Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Từ văn minh “xí xổm”… đến văn hóa “xí bệt”

Dù là người Việt nhưng có lẽ không ai có thể tự hào hiểu hết được tiếng Việt. Đó cũng là đều dễ lý giải vì tuy cùng sống trong một đất nước nhưng mỗi vùng, mỗi miền lại dùng những từ ngữ khác nhau, chưa kể từ ngữ giống nhau lại có cách phát âm khác nhau.

Nếu có bạn đọc nhíu mày không hiểu tựa đề của bài viết này dùng các từ ngữ “xí xổm” và “xí bệt” thì chắc chắn bạn là người miền Nam… “xí xổm, xí bệt” lại là ngôn ngữ của miền Bắc. Dù muốn hay không, kể từ sau năm 1975, giữa hai miền Nam – Bắc có cơ hội nhiều hơn để trao đổi và tiếp nhận ngôn ngữ của nhau.

Trong thời kỳ còn chiến tranh, phi công VNCH được miền Bắc gọi là “giặc lái”, sĩ quan chiến tranh chính trị có tên là “giặc nói”, còn trực thăng được gọi là “máy bay lên thẳng”… Bắt đầu từ tháng 4/75 người miền Nam được làm quen với những từ như “cái đài” (radio), “cái nồi ngồi trên cái cốc” (phin cà phê)… rồi “nghiêm túc”, “khẩn trương”, “khắc phục”, “sự cố”…

Trở lại với cặp từ “xí xổm, xí bệt”, tôi tò mò vào Google để tìm hiểu và kết quả thật đáng kinh ngạc. Gõ hai chữ “xí xổm”, chỉ trong 0,31 giây đầu tiên, Google cho 114.000 kết quả, đối với “xí bệt” có đến 399.000 kết quả chỉ sau 0,24 giây! Đến đây, chắc nhiều người vẫn chưa hiểu hai từ ngữ đó là gì.

Bấm vào một bài Google cung cấp, tôi đọc thấy: “Xí xổm vệ sinh Viglacera ST8, giá 382.000 đồng, phí lắp đặt 200.000 đồng… Công nghệ Italy, xí xổm thiết kế phù hợp với mọi công trình công cộng, dùng công nghệ tráng men hiện đại chống bám dính… dùng hệ thống xả thẳng. Nơi sản xuất Việt Nam”.

Đó là trang Web của Viglacera, một hãng sản xuất thiết bị dùng trong nhà vệ sinh, với hình ảnh đi kèm. “Xí xổm” có chiều dài 0,485m và chiều ngang 0,426m được thết kế với chỗ để chân khi ngồi:

Xí xổm Viglacera mang mả số ST8

À ra thế. “Xí xổm” là bàn cầu ngồi xổm… còn “xí bệt” là bàn cầu ngồi bệt mà ta thường thấy trong các nhà vệ sinh ngày nay. Người miền Bắc dùng từ “nhà xí” để gọi nhà vệ sinh cho nên mới phát sinh… “xí xổm” và “xí bệt”. Ngoài từ “nhà xí” còn có “chuồng chồ” cũng là nơi để giải quyết nhu cầu của cơ thể.

Để chỉ việc đại tiện, người miền Bắc còn dùng những từ ngữ như “đi đồng” hay “đi ngoài”. Có thể hiểu, tại vùng quê, “đi đồng” ám chỉ việc ra ngoài đồng trống để đại tiện, còn “đi ngoài” có lẽ là hành động từ trong nhà đi ra ngoài để giải quyết “tiếng gọi của bản năng” vì ngày xưa nhà vệ sinh không được thiết kế trong nhà.

Tôi còn nhớ thời Pháp thuộc, ngay tại Hà Nội mỗi nhà có một cái thùng để đựng chất thải và mỗi sáng có xe đẩy đến thu gom. Những người làm công việc này được gọi là “phu đổ thùng” và các bậc cha mẹ thường răn đe con cái: “Nhỏ không chịu học thì lớn lên chỉ làm… phu đổ thùng”.

Sau khi đại tiện, người ta thường dùng nước đựng trong lu hay khạp để rửa. Cũng có nhà treo một cái móc để gắn giấy báo được cắt nhỏ, đó là tiền thân của những cuộn giấy vệ sinh mà sau này cùng đồng hành với… “xí bệt”.       

Nhà vệ sinh thời… văn minh xí xổm

Quả thật tôi bị lạc vào “mê hồn trận” của hai từ ngữ lạ lẫm: “xí xổm, xí bệt”. Google cung cấp một bài viết cũng rất lạ, chuyện kể về “xung đột” trong một gia đình giữa hai nhân vật có tên là Gấu bố và Gấu con xung quanh cái… xí xổm. Khởi đầu câu chuyện như sau:

“Hơn ba mươi năm trước, một mình Gấu bố đã tự tay xây dựng nên căn nhà khang trang giữa ruộng mương hẻo lánh, mà điểm nhấn đặc biệt và cũng là niềm tự hào nhất của ông, cái xí xổm. Đó là thứ mà những người hàng xóm lạc hậu xung quanh chưa hề biết đến hoặc đã biết nhưng không đủ trình độ để cất một cái. Với ông, cái xí xổm là một phát kiến vĩ đại của nhân loại, có thể sánh tầm với bóng đèn điện của Thomas Edison hay thuyết tương đối của Enstein…”

…. Ông chẳng biết ai sáng chế ra nó, nhưng chắc hẳn đó phải là một người đã hết sức chịu đựng với những cái hố xí hai ngăn bốc mùi nghi ngút vào những ngày nắng, âm ỉ những ngày mưa và bung tỏa khắp đêm trăng sáng vằng vặc. Xí xổm giải phóng con người khỏi thiên nhiên hoang dã, là phát súng khơi mào cho một thế giới không có biogas, để đến thời nay mới có một ngành công nghiệp sản xuất bếp gas, các cửa hàng cung cấp gas và các bác tài chở gas phóng nhanh vượt ẩu gây ra biết bao vụ tai nan giao thông mỗi ngày…”

Và đây là những lời Gấu con tranh luận với Gấu bố:

"… Con đã nhẫn nhịn bao nhiêu năm nay. Mỗi khi con đề nghị, thậm chí là năn nỉ bố hãy từ bỏ cái văn minh xí xổm lỗi thời của bố để mà "quá độ" bằng một cái xí bệt sạch sẽ, hiện đại hơn... Con luôn ngậm ngùi im lặng mỗi khi bố ca bài ca "các anh các chị giờ tân tiến hiện đại nên quên hết truyền thống". Nhưng lần này tức nước vỡ bờ rồi, đến cả chị Dậu còn có lúc vùng lên. Bố quyết định đi, một là phá bỏ, hai là cứ giữ lấy nó mà chờ đến lúc cái nhà này… tuyệt tự."

Sở dĩ cậu con trai phải dùng đến hai chữ “tuyệt tự” vì trong thời gian ở quê ra Hà Nội cậu có quen với một cô gái Hà Thành và đang tính đến chuyện hôn nhân. Dân Hà Nội ngồi “xí bệt” quen rồi, nay nếu về quê làm dâu phải ngồi “xí xổm” chắc chịu không nổi. Cậu con sợ người đẹp chia tay chỉ vì cái “xí xổm” nên phải thuyết phục ông bố đập bỏ cái “xí xổm” để thay bằng cái “xí bệt”…

Loại bồn cầu dung hòa “xí xổm” và “xí bệt”

Tiến trình chuyển đổi từ “văn minh xí xổm” bước sang “văn hóa xí bệt” gặp những “xung đột” như vừa kể ở trên. Ngoài ra, vì thói quen ngồi xổm nên cũng đã có những tai nạn khi sử dụng “xí bệt”. Nghĩa là một số người vẫn giữ cách ngồi xổm trên “xí bệt”.

Đã có tai nạn xảy ra khi người sử dụng ngồi xổm trên “xí bệt”. Bồn cầu vì lý do nào đó bị vỡ và “sự cố” nghiêm trọng đã xảy ra. Hình ảnh dưới đây là một “minh họa” cho loại tai nạn hi hữu này. Thế mới biết, để bước sang một nền văn hóa mới không những đòi hỏi một “tư duy” mới mà còn có thể phải trả giá bằng… máu.  

Tai nạn khi ngồi xổm trên… xí bệt

Cũng trên Google có một tin thuộc loại “quốc tế” có liên quan đến… xí xổm mang tựa đề “Thái Lan loại bỏ xí bệt để hút khách du lịch”. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền phát hiện rất nhiều người dân bị mắc chứng thái hóa khớp gối là do ngồi xổm khi đi vệ sinh. Điều đáng nói là ở đất nước Chùa Vàng, 85% nhà vệ sinh công cộng và hộ gia đình sử dụng xí bệt.

Theo con số thống kê của Bộ Y tế Thái Lan, có khoảng 6 triệu người, bao gồm cả khách du lịch nước ngoài, bị thoái hóa khớp gối do đi vệ sinh. Thay cho xí bệt, chính phủ quyết định lắp đặt toàn bộ bồn cầu ngồi.

Một nguồn tin cho hay: “Thời gian dài phải ngồi đi vệ sinh dẫn đến việc người dân mắc bệnh viêm khớp. Hy vọng sự thay thế này còn giúp lượng khách du lịch đến Thái Lan tăng lên…”

Thứ trưởng Y tế Cholanan Srikaew khẳng định, ở đất nước như Thái Lan, nơi ngành công nghiệp du lịch chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội, sự thay đổi này rất quan trọng. Nó không chỉ giúp giảm thiểu số người mắc bệnh mà còn mang lại nguồn thu cho quốc gia!

Cũng thuộc loại “tin thế giới” có một tấm hình được chụp từ Bangladesh với lời ghi chú “Hanging Toilet - Coastal area toilet” (tạm dịch là Nhà vệ sinh treo – Nhà vệ sinh khu ven biển):

Hanging Toilet - Coastal area toilet, Bangladesh

Thật ra thì hình ảnh này đã quá quen thuộc với những người sinh sống tại vùng sông nước miền Tây, nó được gọi bằng những cái tên nên thơ như “cầu cá vồ” hoặc “cầu cá tra”… Wikipedia cung cấp thông tin về cá vồ và cá tra như sau:

“Cá vồ cờ (danh pháp khoa học: Pangasius sanitwongsei) là một loài cá nước ngọt thuộc họ Cá tra (Pangasiidae) của bộ Cá da trơn (Siluriformes), sinh sống trong lưu vực sông Chao Phraya và Mekong. Loài cá này là cá ăn tạp và được mệnh danh là “thủy quái” trên dòng Mekong vì vóc dáng khổng lồ và sự hung hãn. Gọi là vồ cờ vì cái vây trên lưng cá vươn cao như ngọn cờ, lúc nó bơi, rẽ sóng như cá mập”.

Cá vồ và cá tra ăn tạp là quá đúng. Nhà vệ sinh được dựng ngay trên sông hoặc trong ao nuôi cá, chất thải của con người khi rơi xuống là cả bầy cá đã chực sẵn, tranh nhau để… vồ mồi. Loại nhà vệ sinh này ở miền Tây còn được gọi là “cầu tõm”, lấy từ âm thanh khi chất thải chạm nước.

“Cầu tõm” miền Tây

Cá tra, cá ba sa phân bố rộng ở Myanma, Java, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Đây là loại cá nước ngọt có sản lượng xuất khẩu lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Nghề nuôi cá basa trong bè rất phát triển qua mô hình mang tính công nghiệp với mật độ cao, năng suất trung bình 130-150 kg/m³/năm. Hiện nay có khoảng 4.000 bè nuôi, sản xuất trên 40.000 tấn/năm tại miền Nam.

Cái thú ngồi “cầu tõm” đọc báo mà lại góp phần… nuôi cá

A picture speaks a thousand words: cái khổ của “cầu tõm”

Thật bất ngờ. Loại cá xưa kia chỉ ăn tạp, luẩn quẩn vồ mồi quanh “cầu tõm” nay đã là một nguồn lợi kinh tế đáng kể, nuôi sống hàng ngàn người trên các lồng bè. Nuôi cá tra, cá ba sa tại miền Tây đã trở thành một ngành công nghiệp đi kèm với việc xuất cảng qua các nước Phương Tây.

Trong năm 1993, sản lượng cá nuôi trong bè tại miền Nam ước lượng vào khoảng 17.400 tấn, hầu hết là từ các bè trên sông Cửu Long. Riêng cá ba sa đã chiếm ¾ sản lượng này.

Nhà vệ sinh trên sông nước miền Tây

Ngay tại Sài Gòn xưa, nổi tiếng là Hòn Ngọc Viễn Đông, cũng thấy xuất hiện những nhà cầu thuộc loại như ở miền Tây dọc theo các con kênh rạch. Cái gọi là “nhà ở” và “nhà cầu” ở đây chỉ là những mảnh gỗ, tấm tôn, thậm chí còn là những miếng vải vụn được chắp vá để che đậy được phần nào sự riêng tư của con người.  

Sài Gòn xưa cũng có nhà vệ sinh tập thể trong những khu lao động chật chội không có đất để làm nhà vệ sinh riêng. Người ta sống cực nhọc lo miếng ăn hàng ngày cũng đủ mệt mỏi nên không còn thì giờ và tiền bạc để chăm lo cho nhà ở và nhà cầu.

Trong kho tàng âm nhạc của mình, nhạc sĩ quá cố Phạm Duy đã làm 10 bài tục ca, trong đó bài tục ca số 7 nói về loại cầu tiêu chung tại các khu lao động giữa Sài Gòn phù phiếm. Bản nhạc mới nghe cứ tưởng như “nhi đồng ca”, khởi đầu bằng những câu:

“Trời xinh, trời xinh con nít hay tọc mạch tò mò, tò mò chuyện gì cũng có, tò mò sục sạo moi ra. Trời cho, trời cho cái tính hay nhìn trộm đàn bà, đàn bà trẻ già lớn bé, đàn bà nào hở hang ra…”

Bài tục ca tiếp tục với những câu: “Tụi tôi, tụi tôi xưa vẫn hay tụ tập đầu đường, vùng này chật chội thiếu thốn, mọi người dùng cầu tiêu chung. Cầu tiêu, cầu tiêu xây cất cao mặt lộ một từng, cửa trổ thì là quá ngắn, ngoài nhìn vào thênh thang…”. Đoạn kế tiếp diễn tả mọi kiểu ngồi của các bà, các cô ngồi trong cầu tiêu tập thể và bài hát đưa ta đến một đoạn kết thật bất ngờ…

Bạn đọc tò mò muốn “thưởng thức” những bài tục ca này xin ghé vào đọc Phạm Duy và 10 bài tục ca tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/02/pham-duy-va-10-bai-tuc-ca.html. Riêng tục ca số 7 do chính tác giả trình bày có thể nghe tại http://www.youtube.com/watch?v=ncc1l1Cksiw.

Người viết xin lưu ý trước, với những người “không quen” hoặc “không thích nghe” những câu nói tục hay tiếng chửi thề thường diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, lời khuyên chân thành của tôi là không nên đọc bài viết và cũng không nên nghe những bản tục ca này. Lý do: Lời 10 bài tục ca của Phạm Duy do chính tác giả trình bày rất… “phản cảm” và có thể gây sự khó chịu hoặc bực mình.

Nhà vệ sinh trên kênh rạch giữa Sài Gòn

Sau khi Sài Gòn đổi tên, những ai đã từng “tốt nghiệp đại học cải tạo” chắc không thể nào quên cảnh hai người gánh một thùng đầy phân, tay bịt mũi. Khổ nhất là những anh đi ở cuối gió, mọi “hương hoa” trong thùng anh hưởng trọn vẹn.

Tôi chợt nghĩ đến câu cha mẹ ngày xưa răn đe “nhỏ mà không học, lớn lên đi… đổ thùng”. Ở trường hợp này, câu nói đó lại hoàn toàn mất đi tính “lô gíc” của nó. Phải đổi lại là khi còn nhỏ dù có chịu học hay không thì lớn lên cũng vẫn đi… đổ thùng! Tương lai đúng là chuyện khó đoán trong giai đoạn “đổi đời”.

Chúng tôi “học tập cải tạo” tại Trảng Lớn, phía chân núi Bà Đen ở Tây Ninh. Mỗi đội tự đào những hố lớn để biến thành những hầm cầu chứa phân, phía trên bắc ngang bằng những tấm sắt PSB được tha về từ phi trường L19 gần đó.

Hố tiểu là những thùng sắt tây tự chế bằng cách “gò” từ những tấm tôn cũ. Đặc biệt thùng nước tiểu phải có quai để gánh bằng những thanh cây dài mỗi khi đem tưới cây sau khi trộn thêm nước cho loãng chất acid uric. Thế là đã có một dãy nhà vệ sinh tập thể để làm nơi “giải tỏa nỗi… buồn…” hay nói chính xác hơn là để thực hiện một trong 4 cái khoái nhất đời người.

Chỉ khổ thân những anh phải gánh nước tiểu và phân trong tổ canh tác. Họ lấy phân từ các hố vệ sinh trong trại để… bón cây. Rau trong trại nhờ thế mà lúc nào cũng xanh mướt. Trại tôi có trồng rau muống, không phải là loại rau muống trồng dưới nước mà là rau muống cạn, trồng từ hạt, được đánh luống ngay hàng thẳng lối một cách rất… “nghiêm túc”.

Rau muống khô trồng trên luống mọc thẳng tắp, cao lêu nghêu, lá xanh rì nhờ phân bón. Anh em trong tổ nhà bếp phải thường xuyên ra vườn cắt rau muống để “cải thiện” bữa ăn cho có chất xanh. Thế là vòng “tuần hoàn sinh học" được khép kín: người ăn rau, thải ra phân để bón rau và rồi người lại tiếp tục ăn rau… Cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi “tốt nghiệp” với mảnh bằng… ra trại.

Bây giờ, khi đã có tuổi, ngồi nhớ lại những giai đoạn “lên voi, xuống chó” của cuộc đời tôi mới thấy thật thú vị. Còn thú vị hơn nữa khi được sống trong cả hai nền văn minh, từ đó phát sinh nền văn hóa “xí xổm” và tiến lên văn hóa “xí bệt”. Lớp con, cháu thời nay không thể nào “được” hay “bị” sống với những thói quen xưa cũ nên người viết mới nảy sinh ý định ghi chép lại những chuyện đã qua.

Dù xấu hay đẹp, tục hay thanh cũng vẫn là những “cột mốc lịch sử” trong cuộc sống của cả một đời người.   

***
--> Read more..

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay

Việt Nam nổi tiếng có Vịnh Hạ Long (1), tên tiếng Anh là Ha Long Bay, một kỳ quan mà UNESCO đã công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới từ năm 1994. Địa danh Hạ Long hàm ý nơi rồng đáp xuống tại một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ, khu vực biển Đông, bao gồm vùng biển đảo thuộc Thành phố Hạ Long, Thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Vịnh Hạ Long là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa. Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.


Ha Long Bay


Tại miền Nam có Vịnh Cam Ranh (2), tên tiếng Anh là Cam Ranh Bay. Nơi đây là một cảng biển nước sâu thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, thường được xem là bến nước sâu tốt nhất Đông Nam Á, thích hợp làm nơi tàu bè trú ẩn khi biển động. Vì địa thế chiến lược mà Cam Ranh được sự chú ý quân sự qua nhiều thời kỳ. Hải quân Pháp, Hoa Kỳ, và Liên Xô đã từng dùng Vịnh Cam Ranh làm căn cứ chiến sự.


Cam Ranh Bay

Bài viết này không nhằm mục đích giới thiệu hai địa danh Ha Long Bay và Cam Ranh Bay mà lại đề cập đến "Cam Dai Bay", một cái tên mà người nước ngoài thường nhầm lẫn, cứ tưởng đó cũng là một cái vịnh mang tên Cam Dai!

Du khách đến Việt Nam thường thấy nhiều nơi xuất hiện những dòng chữ "Cấm Đái Bậy" nên cứ tưởng ta đang quảng cáo cho một vùng vịnh mới có tên "Cam Dai Bay"! Ngôn ngữ tiếng Việt quả là… nhiêu khê và người nước ngoài khi đến Việt Nam nhầm lẫn giữa 3 cái vịnh cũng là điều bình thường!



Ảnh trên Internet

Để diễn tả hành động “tiểu tiện”, kho từ vựng của người Việt có rất nhiều từ ngữ dưới dạng “thanh” cũng có, mà “tục” cũng không thiếu. Người miền Bắc gọi “tiểu tiện” là “đi giải”, một từ ngữ nghe thật lạ tai đối với người miền Nam. Tuy nhiên, “đi giải” vẫn “thanh” hơn là… “đi đái”.

Hình dưới đây được chụp tại miền Bắc với mũi tên “Vệ sinh” chỉ vào một nơi được gọi là… “hố giải”. Ngày nay, các cháu nhỏ được dạy từ cấp tiểu học là “đi vệ sinh” thay vì “đi tiểu” hoặc “đi đái”. Cụm từ “đi vệ sinh” nghe rất thanh tao.



Hố giải = Hố tiểu

Rõ ràng là giữa hai từ “đái” và “tiểu” có sự khác biệt về mức độ “thanh-tục”. Hình như người miền Bắc có khuynh hướng dùng chữ “đái” nhiều hơn chữ “tiểu” (?). Điển hình là tên bệnh “đái tháo đường” được dùng khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc trong khi tại miền Nam lại gọi là “tiểu đường”.

Tôi không biết nhiều về y học nên không rõ có sự khác biệt nào giữa “đái tháo đường” và “tiểu đường” nhưng về phương diện ngôn ngữ, cái tên trước nghe “thô tục” và tên sau nghe có vẻ thanh tao hơn.

Các bệnh viện trên cả nước bác sĩ thường cho “thử nước tiểu” thay vì “thử nước đái”. Điều này cho thấy giữa “đái” và “tiểu” đều diễn tả cùng một hành động nhưng lại có sự khác biệt giữa một bên là ngôn ngữ “bình dân” và phía bên kia là hình thức ngôn ngữ tạm gọi là… “sử dụng mỹ từ”!

Có lẽ trường hợp chữ “tiểu” ở đây xuất xứ từ chữ “tiểu tiện”, một từ Hán Việt được dùng để phân biệt với “đại tiện” (đi cầu, đi tiêu) và “trung tiện” (người miền Bắc gọi là “đánh rắm” trong khi người miền Nam lại gọi là “đánh địt”).

Nói đi thì cũng phải nói lại, có nhiều trường hợp chữ “đái” không thể nào thay thế bằng chữ “tiểu”. Người ta thường nói con nít hay “đái dầm”, “đái mế” chứ không ai nói… “tiểu dầm” hay “tiểu mế”! Lại nữa, tục ngữ có câu: “Trai khôn lắm nước đái, gái khôn lắm nước mắt” (Việt Nam Tân Từ Điển, Thanh Nghị, Nxb Thời Thế, Saigon) hoặc ít có câu nào lột tả được hết tình đời đen bạc, phũ phàng như “Ăn cháo đái bát”.



Cát bụi trở về cát bụi... nước trở về với nước 

Lại bàn về tiểu đường, một căn bệnh rất khó chữa vì phải uống thuốc trường kỳ, ngày nào cũng uống. Có những người không mắc bệnh lý tiểu đường nhưng lại mắc chứng… tiểu tiện ngoài đường. Gốc cây, bờ tường hay bất kỳ một chỗ khuất nào cũng có thể đứng hoặc ngồi để giải quyết cơn buồn tiểu. Người ta nói vui, họ “tưới cây” hay văn hoa hơn là… “đứng nhìn trời hiu quạnh”.

Năm 1994 tôi đã chụp được một loạt 5 tấm hình (3) một người lớn tuổi, mới trông tưởng ông đứng ngắm cột đèn hay đọc quảng cáo trên đường Hàm Tử, quận 5. Hóa ra ông mắc chứng… tiểu đường.



Hình 1: Ông đứng ngắm cột đèn giữ dòng người qua lại



Hình 2: Giải tỏa cơn bức xúc, nước xả có vòi



Hình 3: Dòng xe cộ vẫn chạy qua


Hình 4: Ông đang đọc quảng cáo trên cột điện?


Hình 5: Ông thư thái, nhẹ nhõm khi rời… "hiện trường"

Xem ra “tiểu đường” là một cái “tật” chứ không phải “bệnh” mà thời nào cũng thấy xuất hiện, tuy ở mức độ khác nhau. Trước năm 1975, Sài Gòn cũng đã cố chữa tật này nhưng không mấy hiệu quả. Người Sài Gòn lớn tuổi chắc vẫn còn nhớ, con đường Lê Lợi (Bonard) chỉ đông vui phía bên này đường với những người đi “bát phố Bonard”, dập dìu tài tử giai nhân.

Phía bên kia đường là hình ảnh ngược lại, vắng như… chùa Bà Đanh. Không biết vì phần đường này ít ai lui tới vì không có tiệm lớn hay vì tại đây có một “cầu tiểu” xây bằng gạch để mọi người khi cần có chỗ “giải tỏa bầu tâm sự”. Điều đáng nói là “cầu tiểu” dù có nước chảy nhưng lúc nào cũng bốc mùi đặc trưng của nước tiểu.

Trên trang Flickr của anh Mạnh Hải có sưu tầm được một tấm hình “cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi từ bộ sưu tập của Darryl Henley. Nhìn kỹ phía bên trái hình có cảnh một cậu học sinh, một tay cắp cặp còn tay kia giơ lên bịt mũi. A picture says a thousand words!



“Cầu tiểu” phía bên kia đường Lê Lợi

Thêm một “cầu tiểu” nữa nằm nay phía bên hông Quốc hội, ngày nay gọi là Nhà hát Thành phố. “Cầu tiểu” này trông “khang trang” hơn cái ở đường Lê Lợi nhưng chắc chắn các dân biểu không bao giờ bén mảng tới. Cầu nằm ngay trên lề đường, rất thuận lợi cho những ai vào… “xả xú bắp”.

Có điều rất nhiều người không biết đến địa chỉ này nên “cầu tiểu” lâm vào tình trạng… ế khách vãng lai! Dưới đây là hai bức hình cũng do anh Mạnh Hải sưu tầm, được chụp từ năm 1964:

Cầu tiểu phía bên hông Quốc Hội


Cô nữ sinh đạp xe về nhà ngang qua… “cầu tiểu”

Thời nay, tật tiểu đường có vẻ như “ngày càng phát triển” khi ăn nhậu càng nhiều. Bia vào thì nước tiểu phải ra là điều dĩ nhiên. Có những người khi còn ngồi trong quán nhậu không cảm thấy sự đòi hỏi bức xúc phải trút bầu tâm sự nhưng trên đoạn đường về nhà mới thấy… tưng tức trong lòng.

Thế là đành phải ghé gốc cây tưới nước. Mặc kệ những biển cấm phóng uế. Họ bất chấp cả hình ảnh khủng khiếp dưới đây:

Bảng cấm tiểu tiện

Không phải chỉ ở xứ ta mới bị “tật tiểu đường”. Ai cũng biết Singapore là một đảo quốc thuộc loại “sạch & xanh” hàng đầu thế giới. Ấy thế mà tôi đã “chộp” được một tấm ảnh cấm tiểu tiện tại khu Little India. Bảng cấm tiểu tiện có kèm theo dòng chữ sẽ phạt 500 đô (Sing.) nếu vi phạm:



Ảnh chụp tại khu Little India, Singapore

Tin vui đọc trên VnExpress (ngày 5/11/2013): "Hà Nội chi 15 tỷ đồng xây 14 nhà vệ sinh”. Theo bản tin này, “UBND TP Hà Nội vừa cho phép Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng”.

Dự án có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 350 triệu đồng, được thực hiện ngay trong cuối năm nay. Bài viết được đi kèm hình ảnh một nhà vệ sinh công cộng bằng thép thật “hoành tráng”. Trên nóc có chữ WC để mọi người không lộn địa chỉ. Bên hông còn có khẩu hiệu: “Vì môi trường Xanh Sạch Đẹp”.


Hình ảnh đi kèm bản tin trên VnExpress

Rất mong hình ảnh nhà vệ sinh công cộng điển hình ở Hà Nội sẽ sớm xóa đi những hình ảnh xấu trên cả nước. Chúng ta tự hào là có Ha Long Bay, Cam Ranh Bay nhưng đừng để khách nước ngoài cứ thắc mắc về cái bảng... "Cam Dai Bay" trên đường phố, họ cứ ngỡ ta quảng cáo cho một địa điểm du lịch mới...

Tuy nhiên, giá một nhà vệ sinh công cộng bằng thép lên đến hơn 1 tỷ đồng. Tôi e có người vào đây bỗng phải... "nín tè" vì nhà vệ sinh công cộng sang trọng và giá trị hơn cả căn nhà cấp 4 mà nhiều người sinh sống.


***

Chú thích:


(1) Vịnh Hạ Long: Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái.

Năm 1962 Bộ Văn hóa - Thông tin (Việt Nam) đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo vào năm 2000. Cùng với vịnh Nha Trang và vịnh Lăng Cô của Việt Nam, vịnh Hạ Long là một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7 năm 2003.

Trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.

Tên gọi Hạ Long đã thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Các thời Lý, Trần, Lê… Vịnh mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Tên Hạ Long (rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ 19.

Các đảo ở vịnh Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía Đông Nam Vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long. Theo thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long, trong tổng số 1.969 đảo của vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá với nhiều đảo có độ cao khoảng 200m.

Đảo trên vịnh Hạ Long có những hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào. Có chỗ đảo quần tụ lại nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômét như một bức tường thành.

(Nguồn: Wikipedia)


(2) Vịnh Cam Ranh: Vào đầu thế kỷ 20 Cam Ranh là chặng nghỉ cho hạm đội Đế quốc Nga trên đường sang Viễn Đông giao chiến với Nhật Bản năm 1905. Hạm đội này sau bị đại bại trong Trận Tsushima. Khi Đế quốc Nhật Bản mở cuộc bành trướng thời Đệ nhị Thế chiến thì Vịnh cam Ranh lại được trưng dụng làm địa điểm chuẩn bị cho cuộc tấn công Malaysia năm 1942. Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam Cam Ranh trở thành căn cứ quan trọng của Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Sau 1975, cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa khối Liên Xô và Hoa Kỳ. Chính phủ Xô viết chính thức ký năm 1978 một thỏa thuận với Việt Nam để thuê hải cảng này trong thời gian 25 năm. Cuối thập niên 1980, Liên Xô tan vỡ; chính phủ Nga nhận kế thừa hợp đồng đó cho tới năm 1993. Một hiệp định mới cho phép Nga tiếp tục có mặt tại Cam Ranh nhưng chủ đích căn cứ này chuyển sang làm nơi thám thính, theo dõi hoạt động của Trung Quốc còn các chiến cụ và quân nhân được rút về Nga. Còn lại là nhân viên kỹ thuật tình báo.

Trong cuộc điều đình kéo dài thời hạn thuê quân cảng Cam Ranh thì Việt Nam đòi Nga phải trả tiền thuê hằng năm là 200 triệu Mỹ kim. Chính phủ Nga không chịu điều khoản này nên ngày 2/5/2002, lá cờ Nga được hạ xuống lần cuối cùng tại căn cứ Cam Ranh. Hiện tại, chính quyền Việt Nam có dự định phát triển căn cứ này với mục đính dân sự, tương tự như chính phủ Philippines đã làm với Căn cứ không quân Clark của Mỹ.

(Nguồn: Wikipedia)


(3) 5 tấm ảnh này đã được post trên trang Flickr, xem tại: http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/2231029317/in/set-72157602027268408/


***

--> Read more..

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Malcolm Browne & bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu

Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều phóng viên bỗng trở nên nổi tiếng được cả thế giới biết đến. Họ cũng đã đạt được đỉnh cao sự nghiệp nhờ các giải thưởng quốc tế trao tặng cho những công việc đòi hỏi tài năng cùng sự may mắn khi hoạt động trong lãnh vực báo chí tại điểm nóng là Việt Nam.

Điểm qua các khuôn nặt phóng viên chiến trường nổi bật ta có thể kể đến Eddie Adams (1) với bức ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tại chỗ một đặc công VC vào Tết Mậu Thân 1968 và Nick Út (2), phóng viên ảnh người Việt làm cho hãng thông tấn AP, chụp tấm ảnh cô bé Kim Phúc bị dính bom napan cháy toàn thân vào năm 1972.

Hai bức ảnh nói trên đã làm đảo lộn những suy nghĩ của một số người trên thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam, từ “diều hâu” họ chuyển sang “bồ câu” vì những hình ảnh tàn bạo của chiến tranh. Nhân vật thứ ba, sau Eddie Adams và Nick Út, là Malcolm Browne (3), người đã “góp phần” lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963 với bộ ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức (4) tự thiêu để phản đối chính phủ đã “đàn áp Phật giáo”.

Phóng viên Malcolm Browne đã giành Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1963 nhờ một bức hình chụp cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, và nhà báo David Halberstam, người được trao giải Pulitzer, cũng đã có bản tường thuật về cùng một sự kiện như Browne.

Malcolm Browne là phóng viên người nước ngoài duy nhất đã ghi lại hàng trăm bức hình về những diễn biến của cuộc tự thiêu. Sau này, những hình ảnh đó được chính Browne thuyết minh như một phóng sự bằng hình với giờ khắc được tính theo từng phút một cách chi tiết.

Một số bức hình đăng trong bài viết này có nguồn từ trang Flickr của Mạnh Hải, một kiến trúc sư về hưu, chuyên sưu tầm những hình ảnh trước năm 1975. Số ảnh trong kho lưu trữ tính của Mạnh Hải đến nay đã vượt con số 34.000 tấm.

Trang Flickr của Mạnh Hải

Lúc 7g50 sáng ngày 11/6/1963 phóng viên Malcolm Browne cùng một đồng sự người Việt tên Trần Văn Hà thuộc Associated Press (AP) có mặt tại chùa Từ Nghiêm. Ngoài hai người của AP còn có phóng viên của Agence France Presse (AFP, Pháp) và United Press International (UPI, Mỹ) tuy nhiên chỉ có phóng viên AP mang theo máy ảnh. Browne là phóng viên chứ không phải là nhiếp ảnh viên vì vào thời điểm ấy, AP không có phóng viên ảnh nên các nhà báo phải tự chụp hình.

Tối hôm trước (10/6/1963), Malcolm Browne và một số phóng viên nước ngoài làm việc tại Sài Gòn đã nhận được điện thoại từ chùa Xá Lợi báo tin sẽ có một “sự kiện đặc biệt quan trọng diễn ra tại ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt” (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng Tháng Tám) vào sáng hôm sau.

Sau khi nhận được tin báo, đa số các nhà báo thấy không có gì quan trọng với loại tin đó nên nhiều người đã bỏ qua. Tuy nhiên, với tính nhạy bén của một phóng viên chuyên nghiệp, Malcolm Browne cảm thấy đó là một tin báo đáng lưu ý trong tình hình Phật giáo “xuống đường” chống Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Mười phút sau khi có mặt tại chùa Từ Nghiêm, ngôi chùa nhỏ hẹp tọa lạc tại số 415-417 đường Bà Hạt, quận 10, Sài Gòn, dành cho ni giới, các tăng ni cử hành nghi thức tụng niệm trước khi “xuống đường”. Browne chụp tấm ảnh dưới đây lúc 8g sáng ngày 11/6/1963:



Ảnh chụp lúc 8g sáng 11/6/1963 tại chùa Từ Nghiêm


Sau nghi thức tụng niệm tại chùa Từ Nghiêm, đoàn tăng ni di chuyển sang chùa Xá Lợi. Trong hình dưới đây, ta thấy phần đông những người có mặt là hàng ngũ “xuống đường” là ni sư từ chùa Từ Nghiêm.



Ảnh chụp lúc 9g trên đường đến chùa Xá Lợi


Đoàn tăng ni tiến đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt. Phía trước là chiếc xe hiệu Austin, màu xám, mang biển số DBA – 599. Đây là chiếc xe chở Hòa thượng Thích Quảng Đức. Chiếc xe này hiện được trưng bày tại chùa Thiên Mụ, Huế.



Ảnh chụp đoàn tăng ni trên đường đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt

Một lúc sau, Browne thấy ba nhà sư bước xuống xe tại ngã tư và một vị ngồi xuống đường trong tư thế kiết già, tay cầm hộp diêm. Một trong hai nhà sư còn lại tiến đến với bình xăng và tưới xăng vào người vị sư đang ngồi. Người ngồi trong tư thế kiết già là Hòa thượng Thích Quảng Đức.

Browne hồi tưởng: “Three monks emerge and remove a 5-gallon jerry can full of aviation fuel from under the hood. Aviation fuel burns more slowly than gasoline” (Ba nhà sư ra khỏi xe và lấy một can 5 galon đầy xăng máy bay để dưới nắp máy xe hơi. Xăng máy bay cháy chậm hơn xăng thường). Ông tiếp: “I realized at that moment exactly what was happening, and began to take pictures a few seconds apart.” (Ngay lúc đó tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra và bắt đầu chụp liên tiếp những hình ảnh chỉ cách nhau vài giây).

Browne kể lại chi tiết trước khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu: “He sat down, pulled his feet over his thighs cross-legged in the traditional Buddhist position, and waited, his head slightly bowed, while the two other monks brought the gasoline over and poured all but about one liter of it over his head.” (Ông ngồi xuống, đặt chéo hai bàn chân lên đùi theo tư thế truyền thống của Đạo Phật và chờ đợi, đầu hơi cúi xuống, trong khi 2 nhà sư kia mang xăng đến và đổ hết can xăng chỉ chừa lại khoảng 1 lít lên đầu ông).



Ảnh chụp lúc 9g17: một nhà sư đang đổ xăng

Ngay sau đó, Hòa thượng Thích Quảng Đức bật que diêm. Browne kể lại: “I was standing about 20 feet to the right and a little in front of Quang Duc. I clearly saw him strike a match in his lap, and with a slight movement, touch the robes at lap level.” (Tôi đứng cách khoảng 20 feet [6m] về phía bên phải và gần ngay trước mặt Quảng Đức. Tôi thấy rõ ông đánh que diêm đặt trên đùi và với một cử động nhẹ nhàng chạm tay vào vạt áo).

Dưới đây là bức ảnh đã được phóng to để nhận rõ hành động tự bật diêm châm lửa để tự thiêu:


Cận ảnh lúc Hòa thượng Thích Quảng Đức bật que diêm

Ngọn lửa bùng lên trước sự kinh hoàng của đông đảo tăng ni, Phật tử và những người đang đứng bao quanh. Sự kiện diễn ra trước mắt Browne và ông đã ghi lại bức hình bằng máy ảnh của mình từ một vị trí cách nơi ngài ngồi không bao xa. Nếu quan sát kỹ bức hình, ta sẽ thấy một nhà sư bên góc trái đang di chuyển, trên tay có cầm máy ảnh. Bình xăng màu trắng nằm sau lưng Hòa thượng và chiếc Austin còn đang mở nắp máy.



Ảnh chụp lúc 9g22 ngay sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức bật que diêm trên tay



Ảnh chụp vài giây sau đó


Bức hình được phóng to

Theo lời kể của Browne: “By 9:35, Quang Duc had fallen over backwards, and after a few convulsive kicks, was clearly dead and charred, although he was still burning.” (Vào lúc 9g35, Quảng Đức ngả ngược về phía sau và sau vài cơn co giật rõ ràng là ông đã chết và biến thành than mặc dù thân thể vẫn còn đang cháy).



Ảnh chụp lúc 9g35

Browne có thể ngửi thấy mùi khét của da thịt bị thiêu cháy và nghe tiếng náo động càng lúc càng lớn khi quân đội đang cố gắng để tiếp cận để dập tắt ngọn lửa. Họ đã bị cản lại bởi những vòng tròn lớn bao quanh ngài do tăng ni và Phật tử tạo nên.

Chỉ vài giây sau đó, một nhà sư quỳ lậy trước thi thể cháy đen của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong khi các nhà sư khác chắp tay quỳ và tiếng cầu kinh vang lên. Nhiều người dân cũng đứng chứng kiến, chắp tay hoặc khoanh tay niệm Phật. Ở góc chụp này chúng ta thấy phía sau lưng họ là một trạm bán xăng.



Ảnh chụp lúc 9.35: một nhà sư quỳ lậy trước thi thể Hòa thượng Thích Quảng Đức



Ảnh chụp lúc 9.35 theo một góc nhìn khác

Lúc 10g các nhà sư dùng áo cà sa để bọc thi thể và sau đó đoàn tăng ni “xuống đường” tiếp tục cuộc hành trình trở về chùa Xá Lợi. Góc chụp trong tấm hình này cho thấy hậu cảnh là trường Trung học Tư thục Nguyễn Khuyến. Khi đó nhiều phóng viên mới lục tục kéo đến và họ nhập cùng đoàn tăng ni trở về chùa Xá Lợi.



Ảnh chụp lúc 10g: các nhà sư bọc thi thể Hòa thượng Thích Quảng Đức bằng áo cà sa

Browne trở về văn phòng của AP lúc 10g45, những cuốn phim được chuyển ngay qua Phi Luật Tân và vào lúc 11g15 Browne điện thoại liên lạc với văn phòng AP tại Tokyo. Đó là một buổi sáng đầy ắp sự kiện trong cuộc đời làm báo của Browne.



Malcolm Browne bên bức ảnh lịch sử được trao giải Ảnh báo chí Thế giới 1963

Khi rời Việt Nam và trở về Hoa Kỳ, vào năm 1965 Browne đã viết cuốn sách nhan đề The New Face of War (Bộ mặt mới của chiến tranh), và một cuốn sách hướng dẫn cho các phóng viên nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, ông có lời khuyên:

“Làm phóng viên ở Việt Nam phải có một đôi giày bền chắc, phải cảnh giác với các “mật vụ” chuyên nghe lén cuộc trò truyện của phóng viên tại các quán nước. Trong trường hợp đang thu thập thông tin trên chiến trường cùng với quân đội mà nghe thấy tiếng súng thì đừng ngốc đầu lên để xem đạn từ đâu đến, nếu không thì bạn sẽ là mục tiêu tiếp theo”.



Browne (góc trái) và phóng viên ảnh Horst Faas tại văn phòng của AP Sài Gòn

Trong cuộc phỏng vấn của Patrick Witty, biên tập viên hình ảnh của Tạp chí Time, Malcom Browne tiết lộ nhiều điều thú vị khi thực hiện loạt hình tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Được hỏi về những chi tiết của buổi sáng ngày 11/6/1963 Browne tiết lộ: 

“Tôi sử dụng một máy ảnh rẻ tiền của Nhật Bản có tên là Petri. Tôi đã sử dụng nó rất thành thạo, nhưng tôi muốn chắc chắn rằng tôi không chỉ cài đặt đúng chế độ chụp trên máy ảnh mỗi khi chụp và tập trung vào sự kiện một cách thích đáng, mà còn phải thay phim một cách nhanh chóng để theo kịp với những gì đang diễn ra. Hôm đó tôi chụp hết khoảng mười cuộn phim, bởi vì tôi đã chụp liên tục…”


Về việc chuyển các cuộn phim đã chụp ra khỏi Việt Nam để tránh kiểm duyệt, Browne cho biết:

“Chúng tôi đã sử dụng “chim bồ câu” để gởi đến Manila, Philippines. Ở Manila người ta có thiết bị để gửi đi bằng sóng vô tuyến… “Chim bồ câu” ở đây là một hành khách trên một chuyến bay thương mại bình thường mà mình đã thuyết phục để họ nhận chuyển gói đồ nhỏ cho mình. Thời gian là vấn đề cốt yếu trong việc này, tôi đã nhanh chóng đem các cuộn phim ra sân bay, và được chuyển đi trên một chuyến bay đến Manila không lâu sau đó”.

Về quang cảnh hiện trường của cuộc tự thiêu, Browne mô tả:

“Âm thanh chính lúc đó là tiếng gào khóc và lời tiếc thương của các vị tu sĩ, những người đã biết đến Ngài Quảng Đức trong nhiều năm qua và cảm mến Ngài. Sau đó là tiếng hét trên loa phóng thanh của những người lính cứu hỏa, họ cố gắng tìm lối đi để đưa Ngài ra ngoài, dập tắt những ngọn lửa xung quanh Ngài. Vì vậy, đó là một mớ hỗn độn các âm thanh”.



Các tu sĩ đã nằm ngang xe cứu hỏa để ngăn chặn việc tiếp cận hiện trường

Tổng thống Kennedy khi nhìn những bức hình của Browne đã phải thốt lên: “No news picture in history has generated so much emotion around the world as that one” (Không có một hình ảnh tin tức nào trong lịch sử đã tạo ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như tấm hình này!).


***

Chú thích:


(1) Xem bài viết “Tướng Nguyễn Ngọc Loan và bức ảnh hành quyết” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/tuong-nguyen-ngoc-loan-va-buc-anh-hanh.html)


(2) Xem bài viết “Phóng viên chiến trường Nick Út và ‘cô bé napalm’ Kim Phúc” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/phong-vien-chien-truong-nick-ut-va-co.html)


(3) Malcolm W. Browne (1933 - 2012) là một nhà báo và nhà nhiếp ảnh người Mỹ giành Giải thưởng Pulitzer với bộ ảnh chụp cảnh tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức năm 1963.

Ban đầu Browne được giao làm việc cho tờ báo quân đội Stars and Stripes, bản dành cho khu vực Thái Bình Dương. Sau đó, ông gia nhập Associated Press và làm việc tại Baltimore từ năm 1959 đến năm 1961 và sau đó làm trưởng đại diện ở Đông Dương.

Ông là một trong những nhà báo đầu tiên thường trú tại Việt Nam để đưa tin về chiến tranh. Năm 1968, ông trở thành nhà báo của The New York Times, và đến năm 1972 là đại diện của tờ báo ở khu vực Nam Mỹ. Năm 1977, ông làm cho tạp chí Discover, rồi trở lại Times năm 1985. Năm 1991, một lần nữa ông lại làm phóng viên chiến trường ở Iraq trong Chiến tranh Vùng vịnh 1991.

Browne mất năm 2012 tại New Hampshire sau một thời gian mắc bệnh Parkinson, hưởng thọ 81 tuổi.

Giải thưởng và danh hiệu:


· Bức ảnh chụp hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn của Browne. Browne giành Giải Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) năm 1963.

· Giải Pulitzer cho bài báo quốc tế (1964)

· Giải George Polk

· Giải Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài (Overseas Press Club Award)


Tác phẩm:


· Browne, Malcolm W. Muddy Boots and Red Socks, Random House: New York, 1993, ISBN 0-8129-6352-0 (hồi ký)

· Saigon's Finale (bài báo viết về quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam ngày 30/4/1975)

· The New Face of War (Bobbs-Merrill, Indianapolis, 1965) ISBN 055325894X.


Malcolm Browne (1965)

(4) Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, (1897 - 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa, người đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11/6/1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Ông sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là Nguyễn Thị Nương.

Năm lên bảy tuổi, cậu bé Lâm Văn Tức xuất gia tu học với hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Cậu được hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết.

Năm mười lăm tuổi Lâm Văn Tức thọ giới Sa Di, năm hai mươi tuổi thọ Tỳ Kheo giới lấy tên là Thích Quảng Đức. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi tên là Hòn núi Đất thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, về sau ông đã trở lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc.

Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp miền Trung để giảng pháp. Sau 2 năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên gần thành phố Nha Trang. Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong suốt thời gian ở miền Trung Việt Nam, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa.

Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để giáo hóa, ông cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, ông đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy, ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cung là nơi ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm ở quận Phú Nhuận, Gia Định, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Đức.

Ông đã từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, ông có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt. Khi trụ sở này đời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm.

Sau khi tự thiêu, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại, nhưng trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành một vị Bồ tát, làm tăng sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận.

Hành động của Thích Quảng Đức đã làm tăng sức ép của quốc tế đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, dẫn tới việc Tổng thống Diệm phải tuyên bố đưa ra một số cải cách nhằm xoa dịu giới Phật tử. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không hề được thực hiện, khiến tình hình càng trở nên xấu hơn.

Khi phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao, Lực lượng Đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai Tổng thống, đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bố ráp chùa chiền trên cả nước, lấy được trái tim của Thích Quảng Đức. Một số nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức.

Cuối cùng, cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1/11/1963 đã lật đổ chính quyền và giết chết anh em Ngô Đình Diệm. Hành động tự thiêu của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo Việt Nam, dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

(Nguồn: Wikipedia)


Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức

(5) Đọc thêm về Mạnh Hải qua bài viết “Flickr.com: Kho hình vô tận” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/07/flickrcom-kho-hinh-vo-tan.html).

Trang web của Mạnh Hải trên Flickr: http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/


***


(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!



--> Read more..

Popular posts