Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Người giữ “hồn” ngôn ngữ Huế


Tôi vừa nhận được 3 tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa do người bạn đời của anh, Nguyễn Thị Minh Ngọc (Pearl Nguyen), mang tay về Việt Nam. Trước tiên, xin nói về Minh Ngọc. Chị là kịch tác gia, nhà văn và đạo diễn… nhưng, thật tình mà nói, với giới sân khấu kịch nghệ tôi quen biết rất ít người.

Trong một bài viết về gà trong năm Đinh Dậu trên Facebook, tôi có nhắc đến nhà báo Bùi Bảo Trúc, người bạn văn “kết nghĩa” với Nguyễn Ngọc Hoa nên chị Minh Ngọc xin share lại để ông xã đọc. Lý do: Hoa không có account trên FB.

Hóa ra Nguyễn Ngọc Hoa là bạn thời còn học trung học với tôi ở Ban Mê Thuột, tên thật của anh là Nguyễn Văn Hoa. Tôi đoán có lẽ vì “ưu ái” với người bạn đời nên anh mới lấy tên Nguyễn Ngọc Hoa (?).

Hồi đó, trong lớp tôi có 2 nhận vật khá nổi tiếng trong chuyện học hành: Nguyễn Khắc Vỵ (đã mất) và Nguyễn Văn Hoa. Vỵ nổi tiếng học giỏi vì tính chăm chỉ, siêng năng (thuộc loại “cù lần”) còn Hoa lại nổi tiếng là thông minh, lãng tử nên xem việc học… “nhẹ như lông hồng”!

Ở trong lớp, bài toán nào thầy ra đề Hoa chỉ cần đọc qua và nghĩ ngay đến lời giải trong đầu. Chỉ “nghĩ” thôi chứ không viết lời giải vì anh chàng còn nhiều việc khác để làm thay vì cặm cụi trên giấy.

Sau này mới biết “sự thật”: những bài toán thầy ra đều nằm trong sách toán của Pháp, mà “bửu bối” này Hoa cũng nghiên cứu kỹ.  Tác giả “thú nhận” trong một truyện ngắn:

“Tôi học bài và làm toán hầu như 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Khi chưa giải được bài toán, tôi ghi hay vẽ lại trên tờ giấy, xếp bỏ túi; rảnh rỗi mở ra xem, và nhiều khi cách giải hiện ra trong giấc ngủ. Buổi tối, để khỏi gây tiếng động phá giấc ngủ cả nhà, tôi mặc áo len và đội mũ trùm đầu ra ngoài ga-ra đứng học; ga-ra có mái mà không có vách. Nhiều đêm tôi vào ngồi trong xe Giép (Jeep, đọc theo tiếng Pháp) của cha nghỉ mệt và tránh gió rồi ngủ quên đến sáng”.

Tình cảm của anh học trò trường Quốc Học Huế chuyển về trường trung học BMT ra sao? Đây là câu trả lời của tác giả vốn được mệnh danh là anh học trò kiêu căng nhưng được bạn bè nể phục thêm cái “tài” ba hoa vì… “coi trời bằng vung”:

“Sau những biến cố chính trị sôi động ở Huế và Sài gòn khiến trường học tiếp tục đóng cửa nghỉ hè, trường Trung học BMT khai giảng năm học mới vào trung tuần tháng Mười Một. Mùa khô đã bắt đầu trên Cao nguyên; buổi chiều nắng lên cao, gió thổi bụi đất đỏ bay mù mịt che phủ bầu trời. Ban Mê Thuột, xuất phát từ tiếng Ra-đê có nghĩa là "bản (làng) của cha thằng Thuột," nhưng thời tiết Cao nguyên mưa bùn đỏ, nắng bụi hồng đã nảy ra thêm cái tên Bụi Mù Trời.

“… Sau năm học đầu tiên, được những người bạn mới yêu thương và mến phục, tôi cảm thấy gần gũi, gắn bó, và thân thiết với thành phố này lạ lùng. Với tôi, BMT trở thành Bé Mà Thương!”

(hết trích)

Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa I (gồm 24 truyện)

Bạn tôi chỉ học 2 năm ở BMT rồi về Sài Gòn tiếp tục học ở Bách khoa Phú Thọ, lấy bằng Kỹ sư rồi đi dạy kiếm sống trong suốt 10 năm, cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ. Ngày 30/4/1975 Hoa “bỏ nước ra đi”, đến Hoa Kỳ và hiện định cư tại North Dakota.

Xét về tuổi tác, Hoa nhỏ hơn tôi 1 tuổi nhưng cuộc đời anh thăng tiến không ngừng. Anh là giảng viên Vật lý và Kỹ thuật Điện tại đại học y khoa và kỹ thuật ở Sài Gòn, là đồng tác giả bộ sách giáo khoa "Giải tích Mạch điện" gồm 2 cuốn xuất bản năm 1974 và đầu năm 1975.

Sang đến Hoa Kỳ, anh học thêm về kinh tế tại University of North Dakota và sau đó làm chuyên viên kế hoạch cho một công ty tiện ích đến năm 2012 thì về hưu. Hoa còn phụ trách mục “Đố vui để học” và viết trên báo Lửa Việt xuất bản tại Toronto, Canada, từ năm 1980 đến 1993.

Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa II (gồm 24 truyện)

Chuyện thành công của Hoa trong cuộc đời không có gì để thắc mắc vì anh vốn thông minh nhưng chuyện Hoa viết văn (chính xác là viết truyện ngắn) là một điều khá thú vị khi tìm hiểu về anh. Nguyễn Ngọc Hoa giãi bày trong “Lời Tựa” tập truyện đầu tiên, “Cơn giận con, Nỗi đau mẹ”, như sau:

“Mục đích chính là kể chuyện nên những nhân vật trong truyện, kể cả nhân vật xưng “tôi”, đều được dựng nên và tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện muốn kể và có thể không hiện hữu ngoài đời. Mặc dù được sắp xếp theo thứ tự thời gian, mỗi truyện có tình tiết riêng và diễn tiến tương đối độc lập…”

Tác giả khẳng định một cách khiêm tốn, “chúng tôi viết để học hỏi và trau dồi tiếng Việt sau những năm sống xa quê hương”. Nguyễn Ngọc Hoa cũng cho biết anh rất “thận trọng” trong việc viết đúng chính tả, dùng dấu chấm câu thích hợp, lựa chọn từ ngữ chính xác, và nhất là tránh dùng những chữ mới xuất hiện sau năm 1975 ở quê nhà.

Có điều anh không nói ra, nhưng người đọc truyện của anh nhận ra ngay sắc thái của ngôn ngữ miền Trung, nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Chính xác là ở cố đô Huế. Chẳng hạn như đoạn văn sau:

“Để có người dẫn dắt và dạy kèm anh em tôi học, mẹ kêu em út của cậu Há là cậu Phu đến ở trong nhà. Cậu Phu hai mươi tuổi, học đệ nhị (lớp 11 bây giờ), người cao mà ốm, và dáng nghiêm nghị khiến chúng tôi nể sợ. Vai em của mẹ thì phải gọi bằng “cậu,” nhưng tôi nhất định gọi bằng “chú.” Anh Quang hỏi,

“Răng mẹ biểu mi không nghe? ‘Cậu’ mà kêu bằng ‘chú’ – lạ đời rứa?”
“Cậu chi mà cậu? Cậu mậu cường, cậu ăn cơm tháng cậu lường cậu đi à? ”
“Rứa còn ‘chú’ – nói thành ‘chú hú’ thì răng?” anh chơi chữ đối lại.

“Người ta nói sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì. Không phải mình đã ‘sẩy cha’ mà ‘cần chú’ hay răng?”

Tôi nói tào lao tứ đế (nói lăng nhăng không theo lý lẽ nào cả) ẩu tả như vậy mà anh lại nghe. Sau đó không phải chỉ một mình chú Phu mà các em họ của mẹ, ngoài cậu Há, đều thành “chú.”

(hết trích)

Anh Quang trong truyện chính là anh Vinh của Hoa ngoài đời mà tôi đã có vài lần gặp tại BMT. Với Hoa, anh Vinh còn “đáng phục” hơn anh Vượng trong “Người anh cả” của nhà văn Lê Văn Trương ngày xưa.

Trong truyện “Ngón tay cái nhỏ bé” (Tập truyện thứ 2 mang tên “Bùn đỏ bụi hồng”), Hoa mô tả anh Vinh là “người học giỏi nhất trường” vì anh thông minh, hiểu rộng và giỏi ứng biến. Phải cái tội anh nhỏ nhất lớp (loại bé hạt tiêu) nên được thầy giáo phong là “Le Petit Poucet”.

Lần đầu tiên nghe “danh hiệu” Ngón tay cái nhỏ bé, “Ba Hoa” (biệt danh của tác giả trong truyện) đã xảy ra đối thoại “rặc” Huế sau đây giữ 3 người:

“Anh học giỏi rứa mà có thèm cho ai biết mô.

“Chị nghe anh khen “Ba Hoa” hoài, nhưng chị nghĩ hai anh em học giỏi như nhau; mỗi người một vẻ,” chị Ngọc Liên khéo léo trả lời.

“Nói rứa là Liên chưa biết thằng Ba Hoa ni. Ngoài mặt ngó hắn ngu ngu rứa, mà ngó kỹ thì hắn… ngu thiệt – ngu hơn Albert Einstein!” anh cười lớn.

“Đừng cho tui đi máy bay giấy. Có mấy tiền để dành tui mua truyện hết rồi!” Cứ mỗi lần anh khen thì y như rằng anh sẽ gạ mượn tiền của thằng em nghèo mạt rệp.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Mi là thằng kẹo kéo số một trên đời…”

(hết trích)

Trong đối thoại trên có sự xuất hiện của chị Ngọc Liên, thật ra đó là Mùi, người bạn học cùng lớp với chúng tôi tại BMT. Mùi sau này đã phải lâm vào hoàn cảnh “quả phụ” khi Đại úy Vinh, cựu sinh viên sĩ quan Võ bị Quốc Gia khóa 20, tử trận khi dẫn đầu một toán Thám báo. Chúng ta được đọc một đoạn văn cảm động dưới đây trong “Bùn đỏ bụi hồng”:

“Tiễn đưa anh lần cuối vào một buổi sáng đầu thu lành lạnh của núi rừng Ban Mê Thuột, chị Ngọc Liên – chị dâu tôi – rũ người khóc sướt mướt trên vai tôi. Ra đi để lại ba đứa con thơ dại, anh mãi mãi là người hùng “Ngón tay cái nhỏ bé” của chị. Và suốt đời tôi.”

Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa III (gồm 24 truyện)


***

Viết về một tập truyện đã khó cho nên tôi không có tham vọng viết về 3 tập truyện của Nguyễn Ngọc Hoa. Bài viết này chỉ xoay quanh những chuyện có liên quan đến thuở học trò của chúng tôi tại BMT.

Tuy nhiên, một lần nữa cần phải nhắc lại: văn của Nguyễn Ngọc Hoa “rặc” ngôn ngữ Huế. Cũng vì thế, tôi chọn tựa đề cho bài viết này khi nói về Hoa: “Người giữ “hồn” ngôn ngữ Huế”.

Hẹn các bạn ở một dịp khác trong một bài viết khác về tác giả này.

Bìa sau tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Hoa

***

P/S: Các bạn có thể vào đọc những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa tại:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts