Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Nhà văn Kim Dung – Cao thủ võ lâm

Vào đầu thập niên 60, Sài Gòn “hứng chịu” một cơn bão từ bán đảo Hồng Kông đổ vào nhưng không gây thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, cơn bão đã gây một tác động về tinh thần không hề nhỏ.

Năm 1961, nhật báo Đồng Nai khởi đăng “Cô gái Đồ Long” của nhà văn Kim Dung do Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch “nóng” từ báo ở Hồng Kông gửi sang. Nóng hổi đến độ ngày hôm trước ở Hồng Kông “Hương Cảng Thương báo” diễn biến thế nào thì ngay hôm sau báo Đồng Nai ở Việt Nam dịch ra như vậy!

Cũng có những hôm truyện bị gián đoạn trên Đồng Nai và báo phải đăng lời... kính báo: “Vì lý do bất khả kháng, chuyến bay HK-SG bị gián đoạn nên “Cô gái Đồ Long” tạm nghỉ một kỳ... Thành thật xin lỗi quý vị độc giả”.

 

Nhà văn Kim Dung

 

Trước đó, loại tiểu thuyết nhiều kỳ được đăng trên các nhật báo, tức là loại “feuilleton” do các nhà văn nổi tiếng như Bình Nguyên Lộc, An Khê, Lê Xuyên... phụ trách. Nhà văn Bình Nguyên Lộc, trong một bài phỏng vấn trên tờ Văn Hóa Nguyệt san cho biết:

“Vào năm 1957 thì tôi viết mỗi ngày 11 feuilleton. Nhưng sau đó, chính An Khê và Lê Xuyên dẫn đầu. An Khê có năm viết tới 12 feuilleton mỗi ngày, nhưng tôi chưa thấy ai vượt qua con số 12 nổi. Sự viết nhiều, viết ít, không do ta, cũng không do chủ báo. Đó là may mắn (hay rủi ro) ngẫu nhiên”.

Feuilleton truyện “Cô gái Đồ Long” dịch từ “Ỷ Thiên Đồ Long ký” của Kim Dung được xuất hiện trên báo Việt là một hiện tượng mới lạ nhưng lại thu hút nhiều độc giả, từ người lao động chân tay đến những trí thức bàn giấy hay cả những quan chức chính phủ.

Trẻ con cũng nghêu ngao bài “Tiếng hát quê hương” của nhạc sĩ Xuân Lôi “Có cô gái miền quê hát bài ca / Giữa hoa lá xanh tươi bên làn gió / Thôn xóm nhà khi nắng tà…” cải biên về Cô gái Đồ Long:

“Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua

Lắc ba cái ra ba con gà mái

Chung hết tiền, thua hết tiền...”

 

Tượng Kim Dung tại đảo Đào Hoa, Phổ Đà, Chu San, Chiết Giang

 

Ngay cả ông tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ trong chính phủ VNCH cũng là độc giả trung thành của chuyện chưởng Kim Dung, đến độ ông còn đặt tên chiếc phi cơ của ông là Vô Kỵ còn bà vợ Tuyết Mai hóa thân thành Triệu Minh!

Hiện tượng “mê” chuyện chưởng của Kim Dung còn kéo dài đến sau ngày 30/4/1975. Hồi còn đang ở trại cải tạo ở Trảng Lớn (Tây Ninh) chúng tôi thường có dịp được nghe các buổi kể chuyện của một anh bạn đồng cảnh ngộ trước giờ ngủ. Anh kể vanh vách về “Cô gái Đồ Long”, “Anh hùng xạ điêu” hay “Tiếu ngạo giang hồ” với một trí nhớ phi thường và lối kể chuyện thật hấp dẫn.

Thỉnh thoảng có những hôm cũng có những cáo lỗi, có thể vì anh chưa nhớ lại hoặc không thấy khỏe trong mình. Những khi đó anh cũng xin lỗi giống như ngày xưa trên báo... “vi máy bay ở Hồng Kông chưa kịp đến Tân Sơn Nhất nên hẹn lại ngày mai”!

 

Kim Dung và Đỗ Dã Phần, người vợ đầu

 

“Cô gái Đồ Long” xoay quanh truyền thuyết về Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm là hai báu vật trong võ lâm, nếu ai nắm được cả hai thứ đó sẽ nắm được thiên hạ. Vô Kỵ vào cuối truyện xem Triệu Minh là tình yêu lớn nhất của đời mình, nhưng anh vẫn nhớ nhung 3 cô gái khác.

Mặc dù có võ công cao cường và là một người chính trực khẳng khái, có thể truyền cảm hứng cho người khác, song Vô Kỵ không hề có những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo là lòng ham muốn mãnh liệt với quyền lực và tâm kế để duy trì quyền lực.

Khi nhắc đến các tác phẩm lừng danh của Kim Dung, không thể không nhắc đến kiệt tác “Anh Hùng Xạ Điêu”. Cứ tưởng rằng đây chỉ là tác phẩm giải trí đơn thuần nhưng với tài năng của Kim Dung đã biến bộ truyện trở thành một tác phẩm văn chương đầy giá trị.

Nội dung của truyện mang bối cảnh của lịch sử Trung Quốc, kể về cuộc đời và tính cách của nhân vật trong gia đình họ Dương và họ Quách. Quách Tĩnh là một “quân tử hán”, đầu đội trời chân đạp đất và Dương Khang lại là một “ngụy quân tử” ham sang phụ khó, nhận giặc làm cha.

 

Hình ảnh anh hùng xạ điêu tại bảo tàng

 

Nội dung của “Tiếu Ngạo Giang Hồ” lại xoay quanh về những đề tài tình bạn, gia đình, sự dối trá, phản bội và cả ham muốn quyền lực. Cốt truyện tập trung vào hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, thuộc Hoa Sơn phái.

Một trong những tác phẩm thể hiện tinh thần thượng thừa của tiểu thuyết võ hiệp chính là bộ truyện “Thiên Long Bát Bộ”. Cốt truyện được lấy bối cảnh thời Tống, giai đoạn được xem là chế độ phong kiến từ thịnh sang suy, nổi bật là sự xung đột của hai nước Tống-Liêu.

“Lộc Đỉnh Ký” khác hẳn với những tiểu thuyết kiếm hiệp còn lại của Kim Dung. Không phải là tác phẩm phản ánh cuộc sống của các nhân vật võ lâm trong giang hồ và những mâu thuẫn phức tạp của cá nhân hay phe phái mà là cuốn truyện nói về đời sống xã hội Trung Hoa những giai đoạn đầu của thời nhà Thanh với các mâu thuẫn chính trị, văn hóa.

Tuy nhiên, chính Kim Dung cũng đã thừa nhận rằng tác phẩm “Thần điêu đại hiệp” là một thất bại nhất của mình. Có lập luận cho rằng toàn bộ tác phẩm này chỉ xoay quanh một chữ “tình”, nhân vật chính Dương Quá phát triển và thay đổi không có bước đệm, không giống như Quách Tĩnh ngày đêm luyện tập, hay như Kiều Phong liên tục đại chiến.

 

“Tiếu ngạo giang hồ” là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung

 

Vũ Đức Sao Biển là một nhạc sĩ nhưng ông còn nổi tiếng ở lĩnh vực phê bình sách, nhất là truyện của Kim Dung. Độ am hiểu, những bài viết chất lượng khiến ông được văn giới lẫn bạn đọc trìu mến gọi là "nhà Kim Dung học". Ông thường có bài viết trên tạp chí “Kiến thức Ngày nay”.

Vũ Đức Sao Biển cho biết ông yêu thích truyện Kim Dung từ thập niên 1960, chỉ vài năm sau khi tác giả bắt đầu viết võ hiệp năm 1955. Năm 1988, Nhà xuất bản Trẻ in các bài viết của ông về truyện võ hiệp, tập hợp vào bộ “Kim Dung giữa đời tôi”, xuất bản năm 1993 và tái bản nhiều lần.

Ông mổ xẻ nhiều khía cạnh của tiểu thuyết Kim Dung, từ võ công, binh khí, âm nhạc đến tình yêu, tình dục và yếu tố xã hội. Trong một bài phê bình về truyện của Kim Dung, ông viết:

"Nhân vật của Kim Dung luôn hướng về tự do. Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ) học kiếm pháp Hoa Sơn với Nhạc Bất Quần, một cái nhấc chân hay một cái cất tay đều đúng bộ vị, thước tấc. Cho đến khi nhân vật này được học kiếm pháp với Phong Thanh Dương, lãnh hội ý nghĩa sâu sắc trong lời dạy của lão: ‘Người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người, cứ như nước chảy mây trôi mà sử kiếm’ thì hắn mừng như điên. Ấy bởi vì Lệnh Hồ Xung biết mình đang tiếp cận với tự do, cái tự do mà một tên lãng tử vô hạnh như hắn cần phải có".

...

"Kiếm pháp (của Lệnh Hồ Xung) hoàn toàn đi ngược kiếm lý phổ thông: có khi phóng vào khoảng không, có khi mềm oặt như mất hết khí lực, có khi hung hiểm như con trường xà đột ngột chờ sẵn... Lệnh Hồ Xung sử kiếm ý đó mà lòng sung sướng như điên... Tôi cũng học cách của Lệnh Hồ Xung, ý nghĩ đi tới đâu, phóng ngòi bút tới đó. Vâng, tôi đang sử bút ý"

(hết trích)

 

Vũ Đức Sao Biển giao lưu cùng độc giả trong buổi giới thiệu sách tháng 4/2018

 

Kim Dung là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của tờ “Hồng Kông Minh Báo”, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.

Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện chưởng đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất.

300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông còn được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh của ông, ngày 6/2/1924 tại Chiết Giang. Tháng 2/2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Kim Dung qua đời ngày 30/10/2018 tại Hồng Kông sau khi đã trải qua 3 đời vợ!

 

Kim Dung và các con

 

Sau 1975, các tác phẩm của Kim Dung bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách cấm với lý do "văn hóa đồi trụy, phản động". Tuy nhiên, các bản sách cũ vẫn được lén lút lưu giữ và được nhiều người truyền tay đọc.

Mãi đến đầu thập niên 1990, chính quyền mới giảm bớt sự cấm đoán gắt gao với văn hóa văn nghệ. Thêm vào đó, sự phát triển của Internet giúp các bản dịch cũ lưu truyền rộng rãi, ban đầu dưới dạng scan từng trang sách, sau đó là dạng văn bản do những người hâm mộ gõ lại.

Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung. Từ năm 1999, Phương Nam đã mua được bản quyền dịch tác phẩm của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn.

Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại, NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam liên kết xuất bản theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến).

 ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts