đỉnh đồi”, vẽ năm 1937 đạt mức giá 840.000 đô la - 22.11.2014 trong cuộc bán đấu giá tại nhà đấu giá nghệ thuật Christie’s International Hồng Kông.

“Hoa loa kèn” có giá 187.500 đô la Hồng Kông (526 triệu đồng)

“Nắng trong nhà”, có giá 225.000 HKD (614 triệu đồng)


"Tĩnh vật với hoa quả”, vẽ năm 1963, đã được bán thành công với giá 350.000 HKD (khoảng 955 triệu đồng)

“Nho và rượu vang”, vẽ năm 1950, được mua với giá 200.000 HKD (gần 546 triệu đồng)

***

Lúc sinh thời, họa sĩ Lê Phổ chưa từng vẽ những tờ tiền giấy nhưng tác phẩm của ông dẫn đến cả một kho bạc. Điều mâu thuẫn này khiến cho lằn ranh “nghệ thuật vị nghệ thuật”“nghệ thuật vị nhân sinh” trở nên mong manh hơn chúng ta thường nghĩ.

***
Chú thích:

(*): Tham khảo bài viết “Họa sĩ… vẽ ra tiền?” trên FB tại:

***

--> Read more..

Popular posts