Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Viết & Nghĩ về Hàn Mặc Tử

Bốn nhà thơ Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử được người yêu thơ ở Bình Định ngày xưa mệnh danh là “Bàn Thành Tứ Hữu”, hiểu nôm na là “bốn người bạn ở thành Đồ Bàn”.

Đối với Hàn Mặc Tử, dù ông chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi có 28 năm, nhưng lại có duyên với 4 chữ "Bình": Quảng Bình là nơi ông cất tiếng chào đời, Tân Bình là nơi ông làm báo, Bình Thuận là nơi ông có những người yêu và cuối cùng là Bình Định, nơi ông trở về với cát bụi!

Một trong những “Bàn Thành Tứ Hữu”, nhà thơ Chế Lan Viên, đã không ngần ngại khi ca tụng Hàn Mặc Tử:

“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”

"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử."

(hết trích)

 

Chân dung Hàn Mặc Tử (1912-1940)

 

Thời kỳ mà Chế Lan Viên ca tụng đó là “Trường Thơ Loạn” mở đầu cho “dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam” do chính Hàn Mặc Tử khởi xướng và lãnh ấn tiên phong dù tuổi đời còn trẻ.

Năm 16 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ và nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ đầu tiên “Vội vàng chi lắm” họa vận bài “Gởi nhạn” của nhà thơ Mộng Châu. Ông cũng lãng mạn như trong bài “Thức khuya” với những ngôn từ chân thật nhưng lại gợi hình:

“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”…

Năm 1936, Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập "Gái quê" và cũng chính lúc này ông phát hiện mình bị bệnh phong. Gần cả cuộc đời phải chống chọi với bạo bệnh, cũng là gần trọn cuộc đời, thi sỹ luôn đấu tranh cho khát vọng được sống, được yêu đến quằn quại, đau đớn.

 


Tập thơ “Gái Quê” ra đời năm 1936

 

Năm 1938-1939, Hàn Mặc Tử bệnh nặng. Tuy nhiên, không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ. Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín – em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau:

“Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc “găng” tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng”.

Tuy nhiên cũng nhờ những đau khổ trong cuộc đời, cộng với bản năng sáng tạo thiên phú đã chắp cánh cho thi ca Hàn Mặc Tử, đưa ông lên đỉnh cao của văn chương, nghệ thuật hiện đại.

Từ những năm ba mươi, qua tư duy nghệ thuật của mình, Hàn Mặc Tử đã có ý thức đi tìm cái lạ và nung nấu thi hứng sáng tạo. Ông đã có lần tâm sự:

“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ - sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn hờn giận đến gần đứt sự sống”.

 

Nhà thơ của số phận

 

Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử vô cùng phong phú và đa dạng cũng như ông đã từng nói: "Vườn thơ của tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh".

Là một con chiên ngoan đạo, ông đã từng viết trong chuỗi ngày tìm sự an ủi trong thế giới tâm linh:                                                        

“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng...

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Trong giây phút thoát trần ông đã để nguồn cảm xúc thiêng liêng của mình tìm được nơi an nghỉ trong vòng tay ấm áp của Thánh nữ Đồng trinh Maria. Người ta đã đặt tên bài thơ này là “Ave Maria”:

“Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu

 

Thi sĩ chưa sống trọn nửa kếp người

 

Cũng như bao thi nhân khác, ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ. Họ là những người ông đã từng gặp và cả những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ mà chưa từng diện kiến.

Trong số những người đó phải kể đến Mộng Cầm, cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có "máu thơ văn".

 

Ảnh bà Mộng Cầm chụp năm 1990

 

Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên Lầu Ông Hoàng tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ.

Không ngờ rằng đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Có một giai thoại kể khi Hàn Mặc Tử đi dạo với với Mộng Cầm ở Lầu Ông Hoàng qua một nghĩa trang có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát hiện những đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà và hôm sau ông thấy trên người mình cũng có những hiện tượng như vậy!

 

Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết) đã từng là nơi hẹn hò của Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm

 

Ông bỏ tất cả để quay về Qui Nhơn, vào nhà thương Quy Hòa ngày 20/9/1940, mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11/11/1940 tại nhà thương vì chứng bệnh kiết lỵ. Khi đó, Hàn Mặc Tử mới bước sang tuổi 28.

Tình yêu của ông đã đi vào nhạc qua những sáng tác của những người hâm mộ thơ ông. Nổi bật nhất là “Trường ca Ave Maria”, bao gồm những đoản khúc “Song Lộc Triều Nguyên”, “Dâng Lời Cảm Tạ”, “Tấu Lạy Bà” của Hải Linh, một nhạc sĩ chuyên sáng tác thánh ca.

Dòng nhạc bình dân cũng có ca khúc “Hàn Mặc Tử” do Trần Thiện Thanh sáng tác năm 1961 với phần mở đầu:

“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò...

Trăng là một trong những đề tài thường thấy trong thơ Hàn Mặc Tử bên cạnh cách dùng từ ngữ, hình ảnh của một con người phải trải qua những nỗi đau thể xác và tinh thần. Tuy vậy, giọng thơ nói chung không bi quan mà luôn mơ ước, hướng tới một thế giới vĩnh hằng.

“Trăng nằm sõng soài trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”

 

Thơ Trăng Hàn Mặc Tử

 

Có thể nôi, ông là một “ánh sao tắt lịm” trên bầu trời thi ca. Ánh sao ấy đã vụt  tắt nửa chừng nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Với cái tên Hàn Mặc Tử, ông hàm ý “một kẻ đơn lạnh”, và đó đúng là dự báo một cuộc đời cô đơn, khắc nghiệt!

Một nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của một thi sĩ và để lại cho nền văn học Việt Nam một… “đời thơ đau khổ”!

 

Mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng

 

***

* Nghe lại bài hát “Hàn Mặc Tử”, sáng tác của Trần Thiện Thanh, do chính tác giả trình bày tại:

https://www.youtube.com/watch?v=zhTsNc7yaHM&t=57s


*** 

--> Read more..

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Tôi trúng số !!!

Theo thông lệ, sáng ngày 10/12/2023 tôi đến cà phê một mình. Ngồi được một lúc có một người khách đến ngồi ngay ghế trống bên cạnh. Nhìn kỹ thì ra đó là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Vinh hay còn gọi là Vinh Saigon, một người bạn trên Facebook!

Vinh vẫn thỉnh thoảng ra ngồi cà phê với tôi… nhưng hôm nay trông có vẻ khang khác. Vinh nói mấy hôm nay anh thấy “khó ở trong người”… đúng là anh có phần sút đi so với lúc trước!

Chúng tôi nói chuyện về Đà Lạt, nơi mà trước đây anh vẫn thường “đi phượt” với nhóm bạn bằng xe gắn máy để săn ảnh. Không phải là dân Đà Lạt nhưng anh rất thích thành phố sương mù nên có dịp là anh “dọt” lên vài ngày cho thỏa tình với “xứ hoa đào”!

Chuyện trò đang rôm rả thì một bà bán vé số đến mời, Vinh lấy mấy vé và tặng tôi 1 tấm dù biết rằng tôi cả đời chưa từng chơi vé số nên chắc chắn là cũng chẳng biết dò số như thế nào.

“Anh cứ giữ một vé… việc dò số chiều nay để em lo cho!”

Bất ngờ đó lại là vé số của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt, mà chúng tôi đang đang ngồi ôn lại kỷ niệm về cao nguyên Langbian thân thương. Quả là một trường hợp ngẫu nhiên, bất ngờ ngoải sức tưởng tượng khi chuyện Đà Lạt và vé số Đà Lạt xảy ra cùng lúc!

 

Tôi trúng số 100.000 đồng!

 

Còn nhớ ngày xưa, hằng tuần vào lúc 4g chiều ngày thứ Tư và thứ Sáu, người Sài Gòn vẫn thường nghe "quái kiệt" Trần Văn Trạch hát bài “xổ số kiến thiết” qua đài phát thanh trước khi nghe chương trình trực tiếp truyền thanh hoặc đến tận rạp Thống Nhất trên đường cùng tên (ngày nay đổi là Lê Duẩn) để tận mắt xem mở số.

Chương trình mở số còn có các ca sĩ giúp vui xen kẽ các lần xổ lô trúng giải. Sẽ không thể nào quên được giọng hát trầm ấm của Trần Văn Trạch với những lời kêu gọi, thúc dục mọi người mua vé số để cò thể trở thành triệu phú… “kiến thiết quốc gia”:

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà…”

 

Đây là tấm vé số sẽ xổ ngày 3.5.1975. Thế nhưng ngày 30.4.1975, Sài Gòn thất thủ, tờ vé số trở thành… tấm vé số không bao giờ xổ!

 

Ngày nay thì khác. Hầu như tỉnh nào cũng phát hành vé số riêng và những người trúng giải đặc biệt không còn là “triệu phú” mà được nâng cấp lên “tỷ phú”. Đó là “đổi đời”… tha hồ mua nhà, mua xe!

Đọc thấy trên mặt sau của vé số Đà Lạt thấy có đủ các giải cho 1 triệu vé phát hành với giá bán 10.000 đồng. Từ Giải Đặc Biệt, cao nhất trúng 2 tỷ đồng, cho đến giải thấp nhất cho những vé có tận cùng bằng 2 số cuối, trùng với số trúng Giải Đặc Biệt!

***

Chiều nay, 10/12, tôi nhận được tin nhắn của Vinh với nội dung nguyên văn như sau:

“Hihi vé số hồi sáng trúng được 100 000₫ nghe đại ca… Sáng mai ra cafe em đổi cho”

Vinh còn cẩn thận chụp lại giấy dò số với 2 con số cuối “53” được khoanh tròn trên bảng kết quả của vé số Đà Lạt ngày 10/12… để chứng minh.

 

Kết quả dò số ngày 10.12.2023 (Hình của Vinh Saigon)

 

Ôi, thế là người chẳng bao giờ mua vé số chiều nay lại trúng 100.000₫ từ… trên trời rơi xuống.

Các cụ ta thường nói “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” nên “Mèo mù vớ được cá rán”… là vậy đó!

 

Hình chụp Vinh sáng ngày 11.12.2023

 

***

 * Tham khảo thêm: “Giấc mơ triệu phú” trên Blogspot

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../05/giac-mo-trieu-phu.html

 

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2023

Nhà văn Conan Doyle và Thám tử Sherlock Holmes

Bạn thích đọc truyện trinh thám sẽ không thể nào quên “Thám tử Lừng danh Thế giới” Sherlock Holmes…

Có điều đa số người ta lại ít để ý đến người đã tạo dựng nhân vật huyền thoại này (tức là “cha đẻ” của Sherlock Holmes) đã phải trải qua nhiều biến cố trong suốt một cuộc đời cầm bút của mình.

Đó là nhà văn người Anh, Sir Arthur Conan Doyle (1859 – 1930). Rất ít người biết bản thân tác giả đã từng có những hành động hết sức kỳ lạ và hấp dẫn không kém những gì mà thám tử Sherlock Holmes đã từng phô diễn trên những trang sách ông viết.

 

Chân dung nhà văn Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930)

 

Khi mới xuất hiện trên truyện, thám tử Sherlock Holmes lại có tên Shelling Ford sau này mới được đổi thành Sherlock Holmes. Trước tiên, Sherlock Holmes được phỏng theo nhân vật C. Auguste Dupin của Edgar Allan Poe.

Rất nhiều nguồn tài liệu cho biết đó là một cái tên ghép giữa Sherlock, một tuyển thủ môn bóng “cricket” mà Conan Doyle ngưỡng mộ vào thập niên 70 của Thế kỷ 20. Thế còn Holmes thì sao?

Nhà báo Anh, Bill West, đã tham khảo nhiều nguồn tư liệu để khẳng địng rằng đó là Edwin Holmes, người đã từng phát minh ra hệ thống báo động chống trộm khiến Doyle rất khâm phục nên ông đã không ngần ngại dùng họ của nhà phát minh đó làm tên họ cho nhân vật của mình.

Thế là Sherlock Holmes, nhân vật hư cấu được ra đời giúp cho nhà văn Conan Doyle có một sự nghiệp viết truyện trinh thám lừng lẫy trong việc phanh phui những vụ án bí hiểm. Khi sự nghiệp viết văn lên đến đỉnh cao cũng có lúc khiến ông quá mệt mỏi vì phải làm việc rất căng thẳng.

Đã có lúc Conan Doyle nghĩ đến việc “thủ tiêu” nhân vật… Vì để Sherlock Holmes chết là kết thúc câu chuyện phải ngày đêm nắn bóp theo đơn đặt hàng của báo chí cũng như độc giả hâm mộ.

 

Chân dung nhân vật thám tử Sherlock Holmes

 

Để giải thoát mình khỏi những câu truyện đó, Doyle đã “giết” Holmes trong truyện "The Final Problem" xuất bản trên tạp chí Strand vào tháng 12/1893. Ông để Sherlock Holmes bất cẩn, tiến đến mép của một tảng đá và rơi xuống thác nước Reichenbach.

Ngay lập tức, công chúng Anh đã gửi thư bày tỏ sự phẫn nộ đối với tác giả. Đến năm 1902, gần mười năm sau kể từ ngày Sherlock Holmes bị “chết mất xác”, đột nhiên Conan Doyle cho xuất hiện trở lại nhân vật này.

Chỉ có điều câu chuyện tác giả dựng ra vào thời gian trước khi Sherlock Holmes “bị khai tử”. Vẫn chưa hài lòng, công chúng tới tấp gửi thư đề nghị tác giả hãy làm cách nào cho thám tử… “sống lại”.

Chủ một tờ báo thậm chí còn đề nghị trả nhà văn 5.000 đô la tiền nhuận bút trong trường hợp ông nghĩ ra cách để Sherlock Holmes được… tái sinh.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo bạn đọc, Conan Doyle đã đặt bút viết tiếp truyện có tên là “Ngày trở về của Sherlock Holmes” và tiếp theo là một loạt truyện nữa. Ông đã mở đầu câu chuyện bằng cách giải thích:

“Mọi chuyện đã xảy ra đúng như chúng ta nghĩ. Sherlock Holmes đâu có chết khi rơi xuống vực sâu. Thật ra, anh ta không rơi xuống vực mà đã tìm cách bò dọc theo tảng đá để thoát khỏi tay kẻ thù”.

Conan Doyle trở lại với chuyện “The Adventure of the Empty House” (Cuộc Phiêu lưu của căn nhà hoang), với lời giải thích rằng chỉ Moriarty rơi xuống thác, nhưng, bởi vì Holmes còn có nhiều kẻ thù nguy hiểm khác, anh ta phải thu xếp một cái "chết giả”.

 

Nguyên nhân cái chết “bức tử” của Sherlock Home trong truyện The Final Problem xuất bản trên tạp chí Strand vào tháng 12.1893

 

Năm 1903, tại làng Great Wyrley ở gần Birmingham, đã xảy ra một vụ án lạ lùng. Hàng loạt ngựa, bò, cừu lăn ra chết. Qua khảo sát, người ta thấy ở bụng và cổ họng của những con vật ấy có những vết thương lớn.

Căn cứ vào những lá thư nặc danh, người ta xác định thủ phạm là George Edalji, con trai ông mục sư Ấn Độ và một phụ nữ Anh.

Thời ấy, kỳ thị chủng tộc rất mạnh ở các địa phương của nước Anh, thành ra cảnh sát đã thu thập chứng cứ một cách sơ sài và người ta chẳng băn khoăn gì khi không điệu chàng trai ra toà và kết án chàng với mức bảy năm tù khổ sai.

Sau khi bị giam cầm ít lâu, chàng trai bèn viết thư nhờ Conan Doyle minh oan cho mình. Doyle đã cho rằng với bằng chứng xác đáng về việc chàng trai bị cận thị nặng, không thể nào di chuyển ngoài đồng trong đêm tối để hạ sát hàng loạt con vật như vậy được.

Conan Doyle đã buộc các cơ quan hành pháp và tư pháp phải lưu ý, xem xét lại vụ việc này. Quả nhiên, qua điều tra về sau, người ta xác định được thủ phạm là kẻ khác, và chàng trai người Ấn lai ấy đã được trả tự do và danh dự.

 

Chân dung Sir Arthur Conan Doyle của Walter Benington (1914)

 

Sự “bất tử” của Sherlock Holmes thể hiện ở chỗ: hơn một trăm năm nay, bạn đọc khắp thế giới vẫn luôn tỏ ra yêu mến và ngưỡng mộ nhân vật này.

Nhớ ngày Conan Doyle cho Sherlock Holmes “tạm từ giã cõi đời”, tại Luân Đôn đã liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình quanh trụ sở của mấy toà báo. Thậm chí, có một nhóm thanh niên mặc tang phục, đeo bảng đề tên Sherlock Holmes diễu hành trên đường phố.

Hiện ở một số nơi, người ta còn ngưỡng mộ đến độ thành lập cả “Bảo tàng Sherlock Holmes” cũng như thành lập các đội đặc nhiệm mang tên nhân vật thám tử tài ba nói trên.

 

Bảo tàng Serlock Holmes tại Luân Đôn

 

Conan Doyle tốt nghiệp y khoa tại Đại học Edinburgh và trở thành bác sĩ trên một con tàu tới bờ biển Tây Phi. Năm 1882, ông mở một phòng khám tại Plymouth nhưng không được thành công cho lắm.

Trong khi chờ bệnh nhân, ông bắt đầu viết truyện. Tiểu thuyết đầu tiên của ông được đăng trên tờ Chambers's Edinburgh Journal khi ông chưa tới 20 tuổi. Có ai tính được biết bao lần sách của ông được tái bản ở khắp nơi trên trái đất này?

 

Tượng Sir Arthur Conan Doyle tại Crowborough Cross, East Sussex, Anh Quốc

 

Lại nhớ, khi Conan Doyle bị cơn đau tim đột ngột từ giã cõi đời, thể theo nguyện vọng của ông, vợ ông, bà Jean Leckie, đã không để tang chỉ vì lúc sinh thời Conan Doyle tin tưởng rằng sau khi chết đi, ông vẫn còn liên lạc được với bà!

Sherlock Holmes xuất hiện trong tổng cộng 56 truyện ngắn và bốn tiểu thuyết của Conan Doyle! Nếu nói nhà văn tồn tại bằng tác phẩm, thì có nghĩa là Conan Doyle, người được phong tước “Hiệp Sĩ” (Sir), còn sống mãi trong lòng những người đọc ông qua hình ảnh sống động của Sherlock Holmes với tẩu thuốc lúc nào cũng ở trên môi!

 

“The Lost World” (Thế giới thất lạc), ấn bản đầu tiên năm 1912

 

***


* Thật may mắn, tôi hiện còn giữ được cuốn sách “Sherlock Homes Short Stories” do nhà xuất bản London, John Murray, Albemarle Street ấn hành. Sách dày 1.336 trang có in đầy đủ những truyện ngắn của Conan Doyle viết về Thám tử Tài ba Sherlock Holmes.

 

Một trong những tác phẩm của Conan Doyle mà tôi còn giữ được

 

Sherlock Homes - The Complete Short Stories” dày hơn 1330 trang trên kệ sách của tôi!


Một kho tàng văn chương vô giá!

 

*** 

--> Read more..

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

Góc nhìn của “Bên Thắng Cuộc” về Henry Kissinger

Bên Thắng Cuộc trong bài viết này là Trương Huy San (Osin Huy Đức), tác giả cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” được xuất bản ngày 12/12/2012, tại Hoa Kỳ.

Khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, Huy Đức chỉ mới 13 tuổi. Khi đó còn ở tít tận một vùng quê nghèo đói miền Bắc dưới Xã hội Chủ nghĩa. Huy Đức tâm sự trong “Mấy lời của tác giả” ngay phần đầu trang sách:

“Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.

“Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “hai mươi năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.

(hết trích)

Huy Đức cũng viết trên Facebook:

“Mình đặt tên sách là Bên Thắng Cuộc, lại còn đề dưới hai câu thơ của Nguyễn Duy, “Nghĩ cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, vậy mà còn rất nhiều bạn xưng là “bên thắng cuộc”, nhiều bạn xưng là “bên thua cuộc”. Khi viết, tôi cứ tưởng các bạn là nhân dân”.

Cuộc chiến vừa qua để lại nhiều hậu quả khôn lường. Theo người viết bài này, quan trọng hơn cả, tàn tích của nó còn ảnh hưởng sâu đậm đến những thế hệ kế tiếp thuộc cả “bên thắng cuộc” lẫn “bên thua cuộc”. Không chỉ một thế hệ kế thừa mà còn cả những thế hệ tiếp nối sau đó. Điều này khiến người đọc rùng mình.

 

“Bên Thắng Cuộc” và những ý kiền nhận xét

 

Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, sinh ngày 20/8/1962 tại Hà Tĩnh (về tuổi tác, tôi hơn anh đến gần 20 năm).  Anh nhận được Học bổng Nieman Fellowship tại Đại học Havard (Boston) và đã từng có 8 năm tham gia trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó hơn 3 năm ở Campuchia, thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam với Khmer Đỏ.

Điều đáng nói, Huy Đức không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp về báo chí. Tất cả chỉ là mầy mò, học hỏi và tích lũy qua kinh nghiệm khi vào thực tế nghề báo. Đó cũng là điều người đọc cảm thấy “nể” khi đọc “Bên Thắng Cuộc”, một tổng hợp khối lượng thông tin và phỏng vấn khổng lồ trên trang sách.

Nhân ngày mất của Henry Kissinger (1923-2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ thứ 56 dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, Huy Đức đã có một bài viết trên Facebook với nhan đề “HENRY KISSINGER” để kỷ niệm ngày mất của nhà ngoại giao hưởng thọ 100 năm tuổi (29/11/2023).

Ngay từ đầu bài viết, tác giả Huy Đức nhắc lại cuộc phỏng vấn Kissinger ngày 10/3/2006 với nguyên văn như dưới đây:

“Ông có biết là từ mấy hôm nay, cộng đồng sinh viên vùng Boston, trong đó có cả những sinh viên đang học giáo trình ‘Ngoại Giao’ của ông, kêu gọi tổ chức biểu tình chống ông và gọi ông là ‘tội phạm chiến tranh’? Kissinger trả lời: “Tôi biết. Nhưng, liệu thế giới có như hiện nay nếu ngày ấy chúng tôi không làm như thế?”

 

Huy Đức và Kissinger. Hình chụp ngày 10-3-2006 (hình trên FB Truong Huy San)

 

Một trong những việc “làm thay đổi thế giới” của Henry Kissinger là tổ chức một cuộc gặp giữa Nixon và Mao Trạch Đông vào tháng 2/1972 tại Bắc Kinh . Sau buổi gặp gỡ, có một bữa tiệc chiêu đãi mà trong đó Trưởng phân xã Thông tấn Xã Việt Nam (TXVN) tại Bắc Kinh cũng được mời tham dự.

Tại Hà Nội, ông Lê Đức Thọ ra lệnh cho TTXVN làm “bản tự kiểm điểm” về việc tham dự buổi chiêu đãi. Huy Đức nhận xét:

“Đọc Bản Tự Kiểm mới thấy hết một thời ấu trĩ. Những hoạt động của các phóng viên TTXVN lúc ấy tại Bắc Kinh lẽ ra rất cần được khen thưởng vì nhờ những hoạt động như vậy mà những thông tin họ báo cáo về là rất có giá trị.”

 

Bản “Tự kiểm điểm” của TTXVN về viếc dự buổi chiêu đãi của Nixxon tại Bắc Kinh (hình trên FB Truong Huy San)

 

Theo ông Trần Phương, trợ lý ông Lê Duẩn, cho rằng “Lê Duẩn nói, chúng ta đã bị bán rẻ cho Mỹ để người Trung Quốc thay Đài Loan ngồi vào chiếc ghế ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”!

Hà Nội mong đợi Bắc Kinh giúp đỡ cuộc chiến của mình với “tinh thần quốc tế vô sản”, nhưng Bắc Kinh dùng cuộc chiến ấy để trả giá với người Mỹ. Washington không coi cuộc chiến ấy là “Chiến tranh Việt Nam” mà là xung đột giữa hai phe và bàn cờ mà họ chơi với Bắc Kinh là bàn cờ thế giới.

Ngay sau “Thông Cáo Thượng Hải”, ngày 27/2/1972 Thủ tướng Chu Ân Lai đến Hà Nội để giải thích chính sách mới của họ với người Mỹ. Nhưng theo Huy Đức, Lê Duẩn lại coi đó là việc “bán đứng Việt Nam”.

Ông nói: “Các đồng chí lấy xương máu của dân tộc Việt Nam để trả giá với Mỹ. Chúng tôi biết nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi sẽ đánh đến cùng và nhất định chúng tôi sẽ thắng”.

Huy Đức kể lại:

“Không chỉ phản ứng trong hội đàm, khi đưa tiễn Chu Ân Lai, thay vì đi cùng thầy trò Chu ra tận chân cầu thang máy bay, Lê Duẩn đã dừng lại ngay cửa nhà ga sân bay Gia Lâm. Các quan chức Việt Nam tất nhiên cũng phải đứng lại.

“Chu Ân Lai và người phiên dịch, Lương Phong, gần như phải lủi thủi bước lên máy bay đi về. Lương Phong, về sau nói với nhà ngoại giao Dương Danh Dy của Việt Nam rằng, hành động đó của ông Lê Duẩn là rất phản cảm”.

(hết trích)

“Thông Cáo Thượng Hải” là ví dụ điển hình trong cách hành xử của Bắc Kinh, “bất kể mèo trắng hay mèo đen”, nó đánh dấu một bước ngoặt giúp Trung Quốc bắt đầu những thập niên thịnh vượng.

“Trung Quốc mạnh lên càng khiến cho Kissinger bị chỉ trích. Trung Quốc mạnh lên không chỉ tăng khả năng “bá quyền” cho Bắc Kinh mà còn mang lại thịnh vượng cho người dân, thế giới bớt được 1,3 tỷ người nghèo khổ”, Huy Đức nhận xét.

Tác giả “Bên Thắng Cuộc” viết trong bài “HENRY KISSINGER” trên Facebook:

“Khi xung đột Bắc Kinh - Hà Nội bắt đầu hầm hập nóng trên báo chí, trên hệ thống loa phóng thanh, có một giai thoại bắt đầu lan ra: “Năm 1973, khi Kissinger tới Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc, nói với Lê Đức Thọ, “Kẻ thù của Việt Nam ở phía này”.

Trở lại với cuộc phỏng vấn Kissinger ngày 10/3/2006, Huy Đức kể lại chuyện này và  hỏi Kissinger một câu khiến người được hỏi bật cười trả lời:

“Lê Đức Thọ dẫn tôi thăm Bảo tàng Lịch sử, ở đấy lúc đó có rất nhiều phần nói về cuộc chiến tranh của người Việt với người Trung Hoa, trong khi chưa có phần nào nói về cuộc chiến tranh với người Mỹ. Anh nghĩ, người Việt còn cần một lời khuyên từ tôi ư?”.

Nói xong, Kissinger hỏi Huy Đức "Are you from the North"… và sau đó kéo Huy Đức ra chụp ảnh!!!

 

rương Huy San phỏng vấn Kissinger tại Thư viện và Bảo tàng John F. Kennedy, ngày 10-3-2006 (hình trên FB Truong Huy San)

 

***

 

Phần thứ hai của bài viết “HENRY KISSINGER” có tựa đề “MÙA HÈ ĐỎ LỬA”, Phụ Lục Đánh & Đàm, BÊN THẮNG CUỘC, quyển II, Quyền Bính. Phần phụ lục này khá dài nên tác giả có lời khuyên “ai có thời gian thì hẵng đọc”.

Các bạn có thể tham khảo toàn bộ 2 phần của bài viết “HENRY KISSINGER” trên Facebook Truong Huy San tại:

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/6730350180333439

 

***

 

* Tham khảo thêm “Đọc “Bên Thắng Cuộc” (1) – về tác giả Huy Đức” trên

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-ben-thang-cuoc-1-ve...

  

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Thích Tuệ Sỹ… Một vì sao vụt tắt!

Tôi không phải là một “Phật tử Thuần thành”, nói nôm na là người tuy theo Đạo Phật nhưng cũng chẳng bao giờ đi chùa chứ không nói gì đến việc ăn chay ngày Rằm, Mồng  Một như những Phật Tử chân chính khác.

Tuy nhiên, mới đây đọc “Cáo bạch” của Viện Tăng Thống, đã thật sự xúc động với đoạn văn ngắn ngủi về một bậc chân tu:

“Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đã thuận thế vô thường thị tịch vào lúc 16h00 ngày 24 tháng 11 năm 2023 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý mão). Trụ thế: 79 năm, 46 giới lạp. Tang lễ Đức Trưởng lão Hòa thượng được cung kính cử hành tại Chùa Phật Ân, khu 14, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai”.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 05/4/1945 (nhằm ngày 23/02 năm Ất Dậu), tại tỉnh Paksé, Lào. Thân phụ: Cụ ông Phạm Văn Phận, Pháp danh Trung Thảo, Thân mẫu: Cụ bà Đặng Thị Chín, Pháp danh Diệu Chánh. Đồng nguyên quán xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình, Trung phần Việt Nam.

 

Cố Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ (1945-2023)

 

Lúc con sinh thời, “nhà thơ điên” Bùi Giáng có viết bài “Đi Vào Cõi Thơ Tuệ Sỹ” với giọng điệu khôi hài nhưng cũng không kém phần nghiêm túc:

“Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.... Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông :

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi”

“Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết :

“Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy

Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi

Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ

Trí Hải đa tàm trúc loạn ty”

“Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình…

(hết trích)

 

Nhà thơ Bùi Giáng chuyện trò với một nhà tu

 

Mạnh Kim, một cây bút trên Saigon Nhỏ có bài “Tuệ Sỹ, buông tay nơi vách núi”:

“Từ khi là giảng sư Phật học tại Đại học Vạn Hạnh khi chỉ hơn 20 tuổi, Thầy Tuệ Sỹ đã là một cây cổ thụ. Suốt hơn nửa thế kỷ, cây cổ thụ Tuệ Sỹ không ngừng tỏa bóng mát cho thế gian. Giờ đây cây cổ thụ đã trút hết lá. Thầy phẩy tay áo cà sa, thanh thản, mỉm cười. Nếu những năm tháng sống ở đời không khác gì việc níu vào vách núi để làm những gì phải làm cho chúng sinh, bây giờ Thầy nhẹ nhàng buông tay. Thầy, đứng dậy, đi về với Phật”.

 

“Tuệ Sỹ, buông tay nơi vách núi”

 

Canh Le phân tích “hiện tượng Tuệ Sỹ” qua ba khía cạnh của Phật Giáo:

“Trong ba hạnh Bi-Trí-Dũng của Phật Giáo, tôi chưa được biết về Bi của ông. Còn về Trí, tôi được biết ông là một học giả uyên bác thâm viễn, thông thạo ngữ văn Nam-Bắc Phạn, Hán, Nhật, Anh, Pháp, đọc và hiểu Đức ngữ, khi mới trên dưới 30 tuổi đã là giáo sư thực thụ của Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn...

“Về Dũng, tôi được biết ông là người bất đồng chính kiến với chính phủ một cách nhu hòa và bền bỉ: "Sa Môn Bất Kính Vương Giả",  từng bị án tử hình rồi chuyển thành chung thân nhưng vẫn bình thản không hề nao núng thoái chuyển, "Uy Vũ Bất Năng Khuất". Muốn thực hành Bồ Tát hạnh "Vô Úy Thí", hành giả phải đạt được hạnh "Vô Úy" ...

“Làm người, được như vậy có thể đáng là hào kiệt, trượng phu. Trong giới cạo đầu, mặc cà sa, ở chùa hiện nay (tôi không dùng từ "tu sĩ" vì chưa chắc họ đã "tu"), ít nhất hòa thượng Thích Tuệ Sĩ cũng đáng là bậc xuất chúng, vượt trội.

(hết trích)

 

Chân dung Hòa Thượng Tuệ Sỹ


Bản thân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết di chúc trước ngày ra đi:

“Tôi, Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ, với tâm trí minh mẫn, tự biết thân mang trọng bệnh, để lại Di chúc sau đây cho chư Pháp lữ và hàng đệ tử thực hiện tổ chức Tang lễ theo tâm nguyện của tôi.

“Nhục thân đưa đi hoa táng. Tro bụi nhục thân đem ri ra Thái Bình Dương để được tan theo biển bốc thành mây trời, lang thang khắp cõi hư không: Hư không hữu tận, Ngã nguyện vô cùng.

(hết trích)

 

Nhà tu Tuệ Sỹ… Người gầy trên quê hương điêu tàn

 

Thực hiện đúng theo lời Di chúc Tang lễ của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), cho nên tang lễ của thầy đã diễn ra trầm mặc, trang nghiêm, như một tang lễ bình thường. Kể cả không vòng hoa, không phúng điếu...

Quý Chư Tăng Ni là thành viên của GHPGVNTN, cũng như Gia Đình Phật Tử khắp nơi trên cả nước, đã tề tựu về chùa Phật Ân để kính tiễn biệt thầy Tuệ Sỹ lần cuối. Kể cả nhiều vị đang làm Phật sự ở hải ngoại, cũng lập tức quay về Việt Nam, khi hay tin dữ về thầy.

 

Lễ tang cố Hòa Thượng Tuệ Sỹ

 

Và như vốn dĩ, trong mọi đám tang của Quý Tăng, Ni thì chen lẫn vào những người Phật tử, là lực lượng mật vụ ở nhiều tỉnh thành, kể cả mật vụ biệt phái miền Nam. Cho nên, đám tang của thầy Tuệ Sỹ cũng không thể là ngoại lệ.

Tuy nhiên, có sự khác biệt, là lực lượng sắc phục không được phái chốt chặn mọi con đường đến tang lễ, không như chính quyền đã từng hành xử như thế trong tang lễ của Đức Đệ Tam Tăng thống Trưởng lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Đức Đệ Tứ Tăng Thống Trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang và gần đây nhất là tang lễ của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

 

Thầy Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát trong buổi lễ di quan thầy Tuệ Sĩ

 

Đàm Ngọc Tuyên cho biết thêm nhiều chi tiết trong lễ tang Thầy Tuệ Sỹ:

“Chánh quyền sở tại đã đến gặp trụ trì chùa Phật Ân yêu cầu dẹp bỏ chữ GHPGVNTN trong chương trình tang lễ, tuy nhiên với tinh thần "uy vũ bất năng khuất", Quý thầy cương quyết không gỡ bỏ.

“Bên cạnh đó, cũng cần nói đến thủ đoạn mới của Giáo hội Phật giáo quốc doanh, khi họ cắt cử nhiều phóng viên như Phật giáo Đồng Nai, Báo Giác Ngộ đến túc trực nhằm ghi hình đưa tin nhưng hoàn toàn sai sự thật. Ấy là họ mạo nhận Ngài Tuệ Sỹ là thành viên của Giáo hội Quốc doanh. Ở đây không bàn đến thái độ tác nghiệp lấc cấc và láo xược.

“Ngoài ra, Thích Chân Quang dẫn một phái đoàn, và Thành hội Phật giáo Quốc doanh cũng tương tự, đã xuất hiện từ sớm để viếng tang. Tuy nhiên, họ đến viếng thì cứ viếng, chứ Quý Tăng Ni của GHPGVNTN, không rảnh để mà tiếp.

(hết trích)

 

Thầy Tuệ Sỹ trên đường Trở Vê Với Cát Bụi

 

Nghĩa tử là nghĩa tận… Chúng tôi sưu tầm một số hình ảnh dưới đây để tưởng nhớ một vị chân tu, tài hoa trong thế giới tâm linh chúng ta!

 Nam Mô A Di Đà Phật!


***

* Tham khảo thêm

* Bài viết: Tuệ Sỹ - Nhà tu “phi phàm” trên Blogspot:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../tue-sy-nha-tu-phi...

* Bài viết: “Nam Nhật Từ, Bắc Thái Minh” trên Blogspot:

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../nam-nhat-tu-bac-thai...

 

***

 

Những hình ảnh kỷ niệm về Thầy Tuệ Sỹ

 

Ành chân dung

 















Hòa Thượng Tuệ Sỹ và thiên nhiên



 






Tranh chân dung Thầy Tuệ Sỹ

 








Tượng Thầy Tuệ Sỹ

 


Thầy Tuệ Sỹ trên giường bệnh

 





Lễ tang cố Hòa Thượng Tuệ Sỹ









Những lời tâm huyết

 




Một vài tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ

 





Cảm nghĩ của một người trên Mạng Xã Hội



***

 

Bức ảnh được chụp vào tháng 9.1998, khi thầy Tuệ Sỹ được trả tự do từ nhà tù ở Nghệ An. Hình chụp lúc tàu sắp chuyển bánh, ba người nhìn xuống sân ga Nha Trang để chào từ giã tăng ni và Phật tử

***

--> Read more..

Popular posts