Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

Hồ Con Rùa... không có rùa!

“Thương thay thân phận con rùa,

Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia”

 

Trong ca dao Việt Nam, rùa được đề cao vì là một trong “tứ linh”: Long-Ly-Quy-Phụng nên đã chiếm một vị trí “thần thánh” trong cuộc sống tâm linh. Rùa gắn liền với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, nhận lại gươm báu từ tay vua Lê Lợi trong truyền thuyết về hồ Gươm, rùa đội bia đá trong Văn Miếu, rùa đội hạc như các tượng đồng, gỗ, đất trong chùa. 

Người ta tôn kính chứ không dùng rùa đề chế biến các món ăn thường thấy như gà, vịt, heo, bò hay thậm chí cả “con gâu gâu”, một người bạn thân thiết cũng có khi bị... đem vào nồi!  

Người Phương Tây thì lại khác, họ lại thích ăn thịt rùa. Trong nhật ký của Đại úy Francois Leglat đã viết: "Thịt rùa cũng tựa như thịt trừu nhưng ăn thanh hơn nhiều". Nhà thám hiểm Marc Antoine Rendu cũng đồng quan điểm, ông viết: "Canh rùa là vua trong các loại canh!".

Trong bút ký “Món lạ Miền Nam” viết năm1969, nhà văn gốc miền Bắc, Vũ Bằng (1913 - 1984), có bài viết về món “Canh rùa” (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nnn0n3n1n31n343tq83a3q3m3237nvn&cochu=):

“Từ thuở bé, sống ở Thủ đô Bắc Việt, ông bà tôi, rồi đến thầy mẹ tôi, chỉ dung nạp được một thứ kêu là ba ba: ba ba tần, ba ba nướng chả, ba ba om, ba ba nấu giả cầy (có đậu phụ, chuối xanh, lá tía tô... Thượng đế ơi, ngon quá!)... nhưng đến cái con vật mệnh danh là con rùa thì tối kỵ, không ai lại ăn đến cái thứ đó bao giờ. Quái, con rùa thì khác gì con ba ba? Mà sao ăn ba ba lại không ăn rùa?

“Mãi đến sau này, lấy vợ, có buổi mây chiều gió sớm, ngồi “đấu lý” với nhau, tôi mới biết người hiền nội trợ phương Bắc không ăn rùa là vì thành kiến từ ngàn đời xưa để lại. Ở đình chùa nào, người ta cũng thấy con rùa bằng đá hay bằng gỗ nên con rùa, không ai bảo ai, đã mặc nhiên thành ra một con vật huyền bí, có tính cách thiêng liêng, phải tôn thờ, phải kính cẩn, không được coi làm thường...

“Rùa là đệ tử trung thành của Đức Phật từ bi đấy... Ngày xưa, đã lâu lắm lắm rồi, lúc thầy Đường Tăng đi thỉnh kinh bên Tây Trúc, chính là nhờ con rùa đấy, chớ không thì làm thế nào mà đi được thiên sơn vạn thủy, đương đầu được với bao nhiêu quỷ sứ, yêu tinh!? Thế cho nên thỉnh được kinh rồi, thầy Đường Tăng thành Phật thì Đức Quan Thế Âm ngài cũng cho con rùa thành Phật luôn... Vì thế không bao giờ nên ăn thịt rùa. Ăn vào thì xúi quẩy, lụn bại, không còn buôn bán, làm ăn gì được!

(hết trích)

Rùa ăn thế nào cũng được, chỉ có một điều nên nhớ là thứ “rùa quạ” (mu đen như quạ), ăn không tốt. Người ta lại bảo rằng ăn rùa quạ cũng như ăn cua đinh mà cụt một cẳng thì dễ sanh bịnh cùi!

Lại nhớ, có lần tôi dắt cháu ngoại ra chơi mát tại Hồ Con Rùa, cháu bỗng “cắc cớ” hỏi: “Gọi là Hồ Con Rùa sao chẳng thấy con rùa nào hết vậy ông?”. Những người đến từ phương xa, không phải là “dân Sài Gòn”, cũng có thắc mắc tương tự chứ không nói gì đến con nít như cháu tôi.

Hồ Con Rùa đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử từ năm 1790 dưới thời vua Gia Long! Hồ này được xây tại cổng Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là Thành Quy). Đến khi Pháp chiếm được Sài Gòn năm 1859, toàn bộ thành Gia Định đã bị phá hửy và tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay họ xây một tháp nước để cung cấp nước uống cho người dân trong vùng.

 

Vòng xoay sau này là Hồ Con Rùa (1919)

 

Đến năm 1921, do không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước nữa nên tháp nước này bị phá bỏ và con đường xung quanh được mở rộng nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) rồi trở thành giao lộ của các tuyến đường khác cho đến ngày nay.

Hồ Con Rùa đươc xây trong khoảng từ năm 1965 đến 1967 dưới sự thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ và được trùng tu lại từ năm 1970 đến 1974 với một bức tượng con rùa bằng đồng, đỡ trên lưng bia đá lớn ghi tên các nước viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa nên mới có tên “Con Rùa”.

 

Con Rùa đội bia kỷ niệm

 

“Hồ Con Rùa” được chính quyền VNCH trùng tu và chỉnh trang, trong đó có việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bêtông cao có dạng năm bàn tay xòe ra giống như các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa.

 

Hồ Con Rùa nhìn từ trên cao

 

Ban đầu, khu giao lộ này được đặt tên là Công trường Chiến sĩ Tự do, đến năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế. Thời cuộc thay đổi năm 1975 và cho đến đêm ngày 1/4/1976, cả Sài Gòn rung chuyển vì một tiếng nổ rất lớn ở ngay trung tâm thành phố.

Theo lời thuật lại của nhà báo ngành Công an, Huỳnh Bá Thành (Ba Trung), trong cuốn sách "Vụ án Hồ Con Rùa" (Nhà xuất bản Tuổi Trẻ 1982) kể là vào năm 1967, khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống VNCH, đã mời một thầy phong thủy tên Huỳnh Liên đến coi thế đất tại dinh Độc Lập.

 

Con Rùa trước khi bị “phá hoại”

 

Ông Huỳnh Liên khen vị trí của dinh là vị trí của “long mạch”, trấn yểm vị trí của đầu rồng nên mới có tên “Phủ Đầu Rồng” ám chỉ nơi ở của tổng thống. Cũng theo lời thuật trên thì con rồng này đầu tại dinh Độc Lập và đuôi nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ!

Đó là lý do cần phải yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn bằng đồng để trấn đuôi rồng không vùng vẫy nữa. Theo một số người thì kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.

 

Hồ Con Rùa về đêm

 

Cũng theo Huỳnh Bá Thành trong cuốn sách nói trên, vào đêm 01/4/1976, một nhóm người phản đối chính quyền mới của Việt Nam đã đặt bom phá hủy mà theo nhà nước là với mục đích "giải thoát cho đuôi rồng để nó phá chính quyền mới" (?).

Báo Tin Sáng (nhật báo tư nhân đối lập trước 1975 vẫn còn cho hoạt động đến ngày 29/6/1981) đã tường thuật đầy đủ chi tiết vụ nổ này mà họ gọi là “phá hoại” và cho biết thủ phạm đã bị bắt nhưng không đăng hình người đó mà chỉ đăng hình người chết..

Tiếp sau đó, một số các nhà văn, thi sĩ, trí thức lần lượt bị bắt, chiến dịch này kéo dài từ ngày 2/4 đến ngày 8/4/1976 thì tạm ngưng, để sau đó công an bắt tiếp một số người phát hành sách báo ngày 28/4.

 

Vụ phá hoại tại Hồ Con Rùa

 

Dự án cải tạo, nâng cấp khoảng 6.700 m2 vỉa hè các tuyến đường quanh Hồ Con Rùa, quận 3, kinh phí gần 15 tỷ đồng, mới được triển khai sáng 29/4/2022.

Công trình thực hiện cải tạo, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường quanh hồ gồm Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Đình Chiểu đến Nguyễn Thị Minh Khai), Trần Cao Vân (từ Hồ Con Rùa đến Hai Bà Trưng) và Võ Văn Tần (từ hồ đến Pasteur). Tổng chiều dài cải tạo trên các tuyến đường dài gần 1,3 km.

Vỉa hè các tuyến được nâng cấp, lắp ghế ngồi; bổ sung mảng xanh. Hố ga thoát nước mưa được cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, tủ điện... Dự án thực hiện từ nguồn xã hội hoá, thi công trong 4 tháng, hoàn thành trước lễ Quốc khánh 2/9/2022.

Trước đó, hồi tháng 11/2020, quận 3 đề xuất làm phố đi bộ “chất lượng cao” ở khu vực hồ với tổng diện tích 19.500 m2, gồm 5 khu: đài nước ở trung tâm hồ; trình diễn ở đường Phạm Ngọc Thạch; văn hoá - triển lãm ở đường Võ Văn Tần; ẩm thực ở đường Trần Cao Vân; giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên hiện công trình chưa triển khai.

 

Hồ Con Rùa ngày nay

 

Câu chuyện “ly kỳ” về “Hồ Con Rùa... không có rùa!” là vậy. Người ta rút ra được một bài học: không phải một địa danh chỉ đơn thuần là một địa điểm “vô tri, vô giác” mà là nơi còn có thể tìm hiểu được rất nhiều điều thú vị về lịch sử!

 

Hình ảnh này đã trở thành kỷ niệm

 

*** 

--> Read more..

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

The Tank Man

* Thời gian: ngày 5/6/1989

* Địa điểm: đại lộ Trường An, ngay trước Tử Cấm Thành, cách quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, chỉ khoảng một phút đi bộ

* Nhân vật: một thanh niên mà sau này được báo chí thế giới gọi là “Người chặn xe tăng” hay còn được biết đến qua biệt danh “The Tank Man”


Có rất ít thông tin về nhân thân của thanh niên này. Báo Sunday Express của Anh đã gọi người này là Wang Weilin, một sinh viên 19 tuổi, người sau này bị buộc tội là "côn đồ chính trị""ra sức chống phá Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc".

Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin về Nhân quyền tại Hồng Kông, nguồn tin này mâu thuẫn với tư liệu nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn cho biết họ không thể tìm ra anh ta. Một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc tiết lộ:

“Chúng tôi không thể tìm ra anh ta. Chúng tôi chỉ biết tên anh ta qua báo chí. Chúng tôi đã kiểm tra trên máy tính nhưng không thể tìm ra anh ta trong số những người bị chết hay bị bỏ tù."

Trong một bài phát biểu năm 1999, Bruce Herschensohn, trợ lý của Tổng thống Richard Nixon, nói rằng người đàn ông này bị tử hình 14 ngày sau đó. Những nguồn tin khác lại cho rằng anh ta bị xử bắn dưới tay lực lượng thi hành án vài tháng sau cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn.

Trong quyển sách “Red China Blues: My Long March from Mao to Now”, tác giả Jan Wong viết rằng người đàn ông này vẫn sống nhưng ẩn danh tại lục địa Trung Quốc. Những dư luận khác cho biết những người đã kéo người đàn ông này khỏi đường đi của những chiếc xe tăng không phải là cảnh sát ngầm, mà là những người dân có liên quan.

Theo thông tin từ một người không rõ tên tuổi đăng trên tờ “The Epoch Times”, người biểu tình vô danh vẫn còn sống, anh đã ẩn náu tại Trung Quốc trong 3 năm 9 tháng sau khi sự việc diễn ra, và hiện đang định cư tại Đài Loan. Bài báo lại còn khẳng định “Tank Man” là một chuyên gia khảo cổ học Trung Quốc.

 

Thiên An Môn & The Tank Man

 

Thật ra thì cho đến nay, tên tuổi của "Tank Man" vẫn hoàn toàn không được xác định. Người thanh niên hai tay mang hai túi xách, hình như vừa mới mua hàng ở một siêu thị gần đó. Và anh đã đứng chặn trước một đoàn xe tăng khoảng 17 chiếc đang tiến dần vào quảng trường để đàn áp cuộc biểu tình.

Khi những chiếc xe tăng dừng lại, anh ta ra dấu cho những chiếc xe tăng quay đầu lại, trong khi đó, chiếc xe tăng dẫn đầu lại tìm cách đi vòng qua người thanh niên này để tránh anh ta và tiếp tục tiến tới.

Đáp lại, người thanh niên di chuyển qua lại theo chiều ngang của đại lộ để tiếp tục chặn đoàn xe. Sau khi chặn đứng đoàn xe, anh ta đã leo lên chiếc tăng đầu tiên và trao đổi với người lái nhưng đối thoại của họ không được ghi lại.

"Tank Man" vẫn tiếp tục đứng trước để cản trở hướng di chuyển của đoàn xe trước sự chứng kiến của rất đông người, trong đó có cả những phóng viên nước ngoài làm việc tại các hãng thông tấn và tạp chí quốc tế có mặt tại Trung Quốc để chứng kiến các cuộc biểu tình.

Tháng 4/1998, tạp chí Time xếp người biểu tình vô danh này vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Năm 2004, một trong những bức ảnh chụp cảnh chặn xe tăng được xếp vào danh sách "100 bức ảnh làm thay đổi thế giới" của tạp chí Life.

Trong số phóng viên có mặt tại quảng trường, nổi bật nhất là:

(1) Charlie Cole làm việc cho tờ Newsweek, là người đã nhận danh hiệu “World Press Photo Award of the Year 1989”,

(2) Stuart Franklin thuộc tổ chức Magnum Photo,

(3) Jeff Widener, hãng thông tấn Associated Press (AP) và

(4) Arthur Tsang Hin Wah phóng viên Reuters.


Stuart Franklin chụp từ tầng 5 của Khách sạn Bắc Kinh. Hình ảnh ông chụp có tầm nhìn bao quát hơn để cho thấy nhiều xe tăng ở xa hơn. Ông kể lại diễn biến:

“Khi chụp đoàn xe tăng tôi bỗng nhớ đến Prague vào mùa xuân năm 1968 khi người dân Tiệp Khắc đối đầu với xe tăng Nga. Tại Trung Quốc, phóng viên chúng tôi tự hỏi không biết phải làm thế nào để những hình ảnh tại Thiên An Môn có thể lọt ra thế giới. Cuối cùng, tôi dấu phim trong một hộp trà và đưa cho một du khách người Pháp sừa soạn về Paris!”  

 

Hình của Stuart Franklin trên Magnum Photo

 

Charlie Cole, cũng đứng trên ban công như Franklin, ông đã dấu cuộn phim về người biểu tình chn xe tăng trong nhà vệ sinh của Khách sạn Bắc Kinh khi cơ quan công an đột kích vào phòng của ông.

 

Charlie Cole, phóng viên ảnh tạp chí Newsweek

 

Trong số những bức ảnh về sự kiện này, có ảnh của Jeff Widener, chụp cách khoảng 800m từ nơi diễn ra vụ việc. Bức ảnh được chụp bằng máy Nikon FE2, sử dụng một ống kính Nikkor 400mm 5.6 ED IF và bộ tăng tiêu cự ống kính TC-301.

 

Jeff Widener được đề cử Giải Pulitzer

 

Tuy hình ảnh người vô danh đứng chắn xe tăng đã trở thành biểu tượng bất khuất của sự kiện Quảng trường Thiên An Môn trên toàn thế giới nhưng hầu như lại không được nhiều người Trung Quốc biết đến, đặc biệt là ở tầng lớp trẻ tuổi.

Những bức ảnh về sự phản kháng trên mạng bị chặn bởi “Dự án Giáp vàng”, một kế hoạch kiểm duyệt và giám sát qua hệ thống tường lửa internet do Bộ Công an trực thuộc chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành.

Trong khi đó, tại Đài Loan, nhân kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra vụ Thiên An Môn, bức tượng một thanh niên đứng trước xe tăng đã được đặt tại Nhà kỷ niệm cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch tại Đài Bắc, ngày 21/5/2019.

 

Nhân kỷ niệm 30 năm Tank Man ở Đài Loan, một bức tượng đã được dựng trước Đài kỷ niệm Tổng thống Tưởng Giới Thạch

 

Tại Hoa Kỳ cũng có một bức tượng “Tank Man” tại Liberty Sculpture Park, Yermo, California. Hoạt cảnh là người thanh niên hai tay xách túi thực phẩm, anh đứng trước xe tăng và chiếc xe đạp bị cong vành! 

 

Bức tượng Tank Man tại Califonia

 

“Thời thế tạo anh hùng” nhưng trong trường hợp của “Tank Man” lại là một nhân vật phải nói là “vô danh tiểu tốt” nhưng lại tượng trưng cho một tinh thần bất khuất trước bạo lực!

 

***
--> Read more..

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

Có những sai sót… có thể tha thứ (!)

Xin đừng vội phản ứng với tựa đề của bài viết này… cho đến khi bạn đọc hết những tâm sự của tôi chắc cũng chưa muộn.

Ngày xưa Voltaire đã từng nói, “Hãy yêu sự thật, nhưng hãy tha thứ cho lầm lỗi” (Love truth, but pardon error), cái khó là sự tha thứ đó còn tùy thuộc vào những trường hợp có mang tính “bất khả kháng” hay không.

Cũng xin đi thẳng vào vấn đề. Tôi không dám nói đến những lỗi lầm lớn trong xã hội, mà chì giới hạn thiết thực đến những lỗi trong các bài viết của tôi mà bạn đọc thường thấy. Chắc các bạn cũng để ý, có những lỗi chính tả hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là “lỗi của người đánh máy”!

Một khi tuổi đã cao, những lỗi đó ngày một nhiều. Nếu không chịu khó đọc lại từng câu sau khi viết sẽ thấy đầy những lỗi chính tả ngoài ý muốn của người xử dụng bàn phím trên laptop hay trên smartphone. Những lỗi thông thường nhất là các dấu trong tiếng Việt.

Cụ thể là dấu sắc (phải dùng phím “số 1” bên góc trái) trong khi dấu huyền (lại dùng phím “số 2” ngay bên cạnh “số 1”). Chẳng hạn như để gõ chữ “má”, theo Unicode phải viết “ma” rồi mới gõ thêm phím “số 1” để thành ”má”. Gõ lộn sang phìm “số 2”, “má” sẽ biến thành “mà”!

Dấu hỏi, dấu ngã cũng tương tự. Muốn có chữ “cũ” phải gõ chữ “cu” rồi dùng phím “số 4” để có “cũ”, bấm lộn sang “số 3” thì lại thành “củ”. Chữ “ă”, chữ “â” chỉ khác nhau khi thêm phím “số 8” hay phím “số 6”. Bản thân tiếng Việt đã rắc rối với các dấu Sắc, Nặng, Huyền, Hỏi, Ngã... khi dùng bàn phím lại còn rắc rối hơn thế nữa! 

Một số dấu hiệu thông thường cũng là một trở ngại xuất hiện ở người già khi xử dụng máy tính. Để có các dấu đóng và mở ngoặc đơn hay ngoặc kép cũng phải dùng phím số, hoặc dấu hỏi “?” hay dấu chấm than “!” cũng phải quay về với phím số.

 



Biết bao nhiêu là quy tắc khiến người lớn tuổi cảm thấy “nhức đầu” khi xử dụng! Hồi còn trẻ, sao không thấy những lỗi này xuất hiện, nhưng đến khi về già thì “má” và “mà” cứ bị lẫn lộn. Gõ xong một câu, “ông già” phải đọc lại ngay chứ nếu để xong một đoạn hay hết bài sẽ bỏ sót nhiều lỗi và người đọc sẽ cảm thấy khó chịu khi gặp phải những lỗi “ngớ ngẩn” này.

Bản thân tôi đã đề ra một nguyên tắc: khi viết xong một bài để post trên laptop phải lập tức đọc lại trên smartphone. Chữ thể hiện trên 2 phương tiện này vẫn là một nhưng khi đọc trên smartphone ta có thể phát hiện lỗi trên laptop. Chi bằng, để “an toàn” phải check lại trên cả hai màn hình.

Đối với “các cụ”, màn hình trên laptop vẫn lớn hơn trên smartphone nhưng vì mắt kém nên phải nối màn hình sang màn ảnh của TV để mắt có thể nhìn hình ảnh to hơn. Khổ nỗi, khi có 2 màn hình mắt lại làm việc nhiều hơn để theo dõi bàn phím trên laptop đồng thời kiểm tra kết quả trên màn hình TV!

 



Hóa ra người già làm việc bằng 2 người trẻ mà kết quả vẫn chưa đạt được ý muốn. Kể ra những rắc rối hoàn toàn không ngụy biện mà chỉ để thấy người có tuổi sẽ gặp khó khăn gấp bội so với các bạn trẻ trên máy tính.

Thế cho nên, ”có những sai sót… có thể tha thứ”. Chỉ mong người đọc thông cảm, bỏ qua những sai sót đó đối với “các bậc cao niên” nhưng vẫn còn ham viết!


 *** 

--> Read more..

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

"Gái Lớn" về nhà!

Nối tiếp câu chuyện “Cô Út về quê” hôm trước (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2022/05/co-ut-ve-que.html) đến hôm nay lại thêm chuyện “Gái Lớn về nhà”…

Tôi có 3 con gái. “Cô Út” hôm trước ở Pháp về VN cùng cháu ngoại, sau 2 năm kẹt dịch Covid không… nhúc nhíc! “Cô Giữa” cố thủ Sài Gòn chăm sóc mẹ bị bệnh và đến hôm nay, cô “Gái Lớn” tận xứ Kangaroo cũng “nhảy một phát” về nhà! Cũng may có anh con rể đem xe ra đón trước khi lên đường sang Pháp với vợ con vào tối nay!

 

“Gái Lớn” về nhà

 

Tôi chính thức về làm dân Sài Gòn năm 1969, khi đó đã có anh con trưởng và 3 cô con gái. Cả hai vợ chồng đều đi làm nên phải thuê người trông trông coi tụi nhỏ. Ngày đi du học trở về năm 1971 tôi thấy có một con bé chạy ra mừng. Phải mất một lúc mới nhận ra đó là… “Gái Lớn”.

Năn 1975 ập tới, thế là gia đình cũng đành “chia đàn, xẻ nghé”: bố đi học tập, mẹ vẫn còn làm nhà thương và các con bắt đầu tự gánh vác việc nhà.

Con trai lớn thì lo “ngoại vụ” như xếp hàng mua gạo, mua nhu yếu phẩm và xách nước từ dưới nhà lên gác vì nước yếu không đủ sức lên trên lầu! “Gái Lớn” phụ trách “nội vụ”: lo cơm trưa qua quýt cho 4 anh em, chờ đến chiều mẹ về nấu ăn bữa chính!

 

Soạn đồ

 

Người ta nói “thời thế tạo anh hùng”, các con tôi không phải là anh hùng nhưng cũng đã biết tự lo cho mình khi mẹ vắng nhà và đặc biệt là luôn giữ “tôn ti, trật tự” như trong quân đội!

Là chị lớn nên vẫn có “uy quyền” để giải quyết mọi rắc rối phát sinh trong gia đình nhỏ. Cho đến giờ, “Gái Lớn” vẫn có tiếng nói... quyết định mọi chuyện. Hai đứa cháu con của “Gái Giữa” giờ học ở Úc và có thêm một đứa con trai của “Gái Út” ở Pháp nhưng cũng “đầu quân” xuống Miệt Dưới để đi học dưới sự giám sát của Dì.

 

Còn gì vui hơn!

 

Không phải là “mèo khen mèo dài đuôi” nhưng “Gái Lớn” có những cái khác người, nhất là việc cả hai vợ chồng đều “ăn chay trường” và từ lâu rất mộ Đạo Phật. Tôi thấy đó là sự hài hòa tuyệt vời giữa Đạo và Đời. Cả hai đã chọn ngành y, chăm sóc người già yếu và cả những trẻ thiểu năng, kém may mắn.

Cả hai đã về hưu mấy năm nay và hưởng chế độ hưu trí hậu hĩnh của chính phủ Úc. Giờ thì chỉ toàn tâm, toàn ý chăm lo cho 3 đứa cháu. “Gái Lớn” còn hứa sẽ nhận con gái của ông anh cả tiếp tục học đại học ở Úc khi tới tuổi.

 

Video call đến tới tấp

 

Có lẽ đây là một trường hợp hãn hữu. Tôi thương “Gái Lớn”, tình thương đó có lẫn một chút nể phục, và dĩ nhiên đó là “phụ tử tình thâm”!

 

***

--> Read more..

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2022

Chuyện chiếc váy "huyền thoại" của MM

Bên Tây có cô đào nhí nhảnh Brigitte Bardot với cặp môi “cong tớn” lúc nào cũng mời chào một nụ hôn tình tứ. Brigitte Bardot được những người hâm mộ điện ảnh vào thập niên 60-70 gọi bằng cái tên thân quen: BB.

 

Brigitte Bardot có biệt danh BB

 

Bên Mỹ cũng có Marilyn Monroe (1926-1962), cô đào tóc vàng, vừa sexy vừa gợi tình, được dân ghiền ciné gọi tắt là MM. Nhưng nhiều người lại thích MM hơn BB, một bằng chứng là chiếc váy màu trắng cô diện trong phim “The Seven Year Itch” sau này được bán đấu giá với 4,6 triệu đô la!

 

“The Seven Year Itch” (1955) - Marilyn Monroe, Tom Ewell.

 

Nổi bật nhất trong phim là cảnh MM đứng trên nắp thông gió của đường xe điện ngầm tại thành phố New York khi chiếc đầm trắng của cô bị gió thổi trong lúc đoàn tàu chạy qua. Tựa đề bộ phim vừa hài hước vừa lãng mạn được dịch sang tiếng Việt là… “Bảy năm ngứa ngáy”!

Phim được phát hành vào năm 1955 do Billy Wilder đồng sáng tác và đạo diễn, với diễn xuất của Marilyn Monroe và Tom Ewell. Cảnh “tốc váy” MM được giới phê bình điện ảnh coi là… “một trong những hình ảnh biểu tượng của thế kỷ 20”.

 

Marilyn Monroe và Tom Ewell trong phim “The Seven Year Itch”

 

Chiếc váy được William Travilla thiết kế đã từng gây một “cơn bão” vào một ngày giữa tháng 9/1954. Khi đó MM đang quay một cảnh gần ga xe điện ngầm tại thành phố New York. Chiếc váy trắng trên người cô bị tốc trong khi cô nói hỏi bạn diễn Tom Ewell một cách ngây thơ: "Anh có cảm nhận được luồng gió từ tàu điện không?”.

Cảnh quay được thực hiện lúc một giờ đêm tại góc đại lộ Lexington và Đường số 52. Họ đã phải quay đi quay lại tổng cộng 14 lần trong hơn ba giờ đồng hồ đạo diễn mới ưng ý! Điều đáng nói là cảnh quay thu hút khoảng 100 phóng viên và có đến hàng ngàn khán giả chứng kiến. 

Tuy nhiên, 14 cảnh quay không thể được xử dụng bởi tiếng ồn quá lớn từ đám đông hiếu kỳ. Cuối cùng, cảnh này được thực hiện lại trong phim trường “20th Century Fox” ở California. Khán giả chỉ còn thấy cảnh “tốc váy” ngắn ngủi, để lộ một phần chân sexy của cô đào.

Cuốn phim kể về người đàn ông bị vợ và con bỏ rơi trong chuyến nghỉ mát gia đình. Anh ta gặp, làm quen với một người mẫu tóc vàng gợi cảm do MM thủ vai. Một buổi tối, cả hai đi xem phim. Khi bước khỏi rạp chiếu, họ tới bến tàu điện ngầm và dẫn tới cảnh “tốc váy”  kinh điển. 

 

Marilyn Monroe trong cảnh quay tại New York

 

Người thiết kế chiếc váy là William Travilla (1920-1990), ông là nhà tạo mốt hàng đầu thời đó. Ông đã từng tạo mẫu y phục cho MM trong các phim như “How to Marry a Millionaire”“Gentlemen Prefer Blondes” trong năm 1953.

Với chiếc váy trong phim, Travilla sử dụng một loại lụa trơn từ tơ nhân tạo đủ nhẹ để bay lên khi có gió. Travilla mô tả thiết kế của mình: "Mát mẻ và sạch sẽ, trong một thành phố đầy tăm tối như New York!".

 

Nhà thiết kế trang phục William Travilla (1920-1990)

 

Sự thành công của trang phục không hoàn toàn nằm ở sự hở hang. Theo nhiều nhà tạo mẫu, chiếc váy thể hiện những nét tương phản trong cá tính của nhân vật: vừa ngây thơ nhưng cũng lại vừa toan tính. Bộ váy rất phù hợp với phong cách của cô đào MM nóng bỏng.

Tuy nhiên, trang phục và cảnh phim cũng là đoạn kết cho cuộc hôn nhân lần thứ hai của MM với cầu thủ Joe Dimaggio. "Marilyn chia tay Joe vì những bức ảnh gợi cảm", tờ Daily News giật tít. Chồng cô ghen tuông vì muốn vợ thành người phụ nữ truyền thống, trong khi Marilyn khao khát sự nổi tiếng.

Dimaggio cũng đã có mặt trong cảnh quay tại ga tàu điện, giận dữ khi vợ liên tục tốc váy trước con mắt hàng nghìn đàn ông. Hai vợ chồng tranh cãi sau khi trở về khách sạn và đó là  “giọt nước tràn ly” cho cuộc hôn nhân chỉ kéo dài chín tháng. Ba tháng sau, MM tuyên bố ly hôn!

Khi nhà thiết kế Travilla qua đời, nữ diễn viên Debbie Reynolds mua lại chiếc váy với giá 200 USD. Năm 2011, chiếc váy được bán lại với giá 4,6 triệu USD trong một cuộc đấu giá các kỷ vật của Hollywood do Reynolds tổ chức.

 

Chiếc váy “huyền thoại” do William Travilla thiết kế

 

Câu chuyện chiếc váy vẫn chưa kết thúc ở đây khi nhà điêu khắc Seward Johnson đã tái tạo hình ảnh MM qua bức tượng khổng lồ có tên “Forever Marilyn” năm 2011. Bức tượng đã xuất hiện ở nhiều thành phố tại Mỹ, thậm chí còn đặt chân đến Úc Châu!

Bức tượng MM cao 7,9 m, nặng 15.000 kg, được làm từ nhôm và thép không gỉ, lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Chicago năm 2011. Một năm sau đó, tượng tọa lạc tại Palm Springs, California, ngày 27/3/2014.

Sau đó tượng được đưa về Hamilton, New Jersey, để tưởng niệm điêu khắc gia Seward Johnson từ giã cõi đời. Năm 2016, tượng lên đường đến Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Bendigo, Úc Châu, nhân cuộc triển lãm mang chủ đề Marilyn Monroe.

 

Bức tượng “Forever Marilyn” của nhà điêu khắc Seward Johnson 

 

Năm 2018, “Forever Marilyn” có mặt tại Công viên Latham, Stamford, Connecticut, thu hút sự quan tâm lớn của những người mến mộ điêu khắc gia Seward Johnson. Có tới 36 bức tượng của ông hiện diện trên đường phố và công viên ở Stamford.

Không phải công chúng hoàn toàn ủng hộ bức tượng “Forever Marilyn” vì một số người, đặc biệt là những tổ chức tôn giáo, cho rằng tượng đã để lộ phần thân thể của MM, dù được che bằng quần lót! Vấn đề “thuần phong mỹ tục” đã được đặt ra!

 

Bức tượng đã bị một số người phản đối vì cảnh hở hang   

 

Ngày 25/9/2019, Thị trưởng Thành phố Palm Springs, ông Robert Moon, cho biết bức tượng sẽ ở lại tại thành phố này trong thời gian 3 năm. Kể từ tháng 6/2021, những vụ kiện tụng tìm cách ngăn chặn “Forever Marilyn” tiếp tục diễn ra tại các tòa án. 

Trong tháng 8 và tháng 9/2011, bức tượng đã bị phá hoại ba lần, gần đây nhất là bức tượng bị tạt sơn đỏ. Một bức tượng “nhái” cũng đã được làm tại Trung Quốc để xử dụng trong một bộ phim truyền hình!

 

Forever Marilyn” đã gây nhiều tranh cãi

 

Chuyện “chiếc váy huyền thoại của MM” đã trở thành một đề tài tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Người ta thường nói, “bộ áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng có người lại nghĩ “không có bộ áo thì là sao có thầy tu”!


 *** 

--> Read more..

Popular posts