Virus Corona đã gần như “đánh sập” tất cả những gì nhân
loại đã xây dựng trong những năm qua sau Thế chiến Thứ nhì (1939-1945). Chỉ với
một dạng virus bé tí teo cũng đủ khiến cho mọi sinh hoạt bình thường của con người
trên toàn thế giới - từ xã hội, lối sống đến chính trị, kinh tế - đã phải thay
đổi!
Đó là điều không thể phủ nhận khi đọc những con số thống
kê trên khắp các lục địa về số người tử vong, số ca lây nhiễm cũng như số người
bị thất nghiệp, kinh tế đình đốn. “Đường
cong đồ thị” vẫn cứ ngày một cong chứ chưa được “làm phẳng”. Không biết đến
bao giờ mới trở lại “trạng thái bình thường”
của những ngày thế giới còn chưa bị… mắc dịch.
Tuy nhiên, người ta bỗng thấy le lói một chút hy vọng (dù
mong manh) khi đọc bài viết của Bác sĩ David Price. Ông chuyên về bệnh phổi tại
Khoa cấp cứu (Intensive Care Unit - ICU), Weill Cornell Medical Center, New
York. Đây là một trong những ổ dịch lớn nhất tại Mỹ.
Bác sĩ David Price
Bài viết của ông có “màu
hồng hy vọng” thay vì “màu đen tuyệt
vọng” như ta thường thấy trong các bài viết u ám về COVID-19. Chúng tôi ghi
lại một số điều BS Price viết về những kinh nghiệm chống dịch trong một bệnh viện
có 1.200 giường bệnh chỉ dành riêng cho việc điều trị bệnh nhân nhiễm
Coronavirus.
Phải nói, đây là một trong những bài viết hiếm hoi khiến
người đọc có một cái nhìn tương đối “lạc quan”, hay nói khác đi là “một nửa sự thật lạc quan” về Virus
Corona. BS Price viết (*):
“Bổn phận của tôi
là chăm sóc những ca bịnh nặng đã được đưa vào ICU. Tôi là người quyết định bịnh
nhân nào được dùng máy thở và nằm với máy thở bao lâu. Vì vậy tôi nghĩ tôi có
thẩm quyền để nói về những gì đang xảy ra. Trong ba tháng vừa rồi chúng tôi đã
học hỏi thêm được rất nhiều về con virus này. Hiện giờ, bạn nghe giọng tôi hơi
nghẹn ngào không phải vì tôi sợ mà vì… tôi thấy hết sợ! Tôi muốn chia sẻ với
quý vị để cho quý vị bớt hoang mang và biết cách bảo vệ bản thân và gia đình”.
Theo BS Price, khi virus thâm nhập vào người sẽ đi khắp
nơi trong cơ thể nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là ở phổi. Có đến 80% bịnh nhân chỉ
nói là họ “Không thấy khỏe trong người...
ho nhẹ... và nhức đầu”. Bệnh thường kéo dài từ 5 hoặc 7 đến 14 ngày. Trong
khi đó, nếu bị nhẹ thì bắt đầu ngày thứ 5 sẽ thấy khỏe lại.
Bệnh nặng hơn trong thời gian từ 3 tới 5 ngày sẽ thấy khó
thở. Tuy nhiên, bạn chỉ nên vào nhà thương khi thấy khó thở chứ nóng sốt thông
thường thì không cần đến bệnh viện vì tới ngày thứ 7 sẽ bắt đầu cảm thấy khỏe lại.
Virus nhiễm vào cơ thể qua đường lây truyền chính bằng
cách “tiếp xúc lâu” (sustained
contact) với người có bệnh hoặc sắp có triệu chứng trong vòng 1 hay 2 ngày sắp
đến.
BS Price còn xác định “sustained contact” có nghĩa là đứng
gần trong khoảng cách 6 feet (1,8 m) và tiếp xúc từ 15 đến 30 phút ở một nơi
bít bùng, đóng kín, và không có trang thiết bị bảo vệ như khẩu trang.
Thế cho nên, chúng ta không sợ con virus còn nằm trong
không khí trong khi mình vô tình đi qua sẽ bị lây. Đó là điều quan trọng mà rất
ít người biết được và đó cũng là lý do ta cứ lo sợ. Tóm lại, cách duy nhất để bị
lây bệnh là khi virus dính vào tay mình rồi mình lại đưa tay lên sờ vào mặt để
nó lây truyền vào cơ thể.
Xin nhắc lại một lần nữa: phần đông những người bị nhiễm
là do họ chạm tay vào người bịnh rồi đưa tay lên sờ vào mặt mình. Khi hiểu được
nguyên lý này thì chúng ta biết được “một
nửa sự thật” về Virus Corona. Và đó cũng là lý do BS Price “bắt đầu cười lại được” vì ông biết mình
sẽ không bị nhiễm.
Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc nhở chúng ta hai điều
quan trọng sau đây:
(1) Con virus lúc nào cũng hiện diện trong cộng đồng mình
đang sống;
(2) Cần phải rửa tay thường xuyên, cần để ý tay mình vừa
chạm vào đâu, đụng vào cái gì và nhớ lúc nào cũng tẩy bằng “hand sanitizer” hoặc
rửa tay cho sạch.
Bản thân ông Price đi đâu cũng mang theo lọ Purell (nước diệt
khuẩn). Ví dụ, đi từ nhà trọ ra thang máy vẫn có thể bấm nút thang, nhưng sau
đó liền đổ một vài giọt Purell vào tay. Ra đến cửa cũng vậy, có thể dùng tay mở
cửa nhưng sau đó lại dùng Purell vì giữ tay sạch sẽ không bị nhiễm virus.
Dung dịch diệt khuẩn Purell
Điều cần nhớ, bệnh dịch này không phải là một người bịnh
chạm vào thứ gì rồi cả cộng đồng lây theo khi đụng vào thứ đó. Chúng ta chỉ lây
khi tiếp xúc với nhau lâu theo dạng “sustained contact”. Muốn kỹ hơn thì rửa hoặc
tẩy trùng tay sau khi chạm vào bất cứ vật gì mà người khác đã chạm vào.
Điều chúng ta cần phải để ý và tránh thói quen ưa chạm hoặc
rờ lên mặt (chẳng hạn như dụi mắt, ngoáy mũi, nặn mụn...). Covid chỉ lây khi bạn
bắt tay một người bịnh, rồi đưa tay lên sờ vào mặt mình. Đơn giản chỉ có vậy.
Ông cũng khuyên mọi người nên đeo khẩu trang, không phải
vì nó sẽ bảo vệ hay ngăn ngừa được Covid nhưng nó sẽ tập cho bạn thói quen tốt
là… không rờ vào mặt. BS Price kết luận:
CHỈ CẦN TAY SẠCH VÀ KHÔNG RỜ VÀO MẶT LÀ 99% CHÚNG TA SẼ
KHÔNG BỊ NHIỄM.
Cũng không cần đeo khẩu trong y tế (medical mask) như loại
N95. Chỉ dùng N95 trong những trường hợp đặc biệt mà thôi. “Cần giữ khoảng cách an toàn với mọi người, rửa tay thường xuyên, thì
các bạn không phải lo gì cả”.
Xin nhắc lại, đó là “một
nửa sự thật lạc quan” về Virus Corona mà rất ít người khám phá. Chúng ta
thường chỉ biết “một nửa sự thật bi quan”
qua hàng trăm các bài viết nặng mề khác về bệnh dịch.
Việt Nam ta có câu “Trời
kêu ai nấy dạ” nhưng trong trường hợp bệnh dịch này chúng ta cần biết “một nửa sự thật kia” để không bị… mắc dịch.
Trời sẽ không gọi tên chúng ta nếu như ai cũng biết sự thật
để phòng tránh!
***
(*) Tham khảo vài viết của BS David Price “Coronavirus:
Straight answers from a doctor on the front lines” tại https://www.silive.com/coronavirus/2020/03/coronavirus-straight-answers-from-a-doctor-on-the-front-lines.html
* Bài nói chuyện của BS David Price trên YouTube: https://www.youtube.com/watch?v=kcKTzefEJFM
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét