Họ là những người mà chúng ta thường gặp hàng ngày. Đa số
họ là những “cư dân ngoại tỉnh” đến
các thành phố lớn với “chút hy vọng mong
manh”: tìm một cuộc sống tương đối khá hơn tại những nơi phồn hoa đô hội.
Hành trang đi tìm hy vọng của họ là chính thân xác của
mình, dù đó chỉ là một thân xác không được lành lặn hay chỉ là những mảnh đời bầm
dập vì nghèo khó. Tất cả đều gặp nhau với một niềm hy vọng sẽ được… đổi đời.
Thực ra, nghề của họ đã có một lịch sử gắn kết với Sài
Gòn từ những ngày một tiếng hát vui nhộn phát đi từ đài phát thanh và từ rạp Thống
Nhất trên đường con đường cùng tên mà nay đã đổi thành đường Lê Duẩn:
“Kiến thiết quốc
gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
…
“Triệu phú đến nơi
Năm muời đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi”
Trần Văn Trạch, người em của nhạc sĩ Trần Văn Khê, đã hát
những lời đó để cổ động cho việc mua vé số “Kiến
thiết Quốc gia” được trực tiếp truyền thanh từ rạp Thống Nhất. Ông được mệnh
danh là “quái kiệt” với những bài hát vui nhưng lại ẩn chứa nhiều ý tưởng sâu sắc.
Bạn có thể nghe bài hát từ đài phát thanh Sài Gòn trước
khi chương trình trực tiếp truyền thanh buổi mở số bắt đầu. Hoặc nếu tò mò, có
thể đến tận rạp hát để trực tiếp chứng kiến việc mở số. Chương trình không bán
vé vào cửa, lại còn có ca nhạc giúp vui của các ca sĩ nổi tiếng.
Những buổi mở số được bắt đầu từ năm 1952 cho đến ngày
Sài Gòn “đổi chủ”. Thoạt đầu, chính quyền mới coi việc phát hành vé số là một
hình thức “cờ bạc trá hình”, tàn dư của
Mỹ-Ngụy để lại.
Ấy thế mà chỉ một thời gian sau đó, việc phát hành vé số
lại hồi sinh một cách rầm rộ. Nếu trước đây việc phát hành chỉ ở mức độ duy nhất
mang tầm cỡ quốc gia thì nay các tỉnh thành đua nhau phát hành vé số. Thậm chí
có người trúng số nhưng lại… không trúng chỉ vì “lộn” khi dò số. Vé số tưởng
trúng của mình lại là kết quả của “đài” khác!
Rồi lại còn những hoạt động “ăn theo” dưới hình thức “số
đề” của các đường dây “ngầm”. Thay vì mua số của “nhà nước”, những người có máu
đỏ đen mua số với các đường dây ngầm thông qua những “huyện đề”.
Trúng “số đề” cao hơn việc trúng số với nhà nước nên đã
có không ít gia đình “tán gia bại sản”
chỉ vì chuyện “đề đóm”. Niềm hy vọng càng cao nhưng cái giá phải trả là tiền bạc
ra đi rất nhanh một khi đã mắc vào vòng luẩn quẩn của những con số.
Những người bán vé số “chân chính” trong cơn đại dịch
Corona ngày nay lại còn phải đương đầu với nguy cơ thất nghiệp vì chính phủ đã
thông báo tạm dừng việc phát hành vé số. Thế là “nồi cơm” đã bị bể, biết xoay sở
ra sao trong cơn hoạn nạn này?
Cũng có tin vài đại lý vé số sẽ “hỗ trợ” người bán vé số
nhưng đó chỉ là một vài hạt cát trong cái sa mạc của lòng người. Thế cho nên,
người bán “hy vọng” bỗng thấy mình trở nên “cụt vốn” vì… còn hy vọng đâu để bán
cho tha nhân?
***
***
* Video “Sổ số Kiến
thiết Quốc gia” qua giọng ca Trần Văn Trạch: https://www.youtube.com/watch?v=WmlE1BCKH-w
* Tham khảo bài viết “Giấc
mơ triệu phú” tại: https://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/05/giac-mo-trieu-phu.html
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét