Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Những vần thơ… ít chữ


Hồi xưa, ngày còn ngồi ở lớp tiểu học, những “cụ ông, cụ bà” chắc hẳn vẫn còn nhớ những bài học thuộc lòng bên cạnh những bài tập đọc. Tập đọc thì dài nên ít ai nhớ nhưng bài học thuộc lòng thì đến giờ đã đi vào tâm trí của những người hiện đang bước vào tuổi gần đất xa trời.

Bài học thuộc lòng thuờng được soạn thành những đoản thơ có vần điệu nên dễ đi vào trí nhớ non nớt của học trò. Chẳng hạn như bài về chữ quốc ngữ, chỉ là những vần thơ đơn giản với từng ba chữ một câu:

“Sách quốc ngữ,
Chữ nước ta.
Con cái nhà,
Đều phải học.

Miệng thì đọc,
Tai thì nghe.
Đừng ngủ nhè,
Chớ láu táu…”

Ít ai biết đó là bài “Lên sáu” của thi sĩ Tản Đà, được viết từ năm 1919. “Bài thơ ba chữ” rất dài nhưng học trò chỉ cần thuộc lòng những câu mở đầu là đủ biết tầm quan trọng của chữ quốc ngữ. Giáo dục ngày xưa là vậy: không cần đưa ra những triết lý trừu tượng, khó hiểu.

Ngay đến cả con chó, một con vật thân thiết với cuộc sống hàng ngày cũng được đưa vào “kho tàng” của những bài học thuộc lòng. Bài này cũng được viết theo thể loại ba chữ, đơn giản và cũng dễ thuộc:

“Nghe tiếng động.
Con chó vàng,
Đã sủa vang,
Tai rất thính”

Sang đến loại “thơ 4 chữ”, chúng tôi còn nhớ mình đã thuộc nằm lòng một bài mang phong cách đồng dao. Bài rất dài nhưng chỉ cần thuộc mấy câu đầu cũng là một sự thành công trong việc dạy trẻ:

“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…”

Còn rất nhiều thứ để “lấy” như lấy nếp, lấy vôi, lấy rá, lấy dao… Tuy nhiên, thiết thực nhất khi trời mưa xuống là để lấy nước uống, lấy ruộng cầy, lấy bát cơm đầy và lấy rơm để đun bếp. Thực tế đó rất dễ đi vào lòng con trẻ khi còn ê a trên ghế nhà trường.

Thời cận đại câu thơ dài hơn với 5 chữ như bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:

“Em không nghe mù thu,
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc:
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?”

Nổi bật hơn cả là bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên được sáng tác giữa bối cảnh giao thời giữ Nho học và Tây học. Ông là một trong những nhà thơ lớp đầu tiên của phong trào Thơ mới, với ý mang  thơ mang niềm hoài cổ. Bài thơ “Ông Đồ” được xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới.

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua…”

Kể lại xuất xứ bài thơ, chính nhà thơ cho hay: khi ấy ở phố Hàng Bồ, Hà Nội có một ông đồ ngồi viết thuê chữ, câu đối cho khách. Hàng Bồ là phố bán hàng xén, có giấy, bút mực. Ông đồ nghèo không có sẵn giấy, chờ lúc khách đến mua chữ, mua câu đối, ông mới vào trong mua giấy.

Mẹ vợ của nhà thơ Vũ Đình Liên có một cửa hàng tạp hóa ở đó và chính vợ ông từng trực tiếp bán giấy cho ông đồ nghèo. Trong hồi tưởng, Vũ Đình Liên cũng hồn nhiên nói rằng nhiều lúc ông nghĩ, nếu ông không “tán tỉnh” và yêu cô hàng xén – về sau trở thành vợ ông – thì chắc gì ông đã để lại cho hậu thế thi phẩm “Ông Đồ” bất hủ!

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay…”

Trong tác phẩm “Thi Nhân Việt Nam”, Hoài Thanh nhận định về Vũ Đình Liên: “Theo đuổi nghề văn, mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ – nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”. Người đọc cũng có thể thấy, dù không mang chủ đề tình ái, bài thơ “Ông Đồ” còn lãng mạn hơn cả rất nhiều vần thơ vinh danh ngợi ca ái tình.

Ông đồ ngày nay

Để chấm dứt bài viết về “Những vần thơ… ít chữ”, chúng ta không thể nào bỏ qua một nhà thơ đương thời chuyên về thể loại thơ “năm chữ”. Đó là một nhà thơ sinh trưởng tại Nghệ An, xứ sở của các “ông đồ xứ Nghệ ngày nào”.

Ông trước đây đã từng là “con cưng của chế độ”, được đi học tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Matscova, Liên Xô từ năm 1967 đến 1974. Về nước, ông dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và sau đó làm biên tập viên nhà xuất bản Lao Động.

Ông còn là Phó chủ tịch Hội đồng Văn học Nước ngoài và là Ủy viên Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Sinh năm 1949, ông về hưu rất sớm nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực văn chương và giáo dục. Người ta biết đến ông qua những “bài thơ năm chữ”, ký tên thật là Thái Bá Tân.

Nhà thơ “năm chữ” Thái Bá Tân

Năm 2012 tôi đã có một bài viết về Thái Bá Tân (*) nên nhân bàn về chuyện thơ thẩn chỉ xin trích dẫn một bài thơ mới của ông với nhan đề “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên”. Bài thơ có đoạn mở đầu như sau:

“Phạm Quỳnh là tên bố
Tên con là Phạm Tuyên
Phạm Quỳnh bị đảng giết
Phạm Tuyên là đảng viên.

Phạm Quỳnh, trí thức lớn
Thượng thư, một quan to
Phạm Tuyên là nhạc sĩ
Viết “Như có Bác Hồ…”.

Phạm Quỳnh (1892-1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu.

Một câu nói nổi tiếng của ông đến ngày nay vẫn còn được truyền tụng: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Ông cũng là người sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức tại Hà Nội.

Ông bị Việt Minh bắt giam ngày 23/8/1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế. Sau đó ông bị giết cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi).

Phạm Quỳnh (1892-1945)

Con ruột của ông Phạm Quỳnh là nhạc sĩ Phạm Tuyên, sinh năm 1930. Ông là cựu Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, và cũng là tác giả của bài hát "Như có Bác trong ngày đại thắng".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Nhà thơ Thái Bá Tân phân tích:

“Mỗi người một nhân cách
Quyền của họ - nhưng tôi
Nếu có bố bị giết
Tôi sẽ thù suốt đời.

Hèn yếu, không dám chống
Thì ở ẩn, lặng thinh
Chứ không chịu hợp tác
Với kẻ giết cha mình.

Lại càng không viết nhạc
Ca ngợi kiểu bốc đồng
Không thèm nhận giải thưởng
Thế đấy, dứt khoát không!”

Bài thơ “Phạm Quỳnh, Phạm Tuyên” được tác giả kết thúc bằng một đoạn “ngũ ngôn tứ tuyệt”:

“Là con dân Đại Việt
Tôi tu thân, tề gia
Quyết không để lý tưởng
Xếp cao hơn mẹ cha.”

***

Chú thích:

(*) Tham khảo thêm bài viết Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ tại


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts