Nhà văn nổi tiếng
người Mỹ, William Sydney Porter (1862–1910), được nhiều người biết đến qua bút
danh O. Henry, với những truyện ngắn dí dỏm, dễ hiểu và tràn đầy tình người.
Quan trọng hơn cả là đoạn kết của truyện luôn luôn dẫn người đọc đến những kết
thúc bất ngờ!
Trải dài suốt 10 tập truyện ngắn lần lượt được ra đời trong thời gian 1904-1910, O. Henry đã dẫn người đọc đến những đoạn kết… “ngoài sức tưởng tượng” và đó cũng là lý do tại sao truyện của ông lại có sức hấp dẫn đến vậy. Đó cũng là bí quyết viết truyện ngắn của một nhà văn nổi tiếng thế giới, có một không hai!
Truyện của O. Henry thường lấy bối cảnh là thành phố New York dù ông không ra đời ở đó nhưng ở đó có nhiều chuyện xảy ra vì là thành phố quan trọng nhất nước Mỹ. Và cũng chỉ ở đó mới có “nhiều chuyện” để viết về các ngày lễ lớn như Giáng sinh và Lễ tạ ơn.
Nhân dịp Lễ tạ ơn
chúng ta hãy đọc lại "Two
Thanksgiving Day Gentlemen" trong tuyển tập 25 truyện ngắn mang tựa đề
“The Trimmed Lamp” (1907). Nhưng trước
tiên, chúng ta để ý trong tập truyện đó có truyện ngắn nổi tiếng của O. Henry, “The Last Leaf” mà tôi đã có lần giới
thiệu tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/05/chiec-la-cuoi-cung.html.
Truyện lấy bối cảnh thời gian có bệnh dịch viên phổi tại Mỹ, cũng như ngày nay ta có đại dịch COVID-19. Truyện kể về nàng Johnsy, hàng ngày phải nằm trên giường bệnh nhìn qua khung cửa sổ và chứng kiến những chiếc lá “thường xuân” (ivy) ngày một rụng nhiều. Cô họa sĩ nhủ thầm, khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là sẽ là lúc cô lìa đời.
Ở Greenwich có lão Behrman là một họa sĩ già ngoài 60 với 40 năm cầm cọ mà chẳng vẽ được một bức tranh nào cho ra hồn. Cả đời lão khao khát vẽ được một kiệt tác. Biết chuyện Johnsy bị bệnh viêm phổi rất nặng và bệnh tật khiến cô tuyệt vọng nên lão quyết định âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ một chiếc lá trên tường.
Chiếc lá giống y như thật. Và ngày hôm sau, khi nhìn qua cửa sổ, chiếc lá cuối cùng, tác phẩm của Behrman, vẫn đang ngạo nghễ sau một đêm mưa gió. Johnsy bắt đầu nghĩ lại, cô bắt đầu hi vọng và muốn được sống, được sáng tạo.
Johnsy đã trở về từ cõi chết nhưng lão Behrman lại chết vì bệnh viêm phổi sau đêm sáng tạo kiệt tác “chiếc lá cuối cùng” để cứu Johnsy. Sue, bạn của Johnsy, lặng lẽ đến bên giường bệnh báo báo tin về cái chết của Behrman và tiết lộ bí mật về chiếc lá cuối cùng.
“Johnsy à, bạn thử nhìn ra ngoài cửa sổ kia, nhìn vào chiếc lá cuối cùng trên bức tường đó. Bạn không cảm thấy ngạc nhiên là tại sao nó chẳng lung lay động đậy gì trong cơn gió? Bạn ơi, nó chính là cái tác phẩm lớn của lão Behrman trong đêm chiếc lá cuối cùng lìa cành!”.
Truyện "Two Thanksgiving Day Gentlemen" cũng lấy bối cảnh là thành phố New York và hai nhân vật chính là Stuffy Pete và một ông già 60 tuổi. Truyện xảy ra trong dịp Lễ Tạ Ơn truyền thống của người Mỹ.
Stuffy Pete là một chàng trai bụi đời, vừa ăn “no cành hông” (đúng như cái tên Stuffy), sau một bữa tiệc Tạ Ơn “miễn phí” do hai bà già nhân hậu khoản đãi với món gà tây và nhiều thứ khác. Đây là một bữa tiệc “từ thiện” do hai bà tổ chức để mời những người nghèo khổ trong thành phố.
Nhân vật thứ hai là một ông già, suốt chín năm nay, vào ngày lễ Tạ Ơn, ông ta đều đến tìm Stuffy tại công viên để mời anh đến một tiệm ăn nhân ngày lễ truyền thống của Mỹ. Ông cũng nghèo nhưng là người “bảo thủ” nên tin vào những giá trị truyền thống của nước Mỹ.
Một già một trẻ gặp nhau tại công viên theo thông lệ đã có từ 9 năm nay. Nhưng năm nay lại khác, cháng trai trẻ vừa ăn một bữa tối “từ thiện hoành tráng” nên ngồi thở dốc vì cái bụng chưa kịp tiêu hóa những thức ăn thịnh soạn!
Trước lời mời đến tiệm ăn trong lễ Tạ Ơn của ông già, Stuffy thấy mình không nỡ lòng nào từ chối dù đang thấy “khó ở trong bụng”. Anh nói thều thào: “Cảm ơn ông… bây giờ tôi đang… đói lắm!”.
Cuộc “chiến đấu” trên bàn ăn một giờ sau mới kết thúc và con gà tây đã chui tọt vào bao tử Stuffy để “hội ngộ” cùng con đã vào trước đó. Thế rồi hai người chia tay, ông già đi về hướng nam còn Stuffy “loạng choạng” đi về hướng ngược lại.
O. Henry đã kết thúc truyện theo cách riêng của ông và điều này khiến người đọc phải ngỡ ngàng, sửng sốt. Một già, một trẻ chia tay nhau để đi về hai hướng nhưng định mệnh đã xui khiến hai người gặp nhau tại… nhà thương!
Stuffy vào bệnh viện vì bị… bội thực. Ông già vào bệnh viện vì đã 3 ngày nay không có chút gì trong bao tử! Hóa ra ông để dành tiền đãi anh bạn trẻ một bữa ăn tối Tạ Ơn để giữ truyền thống mà 9 năm nay ông cố giữ!
Truyện của O. Henry lúc nào cũng có đoạn kết thật bất ngờ. Cũng trong dịp lễ Giáng sinh ông viết truyện “The Gift of the Magi” trong tuyển tập 25 truyện ngắn mang tên “The Four Million” (1906). Truyện “Quà Giáng Sinh” tôi cũng có lần viết trên Blogspot tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/12/qua-giang-sinh.html.
Truyện kể về một cặp vợ chồng nghèo và cách họ đương đầu với những thách thức của việc mua quà tặng Giáng sinh cho nhau. Với số tiền 1 đô la 87 xu, Della quyết định mua một sợi dây cho chiếc đồng hồ bỏ túi quý giá của James vì anh chưa bao giờ có đủ tiền mua một sợi dây đeo.
Để có tiền, Della quyết định cắt mái tóc dài của mình, thứ quý giá nhất mà nàng có. Trong khi đó, Jim quyết định bán đồng hồ để mua một bộ lược chải đầu có đính đá quý cho Della. Cả hai đều hí hởn vì nghĩ rằng mình có thể làm cho người kia bất ngờ và cảm động về món quà độc đáo của mình.
Tuy thất vọng ở đoạn kết, cả hai có thể cảm nhận được tình yêu của nhau qua việc đã hy sinh vật quý nhất của mình để mua cho nhau món quà Giáng sinh mà người kia ao ước!
Chỉ với ba truyện
ngắn nêu trên, O. Henry đã chứng tỏ khả năng thiên phú của một nhà văn chuyên
viết truyện ngắn. Đọc tới đây chắc các bạn cũng đồng ý với tôi, cũng như với những
người thưởng thức văn chương trên khắp thế giới:
“O. Henry là nhà văn viết truyện ngắn hay nhất và bao giờ cũng có đoạn kết bất ngờ nhất”!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét