Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Hồi ức Viễn du: Thăm xứ sở Cao Bồi

Năm 1971, tôi đến thành phố San Antonio, Texas, để học khóa Giảng viên Anh ngữ tại căn cứ không quân Lackland. Tuổi đời khi đó mới tròn 25 nên được xuất ngoại lần đầu là cả một kỷ niệm khó quên.

Trên thực tế, Trường Sinh ngữ Quân đội có chương trình đào tạo giảng viên Anh ngữ tại Viện Ngữ học Quốc phòng (Defence Language Institute – DLI) nên tất cả giảng viên đều lần lượt được gửi đi du học tại Hoa Kỳ. Thế cho nên, việc đi Mỹ là “nhiệm vụ bắt buộc” chứ không phải là một “đặc ân” cho bất cứ người nào.

DLI có trụ sở tại tiểu bang Texas, xứ sở của những chàng chăn bò ngày xưa. Thập niên 70 tại Sài Gòn có hàng loạt loại phim Cao Bồi (Cowboy) “bắn chậm thì chết” nên cầm “Sự vụ lệnh” du học trong tay đa số chúng tôi đều nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ có dịp được gặp những người có tài bắn súng... “nhanh hơn cả cái bóng của mình”!

Ảnh hưởng của truyện tranh Lucky Luke nơi Miền Tây hoang dã đã ăn sâu trong đầu óc của những chàng trai tràn trề nhựa sống. Chúng tôi, ai cũng muốn đến Texas để được thấy tận mắt những người hùng thường xuất hiện trên màn ảnh qua các tài tử như John Wayne, Clint Eastwood,  Lee Van Cleef...

Và ước mơ đó đã trở thành sự thật khi đến Texas. Tuy nhiên, cũng phải chờ có một dịp may để được đến Alamo Village, nơi phục dựng lại cảnh Miền Tây hoang dã mà người Mỹ gọi là “Wild Wild West”. Đó cũng là lý do có “hồi ức viễn du” về việc đi thăm xứ sở của các chàng cao bồi ngày nào.

Một anh giảng viên người Mỹ đã từng dạy tại Việt Nam đến thăm chúng tôi tại DLI và đề nghị cuối tuần sẽ đi Alamo Village. Anh thường được bọn tôi gọi là Smith “Mập” vì vóc dáng “quá khổ” của. Tuy mập nhưng anh sống rất tình cảm dù chỉ là hạ sĩ quan được bổ về trường.

Cũng nhờ có xe riêng nên mọi chuyện đi lại đều do một tay Smith dẫn đường và 5 người chúng tôi chỉ có một việc duy nhất là “enjoy” chuyến du lịch cuối tuần. Chúng tôi đi theo Highway 90 và vượt qua cầu trên sông Nueces thuộc thị trấn Brackettville để đến Alamo Village.

Alamo là cái tên nổi bật nhất của thành phố San Antonio vì nơi đây có Thành Alamo tọa lạc ngay tại trung tâm. Nguyên thủy là tên của hội truyền giáo Tây Ban Nha được thành lập từ thế kỷ thứ 18 và sau đó được dùng làm thành quách quân sự.

Alamo cũng là địa danh nổi tiếng của Hoa Kỳ từ thời lập quốc, đây cũng là nơi nhân vật lịch sử Davy Crockett và đồng đội đã anh dũng bảo vệ thành trì trước sự tấn công của quân đội Mexico. Những người lính Texas đã chiến đấu đến người cuối cùng trong một trận chiến kéo dài từ ngày 23/2 đến 6/3/1836.

Xét về quy mô, Alamo Village tại Texas nhỏ hơn Universal Studios ở California mà tôi đã đến năm 1973. Đó cũng là điều dễ hiểu vì tiểu bang Cali đông dân và lại là trung tâm gỉai trí, thu hút nhiều khách du lịch hơn. Nội sân khấu trình diễn Cowboy Show cũng đã rất lớn tại Universal Studios trong khi ở Alamo chỉ còn là phế tích.

Điểm nổi bật của Alamo Village là những di tích của Miền Tây hoang dã vẫn còn được duy trì. Chẳng hạn như căn phòng được dùng làm “tổng hành dinh” của Đại tá Davy Crockett vẫn còn đó, những di tích về sinh hoạt của cao bồi được phục dựng lại như quán rượu mà hồi đó người ta còn dùng tên “Cantina” tức là một loại “căng tin” mà ngày nay ta thường dùng.

Bạn cũng có thể thấy những máng nước dành cho ngựa với thanh gỗ để buộc ngựa, những chiếc “stage coach”, một loại xe bus ngày xưa do ngựa kéo, hoặc nhà tù do các “sheriff” điều hành để quản lý các cao bồi bất trị... Tất cả vẫn còn hiện diện trong làng bên cạnh những di tích hoang phế theo thời gian.

Alamo Village có một đội ngũ nhân viên điều hành khá khiêm tốn. Đa số họ là những người trẻ, ăn mặc theo đúng kiểu cao bồi xưa: mặc áo gilê, trước ngực có đeo ngôi sao sheriff và có cả súng lủng lẳng bên hông. Họ cũng rất thân thiện, vui tính và sẵn sàng cho khách mượn áo khoác để chụp hình hay chụp chung với khách để kỷ niệm.

Cũng vì thế, tôi đã có những tấm hình mặc giả làm cao bồi... y như thật! Đối với tôi, những tầm hình này thuộc loại “quý hiếm” vì giấc mơ làm người hùng đã trở thành sự thật trong đời.

Sau này, bạn bè xem hình cứ khen giống Lucky Luke, từ vóc giáng gầy còm đến phong cách bắn súng. Đó là những kỷ niệm khó quên của hồi ức viễn du khi đến thăm xứ sở của cao bồi Texas chỉ còn là phế tích!

***

Trên Highway 90 đến Alamo Village phải qua Nueces River Bridge


Dừng chân bên cầu


Thành Alamo tại San Antonio


Nơi đây là bản doanh của Đại tá Davy Crockett


Thanh gỗ để cột ngựa


Stage Coach tại Alamo Village


Alamo Village tương đối vắng khách


Nơi đây ngày xưa là nơi gặp gỡ của các chàng cao bồi 


Cantina (căng tin) trong Alamo Village


Bên cảnh hoang tàn đổ nát trong Alamo Village


Sân khấu diễn hoạt cảnh chàng cao bồi bị bắn rớt từ trên mái nhà xuống đất. Hình chụp tại Universal Studios, California, năm 1973


Lucky Luke bắn súng... nhanh hơn cái bóng của mình


Chàng Sheriff đứng trước trại giam


Luck Luke đã bị tước vũ khí mà còn... làm điệu


Một tấm hình kỷ niệm với các cao bồi trước khi rời Alamo Village

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Sự tái tạo những bức họa nối tiếng


Người thưởng ngoạn hội họa dĩ nhiên là rất quen thuộc với những bức tranh của các họa sĩ tiền bối nổi tiếng khắp thế giới. Có điều, rất hiếm khi thấy được bản sao của các danh họa đó được thực hiện bởi những… nhà sáng tạo “tay mơ” của thế hệ đương thời.

Họ chỉ là những người “bình thường” như chúng ta… nhưng lại có những cái nhìn “khác thường” qua những gì họ tái tạo từ nguyên bản. Giá trị nghệ thuật của những bức tranh tái tạo dĩ nhiên làm sao có được cái vinh quang của những họa sĩ bậc thầy đã khuất.

Tuy nhiên, chúng ta phải công nhận những nghệ sĩ đương thời đã tạo cho mình một chỗ đứng, tuy khiêm tốn, nhưng vẫn để lại trong suy nghĩ của chúng ta những ý tưởng độc đáo.

Bạn sẽ khám phá ý tưởng đó qua những bức hình dưới đây khi ngồi tại nhà tránh dịch COVID-19. Âu đó cũng là một cách thưởng thức nghệ thuật… tại nhà!

***

Bức tranh "Bữa ăn tối cuối cùng" được nhìn qua con mắt của người trốn dịch ngày nay!


"The Birth of Venus" của Boticelli qua cách nhìn của họa sĩ đường phố


Nàng Mona Lisa... Xưa và Nay


Nhớ... đừng bao giờ đến viện thẩm mỹ của... Bác sĩ Picasso


"A Woman with A Bird" của Pablo Picasso và... phiên bản mới


"Portrait of Adele Bloch-Bauer" của Gustav Klimt... Xưa và Nay


"The Kiss" của Gustav Klimt... Nụ hôn nào tình tứ hơn?


Bức "Lady with Fan" của Gustav Klimt với người mẫu thời nay


"After the Ball" của Ramon Casas được thay bằng... smartphone!


“Innocence” của William-Adolphe Bouguereau... Ai ngây thơ vô tội hơn?


“Portrait de Mme. Ira Perot” của Tamara Lempicka trước và sau mùa dịch!


“Suleiman the Magnificent” của Titian và hình tượng của thế hệ sau


“The Scream” của Edvard Munch... tiếng thét nào thống thiết hơn?


“Hermes and his incredible chariot”... Hồi đó & Bây giờ


Hình dành cho các bạn hút pipe


“Portrait with Monkey” của Frida Kahlo


“The Lovers” của Rene Magritte... thời nào cũng thế!


“The Lady in a Fur Wrap” của Alonso Sánchez Coello... hồi đó & bây giờ đâu có gì khác nhau?


“Balloon Dog” của Jeff Koons (phiên bản mới là hình người)


“Modern Fauvist Portrait of a Woman” của Jean Pierre Cassigneul... Ai đẹp hơn?


Hình ảnh Trước và Sau thời... Social Distancing


“Girl with a Pearl Earring” của Johannes Vermeer và phiên bản 4.0: con mèo!


Mẹ Bề Trên (Madre Superiora) của Fernando Botero... Xưa và Nay!


Cùng một ý tưởng... nhưng khác thời đại!


***
--> Read more..

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

“Một nửa sự thật” về… Virus Corona !!!


Virus Corona đã gần như “đánh sập” tất cả những gì nhân loại đã xây dựng trong những năm qua sau Thế chiến Thứ nhì (1939-1945). Chỉ với một dạng virus bé tí teo cũng đủ khiến cho mọi sinh hoạt bình thường của con người trên toàn thế giới - từ xã hội, lối sống đến chính trị, kinh tế - đã phải thay đổi!

Đó là điều không thể phủ nhận khi đọc những con số thống kê trên khắp các lục địa về số người tử vong, số ca lây nhiễm cũng như số người bị thất nghiệp, kinh tế đình đốn. “Đường cong đồ thị” vẫn cứ ngày một cong chứ chưa được “làm phẳng”. Không biết đến bao giờ mới trở lại “trạng thái bình thường” của những ngày thế giới còn chưa bị… mắc dịch.

Tuy nhiên, người ta bỗng thấy le lói một chút hy vọng (dù mong manh) khi đọc bài viết của Bác sĩ David Price. Ông chuyên về bệnh phổi tại Khoa cấp cứu (Intensive Care Unit - ICU), Weill Cornell Medical Center, New York. Đây là một trong những ổ dịch lớn nhất tại Mỹ.

Bác sĩ David Price

Bài viết của ông có “màu hồng hy vọng” thay vì “màu đen tuyệt vọng” như ta thường thấy trong các bài viết u ám về COVID-19. Chúng tôi ghi lại một số điều BS Price viết về những kinh nghiệm chống dịch trong một bệnh viện có 1.200 giường bệnh chỉ dành riêng cho việc điều trị bệnh nhân nhiễm Coronavirus.

Phải nói, đây là một trong những bài viết hiếm hoi khiến người đọc có một cái nhìn tương đối “lạc quan”, hay nói khác đi là “một nửa sự thật lạc quan” về Virus Corona. BS Price viết (*):

“Bổn phận của tôi là chăm sóc những ca bịnh nặng đã được đưa vào ICU. Tôi là người quyết định bịnh nhân nào được dùng máy thở và nằm với máy thở bao lâu. Vì vậy tôi nghĩ tôi có thẩm quyền để nói về những gì đang xảy ra. Trong ba tháng vừa rồi chúng tôi đã học hỏi thêm được rất nhiều về con virus này. Hiện giờ, bạn nghe giọng tôi hơi nghẹn ngào không phải vì tôi sợ mà vì… tôi thấy hết sợ! Tôi muốn chia sẻ với quý vị để cho quý vị bớt hoang mang và biết cách bảo vệ bản thân và gia đình”.

Theo BS Price, khi virus thâm nhập vào người sẽ đi khắp nơi trong cơ thể nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là ở phổi. Có đến 80% bịnh nhân chỉ nói là họ “Không thấy khỏe trong người... ho nhẹ... và nhức đầu”. Bệnh thường kéo dài từ 5 hoặc 7 đến 14 ngày. Trong khi đó, nếu bị nhẹ thì bắt đầu ngày thứ 5 sẽ thấy khỏe lại.

Bệnh nặng hơn trong thời gian từ 3 tới 5 ngày sẽ thấy khó thở. Tuy nhiên, bạn chỉ nên vào nhà thương khi thấy khó thở chứ nóng sốt thông thường thì không cần đến bệnh viện vì tới ngày thứ 7 sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe lại.

Virus nhiễm vào cơ thể qua đường lây truyền chính bằng cách “tiếp xúc lâu” (sustained contact) với người có bệnh hoặc sắp có triệu chứng trong vòng 1 hay 2 ngày sắp đến. 
BS Price còn xác định “sustained contact” có nghĩa là đứng gần trong khoảng cách 6 feet (1,8 m) và tiếp xúc từ 15 đến 30 phút ở một nơi bít bùng, đóng kín, và không có trang thiết bị bảo vệ như khẩu trang.

Thế cho nên, chúng ta không sợ con virus còn nằm trong không khí trong khi mình vô tình đi qua sẽ bị lây. Đó là điều quan trọng mà rất ít người biết được và đó cũng là lý do ta cứ lo sợ. Tóm lại, cách duy nhất để bị lây bệnh là khi virus dính vào tay mình rồi mình lại đưa tay lên sờ vào mặt để nó lây truyền vào cơ thể.

Xin nhắc lại một lần nữa: phần đông những người bị nhiễm là do họ chạm tay vào người bịnh rồi đưa tay lên sờ vào mặt mình. Khi hiểu được nguyên lý này thì chúng ta biết được “một nửa sự thật” về Virus Corona. Và đó cũng là lý do BS Price “bắt đầu cười lại được” vì ông biết mình sẽ không bị nhiễm.

Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc nhở chúng ta hai điều quan trọng sau đây:

(1) Con virus lúc nào cũng hiện diện trong cộng đồng mình đang sống;
(2) Cần phải rửa tay thường xuyên, cần để ý tay mình vừa chạm vào đâu, đụng vào cái gì và nhớ lúc nào cũng tẩy bằng “hand sanitizer” hoặc rửa tay cho sạch.

Bản thân ông Price đi đâu cũng mang theo lọ Purell (nước diệt khuẩn). Ví dụ, đi từ nhà trọ ra thang máy vẫn có thể bấm nút thang, nhưng sau đó liền đổ một vài giọt Purell vào tay. Ra đến cửa cũng vậy, có thể dùng tay mở cửa nhưng sau đó lại dùng Purell vì giữ tay sạch sẽ không bị nhiễm virus.

Dung dịch diệt khuẩn Purell

Điều cần nhớ, bệnh dịch này không phải là một người bịnh chạm vào thứ gì rồi cả cộng đồng lây theo khi đụng vào thứ đó. Chúng ta chỉ lây khi tiếp xúc với nhau lâu theo dạng “sustained contact”. Muốn kỹ hơn thì rửa hoặc tẩy trùng tay sau khi chạm vào bất cứ vật gì mà người khác đã chạm vào.

Điều chúng ta cần phải để ý và tránh thói quen ưa chạm hoặc rờ lên mặt (chẳng hạn như dụi mắt, ngoáy mũi, nặn mụn...). Covid chỉ lây khi bạn bắt tay một người bịnh, rồi đưa tay lên sờ vào mặt mình. Đơn giản chỉ có vậy.

Ông cũng khuyên mọi người nên đeo khẩu trang, không phải vì nó sẽ bảo vệ hay ngăn ngừa được Covid nhưng nó sẽ tập cho bạn thói quen tốt là… không rờ vào mặt. BS Price kết luận:

CHỈ CẦN TAY SẠCH VÀ KHÔNG RỜ VÀO MẶT LÀ 99% CHÚNG TA SẼ KHÔNG BỊ NHIỄM.

Cũng không cần đeo khẩu trong y tế (medical mask) như loại N95. Chỉ dùng N95 trong những trường hợp đặc biệt mà thôi. “Cần giữ khoảng cách an toàn với mọi người, rửa tay thường xuyên, thì các bạn không phải lo gì cả”.

Xin nhắc lại, đó là “một nửa sự thật lạc quan” về Virus Corona mà rất ít người khám phá. Chúng ta thường chỉ biết “một nửa sự thật bi quan” qua hàng trăm các bài viết nặng mề khác về bệnh dịch.

Việt Nam ta có câu “Trời kêu ai nấy dạ” nhưng trong trường hợp bệnh dịch này chúng ta cần biết “một nửa sự thật kia” để không bị… mắc dịch.

Trời sẽ không gọi tên chúng ta nếu như ai cũng biết sự thật để phòng tránh!   

***

(*) Tham khảo vài viết của BS David Price “Coronavirus: Straight answers from a doctor on the front lines” tại https://www.silive.com/coronavirus/2020/03/coronavirus-straight-answers-from-a-doctor-on-the-front-lines.html

* Bài nói chuyện của BS David Price trên YouTube: https://www.youtube.com/watch?v=kcKTzefEJFM

***

--> Read more..

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Vụ án Hồ Duy Hải – Tiếng nói của “người trong cuộc”


Hồ Duy Hải, người đang chịu án tử hình trong vụ giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, bị sát hại đầu năm 2008. Vụ ám đã tốn rất nhiều giấy mực của cả báo lề trái lẫn lề phải.

Rất tình cờ, chúng tôi được đọc bài viết của Luật sư Nguyễn Văn Đạt, người bào chữa cho Hồ Duy Hải ở phiên phúc thẩm, Bài đã đăng trên Báo Đất Việt và báo An Giang Online, hiện đường dẫn đã bị xóa.

Bài này được viết vào ngày Thứ bảy 20/10/2012. Xin copy lại nguyên văn bài viết nói trên của Luật sư Đạt để bạn đọc có thêm “một mảnh ghép” của người trong cuộc. Hình ảnh đi kèm và lời bình do chủ blog sưu tầm.

***

Luật sư ơi, cứu con'

LS Nguyễn Văn Đạt
Thứ bảy, 20/10/2012 , 15:53 GMT + 7

Có vụ án thật kỳ lạ. Kỳ lạ đến mức làm cho những người tham gia nghĩ rằng tòa chỉ muốn kết án cho xong việc và bị cáo dường như bị sắp xếp để chết thay cho hung thủ thực sự.

1. Tôi nhận lời bào chữa cho Hồ Duy Hải, bị cáo trong vụ án hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) bị sát hại đầu năm 2008, trong tâm trạng khó tả. Bởi lẽ, sự man rợ của hung thủ khi cướp đi sinh mạng hai người mà báo chí đã thông tin khiến tôi cũng như nhiều người đều mong muốn kẻ thủ ác sớm phải đền tội thích đáng. Đã định từ chối, nhưng ánh mắt như van lơn, tìm kiếm sự chia sẻ của hai người phụ nữ (một là mẹ, một là dì ruột của bị cáo), và giọng nói ngèn nghẹn, cầu cứu của họ “Oan con tôi lắm, cháu không giết người, cháu không đáng phải chịu tội” đã khiến tôi thay đổi ý định, với lời khẳng định: “Tôi chỉ nhận lời đọc hồ sơ vụ án, nếu phát hiện oan sai, mới nhận bào chữa cho Hải, nếu không thì sẽ từ chối”. Gia đình đồng ý.


Hồ Duy Hải trong phiên phúc thẩm năm 2009. Ảnh Vũ Mai


2. Hai lần đầu gặp trong trại tạm giam của Công an tỉnh Long An, dù tôi đã thuyết phục, thậm chí có khi như năn nỉ, Hải chỉ lặng câm, không một lời nói, mắt luôn hướng về hai chiến sĩ đang giám sát sự tiếp xúc của luật sư với bị can đầy lo sợ. Lẽ thường, bị can phải tranh thủ thời gian gặp ngắn ngủi để trình bày sự thật, hoặc thanh minh với hy vọng luật sư sẽ giúp mình vô tội hay giảm nhẹ tội, nhưng đây chỉ là sự im lặng! Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tôi thấy có nhiều sai sót, mâu thuẫn. Chẳng hạn, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an Tỉnh Long An khẳng định: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.

Vậy đó là vân tay của ai? Ai mới là hung thủ thật sự? Vì sao cơ quan điều tra không truy tìm trong tàng thư căn cước để tìm chủ nhân của dấu vân tay để lại hiện trường? Hay như, con dao, cái thớt được cho là hung khí gây án cũng không được thu giữ, dù khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra làm khá kỹ (thu được cả những sợi tóc, cọng bún, hạt cơm khô, vết máu…), để rồi đến 5 tháng sau mới cho người đi mua về để mô phỏng tang vật, thậm chí còn sửa chữa kích thước con dao trong biên bản ghi lời khai của một nhân chứng, để làm cơ sở kết tội Hải…

Tấm thớt có dấu tay của hung thủ đã cố tình bị hủy. Ảnh của tác giả đi kèm bài viết

Những mâu thuẫn, sai sót đó, cùng với sự im lặng bất thường của bị can càng thôi thúc tôi muốn tìm hiểu sự thật vụ án. Tôi trở lại gặp Hải lần thứ ba. Động viên, giải thích, thuyết phục mãi, thậm chí có lúc phải dọa: “Cháu không nói ra, thì sẽ bị tử hình mà không ai cứu được”, Hải mới nói được mấy câu: “Con không giết người. Con không làm gì cả. Oan con lắm. Luật sư ơi, cứu con”. Rồi đột nhiên, mặt mày Hải nhăn nhúm lại như phải chịu đau đớn tột cùng vì một tác động từ đâu đó. Nhiều lần gặp Hải trong trại tạm giam sau đó đều tương tự như thế. Những lời kể lõm bõm, nhỏ giọt, ánh mắt thất thần, hãi hùng, lo sợ cho tôi cảm nhận dường như Hải không dám nói ra sự thật vì sự đe đọa nào đó.

 Tử tù Hồ Duy Hải trong một phiên toà trước đây (trái) và mẹ là bà Nguyễn Thị Loan đang kêu oan cho con. Ảnh RFA

3. Tôi chuẩn bị thật kỹ hồ sơ cho ngày xét xử sơ thẩm cuối tháng 11 năm 2008. Điều lạ là, dù gia đình bị cáo Hải đã nhờ tôi làm luật sư bào chữa, nhưng tại tòa vẫn có thêm một luật sư được chỉ định bào chữa cho Hải. Dù đây là việc vi phạm tố tụng, nhưng tôi thầm nghĩ, dù sao có đồng nghiệp hỗ trợ vẫn hơn và yên tâm trình bày phần bào chữa trong đó nêu ra 41 điểm sai sót trong quá trình điều tra, truy tố và khẳng định cơ quan điều tra đã suy diễn dựa vào hiện trường và lời khai của bị cáo, dù lời khai đó có nhiều điểm không phù hợp với thực tế khách quan vụ án, đồng thời đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án, điều tra lại để xác định chính xác hung thủ, không để oan sai cũng như lọt tội.

Đại diện VKS hôm đó, không tranh luận mà chỉ đọc lại cáo trạng, đồng thời cũng thừa nhận có nhiều sai sót nhưng “không thể làm lại nữa vì đây là án điểm, thời gian kéo dài lâu, dư luận bức xúc”! Điều lạ và thật lạ là, luật sư đồng nghiệp được chỉ định bào chữa cho Hải, chẳng những không bào chữa mà mau mắn nhận tội thay thân chủ và chỉ mong được giảm án từ tử hình xuống còn chung thân trong khi chính bị cáo lại kêu oan tại Tòa! Giờ giải lao, trước khi tranh luận, tôi có trao đổi với luật sư này những nội dung mâu thuẫn, sai sót, vi phạm, thì bất ngờ vị này thốt ra: “Ông nói gì được thì nói, ở đây tôi bị kẹt (?!)”. Chưa hết, sau phần trình bày của tôi, luật sư đồng nghiệp còn “buộc tội” than chủ khi cho rằng “Dấu vân tay của bị cáo không trùng với vân tay thu được tại hiện trường thì bỏ không sử dụng chứ đâu có gì (!?)” Rồi hội đồng xét xử cũng bỏ qua những sai phạm trong điều tra, truy tố để tuyên tử hình bị cáo. Đến khi xét xử phúc thẩm cũng thế, dù thừa nhận có nhiều thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng vẫn kết án tử hình Hồ Duy Hải.

Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ tử tù Hồ Duy Hải) đã khóc ngất trước cổng tòa án khi nghe thông tin về phán quyết phiên xử Giám đốc thẩm. Ảnh chụp chiếu ngày 8.5.2020

4. Từ ngày nhận lời bào chữa cho Hồ Duy Hải, tôi có điều kiện để tìm hiểu về nhân thân của thân chủ. Ông nội Hải là cán bộ miền Nam tập kết, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bà nội cũng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Còn cố ngoại của Hải lại là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình cô dì, chú bác cả hai bên đều là những người lương thiện, nông dân cần cù, chất phác. Nhiều khi tôi cứ tự hỏi, liệu một cây lành có sinh trái đắng?

Riêng Hải lại có nhiều thiệt thòi. Bố mẹ ly dị với nhau lúc Hải mới lên 5 khi bố có vợ khác. Buồn phiền chuyện tình cảm, mẹ Hải ra nước ngoài lam lũ kiếm sống. Hơn 4 năm rưỡi qua, kể từ ngày con bị bắt và kết án tử hình, người phụ nữ ấy suy sụp hẳn, già cỗi và gày còm. Đôi chân chị đã bươn chải khắp nơi để kêu oan cho con. Đã hai lần nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi còn tại nhiệm, có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, làm rõ vụ việc để tránh oan sai, nhưng sự việc gần như rơi vào im lặng. Chỉ có, TAND Tối cao trả lời, nhưng lại căn cứ vào những tài liệu có nhiều sai sót, bất cập để khẳng định việc kết án tử hình Hồ Duy Hải là có căn cứ.

Mẹ và em gái của tử tù Hồ Duy Hải

Dù không phải là thẩm phán, nhưng với những chứng cứ rõ ràng và bằng niềm tin nội tâm, tôi thật sự không tin Hải là người đã cầm dao cắt cổ hai nạn nhân như kết luận điều tra và cáo trạng. Hung thủ thật sự là ai? Hải đã phạm tội gì và đáng nhận hình phạt nào trong vụ án trên, khi lời kêu oan của bị cáo “Luật sư ơi, cứu con!”, cứ mãi ám ảnh tôi. Giả sử, nếu tiếng kêu oan không thấu trời xanh, thì có lẽ tôi chỉ có thể tự an ủi mình, có lẽ đó là định mệnh!

 Toàn cảnh phiên giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải với sự hiện diện của 17 thẩm phán

***

Phụ lục sưu tầm: Nội dung bản án có hiệu lực pháp luật

Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) đặt mua báo nên quen nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi). Tối 13/1/2008, Hải đến nơi làm việc của Hồng chơi, cùng trực đêm đó còn có Vân (21 tuổi, em họ Hồng).

Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng, nên đưa tiền cho cô em đi mua trái cây. Khi chỉ còn hai người, anh ta kéo Hồng vào phòng ngủ nhưng bị chị chống cự đạp vào bụng rồi chạy xuống bếp. Hải bóp cổ nạn nhân, vớ con dao và thớt gỗ gần đó sát hại. Sợ bị bại lộ, Hải giết luôn Vân khi cô đi mua trái cây về.

Gây án xong Hải lấy 1,4 triệu đồng, 40 sim điện thoại của bưu điện, điện thoại và một số nữ trang của các nạn nhân. Mấy hôm sau, anh ta mang điện thoại nữ trang lên TP HCM bán lấy 3,7 triệu đồng tiêu xài rồi quay về mang quần áo mặc lúc gây án ra sau vườn nhà bà Len (dì ruột) đốt.

Cuối năm 2008, bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt mức án tử hình, Hải kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 28/4/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm).
 
***

--> Read more..

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

Đi học lại


Hôm nay, 4/5/2020, học sinh các trường trong thành phố bắt đầu đi học lại sau một thời gian dài ở nhà… trốn dịch (chứ không phải là “trốn học”). 

Chắc chắn cảm giác đi học lại sẽ khác hẳn những suy nghĩ ngày nào của các bậc ông bà mà nhà văn Thanh Tịnh năm 1941 đã viết trong tập truyện ngắn Quê Mẹ. Ở bài “Tôi đi học” ông viết:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

Nhà văn Thanh Tịnh (1911-1988)

Bây giờ, làm gì có ngày cuối thu lá ngoài được rụng nhiều… ngày nay chỉ là những ngày… cô lập ở nhà. Cũng chẳng có một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh vì Sài Gòn hiện đang nóng hầm hập vì con Virus Corona.

Tuy nhiên, có một điều thật là “cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi” nhưng lại không phải là… trong lòng có sự thay đối lớn vì bắt đầu đi học. Hôm nay chỉ là ngày “đi học lại” sau một thời gian “cách ly xã hội”. Thay vào đó là những buổi học “online”, những lần chát với bạn bè và cả những lần… chẳng biết làm gì cho qua ngày bị “cấm túc”.

Cháu ngoại tôi năm nay học lớp 12, năm cuối của thời trung học. Thế cho nên, tình hình nghỉ ở nhà đặt ra nhiều nhiều thắc mắc. Thứ nhất, thi tốt nghiệp sẽ ra sao trong mùa thi nhiều biến động này?

Theo kế hoạch đã tính trước, sang năm cháu sẽ sang Úc để học tiếp đại học. Kế hoạch này không biết sẽ gặp những trở ngại gì? Về ăn ở đã có nhà của dì ở Melbourne, lại còn được gặp lại chị của cháu đã học ở đây từ hai năm trước.

Ngày đi hãy còn quá xa vời với nhiều bất trắc. Nhưng thôi, được đi học lại cũng là bước đầu tiên để giải quyết mối tơ vò phía trước, miễn là COVID-19 qua nhanh, trả lại cho mọi người những ngày tháng cũ.

Trở lại chuyện đi học lại hôm nay. Mới 6 giờ sáng đã thấy hai mẹ con lục đục sửa soạn. Cháu tuy đã lớn nhưng đi học vẫn phải có mẹ chở, hôm nào bận thì đi Grab, đưa đón tận nơi. Tôi chỉ biết vỗ vai cháu chúc… đi học lại vui vẻ.

Cháu ngoại… đi học lại!

Tôi lại thoáng nghĩ, Thanh Tịnh có bà mẹ đưa đi học ngày đầu tiên đi bộ đến trường ở làng Mỹ Lý… còn cháu tôi ngày nay ngồi trên xe gắn máy mẹ chở đến trường ở Sài Gòn! Hai tâm trạng học trò khác nhau xa nhưng hình như có một điểm chung là cùng đến trường. Một đằng Thanh Tịnh đến trường vào học lớp vỡ lòng còn cháu tôi đi học lại vào năm cuối trung học!

Mẹ cháu cũng rất “tâm lý” chụp cho cháu một tấm hình kỷ niệm trước khi đi học lại và lúc về lại ghé chợ mua một bó hoa để mừng con hết bị “cấm túc”! Hôm nay lớp cháu chỉ học có 2 “tiết” nên về sớm và cháu rất cảm động khi thấy bình hoa trên bàn. Mẹ nói:

“Mừng con đi học lại!”


***

--> Read more..

Popular posts