Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Con người có thể là… “Di sản Sài Gòn”?

Lang thang trên trang Facebook của nhóm “Đài Quan sát Di sản Sài Gòn - Saigon Heritage Observatory” tôi tình cờ gặp một status khá thú vị của Candy Nguyen, viết về Michael Burr. Bài viết ngắn có tựa đề “Michael Burr - American Veteran in Saigon”.

Michael đã ở Việt Nam từ 1969-1970. Theo lời Candy Nguyen, Michael là giảng viên Anh ngữ tại Trường Sinh ngữ Quân đội (Armed Forces Language School – AFLS) và được bổ nhiệm dạy trong Tổng Tham Mưu (Joint General Staff – JGS), đó là trụ sở chính của trường Sinh ngữ Quân đội.



“Michael Burr - American Veteran in Saigon”
(Hình FB Candy Nguyen)

Cũng vào năm 1969, tôi về AFLS từ Thủ Đức và được phái sang chi nhánh Nguyễn Văn Tráng (Q. 1) nơi có khóa sinh sĩ quan Không quân theo học. Đó là lý do “đồng nghiệp” nhưng chưa hề gặp nhau.


Trong bài viết này, Candy Nguyen có đăng 3 tấm ảnh: một tấm ảnh mới nhất của Michael chụp gần đây tại Sài Gòn, một tấm chụp lại “Bằng lái xe tự động” do Bộ Giao thông Vận tải VNCH cấp năm 1970 và một bức ảnh thứ ba đối với tôi là quan trọng hơn cả.


“Bằng lái xe tự động” của Michael Burr
(Hình FB Candy Nguyen)

Đó là tấm “Thẻ ra vào Trường Sinh ngữ Quân đội”, cấp cho “AMN” (Airman – lính không quân) Michael Burr. Thẻ do Trung Tá Huỳnh Vĩnh Lại, Chỉ huy trưởng trường Sinh ngữ Quân đội (KBC 3095) ký ngày 18/10/1969. Mặt sau của thẻ cũng xác định ngày hết hiệu lực là “Mars. 30. 1970” và cũng in thêm một số quy định cho người dùng thẻ mà các bạn có thể thấy trong hình.


Đối với tôi, người đã giảng dạy tại trường từ năm 1969 đến ngày Sài Gòn sụp đổ, thì đây là lần đầu tiên tôi được thấy loại thẻ này. Điều dễ hiểu vì những nhân viên cơ hữu không dùng thẻ này, mà chỉ những người ngoài quân số chính thức của trường mới được cấp thẻ để ra vào Tổng Tham Mưu.


“Thẻ ra vào” trường Sinh ngữ Quân đội
(Hình FB Candy Nguyen)


Đời có nhiều bất ngờ thú vị. Tôi tự hỏi: Con người (nhất là người ngoại quốc) có thể là… “Di sản Sài Gòn”?. Câu hỏi này Candy Nguyen cũng đã đặt ra trong bài viết. Tôi khẳng định là “Có”. Di sản Sài Gòn nằm đâu đó trong con người Michael Burr, nó cũng nằm trong ba tấm hình mà tôi vừa đề cập đến. Bạn có đồng ý không?


Hy vọng sẽ có một bài viết về Michael Burr. Tuy không rầm rộ như bộ phim tốn nhiều giấy mực và tranh cãi “The Vietnam War” nhưng Michael sẽ cho ta một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh toàn cảnh “jigsaw puzzle” của Sài Gòn ngày nào.


***

1 nhận xét:

Popular posts