Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

Quá tam ba bận!

Ngày 5/8/2021, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với vaccine Moderna phòng Covid-19. Hơn một tháng sau, được chích mũi thứ 2, vaccine Pfizer. Bẵng đi một thời gian, giữa tháng 12 tổ dân phố phát mẫu đơn “xin đăng ký” để được chích mũi thứ 3 dành cho những người cao tuổi.

Lần chích thứ 3 có phần “nhiêu khê” hơn 2 lần trước. Ngoài việc làm đơn xin còn phải chịu 2 lần “ngoáy mũi” cách nhau 1 ngày để làm test. Lần test thứ nhất, nhân viên y tế “chọc” que vào mũi sâu quá khiến tôi phải phản ứng bằng các nhăn mặt… Theo anh nhân viên, phải chuyển sang… "ngoáy mũi khác để có kết quả trung thực!"



Tại thời điểm thực hiện test PCR trước khi được tiêm mũi vaccine thứ 3 đang rộ lên vụ lùm xùm về bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á. Chuyện bắt đầu từ ngày 26/4/2020 Bộ Khoa học & Công nghệ ra thông báo cho hay, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam, giao cho Học viện Quân Y và công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.

Sau đó bộ xét nhiệm được cấp phép đăng ký lưu hành và sản phẩm đã được đưa vào sử dụng, cung ứng hàng triệu bộ cho khắp cả nước, đạt doanh thu gần 4.000 tỉ đồng với giá bán được thổi tới 470.000 đồng/kit qua việc nâng khống giá thiết bị, và chi phí nguyên vật liệu sản xuất.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/12/2021 vừa gửi thông cáo báo chí về kit xét nghiệm covid-19 của Việt Á. Theo đó, bộ kit mang mã số EUL 0524-210-00 được kết luận là đã không cung cấp được bằng chứng bằng văn bản về an toàn, hiệu suất và hệ thống quản lý chất lượng thiết bị y tế như yêu cầu.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: “Theo báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO, kết quả thẩm định với bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là "Not Accepted" (không được chấp nhận)”

Bộ xét nghiệm của Việt Á bị truy cứu trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan tại nhiều tỉnh thành thông qua các cuộc đầu thầu khiến dư luận hiện rất quan tâm và lên án. Vấn đề không chỉ đơn thuần là tham nhũng, tác hại sâu xa hơn là sức khỏe của người dân.

Bộ xét nghiệm của Công ty Việt Á


Cuối cùng, ngày 21/12 tôi được chích mũi thứ 3, lần này là vaccine của Pfizer. Cả 3 lần đều diễn ra tại những địa điểm khác nhau nhưng được cái đều nằm trên phạm vi của quận. Người đến chích là dân cùng các tổ dân phố trong phường nên chỉ mất trên dưới 1 tiếng.

Mũi chích thứ 3 không biết gọi là gì cho đúng thuật ngữ chuyên môn? Phải chăng là “mũi tăng cường”, “liều tiêm nhắc lại” (booster dose), “liều thay thế" (mix and match) hay “liều tiêm bổ sung” (additional dose)?

Với liều bổ sung, nguyên tắc thực hành chuẩn là tiêm cùng loại. Nhưng theo WHO, trong trường hợp hạn chế nguồn cung cùng loại vaccine, các loại khác công nghệ trong danh sách sử dụng khẩn cấp có thể được cân nhắc. Cụ thể là trong trường hợp của tôi: tiêm hai loại Moderna và Pfizer.

Hướng dẫn tiêm liều bổ sung

Đọc báo chí nước ngoài thấy ngày 20/12/2021 có đăng tin Moderna vừa nhận được phép của FDA Mỹ (Food and Drug Administration - Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm) trong việc thử nghiệm “liều tăng cường” trước tình hình biến thể Omicron ngày càng lan mạnh.

Theo Moderna, họ đã thử nghiệm trên hai nhóm, mỗi nhóm 20 người: một nhóm gồm những người đã nhận 2 đợt chích vaccine với liều lượng 50mg và nhóm kia với 100mg. Kết quả cho thấy, sau một tháng nhóm nhận được 50mg có khả năng trung hòa gấp 37 lần so với nhóm thứ hai gấp 83 lần.

Hướng dẫn tiêm liều nhắc lại


Chuyện về con virus Corona chắc vẫn còn dài dài với các biến thể cũng như các cách chữa trị và phòng chống. Thế cho nên câu nói của người xưa “Quá tam ba bận” sẽ không còn đúng nữa.

Có lẽ chúng ta nên sửa lại thành: “Quá tam… vô số bận”.

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Gone with the wind - Cuốn theo chiều gió

“Gone with the wind” là một tác phẩm nổi tiếng thế giới, được Margaret Mitchell (1900-1949) sáng tác vào năm 1937. Đây cũng là tác phẩm duy nhất trong sự nghiệp văn chương của bà viết về cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ, dựa vào bối cảnh tại Georgia và Atlanta thuộc miền Nam trong suốt thời chiến tranh và tái thiết đất nước.


Margaret Mitchell (1900-1949) và tác phẩm


Tác phẩm đã được dịch sang rất nhiều thứ tiếng, riêng về tiếng Việt đã có rất nhiều bản dịch với cùng một nhan đề là “Cuốn theo chiều gió”. Đó là một tựa sách “không thể nào hay và đầy đủ ý nghĩa hơn” so với tựa đề nguyên bản. Các dịch giả cũng gồm cả những người trong Nam trước năm 1975 như Vũ Kim Thư hoặc ngoài Bắc sau này như Dương Tường.



“Cuốn theo chiều gió”



“Cuốn theo chiều gió” là một cuốn “trường thiên tiểu thuyết” đã giành giải Pulitzer. Thoạt đầu Margaret Mitchell có ý định đặt nhan đề “Tomorrow is another day” (Ngày mai là một ngày khác) cho cuốn sách, lấy từ câu kết thúc tác phẩm, thay vì tựa đề “Gone with the wind” như chúng ta biết đến ngày nay.

Nội dung chính của câu chuyện diễn ra trong suốt 12 năm (từ 1861 đến 1873), xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Scarlett O’Hara từ khi còn là một thiếu nữ 16 tuổi tại trang trại Tara của gia đình tại Georgia. Đến khi trưởng thành tại miền Nam, cô có tới 3 đời chồng và có 3 đứa con.

Đây là giai đoạn nước Mỹ xảy ra cuộc nội chiến (1861-1865) giữa hai miền Nam-Bắc. Miền Bắc chủ trương giải phóng nô lệ với 25 tiểu bang ủng hộ chính quyền Liên bang của Tổng thống Abraham Lincoln, trong khi 11 tiểu bang miền Nam chống lại và quyết định ly khai lập thành Liên minh miền Nam (Confederacy).



Nội chiến Nam – Bắc


Georgia là một trong các tiểu bang miền Nam, nơi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào các đồn điền trồng bông vải, tận dụng sức lao động của nô lệ da đen trong một xã hội trật tự theo lối xưa, trọng tình nghĩa, thứ bậc, khá gần với kiểu phong kiến châu Âu. Các tiểu bang miền Bắc có nền kinh tế nghiêng về công nghiệp, hướng theo lối làm ăn tư sản.

Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi Lincoln thắng cử tổng thống năm 1860, và cuộc nội chiến duy nhứt trong lịch sử Mỹ đã diễn đã diễn ra. Thất bại sau cùng thuộc về phe miền Nam, họ yếu thế hơn hẳn, xét về dân số, quân số, tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự.

Trong cuốn truyện, cuộc nội chiến Mỹ được kể lại rất sinh động từ góc nhìn của những người dân miền Nam. Ban đầu họ tự tin tới mức ngạo nghễ, xem thường đối phương từ ngay cách gọi khinh miệt “Bọn Yankee”, coi chiến thắng là điều tất nhiên.

Sau đó dần dần từ quan tới lính và dân miền Nam đều nhận ra thất bại là không thể nào tránh khỏi, nhưng họ vẫn nỗ lực hết mình trong một cuộc “chiến tranh nhân dân” đầy hào khí.

Những suy nghĩ, những sinh hoạt của người Georgia trong giai đoạn này được miêu tả vô cùng sinh động và kỹ lưỡng, qua nhiều câu chuyện về nhiều nhân vật khác nhau: thanh niên, phụ nữ, người già và cả người nô lệ da đen.

Nhiều năm sau khi miền Nam đã bị đánh bại, cái hố sâu ngăn cách giữa hai miền vẫn còn, việc đối xử của chính quyền thắng trận với các tiểu bang thua trận cũng gây ra vô số vấn đề phức tạp, dẫn đến phản ứng của dân miền Nam khi lập ra “đảng áo trắng” Klu Klux Klan, kỳ thị người da đen.



“Đảng Áo Trắng” Ku Klux Klan kỳ thị chủng tộc tại Miền Nam


Độc giả Việt Nam không thể không liên tưởng cuộc nội chiến Mỹ với cuộc chiến tranh 54-75 tại quê hương. Có điều, tại Mỹ đã không xảy ra tình trạng “cải tạo”, “đánh tư sản”, “đi kinh tế mới” hoặc “đổi tiền” như tại miền Nam Việt Nam.

Tác phẩm cũng cho ta cái nhìn tổng quát về chiến tranh, hàng loạt những quan điểm về chiến tranh được tác giả lồng ghép, khi mà kẻ thắng và người thua thực chất vẫn là kẻ thất bại, ngay từ khi họ phát động chiến tranh. Thứ chính nghĩa mơ hồ chẳng là gì so với những mất mát người dân phải trả giá.

Những câu chuyện của thời chiến, về sự chia cắt và sự thiếu thốn, được đặc tả rất thật, để độc giả hiểu được cái giá quá đắt của chiến tranh, đó là mạng người và cuộc sống bình thường ai cũng khao khát. Điều này được thể hiện rất rõ qua sự ám ảnh của nhân vật chính Scarlett: luôn bị đói, thiếu thốn mọi bề.

Scarlett biết rằng người nàng thầm yêu từ lâu, Ashley Wilkes, chuẩn bị đính hôn với cô em họ là Melanie Hamilton ở Atlanta. Scarlett cho rằng Ashley có ý định đính hôn vì chàng không biết nàng đã yêu mình. Nàng quyết định sẽ thổ lộ tình yêu với chàng và rủ chàng đi trốn. Nhưng mọi thứ không theo kế hoạch của Scarlett vì tuy Ashley ân cần với nàng nhưng nói rằng chàng vẫn sẽ cưới Melanie trước khi lên đường nhập ngũ.

Scarlett đã nhận lời lấy Charles Hamilton để “trả thù” Ashley. Cuộc Nội chiến nổ ra và các chàng trai phải đi nhập ngũ. Số phận thật nghiệt ngã, Charles đã chết vì bệnh đậu mùa ở căn cứ Nam Carolina trước khi có dịp ra chiến trường, để lại cho nàng một đứa con trai.

Scarlett đến Atlanta, tại đây cô nhanh chóng hòa mình vào sự nhộn nhịp và hối hả của thành phố này. Tại đây, nàng đã gặp Rhett Butler, người trước đây vẫn thường trêu chọc nàng. Giờ đây Rhett là một thuyền trưởng vượt phong tỏa, chuyên chở các mặt hàng thiết yếu cho miền Nam.

Kể từ đó mối quan hệ giữa Scarlett và Rhett được cải thiện. Rhett bằng bản tính hài hước, hay trêu chọc Scarlett và cố làm cho nàng vui. Tuy nhiên gần như cả thành phố đều căm ghét hắn. Trong khi đó Scarlett lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Ashley.

Ashley chỉ quan tâm đến vợ mình, Melanie, và ngày Ashley rời nhà trở lại chiến trường, Scarlett lại một lần nữa thổ lộ tình yêu với chàng hi vọng chàng sẽ bỏ vợ để cưới nàng nhưng chàng không nói gì và nhờ nàng chăm sóc Melanie nếu chàng có mệnh hệ gì ngoài chiến trường.



Nội chiến Mỹ dưới hai màu cờ Bắc - Nam


Ở Phần 3 của truyện, cuộc nội chiến ngày càng diễn biến bất lợi cho miền Nam, người dân thành phố Atlanta phải di tản. Scarlett và Melanie không thể đi cùng mọi người vì Melanie đang có thai và có thể sinh con bất cứ lúc nào.

Sau khi Melanie sinh con, Scarlett phải cầu cứu Rhett và anh đã lấy cắp của quân đội một chiếc xe ngựa để chở Scarlett, Melanie và con chạy khỏi Atlanta. Tuy vậy, đi đến giữa đường thì Rhett bỏ mặc họ để gia nhập quân đội. Trước khi đi, anh hôn nàng và nói yêu nàng nhưng Scarlett giận dữ, chửi rủa và tát anh thẳng cánh.

Scarlett trở về đồn điền Tara khi mẹ mất, ngôi nhà bị tàn phá nặng nề, phần lớn các nô lệ đã bỏ trốn. Giờ đây, Scarlett trở thành chủ nhân đích thực của đồn điền bông vải và với bản tính ngoan cường, cách suy nghĩ thực tế, nàng dần vực dậy trang trại, làm mọi công việc, kể cả những việc mà khi xưa chỉ có nô lệ làm.

Chiến tranh kết thúc, nhưng một lần nữa số phận nông trại lại bị đe doạ khi “Chính phủ Yankee” tăng tiền thuế của đồn điền khiến Scarlett phải nhượng lại Tara cho tên quản gia Jonas Wilkerson, người Yankee và cũng là một kẻ da trắng cặn bã.

Để có tiền cứu Tara, Scarlett phải đến Atlanta mượn tiền Rhett. Lúc này Rhett vô cùng giàu có nhưng có lúc cũng phải ngồi tù. Scarlett đến thăm Rhett để mượn một khoản tiền mà không để anh biết là nàng đang cố tán tỉnh anh... chỉ vì tiền.

Nàng đã gần như thuyết phục được Rhett cho đến khi mắt anh thấy bàn tay chai sần của Scarlett, bằng chứng cho những công việc nặng nhọc mà nàng đã làm vì hoàn cảnh gia đình, khiến cô phải thú nhận mục đích thật sự của chuyến viếng thăm chỉ vì tiến khiến Rhett đã từ chối.

Trong cơn tuyệt vọng, Scarlett tình cờ gặp Frank Kennedy, chồng chưa cưới của Suellen, nay đã là chủ một cửa hàng và có một khoản tiền kha khá. Scarlett nói dối rằng Suellen đã lấy người khác và quyến rũ Frank để lấy mình.

Scarlett đã thành công với việc quyến rũ Frank và có tiền cứu Tara. Trong khi đó, Rhett ra tù và cho nàng mượn tiền để có thể mua thêm xưởng cưa với điều kiện: không được dùng tiền giúp Ashley Wilkes.

Scarlett điều hành xưởng cưa rất thành công nhưng nó cũng làm cho nàng bị nhiều dị nghị vì đó không phải là việc dành cho phụ nữ. Nàng đã có thai với Frank nhưng vẫn thường xuyên làm việc nơi công cộng nên ngày càng nhiều người khinh ghét.

Scarlett đã mời Ashley trở lại Atlanta giúp nàng điều hành xưởng cưa và ngăn chàng lên miền bắc kiếm việc làm. Ashley lưỡng lự nhưng Melanie kiên quyết đồng ý nên Ashley đành chiều theo ý vợ.

Sau khi sinh con, Scarlett thường xuyên lái xe ngựa một mình đến xưởng cưa mặc dù đã nhiều lần được cảnh báo về sự nguy hiểm. Một ngày nọ nàng bị một tên da trắng nghèo khổ và một tên da đen giải phóng tấn công và suýt bị cưỡng hiếp. May mắn có Big Sam, một nô lệ da đen từng làm việc ở Tara, đã cứu nàng kịp thời.

Frank, Ashley và một số người đàn ông khác thuộc đảng Ku Klux Klan phải đi trả thù và kết cục là Ashley bị thương và Frank bị giết. Còn các thành viên khác được Rhett tìm cách cứu họ. Sau cái chết của Frank, Rhett ngay lập tức cầu hôn Scarlet trước khi nàng có thể lấy một người nào khác.

Và đây là tâm trạng của Scarlet trước lời cầu hôn của Rhett trong hồi kết của “Cuốn theo chiều gió”:

"Bây giờ mình chưa nghĩ đến chuyện đó vội", nàng nghĩ thầm, vận dụng câu thần chú quen thuộc: "Bây giờ mà mình nghĩ đến nỗi mất chàng, thì mình phát điên mất. Để đến mai đã".

Scarlett sau đó cũng sinh cho Rhett một đứa con gái mặc dù nàng cũng không hề muốn. Chỉ vì “tình đầu” với Ashley, Scarlett kiên quyết không ngủ chung với chồng để tránh việc mang thai lần nữa. Rhett tức giận và cãi cọ liên tục với nàng về mối quan hệ bạn bè, cách nuôi dạy con cái. Anh muốn con gái mình sẽ trở thành một công chúa trong tầng lớp thượng lưu miền Nam cũ. Rồi Rhett cùng với con gái đi khỏi Atlanta...

Trong một lá thư viết ở thời điểm 5 tháng sau khi “Gone with the wind” được xuất bản và nhanh chóng trở thành sách bán chạy nhất tại Mỹ hồi năm 1936, tác giả Margaret Mitchell viết:

“Về kết thúc của cuốn tiểu thuyết và liệu rằng Rhett có quay về với vợ không, thực tình chính tôi cũng không biết. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ về tương lai của các nhân vật sau khi câu chuyện khép lại. Tôi không hề lên kế hoạch trước cho tác phẩm, vì vậy, số phận các nhân vật cũng nằm ngoài khả năng tiên đoán và dự liệu của tôi”.


Tác phẩm “Gone with the wind”



Phim “Gone with the wind” do David O.Selznick sản xuất với đạo diễn Victor Fleming và kịch bản của Sidney Howard. Bộ phim được quay ở miền Nam nước Mỹ trong thời nội chiến. Các diễn viên chính bao gồm: Clark Gable, Vivien Leigh, Leslie Howard, Olivia de Havilland và Hattie McDaniel.

Ra mắt từ năm 1939 nhưng đến nay cuốn phim vẫn đứng đầu danh sách 100 bộ phim có doanh thu thành công nhất tại Mỹ. Kể từ khi được phát hành, “Cuốn theo chiều gió” đã đạt gần 2 tỷ USD doanh thu theo quy đổi lạm phát đồng tiền.



Poster phim “Gone with the wind”


Trong phim, tác giả đã để Rhett Butler nói một câu chửi thề “rất thật” với Scarlett O’Hara khiến độc giả phải ngỡ ngàng. Câu chửi thề bày tỏ mối quan tâm của người dân Mỹ sau cuộc nội chiến nói riêng và cả những suy nghĩ về chính trị của mọi người trong thời đại này.

“Frankly, my dear, I don’t give a damn”

(Thật lòng mà nói, em yêu à, anh cũng đếch thèm quan tâm!).

Nhân vật phụ “bà vú” Mammy do Hattie McDaniel thủ vai nhận được giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Bà là người phụ nữ Mỹ gốc Phi nhận được vinh dự tại giải của Viện Hàn lâm. Sự thật đáng buồn đã xảy ra tại buổi lễ trao giải Oscar, bà đã không có cơ hội được ngồi cùng những người người bạn đồng diễn chỉ vì là người da đen và phải ngồi ở khu vực riêng tách biệt.

Đứng từ quan điểm xã hội, “Cuốn theo chiều gió” bị chỉ trích vì các tình tiết dường như hướng đến việc cổ xúy chế độ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ. Trong phim, những nhân vật da trắng được khắc họa đầy lý tưởng, tao nhã, khớp với hình mẫu "anh hùng", trái ngược những người Mỹ gốc Phi luôn ở thế dưới, đóng vai những người hầu phục vụ họ.



“Bà vú da màu” Mammy do Hattie McDaniel thủ vai nhận được giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất


Nữ diễn viên Vivien Leigh hình như sinh ra để trở thành nàng Scarlett O’Hara đầy cá tính còn Clark Gable nhiều năm qua đóng khung với Rhett Butler. Họ yêu nhau trong phim nhưng lại là những người xa lạ phía sau ống kính.

Với nụ cười nửa miệng, Clark Gable như chàng Rhett Butler bước ra từ tiểu thuyết. Phía sau ống kính, Gable hóa ra lại không thích bộ phim và nhân vật của chính mình như người ta tưởng tượng.

Nữ diễn viên Olivia de Havilland, người đóng vai cô em họ Melanie trong phim, từng chia sẻ về những câu chuyện phía sau ống kính khi bà bước vào tuổi 100.

“Tôi được biết Clark Gable không thích cuốn tiểu thuyết này. Theo anh ấy, “Cuốn theo chiều gió” là câu chuyện về những người phụ nữ. Tại thời điểm đó, anh đang hoàn tất thủ tục ly hôn, anh ấy ghét nhân vật Rhett Butler. Thực tế là anh ấy cần tiền để giải quyết ly hôn, anh ấy cần đóng bộ phim này vì tiền”.



Clark Gable và Vivien Leigh trong phim


Mối quan hệ giữa Vivien Leigh và Clark Gable còn bị miêu tả là “bất hòa”. Trong một lần phỏng vấn, Vivien Leigh thẳng thắn nói: “Hôn Clark Gable không hề thú vị chút nào. Tôi không thích hàm răng giả và hơi thở đầy mùi của anh ta”.

Một điều khiến Vivien Leigh không ưa Clark Gable còn vì khoảng cách thù lao quá lớn giữa hai người. Cô phải làm việc trong 125 ngày và được nhận 200 USD một ngày. Trong khi bạn diễn nam làm việc trong 10 tuần và nhận 12.000 USD cho mỗi tuần. Điểm chung giữa Clark Gable và Vivien Leigh trên phim trường có chăng là thuốc lá. Clark Gable có thể hút 3 bao thuốc mỗi ngày còn Vivien Leigh hút tới 4 bao.

Họ cũng có những bước ngoặt buồn trong cuộc đời. Vivien Leigh từ một ngôi sao hàng đầu trở thành nữ diễn viên bị chê gàn dở, tâm thần bất ổn, nghiện rượu. Vivien Leigh ly hôn Laurence Oliviver vào năm 1961 và qua đời vì bệnh lao khi mới 54 tuổi. Clark Gable từng rơi vào giai đoạn bế tắc vì rượu và chất kích thích sau khi bạn đời Carole Lombard qua đời do tai nạn máy bay. Ông mất năm 1960 do đột qụy ở tuổi 59.



Cảnh trong phim “Gone with the wind”


Chiến tranh bao giờ cũng tàn nhẫn. Dù đó là một cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ hay là cuộc chiến đã qua tại Việt Nam. Số phận của người phụ nữ dù không thực sự dấn mình trong lằn tên mũi đạn nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn luôn ám ảnh cả trong thời chiến lẫn thời bình!

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Đèn không hắt bóng

“Đèn không hắt bóng” là gì? Đó là đèn nhiều bóng đèn phụ gắn quanh bóng đèn chính, khi được bật sáng thì những bóng phụ có nhiệm vụ làm sáng những phần tối do bóng chính gây ra. Nếu chỉ có một bóng đèn chính mà không có các đèn phụ thì bàn tay bác sĩ đưa vào vùng mổ, cái bóng của bàn tay sẽ khiến họ không thấy rõ và gây khó khăn trong việc mổ xẻ.



Đèn không hắt bóng trong phòng phẫu thuật



Tác phẩm “Đèn không hắt bóng” được nhà văn người Nhật, Junichi Watanabe, sáng tác vào năm 1971, mang chủ đề về bệnh viện với những chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa bác sĩ, y tá và bệnh nhân.

Trong “Đèn không hắt bóng” chỉ có một sự thật trần trụi tựa như thân thể con người dưới ngọn đèn không hắt bóng của phòng mổ diễn ra tại Bệnh viện Oriental nhưng người đọc có thể bắt gặp ở bất kỳ một bệnh viện nào khác trên hành tinh này!

Trong cái xã hội thu nhỏ đó không hề có những giá trị y đức hão huyền, không có những hành động cao thượng như người ta thường thêu dệt. Trái lại, tác phẩm mang đậm nét về sự cô đơn và phản kháng của con người về đạo đức, về lòng tốt. Những nhân vật thường mang trong mình những tâm lý nặng nề, đầy mâu thuẫn và trăn trở.



Không có vùng tối dưới ánh đèn mổ



Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là bác sĩ Naoe, 37 tuổi, được mô tả có phần nào “cường điệu”. Ngay từ đầu câu chuyện, tác giả mô tả tính cách khác thường của Naoe:

“… có dáng cao và gầy, gương mặt mệt mỏi, xanh xao. Trong những đường nét cân đối, sắc gọn như đẽo của gương mặt ấy có một cái gì băng giá khiến người ta phải rùng mình. Trong cái vẻ điềm đạm của đôi mắt lạnh lùng ấy có một cái gì thật ghê sợ...”.

Bác sĩ Naoe có nhiều tật xấu. Ngay từ đầu truyện, anh đã bỏ đi uống rượu ngay trong phiên trực. Khi xe cấp cứu chở một tên du đãng thương tích nặng nề đến bệnh viện, nhân viên phải gọi điện thoại đến quán rượu để mời bác sĩ về. Naoe quyết định “nhốt” tên du đãng trong nhà vệ sinh và chỉ đợi đến khi nào hắn hết la lối mới ra tay cứu chữa!

Qua bản dịch của Cao Xuân Hạo, vụ “nhốt bệnh nhân trong toilet” đã được giải quyết:

“Ba mươi phút sau mọi việc đã xong xuôi. Phải khâu lại rồi đưa lên tầng ba, tầng của các phòng bệnh nhân hạng ba. Hắn vẫn còn say nên hoàn toàn không đau đớn gì. Khi khâu mũi cuối cùng, thậm chí hắn cũng không hề nhúc nhích…”

Lại nữa, với sự đồng ý của bác sĩ trưởng Bệnh viện Oriental, Naoe còn thực hiện những ca mổ “để đời”. Bệnh nhân già Ishikura bị ung thư nhưng bệnh viện nói với ông cụ rằng đó chẳng qua là bệnh loét dạ dày. Rồi sau đó, khi đã thấy rõ là di căn đã phát triển quá xa họ nói với ông cụ cần phải mổ.

Phải che giấu sự thật khủng khiếp, để mặc cho bệnh nhân chết một cái chết kéo dài như vậy thật không dễ chút nào. Những năm gần đây người ta thường chữa ung thư bằng phẫu thuật, và bây giờ cái việc “đọc kinh cầu hồn” đã được giao lại cho các bác sĩ phẫu thuật!

Naoe đề nghị với bác sĩ trưởng một cuộc giải phẫu cho có lệ: rạch da bụng mà chuyên môn gọi là Laparotomie. Chỉ cần rạch lớp da bên ngoài bụng là đủ và làm như vậy sẽ không ảnh hưởng gì đến thể trạng của bệnh nhân. Ngược lại, ông cụ Ishikura sẽ yên tâm vì tưởng rằng người ta đã tiến hành một phẫu thuật thực sự cho mình!

Naoe ít khi mở miệng nói gì, nhưng khi đã nói thì chỉ đi vào cốt lõi của những điều cần nói. Các bệnh nhân, kể cả những người không biết gì về cái quá khứ vẻ vang của anh ở trường đại học, cũng đều đánh giá được rất nhanh những phẩm chất ưu tú của người bác sĩ phẫu thuật.




Trong phòng mổ



Chậm rãi và nhẹ nhàng, ngòi bút của nhà văn Watanabe đã giúp người đọc khám phá những góc tối trong cuộc đời Naoe khi anh một mình chống chọi với bệnh ung thư, từ đó làm nổi bật hình ảnh của một người thầy thuốc cô độc, không dám đối diện với con người thật của chính mình.

Naoe đã tạo nên một “vỏ bọc hoàn hảo” để không ai thấy được tình trạng sức khỏe của mình. Anh mắc phải căn bệnh ung thư xương vô phương cứu chữa và một mình đối mặt với những đau đớn về thể xác. Thậm chí còn phải dùng ma túy để làm dịu những cơn đau.

Chỉ vì sử dụng morphine mỗi lần lên cơn đau mà vẻ bề ngoài của Naoe ngày một tàn tạ, đôi lúc mọi người thấy anh rất mệt mỏi và thường xuyên đi làm trễ. Mọi người chỉ nghĩ rằng vị bác sĩ ấy kiệt sức do công việc quá nhiều nên ít ai dám gần gũi để tâm sự.




Tác phẩm “Đèn không hắt bóng”



Bên cạnh người thầy thuốc vừa cứu giúp bệnh nhân lại vừa một mình chống lại bệnh tật của bản thân là hình ảnh của cô y tá Noriko Shimura, mới 24 tuổi, nhưng đầy vị tha, chân thành, đầy kiên nhẫn và đầy lòng hy sinh.

Có một cái gì nhẫn nhục quá đáng làm cho người đọc nhiều lúc phải bực mình vì Noriko! Mối tình giữa cô và bác sĩ Naoe quả là đặc biệt. Trong khi Noriko tỏ ra quan tâm săn sóc Naoe bao nhiêu thì vị bác sĩ này hờ hững, lạnh lùng bấy nhiêu. Ta hãy nghe đối thoại giữa hai người:

- Alô? - Giọng buồn ngủ của Naoe đáp lại.

- Em đây, - Noriko nói khe khẽ như thể sợ có ai nghe thấy. - Chúng em vừa ăn tối xong, xin cám ơn bác sĩ về món sushi.

- Không có gì.

- Hãy còn đây. Anh không ăn nữa à?

- Không.

- Ăn một tí thôi nhé.

- Tôi đã bảo là không.

- Vâng, em quên mất... khi anh đi chưa về có bốn bệnh nhân đến: hai người đến thay băng, hai người đến tiêm. Chúng em đã làm đúng như đã dặn.

- Tốt.



- Anh rỗi vào ngày mai hay ngày kia?

- Mai thì không rỗi, có việc.

- Thế còn ngày kia? Hay một ngày nào khác...

- Có lẽ ngày kia...

- Thế thì ngày kia, ở chỗ cũ nhé?

- Được. Lúc sáu giờ. Này, em đang ở đâu đấy?

- Ở phòng cấp cứu. Chỉ có mình em.


(hết trích)



Sẽ là điều rất bình thường, chưa có lần nào anh đến trước giờ hẹn với Noriko tại quán cà phê Phoenix. Nơi đây họ bắt đầu hẹn hò chỉ một tháng sau khi anh đến làm việc ở bệnh viện. Hai người đã trở thành gần gũi ngay từ buổi hẹn đầu tiên.

Từ quán cà phê họ đưa nhau đến quán ăn, rồi về khách sạn. Nhìn từ bên ngoài, mọi sự có vẻ như thể Naoe lôi cuốn và quyến rũ Noriko, nhưng thật ra, mặc dầu anh không ngờ, anh chỉ “lăn theo đường ray” do Noriko đặt sẵn.

Noriko không còn là một cô gái ngây thơ, thiếu kinh nghiệm. Ba năm trước đây, khi cô mới tốt nghiệp trường y tá, Noriko có quen với một thanh niên hơn cô năm tuổi. Hai người gặp nhau hoàn toàn do sự tình cờ: Noriko gặp anh ta vào một hôm anh đến khám bệnh. Và vào một ngày đẹp trời anh ta dùng sức chiếm đoạt Noriko một cách thô bạo.

Cuộc dan díu của họ kéo dài nửa năm, rồi sau đó những quan hệ giữa hai người bị đứt đoạn. Nói chung, ngay từ đầu đã có thể thấy rõ rằng đối với anh ta, đây chẳng qua là một trò giải trí, và Noriko thề với bản thân là từ nay đến chết sẽ không bao giờ dan díu gì với đàn ông nữa.

Thế nhưng bây giờ cô không sao tưởng tượng là mình có thể thiếu Naoe được. Ngay cả sự chờ đợi khắc khoải những khi Naoe trễ hẹn - mà đối với Naoe thì đó là chuyện thường xuyên - cô cũng vui lòng chịu đựng.

Ban đầu, Noriko thấy Naoe khô khan và rất khó gần. Một ông thầy thuốc lạnh lùng, gần như không cảm xúc với các bệnh nhân cũng như y tá. Naoe ít khi nói chuyện, có chăng cũng chỉ nói về những điều cần thiết nhất khiến thái độ lãnh đạm của anh nhiều khi gần như thô lỗ.

Nhưng ngay từ tuần đầu cô đã có dịp phụ mổ cho Naoe và cô đã phải kinh ngạc trước trước sự tinh vi và chính xác trong cách làm việc của anh dưới anh đèn không hắt bóng. Cắt ruột thừa là một phẫu thuật tối đơn giản, chẳng có gì khó khăn đối với bất kỳ một bác sĩ phẫu thuật nào, huống hồ đối với một phó giáo sư trong bệnh viện của trường đại học.

Tài ba của Naoe không phải ở chỗ đường khâu nhỏ và gọn gàng, và thậm chí cũng không phải ở chỗ toàn bộ cuộc phẫu thuật được hoàn thành đúng trong vài phút: ở đây không có một động tác thừa, không bao giờ con dao mổ ấn xuống một cách ngập ngừng, không bao giờ một động tác đã bắt đầu lại ngừng lại ở giữa chừng.

Những ngón tay dài và thon của Naoe bao giờ cũng đặt đúng vào nơi cần thiết. Noriko là một nữ y tá chuyên phụ mổ, cô đã được chứng kiến không ít những ca phẫu thuật, nhưng chưa bao giờ cô được trông thấy một sự hoàn mỹ như vậy.



Tác phẩm “Đèn không hắt bóng” – Bản dịch của Cao Xuân Hạo



Thế rồi, cái chết của Naoe được nhà văn Watanabe thuật lại:

“Thân hình của Naoe từ từ chìm xuống sát vực sâu lạnh lẽo... Một cách lặng lẽ, không một tiếng động. Hai cánh tay anh quờ quạng trong làn nước trong, tìm một nơi bấu víu... Đầu anh ngả ra phía sau... Mỗi lúc một xa, mỗi lúc một sâu hơn... Từ đáy hồ những cành cây vươn lên đón anh... Chúng đan vào nhau thành vòm trên thân thể anh: Naoe nay là tù nhân của nước và cây cối…”

Và đây là “bức thư tuyệt mệnh” của Naoe để trong một chiếc phong bì có dòng chữ: “Kính gửi tiểu thư Noriko Shimura”.

“Chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa. Anh chưa biết việc ấy sẽ diễn ra như thế nào, nhưng anh đã quyết định chết ở hồ Shikotsu.

“Tại sao lại phải đúng ở chỗ này? Cũng không có lý do gì đặc biệt. Chẳng qua anh muốn chết ở vùng bắc, để đừng ai cản trở anh. Ngoài ra thi thể anh sẽ không bao giờ nổi trên mặt nước. Anh muốn rằng cái thân thể mục nát của anh sẽ vĩnh viễn ở lại dưới ấy, ở đáy hồ, giữa những cây cối đã chìm xuống dưới ấy từ xưa.

“Anh chắc em đã hiểu rằng anh có bệnh. Anh bị bệnh ung thư xương. Tên gọi chính xác của bệnh anh là micloma. Anh biết mình có bệnh này cách đây hai năm. Hiện nay y học còn bất lực trước bệnh này, không thể cứu anh được. Thật ra cũng có mấy phương pháp điều trị, nhưng tất cả đều chỉ có thể giảm bớt những nỗi đau khổ của anh, chứ không thể cứu chữa khỏi bệnh được. Anh đã nghiên cứu bệnh này từ lâu, thế rồi vì một sự mỉa mai độc ác của số phận, chính anh đã mắc bệnh ấy. Thời hạn sống của anh chỉ còn được ba tháng. Bây giờ u ác tính đã hiện rõ ở chân phải: một tháng sau anh sẽ không còn đi được nữa.

“Ổ bệnh trong cột sống đã phát sinh cách đây tám tháng. Em cũng biết là ở đấy có rất nhiều trung tâm thần kinh, cho nên thỉnh thoảng anh lại bị những cơn đau không tài nào chịu nổi, chính vì thế mà anh phải uống rượu nhiều và tiêm ma túy.

“Anh rời bỏ trường đại học ra đi vì hiểu rằng mình không còn đủ sức làm việc tiếp được nữa. Tốt hơn là nên nhường lối cho lớp trẻ. Ngoài ra, anh lại nhận ma túy của bệnh viện trường đại học, cho nên anh càng phải ra khỏi đó.

“Anh biết em rất khổ tâm khi nghĩ rằng anh lạm dụng cương vị của mình để lấy trộm ma túy trong bệnh viện. Em đừng phiền lòng nữa, không phải thế đâu. Chỉ hạn hữu khi nào ở trường đại học lâu quá không gửi cho anh, anh mới vay tạm của bệnh viện Oriental.

“Anh đã gây nên nhiều buồn khổ. Nhất là cho em. Anh thấy rằng anh chỉ đem lại cho em những nỗi đau mà thôi. Nhưng ngược lại, anh được thấy rõ em nhân hậu đối với anh như thế nào. Vậy thì tại sao anh lại làm khổ em? Anh sẽ cố trả lời thật ngắn gọn: chỉ vì cái chết đang theo sát gót anh.

“Có một điều kỳ lạ là trên ngưỡng cửa của cái chết, anh đã học được cách nhìn đúng thực chất của những con người, anh đã biết nhìn ra họ không có những lớp sơn bên ngoài. Anh đã vứt bỏ cái chủ nghĩa lý tưởng và niềm tin vào sự công bằng của anh trước đây. Anh đã kiên trì cố gắng nhìn qua cái vỏ ngoài màu mè của những con người để nhận ra cái thiện và cái ác nguyên sơ của họ.



“Không ai có thể biết rõ hơn chính bản thân anh, người thầy thuốc, bao giờ cái chết sẽ đến với anh. Cái chết không biết nghỉ ngơi. Anh không tin rằng anh sẽ hóa thân vào đức Phật, anh không tin vào sự bất tử của linh hồn. Sẽ không còn gì hết. Thổi một dúm tro bay khỏi lòng bàn tay - thế là hết. Cái chết là như vậy đấy.

“Mấy tháng gần đây anh khao khát đi tìm phụ nữ. Nhưng không phải vì bản chất anh như vậy. Không, anh cần họ để quên lãng. Có vẻ như anh đang tự thanh minh, nhưng dù sao chỉ có họ và ma túy là có thể giúp anh đừng nghĩ đến cái chết. Chỉ với họ, anh mới cảm thấy mình thuộc về mình, còn tất cả những lúc khác anh đều là sở hữu của sự hư vô...

“Anh muốn để lại phía sau anh một kỷ niệm - những đứa con. Anh mơ ước làm sao khi đã chết đi anh vẫn còn để lại thật nhiều con. Điều này có thể tưởng chừng như ngược đời, nhưng cái chết càng đến gần thì nguyện vọng ấy càng da diết hơn.

“Vì chẳng bao lâu nữa anh đã phải tan biến trong hư vô...

“Trong thư này anh muốn xin em tha thứ cho anh, vì không có ai bị anh làm khổ như em. Và thêm một điều này nữa. Có lẽ em sẽ sinh cho anh một đứa con - than ôi, điều đó sẽ xảy ra sau khi anh chết.

“Em hãy lấy cuốn sổ phiếu ngân hàng ở ngăn kéo bên phải bàn viết. Tiền bạc của anh không có nhiều - chỉ năm sáu triệu, nhưng dù sao... Em có thể sử dụng nó ngay cả trong trường hợp em muốn thoát khỏi đứa con.

“Và còn việc này nữa. Trong cái tủ chìm, ở góc bên trái có ba cái hộp các tông với những tấm phim chụp X quang và những điều ghi chép về diễn biến của bệnh. Anh nghĩ rằng đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chi tiết hơn và khách quan hơn về bệnh u tủy sống. Anh xin em chuyển mấy cái hộp đó cho phó giáo sư Sanda ở khoa phẫu thuật của bệnh viện trường đại học. Ông là người duy nhất đã hai năm nay biết về bệnh trạng của anh, và chính ông đã gửi ma túy cho anh dùng.



“Kể cho đến phút này anh đã lừa dối em, và em đã thật thà tin anh. Anh xin lợi dụng lòng tin của em một lần cuối cùng. Anh hy vọng rằng em sẽ là người bạn cuối cùng của anh.

“Kyosuke Naoe


(hết trích)




“Đèn không hắt bóng”… trên sân khấu



* Đôi dòng về nhà văn Junichi Watanabe:

Ông sinh năm 1933 trong một gia đình giáo chức. Năm 1958 ông tốt nghiệp đại học Y khoa ở Sapporo, ở lại giảng dạy tại trường và nghiên cứu về Khoa phẫu thuật tạo hình. Ông là tiến sĩ y khoa về chuyên ngành ghép mô xương.




Chân dung nhà văn Watanabe Dzunichi



Bắt đầu từ năm 1969, ông về Tokyo, thôi làm nghề y và hoàn toàn chuyên tâm viết văn. Từ tháng 1/1971, ông khởi đăng tiểu thuyết “Đèn không hắt bóng” trên tờ Sunday Mainichi.

Bên cạnh “Đèn không hắt bóng”, Junichi Watanabe còn có một số tác phẩm như “Thiên đường đã mất”, “Ánh sáng và chiếc bóng”... đều được độc giả yêu thích. Ông nhận được giải thưởng Naoki năm 1970.



Nhà văn Watanabe Dzunichi

***
--> Read more..

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

Hành trình kỳ thú của… “kiểu chào 3 ngón”

Nam tước Robert Baden-Powell, đồng thời là một Trung tướng trong quân đội Anh, là “cha đẻ” của Phong trào Hướng đạo năm 1907. Ông viết ra các nguyên tắc của Hướng đạo, bao gồm ba lứa tuổi chính là Ấu, Thiếu và Tráng, chú ý đặc biệt vào các hoạt động ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sống trong rừng, trò chơi dưới nước, đi bộ đường dài...

 

Chân dung Baden-Powell (1857-1941)

 

Một đặc điểm của phong trào dễ được nhận ra là đồng phục Hướng đạo với khăn quàng. Huy hiệu đặc biệt trên đồng phục bao gồm hoa bách hợp và hình ba lá, cũng như các “bằng chuyên môn” và những phù hiệu đẳng cấp khác.

Ba lời hứa của Hướng đạo sinh bao gồm:

(1) Làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, và quốc gia,

(2) Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào,

(3) Tuân theo luật Hướng đạo.

 

Các lối chào Hướng đạo

 

Trong lúc đọc lời hứa, hướng đạo sinh đứng nghiêm, đưa tay phải lên ngang tầm vai, lòng bàn tay đưa về phía trước, ngón tay cái đặt lên móng tay của ngón út và ba ngón còn lại duỗi thẳng.

Đó là dấu hiệu “ba ngón tay” tượng trưng cho ba ý nghĩa của lời hứa Hướng đạo. Ngón cái trên ngón út là biểu tượng của sự đoàn kết, lớn giúp bé, mạnh đỡ yếu. Riêng đối với Sói con và Chim non thì dấu hiệu chỉ gồm có hai ngón tay. Ngón trỏ và ngón giữa đưa lên cao tượng trưng cho hai tai vểnh lên để nghe lời. Ngón cái đè lên hai ngón còn lại tượng trưng cho sự bao bọc, lớn giúp nhỏ, mạnh bảo vệ yếu.

 

Kiểu chào Hướng đạo (lúc đầu trần và khi đội nón)

 

Năm 2007, đánh dấu kỷ niệm 100 năm Hướng đạo với trên 38 triệu thành viên tại 216 quốc gia. Riêng tại Việt Nam, Hướng đạo được thành lập vào năm 1930, thu hút rất đông những nhân vật sau này giữ những vai trò trọng yếu trên chính trường như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên…

Tuy nhiên vì thời cuộc chính trị và chiến tranh, Hướng đạo Việt Nam bị đình chỉ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam vào năm 1954 và rồi toàn bộ Việt Nam vào năm 1975. Ở hải ngoại, Hướng đạo Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động từ khi theo đoàn người di tản đến các trại tạm cư như Vịnh Subic (Philippines), Đảo Guam, Đảo Wake, Trại Pendleton (California), Trại Chaffee (Arkansas).

Châm ngôn chung của Hướng đạo Việt Nam là "Sắp Sẵn", tương ứng với châm ngôn của tổ chức phong trào Hướng Đạo thế giới là “Be Prepared ”, thể hiện tư thế của Hướng đạo sinh luôn sẵn sàng giúp ích, đóng góp vào đời sống cộng đồng, và đối phó với những khó khăn gặp phải.

Huy hiệu Hoa Bách Hợp có phần trên đầu giống kim chỉ hướng của la bàn, với ý nghĩa là người Hướng đạo phải chọn hướng đi cho đúng. Ba cánh hoa tượng trưng cho ba lời hứa Hướng đạo. Sợi dây vòng tròn chỉ sự đoàn kết, anh chị em một nhà. Nút dẹt phía dưới cùng, để nhắc nhở các Hướng đạo sinh mỗi ngày cố gắng làm một việc thiện.

 

Huy hiệu Hướng đạo Việt Nam

 

Kiểu chào “ba ngón tay” một lần nữa được tái hiện trong bộ phim giả tưởng “The Hunger Games” của đạo diễn Gary Ross, chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Suzanne Collins năm 2012 tại Hoa Kỳ và sau đó phổ biến trên toàn thế giới.

Phim “The Hunger Games” lấy bối cảnh trong tương lai khi Bắc Mỹ bị sụp đổ, suy yếu do hạn hán, nạn đói, hỏa hoạn, và chiến tranh, được thay thế bằng Panem, một đất nước bị chia cắt thành Capitol và 13 quận. Panem từng có 13 quận nhưng Quận thứ 13 đã bị phá hủy hoàn toàn từ khi cuộc nổi loạn xảy ra.

Phim được chính phủ Penem thực hiện với tính cách răn đe người dân có mưu đồ nổi loạn chống lại chính phủ. Trong phim có cảnh một cô bé chết giữa một rừng hoa thương tiếc và mọi người đều giơ “ba ngón tay” chào vĩnh biệt trước ống kính của máy quay.

 

“Chào ba ngón” trong phim “The Hunger Games”

 

Chuyện phim giả tưởng là như vậy nhưng đến tháng 5/2014 biểu tượng “ba ngón tay khép lại” lần đầu tiên xuất hiện ở Thái Lan chỉ vài ngày sau cuộc đảo chính của quân đội. Trước đó, người biểu tình ở Myanmar và Hồng Kông cũng đều sử dụng cách giơ ba ngón tay như một biểu tượng chống độc tài.

 

“Chào Ba Ngón” tại Bangkok, Thái Lan

 

Tối ngày 4/12/2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên chính thức vượt qua hàng loạt người đẹp từ khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ để giành ngôi vị cao nhất tại Miss Grand International 2021. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế. 

Ngay sau khi Thùy Tiên đăng quang, một số tờ báo chính thống trong nước đăng tin kèm hình ảnh cô hoa hậu giơ ba ngón tay, nhưng chỉ vài tiếng sau, hình ảnh này được thay bằng những hình ảnh khác.

Điển hình là Báo Sức khỏe và Đời sống với bài viết “3 ngón tay và phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt nổi da gà của Thùy Tiên” được rút gọn thành “Phần thi ứng xử đẳng cấp khiến sao Việt "nổi da gà" của Thùy Tiên”. Dĩ nhiên hình ảnh cũng được thay đổi.

 

Hoa hậu Thùy Tiên và kiểu chào bằng ba ngón tay

 

Báo Thanh Niên đã có một cuộc trao đổi ngắn với Bà Teresa Chaivisut , Phó chủ tịch Miss Grand International 2021, về tiêu chí và lý do để quyết định người thắng cuộc tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế:

“Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố 3B gồm Beauty (Vẻ đẹp) - Body (Hình thể) - Brain (Trí tuệ) là tiêu chí của chúng tôi để chọn ra người thắng cuộc… Đó là sự nhất quán của cô ấy giữa phần thể hiện và sự dồi dào năng lượng trong suốt quá trình tham gia… Việc nói được tiếng Thái cũng là một ấn tượng đặc biệt nhưng điều này không bắt buộc vì người đẹp phải có khả năng tiếp cận với người hâm mộ trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng người hâm mộ ở Thái Lan…”

Trang ThailandTV News cho biết, tân Hoa hậu thổ lộ:

"Vài tháng trước, tôi nhận ra tình hình của Thái Lan, những người biểu tình và tranh đấu trong đất nước này… Vì vậy, tôi chỉ muốn giơ ba ngón tay với ý nghĩa của câu tiếng Thái: "Hãy biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người".

"Tôi nghĩ những gì xảy ra ở Thái Lan đã cách nay vài tháng, giờ hơi muộn để nói về nó. Vì vậy, tôi muốn nhắn nhủ đến nhiều người hơn nữa hãy cùng nhau giúp đỡ để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn."




Tuy nhiên, phần thi ứng xử của Thùy Tiên với kiểu chào bằng “ba ngón tay" ủng hộ dân chủ bị Đài Á Châu Tự do cho rằng "bị chính quyền Việt Nam kiểm duyệt, không cho phép báo chí trong nước đăng clip, bình luận, giải thích ý nghĩa hoặc phải gỡ bỏ không lâu sau khi đăng bài".

Về phía chính quyền, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Quang Minh, lên tiếng:

“Đây là cách chào khởi nguồn trong phim Hunter Games, chứ không phải từ phong trào gì ở ngoài đời. Trong phim giả tưởng này, khi người dân tại Bắc Mỹ phải tham gia một trận quyết đấu sinh tử, họ giơ ba ngón tay với hàm ý “cảm ơn”, “ngưỡng mộ” và “tạm biệt”.

 

Nguyễn Thúc Thùy Tiên trong giây phút đăng quang “Miss Grand International 2021”

 

Tóm lại, “kiểu chào 3 ngón” đã xuất hiện cách đây hơn một thế kỷ với Phong trào Hướng đạo nhằm hướng đến việc đào tạo thanh thiếu niên trên toàn thế giới trở thành những con người hoàn thiện với cộng đồng, xã hội.

Gần đây, cũng vẫn kiểu chào đó, đã mang một hình thức biểu lộ sự phản kháng những thế lực độc tài, phi dân chủ. Hình thức chào vẫn là một… nhưng ý nghĩa đã thay đổi theo tình hình.

Chúng ta không biết có nên Buồn hay Vui trước một hành trình kỳ thú của những hiện tượng này?

 

 

***

--> Read more..

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Câu chuyện Ngày Chủ Nhật

(05/12/2021)

Già rồi nên tôi không quan tâm đến các cuộc thi hoa hậu. Thế nhưng, đầu tháng 12 này thiên hạ bỗng “dậy sóng” vì các cuộc thi sắc đẹp.

Trước hết là chuyện cô gái Đỗ Thị Hà đăng cai Hoa hậu 2020. Cô sinh ra tại Thanh Hóa, nơi có một câu hơi lạ: “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”. Cứ tưởng rau má chỉ có ở Miền Nam, nào ngờ gõ vào Google mới biết Thanh Hóa và Rau má lại có liên quan đến nhau một cách mật thiết đến như vậy.

Về vấn đề “Thanh Hóa & Rau má” các bạn nếu có thắc mắc cứ việc vào http://huongvixuthanh.vn/hieu-dung-cau-noi-dan-thanh-hoa...để tìm hiểu thêm.

 

Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà

 

Trong bài viết này chỉ xin nói tới chuyện Hoa hậu Đỗ Thị Hà, sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân, trình diễn bản nhạc nổi tiếng từ thời chống Mỹ, "Cô gái vót chông", trên đàn T'rưng tại cuộc thi Miss World 2021, diễn ra tại Puerto Rico, một hòn đảo thuộc Hoa Kỳ.

"Cô gái vót chông" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác vào năm 1965 với những lời lẽ sắt máu như “Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù, xiên thây quân cướp nào vô đây” hay “Còn giặc Mỹ cọp beo, em chưa ngừng tay vót chông làm cạm bẫy…”

Đồng ý là cô Hà chỉ biểu diễn đàn T'rưng chứ không lên tiếng hát nhưng nhiều người tự hỏi sao lại phải chọn bài “diệt giặc Mỹ cọp beo” để trình diễn ngay trên đất Mỹ? Trong khi đó, thời sự hàng ngày tiết lộ Hoa Kỳ đã tài trợ hơn 25 triệu liều vaccine phòng Covid cho nhân dân Việt Nam?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, từng sinh sống ở Mỹ và hiện đang là nhà nghiên cứu y khoa ở Úc, nói về cảm nhận của ông đối với sự lựa chọn của hoa hậu Việt Nam tại Miss World 2021:

“Nó không phù hợp với nhan sắc của cô ấy cũng như không nhất quán với mối giao hảo tương đối mặn nồng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhất là trong lúc Mỹ đã giúp Việt Nam hơn 25 triệu liều vaccine”

GS Tuấn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ, Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng “sự cố” này như một “lịch sử lặp lại” khi nhắc tới việc vào năm 2014 Bí thư Thành uỷ Hà Nội lúc đó Phạm Quang Nghị tặng cho Thượng Nghị sỹ Mỹ John McCain một bức hình chụp tấm bia tưởng niệm sự kiện máy bay của ông bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch năm 1967. Trên tấm bia tên ông bị viết sai mà lại còn bị gọi là “tên John McCain”!

Từ trong nước, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho biết phần trình diễn của hoa hậu Việt Nam đã vấp sự phản đối của những người cho rằng sự lựa chọn này “thiếu tế nhị”, “kém ngoại giao” và “dốt nát.”

Bà Phạm Kim Dung, chủ tịch Miss World Vietnam, cho biết: “Ban đầu đại diện Việt Nam và ê-kíp đã chọn lựa ca khúc ‘Despacito’ – giai điệu đặc trưng trên mảnh đất Puerto Rico để trình diễn. Tuy nhiên vì không phù hợp với tính chất của đàn T’rưng nên Hoa hậu Đỗ Thị Hà và cô giáo hướng dẫn âm nhạc đã quyết định thay đổi sang một bản nhạc quen thuộc, mang âm hưởng núi rừng, đó là bài… “Cô gái vót chông”.

(Video clip màn trình diễn “Cô gái vót chông” của Hoa hậu Đỗ Thị Hà: https://tv.tuoitre.vn/video-hoa-hau-do-thi-ha-danh-dan-trung-lot-vong-ban-ket-tai-nang-tai-miss-world-2021-114504.htm)

 

Hoa hậu Đỗ Thị Hà trình diễn bản nhạc “Cô gái vót chông” trên đàn T'rưng tại cuộc thi Miss World 2021, diễn ra tại Puerto Rico, một hòn đảo thuộc Hoa Kỳ.

 

Gần đây nhất, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thủy Tiên, sinh tại Sài Gòn, đã vượt qua 59 thí sinh khác để giành vương miện “Miss Grand International 2021” trong buổi chung kết tối 4/12/2021 tại Thái Lan.

Năm 2017, Thùy Tiên tham gia cuộc thi “Hoa khôi Nam bộ 2017” và đạt danh hiệu Á khôi 1. Danh hiệu Á khôi đã tạo cơ hội cho cô tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 và cô lọt vào “Top 5” chung cuộc cùng giải “Người đẹp Nhân ái”.

 


Nguyễn Thúc Thùy Tiên, “Miss Grand International 2021”

 

Thùy Tiên đã xuất sắc trở thành “Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021”, cô là đại diện Việt Nam đầu tiên đăng quang tại giải “Miss Grand International 2021” với khả năng ngoại ngữ vượt trội. Không ít khán giả Thái Lan còn cảm động với những câu phát biểu bằng tiếng Thái của cô trên sân khấu.

Đặc biệt trong phần thi chung kết, Thùy Tiên đã có động tác “chào bằng ba ngón tay”, nổi tiếng trong bộ phim “The Hunger Games”, được coi là biểu tượng cho cuộc nổi dậy chống lại các lãnh chúa chuyên chế. Hình ảnh Thùy Tiên với cách chào 3 ngón khiến người ta nhớ đến những người Myanmar, Thái Lan, Hồng Kông… trong các vụ biểu tình đấu tranh vì dân chủ.

 

Nguyễn Thúc Thùy Tiên với lối chào khán giả bằng ba ngón tay đã thu hút sự ủng hộ của khán giả yêu chuộng dân chủ

 

Trong phần hùng biện 10 phút, Thùy Tiên đã có câu trả lời khiến người xem xúc động:

“Hoà bình giống như bầu không khí xung quanh chúng ta. Chúng ta sống với nó mỗi ngày, nghĩ về nó mỗi ngày nhưng đôi khi lại không nghĩ đến việc mình có trách nhiệm phải bảo vệ nền hoà bình. Chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho tình yêu và hòa bình… Ngày hôm nay tôi đứng ở đây để sát cánh với những ai cảm thấy mình bị bỏ rơi và cả những ai lan toả sự đau đớn cho người khác. Hãy để tình yêu và sự cảm thông trỗi dậy trong bạn để chiến tranh và bạo lực không còn xảy ra nữa”.

Trên trang Facebook của mình (https://www.facebook.com/NguyenThucThuyTien), Thùy Tiên có những dòng tâm sự sau khi đăng quang:

“Quá nhiều cảm xúc vỡ oà trong Tiên lúc này, bao nhiêu lời cảm ơn chắc chắn sẽ không đủ, Tiên xin dành tặng chiếc vương miện này cho tất cả khán giả Việt Nam. Cảm ơn những lời yêu thương cũng như những lời góp ý. Hôm nay, giấc mơ đã thành hiện thực và Tiên muốn nói rằng nếu bạn có ước mơ hãy can đảm và hết mình theo đuổi nó. Tiên đã làm được, bạn cũng sẽ làm được!”.

(Video clip Giây phút đăng quang, trên FB Thùy Tiên: https://www.facebook.com/NguyenThucThuyTien/videos/647967649693602)

 

Thùy Tiên đăng quang giữa những lời chúc mừng của bạn bè (Ảnh trên FB Thùy Tiên)

 

Bỏ qua sự kỳ thị vùng miền trong nước để bước sang lãnh vực quốc tế, người ta thấy rõ ràng hai cô hoa hậu đều có cách tiếp cận khán gỉa các cuộc thi sắc đẹp khác hẳn nhau.

Thực tế đã chứng minh “ai thắng ai” trên “mặt trận” nhan sắc… Đó là không chỉ thuần túy về sắc đẹp mà còn nhiều yếu tố khác nữa! 

 

***

--> Read more..

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

Delta, Omicron… và tiếp theo là gì đây?

(Thời sự cuối tuần, 27/11/2021)

Nền văn minh lâu đời nhất của loài người xuất phát từ Hy Lạp vào cuối thế kỷ thứ IX trước Công nguyên. Riêng về “văn minh chữ viết” Hy Lạp có 24 chữ cái, bắt đầu bằng Alpha (Α, α) và tận cùng bằng Omega (Ω, ω).



24 chữ cái Hy Lạp



Ngoài việc được sử dụng để viết chữ Hy Lạp, ngày nay 24 chữ cái này cũng được dùng như những biểu tượng về toán, khoa học... hay tên các ngôi sao, tên của các cơn bão nhiệt đới siêu cấp.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay các mẫu tự Hy Lạp này đã trở thành tên của các biến thể của bệnh dịch quái ác đang hoành hành khắp hành tinh này! Người ta thường nghe nói đến biến thể của Covid-19 qua cái tên như Beta lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, Gamma được phát hiện ở Brazil và Delta được phát hiện ở Ấn Độ.

Mới đây nhất là Omicron, được phát hiện tại Nam Phi. Omicron là mẫu tự thứ 15 trong số 24 chữ cái của Hy Lạp.




Những biến thể của Virus Corana



Ngày 26/11/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) đã chính thức gọi biến thể của con virus quái ác có “mã số” B.1.1.529 này là Omicron. Đây là biến thể thứ 5 trong một chuỗi virus Corona đang phát tán gây tử vong trong thế giới loài người!

WHO tránh hai mẫu tự đứng trước Comicron trong tiếng Hy Lạp là Nu và Xi vì sợ mọi người sẽ chỉ nghĩ rằng chữ đó là thể hiện một biến thể mới (new), chứ không phải là một cái tên và tránh dùng Xi vì đó là một cái họ phổ biến như Xi Jinping (Tập Cận Bình), họ không sử dụng địa danh, tên người, động vật để tránh bị kỳ thị!




Biến thể Omicron



Cũng theo WHO, Omicron “lợi hại” hơn những biến thể trước đó vì nó lây nhiễm rất nhanh và có khả năng khiến người bệnh bị “tái lây nhiễm” mặc dù trước đó đã dính Covid-19 và đã được chữa khỏi! Như vậy là vấn đề đặt ra là liệu những người đã chủng ngừa có còn an toàn trước sự xâm nhập của Omicron hay không?

Những người đã chích 2 mũi chủng ngừa Covid trước đây tự tin là đã miễn nhiễm... rồi giờ đây bỗng cảm thấy hoang mang vì tin chủng mới Omicron xuất hiện tại Châu Phi.

Có người lại tin tưởng rằng “mũi thứ 3” sẽ là liều “tăng cường” để chống lại Omicron trong khi những người “chẳng tiêm mũi nào” cảm thấy... “bình thường như mọi ngày”! Đúng là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!




Người dân Nam Phi xếp hàng tiêm chủng taị Johannesburg



“Tin không vui” này đã khiến nhiều nước phải ra lệnh “cấm cửa” các chuyến bay xuất phát từ phía nam lục địa Châu Phi. Song song với đó là hiện tượng thị trường chứng khoán “tụt dốc không phanh” chỉ vì Omicron! Chỉ số Dow Jones tụt gần 1.000 điểm, một con số kỷ lục trong năm 2021 trên thị trường Hoa Kỳ.



Thị trường chứng khoán Mỹ trong cơn chao đảo vì biến thể Omicron



Nước Anh đã lên “danh sách đỏ” gồm 6 quốc gia Châu Phi “xấu số”, bao gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe. Điều này có nghĩa là hành khách trên những chuyến bay xuất phát từ 6 nước này sẽ bị cách ly 10 ngày tại những cơ sở của chính phủ.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết Omicron có nguy cơ "từ cao đến rất cao" về khả năng biến thể mới sẽ lây lan ở Châu Âu. Những nước trong Liên minh Châu Âu (European Union – EU) còn “khắc nghiệt” hơn. Các nước Đức, Pháp, Ý, Áo, Bỉ, Hòa Lan, Malta và Séc còn hạn chế các chuyến bay xuất phát từ 6 quốc gia theo “danh sách đỏ” của Anh.




Bỉ là quốc gia Châu Âu đầu tiên có ca mắc biến chủng B.1.1.529


Về phầ
n Hoa Kỳ, Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Biden, có phần dè dặt hơn, ông nói cần thêm thông tin về Omicron trước khi ra lệnh cấm du lịch đến Châu Phi. Fauci nói với đài CNN là các nhà khoa học Mỹ sẽ thực hiện những cuộc trao đổi với các bạn đồng nghiệp tại Châu Phi.

Omicron còn khiến đại hội thể thao tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi có nguy cơ “tan hàng” vì các vận động viên không đến tham dự do lệnh cấm đến Châu Phi.Lẽ nào cái triết lý “Ai ở đâu… ở yên đó” cũng vẫn còn hiệu lực?




Đại hội thể thao tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi có nguy cơ “tan hàng”



Ôi thật nhiều bất trắc trong cuộc đời làm người ở cái thế giới vừa phức tạp lại vừa khổ đau của chúng ta!

Thời sự cuối tuần này mang một màu sắc u ám trên khắp hành tinh. Dù có buồn nhưng chúng ta vẫn phải nói đến để nhân loại ý thức được những nguy cơ đang dồn dập xảy đến.

Chúng ta, những người bình thường, chỉ biết trông mong các nhà khoa học sớm tìm giải pháp để hy vọng một ngày nào đó mọi người trở về... “trạng thái bình thường”. Khi đó, những mẫu tự Hy Lạp như Alpha, Beta... không còn được nhắc đến.

Ngày mai trời lại sáng vì... còn sống là còn hy vọng!




Omicron trên bản đồ thế giới

***
--> Read more..

Popular posts