“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
…
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
(Thanh Tịnh)
Hôm nay là ngày khai giảng niên khóa
2022-2023 nhưng sao bỗng thấy chạnh lòng khi đọc tin Quận Hoàng Mai, Hà Nội, vừa
tổ chức để phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi tại Trường mầm non Hoàng
Liệt năm học 2022-2023.
Phiếu trúng tuyển có dòng chữ: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” và phiếu không trúng tuyển ghi: “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.
Đọc tin mà thấy xót xa. Vô mầm non mà còn
căng thẳng hơn thi đại học. Phụ huynh giờ đây không chỉ chịu áp lực trong việc
nuôi con khôn lớn mà còn phải vật lộn với việc tìm một cơ sở giáo dục cho các
bé! Mong đơn vị quản lý giáo dục sớm tìm được giải pháp.
Giáo dục là nền tảng cho mọi sự phát triển
mà phải bốc thăm may rủi thế này ư? Rồi với những gia đình có thu nhập thấp,
không đủ điều kiện gửi trẻ ở trường tư thì chẳng lẽ cho các cháu ở nhà hay sao.
Nghĩ mà buồn!
***
Đọc lại “Tôi
đi học” của nhà văn Thanh Tịnh sau khi ra đời năm 1941 truyện ngắn vẫn mãi
lay động lòng người. Ông đã sống mãi cùng bao thế hệ học trò Việt Nam, những
câu văn trong truyện đã được trích dẫn và truyền tụng quá nhiều trong việc ca
ngợi buổi đi học đầu tiên trong ngày tựu trường.
Nhà văn và cũng là nhà giáo Thanh Tịnh
(1911-1988), người xóm Gia Lạc, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế. Nhà văn
Huy Cận, kém Thanh Tịnh 8 tuổi, cũng có những kỷ niệm của những ngày đi học:
“Tôi còn nhớ mấy ngày đầu đến nhà bác Thự, tôi lười học, cứ trốn về nhà. Sau đó mẹ tôi và chú tôi phải trói tôi lại, gánh tôi bằng một cây tre như gánh lợn đi chợ, mẹ đi trước, chú đi sau, đến giao cho bác Thự…”
Nhà văn Thế Lữ trong Tự lực Văn đoàn, người hơn Thanh Tịnh 4 tuổi, cũng kể chuyện đi học như một “hình phạt”:
“Lên tám tuổi, tôi học chữ nho. Tôi sợ phải đòn, trốn học, thầy đồ sai học sinh, có khi trói tay trói chân tôi, cho đòn càn gánh về. Tôi càng sợ. Mười tuổi mới học quốc ngữ với ông bác họ. Ông ít đánh…”
Cái cảnh “tôi đi học ” còn được thấy trong các sách tập đọc tiếng Pháp thông dụng tại các trường Cao đẳng tiểu học thời Thanh Tịnh, như một đoạn trích văn Anatole France (1844-1924), giải Nobel năm 1921. Từ tập truyện “Cuốn sách của bạn tôi” (Le Livre de mon ami, 1885), ông viết:
“Tôi sẽ kể cho các bạn nghe, hằng năm tôi nhớ lại những gì, với bầu trời thu vần vũ, những bữa cơm chiều bắt đầu phải lên đèn, và lá úa vàng trên cành cây run rẩy; tôi sẽ kể bạn nghe, tôi thấy lại những gì khi đi ngang công viên Lục Xâm Bảo, những ngày đầu tháng mười, bầu trời buồn và đẹp hơn bao giờ hết; vì đây là mùa lá rụng từng chiếc trên vai những pho tượng trắng hếu. Tôi thấy lại, trong công viên, hình ảnh chú bé con, tay thọc túi quần, lưng đeo túi sách, đi đến trường, nhảy nhót chân chim…”
Đi học ngày xưa là như thế. Tuổi nhỏ ham
chơi nên việc đi học đôi lúc lại trở thành một “cực hình” đối với học trò!
Thế mà ngày nay, đi học dù chỉ là mẫu giáo đã biến thành một cuộc “xổ số”, không hơn không kém!
***
http://xuandienhannom.blogspot.com/.../toi-i-hoc-thanh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét