Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Đời phi công – Toàn Phong

Năm 1959, “Đời phi công” của Toàn Phong – Nguyễn Xuân Vinh ra mắt người đọc và tạo một tiếng vang đến giới trẻ thời đó. Không những thế, tác phẩm đã dành được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961, minh chứng hùng hồn cho một tác giả mới 29 tuổi nhưng đã chiếm một vị trí không nhỏ trong nền văn học của thời Đệ nhất Cộng hòa.

 

Tác phẩm “Đời phi công” - Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh

 

Tác phẩm tương đối mỏng với hơn 50 trang, dàn trải qua 9 chương, xoay quanh việc đi tìm hướng đi mới của một thanh niên trước tiếng gọi của đất nước. “Đời phi công” thực ra là những bức thư gửi cho người yêu, một cô sinh viên mang tên Phượng, để kể hết những chuyện xảy ra trong suốt thời gian “học bay” tại nước ngoài của tác giả.

Ngay ở Chương đầu tiên, Toàn Phong đã khẳng định với Phượng: “Nghề nghiệp anh đã quyết định lựa chọn rồi đây sẽ là nguồn sống của cả cuộc đời...”:

“Viết thư này anh đã ở xa em muôn vạn trùng dương. Anh mỉm cười khi đặt bút vì nghĩ rằng em vẫn thường chê cái tính thích giang hồ vặt của anh. Lần này thì anh đi hẳn, đi thật xa cho đến khi nào công thành anh mới trở về. Anh cũng chưa viết thư về cho Bác biết và chắc giờ đây Bác nghĩ rằng anh đang sống vất vưởng ở một xó xỉnh nào giữa thành phố Sàigòn.

“Khi nào có dịp xuống Hải Phòng em lại thăm Bác và lựa lời nói giúp hộ anh. Anh biết đã làm cho Bác buồn phiền nhiều ngay từ khi đang học Dược Khoa ở Hà Nội anh bỏ để vào trong Nam. Và từ dạo ấy đến nay kể đã hai năm rồi em cũng như Bác không gặp lại anh”

(hết trích)

 

Một chuyện tình

 

Toàn Phong, chàng trai tuổi đời vừa chớm 20, đã quyết: “...làm sao anh có thể kéo dài chuỗi ngày bình thản đến gần như vô vị trong bốn bức tường dưới sự nâng chìu của người thân tình trong khi anh đang thèm khát những bến trời xa lạ, muốn đi nhiều, học nhiều để sau này do chính bàn tay mình xây dựng lấy cuộc đời...”

Cuộc phiêu lưu bắt đầu khi chàng thanh niên rời Sài Gòn vào một sáng tinh sương, trời còn hơi mờ mờ tối. Chiếc xe ca chở anh tới Tân Sơn Nhất chạy quanh co qua những phố vắng ngập nước mưa đêm hôm trước nhưng tâm hồn thấy vô cùng sảng khoái. 

“Anh thấy nhớ Sàigòn quá, nhớ hơn cả Hà Nội. Có lẽ tại Sàigòn đã cho anh nếm hết tất cả mùi vị cay đắng của cuộc đời. Rồi anh nghĩ đến em, đến Hà Nội. Lúc này chắc em đã bắt đầu sửa soạn đi học...”

Chiếc máy bay từ Sàigòn lần lưọt hạ cánh ở Calcutta, Karachi, Beirut, La Mã và cuối cùng là Paris. Khi bước chân xuống Karachi để máy bay lấy xăng, người phi công lại gần bắt chuyện với anh:

“Tôi xem phiếu lý lịch hành khách thấy đề tên ông sang Pháp học lái máy bay?

 Anh gật đầu, người ấy nói tiếp:

- Rồi ông sẽ thấy bay là một cái nghiệp. Mắc vào rồi nó sẽ vướng lấy mãi”.

 

Đại tá Nguyễn Xuân Vinh (1930-2022)

 

Anh đến “Kinh thành Ánh sáng” Paris vào một buổi chiều mùa thu lá vàng rơi đầy đường sau khi đã lênh đênh trên mây trời hơn 30 tiếng đồng hồ. Được sắp xếp ở trong khu nhà sĩ quan gần trường bay Bourget, buổi sáng ở đây vừa có một chiếc phi cơ Junker 52 bị rơi, mười chín người bị cháy ra tro!

Chỉ ở Paris hơn một tuần để đợi chuyến máy bay đi Marrakech tại xứ Bắc Phi một năm để học lái máy bay trong giai đoạn đầu. Cuộc hành trình du học sau đó sẽ quay trở lại Pháp học thêm chừng hai năm nữa. Chàng thanh niên viết thư cho người yêu trong một quán rượu giữa khu Latin ở Paris:

“Nhận thư em hôm qua, lúc đọc anh hơi mỉm cười vì câu hỏi ngây thơ của em: "Anh có thấy nhớ nhà không?" Thành thực mà trả lời thì trong lúc này anh không thấy nhớ vì lòng đang rộn ràng với những cảnh lạ đường xa. Anh chỉ mơ hồ thấy rằng hiện nay quê hương đang ở xa lắm, gần trọn nửa vòng trái cầu, có nhớ, có thương chăng nữa thì cũng nhớ xa sầu vời vợi, thương mênh mông như đại dương rộng lớn còn có nhớ thương riêng một chút nào thì chắc cũng chỉ gói trọn vào một mình em gái anh mà thôi.

...

“Con người lưu lạc phương trời, dù cho mái tóc đã bạc màu quan tái, đôi vai đã nặng chĩu phong sương có lẽ tới đây cũng phải ngần ngại dùng dằng vì những đôi mắt của ngưòi đẹp Ba lê. Không khí ở đây không biết có một vẻ gì quyến rũ lạ. Ba lê nhộn nhịp, tấp nập ban ngày nhưng ban đêm Ba lê cũng không kém phần tưng bừng huy hoàng.

(hết trích)

Trong thời gian học bay ở Marrakech, xứ Ma Rốc, đã có đến 7 tháng không nhận được thơ Phượng vì họ... “giận nhau”! Chàng trai viết:

“Anh ước ao lúc này được ở quê nhà để lại thăm em, để biết duyên cớ sự giận dỗi thầm lặng lâu nay. Anh vẫn biết em mỗi tuổi một lớn và lòng người thiếu nữ dậy thì thường hay thay đổi không đâu. Nếu ở cái thuở ngày xưa xa xôi anh có thấy em phụng phịu nét mặt, không thèm chơi với anh nữa thì anh cũng có thể hiểu ngay được là vì anh đã quên không khen em là cô văn sĩ tí hon như thường lệ khi anh chấm cho em bài luận Việt văn hay không rủ em đi câu cùng với anh chiều thứ bảy vừa qua ở con sông đầu làng.

...

“Em Phượng, nếu giờ đây em có đang giận anh thì anh cũng đành chịu vì anh không còn quyền lực gì để bắt em phải nghe theo lời anh. Nhưng chắc em cũng còn để cho anh viết cho em để kể cho em nghe đôi câu chuyện vui buồn của những phi công như các anh mà nơi trú ngụ ở khắp bốn phương trời, tương lai cũng mơ hồ như sương đêm và lênh đênh trên đám mây trắng là hình ảnh cuộc đời...”

(hết trích)

 

Cánh chim bằng

 

Sau tám tháng trời vất vả, chàng thanh niên bắt đầu sang giai đoạn bay đêm và tự tin rằng mình sẽ thành công. Chàng phi công đã sung sướng hát “bài ca vũ trụ”“lòng nhẹ như mây hồng trôi”! Chàng còn viết: “Em có cùng ở đây lúc này chắc cũng lây niềm hân hoan, nhoẻn miệng cười mà tan hết giận hờn”.

Chuyến bay đêm đáng nhớ nhất là lần bay đi Safi, một hải cảng bên bờ Đại Tây Dương trong một đêm trăng rằm. Phải làm thủ tục ký vào sổ bay, ghi số máy bay trên một tấm bảng con buộc vào đùi và vác chiếc dù nặng gần chín kí lô trên vai phải.

Chưa hết, dưới tay trái cồng kềnh mũ bay, bản đồ, đèn bấm và cả một chiếc bánh mì kẹp chả! Dưới ánh trăng mờ mờ, ánh đèn phi trường huyền ảo, chờ đèn xanh từ chiếc xe vô tuyến cuối đường bay để cất cánh... Ánh đèn xanh chớp chớp và phi cơ từ từ chuyển động.

Chiếc phi cơ lên tới tám ngàn bộ và bình phi. Ánh đèn phi trưòng chỉ còn nhỏ bé dưới chân mây như trên một phố đêm vắng vẻ. Những kim dạ quang chập chờn trong bóng đêm... trong những chuyến bay đêm thì người phi công chỉ còn biết tin vào chiếc kim nhỏ bé.

“Anh đã cất cánh lúc trăng rằm vừa mọc làm mờ ánh sao hôm. Phi cơ sẽ trở về phi trường khi trăng còn đương chếch trên đỉnh đầu. Tuy em không ở gần anh nhưng anh tin rằng em đã cùng anh bay trong ánh trăng rằm đêm nay dưới trời Bắc Phi. Còn thấy giận anh nữa không, em Phượng?”


Phi công VNCH sau chuyến Bắc Phạt năm 1965


Trở lại đất Pháp, chàng phi công đã tới Marseille và nhận được tin Phượng đã trúng tuyển Tú Tài phần I. Lại còn vui hơn thế nữa khi thấy nàng nói cái "anh chàng" hay đứng rụt rè trước cửa nhà ngày nào đã giúp nàng trong việc luyện thi!

“Anh chàng” đó là Hiền, cũng là một người bạn sinh viên trường y, rất “đứng đắn” so với “tính ham chơi” của chàng phi công. Còn câu hỏi anh có bằng lòng để Hiền dạy kèm khi anh khi vắng nhà thì chàng chỉ cho biết... “thấy khó nói!”. Anh còn viết trong thư:

“Người bạn hiền lành của anh năm xưa nay đã gần trở thành một bác sỹ. Còn con người lông bông như anh thì nay đang lênh đênh trôi dạt chưa biết sẽ tới bến bờ nào... Chỉ biết rằng anh không ngần ngại lao mình vào cuộc đời phi công và giờ đây anh vui với số phận. Chí làm trai anh đã được toại nguyện.”

 

Bạn tôi, Nguyễn Mạnh Dũng, đã ra đi trên chiếc A-37 ngay trong ngày 30.4.75

 

Trở lại Pháp, “cuộc đời lông bông” của chàng lãng tử lại bắt đều khép vào khuôn khổ để chính thức trở thành “sĩ quan phi công”. Bay bổng như ở Bắc Phi như thế cũng chưa đủ, anh còn phải học thêm phần lý thuyết, học làm sao để sử dụng động cơ cho quay tròn, học nhắm những vì sao trong vũ trụ... Và cả chuyện “học đi, học đứng”, học phép lịch sự để trở thành một phi công.

“Cuộc đời phồn hoa là để dành cho những người biết nói, biết cười, chân biết đi theo điệu nhạc, người biết nghiêng một cách khả ái trước nụ cười cao kỳ của một giai nhân. Trong cái con người mài trong phong sương của các anh còn thiếu một con người hào hoa của thế hệ biết đọc những vần thơ bóng bẩy, biết phê bình một vở kịch thời đại, biết nói những câu hoa mỹ. Âm thanh của không trung khô khan lắm em ạ.

...

“Ánh tinh cầu của những chuyến bay đêm không trong được bằng ly rượu pha lê. Và chàng trai nhớ mãi ánh mắt giai nhân, không hiểu là mến thương hay ái ngại. A ha! Ai có dám tự hào vỗ ngực nói tôi là gió sông hồ kết hợp vì trong những đêm liên hoan này có còn ai nghĩ đến những người bay bốn hướng?

(hết trích)

Suốt 3 năm trời học hỏi trên những vùng đất lạ và bây giờ... “Đôi cánh anh đeo trên ngực, kèm theo một ngôi sao nho nhỏ có lẽ là tất cả mơ ước của những thanh niên mới vào nghề. Ba năm trời gian lao anh mới đạt được ý định và nay chỉ còn chờ ngày hồi hương!”

Nhưng đã quá muộn vì gần một triệu dân đã di cư vào Nam trong khi anh chỉ còn vài tháng nữa sẽ về đến Sài Gòn...  “Giá anh tốt nghiệp sớm hơn chừng hai tháng, có lẽ anh đã có dịp chở những đồng bào cuối cùng rời Hải Phòng. Nhưng tiếc thay anh về hơi muộn và giờ chỉ còn biết vui mừng khi được tin thân quyến đã được yên hàn tới Sàigòn”.

 

Bạn tôi, Vĩnh Anh, trên chiếc Skyraider nay cũng đã ra đi!

 

Câu chuyện “Đời phi công” của Toàn Phong được kết thúc bằng một bức thư cuối cùng của một phi công trên đất khách:

“Anh ngồi viết cho em một buổi chiều nắng vàng chưa tắt. Ba năm về trước anh đã hứa những gì với em, chắc em còn nhớ. Chỉ độ hai tuần nữa anh sẽ gặp lại em. Nét cười có phác hồn tang hải, mái tóc có phai màu sương gió nhưng anh vẫn còn là anh của em như độ nào. Anh rời em một ngày đông lạnh lẽo ở Hà Thành và sẽ gặp lại em vào cuối một mùa xuân ở đô thị Sàigòn. Non nước kinh kỳ đà rời chỗ, còn em của anh có khác xưa không?”

 

Bạn tôi, Nguyễn Kim Khoa, giờ đang ở Hoa Kỳ

 

***

 * Đọc "Đời phi công" tại: 

https://vietmessenger.com/books/?title=ddoi%20phi%20cong

  

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts