Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Viết & Nghĩ về Hàn Mặc Tử

Bốn nhà thơ Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử được người yêu thơ ở Bình Định ngày xưa mệnh danh là “Bàn Thành Tứ Hữu”, hiểu nôm na là “bốn người bạn ở thành Đồ Bàn”.

Đối với Hàn Mặc Tử, dù ông chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi có 28 năm, nhưng lại có duyên với 4 chữ "Bình": Quảng Bình là nơi ông cất tiếng chào đời, Tân Bình là nơi ông làm báo, Bình Thuận là nơi ông có những người yêu và cuối cùng là Bình Định, nơi ông trở về với cát bụi!

Một trong những “Bàn Thành Tứ Hữu”, nhà thơ Chế Lan Viên, đã không ngần ngại khi ca tụng Hàn Mặc Tử:

“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”

"Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử."

(hết trích)

 

Chân dung Hàn Mặc Tử (1912-1940)

 

Thời kỳ mà Chế Lan Viên ca tụng đó là “Trường Thơ Loạn” mở đầu cho “dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam” do chính Hàn Mặc Tử khởi xướng và lãnh ấn tiên phong dù tuổi đời còn trẻ.

Năm 16 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ và nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ đầu tiên “Vội vàng chi lắm” họa vận bài “Gởi nhạn” của nhà thơ Mộng Châu. Ông cũng lãng mạn như trong bài “Thức khuya” với những ngôn từ chân thật nhưng lại gợi hình:

“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”…

Năm 1936, Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập "Gái quê" và cũng chính lúc này ông phát hiện mình bị bệnh phong. Gần cả cuộc đời phải chống chọi với bạo bệnh, cũng là gần trọn cuộc đời, thi sỹ luôn đấu tranh cho khát vọng được sống, được yêu đến quằn quại, đau đớn.

 


Tập thơ “Gái Quê” ra đời năm 1936

 

Năm 1938-1939, Hàn Mặc Tử bệnh nặng. Tuy nhiên, không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ. Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín – em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau:

“Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc “găng” tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng”.

Tuy nhiên cũng nhờ những đau khổ trong cuộc đời, cộng với bản năng sáng tạo thiên phú đã chắp cánh cho thi ca Hàn Mặc Tử, đưa ông lên đỉnh cao của văn chương, nghệ thuật hiện đại.

Từ những năm ba mươi, qua tư duy nghệ thuật của mình, Hàn Mặc Tử đã có ý thức đi tìm cái lạ và nung nấu thi hứng sáng tạo. Ông đã có lần tâm sự:

“Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ - sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn hờn giận đến gần đứt sự sống”.

 

Nhà thơ của số phận

 

Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử vô cùng phong phú và đa dạng cũng như ông đã từng nói: "Vườn thơ của tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh".

Là một con chiên ngoan đạo, ông đã từng viết trong chuỗi ngày tìm sự an ủi trong thế giới tâm linh:                                                        

“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng...

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Trong giây phút thoát trần ông đã để nguồn cảm xúc thiêng liêng của mình tìm được nơi an nghỉ trong vòng tay ấm áp của Thánh nữ Đồng trinh Maria. Người ta đã đặt tên bài thơ này là “Ave Maria”:

“Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu

 

Thi sĩ chưa sống trọn nửa kếp người

 

Cũng như bao thi nhân khác, ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ. Họ là những người ông đã từng gặp và cả những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ mà chưa từng diện kiến.

Trong số những người đó phải kể đến Mộng Cầm, cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có "máu thơ văn".

 

Ảnh bà Mộng Cầm chụp năm 1990

 

Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên Lầu Ông Hoàng tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ.

Không ngờ rằng đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Có một giai thoại kể khi Hàn Mặc Tử đi dạo với với Mộng Cầm ở Lầu Ông Hoàng qua một nghĩa trang có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát hiện những đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà và hôm sau ông thấy trên người mình cũng có những hiện tượng như vậy!

 

Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết) đã từng là nơi hẹn hò của Hàn Mạc Tử với Mộng Cầm

 

Ông bỏ tất cả để quay về Qui Nhơn, vào nhà thương Quy Hòa ngày 20/9/1940, mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11/11/1940 tại nhà thương vì chứng bệnh kiết lỵ. Khi đó, Hàn Mặc Tử mới bước sang tuổi 28.

Tình yêu của ông đã đi vào nhạc qua những sáng tác của những người hâm mộ thơ ông. Nổi bật nhất là “Trường ca Ave Maria”, bao gồm những đoản khúc “Song Lộc Triều Nguyên”, “Dâng Lời Cảm Tạ”, “Tấu Lạy Bà” của Hải Linh, một nhạc sĩ chuyên sáng tác thánh ca.

Dòng nhạc bình dân cũng có ca khúc “Hàn Mặc Tử” do Trần Thiện Thanh sáng tác năm 1961 với phần mở đầu:

“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò...

Trăng là một trong những đề tài thường thấy trong thơ Hàn Mặc Tử bên cạnh cách dùng từ ngữ, hình ảnh của một con người phải trải qua những nỗi đau thể xác và tinh thần. Tuy vậy, giọng thơ nói chung không bi quan mà luôn mơ ước, hướng tới một thế giới vĩnh hằng.

“Trăng nằm sõng soài trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi”

 

Thơ Trăng Hàn Mặc Tử

 

Có thể nôi, ông là một “ánh sao tắt lịm” trên bầu trời thi ca. Ánh sao ấy đã vụt  tắt nửa chừng nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội. Với cái tên Hàn Mặc Tử, ông hàm ý “một kẻ đơn lạnh”, và đó đúng là dự báo một cuộc đời cô đơn, khắc nghiệt!

Một nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã làm tròn sứ mệnh của một thi sĩ và để lại cho nền văn học Việt Nam một… “đời thơ đau khổ”!

 

Mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng

 

***

* Nghe lại bài hát “Hàn Mặc Tử”, sáng tác của Trần Thiện Thanh, do chính tác giả trình bày tại:

https://www.youtube.com/watch?v=zhTsNc7yaHM&t=57s


*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts