Tôi còn nhớ mãi thời gian cải tạo tại Trảng Lớn (Tây Ninh) có một
bạn tù với “trí nhớ phi thường” đã kể lại truyện “vượt ngục” của Papillon.
Papillon (gọi tắt là Papi) trong tiếng Pháp là “Bươm Bướm” vì Papi có sâm trên
ngực một chú bướm, trông thật… đa tình. Đó là biệt danh của Henri Charrière,
tác giả cuốn tự truyện “Papillon – Người
tù khổ sai”.
Papillon và hình xăm bươm bướm
trên ngực
Từ ngữ “vượt ngục” đã có từ lâu nhưng sau 1975 được thay thế bằng
“trốn trại”, một từ hoàn toàn mới. Cũng tại Trảng Lớn có câu chuyện “trốn trại”
của Ngô Nghĩa, một sĩ quan pháo binh. Anh đã “đơn thương độc mã” trốn trại
nhưng bất thành. Kết quả là nhận bản án tử hình bằng một loạt đạn AK trước sự chứng
kiến của những đại diện bạn tù đến từ các đội.
Sau
này, trong “Hồi ức một đời người”,
tôi có viết một truyện ngắn mang tính cách “hư cấu” nhưng dựa vào chuyện có thật
của Ngô Nghĩa. Truyện “Năm tháng khó
quên” lấy bối cảnh là những sinh hoạt tại trại cải tạo Trảng Lớn và dĩ
nhiên, nhân vật chính là Ngô Nghĩa ngoài đời và mang tên Phong, Biệt kích 81,
trong chuyện. (Xem truyện tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/08/nam-thang-kho-quen.html)
“Trốn trại” hay “vượt ngục” chỉ khác nhau ở cách sử dụng từ ngữ
theo từng thời kỳ nhưng tựu chung vẫn mang ý nghĩa của một người tìm cách thay
đổi số phận của “người tù” để trở
thành “người bình thường” trong xã hội.
Papillon, là người tù khổ sai nhưng quan trọng hơn cả, anh là “nạn
nhân” của một oan sai và quyết tìm tự do sau 9 lần vượt ngục. Con số 9 thật nhiều
ấn tượng, cho thấy lòng khao khát tự do của một người đã bị đẩy ra bên lề của
xã hội.
Tài tử Steve McQueen trong vai
Papillon
Henri Charrière (1906 – 1973) viết tự truyện (hay còn gọi là hồi
ký) dài 45 Chương về thời gian ông bị bỏ tù trên một nhà tù thuộc địa tại
Guiana thuộc Pháp. Ông là một nhà văn “bất đắc dĩ” vì khi viết Papillon ông chỉ
kể lại và nhờ bạn bè đánh máy. Sau đó ông gửi 13 tập bản thảo cho nhà văn J. P. Castelnau với hy vọng Castelnau viết lại
để có thể xuất bản.
Sau khi đọc, Castelnau chỉ sửa những lỗi chính tả và giữ nguyên bản
thảo để xuất bản. Điều đó cho thấy sự mộc mạc và chân thật của Henri Charrière trong
truyện đã hấp dẫn người đọc. Đây cũng là một trường hợp ngoại lệ trong văn học:
từ một tên tù vượt ngục Charrière đã trờ thành nhà văn được mọi người ưa thích.
Papillon bị “chung thân khổ sai” trong một vụ mà tòa án khẳng định
anh đã giết tên “ma cô” tên Roland le Petit, một tên dắt gái của giới ăn chơi
Montmartre. Đó là theo điều tra của cảnh sát, mà “bọn cớm” cứ mỗi lần tìm được
thủ phạm là một lần lên lon. Tại Paris, ngày 26/10/1931, tòa kết thúc vụ án được
Charrière mô tả như một cái tát:
“Cái
tát mạnh đến nỗi mãi mười ba năm sau tôi mới gượng dậy được. Quả nhiên đó không
phải là một cái bợp tai bình thường, và để giáng nó vào mặt tôi, họ đã xúm lại
khá đông”.
Họ là ai? Đó là viên chánh án, có đôi má phính với vẻ mặt khắc
nghiệt của một quan tòa chuyên nghiệp. Ông ta không có phần trách nhiệm nào
trong “cái tát”, việc của ông chỉ đơn giản là chuẩn bị dọn sẵn để bị cáo.. “ăn
tát”!
Đó là công tố viên mà các luật sư bào chữa rất sợ. Papillon nhận
xét: “Ông ta nổi tiếng là người cung cấp
đắc lực nhất cho máy chém và cho các nhà lao trong nước cũng như hải ngoại… Ông
đại diện cho pháp luật, cho cán cân công lý, chính ông cầm cái cân ấy và ông sẽ
đem hết sức mình ra để làm cho nó nghiêng về phía ông”.
Đó là bồi thẩm đoàn 12 người thật thảm hại đáng thương hơn là đáng
ghét. Họ có được đào tạo, huấn luyện gì đâu để mà làm quan tòa? Thật đúng là
trò hề lố bịch của một bầy lũ chỉ biết tiến thân, tiến lên thêm thật nhiều bậc
trên cái thang chức nghiệp đáng ghê tởm của chúng.
Cảnh chém đầu phạm nhân tại trại tù
Xã hội Pháp thời thập niên 30 đã loại bỏ vĩnh viễn Papillon, một
thanh niên hai mươi lăm tuổi và tuyệt nhiên chẳng một chút hy vọng giảm án! Món
ăn sang trọng này đã được những người nhân danh công lý “nấu nướng” một cách
bài bản.
Papi không căm thù xã hội mà chỉ tâm huyết trả thù những người đã
đưa anh vào một cuộc đời “trôi sông lạc chợ”. “Phải cắt lưỡi chúng. Cái lưỡi không xương nên… nhiều đường lắt léo. Phải
giam chúng, bỏ đói chúng trong hầm của một tòa lâu đài như Alexandre Dumas đã
làm trong truyện Bá tước Monte-Christo”.
Papillon nghĩ:
“Bộ
máy trừng phạt do nền Cộng hòa Pháp sáng chế ra đã hoạt động một cách tuyệt diệu.
Ở giai đoạn thứ nhất, người nào có thể gây phiền phức cho nó thì nó tiêu diệt
đi. Nhưng như thế chưa đủ. Không thể để cho người ấy chết quá nhanh, cũng không
thể để cho người ấy thoát thân bằng cách tự tử. Người ấy rất cần cho bộ máy. Cục
Quản lý các cơ quan cải huấn còn có việc gì mà làm nếu không có tù nhân? Lúc bấy
giờ thì thật là đẹp mặt, cho nên phải giám sát nó. Phải đưa nó đi làm khổ sai:
nhiều công chức của nhà nước sẽ nhờ nó mà có kế sinh nhai”.
Tù nhân trần truồng tập trung tại
nhà lao Conciergerie trước khi lên đường
ra Đảo Guiana
Bước đầu tiên là nhà lao Conciergerie nơi mà quản tù nhân hậu hỏi
anh: “Chúng nó xử anh mấy năm?”, “Chung
thân”, “Chà, cái quân đểu cáng! Chúng nó điên hết rồi hay sao?”. “Cám ơn sếp. Ông cứ yên chí, tôi sẽ có đủ
can đảm, và tôi hy vọng rằng họ sẽ không nuốt trôi được cái án chung thân này
đâu”.
Tại đây, anh kết thân với Louis Dega, một tù nhân người Marseille
và cũng là tay làm bạc giả khét tiếng. Bài học đầu tiên trong tù của Papillon
là qua đường dây của Dega ngoài đời Papi nhận được một số tiền 5.600 francs của
vợ chuyển “lậu” vào. Thật ly kỳ và có phần “hư cấu” vì tiền được để trong một cái
ống bằng nhôm, mài nhẵn thín, có thể tháo ra bằng cách vặn ở giữa. Nửa này xoắn
ốc vào nửa kia.
“Khi
nhận được nó, tôi đưa lên môi hôn cái ống dài sáu phân, to bằng ngón tay cái
này; vâng, tôi đã hôn nó trước khi nhét vào hậu môn. Tôi thở thật mạnh để hút
nó vào sâu trong đại tràng. Nó là cái tủ két của tôi”.
Cách dấu tiền trong hậu môn của tù
Tháng 11/1933, Charrière đã trốn thoát từ trạm xá tại Saint
Laurent cùng hai bạn tù, Clousiot và Maturette, bơi thuyền dọc theo bờ biển qua
Trinidad và Curaçao tới Riohacha, Colombia. Dọc đường họ được một nhóm người hủi,
cũng là những tù nhân, trên Đảo Pigeon, giúp đỡ. Trong thời gian này, ba kẻ tù
trốn trại khác gia nhập cùng với họ trong chuyến đi tới Colombia.
Nhà tù Saint Laurant
Thời tiết xấu khiến họ không thể rời bờ biển Colombia và đã bị bắt
lại và tống vào tù tiếp! Papillon tìm cách bỏ trốn với sự giúp đỡ của một người
tù già. Papi lập tức quay về vùng Guajira, tại đây anh sống nhiều tháng trong một
ngôi làng của những người bản xứ làm nghề mò ngọc trai.
Papi kết thân với một phụ nữ trẻ và em gái của cô ta, cả hai sau này
đều trở thành vợ của anh và đều có con với anh. Chính ở đây anh đã sống nhiều
tháng sung sướng qua… "hình thức
thanh khiết nhất của tình yêu và của sự tuyệt mỹ.". Tuy nhiên, anh vẫn
tiếp tục bước đường vượt ngục.
Một lần nữa, Papi bị bắt và bị nhốt tại Santa Marta, và sau đó
chuyển sang Barranquilla. Dù đã nhiều lần gắng vượt ngục với một vết thương nơi
mu bàn chân Papi vẫn không thể thoát khỏi các nhà tù và bị đưa trả về Guiana
thuộc Pháp năm 1934.
Papi bị kết án hai năm biệt giam, hình phạt được tù nhân gọi bằng
tên "Kẻ nuốt tù nhân", tại
St. Joseph trên đào “Salut” hay Đảo Cứu Rỗi (Salvation Islands) vì tội vượt ngục.
Mãn hạn “biệt giam”, Papi được đưa về đảo Royale....
Papi còn bị kết án tám năm biệt giam nữa sau một âm mưu vượt ngục
và tội giết một bạn tù vì người này đã ngầm báo âm mưu của anh. Tuy nhiên, anh
được thả ra chỉ chín tháng sau đó, sau khi liều mình cứu một bé gái đang sắp chết
đuối khỏi vùng biển có cá mập.
Sau đó, Papi giả điên trong một nỗ lực trốn khỏi bệnh viện tâm thần
trên đảo. Đây là thời điểm lý tưởng để bỏ trốn khỏi bệnh viện tâm thần bởi sau
khi Thế chiến II bắt đầu, hình phạt cho những người tù bỏ trốn đã được nâng lên
thành tử hình với án phản bội. Nhưng một người điên được coi là người không kiểm
soát được các hành vi của mình, vì thế sẽ không thể bị trừng phạt vì bất kỳ điều
gì - kể cả việc vượt ngục.
Dega (trái)
và Papillon (phải)
Papi trở về đảo Royale và một thời gian sau anh xin chuyển đến Đảo
Quỷ (Devil's Island). Sau một thời gian sống ở đây, Charrière quen với Chang, một
tù chính trị người Hoa, anh đã nghiên cứu về các cơn sóng thủy triều và nhận ra
mỗi ngày đều có một cơn sóng đủ lớn để có thể đưa anh ra xa đảo và về đất liền.
Sau nhiều lần thử nghiệm với các bao tải chứa dừa, anh đã vượt ngục
chung với 1 bạn tù tên Sylvain, cả hai đều dùng những bao tải chứa dừa như một
cái phao và cưỡi trên sóng để ra ngoài đại dương. Sau nhiều ngày trên biển, cả
hai cập vào bờ nhưng Sylvain bị chìm trong cát lún và chết.
Trên đất liền, Papi gặp Cuic Cuic anh trai của Chang, họ cùng nhau
đi đến Georgetown, British Guiana, bằng thuyền. Sau một thời gian ngắn sống ở
đây, Charrière đã đi đến Venezuela với 5 tù nhân khác. Họ bị bắt và tạm giam ở
một trại tù gần El Dorado. Sau đó một thời gian, Charrière được thả ra. Cuối
cùng Papillon được nhập quốc tịch Venezuela. Anh đã trở thành… “người tự do”.
Cảnh lao động khổ sai của tù nhân
Cuốn sách “Papillon – Người
tù khổ sai” trở thành “bestseller” năm
1970. Charrière, đã ghi lại chi tiết các vụ vượt ngục, những âm mưu vượt ngục,
những chuyến ra đi… ngoại trừ có một vài sai sót nhỏ do trí nhớ. Charrière
khẳng định tất cả đều là sự thực.
Một số nhà nghiên cứu tin rằng Charrière đã lấy phần lớn tư liệu
cho cuốn sách từ các bạn tù khác, và coi tác phẩm này mang nhiều tính tưởng tượng
hơn là một cuốn hồi ký chân thực.
Năm 2005, một người ở Paris khi ấy đã 104 tuổi, tên là Charles
Brunier, tuyên bố rằng mình mới là Papillon đích thực. Mốt số các nhà phê bình
hiện đại có xu hướng đồng ý rằng câu chuyện của Charrière “có các sự kiện xảy ra với những người khác”, và rằng “Brunier quả thực ở tù cùng thời gian với
Papillon”.
Chuyện hư thực ra sao về Papillon cho đến nay vẫn chưa đi đến kết
luận cuối cùng. Có điều chắc chắn là sẽ chẳng bao giờ có được kết luận vì Charrière
cũng như Papillon hay Brunier đã chết. Tuy nhiên, họ đã để lại cho chúng ta, những
kẻ hậu sinh, một bài học quý giá của những người đi tìm lại “tự do”, mà xã hội
đã cướp mất.
Papillon ăn uống trong xiềng xích
Tôi lại nghĩ, Ngô Nghĩa ở Trảng Lớn cũng như Papillon ở Pháp chính
là những nhân chứng sống (dù họ đã chết). Họ vẫn sống trong lòng của những người
tù đã mất hết tự do nhưng vẫn quyết đi tìm nó… cho đến hơi thở cuối cùng.
***
* Hình ảnh trong bài viết này được trích từ phim “Papillon” của Warner
Bros. Pictures.
* Xem phim “Papillon”, với các tài tử Steve McQueen và Dustin
Hoffman tại:
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét