Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Những điều chưa biết về nhà văn Hồ Biểu Chánh

Nếu Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... là những người tiên phong đặt nền móng cho chữ quốc ngữ thì Hồ Biểu Chánh (1884-1958) là một trong những người đã làm cho chữ quốc ngữ được phong phú hơn.

Khi nói đến tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, người ta không thể không nói đến những đặc thù trong vệc dùng từ ngữ của ông. Những nhân vật trong truyện của ông, thường là những người bình thường và môi trường sinh hoạt hầu hết được diễn ra ở vùng đất phương Nam, vì vậy những từ ông dùng trong truyện hoàn toàn có tính cách Nam bộ.

Tiểu thuyết của ông là một bức tranh sống động về phong tục và cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người dân miền Nam trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20. Trong cuộc đời văn chương, ông luôn giữ lập trường và mục đích sáng tác của mình.

Ðối tượng độc giả của ông là đại đa số người bình dân, giới trung lưu có học, không phải là giới trí thức cao siêu hay những bậc trưởng giả giàu có. Những người đương thời muốn góp ý với ông để ông thay đổi, nhưng Hồ Biểu Chánh không phải là con người của các trào lưu mà là của truyền thống.

Mặc cho thiên hạ khen chê, ông cứ thẳng tiến theo đường của ông. Các nhà văn của thế hệ 1913 không thuyết phục được ông đã vậy, mà ngay đến các văn gia thuộc các thế hệ 1932, hay 1945 cũng không làm sao thay đổi được ông.

 

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958)

 

Trong cuộc đời, ông có những bước thăng trầm, có lúc ông ra làm quan cho Pháp nhưng không lợi dụng vị trí này để hưởng lợi cho bản thân hay cho gia đình mình mà để dễ dàng truyền bá đạo lý cuộc sống theo lý tưởng của ông.

Năm 1905, sau khi đậu Thành chung, ông thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ; làm thông ngôn, thăng dần đến chức Đốc Phủ Sứ (1936). Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ năm 1946, Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ được thành lập, ông được mời làm cố vấn cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh nhưng chỉ được mấy tháng thì chính phủ sụp đổ.

Giáo Sư Nguyễn Văn Trung (nguyên Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn) khi viết về Hồ Biểu Chánh đã tâm sự:

“Dạy văn học trên 20 năm ở miền Nam, nhưng mới chỉ đọc Hồ Biểu Chánh gần đây vì trước đây khinh chê, không thèm đọc“. Cuối cùng, ông giáo sư “di cư từ miền Bắc” nhận thấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thật cảm động, thật hay và thật hấp dẫn!

Văn Hồ Biểu Chánh “rặc” giọng điệu Nam Kỳ, mô tả đời thường của người dân Nam Bộ, ở cả nông thôn “miệt vườn” lẫn thành thị phồn hoa. Đó là điều khác biệt lớn với những tiểu thuyết mới của các nhà văn miền Bắc thuộc thế hệ Tự Lực Văn Đoàn.

Hồ Biểu Chánh viết văn từ năm 1910. Quyển tiểu thuyết đầu tay của ông “Ai làm được?” ra đời năm 1912 và chỉ trong 19 năm, ông cho xuất bản 18 quyển tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Hồ Biểu Chánh say mê văn chương và viết liên tục cho đến khi mất ngày 4/9/1958 tại Sài Gòn với tổng cộng hơn 100 tác phẩm gồm tiểu thuyết và các thể loại khác như nghiên cứu, phê bình văn học, sáng tác tuồng hát...

 

Tiểu thuyết đầu tay của Hồ Biểu Chánh “Ai làm được” ra đời năm 1912

 

Ông có 9 người con, 5 trai và 4 gái. Con trưởng là Hồ Văn Kỳ Trân là một nhà báo và cũng là dân biểu thời Việt Nam Cộng hòa, người con thứ 7 là Đại tá Hồ Văn Di Hinh, nguyên là Thị trưởng Đà Lạt. Cháu đích tôn của ông là Hồ Văn Kỳ Thoại, Phó đề đốc Hải quân của Quân lực Việt Nam Cộng hoà.

Hồ Văn Kỳ Trân, người con trưởng của ông kể lại:

“Bệnh đã càng ngày càng thêm mà ba tôi không chịu nghỉ viết. Thầy thuốc cấm. Ba tôi vẫn viết. Con cháu năn nỉ lắm thì ba tôi chỉ nghỉ vài ngày rồi viết nữa và bảo rằng: “Ba còn viết được thì cứ để cho ba viết. Ba không viết được thì lòng thấy bứt rứt, người thấy khó chịu hơn. Có viết được lòng mới thấy yên ổn, người mới thấy thư thả dễ chịu. Viết là một  phương thuốc, là một cách trị bịnh cho ba đó...”

Theo nhà phê bình văn học Thụy Khê, trong hồi ức “Đời của tôi về văn nghệ” của ông thì trong toàn bộ các tiểu thuyết có đến 11 cuốn cảm tác theo tiểu thuyết Pháp:

1. “Chúa tàu Kim Quy” - Le Comte de Monte Cristo (Alexandre Dumas)

2. “Cay đắng mùi đời” - Sans famille (Hector Malot)

3. “Chút phận linh đinh” - En famille (Hector Malot)

4. “Thày thông ngôn” - Les Amours d’Estève (André Theuriet)

4. “Ngọn cỏ gió đùa” - Les misérables (Victor Hugo)

5. “Kẻ làm người chịu” - Les deux gosses (Pierre Decourselle)

6. “Vì nghĩa vì tình” - Fanfanet Claudinet (P. Decourselle)

7. “Cha con nghĩa nặng” - Le calvaire (P. Decourselle)

8. “Ở theo thời” - Topaze (Marcel Pagnol)

9. “Ông Cử” - L’Aristo

10. “Đoá hoa tàn” –  Le Rosaire

11. “Người thất chí” – Crime et Châtiment

 

Một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh

 

Trong “Hồi ức Đời của tôi về văn nghệ” ông cho biết thêm:

“Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn mà tôi cảm thì tôi lấy chỗ cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc lấy đó mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Tuy tôi nói phỏng theo kỳ thiệt chỉ lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi còn lật ngược tới đại ý, làm cho cốt truyện trái hẳn tâm lý, khác xa với truyện Pháp”.

Cũng theo bà Thụy Khê, qua lối viết của Victor Hugo trong “Les Misérables” và của Hồ Biểu Chánh trong “Ngọn cỏ gió đùa” không những chúng ta thấy sự khác biệt của hai văn tài, mà còn thấy hai lối viết hoàn toàn khác nhau.

Victor Hugo viết văn theo lối lãng mạn của thế kỷ 19, qua đó tác giả để tình cảm của mình xen vào ngòi bút, và dùng tình cảm của mình để lôi cuốn người đọc. Hồ Biểu Chánh lại viết theo lối hiện thực của thế kỷ 20, tác giả đứng ngoài nhận xét và ghi lại những diễn biến.

 

Nguyên tác “Les misérables” - Victor Hugo

 

Nhân vật chính Jean Valjean trong “Les Misérables” là một thứ “homme du peuple”, một loại “nhân dân” theo đúng nghiã thời thượng lúc bấy giờ. Người dân này có thể trở nên tốt hoặc xấu, tùy theo hoàn cảnh và môi trường sống. Và chính môi trường mục nát của xã hội Pháp đã đầy đọa Valjean, bắt sống oan ức tù tội trong 20 năm.

“Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh đã thành công trong việc khắc họa những chân dung con người đói khổ, khốn cùng, trong xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Ảnh hưởng đạo đức và triết lý Á đông tạo một khuôn mặt “Jean Valjean Việt Nam” qua hình ảnh Lê Văn Đó, trở thành mẫu mực cho những khuôn mặt cùng đinh sẽ xuất hiện trong tiểu thuyết Việt Nam sau này.

Jean Valjean đã được “Việt hoá” dưới căn cước Lê Văn Đó, một nông dân khốn cùng, trong thời mất mùa đói kém, không kiếm được việc. Vì không đành lòng nhìn lũ cháu 7 đứa sắp chết đói, Lê Văn Đó lén bưng trộm nồi cháo cho heo ăn, bị người ta bắt, xông vào đánh đập. Bị đánh 100 trượng, bị án 5 năm về tội cướp của và nhiều lần vượt ngục, mỗi lần tăng án, tổng cộng 20 năm tù.

 

“Ngọn cỏ gió đùa” – Hồ Biểu Chánh

 

Jean Valjean - Lê Văn Đó, Giám mục Myriel - Hoà Thượng Chánh Tâm, Fantine - Ánh Nguyệt, Cosette - Thu Vân, Thénacdier -  Đỗ Cẩm, Javert - Phạm Ký... là những “cặp bài trùng” trong cả hai tiểu thuyết Pháp-Việt.

Tuy chỉ là “phóng tác” nhưng Hồ Biểu Chánh với văn tài đặc biệt của mình đã biến tiểu thuyết theo lối “kể chuyện” của Pháp trong khi Hồ Biểu Chánh lại mang câu chuyện đó vào văn chương Việt Nam, dựa vào bối cảnh của vùng đất Nam Bộ.

 

Nơi an nghỉ, nhà trưng bày kỷ vật của nhà văn Hồ Biểu Chánh

 

* Nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng được đặt tên đường ở quận Phú Nhuận và thị xã Gò Công, Tiền Giang. Từ năm 2009, cháu ngoại nhà văn Hồ Biểu Chánh là ông Lê Kỳ Lân (sinh năm 1939) đã làm đơn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM xin công nhận nhà lưu niệm cùng khu mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh là Di tích văn hóa. Nhưng đến nay, đề nghị đó vẫn chưa được Sở này trả lời.

 

Mộ nhà văn Hồ Biểu Chánh và vợ tại Gò Vấp

 ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts