Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Bùi Giáng và tập thơ đầu tay Mưa Nguồn

Trong suốt cuộc đời nhiều biến động của mình, Bùi Giáng (1926-1998) có khoảng 55 tác phẩm đã in, bao gồm những sáng tác thơ văn, nghiên cứu triết học, phê bình văn học và dịch thuật văn thơ… trong đó tác phẩm đầu tay nổi tiếng nhất của ông là tập thơ Mưa Nguồn.

Tập thơ do Sơ Khai xuất bản lần đầu năm 1963 tại Sài Gòn, tái bản năm 1994 (tác giả có sửa chữa những lỗi ấn loát) và in lần thứ 8 tại Việt Nam sau 1975. Ngay đầu trang thơ, người đọc ngỡ ngàng với một dòng đề tặng thật khó hiểu:

“MƯA NGUỒN tặng ba người con gái chiêm bao ở bờ cỏ Phi Châu”!


Bùi Giáng, Mưa Nguồn - Tác phẩm tưởng niệm 25 năm ngày mất (1998-2023)

Mưa Nguồn gồm 140 bài thơ trong đó có nhiều bài được sáng tác trước năm 1963, khi Bùi Giáng còn là một thanh niên rất trẻ. Sách dày 210 trang, chủ yếu là những bài thơ viết theo thể lục bát, thể thơ chính ông làm trong suốt cuộc đời của một thi sĩ lấy cảm hứng rút ra từ cuộc đời thăng trầm, “nửa điên nửa tỉnh”.

Nhà phê bình văn học Thụy Khê đã đưa ra nhận xét: "Cái hay của Bùi Giáng trong thơ, tức là ông đã đưa ra một hình thức thơ lục bát rất mới, nó không còn là ca dao nữa mà nó đi vào cái tiến trình triết học hiện sinh."

Nhà văn Mai Thảo thậm chí còn “đi xa hơn nữa”, ông ví Bùi Giáng “ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ… chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ”!

Các tác phẩm chính của ông có thể kể đến: Mưa nguồn (1962), Lá hoa cồn (1963), Màu hoa trên ngàn (1963), Ngàn thu rớt hột (1963), Bài ca quần đảo (1963), Sa mạc trường ca (1963), Sa mạc phát tiết (1969), Mùi hương xuân sắc (1987), Rong rêu (1995), Đêm ngắm trăng (1997).

Tiếp sau đó lại còn các tập xuất bản sau khi Bùi Giáng qua đời năm 1998 tại Sài Gòn như Mười hai con mắt (2001), Thơ vô tận vui (2005), Mùa màng tháng tư (2007).rải qua hai phần ba thế kỉ (1926 - 1998), Bùi Giáng đã sống vào giai đoạn sóng gió của lịch sử xã hội miền Nam. Ông hấp thụ tất cả những điều ấy bằng một tinh thần riêng không giống với logic bình thường như ta thường thấy.


Bìa sau tác phâm Mưa Nguồn với thủ bút của Bùi Giáng


Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến những bài thơ trong tập Mưa Nguồn với lối làm thơ của ông rất lạ lùng. Ngay bài thơ đầu tiên “Cỏ Hoa Hồn Du Mục” người đọc không khỏi ngạc nhiên với những câu:


“Nghe trời đổ lộn nguyên khê

Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh

Gót chân khơi rộng bóng cành

Nhịp vang đầu núi vọng thành lũy xiêu

 

“Thời gian chắc bước bên chiều

Khóc sông bến lạ mưa chiều sớm xuân

Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng

Hồn du mục cũ xa gần hử em…

 

Người yêu thơ đọc thơ Bùi Giáng cảm thấy hình như thơ là bầu khí quyển bao bọc con người ông giữa một không gian huyền bí:

 

“Thưa rằng li biệt mai sau

Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân”

(Mưa nguồn)

 

Lối dùng chữ của Bùi Giáng rất lạ lẫm, phải nói là ít khi gặp trong thơ như trong bài “Những Nhành Mai”:

 

“Những nhành mai sớm sương bên lá

Những nhành liễu chiều gió bên cây

Cũng lay lắt bởi đời xuân em ạ

Thế nên chi anh cũng viết giòng này…”

 

Với “Gió Bão Tây Nam” người đọc lại càng khó hiểu với ý của tác giả cộng với những ngôn từ… lập dị:

 

“Giọng người đổ xuống bến xanh

Đời vui đón hội sao đành sớm tan

Bước chùng gió bão Tây Nam

Rừng sâu giếng cạn bóng hoang liêu thành

 

“Hãi hùng bi kịch đồi tranh

Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù

Thân người nát ở phía sau

Ngàn năm mắt khép khổ đau khôn hàn”.


Bùi Giáng (1926-1998)

 

Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ Miền Trung, máu giang hồ đã đưa đẩy ông xuống Miền Nam. Bài thơ “Thưa Em Sài Gòn” nói lên tâm trạng của một chàng trai trước một cô gái phố thị:

 

“Phố hôm nay phủ xiêm người

Em về đây đủ môi cười bên răng

Ngày vui xê xích hai hàng

Tháng so le đếm bờ ngăn bên rào

 

“Con nai bốn vó băng ngàn

Gặp em thì cũng chạy quàng quanh em

Ta về mở mắt nhìn xem

Trăng mờ em vẫn là em Thu đầu”.

 

Bài thơ “Xuân Bình Dương” là một kỷ niệm đẹp:

 

“Xin lời mở rộng con mương

Xin chiều bến đỗ Bình Dương bây giờ

Những bàn chân bước đơn sơ

Những bàn tay những mùa thu trong mình”

 

Hay “Giã Từ Đà Lạt”, xứ sở sương mù với ngàn thông đồi núi:

 

“… Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà

Và giữ lại chuyện đời ta đi mất

Bước khúc khuỷu truông ngàn khe khóc lóc

Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi…”

 

Với bài thơ “Miền Nam” ông đã xuống tận vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú năm 1961, đến mũi Cà Mau tận cùng đất nước:

 

“Ta đi tìm bóng mơ hồ

Phố khuya Nam Việt bên bờ Cửu Long

Mùa thơ trắng mộng thu phong

Về phơi trải ngọn nguồn trong trăng mờ

Miệt mài Mỹ Tho Cần Thơ

Cồn sương Rạch Giá đợi giờ nguyên tiêu

Mõm Cà Mau ruộng Bạc Liêu

Sóng trùng khơi vọng hoang liêu lên trời

Ngậm ngùi đàn lệ buông rơi

Xô màu kỷ niệm lại đời lang thang

Đường xe nô nức một giờ

Bỏ quên phố thị trên bờ Tiền Giang

Hàng cây cỏ lá thôn làng

Duỗi song song với con đàng ven sông

Long Xuyên sóng nước xô hồng

Bình nguyên Lục Tỉnh như lòng nhớ nhung

Mấy trăm cây số hẹn cùng

Tuổi thơ ngây mộng mông lung bao giờ

Thanh bình chợt tỉnh giấc mơ

Hà Tiên Châu Đốc bây giờ lụt trôi”

 

Một loạt các địa danh quen thuộc Miền Tây được Bùi Giáng nhắc tới trong bài “Chào Thu Lục Tỉnh”

 

“… Thu đô thị đã mây lần lừa phỉnh

Em cùng ta về Lục Tỉnh nghe không

Để nhớ lại lần xưa em đã định

Cùng ta đi ngó cỏ nội hoa hồng

 

“Đây Mỹ Tho Cần Thơ Châu Đốc

Long xuyên ơi và Sa Đéc em ơi

Trời kỷ niệm đi về trong đáy mắt

Thổi dư vang từ dĩ vãng xa vời…”

 

Đến một lúc nào đó nhà thơ bỗng “Không Nói Nữa”:

 

“Không nói nữa Sài gòn hay Chợ lớn

Tuần Sóc Trăng thổi rộng gió Biên Hoà

Không nói nữa hồn Cửu Long máu rớm

Nước một mùa là sóng đục phôi pha”

 

Qua những câu thơ bát cú, người ta còn thấy trong thơ ông phảng phất những địa danh của vùng đồng bằng sông nước như trong bài “Mùa Xuân”:

 

“… Nằm xuống cỏ nghe tràn lan nước gội

Chảy vòng quanh Thu Lục Tỉnh bao la

Cồn Sa Đéc Sóc Trăng sương vòi või

Gió lên bờ kim hải sóng xanh xa…”

 

Những vần thơ tứ tuyệt cũng được Bùi Giáng giới thiệu trong tập thơ “Mưa Nguồn” qua bài “Lá Thổi Như Bay”:

 

“Lá thổi như bay

Bên nguồn thơ dại

Em giữ trang này

Một mai nhìn lại

Kiến bé một con

Bò trên cỏ dại

Cát bên xuân còn

Dấu chân in mãi…”

 

Bùi Giáng trên lề đường Sài Gòn


Rồi bước sang… ngũ ngôn, lối thơ sở trường của Vũ Đình Liên trong bài “Ông Đồ”: “Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực Tàu, giấy đỏ / Bên phố đông người qua”. Thơ năm chữ của Bùi Giáng cũng mang một tâm sự như trong bài “Mơ Về Phương Ấy”:

 

“Em chết bên bờ lúa

Em chết dưới triều xanh

Giòng sông kia ấy của

Mộng ước vỡ tan tành

 

“Ở bên đường ngồi lại

Những người đếm tóc nhau

Kỷ niệm về kinh hãi

Màu mắt thuở xa nào…”

 

Khi thơ xuất hiện trào lưu “thơ tự do”, phản ánh những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, như trong bài “Nga” của Nguyên Sa: “Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm / Như con mèo ngái ngủ trên tay anh / Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình / Ðể anh giận sao chả là nước biển / Tại sao Nga ơi, tại sao...”

Bùi Giáng cũng góp mặt bằng một vài bài “thơ tự do”, một trong số đó là “Lời Hàn Mặc Tử” nhưng có điều vì quá “tự do” nên đa số người đọc cảm thấy… bí ẩn:

 

“Tại sao em vì sao em nói thế. Tại sao em vì sao em nghĩ thế. Bữa hôm em đi về bên đó ở lại bên này non biên khóc bên chim.

“Xương da khô héo hao mòn như nhánh cây mùa xuân vội gãy. Anh đưa mười ngón tay em ngó sau này em về sẽ thấy xương rớt đi đâu. Em sẽ bảo. Em sẽ gục đầu không nói.

“Nước mát tràn suốt năm canh. Em ngó ra sau này sẽ thấy nhận ra rằng trông thật giống như xương người nào em biết bữa nọ về kia chưa sống qua thời gió chìm ngang ngửa đã vội ngừa than thở nỗi đời em biết bịnh tật cắn xương như rắn rúc bịnh lao phổi bịnh cùi bịnh thương hàn bịnh cúm bịnh sốt rét kinh niên. Bịnh triền miên như mây trên trời thướt tha quấn.

“Ngày nào em trở lại bàn chân bước trên phố này phố nọ phố kia bàn chân nhón gót nhịp nhàng bước theo đi. Anh ngó nhìn như ngó cái màu hương của đời xuân xanh đi biền biệt mất xa rồi đâu nữa Duy Xuyên Vĩnh Trinh An Lâm Cù Bàn Lệ Trạch. Em Huệ em khâm em Hà em Bé ôi em Em Nàng Thương thương em gây tội lỗi cho những đời cô độc dày vò như em không về nữa Anh tạ ơn trời đất đã sinh ra anh manh thương tiếc ngồi khóc nhớ em đêm hôm nay ngẩng đầu trăng sáng gục đầu trăng cũng sáng như sương bay mù không gian dắt tay em về anh ngó qua một chút”.


Bùi Giáng và nhà thơ Lê Minh Quốc năm 1995

Bùi Giáng đã từng thú nhận trong cuộc đời mình đã có những lúc “điên rực rỡ”… Người yêu thơ thì lại nói thơ ông có lúc là “thơ tiên” nhưng cũng có lúc là… “thơ điên”. Xấu hay Đẹp còn tuỳ người đọc!

Dù sao đi nữa, cũng xin cám ơn Đời đã để lại một Bùi Giáng, còn được biết đến qua những bút danh Trung Niên Thi Sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng… Với tập thơ đầu tay Mưa Nguồn, ông đã mang lại đầy đủ cung bậc của cảm xúc.

 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts