“Dương Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông
Lai. Lúc đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được
nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ.
“Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”.
“Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra.
Trên đây là trích dẫn từ truyện “Ông quan thanh bạch”, một trong số 250 mẫu chuyện ngắn trong cuốn “Cổ học tinh hoa”, do hai ông Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn và được xuất bản lần đầu tiên năm 1928.
“Cổ học tinh hoa” được in thành 2 quyển: Quyển thứ nhất và Quyển hạ. Có thể nói, đây là loại sách “học làm người” đầu tiên trong văn học nước ta, dạy cách làm người và xử thế của người xưa.
Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho bản thân mình. Ông thường nói, làm quan mà để lại được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, bao giờ cũng quý hơn là để tiền của, ruộng nương lại.
Trong “Việt Nam tân từ điển” của Thanh Nghị (mỗi danh từ đều có ghi thêm tiếng Pháp, cốt dành riêng cho người đọc có vốn liếng Pháp ngữ), “thanh bạch” được giải thích là trong sạch, không tham, không dơ bợn (propre, décent)… trong khi đó “thanh liêm” được định nghĩa là liêm khiết, nói quan lại không ăn của đút lót (intègre).
Làm quan như ông Dương Chấn đối với kẻ mà mình đã đề bạt không cần nghĩ tới việc họ trả ơn, đối với dân mình cai trị không ăn của đút lót. Lúc đêm khuya, tấm lòng cũng trong sáng cũng như lúc thanh thiên, bạch nhật.
Làm quan mà vơ vét cho nhiều thì chính bản thân mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Xét cho cùng, để lại cho con cháu cái tiếng thanh bạch thơm tho muôn thuở chắc chắn phải hơn là của phi nghĩa chỉ tổ khiến chúng kiêu sa, trụy lạc theo con đường dẫn đến bại vong!
Bài học đó có từ ngàn xưa nhưng ngày nay rất ít người hiểu được. Thậm chí có hiểu nhưng cũng không “rút kinh nghiệm” để tránh xa. Vấn đề đạo đức dường như hoàn toàn không được biết đến và kết quả là những vụ án ngày một tăng, hình phạt ngày một nặng!
“Thanh bạch” hay “thanh liêm” hình như là một món hàng quá đắt giá, đắt hơn cả những biệt phủ, đất đai hay tấm visa để đị định cư ở nước ngoài!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét