Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2019

Ngôn ngữ qua văn chương - Phương ngữ Bắc bộ


Ngày xa xưa, Việt Nam ta trải dài từ Ải Nam Quan xuống đến Mũi Cà Mau. Về mặt địa lý, đất nước được chia làm 3 Kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ, cũng vì thế ngôn ngữ được hình thành qua 3 miền Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.

Bài viết này không có tham vọng đi sâu vào việc phân tích sự khác biệt của ngôn ngữ Vùng & Miền vì đó là công việc của các nhà ngôn ngữ học. Tuy nhiên, với cái nhìn của một người bình thường, chúng ta vẫn có thể thấy được sự khác biệt về các “phương ngữ” (dialect) trong cuộc sống hàng ngày, trải dài từ Bắc xuống Nam.

Phương ngữ miền Bắc và Nam đều khởi đầu từ hai yếu tố chính: (1) thuần Việt và (2) Hán Việt. Trong nhiều từ vựng, phương ngữ Bắc bộ quen dùng từ thuần Việt, trong khi phương ngữ miền Nam lại hay dùng từ Hán Việt. Chẳng hạn như: “hát” (Bắc)/“ca” (Nam); “chè”/“trà”; “quán”/“tiệm”; “đỗ”/“đậu”; “mướp đắng”/“khổ qua”...

Ở chiều ngược lại, phương ngữ Bắc cũng có khi dùng những từ Hán Việt còn niền Nam lại dùng từ đã Việt hóa như: “hoa quả” / “trái cây”… Miền Nam với bối cảnh sông nước nên lại nói “anh em cọc chèo” tương đương với “anh em đồng hao” ngoài miền Bắc, “khẳm” để chỉ nhiều quá, “chìm xuồng” ám chỉ một sự việc bị quên lãng hoặc “tới bến” (tới tận cùng), “xuống nước” (nhượng bộ trong cách xử thế)…

Một thí dụ về sự khác biệt giữa phương ngữ Bắc & Nam

Những thí dụ trên được rút ra từ ngôn ngữ hàng ngày. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ thu hẹp sự khác biệt trong phạm vi văn chương qua những tác phẩm đã xuất bản trong thời kỳ cận đại từ 3 miền. Lý do cũng dễ hiểu vì những tài liệu hãy còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

“Tố Tâm” được coi là một trong những tiểu thuyết đầu tiên của văn học cận đại, được Song An Hoàng Ngọc Phách sáng tác từ năm 1922 tại Hà Nội. Trong vai trò của “Người Chép Truyện” tác giả trở thành một “ký giả” viết về chuyện “ái tình”:

“Nhiều khi anh em ngồi đàm luận về tân học ngày nay, ký giả thường nghe nói đến một bậc thanh niên tân tiến có tính tình, văn chương, tư tưởng, thường hay lạm dụng những tài liệu đó đem ra làm việc cho ái tình, ghẹo lòng người nhi nữ, vội thi hành những ý tưởng trong sách hay những cảnh mình tưởng tượng ra.

“Có lúc cố ý mà làm, cũng nhiều khi làm mà không tự biết, miễn là tìm được nơi thí nghiệm ý tưởng của mình và lấy được lòng yêu của người mà thôi, nên xảy ra lắm tấn bi kịch, thiệt cho mình mà khổ cho người, quấy rầy đến gia đình, xã hội”.

(hết trích)

“Tố Tâm” thực ra không phải là một “tiểu thuyết”, hiểu theo nghĩa ngày nay. Chính xác hơn, đó là một loại sách theo kiểu “học làm người” viết theo phong cách của những năm 1920 với đặc trưng phương ngữ miền Bắc như “hòm” (va li), “buồng” (phòng), “vinh quy” hay “màu vàng nhợt và màu da giời”:

“Ký giả có chút việc riêng phải ở lại trường; lúc sang chơi bên buồng những bạn tân khoa ở thì thấy mấy bạn chí thân của ký giả là Lê Thanh Vân biệt hiệu là Đạm Thủy, đương soạn hòm để vinh quy, ký giả ngồi xem bạn soạn. Áo quần không dùng sắc gì rực rỡ, chỉ toàn là màu trắng với màu đen, những vật gì cần dùng đến màu thắm thì chỉ thấy màu vàng nhợt và màu da giời, thật có vẻ thanh đạm”.

“Tố Tâm” là bút hiệu của cô Nguyễn Thị Xuân Lan do Đạm Thủy đặt. Lan là một người con gái đẹp, có tiếng là “người văn hoa”, giỏi nghề thêu thùa, bánh trái, nhưng phải tính hơi kiêu căng, cách cư xử ăn nói, tiếp đãi thì rất lễ phép dịu dàng nhưng vẫn ngụ một cái ý… “ngạo đời”.

Lan lúc bé học chữ nho, bố cô là “quan án” mất khi cô mới 15 tuổi, bà án về Hà Nội, cô được mẹ cho đi học “chữ Tây”, lấy được “bằng Sơ học” rồi ở nhà buôn bán. Cho đến một ngày cuộc tình nảy nở giữa anh ký giả Đạm Thủy và cô tiểu thư Tố Tâm.


Nhà văn – Nhà báo Đạm Thủy bị “ái tình hành hạ” cả ngày lẫn đêm, nhất là vào “những lúc chiều giời [trời] mát mẻ hay là đêm vắng giăng trong [sáng trăng]”. Anh tâm sự:

“Trong lòng tôi dần dần cứ thấy ái tình lấn mãi, tôi đoán trước rằng có một ngày kia nó chiếm hết lòng tôi, vì tôi cứ nghĩ đến nàng luôn, thứ nhất những lúc đêm nằm chưa ngủ hay lúc sáng sớm mới mở mắt ra, những lúc chiều giời mát mẻ hay là đêm vắng giăng trong, ngồi tưởng tượng ra những cảnh mơ màng của hai người yêu nhau đương vơ vẩn ở chỗ cao sơn lưu thuỷ, những điều tưởng tượng đó làm cho tôi thêm hớn hở, khát khao.”

Thập niên 1920, cả nam lẫn nữ ngoài Hà Nội còn “nhai giầu” (ăn trầu) nên Hoàng Ngọc Phách mới viết: “Nàng pha nước tôi uống, lấy giầu tôi ăn, mà bắt tôi phải ăn miếng giầu nàng đưa mới nghe…”. Cả hai sống trong một thế giới tình ái mặn nồng, một đôi “giai gái” quen nhau, truyện trò thăm hỏi thì tránh sao khỏi… “sinh tình luyến ái”?

Thế nhưng, nhân vật nam Đạm Thủy trong Tố Tâm có một tâm trạng “rối bời”. Bố mẹ  anh đã “định bề gia thất” cho anh với một cô gái đã 3 năm nay và chỉ chờ anh ra trường để “đại đăng khoa và tiểu đăng khoa một thể”! Anh nói với Người Kể Truyện:

“Tôi xin tỏ anh rõ, tôi đối với người mà nhà đã định cho, đó chỉ kính mà chưa yêu, vì tôi chưa biết tính tình mà đến dung nhan cũng chưa được nhìn rõ, và lòng kính đó là do cái kính đối với gia quyến mà ra”.

Đạm Thủy quyết định viết một bức thư cho Tố Tâm, đại ý kể lại hoàn cảnh nan giải của mình và nhận được thư trả lời qua vài dòng ngắn ngủi:

"Kính gửi anh Đạm Thuỷ,

“Thưa anh, em được tiếp được thư anh em lấy làm vui mừng lắm, nhưng thấy chữ mà chả thấy người. Thứ năm này xin mời anh ra chơi, em mấy hôm nay hơi khó ở.

“Kính chúc anh về nhà được mạnh, quý quyến bình an".

Trong một bức thư “trả nhời” (trả lời) thật dài cô Lan gửi tiếp sau đó, Tố Tâm giãi bày những “nhời thú tội thú tội của kẻ non gan”:

“Khổ lòng lắm anh ơi! Nói ra thì những ngượng nhời, mà để dạ cũng đến khô héo. Anh có biết em đem lòng yêu anh đã lâu, và anh đã làm cho em thổn thức mấy tháng nay rồi không? Em nói thế thì anh ngạc nhiên, nhưng thật vậy từ khi em đọc văn thơ anh trên tờ báo thì em đem lòng yêu anh, em kính mến ba chữ tên anh như người bạn quý của em vậy. Em chưa biết người, biết mặt, em chỉ xem văn chương, tính tình, tư tưởng của anh mà em yêu, cái yêu kỳ thay, không biết có ai yêu lạ lùng thế không?

"Một hôm, em bỏ giầu cau vào tráp của chú em, em thấy một cái ví rất đẹp, em mở hé ra xem thấy danh thiếp của anh, em ngạc nhiên tự hỏi sao cái tên của người mình kính mến lại chạy vào nằm trong đây, em mở từng ngăn ví ra xem. Ngăn thứ nhất, để danh thiếp của anh và của các bạn, em biết hết những bạn anh là ai, ngăn thứ hai, để các ảnh của anh và giấy nhà trường cấp, ngăn thứ ba, có các mảnh giấy nhỏ hoặc bức thư thân tín, hoặc những câu quốc văn, pháp văn anh mới viết xong hay còn viết dở, ngăn thứ tư có quyển số con chép những điều anh quan sát hàng ngày và những ý tưởng lạ. Em đọc thư anh, ngắm ảnh anh, xem giấy má của anh, em hiểu anh là người thế nào rồi. Em càng hiểu anh bao nhiêu thì lòng kính yêu lại càng mạnh lên bấy nhiêu, mà chắc anh thì cứ dửng dưng biết đâu trên cõi đời này có người yêu anh nhỉ?

(hết trích)

Sau bao nhiêu giằn vặt, đớn đau giữa tình yêu và vận mệnh, Tố Tâm rốt cuộc cũng đành… buông xuôi. Nàng chấp nhận rời bỏ người mình yêu suốt cuộc đời, để kết hôn với một người chưa từng gặp mặt trước kia, theo ý muốn của mẹ.

Đúng một tháng sau ngày lấy chồng, Tố Tâm chết. Nàng đã lìa trần trong nỗi tương tư của ái tình. Câu chuyện kết lại bằng vết thương lòng của Đạm Thủy và cũng là của Người Kể Truyện, Song An Hoàng Ngọc Phách.

Tác phẩm “Tố Tâm”

Năm 1932, tại Hà Nội, Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện như một trường phái văn học, đồng thời cũng là một phong trào cách tân do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng. Các thành viên của nhóm gồm những nhà văn có mối quan hệ gia đình như Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Trần Tiêu (em ruột Khái Hưng), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)…

Không chỉ hoạt động về văn hóa, nhóm còn có những hoạt động xã hội như Phong trào Ánh Sáng và cả về chính trị từ năm 1939. Riêng trong lãnh vực văn học, họ không phải chỉ sáng tác mà còn ra các báo Phong Hóa, Ngày Nay, lập nhà xuất bản Đời Nay, mở nhà in, và tổ chức các giải thưởng văn học.

Trong phạm vi nghiên cứu về ngôn ngữ Vùng – Miền, bài viết này chỉ bàn về phong cách của phương ngữ Bắc bộ trong Tự Lực Văn Đoàn, điển hình nhất là tác phẩm Đoạn tuyệt (1934) của Nhất Linh.

Ngày xưa, người miền Bắc dùng “cậu, mợ” để chỉ mối quan hệ vợ chồng và con cái trong gia đình cũng dùng “cậu, mợ” để gọi đấng sinh thành. Ngay ở phần mở đầu ta thấy Nhất Linh viết trong đối thoại:

“Nghe có tiếng trẻ rao báo ngoài phố, bà giáo Thảo nhìn ra vườn hỏi chồng:
- Cậu đã mua báo hôm nay chưa?

Ông giáo Lâm đáp:
- Mua rồi, tôi quên không đưa mợ xem
- Thế họ có đăng tin gì thêm không, cậu?
- Không.

Thảo quay về phía một cô thiếu nữ ngồi ở ghế đệm dài, rồi hỏi:
- Thế nào, chị Loan đã biết tin cô Minh Nguyệt tự tử chưa?

Loan đáp:
- Tôi biết rồi, biết trước khi họ đăng báo, vì tôi có quen cô ta. Khốn nạn, việc quái gì mà phải tự tử. Mẹ chồng ác thì về nhà bố mẹ mà ở, tội gì rước khổ vào thân rồi đến nỗi tự tử.

Thảo nhìn bạn mỉm cười:
- Chị nói dễ quá. Còn chồng, còn con...”

(hết trích)

Những từ ngữ để gọi Mẹ

Nhân vật chính trong chuyện là Loan và Dũng, bạn học từ xưa và giờ đây họ đang yêu nhau theo kiểu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Loan yêu Dũng, con một viên quan Tuần phủ, Dũng vì bất đồng vì lý tưởng với bố nên bị bố từ bỏ. 

Dũng cũng vì yêu Loan nhưng vì muốn thực hiện chí lớn mà gạt bỏ hạnh phúc riêng. Anh tự an ủi: “Yêu nhau rồi lại bằng mười phụ nhau” khi Loan đến thăm anh lần cuối trên gác trọ trước khi về nhà chồng.

Gia đình Loan đã “đính ước” từ lâu với gia đình Thân, nhà bà Phán Lợi. Loan đả phá tư tưởng “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” nhưng lại biết là suy nghĩ của mình cũng… “chẳng đi đến đâu”.

Ông Hai, bố Loan, còn dứt khoát: “Việc ấy thầy mẹ [bố mẹ] định rồi và sẽ lo liệu thu xếp cho cô, cô không phải bàn. Cái thói ở đâu, hễ mẹ nói câu gì là cứ mồm một mồm hai cãi trả lại xa xả. Văn minh vừa vừa chứ, người ta mới chịu nổi!”

Loan thẳng thắn đáp lại: “Thưa thầy me, thầy me cho con đi học, thầy me không thể cư xử với con như con vô học được nữa. Không phải con kiêu ngạo gì, đó chỉ là một sự tự nhiên. Lỗi ấy không ở con. Phân bày phải trái với bố mẹ không phải là bất hiếu như ý con tưởng”.

Loan lại nghĩ đến người yêu: “Thôi ta để mặc anh Dũng đi với cảnh đời gió bụi của anh, yêu nhau đành chỉ yêu nhau trong tâm hồn, còn mỗi người một ngả, người nào sống riêng cuộc đời người ấy”.

Và nàng nghĩ đên thân phận mình: “Trốn không được thì chỉ có một cách là can đảm nhận lấy cái đời hiện tại của mình, nhìn sự thực bằng đôi mắt ráo lệ không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống”.

Định mệnh oái oăm, Dũng từ chiến khu về Hà Nội thăm vợ chồng cô giáo Thảo vào một buổi tối, chỉ một lát sau Loan cũng đến để nhắc chuyện ngày mai cô về nhà chồng. Thoạt đầu, Dũng tránh mặt sang phòng bên nhưng Loan nhận ra “cái hộp đựng thuốc lá kỳ khôi” của Dũng. Nàng cầm lên và nói với Thảo:

“- Chị cho em xin.
- Chị xin để làm gì?
Câu hỏi tự nhiên của Thảo làm Loan ngượng nghịu, nàng đáp:
- Em cũng chẳng biết để làm gì. Trông cái hộp hay hay, ngộ nghĩnh. Thôi, chị cho em xin.”

“Xin” là chữ người Hà Nội thuộc lớp trung lưu hay dùng để thay chữ “cho”… đến bây giờ người ta vẫn còn hay dùng trong cách nói lịch sự của người miền Bắc. Rồi Loan lại thấy “chiếc mũ dạ màu tro xám” mà Dũng hay đội. Biết không thể nào tránh mặt được nên Dũng phải “xuất đầu, lộ diện”.

Chồng Thảo nói đùa để phá tan bầu không khí “ngột ngạt, khó thở”: “Hết anh Dũng đi biệt tăm tích, lại đến cô Loan về nhà chồng. Đêm nay tình cờ thành một đêm họp mặt cuối cùng!”

Theo mô tả của Nhất Linh, đối với Loan, pháo vu quy trong ngày cưới mang một ý nghĩa… chết chóc:

“Nàng lẩn thẩn so sánh tiếng nổ của chiếc pháo với tiếng cười của nàng hồi nãy, vì nếu tiếng pháo kia làm cho xác pháo tan tành thì tiếng cười của nàng là tiếng cười đưa nàng đến một cảnh đời chết.

“Lờ mờ trong khói pháo, nàng thấy Thân mặc áo thụng xanh đương cúi rạp trước bàn thờ. Đèn nến sáng choang, lư đồng bóng nhoáng, khói ngầm nghi ngút tỏa, hoa cúc vàng tươi xen lẫn với hoa thược dược đỏ thắm, những cảnh lộng lẫy ấy đối với Loan không có nghĩa là gì, vì không phải là biểu hiện của một sự vui mừng chân thật.

“Rồi nàng thấy hiện ra trước mặt hình ảnh Dũng ngồi trước lò sưởi, vẻ mặt rắn rỏi cương quyết, vẻ mặt của một người có chí khí cao rộng, và so sánh Dũng với Thân, chồng nàng, người có một vẻ mặt tầm thường và một cuộc đời mà nàng biết chắc cũng sẽ tầm thường”.


(hết trích)

Nhất Linh còn thêm vào một chi tiết, tuy “hư cấu” nhưng lại rất “lâm ly, bi đát” trong Đoạn Tuyệt. Khi xe hoa của Loan qua Cửa Nam, nàng đã nhìn thấy Dũng đứng nói chuyện với một thiếu nữ “ăn mặc rất sang trọng”. Đó cũng là một cảnh “trớ trêu” trong cuộc tình Loan-Dũng.

Ngày đầu tiên bước vào nhà chồng, Loan “mỉm cười đau đớn”, nàng ví thân phận mình với thân phận… “một gái giang hồ”. 

“Nếu gái giang hồ hiến thân cho thiên hạ để mưu sự sống, thì nàng cũng đành nhắm mắt hiến mình cho Thân, một người mà nàng không yêu để mưu thấy sự vui lòng cha mẹ”.

Lúc Loan bước chân đến cửa nhà chồng, đáng lẽ bước qua “cái hỏa lò” để ở cửa theo tục lệ miền Bắc, nàng đứng dừng lại cúi nhìn cẩn thận rồi… “vờ như vô ý lấy chân hắt đổ cái hỏa lò, mấy viên than hồng rơi lăn lóc ra mặt đất”.

Trong khi làm lễ tơ hồng, người ta đặt nàng ngồi sau lưng Thân. Loan đứng dậy giả vờ như sắp lễ trên bàn thờ rồi thản nhiên ngồi ngang hàng với Thân. Một hành động biểu thị sự “phản kháng” của một người thiếu nữ theo “tân học”!

“Chế độ đại gia đình” không có những dây thân ái tự nhiên ràng buộc người nọ với người kia, nên Loan nghĩ đành lấy những “dây liên lạc giả dối mà ràng buộc lấy nhau”.

Tuy nhiên, nàng cũng sững sờ trước cảnh Thân “trải một miếng vải trắng lên trên chiếu”“cảm thấy tất cả cái mọi rợ trong cử chỉ của Thân lúc đó”. Thì ra Thân muốn tìm sự trinh tiết của nàng!

Tác phẩm “Đoạn Tuyệt”

Đoạn Tuyệt khắc họa cảnh làm dâu “địa ngục trần gian” trong gia đình nhà bà Phán Lợi và cô em chồng. Những lần công khai thách thức với những “thói tục vô lý” đã khiến “sự đụng độ giữa Cũ và Mới ngày càng quyết liệt”.

Chỉ mới mấy tháng làm dâu, Loan luôn phải sống trong “một gia đình mà người nào cũng muốn làm cho nàng khổ, mà không lúc nào nàng không nghĩ đến bổn phận, cái bổn phận cay nghiệt của nàng đối với mọi người trong nhà”. 

Chỉ cần đọc một đoạn đối thoại giữa Loan và chồng, người đọc có thể hình dung được cuốc sống của nàng:

“- Mợ ngồi tính toán gì đấy,

Loan giật mình quay lại và cười khi thấy chồng đứng sau lưng. Loan chỉ đầu chõng và tình tứ bảo Thân:
- Mình ngồi xuống đây.

Thân ngồi xuống chõng tay rứt mấy cái lá hồng lau bụi ở mũi giày. Loan hỏi:
- Cậu vừa đi đâu về?
- Tôi vừa đi lễ cầu mát về. Lại còn hỏi, lúc tôi đi, tôi bảo mợ đi mãi, mợ không đi. Mợ đã quên rồi à?

Loan cười đáp:
- Ừ nhỉ? Rõ em đãng trí quá. Có gì vui không cậu?
- Cầu lấy bình yên, chứ vui với viếc gì. Hỏi dở lắm.


Rồi Loan nhớ lại bao nỗi vất vả trong mấy tháng về làm dâu. Bao nhiêu việc khó nhọc là về phần nàng. Mấy hôm đầu, chính Thân cũng ngỏ ý rằng… “cưới Loan về để hầu mẹ”:

“Phải, người ta cưới nàng về để hầu chứ không phải để làm một người vợ. Việc này là việc phụ. Vì vậy, đầu tiên người ta dạy bảo Loan như người ta dạy bảo một con ở”.


“Nhà chồng giàu, lắm việc đầy tớ có thể làm được, nhưng mẹ chồng muốn cho nàng đảm đang, một là để dạy nàng cho quen, hai là xưa kia bà về làm dâu bà đã chịu khổ sở, nên bà muốn bắt người khác cũng khổ như mình cho được thăng bằng”.

(hết trích)

Bà Phán Lợi đã từng nói với con trai bà những lời vừa cay nghiệt lại vừa mỉa mai khi Loan về thăm mẹ đẻ nhưng lại không biết đó là ngày bên nhà chồng có giỗ:

“Này anh, anh xem vợ anh đấy. Tôi cưới nó về cho anh để làm vương làm tướng ở nhà này à? Có đời thủa nhà ai như thế không. Tôi, tôi không cần đến thứ ấy giúp đỡ tôi, nhưng anh nghĩ xem, ngày giỗ, ngày tết mà nó là con dâu trưởng, nó bỏ đi không có nói với tôi lấy nửa lời”.

Bích, cô em chồng còn “vuốt đuôi” mẹ, với một câu như “đổ dầu vào lửa”: “Cũng tại anh Cả nhu nhược nên người ta mới xỏ chân lỗ mũi, khinh mẹ mình được”. (“Anh Cả”, theo phương ngữ Bắc bộ là tên gọi người anh lớn nhất trong nhà, tương đương với “Anh Hai” ở miền Nam).

Rồi Loan sinh một bé trai trong niền vui mừng của gia đình chồng vì “có con trai nối dõi”. Việc đặt tên con Thân cũng dành cho mẹ và ngay cả việc Loan rất yếu sau khi phải “sinh mổ”, nhà chồng cũng chẳng bận tâm. Nàng chỉ là “cái máy đẻ”.

Đứa con do Loan sinh rồi cũng lại đặt dưới quyền định đoạt của bà Phán Lợi khi đau yếu. Bà đem nó cho “thầy bùa” chữa trị, mà phép chữa của bọn thầy bùa là “cho uống tàn hương nước thải và có khi lại dùng roi dâu để đánh đuổi tà ma ám ảnh, nghĩa là đánh người ốm”.

“Đến lúc đem được đứa bé ra chữa thuốc tây thì đã chậm quá, chỉ còn đợi thần chết đến, đem đi. Không những thế mà thôi, bà mẹ chồng lại còn có cớ để cho chính nàng đã giết mất đứa cháu đích tôn, giết mất người nối dõi của cả một gia đình”.


Tranh chân dung Cô Loan

Truyện còn dài nhưng với chủ đề khai thác về phương ngữ Bắc bộ, chúng tôi chỉ lược qua những diễn biến của Đoạn Tuyệt.

Bà Phán Lợi quyết định “lấy vợ lẽ” cho Thân vì nàng đã tuyệt đường sinh đẻ. Loan cũng vô tình gây ra cái chết của Thân, người chồng yếu hèn, nhu nhược và “đồng bóng”. Trước tòa, nhờ sự bênh vực của một luật sư người Pháp, Loan trắng án và trở về cuộc đời tự do. Ông nói: 

“Chính bà mẹ chồng đã giết cháu bà mà không biết. Mà lại còn đổ cho Thị Loan cái tội giết con! Đến nay, bà đổ cho Thị Loan cái tội giết chồng, nhưng bà có biết đâu, con bà chết là lỗi ở bà, lỗi ở cái luân lý trái mùa và quá ư nghiêm ngặt kia. Người có tội chính là bà mẹ chồng Thị Loan và cái luân lý cổ hủ kia”.

Cái hậu của Đoạn Tuyệt là cơ hội nối lại tình xưa với Dũng, người cũng đã âm thầm theo dõi phiên tòa. Có thể kết luận, Đoạn Tuyệt đề cao khát vọng tình yêu và hạnh phúc cá nhân. Bên cạnh đó, khước từ một cách dứt khoát những thế lực văn hóa, lễ giáo của đại gia đình thời phong kiến.

Phần cuối cùng là bài thơ cảm đề truyện Đoạn Tuyệt với nhan đề “Giây phút trạnh [chạnh] lòng” của nhà thơ Thế Lữ trong Tự Lực Văn Đoàn. Bài thơ dài có đoạn mở đầu mà người đọc đến nay còn nhớ mãi:

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi,
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?”

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts