Năm 1930, một cuốn
sách mang tựa đề “Sự tích ông Trạng Quỳnh”
của nhà văn, nhà báo Trúc Khê (1901-1947) xuất hiện tại Hà Nội. Ông tên thật là
Ngô Văn Triện, ngoài tên Trúc Khê, ông còn có những bút danh khác là Cấm Khê,
Kim Phượng, Đỗ Giang, Khâm Trai, Ngô Sơn, Hạo Nhiên Đình.
Nhà
văn, nhà báo Trúc Khê (1901-1947)
Trúc Khê sinh ra và
lớn lên trong một gia đình gốc nông dân ở xã Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ
Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Có thể nói, văn phong của ông mang tính cách đặc biệt vùng miền Phương Bắc vào nửa đầu thế kỷ
thứ 19.
Năm 19 tuổi, Trúc
Khê có bài viết đầu tay với nhan đề “Cải
lương hương tục” đăng trên tờ Trung Bắc
Tân Văn. Năm 1926, ông vào làm trong ban biên tập “Thực nghiệp Dân báo” và thành lập đảng Tân Dân, chủ trương đánh đuổi
thực dân Pháp.
Năm 1928, ông mở “Trúc Khê Thư Cục” ở Hà Nội để tự xuất bản
sách của mình. Trúc Khê hoạt động chính
trị cho đến năm 1929 thì bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam ở Hỏa Lò. Cuối cùng ông
nhận án 2 năm tù treo và 5 năm quản thúc.
Trong hơn 20 năm cầm
bút, Trúc Khê đã để lại gần 60 tác phẩm, không kể các bài bình luận, biên khảo
đăng rải rác trên các báo. Các tác phẩm chính của ông gồm đủ thể loại, từ thơ
phú, tiểu thuyết đến truyện ký các danh nhân.
Trong bài viết này,
chúng tôi chỉ đề cập đến Trạng Quỳnh và mối tình với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm trong
cuốn “Sự tích ông Trạng Quỳnh”. Tuy
sách chỉ dày 40 trang, gồm 2 phần Thiên trên và Thiên dưới, nhưng qua đó tác giả
đem đến cho người đọc rất nhiều chi tiết lý thú.
Tác phẩm
“Sự tích ông Trạng Quỳnh”, in năm 1930
Trạng Quỳnh tên thật
là Nguyễn Quỳnh (1677-1748), người làng Bột Thượng, Thanh Hóa. Ông là một danh
sĩ thời hậu Lê, từng đỗ Hương cống nên còn gọi được gọi là Cống Quỳnh. Trúc Khê
ca ngợi: “Vì ông có văn chương hay và nhất
là giỏi về khẩu tài nên người ta gọi là Trạng”.
Tuy nhiên, theo một
số tác giả khác, ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai
thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng
nguyên.
Tuy không đỗ cao,
Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Đương thời đã có câu: "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô
tam" (thiên hạ không có người thứ ba giỏi như Nguyễn Quỳnh và Nguyễn Nham).
Sách "Nam Thiên lịch đại tư lược sử"
cũng đã nhận xét về ông: "... Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở
đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước...".
Trạng Quỳnh sinh ra
đồng thời với Đoàn Thị Điểm, con gái của ông đồ Bảng Đoàn, dạy học tại Kinh sư.
Trạng Quỳnh thường giả đến nghe bình văn nhưng kỳ thật là để “ngấp nghé” con
gái của thầy! Trúc Khê viết:
“Quan Bảng biết ý, sai học trò bắt vào hỏi. Quỳnh
thưa rằng: “Tôi là học trò thấy tràng quan lớn bình văn nên tôi đến nghe trộm”. Quan
Bảng nói: “Ta biết anh chỉ là đồ giả dạng học trò để giả tuồng chim chuột. Nếu
phải học trò thì phải đối ngay một câu đối ta ra sau đây, hễ không đối được thì
ta sẽ đánh đòn”.
Thấy Quỳnh đối vừa nhanh
lại vừa hay nên quan Bảng có ý thương, nuôi cho ăn học. Quan Bảng lại còn có ý gả
con gái là Đoàn Thị Điểm cho Quỳnh. Dĩ nhiên là Thị Điểm cũng bằng lòng vì mến
tài Quỳnh!
Thật là một đôi
trai tài gái sắc mà lại còn giỏi văn chương, chữ nghĩa. Riêng về phần văn
chương, Thị Điểm có phần lấn lướt Quỳnh! Chẳng hạn như một hôm Quỳnh đi chơi về
đến cổng bị chó cắn nên phải leo lên cây cậy. (Cậy là một loại cây thân gỗ thường
được trồng ở miền Trung Du Bắc Việt)
Thị Điểm cầm roi ra
đuổi chó nhưng với điều kiện phải đối đáp được câu “Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, dái đỏ hồng hồng”. Quỳnh ta không
đáp được, không biết có phải vì mắc cở hay sợ quá nên văn chương lạc mất. Đành
phải chờ đến chiều tối mới dám tụt xuống!
Một hôm Thị Điểm
đang tắm, Quỳnh cứ ngấp nghé nhìn trộm. Thị Điểm bèn ra câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” (bì bạch tức là da
trắng) nếu đối được sẽ mở của cho
nhìn thỏa thích. Một lần nữa, Quỳnh ú ớ không sao đối lại được!
Vừa tức, vừa thẹn
nên Quỳnh nhủ lòng: “Đã cậy hay chữ như
thế thì ông sẽ làm cho mày lấy phải một ông chồng dốt đặc cán mai!”.
“Sự
tích ông Trạng Quỳnh”, bản in lần thứ nhất
Tác giả Trúc Khê kể
tiếp câu chuyện.
Nói là làm, Trạng Quỳnh bỏ nhà quan Bảng ra đi. Một hôm gặp một
anh thợ cày, xem bộ mặt mũi cũng sáng sủa liền lân la gạ chuyện.
– Anh đã có vợ
chưa? Trông anh mặt mũi khôi ngô thế, sao không đi học?
Anh thợ cày trả lời:
– Thưa ông tôi chưa
có vợ con gì cả, trước cũng theo đòi bút nghiên, hòng kiếm dăm ba chữ, nhưng dốt
quá, nên phải đi cày.
– Thế bây giờ anh
có muốn học hành, đỗ đạt rồi lấy gái quan Bảng không?
– Cảm ơn ông có
lòng thương, tôi chỉ mong kiếm dăm ba chữ để xem văn tự, giấy má mà cũng không
được, dám nói gì đến đỗ đạt. Còn việc lấy con quan Bảng thì đến ông Trạng Quỳnh
cũng còn chưa chắc, huống chi tôi.
Quỳnh liền dỗ dành:
– Anh đừng ngại,
quan Bảng trước thấy Quỳnh hay chữ, có ý nhắm chọn Quỳnh làm rể, nhưng sau thấy
Quỳnh hữu tài vô hạnh, nên thôi không gả cho nữa. Quan chỉ muốn kén một chàng rể
nết na, phải chăng thôi, còn văn chương chữ nghĩa thì cứ tàm tạm là được. Tôi
trông anh cũng khôi ngô tuấn tú, nếu chịu khó học ra sẽ dạy cho, dốt mấy học
mãi cũng phải khá. Ta với quan Bảng vừa là tình thầy trò, lại có tình bà con, nếu
anh thuận thì rồi dần dà ta sẽ làm mối cô Điểm cho.
Anh thợ cày nghe Quỳnh
nói bùi tai, mừng lắm, rước Quỳnh về nhà, thết đãi cơm rượu tử tế và để Quỳnh ở
lại dạy mình học.
Quỳnh bảo anh thợ
cày dọn một cái buồng học ở nơi thật kín đáo, cấm tiệt không cho ai vào và
không cho ai biết là có Quỳnh ở đấy. Ngày ngày Quỳnh dạy anh kia nghêu ngao vài
chữ, nhưng về cách đi đứng, ăn nói và chữ viết thì dạy rất cẩn thận. Lại bảo
anh thợ cày sắm hai cái hòm sơn son, án thư ống bút và dăm ba bộ sách cổ, bày ra
nhà ngoài cho có vẻ.
Được ít lâu, Quỳnh
bảo anh thợ cày xin vào tập văn ở trường quan Bảng. Cứ đến kỳ văn thì anh thợ
cày chỉ việc chép lại. Nhờ thế kỳ nào bài của anh thợ cày cũng được đem bình.
Quỳnh lại lập mẹo bảo
anh thợ cày tìm một người bạn học hơi thông thông, đưa về nhà làm bạn học,
nhưng vẫn giấu không cho biết có Quỳnh ở đấy.
Đến kỳ văn sau, Quỳnh
làm hộ cả hai người, rồi cho anh thợ cày chép lại cả. Quan Bảng chấm văn thấy
bài anh bạn kia xưa nay văn lý tầm thường, mà nay lại có nhiều câu trác lạc.
Đem so thì thấy giống hệt nét chữ anh thợ cày, quan Bảng cho gọi anh kia ra hỏi,
thì trước anh ta còn chối, sau phải thú thật là đã nhờ anh thợ cày làm hộ.
Từ đó, quan Bảng
yên chí anh thợ cày là người hay chữ, kể về tài thì cũng xấp xỉ bằng Quỳnh, còn
về hạnh thì ăn đứt Quỳnh, nên đem lòng yêu mến, có phần còn hơn trước kia đã
yêu mến Quỳnh.
Bỗng bẵng đi vài tuần,
anh thợ cày không đến trường tập văn nữa. Sau đó lại nghe tin đồn là anh ta nghỉ
học để rục rịch đi dạm vợ. Quan Bảng nghe tin ấy, vội vàng bắn tin gả con gái
cho.
Quỳnh biết quan Bảng
đã mắc mưu, liền bảo bố mẹ anh thợ cày đem lễ đến hỏi. Quả nhiên cả quan Bảng
và Thị Điểm đều bằng lòng. Quỳnh xui anh thợ cày xin cưới ngay, kẻo để lâu sợ vỡ
chuyện.
Sắp đến ngày cưới,
Quỳnh bảo anh thợ cày đem cày cuốc cưa thành từng đoạn, đem bỏ vào hai hòm sơn
khóa lại. Xong rồi Quỳnh cắp nón ra đi. Trước khi đi, Quỳnh dặn học trò:
“Ta có việc cần, phải đi xa độ vài tháng, nên
không dự đám cưới anh được. Song ta có vài điều căn dặn, thì anh phải nhớ lấy
chớ quên: Khi cưới vợ về thì phải lập mặt nghiêm, nếu nàng có dở văn chương chữ
nghĩa ra thì tìm cách gạt đi, nếu không lòi chuôi “dốt” ra thì khốn!
Anh thợ cày vâng dạ.
Thị Điểm từ ngày về
nhà chồng, thấy chồng nghiêm quá nên cũng không dám đả động gì đến chuyện văn
chương phú lục. Nhưng cô ta rất lấy làm lạ là ngày nào chồng cũng chỉ xem đi
xem lại có một bộ cổ văn, còn ngoại giả không thấy có sách vở gì khác nữa, nên
trong lòng đã sinh nghi. Lại đôi ba lần, Thị Điểm làm thơ đưa cho chồng họa,
nhưng chồng chỉ liếc mắt xem qua rồi lờ đi.
Một hôm, nhân chồng
đi vắng. Thị Điểm mới cạy đôi hòm son ra xem thì chỉ thấy cày cuốc cưa vụn từng
khúc vất lổng chổng ở trong đó. Ngay lúc ấy chồng về, Thị Điểm tra hỏi duyên do,
anh ta đành phải thú thực đầu đuôi.
Thị Điểm lúc đó mới
ngả ngửa người ra, biết là đã mắc mưu Quỳnh, nhưng trót vì tay đã nhúng chàm,
đành phải đóng cửa dạy chồng học.
Rồi một hôm tự
nhiên thấy Quỳnh trở lại, vừa cười vừa hỏi Thị Điểm:
– Đã biết tay Trạng
Quỳnh chưa? Còn nhớ câu “… long vẫn hoàn long” nữa không?
Thị Điểm đành xin lỗi,
còn anh thợ cày từ đấy mới biết thầy học mình đích thị là Trạng Quỳnh.
***
Chuyện tình của ông
Trạng Quỳnh và bà Đoàn Thị Điểm xin chấm dứt ở đây. Tác giả Trúc Khê viết từ
năm 1930, không biết thời buổi ngày nay việc trả thù có còn được lập lại với
phiên bản mới 2020 không nữa?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét