Có những quyết định
chỉ trong khoảnh khắc có thể làm thay đổi cả một cuộc đời. Vấn đề là: (1) quyết
định đó có được thực hiện hay không; (2) quyết định đó sẽ làm thay đổi cuộc đời
theo chiều hướng “Tốt” hay “Xấu”?
Bây giờ về già tôi bỗng nghĩ về những quyết định mà hồi còn trẻ mình đã phải suy nghĩ, đắn đo. Thật ra thì tuổi thanh niên chúng ta có một chuỗi quyết định có hậu qủa đến hiện tại. Mình sẽ theo nghề nào? Mình sẽ cưới một người bạn đời ra sao? Vân vân và vân vân…
Những thắc mắc cứ liên tục đến trong đầu một thanh niên tràn trề nhựa sống nhưng có điều chỉ đến khi về già mới có thể bình thản kết luận là những quyết định đó “Đúng” hay “Sai”. Cũng chỉ đợi đến lúc đã lớn tuổi mới có thể kiểm chứng hậu quả của những quyết định của tuổi trẻ.
Ngày 30/4/1975, dân Miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói triêng, ai cũng tự đặt cho mình câu hỏi quyết định: “Ra đi?” hay “Ở lại?”. Câu trả lời còn tùy thuộc và hoàn cảnh của mỗi người. Riêng tôi có lẽ là một trường hợp đặc biệt và cũng chính vì thế câu hỏi “Đi” hay “Ở” là cả một vấn đề nan giải.
Cuối năm 1973 tôi vừa
từ Mỹ về sau một thời gian tu nghiệp và chỉ ít lâu sau là biến cố Sài Gòn thất
thủ. Lúc đó, trong đầu óc của một thanh niên đã dứt khoát, hoàn toàn không có ý
tưởng ra đi. Làm sao có thể hòa nhập vào một xã hội quá văn minh trong khi mình
vẫn mang cái gốc của một quốc gia… chậm tiến?
Ngày 29/4/1975 tôi từ Lăng Cha Cả chạy về Bệnh viện Sài Gòn, đối diện với chợ Bến Thành, trên một chiếc Honda 67 có chở theo bà xã và có thêm tới… 4 con còn nhỏ. Đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tháng tuổi, hãy còn ẵm ngửa!
Bây giờ ngồi nghĩ lại vẫn không thể tưởng tượng làm sao một chiếc xe máy lại có thể chịu được đến 6 mạng người?
Khu nhà thờ Tân Sa
Châu nằm ngay bên cạnh phi trường Tân Sơn Nhất, nơi chịu nhiều cuộc pháo kích
liên tục của bộ đội Bắc Việt trong những ngày tàn cuộc chiến. Lý do hoàn toàn hợp
lý là tạm trú tại bệnh viện trung tâm Sài Gòn, nơi bà xã đang làm việc.
Tạm ổn cho gia đình nên mới nghĩ đến bản thân mình. Không lý nào một sĩ quan cũng vào “tỵ nạn” trong bệnh viện?
Khi đó, dù vẫn mang huy hiệu của Trường Sinh ngữ Quân đội, nhưng tôi đã biệt phái về Tổng cục Quân huấn trong Tổng Tham Mưu để thành lập Ban Tu thư & Dịch Thuật, chuyên dịch binh thư từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Thế là tôi từ Bệnh Viện Sài Gòn vào Tổng Tham Mưu vì nghĩ rằng đây là nơi an toàn nhất vì được bảo vệ nghiêm ngặt. Các bạn đồng sự, đa số là sĩ quan biệt phái từ trường sinh ngữ, cũng tề tựu “ứng chiến” tại đây với một tâm trạng hoang mang trước tình hình chiến sự.
Mang tiếng là “quan văn” nhưng chúng tôi cũng được trang bị nón sắt và súng carbine M1, cũng có bunker phòng thủ được đào quanh khu vực phòng khi bị pháo kích. Đêm hôm đó, tiếng trực thăng lên xuống liên tục để bốc người di tản từ cơ quan DAO (Defence Attache Office) nằm gần đó.
Giữ DAO và khu vực Tổng Tham Mưu chỉ cách nhau một hàng rào giây kẽm gai và có một vài quân cảnh đứng gác. Chỉ cần vượt qua hàng rào này là có thể nhập vào những người di tản đang chờ lên trực thăng.
Một ý nghĩ thoáng qua, tại sao mình không nhập vào những người di tản để thoát khỏi Sài Gòn? Quân cảnh gác hàng rào rất dễ dãi, họ sẵn sàng để cho những sĩ quan muốn vào bãi trực thăng, với điều kiện phải tháo bỏ lon đeo trên cổ áo.
Sau vài phút chứng
kiến cảnh “vượt biên qua hàng rào” tôi quay về doanh trại của Ban Dịch Thuật vì
quyết định sẽ không làm như những người khác.
Cũng vì thế, lúc 10g sáng ngày 30/4 tôi rời khỏi Tổng Tham Mưu trong bộ đồ dân sự. Khi đó trời mưa phùn như thể khóc cho cái ngày mà sau này người ta gọi là “giải phóng”!
Có rất nhiều lý do
để biện minh cho quyết định đó. Tôi không thể di tản khi vợ con còn ở lại tại Bệnh
Viện Sài Gòn. Tôi không đi Mỹ vì đã từng sống những ngày học tập trên đất khách
quê người!
Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc những người di tản được hưởng chính sách “đãi ngộ” của Chính phủ Mỹ để chuộc lại “sai lầm” khi rời khỏi Việt Nam vào lúc bàn cờ thế giới đã thay đổi. Đã từng là một người du học nên tôi nghĩ cuộc sống tại Mỹ sẽ rất nhiều khó khăn khi phải bước từ xã hội Việt Nam sang… “Giấc mơ Mỹ”.
Và với rất nhiều lý
do khác nữa, tôi đã đi đến một “quyết định
để đời” cùng gia đình ở lại Việt Nam. Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn thấy
bài học “Tái ông thất mã” luôn luôn
đúng: thịnh hay suy, buồn hay vui, may mắn hay bất hạnh ở đời này lúc nào cũng
liên tục xảy ra.
Hôm nay vui nhưng ngày mai lại buồn... vẫn cứ thế mà tiếp diễn. Giữ được sự dửng dưng với cuộc đời sẽ đem lại cho ta sự thoải mái về tâm hồn cho đến ngày ta… từ giã cõi đời!
Không nên nuối tiếc về những quyết định đã qua, dù đó là… “một quyết định để đời”!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét