Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Ngụ ngôn Aesop

Hiểu theo nghĩa thông thường, ngụ ngôn là một thể loại của văn học mang tính cách giáo dục, với dụng ý bàn chuyện đạo đức qua hình thức thơ văn tương đối ngắn gọn nhưng rất súc tích và có phần hóm hỉnh.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ nói đến ngụ ngôn loài vật của nhà văn Aesop, người Hy Lạp thời cổ đại. Aesop sống trong khoảng năm 620-564 trước Công Nguyên, ông xuất thân từ giai cấp nô lệ nhưng nhờ một trí óc thông minh, uyên bác nên đã để lại cho đời hơn 450 truyện ngụ ngôn.

 

Chân dung Aesop (620-564 trước Công Nguyên)

 

Truyện của Aesop rất ngắn nhưng lại hàm chứa những bài học quý giá thông qua các loải động vật được “nhân cách hóa” một cách hóm hỉnh. Cũng vì “biết nói tiếng người” nên những con vật nêu lên những trường hợp điển hình để áp dụng trong thực tế đời người. 

Aesop vốn là người nô lệ lại vừa xấu trai nhưng truyện ngụ ngôn lại giàu tính cách giáo dục thâm thúy. Truyện của ông được trích dẫn bởi những nhân vật nối tiếng trong quá khứ như Socrates, Aristophanes, Phaedrus, La Fontaine... Các nhà văn hiện đại cũng góp phần tạo thành một “kho tàng ngụ ngôn” của toàn nhân loại. 

 

Tượng Aesop

 

“Con cáo và chùm nho” là truyện của Aesop đã trở thành cổ tích. Truyện khá phổ biến tại Việt Nam và được biết đến qua nhiều bản dịch, đặc biệt nhất là của Nguyễn Văn Vĩnh, nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn, in năm 1928. Ông dịch từ bài thơ “Le Renard et les Raisins” của La Fontaine dựa theo ý Aesop:


“Chó Sói kia ở nơi rừng ấy

Đương đói lòng lại thấy giàn nho!

Mấy chùm vừa chín vừa to

Nước da đỏ thắm, thơm tho ngọt ngào.

 

“Cậu Sói cũng ước ao được bữa

Nhưng giàn cao không với đến nơi

Chê bai Sói lại được lời:

- Nho xanh chẳng xứng miệng người phong lưu!”

 

Cáo ta dù có làm thế nào cũng không thể hái được nho nên tự hỏi, làm sao mà mình lại cứ phải cố ăn mấy cái chùm nho này? Vỏ thì xanh, chắc là chưa chín rồi, không biết chừng còn vừa chua vừa chát, có khi còn phải nhổ ra!

Câu chuyện cũng có ý khuyên người ta nên từ bỏ những thứ không thuộc về mình, khi đã cố gắng nhưng vẫn không đạt được thì nên chấp nhận từ bỏ.

Có bao giờ bạn tự ru ngủ bản thân bằng cách tưởng tượng ra hàng trăm lý do cho sự thất bại để biện hộ cho khả năng yếu kém của minh? Rất nhiều người tỏ ra chê bai, khinh miệt cái mà họ mong muốn chỉ vì không đạt được. Khả năng của mình có giới hạn nên đành lấy cớ, tự dối lòng mình để tự biện minh.

Trong cuộc sống, khó khăn luôn tồn tại và đôi khi vượt xa khả năng của con người, không phải lúc nào cũng nên cố gắng hết sức mình khi ngay từ đầu khi ta đã biết không thể thực hiện được.

Cần khôn khéo và thông minh hơn khi đương đầu với nghịch cảnh, chẳng hạn như không thể chỉ nhảy thật cao để lấy chùm nho nhưng có thể nhờ sự giúp đỡ, hoặc tìm một giàn nho nào đó thấp hơn. Đó là bài học về cách thích nghi với hoàn cảnh.

 

Con cáo và chùm nho

 

Chuyện “Rùa và thỏ” nằm trong tập ngụ ngôn Aesop, và được đánh số 226 theo danh mục. Câu chuyện kể về cuộc đua không cân sức này có nhiều cách hiểu đối lập nhau. Bản thân nó là một biến thể của một truyện dân gian phổ biến nói về việc chiến thắng đối thủ bằng sự khéo léo và thủ đoạn đồng thời khuyên người ta không nên xem thường người khác để rồi nhận hậu quả cay đắng.

Câu chuyện kể về một con thỏ chế nhạo một con rùa chậm chạp. Mệt mỏi với thái độ kiêu ngạo của thỏ, rùa thách đấu thỏ một cuộc chạy đua. Thỏ nhanh chóng bỏ xa rùa lại phía sau. Yên trí rằng mình sẽ thắng, thỏ dừng lại nghỉ ngơi giữa cuộc đua để chợp mắt một lát.

Khi tỉnh giấc, thỏ nhận ra đối thủ, kẻ vẫn kiên trì bò một cách chậm chạp, đã gần về đến đích trước mình, thỏ vội vàng chạy về đích nhưng không kịp nữa. Rùa đã thắng thỏ bằng sự kiên trì của mình.

Điều được nhấn mạnh không phải là tính can trường của rùa trong việc chiến đấu với một kẻ chạy nhanh, mà là sự quá tự tin một cách ngu xuẩn của thỏ. Nhiều người có tài năng thiên bẩm bị hủy hoại bởi sự coi thường. Mặt khác, điềm tĩnh, nhiệt huyết và bền chí có thể chiến thắng lười biếng và ỷ lại.

"Chậm mà chắc", "Dục tốc bất đạt" được khẳng định về bài học của câu chuyện. Ngoài ra, cũng có người hiểu theo quan điểm Kinh thánh "không phải lúc nào người chạy nhanh cũng là người thắng cuộc"!

 

Rùa và thỏ, tranh Arthur Rackham, 1912

 

“Cáo và cò” là một trong những ngụ ngôn của Aesop được đánh số 426 trong danh sách các ngụ ngôn. Truyện thường được cho là có ý nghĩa như một lời cảnh báo: đừng làm hại ai. Nếu có ai đó bị hại, thì việc họ quay lại phục thù sẽ là một cuộc chơi công bằng và có thể là điều khó tránh khỏi.

Một con cáo đã mời một con cò đến nhà ăn súp nhưng con cáo đã chơi khăm: đựng súp trong một cái dĩa khiến cò không ăn được vì cò có cái mỏ dài. Ấm ức, cò sau đó đã mời cáo đến nhà xơi nước nhưng lại đựng trong một cái bình cổ dài và cáo không uống được.

Bài học được rút ra từ câu chuyện là “nguyên tắc vàng trong ứng xử”: đừng bao giờ đối xử tệ với người khác nếu không sẽ bị đáp trả lại bằng chính sự tệ hại đó.

“Ăn miếng, trả miếng” là vậy. “Gậy ông đập lưng ông” là điều khó tránh khỏi trong cái thế giới ngày nay khi mọi người chỉ biết cái lợi về phần mình mà quên đi những người xung quanh.

 

Cáo và cò, tranh minh họa của Richard Heighway

 

“Sử tử và chuột” lại xoay quanh một đề tài khác. Một con sư tử mệt mỏi nằm ngủ dưới bóng cây. Một đàn chuột chạy ngang qua chỗ sư tử nghỉ ngơi, trèo cả lên lưng nó để vui đùa. Sư tử tỉnh dậy, thò móng vuốt bắt ngay được một con chuột.

Chuột biết chắc mình không có cơ may trốn thoát, liền chắp tay xin lỗi sư tử vì sự thô lỗ táo tợn của mình. Nghe lời phân trần nhũn nhặn đó, sư tử quyết định thả chuột vì thấy rằng một con vật tầm thường, không có khả năng tự vệ như thế quả là không đáng cho mình ra tay giết hại.

Thế rồi một hôm sư tử không may bị rơi vào bẫy của người thợ săn. Nó cố hết sức vùng vẫy gầm vang nhưng không thể nào thoát ra được. Chuột nghe tiếng gầm thì biết đây chính là con sư tử đã tha mạng sống cho mình bèn chạy tới cứu. Nó bò quanh gặm đứt dây lưới, giúp sư tử thoát được ra khỏi chiếc bẫy.

Câu chuyện là bài học về sự đền ơn đáp nghĩa. Những kẻ mạnh thường áp đặt sức mạnh lên những kẻ yếu đuối mà không nhận ra rằng, kẻ mạnh nhất cũng cần đến bạn bè. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rằng, nếu ban cho kẻ yếu một ân huệ, họ sẽ trả lại bằng nhiều ân huệ khác. Đó là quy luật của đạo lý “biết ơn”.

 

Sư tử và chuột

 

“Gà trống và chồn” lại là một câu chuyện luân lý khác. Một con chồn tới gần quan sát một con gà đậu trên cao, ngoài tầm với, nó liền chiêu dụ bằng cách mời gà xuống chơi. Con gà không dám xuống vì biết sẽ nguy hiểm cho bản thân. Con chồn bèn nói “Mọi loài thú bây giờ đều đồng ý sống chung hoà bình với nhau rồi đấy!”.

Con gà lập mưu khi thấy một đàn chó săn và báo cho chồn. Chồn ta sợ quá chạy vắt giò lên cổ và nói:  “Có thể lũ chó săn kia chưa hề nghe gì về tin... sống chung hòa bình đâu!”.

Câu chuyện chỉ có vậy nhưng hàm ý khuyên chúng ta phải cảnh giác trong mọi hoàn cảnh, luôn tồn tại xung quanh ta những cạm bẫy và vì vậy, cần phải thông minh và tỉnh táo để không bị lừa, giữ cho mình được an toàn.

Bài học này cũng vẫn thực dụng cho đến ngày nay: chớ tin vào những lời của bọn có chức, có quyền vì có thể đó là những lời “ma mị” với mục đích làm hại mình chứ không phải tốt đẹp gì. “Mật ngọt chết ruồi” nên nhiều ruồi đã phải bỏ mạng trong mật!

 

Gà trống và chồn

 

“Chuột nhũi chuột đồng” kể lại chuyện hai giống chuột đồng và chuột nhũi đã bao lẩn có chiến tranh và lần nào phe chuột đồng cũng thất bại. Chuột đồng họp nhau lại tìm nguyên nhân và đi đến kết luận: “Lỗi tại các cấp chỉ huy!”.

Toàn dân chuột đồng lòng bầu lại vị tướng mới nhưng vị tướng này thấy mình chẳng khác gì “thường dân”, nên về nhà may áo mão rồi gắn lên đầu. Đám chuột nhũi lại kéo tới khiêu chiến và chuột đồng lại bị thiệt hại nặng nề. Quan quân đua nhau rút về hang, riêng ông tướng vì áo mão quá cao, nên bị kẹt và bị bắt làm tù binh.

Đây cũng là câu chuyện phê phán tính thích phô trương hình thức bên ngoài, sẽ không bao giờ giành được thắng lợi. Sự thay đổi cấp chỉ huy của chuột đồng chỉ là yếu tố ngoại lai chứ không phải nội lực, nên đương nhiên không thể chiến thắng. Căn bệnh hình thức cho đến ngày nay vẫn tồn tại!

 

Chuột nhũi và chuột đồng

 

Như đã nói, truyện ngụ ngôn Aesop mang tính cách triết lí, thường dùng động vật để nói lên tư tưởng của tác giả, vì vậy, truyện trở nên gần gũi và dễ hiểu.

Chúng ta luôn mang ơn Aesop đã giáo dục con người để từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tế có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày trở nên tốt đẹp hơn.

 

Ngụ ngôn Aesop trong cuộc sống

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts