Tôi không phải là
“tín đồ” của cải lương, hát bội. Dù là người gốc Bắc di cư vào Nam năm 1953,
tôi cũng không quan tâm đến loại cải lương “lai” như của cô đào Kim Chung “Tiếng chuông vàng Thủ Đô” tại Sài Gòn hồi
cuối thập niên 50s.
Đó là loại cải lương giống như của người miền Nam nhưng lại hát theo giọng Bắc của ông bầu Trần Viết Long và cũng là chồng của cô đào chính Kim Chung. Dĩ nhiên là đa số khán giả là những người Bắc di cư vào nam từ năm 1954. Họ đến để ủng hộ đoàn cải lương “cây nhà lá vườn”.
Có một sự trùng hợp
ngẫu nhiên, cô đào hát Kim Chung người Bắc lại trùng vói tên của cô Nguyễn Kim
Chung (1908-1988) sinh tại Sa Đéc. Cô là con của ông Hương cả Nguyễn Duy Tam,
người sáng lập Thiện Tiền Ban - gánh hát bội đầu tiên ở Sa Đéc năm 1915.
Cô Kim Chung (Sa Đéc) lại là một nghệ sĩ hát bội mang nghệ danh “Cô Năm Sa Đéc”, nổi tiếng với những vai diễn để đời trên sân khấu như Đổng Trác, Lữ Bố, Trưng Trắc… Giọng hát hay cộng với sắc đẹp trời cho nên cô nức tiếng với lời tán tụng “thanh sắc lưỡng toàn”.
Sau khi gánh hát Thiện Tiền Ban tan rã, Cô Năm sang Cần Thơ đi hát
cho gánh của
Bầu Bòn. Bà Bầu
Bòn chuyển thể thành gánh hát bội pha cải lương vì phải chiều theo thị hiếu của
quần chúng bình dân miền Nam lúc đó.
Từ khi bước vào nghiệp cầm ca, thoạt đầu Cô Năm có nghệ danh là Năm Nhỏ nhưng vì “đụng hàng” với một cô đào hát bội khác nổi tiếng thuộc lớp đàn chị là cô Năm Nhỏ (Cần Thơ) nên Cô Năm phải chọn nghệ danh mới là “Năm Sa Đéc”!
Năm 1937, mối tình đầu của Cô Năm Sa Đéc với kép Hai Thành không thành, Cô Năm lập gia đình với Đốc phủ sứ Đặng Ngọc Chấn ở Sài Gòn và có với nhau một người con trai tên Đặng. Ông Đặng sau này cũng đóng nhiều phim như Hòn Đất, Ván bài lật ngửa, Đằng sau một số phận, Người đẹp Tây Đô, Ngọn nến hoàng cung…
Cô Năm còn có thêm
cuộc tình với học giả nổi tiếng là Vương Hồng Sển (1902-1996). Thời trẻ, ông học
tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Sau khi thi đỗ
bằng Brevet Elémentaire, ông được phân làm công chức ngạch thư ký và phục vụ
nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ
(1939-1943).
Từ năm 1948, ông
làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về
hưu vào năm 1964. Vương Hồng Sển cưới một cô gái nhà giàu, tên Trần Thị Thố.
Đám cưới năm 1924 nhưng chỉ hai năm sau hai người kéo nhau ra tòa ly dị. Lý do duy
nhất: ông chồng quá mê sách và đồ cổ.
Năm 1927 ông cưới bà vợ thứ hai, tên Dương Thị Tuyết, con gái ông Phủ Lê Văn An. Khi ông bà Phủ An từ trần, để lại một gia tài đồ sộ cho vợ chồng Vương Hồng Sển. Ông tâm sự:
“… cũng vì có tiền nhiều nên nhơn tâm biến đổi. Sau mười chín năm từ 1927 đến 1946, vợ chồng ăn ở với nhau như bát nước đầy. Bỗng vợ tôi tâm ôm cầm sang thuyền khác. Cô ôm một ô hột xoàn, bỏ tôi với mớ đồ cổ cô cho là vô dụng, chén bát cũ và sách rách bìa xác xơ như chủ nó”.
Năm 1947, Vương Hồng Sển ôm mối hận nên bỏ Sóc Trăng lên Sài Gòn, trong bụng “nuôi mộng trả thù”. Nhưng thù chưa trả được thì lại “đụng” cô Năm Sa Đéc. Người bị mất vợ, người bị chồng bỏ, hai trái tim đang tan vỡ lắp ghép vào nhau. Ông Sển kể lại về Cô Năm:
“Năm ở một chòi lá, mướn mỗi tháng 3 đồng; tôi thì không nhà lại thêm tánh quân tử Tàu, nên cũng chẳng có gì... Rồi Năm sanh một trai, cha già con muộn, tôi mừng quá. Hai nỗi khổ gặp nhau. Tôi làm khai sanh và giao kết với nhau: còn thương thì ở, hết thương thì đường ai nấy đi, không có gì bận bịu, cũng không nhắc đến việc gì khác ngoài cái nghĩa tào khang”.
Tháng 6/1948, có bố ráp tại xóm Cù Lao, lính Tây bắt cả xóm ra ngồi ngoài sân. Cũng may, tai qua nạn khỏi và cũng nhờ cuộc bố ráp này, ông xin được Sở Canh nông cho phép cất một căn nhà lá tạm, ở đến năm 1953 mới dọn đi. Ông kể lại: “Nơi đây là hạnh phúc nhứt trong đời tôi. Vừa còn trẻ, thêm sanh đứa con trai duy nhứt, đặt tên là Vương Hồng Bảo”.
Sống với nhau hơn
40 năm, ông Vương Hồng Sển đã khóc trong lúc vợ lâm chung năm 1988: “Năm ơi! Năm cũng nên xét lại mà bỏ qua những
lỗi lầm của anh, để trong giờ phút sắp tiễn biệt em, đôi ta kẻ âm người dương
gian, xin em tha thứ để anh vơi bớt nỗi khổ tâm”.
Ông còn làm bài thơ “Khóc em Năm Sadec”, trong đó có chữ “Sóc Sa” với hàm ý Sóc Trăng và Sa Đéc, nơi “chôn nhau cắt rún” của hai người:
“Trăm năm dầu lỗi hẹn hò,
Chén cơm Bà Chiểu, con đò Sóc Sa”.
Đó là mối tình già
của một kẻ “50 năm mê cải lương” với
cô đào hát Năm Sa Đéc. Soạn giả cải lương Nguyễn Phương kể lại:
“Ông Vương Hồng Sển trong những dịp trà dư tửu hậu, kể những kỷ niệm ngày đầu gặp gỡ, những khó khăn trở ngại và những lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời chồng vợ của ông và bà Năm cho tôi và một số ít nghệ sĩ thân thiết trong Ban kịch Phương Nam nghe khi chúng tôi đến nhà ông ở số 9 đường Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bà Chiểu, Gia Định, để tập kịch thu truyền hình (năm 1967)”.
Ông Sển cho biết, sau khi người vợ thứ hai của ông là bà Dương Thị Tuyết bỏ ông, rồi lấy cái hộp sắt đựng 360 viên hột xoàn từ 3 đến 4 ly của bà Phủ An cho hai vợ chồng ông hưởng gia tài để sang thuyền khác với ông bạn Hà Văn Thân. Ông Sển ra tòa ly dị với bà Tuyết xong nên về Saigon ở để kiếm việc làm.
Ông ở nhờ nhà của bà Hai Hẩu ở đường Aviateur Garros tức đường Thủ Khoa Huân và ông được nhận cho làm việc ở Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên năm 1948, ăn lương công nhựt, mỗi tháng 1.173 đồng. Vương Hồng Sển kể lại cơ duyên gặp gỡ Bà Năm Sa Đéc:
“Tôi quen biết Năm năm 1943, khi đoàn hát Phụng Hảo hát ở Sóc Trăng. Nhà tôi rộng rãi nên tôi rước anh chị em đào kép về nhà tôi ở. Lúc đó có chị Bảy Phùng Há, vợ chồng anh Tư Út (Phạm Văn Đẩu và vợ là Sáu Ngỗng), cô Kim Thoa, cô Tư Thanh Tùng, cô Sáu Ngọc Sương, cô Tường Vi, anh Hai Tiền và Năm đây…
“Tôi làm công chức, đứng bàn ông chánh tỉnh trưởng Tây nên ở Sadec, tôi cũng thuộc về hạng có máu mặt. Tôi mê coi hát bội, hát cải lương hồi còn đi học trường Tây, giờ đây được dịp gần gũi chuyện trò với những anh chị đào kép hát mà tôi qúy mến thì còn gì thích cho bằng? Bởi vậy trong nhà tôi cứ ba ngày có một tiệc lớn, bảy ngày có tiệc nhỏ theo kiểu Tào Tháo chiêu đãi Quan Vân Trường, Tam nhật đại yến, thất nhật tiểu yến… tôi thật sự mến mộ đặc biệt với Năm đây…
“Lúc Năm hát bội thì được giới hát bội nhà nghề đánh giá là thuộc về nhóm Ngũ Châu tức là năm viên ngọc quý: đó là các cô Năm Đồ, cô Cao Long Ngà, cô Ba Út, cô Hai Nhỏ và cô Năm Sadec đây (hồi hát bội có nghệ danh là Năm Nhỏ). Khi qua lãnh vực hát cải lương thì Năm đây đổi nghệ danh là Năm Sadec, Năm cũng được báo chí và khán giả khen tặng là tài danh thinh sắc lưỡng toàn. Tôi chú ý tới Năm là vì lúc đó Năm vừa đẹp, vừa hát hay mà lại là con người chịu khó làm lụng chuyên cần.
“Mỗi khi tôi bày cuộc tiệc ăn nhậu cho các bạn đào kép thì Năm là người đầu tiên xăn tay áo nhào vô lo việc bếp núc. Khi cuộc tiệc tàn thì Năm xăn tay áo lo thu dọn, rửa chén bát, quét nhà, dọn dẹp như chính là cái nhà của Năm. Lúc đó thì con vợ của tôi, bà Tuyết đó, bả lo đi đậu chến, đi từ sáng tới tối mịt, đứt chến mới mò về, nhà cửa bất biết, thằng chồng no hay đói cũng không hỏi han tới… tôi thương vợ tôi thiệt nhưng mà sao trong lòng hỏng thấy quý bà ta như quý em Năm…
(hết trích)
Qua lời kể lại của soạn giả Nguyễn Phương, Vương Hồng Sển tâm sự về hoàn cảnh của cả hai, một kẻ thì mê cải lương và một kẻ là đào hát:
“Lúc đó, cái năm 1947, tui buồn cho cái thân tui bị vợ cặm sừng, nó bỏ tui… Cái tự ái của thằng đàn ông, tính hỏng thèm lấy vợ nữa… Còn bả thì bả bị thằng chồng nó theo con vợ bé, nó cũng bỏ bả… Tui thì ra tòa chờ tòa tuyên bố cho ly dị, còn bả khi có chồng thì hồi đó nghệ sĩ đâu có làm hôn thơ giá thú chi cho nó tốn tiền mà lại giấy tờ rắc rối. Bởi vậy khi thằng chồng nó quất ngựa chuối truy phong thì cô vợ xách rương ôm trấp kiếm chỗ khác mà sống. Bởi vậy bả hận đàn ông, còn tui hận đàn bà…”
Cuộc gặp gỡ “định mệnh”
đầu tiên của hai người diễn ra một cách tình cờ nhưng cũng không kém phần lãng
nạm: chàng dắt chiếc xe đạp lẽo đẽo đi theo… người đẹp:
“Rồi thì trời xui đất khiến, cái đêm tôi đi coi hát bội gánh Tấn Thành Ban hát ở chùa Dọn Bàn, Dakao, bỗng nhiên tôi gặp lại em Năm trong vai Lữ Phụng Tiên… Khi nghe em hát… Giỏ lá vai mang nhè nhẹ, em xuống giọng “thoàng”… tôi nghe thiệt là mê man trong dạ. Vãn hát rồi tôi chưa chịu về, còn nấn ná ở cửa hậu trường để gặp Năm khen mấy tiếng thì mới đành bụng.
“Ai ngờ gặp nhau, nói đủ thứ chuyện, tôi dắt chiếc xe đạp, dẫn bộ theo em lại cầu Mac Mahon, em nói em ở xóm Cù Lao nằm bên nầy đường Võ Di Nguy. Đêm đó tôi nhất quyết đi theo cho biết nhà em ở đâu và trong bụng cũng tính khi có dịp thuận tiện thì sẽ lại mời em xuống Chợ Cũ lại tiệm Cao Lâu ăn một bữa cơm Tàu.
(hết trích)
Thế rồi Vương Hồng
Sển cũng mò tới xóm Cù Lao. Xui cho ông gặp đúng lúc “mã tà” bao vây cả xóm để
xét giấy tờ. Chỉ huy nhóm lính nầy là một thiếu úy người Pháp và hai thằng “xét
dăng” (sergent). Cũng nhờ nói tiếng Tây rốp rốp, ông bỗng thành thông dịch viên
tình nguyện. Nhờ trong xóm có người “có học”, biết tiếng Pháp, nên lính chỉ xét
qua loa rồi bỏ đi. Câu chuyện kết thúc “có hậu” cho cả hai ngườ. Ông kể lại:
“Đã gần 12 giờ khuya, giới nghiêm rồi làm sao mà về nhà đây… Năm cũng biết vậy nên biểu tôi vô nhà ngủ, sáng sớm sẽ về. Mà trong nhà chỉ có một chiếc chõng tre một người nằm, tôi ngủ chung trên chõng đó sao được. Bởi vậy tôi kiếm giấy nhựt trình trải dưới đất, tính dọn một chỗ để ngã lưng qua đêm. Ai dè Năm cười cười: “Bộ tính ngủ ở dưới nền đất thiệt sao? Ngủ như vậy, tới sáng thì bịnh đó”
- Thì cũng ráng chịu, bụng làm dạ chịu, đâu có than van… Tôi trải giấy nhựt trình xong, sửa soạn nằm xuống.
- Năm nói: “Nè, hỏi thiệt, anh có thương tui
hông? Có muốn thiệt tâm làm vợ làm chồng với tui hông? Nói thiệt đi…
- Thiệt tình tôi thương Năm, tôi thề…
- Khỏi thề! Lên giường đây ngủ. Anh đàng hoàng
hay không đàng hoàng, tui biết liền…”
Một đời mê hát cải
lương, trong đó có hơn 40 năm sống chung cùng đào hát, chuyện đời của ông Vương
Hồng Sển và Bà Năm Sa Đéc có thể được coi là một “Love Story made in Vietnam”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét