Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Nhà văn Kim Dung – Cao thủ võ lâm

Vào đầu thập niên 60, Sài Gòn “hứng chịu” một cơn bão từ bán đảo Hồng Kông đổ vào nhưng không gây thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, cơn bão đã gây một tác động về tinh thần không hề nhỏ.

Năm 1961, nhật báo Đồng Nai khởi đăng “Cô gái Đồ Long” của nhà văn Kim Dung do Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch “nóng” từ báo ở Hồng Kông gửi sang. Nóng hổi đến độ ngày hôm trước ở Hồng Kông “Hương Cảng Thương báo” diễn biến thế nào thì ngay hôm sau báo Đồng Nai ở Việt Nam dịch ra như vậy!

Cũng có những hôm truyện bị gián đoạn trên Đồng Nai và báo phải đăng lời... kính báo: “Vì lý do bất khả kháng, chuyến bay HK-SG bị gián đoạn nên “Cô gái Đồ Long” tạm nghỉ một kỳ... Thành thật xin lỗi quý vị độc giả”.

 

Nhà văn Kim Dung

 

Trước đó, loại tiểu thuyết nhiều kỳ được đăng trên các nhật báo, tức là loại “feuilleton” do các nhà văn nổi tiếng như Bình Nguyên Lộc, An Khê, Lê Xuyên... phụ trách. Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một bài phỏng vấn trên tờ Văn Hóa Nguyệt san cho biết:

“Vào năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày 11 feuilleton. Nhưng sau đó, chính An Khê và Lê Xuyên dẫn đầu. An Khê có năm viết tới 12 feuilleton mỗi ngày, nhưng tôi chưa thấy ai vượt qua con số 12 nổi. Sự viết nhiều, viết ít, không do ta, cũng không do chủ báo. Đó là may mắn (hay rủi ro) ngẫu nhiên”.

Feuilleton truyện “Cô gái Đồ Long” dịch từ “Ỷ Thiên Đồ Long ký” của Kim Dung được xuất hiện trên báo Việt là một hiện tượng mới lạ nhưng lại thu hút nhiều độc giả, từ người lao động chân tay đến những trí thức bàn giấy hay cả những quan chức chính phủ.

Trẻ con cũng nghêu ngao bài “Tiếng hát quê hương” của nhạc sĩ Xuân Lôi “Có cô gái miền quê hát bài ca / Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió / Thôn xóm nhà khi nắng tà…” cải biên về Cô gái Đồ Long:

“Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua

Lắc ba cái ra ba con gà mái

Chung hết tiền, thua hết tiền...”

 

Tượng Kim Dung tại đảo Đào Hoa, Phổ Đà, Chu San, Chiết Giang

 

Ngay cả ông tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ trong chính phủ VNCH cũng là độc giả trung thành của chuyện chưởng Kim Dung, đến độ ông còn đặt tên chiếc phi cơ của ông là Vô Kỵ còn bà vợ Tuyết Mai hóa thân thành Triệu Minh!

Hiện tượng “mê” chuyện chưởng của Kim Dung còn kéo dài đến sau ngày 30/4/1975. Hồi còn đang ở trại cải tạo ở Trảng Lớn (Tây Ninh) chúng tôi thường có dịp được nghe các buổi kể chuyện của một anh bạn đồng cảnh ngộ trước giờ ngủ. Anh kể vanh vách về “Cô gái Đồ Long”, “Anh hùng xạ điêu” hay “Tiếu ngạo giang hồ” với một trí nhớ phi thường và lối kể chuyện thật hấp dẫn.

Thỉnh thoảng có những hôm cũng có những cáo lỗi, có thể vì anh chưa nhớ lại hoặc không thấy khỏe trong mình. Những khi đó anh cũng xin lỗi giống như ngày xưa trên báo... “vi máy bay ở Hồng Kông chưa kịp đến Tân Sơn Nhất nên hẹn lại ngày mai”!

 

Kim Dung và Đỗ Dã Phần, người vợ đầu

 

“Cô gái Đồ Long” xoay quanh truyền thuyết về Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm là hai báu vật trong võ lâm, nếu ai nắm được cả hai thứ đó sẽ nắm được thiên hạ. Vô Kỵ vào cuối truyện xem Triệu Minh là tình yêu lớn nhất của đời mình, nhưng anh vẫn nhớ nhung 3 cô gái khác.

Mặc dù có võ công cao cường và là một người chính trực khẳng khái, có thể truyền cảm hứng cho người khác, song Vô Kỵ không hề có những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo là lòng ham muốn mãnh liệt với quyền lực và tâm kế để duy trì quyền lực.

Khi nhắc đến các tác phẩm lừng danh của Kim Dung, không thể không nhắc đến kiệt tác “Anh Hùng Xạ Điêu”. Cứ tưởng rằng đây chỉ là tác phẩm giải trí đơn thuần nhưng với tài năng của Kim Dung đã biến bộ truyện trở thành một tác phẩm văn chương đầy giá trị.

Nội dung của truyện mang bối cảnh của lịch sử Trung Quốc, kể về cuộc đời và tính cách của nhân vật trong gia đình họ Dương và họ Quách. Quách Tĩnh là một “quân tử hán”, đầu đội trời chân đạp đất và Dương Khang lại là một “ngụy quân tử” ham sang phụ khó, nhận giặc làm cha.

 

Hình ảnh anh hùng xạ điêu tại bảo tàng

 

Nội dung của “Tiếu Ngạo Giang Hồ” lại xoay quanh về những đề tài tình bạn, gia đình, sự dối trá, phản bội và cả ham muốn quyền lực. Cốt truyện tập trung vào hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, thuộc Hoa Sơn phái.

Một trong những tác phẩm thể hiện tinh thần thượng thừa của tiểu thuyết võ hiệp chính là bộ truyện “Thiên Long Bát Bộ”. Cốt truyện được lấy bối cảnh thời Tống, giai đoạn được xem là chế độ phong kiến từ thịnh sang suy, nổi bật là sự xung đột của hai nước Tống-Liêu.

“Lộc Đỉnh Ký” khác hẳn với những tiểu thuyết kiếm hiệp còn lại của Kim Dung. Không phải là tác phẩm phản ánh cuộc sống của các nhân vật võ lâm trong giang hồ và những mâu thuẫn phức tạp của cá nhân hay phe phái mà là cuốn truyện nói về đời sống xã hội Trung Hoa những giai đoạn đầu của thời nhà Thanh với các mâu thuẫn chính trị, văn hóa.

Tuy nhiên, chính Kim Dung cũng đã thừa nhận rằng tác phẩm “Thần điêu đại hiệp” là một thất bại nhất của mình. Có lập luận cho rằng toàn bộ tác phẩm này chỉ xoay quanh một chữ “tình”, nhân vật chính Dương Quá phát triển và thay đổi không có bước đệm, không giống như Quách Tĩnh ngày đêm luyện tập, hay như Kiều Phong liên tục đại chiến.

 

“Tiếu ngạo giang hồ” là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung

 

Vũ Đức Sao Biển là một nhạc sĩ nhưng ông còn nổi tiếng ở lĩnh vực phê bình sách, nhất là truyện của Kim Dung. Độ am hiểu, những bài viết chất lượng khiến ông được văn giới lẫn bạn đọc trìu mến gọi là "nhà Kim Dung học". Ông thường có bài viết trên tạp chí “Kiến thức Ngày nay”.

Vũ Đức Sao Biển cho biết ông yêu thích truyện Kim Dung từ thập niên 1960, chỉ vài năm sau khi tác giả bắt đầu viết võ hiệp năm 1955. Năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ in các bài viết của ông về truyện võ hiệp, tập hợp vào bộ “Kim Dung giữa đời tôi”, xuất bản năm 1993 và tái bản nhiều lần.

Ông mổ xẻ nhiều khía cạnh của tiểu thuyết Kim Dung, từ võ công, binh khí, âm nhạc đến tình yêu, tình dục và yếu tố xã hội. Trong một bài phê bình về truyện của Kim Dung, ông viết:

"Nhân vật của Kim Dung luôn hướng về tự do. Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ) học kiếm pháp Hoa Sơn với Nhạc Bất Quần, một cái nhấc chân hay một cái cất tay đều đúng bộ vị, thước tấc. Cho đến khi nhân vật này được học kiếm pháp với Phong Thanh Dương, lãnh hội ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của lão: ‘Người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người, cứ như nước chảy mây trôi mà sử kiếm’ thì hắn mừng như điên. Ấy bởi vì Lệnh Hồ Xung biết mình đang tiếp cận với tự do, cái tự do mà một tên lãng tử vô hạnh như hắn cần phải có".

...

"Kiếm pháp (của Lệnh Hồ Xung) hoàn toàn đi ngược kiếm lý phổ thông: có khi phóng vào khoảng không, có khi mềm oặt như mất hết khí lực, có khi hung hiểm như con trường xà đột ngột chờ sẵn... Lệnh Hồ Xung sử kiếm ý đó mà lòng sung sướng như điên... Tôi cũng học cách của Lệnh Hồ Xung, ý nghĩ đi tới đâu, phóng ngòi bút tới đó. Vâng, tôi đang sử bút ý"

(hết trích)

 

Vũ Đức Sao Biển giao lưu cùng độc giả trong buổi giới thiệu sách tháng 4/2018

 

Kim Dung là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của tờ “Hồng Kông Minh Báo”, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.

Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện chưởng đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất.

300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông còn được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông, ngày 6/2/1924 tại Chiết Giang. Tháng 2/2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Kim Dung qua đời ngày 30/10/2018 tại Hồng Kông sau khi đã trải qua 3 đời vợ!

 

Kim Dung và các con

 

Sau 1975, các tác phẩm của Kim Dung bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách cấm với lý do "văn hóa đồi trụy, phản động". Tuy nhiên, các bản sách cũ vẫn được lén lút lưu giữ và được nhiều người truyền tay đọc.

Mãi đến đầu thập niên 1990, chính quyền mới giảm bớt sự cấm đoán gắt gao với văn hóa văn nghệ. Thêm vào đó, sự phát triển của Internet giúp các bản dịch cũ lưu truyền rộng rãi, ban đầu dưới dạng scan từng trang sách, sau đó là dạng văn bản do những người hâm mộ gõ lại.

Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung. Từ năm 1999, Phương Nam đã mua được bản quyền dịch tác phẩm của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn.

Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại, NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam liên kết xuất bản theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến).

 ***

--> Read more..

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Nhật ký Cách Ly

Mấy hôm trước tôi bị húng hắng ho nên nhờ con gái làm test Covid.

* Ngày 29/3/2022: Test cho kết quả 2 vạch. Thôi rồi, mình đã dính FO dù trước đó đã tiêm đủ 3 mũi vaccine!. Thế là kể từ hôm nay tôi phải tự cách ly một mình trên lầu. Thuốc men + ăn uống do con gái và con rể đem lên tận phòng.

Thực ra thì cách ly đối với tôi cũng không có gì quan trọng, sáng sáng chỉ ra đầu ngõ uống cà phê rồi về nhà quanh quẩn trên lầu! Cái phiền là sợ lây sang những người trong nhà!

Nói vậy chứ cách ly là tự cô lập mình với xã hội bên ngoài, ai mà không thấy… tủi thân!

* Ngày 1/4/2022: Hôm nay là ngày Cá Tháng Tư, thiên hạ đua nhau “nói xạo”. Ngồi buồn lướt Facebook thấy có tin “giật gân”: hai ông Tổng thống “không đội trời chung” của Nga & Ukraine bỗng “bắt tay nhau tình thương mến thương”. Kể cũng lạ!

Đọc xuống đoạn cuối mới biết là tin Poisson d’Avril (April Fools Day)… Lợi dụng ngày Cá Tháng Tư nói chuyện “xạo ke”. Đang trong tâm trạng cách ly nên chẳng lấy làm thú vị gì cho lắm!

* Ngày 2/4/2022: Hôm nay làm test lần thứ 2, kết quả vẫn y như cũ… vẫn 2 vạch đỏ lòm.

***

Thế là cuộc chiến chống Covid sẽ vẫn còn tiếp diễn, không biết khi nào mới tới điểm dừng?

Xin cám ơn người thân đã tận tình chăm sóc từ viên thuốc cho đến miếng ăn trong những ngày qua.

Xin đa tạ bạn bè, gần cũng như xa, có lời thăm hỏi trong những ngày vắng bóng trên Facebook.

Cuộc chiến của tôi vẫn còn tiếp tục và tôi… nhất định sẽ thắng! Covid nhất định thua! 

***

Test lần thứ 1, ngày 29.3.2022


Test lần thứ 2, ngày 2.4.2022


Test lần thứ 3, ngày 5.4.2022. Vạch dưới còn hơi hồng hồng


Test ngày 6.4.2022... Âm tính (Negative) 


Thuốc men đẻ cầm cự


Oximeter


Có cả báo để đọc


Một bữa ăn trưa


Cơm trưa với cá


Bánh cuốn


Bánh mì xíu mại


Mì quảng


Bún chả... Obama


Hamburger


Xôi xéo

***



















--> Read more..

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Những tảng băng chìm

Đêm 14/4/1912, tàu chở khách Titanic, được mệnh danh là “chiếc tàu khó chìm”, đã nằm xuống lòng Đại Tây Dương, mang theo sinh mạng của hơn 1.500 hành khách.

 

23h40 ngày 14/4/1912, Titanic va chạm mạnh với tảng băng trôi khổng lồ 
(Ảnh đồ họa của National Geographic)

 

Thảm kịch xảy ra chỉ vì con tàu vĩ đại, lộng lẫy, sang trọng đã đụng phải một “núi băng trôi” ngay trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên và cũng là cuối cùng của của hãng vận tải biển The White Star Line.

 

Titanic được đóng năm 1909

 

Tàu Titanic được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912 nhưng điều oái ăm là chỉ để phục vụ cho chuyến hải hành duy nhất từ Châu Âu sang Châu Mỹ. Titanic đã “làm nên lịch sử hàng hải thảm khốc nhất của nhân loại”!

 

Vị trí tàu Titanic bị chìm trên quãng đường từ Southampton, Anh đến New York, Mỹ

 

Tai nạn này đã khiến văn chương cũng như điện ảnh phải tốn nhiều công sức, tiền của để tái hiện lại những gì đã xảy ra trong chuyến đi “định mệnh”.

 

Phim Titanic với Kate Winslet & Leonardo DiCaprio - Đạo diễn: James Cameron

 

Tất cả cũng chỉ vì những tảng băng trôi (iceberg) di chuyển trên mặt biển nhờ sức gió và dòng hải lưu để tạo thành những sườn núi cao vài mét. Băng trôi bao gồm các mảnh rộng từ 20 đến 100m, lại có những những mảnh trung bình từ 100 đến 500m. Lớn hơn nữa từ 500 đến 2.000m và rất lớn từ 2 đến 10km.

 

Cảnh tàu Titanic bị chìm

 

Có thể coi những tảng băng trôi là “công trình kỳ diệu của tạo hóa” nhưng đó cũng là những nguy hiểm chờ sẵn con người trong những chuyến hải hành. Băng có thể tan ở phần nổi qua tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhưng phần chìm trong nước rất khó thay hình, đổi dạng.

 

Băng trôi tại Nam Cực

 

Chúng ta chỉ thấy 10% của tảng băng qua phần nổi và có đến 90% nằm sâu dưới nước ở phần chìm. Đó chính là cái bẫy đánh lừa sự quan sát của con người. Và đó cũng là nguyên nhân của thảm kịch Titanic.

Dù có xuất xứ từ Bắc hoặc Nam Bán Cầu, hàng trăm ngàn tảng băng trôi vẫn lặng lẽ trên biển để tạo thành một bức tranh đầy màu sắc của tạo hóa... nhưng cũng đồng thời là một cái bẫy chết người cho những ai lạc vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời đó!

Lẽ thường tình của cuộc đời.

 

Scotia Sea, Nam Cực

 

Bạn hãy nhìn vào bức hình cuối cùng để rút ra một triết lý của cuộc đời: Phần nổi của táng băng thật nhỏ bé với tên gọi là Sự Thành Công nhưng phần chìm của nó thật lớn lao, ẩn chứa nhiều thử thách của cuộc đời mà người ta thường ít thấy.

Phần chìm của tảng băng sự Chăm chỉ & Kiên trì, Những đêm thức trắng, Kỷ luật, Sự từ chối, Lòng can đảm, Sự chỉ trích, Thay đổi, Rủi ro... Bên cạnh đó còn có Thói quen tốt, Sự đổi mới, Sự cống hiến, Đam mê và Chân thành.

 

Phần nổi: Sự thánh công – Và phần chìm của tảng băng mà người ta không thấy

 Những tảng băng chìm thật đầy đủ ý nghĩa!

 ***

--> Read more..

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2022

Tôi làm hộ chiếu

Vốn tính cẩn thận, tôi lưu giữ các loại giấy tờ rất kỹ vì biết rằng có một ngày nào đó chúng rất cần thiết đối với mình. Ấy thế mà gần đây không thể nào tìm lại được quyển hộ chiếu!

Tôi đã có nhiều hộ chiếu mà ta thường gọi là passport, từ Hộ chiếu Công vụ khi còn làm báo để đi công tác cho đến Hộ chiếu Phổ thông dùng khi đi du lịch hay thăm con cái. Tất cả những hộ chiếu đó, dù đã hết hạn nhưng tôi vẫn cất giữ như những kỷ niệm để đánh dấu những nơi tôi đã đi qua.

Tình hình dịch bệnh đang từ từ có vẻ như “dễ thở” phần nào nên con gái ở Paris đề nghị tôi làm một chuyến đi thăm “Kinh đô Ánh sáng”. Quả thật tôi không mặn mà lắm vì giờ tuổi đã cao, không còn háo hức “đi đó, đi đây” như hồi còn trẻ.

Trước đây vài năm tôi đã thoái thác không đi Nhật với vợ chồng con gái bên Úc, lý do đơn giản là vì mình giả rồi nên “dừng bước giang hồ” dù Nhật Bản là nước tôi chưa từng đến trong số 15 quốc gia mà tôi đã... ghi lại dấu giày!

Ở Châu Âu, tôi đã đến Đức, Ý, Áo nhưng con gái út lại thuyết phục tôi nên đến Pháp, một nước rất gần gũi với Việt Nam trong lịch sử cận đại. Cuối cùng tôi đã “bị” thuyết phục và con gái giao trách nhiệm cho chồng còn kẹt lại trong nước trong mùa dịch để lo các thủ tục làm visa.

Hộ chiếu cuối cùng của tôi sẽ hết hạn vào tháng 10/2022 nhưng đến khi tìm lại passport thì không biết nó nằm ở đâu trong mớ hộ chiếu đã cẩn thận cất giữ, chỉ còn lưu lại bằng hình ảnh qua scan! Cẩn thận quá nên lúc cần lại chẳng thấy đâu, có lẽ vì tuổi già đã bắt đầu... lú lẫn!

 

Hộ chiếu hết hạn ngày 15/10/2022

 

Con rể bàn cứ lên Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an Thành phố xem sao. Thế là hai bố con đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, đối diện với Công viên Tao Đàn. Nơi đây thật nhộn nhịp vì Covid-19 đã có phần “trầm lắng”, thiên hạ bắt đầu đến làm thủ tục xuất cảnh.

Ở Pháp, con gái đã làm thủ tục xin visa nên chỉ cần qua công đoạn đầu tiên là chụp hình, đóng 20.000 đồng. Tiếp đến là việc cứu xét hồ sơ, đây là “khâu quyết định thành bại” và kết quả là những rắc rối đã đến với tôi...

Thứ nhất, tôi phải làm tờ khai cớ mất hộ chiếu, người đánh mất sẽ bị phạt nhưng xét vì tôi đã lớn tuối nên “du di”... miễn phạt! Sau đó nhân viên lại phát hiện Chứng minh Nhân dân của tôi đã “không còn hiệu lực”.

Tôi giải thích toán làm Căn cước Công dân mới đã đến tận nhà làm vì tôi thuộc nhóm “cao tuối” nhưng đến nay vẫn chưa nhận được căn cước mới! Theo lời nhân viên, vậy thì phải đợi đến khi nhận được căn cước mới mới được!

***

Thế là hai bố con tiu nghỉu ra về. Để “giải sầu”, trước khi về nhà hai bố con ghé quán cà phê Phindeli mới mở ở Hồ Con Rùa và cũng là để “giải khát” trong một buổi chiều nắng nóng.


Hồ Con Rùa

Cũng tại đây, tôi nảy ra ý định gọi điện thoại về chị tổ trưởng dân phố để hỏi chừng nào mới có căn cước mới? Thật đúng là “hay” không bằng “hên”! Chị tổ trưởng trả lời đã có căn cước mới gửi về từ Hà Nội, tôi có thể liên lạc với anh cảnh sát khu vực hiện đang trực tại Công an phường nhận gấp để bổ xung hồ sơ...

Thế là hai bố con tức tốc lên đường đến Công an Phường nhận căn cước mới sau khi nộp lại căn cước cũ! Rồi lại tức tốc đến Phòng quản lý Xuất Nhập cảnh làm lại thủ tục từ đầu: chụp hình, làm đơn cớ mất hộ chiếu, điền vào mẫu đơn có số căn cước mới... Phải làm cho nhanh vì đã gần giờ đóng cửa!

Tôi đã xong một công việc “trần ai” của giai đoạn “làm hộ chiếu” nhờ công sức của anh con rể! Giá một mình tôi chắc chắn sẽ không thể nào thực hiện được vì nội việc đi xe ôm cũng mất quá nhiều thì giờ, cộng thêm với tuổi già chậm lụt chắc cũng phải còn lâu tôi mới có được hộ chiếu mới!

Cuộc hành trình “làm hộ chiếu” của tôi bắt đầu từ 12g30 và kết thúc lúc 4g30. Trong trường hợp của tôi, cần xét lại câu các cụ ta ngày xưa thường cho rằng “dâu là con, rể là khách”.

Tôi quá may mắn có được một anh con rể còn quý hơn là con trai!

*** 

--> Read more..

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

Đua ngựa… Ngựa đua

“Đường vào trường đua có trăm lần thua, chỉ một lần huề...”

 

Sài Gòn có trường đua ngựa Phú Thọ từ năm 1932, nổi tiếng là một trong những “tử địa” của dân máu mê cờ bạc. Một tay chơi có thâm niên đã khẳng định: “Bắt độ ngựa mà chỉ tin vào may rủi thì... không còn quần xà lỏn mà mặc!".

 

Quang cảnh Trường đua Phú Thọ thời Pháp thuộc

 

Ngựa đua tại Phú Thọ được chia làm 4 hạng A, B, C và D, được xếp theo tuổi và chiều cao. Ngựa nổi tiếng một thời phải kể đến những cái tên rất kêu như Đạm Phi Tiên, Đại Anh Hùng, Long Sơn Hiệp, Nữ Thần, Mã Thượng, Thái Dương, Thoại Lan, Astro Boy...  Lại còn có những ngựa mang tên những người đẹp như Lý Lệ Hoa, Dương Quý Phi…

Trường đua Phú Thọ là một xã hội thu nhỏ và khép kín, ông chủ ngựa làm “vua” vì có khi cả 10 con ngựa trên đường đua đều cùng một chủ, việc phân hạng nhất nhì đều nằm trong tay chủ ngựa từ trước cuộc đua.

Rất hiếm ông chủ không “làm độ” vì trên thực tế nếu về nhất, chủ ngựa chỉ được thưởng vài triệu đồng nhưng nếu có “móc ngoặc” thì thu nhập sẽ tăng đến 10 lần. Đó là chưa kể những quyền lợi “chính đáng” khác từ phần trăm tiền vé hoặc từ các mối quan hệ.

Chủ ngựa dù không muốn “làm độ” cũng bị móc làm độ hoặc bị ép làm độ. Khi đã “làm độ” thì phải hết sức bí mật vì nếu để lộ, tiền thưởng trong vé sẽ giảm xuống. Chẳng hạn như ngựa Dương Quý Phi được mua 1.000 vé, nếu một người trúng sẽ được 1 triệu đồng, nhưng nếu 10 người cùng trúng thì mỗi người chỉ còn 100.000 đồng.

 

Trường đua Phú Thọ thu hút rất nhiều người đổ về xem đua ngựa và cá cược

 

Để có được một kết quả làm độ như ý, những đại gia “cá lậu” tổ chức một hệ thống ngầm quy mô, chặt chẽ với chủ ngựa, nài ngựa, thậm chí có cả sự móc ngoặc của một số trọng tài trường đua. Ngoài trọng tài trên đường đua còn có trọng tài chuồng, kiểm tra bước chuẩn bị xuất phát của ngựa.

Trên đường đua, một con ngựa phụ thuộc vào 3 yếu tố: đường chạy, khả năng của chính nó và tài năng của nài ngựa. Đối với những con ngựa hay thì việc chiến thắng là điều dễ dàng, nhưng ngựa thì thường hay giở chứng, để điều khiển được con ngựa bất kham, điều cần thiết phải có một nài ngựa giỏi.

Các chủ ngựa khi làm độ muốn ngựa mình thua cũng áp dụng nhiều trò với ngựa của mình như: chích thuốc ngủ cho ngựa, phải là tay chuyên nghiệp mới làm được điều này vì nếu canh thuốc không chuẩn, con ngựa chưa vào đường đua đã xỉu thì rất dễ bị phát hiện và trừng phạt nặng theo luật đua; có ngựa còn bị chích ma túy, cho uống thuốc xổ, bỏ đói...

Muốn ngựa thắng thì người ta chích thuốc bổ, thuốc kích thích... Bởi vậy sau mỗi cuộc đua, ngựa bị nghi ngờ có thể sẽ phải thử nước tiểu để rõ trắng đen. Cũng có trường hợp chủ ngựa đã nhận bán độ, cố làm cho ngựa thua nhưng con ngựa do quá sung vẫn phóng ầm ầm, lúc đó nài ngựa sẽ ghì cương cho nó chạy chậm lại.

Theo luật của thế giới ngầm, nếu đã nhận độ nhưng không “làm tròn trách nhiệm” sẽ phải bồi thường gấp 3, nếu “chống án” sẽ bị xử theo luật giang hồ!

Nạn cá lậu có thể chiếm 2/3 doanh số cá cược ở mỗi độ đua, một mặt gây thất thu ngân sách hoạt động của trường đua, mặt khác làm cho các cuộc đua mất đi giá trị đích thực của hoạt động thể thao, gây tâm lý bất ổn cho người làm nhiệm vụ trọng tài, nài ngựa và cả chủ ngựa.

Vó ngựa trường đua, đối với những người ham mê cá độ, có sức quyến rũ chẳng khác gì ma túy!

* Tham khảo thêm “Sài Gòn tứ đổ tường (3) - Cờ bạc”: https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../sai-gon-tu-o-tuong-3...

 

 

Trường đua Phú Thọ khi chưa bị đóng cửa năm 2011

 

Đầu năm 2017, Khu du lịch Đại Nam Văn hiến ở Bình Dương có trường đua Đại Nam là một công trình thể thao tốc độ phức hợp đầu tiên tại Việt Nam với sự kết hợp của 5 loại hình: đua ngựa, đua chó, đua mô tô, đua go-kart và biểu diễn flyboard.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn về việc đua chó và đua ngựa vì có liên quan đến việc dùng tên những nhân vật như Đức Hiển, Hàn Ni, Vi Oanh... là những người có mâu thuẫn với Đại Nam để đặt tên cho chó và ngựa đua nhằm hạ uy tín.

Sau 2 năm tạm dừng các hoạt động vì dịch bệnh, chiều ngày 19/3/2022 khu du lịch Đại Nam tổ chức buổi "giao lưu gặp gỡ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng" được livestream trên mạng xã hội.

 

Sơ đồ Trường đua Đại Nam

 

Việc Công ty Đại Nam tổ chức sự kiện cùng những bình luận khiếm nhã là hành vi cố ý sử dụng tên tuổi của những người đang có mâu thuẫn với mình để đặt tên cho chó đua, ngựa đua nhằm mục đích xúc phạm, làm nhục người khác là hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục ở nước ta.

Trước đó, ngày 16/2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Đến tối ngày 24/3/2022 có lệnh bắt tạm giam bà Hằng trong ba tháng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015”.

 

Đua ngựa tại Đại Nam

 

Công an cùng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đến khám xét nhà bà Hằng tại quận 3 và quận 1 sau đó vài giờ. Bà hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam T30, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xét cho cùng, quyền tự do ngôn luận của Nguyễn Phương Hằng phải đặt trong khuôn khổ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, trong đó có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư, quyền được kết tội theo đúng pháp luật...

 

Vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng “Lò Vôi” và bà Nguyễn Phương Hằng

 

Một kết cục đáng buồn nhưng thích đáng cho Nguyễn Phương Hằng, một phụ nữ tài sắc, từng có những việc làm đáng trân trọng đối với xã hội nhưng đã có những hành vi vi phạm pháp luật quá đà đến mức quên mất giới hạn về quyền và nghĩa vụ của một công dân.

Drama Nguyễn Phương Hằng vẫn chưa kết thúc và người ta vẫn còn chờ xem “trùm cuối” là ai vì chắc chắn người phụ nữ này với trình độ và kiến thức hạn hẹp không thể nào một thân một mình lèo lái mọi chuyện suốt hơn một năm qua.

 

Tiến sĩ Luật Đặng Anh Quân thường xuất hiện trong các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng

 

Chúng ta hãy chờ xem đoạn kết cuộc điều tra của cơ quan chức năng để phanh phui những góc khuất lâu nay đã được che đậy một cách bí mật và khéo léo!

 

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra

 ***

--> Read more..

Popular posts