Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Đọc “AQ Chính Truyện” của Lỗ Tấn

Tôi là người vốn có “thành kiến” với văn thơ xuất xứ từ Trung Hoa. Sự “dị ứng” đó chỉ nới hình thành những năm gần đây, khi ông bạn láng giềng với “4 tốt, 16 chữ vàng” xuất hiện tại biển Đông với “đường lưỡi bò” chực “liếm” hết vùng biển Việt Nam.

Trước đó, hồi còn thanh niên, tôi rất mê truyện Tầu của “Tín Đức Thư Xã” (Sài Gòn) và sau đó là chuyện chưởng của Kim Dung. Giờ trên tủ sách vẫn còn một số “pho” truyện “đình đám” như “Thủy Hử”, “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Tây Du Ký”… và ngay cả những thiên tình sử ướt át như “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài”, “Vạn Huê Lầu”, “Kim Bình Mai”, “Phàn Lê Huê”…

Sách của “Tín Đúc Thư xã” được đóng thành bộ

Những cuốn  sách vừa dẫn đều từ thời ông cụ, bà cụ để lại. Tôi chỉ đọc “ké” những sách được đóng bộ cẩn thận và chiếm một góc trong tủ sách gia đình. Mãi đến sau này, khi đã về hưu mới “tha” được cuốn “AQ Chính Truyện” của Lỗ Tấn (1881-1936) viết từ thời “tiền cách mạng” bên Trung Hoa.

“Đọc chơi cho biết” vì người ta nói nhiều về nhà văn Lỗ Tấn với “AQ Chính Truyện” được đăng trên "Thần Báo Phó San" ở Bắc Kinh lần đầu tiên trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 1921 đến tháng 2/1922.

“AQ Chính Truyện”, NXB Văn Học (2016)

“AQ Chính Truyện” thường được coi như một “kiệt tác” của văn học Trung Hoa thời cận đại và cũng được coi là tác phẩm đầu tiên viết bằng “bạch thoại văn”. Theo gốc gác của nhân vật AQ được nêu trong truyện thì “A” là cái tên mà ta thường gặp của người Hoa như A Lình, A Chảy…

Còn "Q" ở đây phải đọc là "ki" nhưng trên thực tế hiện nay hầu hết người Trung Quốc đọc theo cách phát âm của chữ cái "Q" trong tiếng Anh. Chữ “Q” có thể hiểu ngầm là Quẩy hay Quý, những cái tên phổ biến của người Tầu.

Trong tập truyện này, nhà văn Lỗ Tấn với vai trò của người thứ ba kể lại những chuyện có liên quan đến AQ, người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội Trung Hoa. AQ là một anh Tầu thuộc tầng lớp bần nông, ít học lại không có nghề nghiệp ổn định.

Tuy thế, qua ngòi bút của tác giả, AQ là một nhân vật vừa “đáng yêu” lại vừa “đáng ghét”. Người đọc thích AQ vì đó là đại diện của đa số người Trung Hoa (cũng như Việt Nam) với những cá tính và suy nghĩ nổi bật của giai cấp chiếm “đa số thầm lặng” trong xã hội thời đó.

Nhưng lại cũng ghét hắn ta vì thái độ phản kháng thẳng thừng đến độ quá khích đối với giai cấp trung lưu và quan quyền, giống với Chí Phèo của Nam Cao bên xứ Giao Chỉ. Giống đến nỗi nhiều nhà phê bình văn học (Tầu cũng như Ta) đưa ra nghi vấn không biết Nam Cao có bị ảnh hưởng bởi AQ của Lỗ Tấn hay không.

Chí Phèo là kẻ “sinh sau đẻ muộn” đến 20 năm sau khi AQ của Lỗ Tấn ra đời. Như vậy chỉ có thể là Nam Cao chịu ảnh hưởng của Lỗ Tấn chứ không có trường hợp ngược lại. Đáng tiếc là cả hai ông đều đã quy tiên nên những kẻ hậu sinh như chúng ta không thể “gọi hồn” để kiểm chứng. Hơn nữa, trong văn học, sự trùng hợp về cá tính của nhân vật trong các tác phẩm vẫn thường xảy ra.

Chí Phèo & Thị Nở của Nam Cao

Hai nhân vật chính của hai tác giả đều là những người cùng khổ: Chí Phèo là cùng đinh trong làng Vũ Đại còn AQ là bần nông trong làng Mùi. Cả hai đều không gốc tích, không quê quán, không gia đình chứ chưa nói gì đến việc học hành trong cái xã hội vốn trọng bằng cấp, lễ nghĩa. 

Cả hai đều là nạn nhân của xã hội “nửa phong kiến, nửa tân tiến”, họ là “sản phẩm kém chất lượng” để trở thành những con người lưu manh, cặn bã, bần tiện bên lề xã hội. Chí Phèo của Nam Cao là “khố rách, áo ôm” trong làng Vũ Đại còn AQ của Lỗ Tấn là kẻ “vô công, dồi nghề” của làng Mùi. Lỗ Tấn viết về AQ như sau:  

“Một là lão chủ quán rượu nhất định không bán chịu cho y nữa. Hai là, lão từ ở đền Thổ Cốc cũng nói lảm nhảm như muốn ngỏ ý thúc giục y dọn đi chỗ khác. Ba là, không nhớ rõ bao nhiêu ngày trời rồi, nhưng đã khá lâu, không hề có người nào gọi y đi làm vặt nữa! Cửa hàng rượu không bán chịu thì nhịn đi cũng xong, lão từ muốn đuổi thì lần lữa còn có thể được, chỉ có điều không ai gọi đi làm thì chết đói. Đến thế này thì thật là "mẹ kiếp"!

Chân dung Lỗ Tấn (chụp năm 1934)

Trung Hoa vào thời đó xảy ra cuộc “Cách mạng Tân Hợi” (1911), đó là cuộc “cách mạng dân chủ tư sản nửa vời”, có nghĩa là không cải cách được cái mạng sống của người dân nghèo mà trái lại, còn đẩy họ vào cảnh lầm than phục vụ giới tư bản thống trị.

Khác với Chí Phèo chuyên “ăn vạ”, anh chàng AQ của Lỗ Tấn có những suy nghĩ riêng, hoàn toàn “không giống ai” về cuộc cách mạng. Lỗ Tấn kể lại:

“Xưa kia, AQ đã mấy lần nghe người ta nói đến cách mạng. Năm nay, y lại đã thấy chém bọn Cách mạng độ vừa rồi. Nhưng trong óc y đã có sẵn một ý kiến chẳng biết nguồn gốc từ đâu cho rằng: làm cách mạng tức là làm giặc; làm giặc tức là báo hại y. Vì vậy nên xưa nay, y vẫn ghét cay ghét đắng bọn Cách mạng. Ngờ đâu, chính bọn đó đã làm cho cụ Cử danh giá khắp vùng như thế kia mà cũng phải sợ, thì y cũng đã hơi lấy làm "lác mắt". Huống nữa là y lại thấy lũ đàn ông đàn bà khốn nạn ở làng Mùi cuống quít lên như vậy, thì y càng khoái chí. Y nghĩ bụng: "Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng lũ chúng nó đi! Ghét quá đi mất! Giận quá đi mất! ... Tớ, tớ cũng sẽ đi đầu hàng cách mạng."

AQ lúc đó chỉ còn “trên răng, dưới dế”, có nghĩa là “vô sản chuyên chính” nên một buổi trưa hôm đó sau khi nốc hai bát rượu hắn thấy lòng “phơi phới nhiệt tình cách mạng”.  Lỗ Tấn viết:

“Rồi chả biết thế quái nào mà bỗng y đã tưởng tượng ngay rằng y là người cách mạng, và cả bọn dân làng Mùi đã thành "tù binh" của y cả rồi! Trong lúc đắc ý, bất giác y hét to lên mấy tiếng: ‘Làm giặc nào! Làm giặc nào!”

Dân làng Mùi bấy giờ đều nhìn AQ bằng cặp mắt sợ hãi vô cùng. Đó là điều đáng chú ý vì dân làng xưa nay vẫn thường coi y không ra gì. Thành ra y thích chí vô hạn, chẳng khác gì nắng tháng sáu mà được uống nước đá vậy! Y càng hớn hở rảo bước và nói to: 

“Hay lắm! Tớ muốn gì sẽ được nấy! Tớ ưa ai là người ấy được nhờ!”

Cụ Cố quay hẳn một góc 180 độ. Cụ gọi AQ bằng “bác” một cách đầy kính trọng pha lẫn sợ sệt. Cụ lên tiếng xã giao: “Bác Q này… Dạo này phát tài chứ?” AQ thản nhiên: “Vâng, Phát tài hẳn chứ lỵ”. Cụ cố rụt rè lên tiếng: “À… Bác Q này… Bọn mình là bạn nghèo với nhau cả…”. AQ cắt ngang: “Bạn nghèo à? Anh lại không phong lưu bằng mấy tôi ấy à?”. Nói rồi AQ lạnh lùng bỏ đi.

Cách mạng ở Trung Hoa ngày đó là thế đấy. Chả trách gì nhà nước Trung Quốc bây giờ loại bỏ nhiều tác phẩm của Lỗ Tấn khỏi sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông. Họ cho rằng, “không còn hợp thời nữa”.

Minh họa của Feng Zik trong “AQ Chính Truyện”,
mô tả cảnh hai người Tầu nắm đuôi sam của nhau

Nhà văn Lỗ Tấn cũng bị ảnh hưởng bởi văn chương của Nga, cũng tựa như người Trung Quốc cho rằng truyện Chí Phèo của ta chịu ảnh hưởng của Lỗ Tấn. Ông đã từng nói:

“Văn học Nga là người dẫn đường và là người bạn của tôi. Từ văn học Nga, tôi có thể thấy ngọn lửa nhân đạo của những người bị áp bức… và cuộc đấu tranh của họ. Đọc văn học Nga có thể tôi sẽ buồn, nhưng nhen nhóm tia hy vọng…”

Cụ thể nhất là ảnh hưởng của nhà văn người Nga, Nikolai Vasilyevich Gogol (1809-1852).  Năm 1834 Gogol viết “Nhật Ký Người Điên” và năm 1918 Lỗ Tấn có một truyện ngắn mang cùng tên và đây cũng là tác phẩm đầu tay của ông.  Theo Lỗ Tấn, khi viết truyện này, ông đặt ra mục tiêu là phơi bày những tội ác của chế độ gia đình và học thuyết về chữ Lễ.

Trong “Nhật Ký Người Điên”, Lỗ Tấn bàn về căn bệnh “Bách Hại Cuồng”. Đó là một bệnh mà người mắc phải lúc nào cũng thấy người xung quanh luôn có ý hại mình. Tác giả viết:

“Lúc sáng bước chân ra cửa, đã hết sức cẩn thận, thế mà ông Triệu lại nhìn mình bằng con mắt quái gở, hình như sợ mình mà cũng hình như muốn hại mình. Còn có bảy tám người nữa chụm đầu thì thầm với nhau về mình, lại sợ mình thấy. Những người gặp trên đường cũng đều như thế cả. Có một người dữ tợn nhất, há hốc miệng, nhìn mình, cười một cái, làm mình lạnh toát từ đầu đến chân. Cho biết họ đã sắp đặt đâu vào đó cả rồi!”

Người điên thậm chí còn nhìn thầy lang chữa bệnh cho mình bằng một con mắt “khác thường”. Hắn ghi lại trong nhật ký:

“Há mình lại không biết lão già này chỉ là một tay giết người trá hình hay sao? Rõ ràng lấy cớ đến bắt mạch để dò xem béo hay gầy. Vời cái công đó, lão ta sẽ được chia một phần mà ăn. Mình cũng chẳng sợ. Tuy không hề ăn thịt người, nhưng mình còn can đảm hơn họ nhiều.

“Cứ đưa tay ra, xem lão ta giở trò gì. Lão ta ngồi xuống, nhắm mắt, sờ sờ mó mó một lúc, lại ngồi thừ ra một lúc rồi giương tròn đôi mắt quỷ sứ, nói: ‘Không nên nghĩ vơ vẩn. Tĩnh dưỡng mấy ngày là khỏi’.

“Tĩnh dưỡng cho béo, tự nhiên họ sẽ được nhiều thịt mà ăn. Mình thì được cái gì? Làm thế nào “khỏi” được? Bọn họ muốn ăn thịt người, nhưng lại cứ lấm la lấm lét, muốn che dấu đi, không dám đường hoàng mà ra tay, làm mình chết cười đi được. Không nhịn nổi, mình cười phá lên, thích thú quá. Riêng mình, mình biết tiếng cười của mình là dũng cảm, nghĩa khí. Lão già và ông anh mặt cứ tái đi, bị cái dũng cảm, cái nghĩa khí của mình áp đảo”.

(hết trích)

Triết lý “Bách Hại Cuồng” của người điên chỉ cần tóm tắt vài dòng như sau:

“Muốn ăn thịt người khác, nhưng lại sợ người khác ăn thịt nên họ giữ miếng nhau, nhìn nhau ngờ vực. Bỏ được tâm địa ấy đi mà yên trí làm việc, đi đứng, ăn ngủ khoan khoái biết chừng nào… Nhưng bọn họ, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn, thầy trò, thù địch, và cả những người không hề quen biết nhau nữa đều cùng một bè với nhau, khuyến khích nhau, lôi kéo nhau, dù chết cũng không chịu bước qua bước đó”.

Người Hoa trước cuộc Cách mạng Tân Hợi

Tóm lại, AQ là hiện thân của cả hai: “tính” cũng như “tật” xấu của người Trung Quốc. AQ có nhiều lý luận đến độ "điên khùng". AQ hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng “mình có tinh thần cao cả so với những kẻ áp bức mình” ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng. 

Qua ngòi bút của mình, Lỗ Tấn đã cho thấy những sai lầm của AQ đi theo con đường “cách mạng nửa vời”. Đó cũng là sai lầm của cả dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ và có lẽ cả thời bây giờ.

Kết thúc tác phẩm “AQ Chính Truyện” là hình ảnh AQ bị đưa ra pháp trường xử bắn  vì bị vu oan “cướp nhà Cụ Triệu”. Con người chân chất của AQ, một người làm “cách mạng” nhưng không thể “cách được cái mạng của mình” thật sâu sắc nhưng cũng thật khôi hài!


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts