Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

Trò chơi ngày nào: Ô ăn quan


Ngày xưa, ô ăn quan một trò chơi dân gian được rất nhiều trẻ em khắp các vùng Trung, Nam, Bắc yêu thích. Đáng tiếc, ngày nay nhiều bạn trẻ lại hoàn toàn không biết gì về trò chơi này, họa chăng chỉ được nhìn thấy qua tranh ảnh xưa.

Năm 1931, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) vẽ bức tranh lụa "Chơi ô ăn quan" cùng một số họa phẩm khác như "Cô gái rửa rau", "Em bé cho chim ăn", "Lên đồng". Tại triển lãm Paris, một số tranh lụa của ông đã được Giám đốc Victor Tardieu mang về Pháp giới thiệu.


Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)
 

Trong bức tranh, 4 bé gái ngồi quây quần quanh một một bàn ô ăn quan hình chữ nhật gồm 10 “nhà dân” và hai đầu là “nhà quan”. Bắt đầu cuộc chơi mỗi “nhà dân” có 5 viên sỏi và “nhà quan”, mỗi nhà có 1 viên sỏi lớn hơn.

Giá trị của viên sỏi “nhà quan” bằng 5 viên sỏi nhà dân vì có thể “bán quan” khi nhà dân trống không! Người thắng cuộc trong trò chơi này là người mà khi cuộc chơi kết thúc có tổng số “dân” quy đổi nhiều hơn.


Tranh lụa "Chơi ô ăn quan" của Nguyễn Phan Chánh, năm 1931.


Người thực hiện lượt đi đầu tiên thường được xác định bằng cách “oẳn tù tì”. Người chơi cầm lên 5 quân trong bất kỳ 1 ô vuông nào trong 5 ô ở phía bàn bên mình, rồi rải lần lượt từng quân vào các ô vuông bên cạnh, mỗi ô 1 quân, bắt đầu ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ tùy vào người chơi.

Khi rải hết quân cuối cùng:

- Nếu liền sau đó là một ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng tất cả số quân đó để rải tiếp theo chiều đã chọn.

- Nếu liền sau đó là một ô trống (không phân biệt ô Quan hay ô Dân) rồi đến một ô có chứa quân thì người chơi sẽ thu được số quân trong ô đó. Số quân bị ăn sẽ được loại ra khỏi bàn chơi để người chơi tính điểm khi kết thúc.

- Nếu liền sau ô có quân đã bị ăn lại là một ô trống rồi đến một ô có quân nữa thì người chơi có quyền ăn tiếp cả quân ở ô này. Cách ô hoặc cách quan thì mới được ăn, có thể đi một lần mà ăn được 2, 3, 4 ô.


Ô ăn quan


Một ô có nhiều “dân” thường được gọi là “ô nhà giàu”, người chơi có thể bằng kinh nghiệm hoặc tính toán nhằm nuôi ô nhà giàu rồi mới ăn để được nhiều điểm. Nếu liền sau đó là ô quan có chứa quân hoặc 2 ô trống trở lên hoặc sau khi vừa ăn thì người chơi bị mất lượt (gọi là “chững”) và quyền đi tiếp thuộc về đối phương.

Trong trường hợp đến lượt đi nhưng cả năm ô vuông thuộc quyền kiểm soát của người chơi đều không có “dân” thì người đó sẽ phải dùng 5 “dân” đã ăn được của mình để đặt vào mỗi ô. Nếu người chơi không đủ 5 “dân” thì phải vay của đối phương và trả lại khi tính điểm.

Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ Dân và Quan ở hai ô Quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô Quan đã bị ăn hết nhưng vẫn còn Dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy. Người ta gọi là "hết Quan, tàn Dân, thu quân, kéo về" hay "hết Quan, tàn Dân, thu quân, bán ruộng".


Ô ăn quan


Để có thể chiến thắng trong trò chơi ô ăn quan, cần phải tính toán thật nhanh. Phải tnh nhẩm và chọn cách đi trong khi thời gian suy nghĩ chỉ cho phép tính toán trong 10 giây, nếu lâu quá thì sẽ thua cuộc.

Khác với trò chơi như “bầu cua cá cọp” có tính cách ăn thua, may rủi theo số tiền cá cược, ô ăn quan là một trò chơi “trí tuệ” qua sự tính toán nhạy bén để thu về số “dân” nhiều hơn đối phương.


Ô ăn quan


Chơi ô ăn quan giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhạy trong tính toán. Có thể chơi ô ăn quan ở bất cứ nơi nào như nền nhà, nền sân, lớp học bằng những vật dụng rất đơn giản như sỏi, đá, hạt đậu… 

Phổ biến nhất là bàn ô ăn quan hình chữ nhật cho 2 người nhưng cũng có biến thể như bàn hình tam giác dành cho 3 người hoặc thậm chí hình vuông dành cho 4 người.


Bộ ô ăn quan thời hiện đại

 

Ngày xưa, ô ăn quan là một trong những trò chơi dân gian đã trở thành tuổi thơ của rất nhiều người, nó đã trở thành một nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Thiết nghĩ, một trò chơi như vậy cần được duy trì và phổ biến trong giới trẻ.


Bàn chơi 3 người


Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết trong bài thơ “Thời gian trắng”:

“Những ô ăn quan, que chuyền, bài hát

Những đầu trần, chân đất, tóc râu ngô

Quá khứ em đâu chỉ ngày xưa

Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ...”



Bàn chơi 4 người
 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts