Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Hớt tóc thời Corona

Sài Gòn có lệnh đóng cửa các nhà hàng, tiệm cắt tóc, phòng tập thể dục… cho đến ngày 31/3/2020 để phòng tránh dịch Covid-19 lây nhiễm. Sau 3 tuần thực hiện cách ly xã hội, ngày 23/4 hàng loạt tiệm cắt tóc đã hoạt động trở lại trong ngày đầu nới lỏng “social distancing”.

Bình thường, cứ mỗi tháng một lần tôi đi hớt tóc chỗ tiệm quen ở gần nhà. Lịch hớt tóc cứ theo một thói quen rất đơn giản: khi nào thấy ngứa tai là biết ngay đã tới kỳ phải… “xuống tóc”. Khổ nỗi từ khi có dịch Corona, râu tóc cứ dài ra mà tiệm hớt tóc lại phải đóng cửa “trốn dịch”!

Đến khi “xả trại” vôi tới tiệm quen để hớt nhưng không ngờ tiệm lại đóng cửa với thông báo ngắn gọn “Cho thuê mặt bằng (Không bán ăn uống) – Liên hệ số ĐT…”. Đã nghèo lại gặp eo! Nhưng cũng may, cách đó mấy căn cũng có một tiệm hớt tóc nữa.

Thường thì tôi rất ít khi thay đổi địa điểm hớt tóc chỉ vì lý do thợ đã quen mặt nên biết rõ sở thích của khách. Hơn nữa, thợ quen cũng dễ nói chuyện “trên trời dưới đất” mà các ông thợ nhiều khi có nhiều chuyện mà mình không tiếp xúc thì chẳng bao giờ được nghe, được biết.

Tôi còn nhớ có lần nói về chuyện nghề nghiệp với ông thợ, tôi hỏi ông có biết trên đời này có nghề nào được gọi là “uy quyền” nhất trong thiên hạ không? Ông đưa ra một số nghề, nào là công an, công chức cao cấp rồi lại lên tới chức làm vua, làm tướng… Tất cả những nghề ông đưa ra tôi đều bác bỏ.

Tôi nói nghề nào cũng có cái uy của nó… nhưng có một nghề có thể đè đầu thiên hạ mà không bị phản đối. Câu trả lời lấp lửng của tôi khiến ông thợ lại càng thắc mắc muốn biết. Cuối cùng tôi mới nói đó là nghề hớt tóc!

Tôi giải thích, dù anh có địa vị cao quý đến đâu nhưng khi ngồi xuống ghế hớt tóc anh phải chịu sự điều khiển của… ông thợ cạo! Ông thợ có vẻ thích thú và hiểu ra chuyện có vẻ tiếu lâm nhưng đó lại là… sự thật.

Tôi còn bồi thêm: “Nổi tiếng trong làng Showbiz hiện nay là ca sĩ ĐVH với nhà lầu, xe hơi và hàng triệu fan hâm mộ trên cả nước cũng xuất thân từ anh thợ làm tóc đấy!”. Trên VTC News có lần “Ông Hoàng Nhạc Việt” tâm sự:

“Không được ở với mẹ, tôi và em gái về với ông bà ngoại. Ông bà thương anh em tôi lắm, để các cháu kiếm sống được, ông bà cho hai đứa tự chọn nghề để học, sau đấy sẽ ra làm ăn tự bảo ban nuôi sống nhau.

“Trước đó tôi cũng có đi hát đám cưới ở nơi này nơi khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ hát sẽ là nghề để tôi nuôi sống chính bản thân và gia đình. Tôi quyết định chọn nghề tóc còn em gái chọn nghề may.

(hết trích)

Trở lại chuyện hớt tóc thời Corona. Tiệm mới tôi tìm đến có cái tên rất ngộ nghĩnh và rất Mỹ: “T-Cut Barber”. Tò mò lên Google tìm hiểu mới vỡ lẽ tiệm còn có trang riêng trên Facebook https://www.facebook.com/Tcutbarbers/ được thiết kế rất chuyên nghiệp, có cả phần tương tác với khách để book lịch hẹn trước.

Chủ nhân T-Cut là một anh còn rất trẻ, người Miền Nam, ăn mặc đúng mốt kiểu “hiện đại” lại còn xăm trổ nên trông rất “ngầu”. Hôm tôi đến tiệm vào một buổi chiều, xe để ngoài trước cửa đông nghẹt, khó khăn lắm mới khách mới lách được vào bên trong.

(Hôm nay tôi có chụp vài tấm hình ngoài mặt tiền của T-Cut khi đi uống cà phê sáng, lúc đó tiệm chưa mở cửa. Các bạn tinh ý sẽ thấy địa điểm này rất quen vì có xe bán nước gần với xe bán bánh mì mà tôi đã giới thiệu trên FB).

Lách được vào trong tiệm tôi được cho biết phải đợi 40 phút nữa mới tới lượt. Cắt tóc thời mắc dịch là vậy, thiên hạ đua nhau đem cái đầu bù xù của mình đến để thợ… làm đẹp!

Nhìn chung thì thấy T-Cut có diện tích nhỏ hơn tiệm tôi vẫn hớt ngày nào, chỉ cách đó vài căn. Nhiều ghế cho khách hơn nhưng lại ít chỗ ngồi cho khách chờ nên thường phải ra ngoài ngồi uống nước phía trước. Một “hợp đồng” thật ăn ý giữa chủ tiệm hớt tóc và chủ xe giải khát.

Trang trí trong tiệm cũng rất đặc biệt, trên tường là hàng loạt những hình ảnh liên quan đến tóc và nghề cắt tóc. Chủ nhân chắc cũng có liên lạc mật thiết với những đồng nghiệp nước ngoài nên có những hình ảnh đặc biệt tận bên trời Âu Mỹ.

Tôi may mắn được anh chủ tiệm đích thân cắt tóc cho mình nên cũng có dịp được tìm hiểu về “lịch sử” của T-Cut. Anh nói tiệm mở cách đây khoảng 6 tháng, khách đa số là giới trẻ mà ngay thợ cũng là đều là người trẻ. Có lẽ anh chủ là người lớn tuổi nhất trong tiệm.

Thời gian gần đây nghề hớt tóc cũng có nhiều “biến tướng”, chẳng hạn như “hớt tóc thanh nữ” thợ đều là các cô gái trẻ đẹp. Họ làm đủ các công việc của thợ nam như gội đầu, lấy ráy tai, cạo mặt… nghĩa là từ A đến Z!

Lại nhớ đến Sài Gòn xưa có những ông thợ cắt tóc rong ruổi trên xe đạp, họ thường vào các xóm lao động để hành nghề theo một lộ trình có lẽ đã được “lập trình từ trước”. Sang hơn một chút là những người có chỗ cố định trên vỉa hè. Giang sơn chỉ có độc một cái ghế nệm xoay, khung gương dựng trên chiếc bàn xếp dễ dàng thu dọn.

Trên bàn bày dụng cụ hớt tóc như dao cạo râu, tông đơ cũ, cây kéo, vài thứ lặt vặt khác để lấy ráy tai và còn có thêm khăn choàng cổ cho khách. Khi về ông thợ gửi lại “đồ nghề” cho những nhà ở gần đó. Dĩ nhiên chắc cũng phải có thù lao… gửi đồ.

Như đã nói ở trên, một ông thợ cạo thành công là người có nhiều “khách ruột”. Khách mến thợ một phần vì tính tình vui vẻ nhưng cũng có một phần vì tài nói chuyện trong lúc… hành nghề. Không cần “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý” nhưng phải là người “biết chuyện”, từ tin tức thời sự đến chuyện bình luận bóng đá!

Nghề hớt tóc đã có từ lâu lắm rồi vì nhu cầu tóc mọc dài nên phải có người hớt dùm. Có điều ở xã hội Phương Tây, đứng hớt tóc là phải “có bằng” (diploma) mới được hành nghề. Còn ở ta tương đối thoải mái vì ai cũng có thể “đè đầu đè cổ” thiên hạ mà vẫn kiếm ra tiền.

Nói thì dễ đấy nhưng bạn cứ thử cầm tông đơ, cầm kéo, cầm dao cạo thì sẽ biết ngay!

***

Anh chủ tiệm T-Cut

Hình Avatar chủ tiệm T-Cut và hai đồng nghiệp người nước ngoài trên Facebook


Bên trong T-Cut



Trang trí trong T-Cut



Trang trí trong T-Cut



Trang trí trong T-Cut



Mặt tiền T-Cut chụp vào sáng sớm khi chưa mở cửa



Hớt tóc vỉa hè



Hớt tóc vỉa hè



Hớt tóc dạo



Tiệm hớt tóc xưa



Tiệm hớt tóc xưa



Đau khổ khi bé phải... xuống tóc



Hớt tóc thời Corona



Trước và Sau khi hớt tóc



***
--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Nhớ nhà châm điếu thuốc

Rất ít người biết đến việc thi sĩ Hồ Dzếnh (1916–1991) sáng tác bài thơ năm chữ mang tên “Màu cây trong khói” trên báo Người Mới từ năm 1940. Bài thơ này chỉ được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm “Chiều” do nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thành bài hát năm 1960. Thơ và nhạc quyện lấy nhau trong một khung cảnh nhớ nhà thật lãng mạn:

“… Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...”   

Tôi đã “châm điếu thuốc”  không biết bao nhiêu lần trong đời nhưng chưa một lần nào vì… nhớ nhà như Hồ Dzếnh. Thành tích châm thuốc này cũng không có gì đáng tự hào vì thời buổi này chiến dịch “No Smoking” đã xuất hiện rầm rộ trên khắp thế giới.

 Bản nhạc “Chiều” -  Thơ Hồ Dzếnh, nhạc Dương Thiệu Tước

Không cần phải nói đến tác hại của việc hút thuốc, ấy thế mà gần đây lại có tin chất nicotine trong thuốc lá lại có tác dụng… chống lại virus Corona. Chưa có tài liệu nào chính thức xác nhận thông tin này nên tạm thời chỉ coi đây là “fake news” cần kiểm chứng. RFI đưa tin:

“Chất nicotine có tác dụng “chống đỡ” dịch bệnh Covid-19? Đây là một hướng nghiên cứu mới nghiêm túc mà các nhà khoa học của Pháp đặt ra sau khi một nhóm bác sĩ của bệnh viện Pitié Salpétrière, Paris, công bố một báo cáo theo đó tỉ lệ người nghiện thuốc lá nhiễm Covid-19 rất thấp”.

Cho đến nay, ước tính 1,1 tỷ người hút thuốc lá truyền thống và 41 triệu người hút thuốc lá điện tử trên toàn thế giới đã nhận được những chỉ dẫn khác nhau về mối đe dọa tiềm tàng của virus corona chủng mới từ các cơ quan y tế công cộng.

Trong số 1.099 bệnh nhân viêm phổi được khảo sát, có 927 người không hút thuốc, chiếm 85,4% tổng số ca bệnh; 21 người có tiền sử hút thuốc, chiếm 1,9% và 137 người hút thuốc, chiếm 12,6%.

Một bài báo gần đây lưu hành trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc cho rằng những người hút thuốc có tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp hơn nhiều so với những người không hút thuốc. Tuy nhiên, điều này đã bị các chuyên gia phủ nhận và vẫn còn đang được bàn cãi.

Ảnh hưởng của thuốc lá và những ý kiến trái chiều về bệnh dịch Virus Corona

Năm 2017 tôi ghé Singapore và thấy đất nước này rất mạnh tay với việc hút thuốc. Việc hút thuốc tại đây đã bị cấm tuyệt đối ở những nơi công cộng và chỉ được hút tại những nơi có thùng rác… “gạt tàn thuốc”. 

Năm 2017, tại Singapore chỉ được hút thuốc ở những nơi quy định. Hình chụp trên đường Orchard

Trở lại Singapore năm 2919, tình trạng cấm hút thuốc trên đường Orchard, con đường mua sắm của đất nước này, đã trở nên nghiêm ngặt hơn với các bảng “cấm hút thuốc” được vẽ ngay trên mặt đường, kèm theo mức hình phạt từ 200 đến tối đa 1.000 đô Sing đối với những người vi phạm.

Năm 2019 có những bảng cấm hút thuốc kèm hình phạt tiền ngay trên mặt đường Orchard, con đường mua sắm nổi tiếng của Singapore

Tại Việt Nam, “cà phê – thuốc lá” thường đi đôi với nhau trong câu chuyện hàng ngày. Hồi còn đi học, thỉnh thoảng tôi vẫn ra cà phê và nếu đủ tiền còn mua thêm vài điếu thuốc lẻ để hút cho “thơm râu”. Rõ ràng là học đòi làm người lớn!

Hồi xưa, “rượu chè – hút sách” được dùng để chỉ hai món trong “tứ đổ tường”. Có đến “bốn món ăn chơi” gồm: “yên” (thuốc phiện), “đổ” (cờ bạc), “tửu” (rượu chè), “sắc” (trai gái). Tất cả những món đó đều được coi như hợp pháp trong suốt thời Pháp thuộc từ 1945 đến 1954.

Thế hệ đàn anh thường phì phèo thuốc Mic, Cotab, Melia, Bastos, Capstan, Ruby... Sang đến thập niên 60-70, hay còn gọi là thời “OK Salem”, lại có thuốc lá của Mỹ như Salem, Pall Mall, Camel, 555, Lucky Strike, Philip Morris, Winston, Marlboro, Dunhill…

Thuốc Cotab

Thuốc Bastos

Thuốc Salem

Thuốc Pall Mall

Giữa lúc “giao thời” sau năm 1975 lại có anh Samit từ bên Thái Lan mò sang. Samit là loại thuốc “sang trọng có đầu lọc” nên mới có câu đề cao “tính ngoại giao, xin xỏ, chạy chọt” của thuốc lá: “Samit nói ít hiểu nhiều” hay “Ba số 5… vừa nằm vừa ký”!

“Samit nói ít hiểu nhiều”

Bước qua “thời điêu linh” lại xuất hiện thuốc loại thuốc rê, thường gọi là “bốc, lăn, xe… ông già le lưỡi liếm”. Thật ra thì tiền thân của thuốc rê là thuốc Cẩm Lệ, “các ôn, các mệ” ngoài miền Trung đã hút từ lâu. Đặc biệt của thuốc Cẩm Lệ là dùng giấy vấn điếu thuốc thành hình tam giác chứ không phải hình trụ!

"Máy" cuốn thuốc rê

Miền Bắc thì có thuốc lào. Muốn hút thuốc lào phải có “điếu cày” thường làm bằng tre hay sang hơn là bằng kim loại. Điếu cày lại phải có “nõ điếu” là một cái lỗ nhỏ để tra thuốc lào rồi cứ thế mà “rít”. Nhờ có nước trong ống điếu nên mỗi khi rít tạo ra âm thanh nghe… rất “phê”!

Dân Miền Bắc thường ca tụng thuốc lào “thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao” cho nên mới có câu “Nhớ ai như nhớ thuốc lào / Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”! Dân Miền Nam trong thời đi “học tập cải  tạo” cũng học được nghề “bắn” thuốc lào như bắn súng bazooka chống tăng trong thời chiến.

Khi không có sẵn điếu cầy, người ta có thể dùng lá chuối hay giấy báo cuộn lại, miệng ngậm một ngụm nước… thế là có thể “phê” được thuốc lào. Trong cải tạo, nhiều anh ghiền thuốc lại còn lấy lá khoai mì, sắt nhỏ, phơi khô để tự sản xuất thuốc lào, bảo đảm không thua gì “Thuốc lào Vĩnh Bảo” hay “Thuốc lào 3 số 8”!

Hút thuốc lào ở Miền Bắc

Lan man từ chuyện “nhớ nhà châm điếu thuốc” của âm nhạc sang đến chuyện thời sự Corona rồi lại chuyện hút thuốc lào… tác giả chỉ muốn ôn lại những kỷ niệm về thuốc lá. Vẫn không thể hiểu được tại sao người ghiền thuốc lại có thể “trung thành” với thứ khói “chết người” đến như vậy?

Đâu phải tại nhớ nhà mới châm điếu thuốc!

***

Karaoke “Chiều” – Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước:

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

Nếu mai này hết dịch…


Trước hết, xin bàn về chữ “NẾU”. Người Pháp có câu nói để đời: “Avec des “si” nous pourrions mettre Paris dans une bouteille”. Dịch nôm na ra tiếng Việt là nếu có những chữ “nếu”, chúng ta có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai!

Khi nói câu này, người ta mặc định đây là chuyện không có thật và dứt khoát không thể xảy ra trong tương lai. Nói chỉ để mà nói chứ không thể bỏ cả Paris trong một cái chai. Đơn giản chỉ là vậy.


Tuy nhiên, khi nói “Nếu mai này hết dịch…”, mọi chuyện sẽ rất khác. Vấn đề chỉ là thời gian, hoặc sớm – hoặc muộn, dịch COVID-19 cuối cùng cũng sẽ qua đi dù nhân loại phải trả bằng bất cứ giá nào. Và khi đó, cuộc sống bình thường sẽ trở lại như những ngày “tự do” cũ.

Ngày đó sẽ là một ngày đẹp trời với mọi người, dù trước đó người ta đã có nhiều mất mát, chia ly, tang tóc, chia rẽ… Nói rộng ra, Virus Corona thậm chí còn làm thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội của từng quốc gia, dân tộc.


Giới trẻ là những người mừng nhất khi hết dịch vì họ có cuộc sống năng động cả từ công việc cho đến chuyện yêu đương. Ngồi trong nhà bó gối trước bệnh dịch là một hình phạt khắc nghiệt chưa từng trải qua. Tuổi trẻ bao giờ cũng có những cái chân của con ngựa và trái tim của thần Cupid.

“Social Distancing” khiến họ phải cách ly với xã hội và về mặt tinh thần, xa cách với người yêu dấu. Họ còn bị ám ảnh bời câu “Xa mặt cách lòng” dù vào thời đại này có thể nhắn tin qua điện thoại, video chat nhưng sao vẫn thấy xa nhau vời vợi.

Những người tỉnh táo, sáng suốt nghĩ rằng “Nếu còn yêu nhau… thì hãy tạm xa nhau”. Tuy nhiên, lại cũng có những cuộc tình gần như sẽ chết trong mùa dịch chỉ vì không được thấy mặt nhau “bằng xương, bằng thịt” để cầm tay nhau, hôn nhau như ngày nào.

Có thể, một mai hết dịch thì tình yêu nồng cháy ngày xưa sẽ vĩnh viễn ra đi chứ không còn nồng thắm như xưa. Lỗi không tại ai mà chỉ vì con Virus Corona quái ác!


Học sinh phải ở nhà, chỉ học “online” trong mùa dịch. Thoạt đầu, việc không phải đến trường là một kỳ nghỉ hè thật tuyệt vời. Nhưng ở nhà càng lâu thì lại càng thấy nhớ trường, nhớ thầy cô và nhất là nhớ những người bạn thân chung lớp.

Cái cảm giác được gặp lại tất cả những gì thân quen của tuổi học trò một khi hết dịch thật tuyệt vời. Nhất là đối với những học sinh cuối khóa sẽ phải xa trường lớp hoặc đối với các cô cậu sinh viên đã bắt đầu “chớm yêu”.

Niềm vui đó chẳng khác gì “Ngày xưa Hoàng Thị” của nhà thơ Phạm Thiên Thư với cảnh đón người yêu khi tan trường về qua những câu thơ trữ tình được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát:

“Đường mưa nho nhỏ / Chim non giấu mỏ / Dưới cội hoa vàng / Bước em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch / Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài / Anh đi theo hoài…” 


Cuộc sống vợ chồng cũng trải qua nhiều thay đổi trong mùa dịch. Họ có nhiều thời gian ở bên nhau và gần gũi, thương yêu nhau hơn. Thậm chí người ta còn tiên đoán sau mùa dịch sẽ là một thời kỳ “baby-boomer”, chẳng khác gì tình trạng của những người lính trở về từ cuộc chiến tranh thứ hai để góp phần tạo ra một sự “bùng nổ” của thế hệ trẻ em.

Thế nhưng đó cũng là lúc mà họ có thể tìm ra được những thói hư, tật xấu nơi một nửa của mình khi suốt ngày quanh quẩn trong nhà. Sau mùa dịch cũng lại có thể là sự… “bùng nổ của các cuộc ly dị”.

Có những ông chồng cảm thấy bực bội khi bị giữ chân trong nhà. Họ nhớ đến bạn bè trong những ngày bù khú bên ly bia, cốc rượu. Đó cũng là lý do khuôn mặt của ông chồng lúc nào cũng khó đăm đăm khi phải…"shelter-in-place”!

Có những bà vợ vốn chỉ làm công việc nội trợ hàng ngày trong nhà bỗng cảm thấy công việc của mình trở nên “quá tải” trong mùa dịch. Lớp thì “hầu” chồng, lớp thì lo cho con suốt ngày! Cái hậu quả “Trăm dâu đổ đầu tằm” biết đâu đó lại dẫn đến ý nghĩ ly dị cho… khỏe cái thân!


Con số lây nhiễm trên thế giới hiện đang vượt mức 2,5 triệu người. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa chính thức có thuốc điều trị mà chỉ trông cậy vào một lực lượng nhân viên y tế rất mỏng.

Họ là những bác sĩ, y tá và những người hoạt động trong ngành khoa học đã hoạt động hết mình từ khi bệnh dịch khởi phát. Cuộc chiến với “kẻ thù vô hình” ngày càng khốc liệt trong khi sức người có hạn, những chiến sĩ của nhân loại hầu như không được trang bị đầy đủ khi ra trận.

Họ chấp nhận sống cách biệt với gia đình và người thân. Sự hy sinh đó còn cao hơn gấp bội nếu so với chúng ta chỉ việc đơn giản là ở yên trong nhà để tránh lây nhiễm. Là con người, họ cũng có những ước mơ, một ngày nào đó hết dịch để trở về với mái ấm gia đình.

Giấc mơ tht đơn giản nhưng cũng thật xa vời. Người bình thường mơ được từ gia đình tù túng trở lại với xã hội bên ngoài. Nhưng nhân viên y tế lại chỉ ước ngược lại: được trở về sống với gia đình như những ngày chưa có dịch! 


Rộng ra trên thế giới, ông Ban Ki-moon, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã có một bài viết được đăng trên tạp chí Time ngày 16/4/2020 về trận đại dịch mà chúng ta đang phải đương đầu (https://time.com/collection/finding-hope-coronavirus-pandemic/5820650/ban-ki-moon-global-relations-coronavirus/). Ông viết:

“Trong ký ức của mọi người chưa từng có thử thách nào đối các lãnh đạo của thế giới trước COVID-19 như hiện nay… Bệnh dịch này rồi sẽ tạo ra một sự suy thoái kinh tế và số người chết tăng cao một cách khủng khiếp. Ảnh hưởng của nó có thể cảm nhận ở khắp mọi nơi trên trái đất này”.

Để chiến đấu với hiểm họa vô hình, ông kêu gọi các lãnh đạo thế giới hãy nhanh chóng dẹp sang một bên chủ nghĩa quốc gia thiển cận và những suy nghĩ ích kỷ để cùng nhau hành động vì lợi ích chung cho nhân loại. Mai này hết dịch thế giới sẽ ra sao? Đó là câu hỏi mà mọi người trên hành tinh này đều đặt ra.


Đối với một người lớn tuổi như tôi, hoàn toàn không sợ chết vì dịch bệnh. Già rồi, sống chẳng được bao năm nữa cho nên cũng chẳng có gì để tiếc nuối. Nghĩ như vậy nhưng sao vẫn mong cho hết dịch chỉ vì những chuyện cỏn con, lãng xẹc.

Mong hết dịch để được ra quán cà phê quen… chỉ để ngồi nhìn người qua lại. Mong hết dịch để được ra tiệm hớt tóc như ngày nào… tóc đã dài chấm tai mà vẫn chưa được cắt vì tình trạng cách ly xã hội.

Đối với tôi, hy vọng mai này hết dịch chỉ có vậy!


***

--> Read more..

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Những người bạn

Khi bạn còn làm việc, số bạn bè quen biết ngày một tăng. Đó cũng là đều dễ hiểu vì trong giao tiếp cần có sự “quảng giao” giúp bạn thành công trong công việc. Họ là những người “bạn” theo nghĩa thật và cũng là “bè” theo nghĩa những người đồng hội, đồng thuyền, đồng mục đích và cũng có thể là “đồng chí”!

Đến khi về hưu, số bạn bè ngày xưa ngày càng teo tóp lại. Đó cũng là đều dễ hiểu vì sự giao tiếp trong xã hội đã thu nhỏ lại. Người già bỗng thấy mình chỉ còn lại rất ít người, họ là những người sống quanh bạn trong thế giới ngày càng khép kín.

Người về hưu có lẽ cũng chẳng tiếc gì số bạn đã mất khi còn trẻ. Họ cũng trân trọng những người bạn mới quen vì đó là một phần của cuộc sống trong lúc về già. Người già hoàn toàn không có sự đánh giá loại “bạn cũ” hay “bạn mới”, không có sự phân biệt “hơn-thiệt” mà họ mang đến trong những ngày… chờ chết!

***

Một trong những người bạn mới của tôi là anh xe ôm tại ngã tư gần nhà. Tôi chú ý đến anh từ quán cà phê, tuy hơi xa nhưng vẫn thấy thân thiết. Rồi có lần chúng tôi gặp nhau rất gần nhưng cũng chỉ giơ tay chào nhau mà không nói một lời.

Một lần tôi nhờ anh chở đến một nơi cần đến. Trong suốt cuộc hành trình “ôm” tôi hiểu rất nhiều điều về anh. Nói chung thì anh già trước tuổi vì trước đó tôi cứ ngỡ anh là người đã đi “cải tạo” về. Qua câu chuyện mới biết sau khi thành phố đổi chủ anh mới đi nghĩa vụ quân sự!

Người bạn xe ôm

Trong trận đại dịch COVID-19 tôi nhờ anh đến chợ thuốc lá mua dùm cây thuốc. Hành trình mua thuốc cũng khá nhiêu khê vì phải điện thoại cho anh đến tận nhà lấy tiền rồi mới ra chợ thuốc ở Tân Định… rồi lại trở về nhà “giao hàng” như một shipper. Có điều giao dịch này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau cộng thêm thù lao của công việc.

Sáng nay người bạn xe ôm giao hàng cho tôi: Một cây thuốc lá!

Người bạn thứ hai là một anh lái chiếc Honda cũ có tiếng máy nổ rất lớn, phía sau có cái rờ-mọc là xe ba gác. Công việc của anh là cứ mỗi sáng đi vào trong hẻm “thu gom” rác rồi sau đó mới ra đường lớn làm tiếp công việc.

Người bạn hốt rác ngồi nghỉ trước cửa nhà tôi

Thoạt đầu chúng tôi chào nhau bằng “ngôn ngữ của cơ thể” nhưng sau đó là những câu chuyện ngắn về công việc của anh. “Gánh hát” của anh gồm 3 người, anh là người lái xe, vợ anh đứng trên xe ba gác đề phân loại rác và con anh đi thu gom rác từ các nhà trong xóm.

'Gánh hát'... hốt rác trong hẻm

Ra đến ngoài đường thì việc thu gom có phần dễ dàng hơn vì rác đã được gom lại trước đó trong các thùng màu xanh. Chỉ việc kéo đến xe ba gác có vợ anh “tuyển lựa” những thứ rác có thể “tái sinh”. Loại rác này cũng là một phần thu nhập của người hốt rác ngoài tiền đóng góp hàng tháng của mỗi nhà.

Hốt rác ngoài đường

Một người bạn nữa không thể thiếu trong danh sách “những người bạn” của tôi. Đó là anh chủ quán cà phê sáng sáng tôi ngồi uống. Anh thuộc loại U60, người miền Bắc và đã từng sống tại Đông Đức trước khi về Việt Nam.

Cái “tật” nói hơi nhiều khiến tôi không dám thường xuyên gợi chuyện với anh. Rà trúng đài là anh thao thao bất tuyệt mà tính tôi lại rất… kiệm lời. Trong số bạn bè mới có lẽ anh là người khá giả nhất, anh còn tham gia việc môi giới bất động sản, quán cà phê của anh cũng là nhà anh chứ không phải đi thuê mặt bằng.

Vợ chồng anh chủ quán (hình chụp trên Facebook của anh)

Quán của anh còn phục vụ món “phở khô Gia Lai”, bún mọc và bánh canh. Đôi khi trong nhà thiếu rau hay bánh phở các cháu có thể điện thoại cho vợ anh để mang đến tận nhà. Nhiều khi lại chẳng tính tiền và công ship hàng!

Hàng năm cứ vào dịp Tết, trước khi đóng cửa anh dành cho tôi ly cá phê “miễn phí” mà anh gọi là… quà Tết. Ly cà phê chỉ có hai chục ngàn nhưng quý là mối liên lạc giữa khách hàng và chủ quán.

Chủ quán ngồi ở góc trái, góc bên phải là người phục vụ

Hôm bắt đầu lệnh cách ly xã hội vì Corona anh còn dặn tôi: “Bác cứ ra uống cà phê với em… quán chỉ dọn có một cái bàn thôi!”. Bây giờ tình hình ngày một căng thẳng nên quán của anh cũng phải đóng cửa nhưng không có dịch vụ “mua mang về” như những quán khác!

Quán trong mùa dịch

Nhiều lúc ngồi uống cà phê một mình tại nhà tôi lại… nhớ quán xưa ngày nào. Không biết đến bao giờ mới được ngồi lại quán để chụp những “street scenes” đang diễn ra trước mắt?

***

Tôi còn nhiều bạn xung quanh, có những người quen mặt nhưng chẳng hề biết tên. Ai cũng phải thừa nhận “Social Distancing” là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh lây lan và cũng để bảo vệ chính bản thân mình.

Nhưng sao có cái gì đó tiếc nuối khi không được gặp lại những khuôn mặt thân quen của những người bạn. Mọi chuyện đều có cái giá của nó!

***

--> Read more..

Popular posts