Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Tản mạn về chuột


“Of Mice and Men” là cuốn tiểu thuyết hư cấu của John Steinbeck (1902–1968), xuất bản năm 1937 tại Hoa Kỳ. Truyện kể về George Milton và Lennie Small, hai nông dân làm việc tại một nông trại và họ đã đến California để tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong cuộc Đại Khủng Hoảng.

John Steinbeck (1902–1968)

Nhà văn Mỹ, John Steinbeck, đã đoạt giải Pulitzer năm 1939giải Nobel Văn học năm 1962. Tác phẩm “Của chuột và người” cũng đã được Hollywood đưa vào điện ảnh năm 1992 với các diễn viên John Malkovich, Gary Sinise và Casey Siemasko.

Với cuốn sách viết về Chuột và Người, tác giả phác họa một bức tranh chân thực về số phận nghiệt ngã của những người lao động nghèo khổ. Họ là những người nay đây mai đó, bám víu vào một vài hy vọng nhỏ nhoi để tiếp tục sống, tìm một lối thoát trong niềm tuyệt vọng.

Tác phẩm “Of Mice and Men”

George Milton và Lennie Small là hai hình ảnh tương phản. George nhỏ bé, thông minh, có chí tiến thủ và làm việc vì một mục đích rõ ràng. Lennie to lớn, khỏe như vâm nhưng lại là kẻ khù khờ, trí tuệ chậm phát triển, vâng lời như một con cừu non, có sở thích vuốt ve những thứ mềm mềm, kể cả con chuột chết!

Ngay ở Chương đầu, “con chuột chết” đã xuất hiện trong đối thoại giữa George và Lennie:

“- Vừa lôi cái gì trong túi ra vậy, Lennie?
- Không có gì cả!
- Tớ biết rồi, câu đang dấu cái gì ở trong tay vậy?

“Lennie vẫn nắm chặt và dấu:
- Có gì đâu… con chuột ấy mà.
- Chuột sống hay chuột chết?
- Chuột chết… nhưng không phải tớ bóp chết nó đâu.

“George cầm lấy con chuột chết và quăng ra xa:
- Cậu làm gì cới con chuột chết?
- Tớ… vuốt ve nó trong lúc đi đường!

(hết trích)

Nhân vật chính Lennie Small và George Milton

Ban đầu Steinbeck đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình là Something That Happened nhưng sau khi đọc bài thơ “To A Mouse” của Robert Burns (1759-1796), ông đổi tên thành “Of Mice and Nen”. Bài thơ nói về sự hối hận của một nông dân khi lưỡi cày của mình đã phá vỡ tcủa những con chuột đang sống một cách yên bình.

But, Mousie, thou art no thy-lane
In proving foresight may be vain:
The best-laid schemes o’ Mice an’ Men
Gang aft agley,
An’ lea’e us nought but grief an’ pain,
For promis’d joy!

Tạm dịch:

Nhưng chuột nhỏ ơi, mày không đơn độc,
Khi cho thấy lo xa có thể hão huyền:
Vì các toan tính kỹ nhất của chuột và người
Thường sai lệch,
Và chỉ để lại cho chúng ta nỗi đau buồn,
Thay vì niềm vui mong đợi!

Lennie là người dễ bị tổn thương và yếu đuối về mặt cảm xúc, giống hệt như loài chuột.  Những dự tính hoàn hảo của chuột và người sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực, đó là triết lý trong tiểu thuyết “Của chuột và người”.

Of Mice and Men

Nếu ở Mỹ John Steinbeck “Of Mice and Men” thì ở Pháp năm 1947 cũng có tác phẩm ký sự “La Peste” của  Albert Camus (1913-1960), nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 1957. Cuốn “Dịch hạch” dựa vào bối cảnh ở Oran, một thành phố của Algerie thuộc Pháp.

Nói đến dịch hạch người ta nghĩ ngay đến con vật truyền bệnh là loài chuột, thông qua con vật trung gian là bọ chét. Bệnh dịch này còn có tên gọi là “Cái Chết Đen” và nhân loại đã chịu 3 trận dịch lớn cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người trên thế giới.

Albert Camus (1913-1960)

Nhân vật chính của Camus là bác sĩ Bernard Rieux, một hôm từ trong phòng ra ngoài cầu thang thì đụng phải một xác con chuột chết. Ngay chiều hôm đó đi về thì gặp một con chuột khác cũng đang giãy chết. Lúc đầu người ta tưởng đó là trò nghịch ngợm của bọn trẻ, nhưng số lượng chuột chết mỗi ngày cứ tăng dần, dân cư thành phố bắt đầu lo sợ.

Bệnh nhân đầu tiên được đưa vào bệnh viện rồi xuất hiện những người chết đầu tiên. Bệnh dịch hạch bắt đầu lan tràn, cuối cùng chính quyền phải công nhận thành phố Oran bị dịch hạch và quyết định “đóng cửa” để bệnh khỏi lây lan.

Dịch hạch gây nhiều xáo trộn cuộc sống hàng ngày, nhiều gia đình ly tán. Những cảnh chết chóc, chôn người chết và thậm chí còn phải đốt xác đã xảy ra hàng ngày một cách ghê rợn. Bên cạnh đó là những tấm gương hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện cũng như các nhà khoa học miệt mài trong phòng thí nghiệm để điều chế vaccine.

Tác phẩm “La Peste”

Đó là chuyện của những con chuột trong văn chương thế giới. Năm 2020 theo Âm lịch là năm Canh Tý, cầm tinh con chuột và lại xảy ra trận đại dịch COVID-19. Quả là một sự trùng hợp hi hữu nếu nói một cách duy tâm.

Xét cho cùng, trong mùa dịch như hiện nay, chúng ta hiện đang sống theo một lối sống thầm lặng của loài chuột. Chúng ta đang sống những ngày “du dú trong hang” để tự cô lập mình. Chúng ta chỉ đến các nơi bán thực phẩm chẳng khác gì những con chuột bò ra khỏi hang để kiếm thức ăn.

Chúng ta tích trữ thực phẩm tại nhà cũng giống như chuột đem thức ăn ở bên ngoài về tổ. Và có một điều nữa cũng giống y như chuột: chúng ta tránh xa trong tiếp xúc ngoài xã hội cũng tựa như những con chuột, hễ thấy bóng người là chạy trốn!

Còn bao lâu nữa chúng ta mới được trở về với cuộc sống bình thường của Con Người? Câu trả lời còn ở phía trước. Trước mắt, chúng ta hãy cố sống như loài chuột để chờ đợi… một phép lạ!

“Social Distancing”

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts