Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội

Theo niên trưởng (Đại úy) Phạm Hữu Khoát, Chỉ huy trưởng đầu tiên của Trường Sinh ngữ Quân đội (lúc đó là Trường Anh ngữ Bộ Tổng tham mưu), anh được giao nhiệm vụ thành lập trường vào ngày 18/6/1956 với mục đích huấn luyện Anh ngữ cho các quân nhân VNCH để chuẩn bị đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ. Cũng trong thời gian này, một số sĩ quan giảng viên đầu tiên cũng đã được biệt phái về trường để phụ trách việc giảng huấn như các anh Nguyễn Thọ Ðan, Nguyễn Tuấn Kiệt, Hồ Quy Chánh và Nguyễn Văn Ngôi (Sĩ quan Hành chánh).

Trong thời đầu, danh xưng của trường là Trường Anh ngữ, rồi được biết đến qua tên Trường Anh ngữ Quân sự (Armed Forces English Language School) và sau cùng được đổi thành Trường Sinh ngữ Quân đội (Armed Forces Language School) cho đến ngày 30/4/1975. Trường cũng 3 lần thay đổi chỉ huy trưởng, từ Đại úy Phạm Hữu Khoát đến Thiếu tá Phan Thông Tràng và sau cùng là Trung tá Huỳnh Vĩnh Lại.

Từ đầu năm 1957, Trường Anh ngữ Quân đội có mở thêm lớp dành cho sĩ quan cao cấp chuẩn bị đi tu nghiệp tại Trường Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth. Trong số đó có nhiều vị tướng lãnh trong quân đội VNCH đã theo học qua lớp này như các Tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Minh, Lê Văn Kim, Trần Ngọc Tâm, Thái Quang Hoàng, Vĩnh Lộc, Mai Hữu Xuân, Hoàng Xuân Lãm, Lữ Lan, Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Ngọc Lễ, Dương Ngọc Lắm, Trương Quang Ân…

Trường Sinh ngữ Quân đội, 
trụ sở chính trong Bộ Tổng Tham Mưu

Thời quân ngũ của tôi bắt đầu và kết thúc với một đơn vị duy nhất là Trường Sinh ngữ Quân đội (TSNQĐ). Trong suốt thời gian kể từ khi tốt nghiệp Thủ Đức năm 1969 cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ năm 1975, tôi đã gắn bó với công việc giảng dạy tiếng Anh cho quân nhân được các đơn vị cử về trường từ khắp 4 vùng chiến thuật. Tại đây, họ học tiếng Anh để chuẩn bị cho những chương trình du học chuyên ngành tại Hoa Kỳ trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, một cuộc rút quân ‘từng bước’ của Mỹ ra khỏi Việt Nam. 

Trong lúc tôi sửa soạn mãn khóa 4/68, TSNQĐ có cử phái đoàn lên Thủ Đức tuyển giảng viên. Trong toán khảo thí có các anh Đinh Trọng Đại và Nguyễn Hữu Phú, khi đó còn là thiếu úy. Khi về trường tôi mới biết đây là hai nhân vật ‘quan trọng’ của TSNQĐ.

Anh Đại, bạn bè quen gọi là ‘Chị’ Đại, vì dáng người ẻo lả, giọng nói nhiều nữ tính nhưng bù lại anh rất nghiêm khắc cả với các giảng viên lẫn khóa sinh. Anh được cất nhắc vào ban khảo thí là điều dễ hiểu vì bản tính rất ‘rếch-lô’, làm việc theo công tâm, đặt lý trí trên tình cảm. Sau ngày Sài Gòn thất thủ, anh Đại vẫn ở lại Việt Nam và cho đến giờ, theo tôi biết, anh vẫn ‘phòng không chiếc bóng’!

Người thứ hai trong toán khảo thí của TSNQĐ là anh Nguyễn Hữu Phú, bạn bè thường gọi anh qua nick name Phú ‘Già’. Tính anh thâm trầm, ít nói nhưng lúc nào trên môi anh cũng có nụ cười mỉm chi, ai muốn hiểu sao thì hiểu!

Tôi còn nhớ, có một dạo nhóm giảng viên trẻ chúng tôi rất mê chơi scrabble, một dạng game thuộc loại crossword như kiểu chơi ô chữ. Anh Phú không chơi nhưng thường xuất hiện ở bàn scrabble, đi vòng vòng, gật gù mỗi khi xuất hiện chữ lạ. Chỉ những lúc căng thẳng anh mới góp ý đúng-sai về những chữ lạ như một… trọng tài. Anh là ‘vua’ ECL (English Comprehensive Level) của trường vì form thi nào từ Mỹ mới gửi qua anh cũng đạt điểm tối đa, khoảng 98-100.
     
ECL là loại thi trắc nghiệm tiếng Anh do Viện Ngữ học Quốc phòng Hoa Kỳ (U.S. Defense Language Institute - DLI) soạn thảo. Mỗi đề thi có 100 câu hỏi bao gồm các phần grammar, vocabulary, conversation… Thí sinh phải nghe băng và đánh dấu câu trả lời a, b, c, d trên booklet đi kèm. Điểm tối đa là 100 và tiêu chuẩn để được ban khảo thí chấm đậu để về làm giảng viên TSNQĐ là từ 80 điểm trở lên.

Tôi ghi tên dự thi và kết qủa là khóa 4/68 có 6 sinh viên sĩ quan được tuyển thẳng từ Thủ Đức về TSNQĐ gồm Nguyễn Công Sang, Nguyễn Cường Nam, Hồ Hới, Lương Tô, Trương Bác Chí và Nguyễn Ngọc Chính.

Nguyễn Công Sang người Long Xuyên, một điển hình của ‘công tử Bạc Liêu’, đẹp trai, vui tính, ưa pha trò. Ở Sang, tôi còn nhớ câu khôi hài: “Thank you lấy cái siêu sắc thuốc, Goodbye lấy cái chai đựng rượu” và “Phan cao, phán sẻ” (tiếng Quảng Đông có nghĩa là đi tắm, đi ngủ). Khi học khóa English Language Instructor Course tại Lackland, San Antonio, Texas năm 1971, Sang là roomate của tôi trong suốt 6 tháng. Sang hiện ở Montreal, Canada và chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc email với nhau. (*)

Với Nguyễn Công Sang
tại Lackland, Texas năm 1971

Nguyễn Cuờng Nam, người Bắc di cư, dáng người nhỏ bé, anh em gọi đùa là Nguyễn Cường “Dâm”. Tên gọi này không phản ảnh tính tình của Nam nhưng tại hai chữ Cường Nam hơi giông giống ‘cường dâm’ nên thành chết tên. Sau này Nam phụ trách quân tiếp vụ ở trường nên thêm một cái tên mới là ‘Nam Gạo’. 

Nam hiện cũng ở Mỹ, tôi có gửi mail cho Nam mời xem hình cũ trên Flickr, Nam tâm sự: “Giờ này mà ông còn giữ được nhũng tấm hình này! Phục Ông thật. Tui thì môt mảnh giấy cũng không còn. Chúng xét nhà tịch thu hết”. Nam ‘Gạo’ bây giờ còn kiêm nhiệm chức vụ ‘tay hòm chìa khóa’ của hội ái hữu TSNQĐ tại Hoa Kỳ.

Hồ Hới người Quảng Bình nhưng vào miền Nam đã lâu và là anh em cột chèo với Đặng Thông Phong, một trong những bậc thầy về Aikido thời đó. Hới vốn tu xuất. Người ta thường nói, đã đi tu mà xuất nửa chừng thường là những người không bình thường! Hới thuộc lọai không bình thường về mặt sex, luôn bị obsess về sex, biểu hiện qua những cụm từ thuộc loại ‘khẩu dâm’ như ‘Cử nhân… âm hộ học’…

Hồ Hới hiện sống tại Mỹ và có một lần về lại Việt Nam. Hới sau năm 1975 là một người phải đương đầu với bệnh già nhưng vẫn giữ nguyên giọng khôi hài ngày nào: “Tao nghe nói chơi kiểu chó sẽ đẻ con trai, mà linh nghiệm thật, tao có con trai sau một thời gian làm doggy style!”. Hồi còn ở Việt Nam, có lần Hới kể lại chuyện mướn phòng ngủ với bồ, “hai đứa làm đủ các kiểu suốt một ngày”. Đúng là tu xuất! 
  
Với Hồ Hới
tại Lackland, Texas năm 1971

Lương Tô người Việt gốc Hoa với giọng nói đặc sệt tiếng Tàu. Thậm chí nói tiếng Anh cũng theo Chinese accent: ‘chicken noodle’ Tô đọc là ‘chích cân nút tồ’! Con người hiền lành đó sau này chết trong trại cải tạo Trảng Lớn. Nghe đâu Tô chết vì ‘bội thực’ khi người nhà tiếp tế đồ ăn thăm nuôi. Cũng có người cho biết Lương Tô bị ‘trúng thực’ chứ không phải ‘bội thực’ trong trại cải tạo. Xin thắp một nén nhang lòng để tưởng niệm người bạn đồng khóa vắn số.

Trương Bác Chí cũng là người Tàu, nhưng là gốc người Tàu di cư vào Nam năm 1954. So sánh giữa Lương Tô và Trương Bác Chí tôi thấy người Việt gốc Hoa ở miền Nam tuy tính tình bộc tuệch bộc toạc nhưng lúc nào cũng friendly, ngược lại những người Tàu gốc miền Bắc (dân Móng Cái chẳng hạn) rất thâm trầm, kín đáo.

Trương Bác Chí chỉ ở TSNQĐ đến năm 1971. Nhân chuyến du học Lackland, Chí ở lại Mỹ luôn chứ không về Việt Nam. Hồi đó, bên Mỹ có những nhóm phản chiến sẵn sàng giúp đỡ những người chống chiến tranh Việt Nam bằng cách đưa sang Canada. Trường hợp của Chí, tôi nghĩ chắc có connections với những người ở China Town nên khi đến San Franciso để chuẩn bị về nước thì thay vì bước lên máy bay anh ta chọn giải pháp ở lại Khu phố Tàu. Không biết giờ này Trương Bác Chí sống ra sao?

Họp mặt một số cựu giảng viên TSNQĐ tại Hoa Kỳ

***

Ngày đầu tiên về TSNQĐ chúng tôi - nhóm 6 chuẩn úy vừa tốt nghiệp khóa 4/68 Thủ Đức - có một buổi ra mắt Chỉ huy trưởng Huỳnh Vĩnh Lại, khi đó mới mang cấp bậc Thiếu tá. Tôi còn nhớ câu hỏi của ông: “Các anh về trường tốn hết bao nhiêu?’. Ông hỏi câu này ngụ ý trường tuyển giảng viên theo khả năng, hoàn toàn không có việc lo lót, chạy chọt như đồn đãi. Không biết đối với 5 người bạn đồng khóa ra sao chứ riêng đối với trường hợp của tôi việc chạy chọt về trường là hoàn toàn không có.

Điểm ECL của tôi vào khoảng 89/100 được coi là ‘tạm được’ trong khi tiêu chuẩn để được về TSNQĐ là trên 80. Vào năm 1969, tình hình chiến sự đang căng nên hầu hết các chuẩn úy mới ra trường Thủ Đức đều được đưa về bổ sung cho các đơn vị tác chiến. Các binh chủng dữ dằn như Nhảy dù, Lực lượng Đặc biệt, Biệt động quân, Thủy quân Lục chiến sẵn sàng nhận những sĩ quan tình nguyện. Số còn lại được bổ sung cho các đơn vị Địa phương quân tại các tiểu khu thuộc 4 vùng chiến thuật hoặc nếu có bằng cấp chuyên môn hoặc có bằng COCC (con ông cháu cha) có thể về các đơn vị không tác chiến như Công binh, Truyền tin, Quân nhu, Quân cụ…

Ngay khi được biết kết qủa về TSNQĐ, một số bạn bè trong trung đội khóa sinh đã tấm tắc khen tôi có số ‘đẻ bọc điều’, được về ngay Sài Gòn. Tôi thấy cuộc đời binh nghiệp của mình quá may mắn nếu so với những bạn bè đồng trang lứa phải đương đầu với súng đạn, cái chết kề cận trong gang tấc.

Tin vào số mạng một phần nhưng không phải tự nhiên mà có ‘số sướng’. Nếu không có căn bản Anh ngữ, cuộc đời tôi sẽ đi theo một hướng khác. Chẳng hạn như sẽ chọn đơn bị gần nhà như Sư đoàn 23 Bộ binh hoặc Tiểu khu Đắc Lắc ngay tại Ban Mê Thuột. Nếu theo hướng đó, biết đâu tôi có thể sớm ‘ngồi trên bàn thờ’ và giờ này thì đã… mồ yên, mả đẹp!

Cuộc đời này, nhiều lúc ngồi nghĩ lại mới thấy buồn vui, sướng khổ luôn luôn đan xen nhau. Buồn đó nhưng vui cũng đó. Hết cơn bỉ cực tới thời thái lai. Tôi chính thức đeo phù hiệu ‘quả địa cầu và cuốn sách phía trên có 7 ngôi sao’ sau khi tốt nghiệp Thủ Đức. Đó là phù hiệu của Trường Sinh ngữ Quân đội. Phù hiệu này được gắn trên vai trái của bộ quân phục.

Phù hiệu Trường Sinh ngữ Quân đội

Cơ sở chính của trường nằm trong Bộ tổng tham mưu nhưng tại đây chỉ dạy các khóa sinh thuộc binh chủng bộ binh và lớp hạ sĩ quan thông dịch viên.

Tại số 4 đường Nguyễn Văn Tráng, Quận 1 (ngày nay hình như là cơ sở của Đại học Minh Đức) có một chi nhánh dành cho các sinh viên sĩ quan khóa sinh không quân, và một cơ sở nữa đặt trong đường Đồng Khánh, Chợ Lớn, chuyên huấn luyện hạ sĩ quan và binh sĩ cũng thuộc binh chủng không quân. Sau này trường còn mở thêm chi nhánh tại khách sạn Hoàn Cầu (Mondial) trên đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) dành riêng cho hải quân.

Công việc đầu tiên của nhóm 6 Chuẩn úy khóa 4/68 chúng tôi là dự một khóa học kéo dài chỉ một tuần lễ, được gọi tên là PST (Pre-service Training) do Thiếu Úy Nguyễn Văn Sở, trưởng khoa Anh ngữ phụ trách. Thiếu úy Sở sau này thuyên chuyển về trường Võ bị Quốc gia, anh em trong trường kháo nhau là anh Sở lên Đà Lạt có tương lai hơn ở TSNQĐ. Tôi cũng nghĩ như vậy vì trường Võ bị đã tạo điều kiện để anh tiếp tục con đường học vấn cao hơn nữa tại nước ngoài. 

Sau khóa PST, tôi được phân bổ về chi nhánh Nguyễn Văn Tráng, phụ trách một đại đội khóa sinh không quân chứ chưa được trực tiếp đứng lớp. Công việc quá nhàn nhã, chỉ lo quản lý sinh viên sĩ quan khóa sinh, cắt đặt công tác vệ sinh tầng lầu… Nhưng cũng chính vì nhàn quá cho nên tôi đã bị phạt 4 ngày trọng cấm trong nhà tù Tổng tham mưu!

Chuyện cũng thật đơn giản: tôi được giao phụ trách vệ sinh một tầng lầu trong đó có việc chỉ huy khóa sinh giữa sạch sẽ toilet sao cho không có mùi hôi, ảnh hưởng tới các lớp học! Thật không may, một hôm có một Đại tá quân đội Mỹ đến thăm các lớp học trong khi mùi hôi từ toilet xông ra.

Chỉ huy trưởng, Thiếu tá Huỳnh Vĩnh Lại, bẽ mặt với khách nên trút hết cơn giận lên đầu Chuẩn úy Nguyễn Ngọc Chính… mà giờ đó lại đang đi coi ciné tại rạp Vĩnh Lợi, tôi còn nhớ đó là phim Lady Hamilton! Ngay hôm sau, tôi khăn gói qủa mướp lên xe trực chỉ quân lao trong Tổng tham mưu để thi hành án phạt 4 ngày trọng cấm. Tôi vẫn còn nhớ, ở trong tù, chiếc răng hàm dưới vốn đã lung lay nên cuối cùng bị tôi xuống tay nhổ béng đi! Thật quá xui xẻo, vừa bị tù lại vừa mất cái răng nhai! Một kỷ niệm khó quên trước khi chính thức trở thành giảng viên!

***

Tài liệu giảng dậy tại TSNQĐ là bộ sách American Language Course (ALC) do Viện Ngữ học Quốc phòng Hoa Kỳ (Defense Language Institute - DLI) soạn thảo. DLI trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, được thành lập từ năm 1963 với trụ sở chính tại Presidio, Monterey, California, ngoài ra còn có các chi nhánh tại Washington D.C; South Carolina (Fort Jackson) và San Antonio, Texas (Lackland Airforce Base).

Phù hiệu
Viện Ngữ học Quốc phòng Hoa Kỳ (DLI)

Bộ sách ALC bao gồm basic course (khóa căn bản) dành cho các khóa sinh có trình độ thấp nhất, họ học các tài liệu đánh số ALC 1100, 1200, 1300 và 1400. Đối với giảng viên chúng tôi, mệt nhất là phải dạy ALC 1100, tài liệu vỡ lòng dành cho những người mới học tiếng Anh. Giảng viên trẻ chúng tôi mỗi khi được giao lớp ALC 1100 đều than là phải “đẩy xe bò”!

Trong môi trường quân đội, việc về Sài Gòn học tiếng Anh được coi như một đặc ân không phải đương đầu với súng đạn nên đa số học viên coi đây là một kỳ nghỉ phép dài hạn. Thời gian học tại trường chỉ mỗi ngày một buổi, phần còn lại trong ngày được tự do cho nên đa số khóa sinh “học thì ít mà chơi thì nhiều”!
    
Sau khi học xong khóa căn bản, khóa sinh sẽ thi ECL, nếu đủ điểm đậu sẽ tiếp tục học tài liệu thuộc trung cấp (intermediate), từ cuốn ALC 2100 đến 2200, 2300 và 2400. Thường thì các sĩ quan và hạ sĩ quan thuộc binh chủng bộ binh học xong trung cấp, khoảng 6 tháng, sẽ chuẩn bị lên đường du học Hoa Kỳ theo các ngành chuyên môn của binh chủng như truyền tin, công binh, quân cụ…

Khi đến Hoa Kỳ, họ tiếp tục học specialized English (tiếng Anh chuyên ngành). Nếu là sinh viên sĩ quan không quân, sau khi học xong tiếng Anh căn bản tại Việt Nam họ sẽ tiếp tục học học bay tại các trung tâm huấn luyện không quân tại Mỹ, nếu là hạ sĩ quan họ sẽ học các ngành chuyên môn như bảo trì phi cơ, radar, không ảnh...

Khác với bộ binh, không quân được ‘ưu ái’ không phải gom ống quần nên lính không quân sợ nhất là phải ‘gom ống quần lội bộ’, một lối nói chỉ việc sa thải từ không quân sang tác chiến ở bộ binh. Không quân có thể coi như ‘lính kiểng’, chỉ quanh quẩn ở phi trường hay các căn cứ, ít phải đương đầu trực tiếp với chiến tranh – trừ khi phi trường bị pháo kích hay tấn công.

Thế cho nên, nhiều thanh niên có bằng cấp nhưng vẫn đăng lính không quân chứ không vào Thủ Đức để đeo lon chuẩn úy bộ binh, dễ leo lên bàn thờ! Nhà văn Dương Hùng Cường (Dê húc càn trong Buồn vui phi trường) hay Nguyễn Thụy Long (Loan mắt nhung, Kinh nước đen) là những thí dụ điển hình trong trường hợp này.

TSNQĐ cũng giảng dậy tiếng Anh cho hải quân, thường thì họ có nhiệm vụ tiếp quản các tàu hải quân nhỏ của quân đội Mỹ hoặc thực tập tại Đệ thất Hạm đội. Thủy thủ là đám lính lè phè nhất trong quân đội. Mặc quần jeans ống loe, đầu đội mũ giống như Tam Tạng khi đi thỉnh kinh nên thường được gọi là… lính Tam Tạng. Tuy nhiên, sĩ quan hải quân có bộ đồ vía thật sang trọng trong các buổi lễ lạc. Họ có thể coi như thành phần ‘trí thức’ nhất trong quân đội VNCH.


Ban văn nghệ TSNQĐ
(với sự tham gia của ca sĩ Julie Quang & Hải Lý)

Ngoài ra việc dạy tiếng Anh, TSNQĐ còn có Ban Việt Ngữ, dạy tiếng Việt cho quân đội của các nước tham chiến tại Việt Nam như Hoa Kỳ, Úc, Đại Hàn, Philipin, Thái Lan… Tuy nhiên, số khóa sinh thuộc nhóm này học tại TSNQĐ rất ít vì mỗi nước đều có khóa dậy tiếng Việt riêng, nhiều khi họ học tiếng Việt từ trong nước của họ trước khi sang Việt Nam. Cũng vì thế, một số giảng viên Việt ngữ tại trường sau này được gửi đi du học tại Hoa Kỳ để về làm giảng viên tiếng Anh khi số khóa sinh tăng vọt.

Ngoài giảng viên người Việt, TSNQĐ còn tăng cường thêm một số giảng viên người Mỹ tuyển từ các binh chủng hải-lục-không quân. Họ là những quân nhân Mỹ có trình độ văn hóa cao nhưng cũng không loại trừ những trường hợp COCC (con ông cháu cha) được điều về dạy sinh ngữ để tránh những cái chết tại chiến trường Việt Nam. Nghĩ cho cùng, ở xã hội nào cũng vậy. COCC chỉ khác nhau ở mức độ và cách thực hiện tại mỗi quốc gia nhưng tựu chung cũng vẫn phục vụ cho một mục đích cuối cùng: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”!

Điểm khác biệt lớn nhất là giảng viên người Mỹ đi dạy học nhưng lúc nào cũng kè kè khẩu M16 bên mình như để nhắc nhở dù ở Sài Gòn nhưng Việt Nam vẫn đang còn trong tình trạng chiến tranh. Có một giảng viên người Mỹ khá nổi tiếng tại TSNQĐ, chúng tôi vẫn gọi đùa anh ta là Smith ‘Mập’ vì thân hình béo tốt, ục ịch. Smith hình như chỉ thích chơi với giảng viên người Việt, có người bảo anh ta là ‘Pê Đê’ nhưng cũng có tiếng xầm xì anh ta là CIA (Central Intelligence Agency) gài vào trường!

Dù Smith có là gì đi nữa nhưng qua cách ứng xử của một hạ sĩ quan đã chứng tỏ anh là một người bạn tốt của giảng viên chúng tôi. Tôi còn nhớ, khi căn cứ Long Bình của quân đội Mỹ giải tỏa, không biết bằng cách nào đó Smith đã chở một bàn Shuffle từ Long Bình về trường để giảng viên chơi giải trí.

Cũng như billard, cách chơi shuffle là phải tính ‘ép-phê’, bi nọ đá bi kia, nhưng bi shuffle có hình tròn dẹp chứ không phải là khối hình cầu như billards. Một điểm khác biệt nữa là người chơi shuffle dùng tay để đẩy bi, trong khi billards dùng ‘cơ’ mỗi lần di chuyển bi. Ngày đó có một số bạn trẻ mê bàn shuffle của Smith đem về để ở Phòng giảng viên, những lúc vào giờ ‘coffee break’ (nghỉ giải lao) một số giảng viên tụ tập quanh bàn shuffle để giải trí.

Tình cảm của Smith dành cho giảng viên người Việt không chỉ giới hạn trong thời gian ở Việt Nam mà còn được thể hiện sau khi anh về Mỹ. Số là TSNQĐ lúc nào cũng gửi giảng viên sang tu nghiệp tại căn cứ không quân Lackland (Lackland AFB), thành phố San Antonio, thuộc tiểu bang Texas. Smith đã không quản ngại đường xá xa xôi, lái xe đến Lackland chỉ để thăm hỏi những người bạn cũ. Thật cảm động trước tình cảm chân thành của một người bạn Mỹ.

Chương trình Giảng viên Thi đua Cải tiến của TSNQĐ

Riêng tôi cũng có một người bạn Mỹ, cũng thuộc loại ‘tốt bụng’ như Smith. Khi còn dạy khóa sinh Hải quân tại chi nhánh Mondial trên đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) tôi có quen Tronvig, một giảng viên thuộc Hải quân Mỹ tăng cường cho TSNQĐ.

Năm 1971, tôi đi tu nghiệp tại Lackland nên Tronvig có giới thiệu về gia đình anh sống tại Oakland, rất gần với căn cứ Travis ở San Franciso, nơi tôi ở lại để chờ máy bay đi San Antonio. Tronvig cho số phone của gia đình và dặn thế nào tôi cũng phải ghé thăn nhà anh ở Oakland.

Travis là trạm trung chuyển của quân đội Mỹ, tiếp nhận quân nhân trên các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương để chờ chuyển tiếp các chuyến bay nội địa. Lần đầu tiên xuất ngoại, ngỡ ngàng trước những quang cảnh mới lạ nên tôi điện thoại cho gia đình Tronvig. Chừng nửa giờ sau, hai ông bà Tronvig lái xe đến ngay.

Thật đáng ngạc nhiên, họ thân mật như thể đã quen biết với tôi từ lâu. Họ đưa tôi về nhà rồi sau đó lái xe chở tôi đi khắp thành phố San Francisco đến xẩm tối mới về lại Travis để sáng hôm sau đáp chuyến bay đi San Antonio. Tôi trở lại Hoa Kỳ lần thứ hai vào năm 1973 và gia đình Tronvig là một trong những địa chỉ thân thuộc đối với tôi trong những ngày xa xứ.

Người phương Đông thường nghĩ ở Phương Tây người ta thường thiên về lối sống cá nhân. Họ lạnh lùng ngoài đường phố nhưng một khi bạn hòa nhập vào thế giới riêng tư của họ, bạn sẽ khám phá một sự cởi mở đến độ bất ngờ. Tôi sẽ còn nhớ mãi cảm tưởng đầu tiên khi đặt chân lên đất Mỹ qua gia đình Tronvig dù họ chỉ là một góc cạnh nhỏ bé của cuộc sống Hoa Kỳ.

***

(*): Sau khi post bài này trên Multiply, Nguyễn Công Sang gửi email cho tác giả:

Chính ơi!
Tôi cư-ngụ tại Montreal, Quebec, Canada từ tháng 1-1980 đến nay.
Tôi vẫn nhớ những kỷ-niệm mình ở Lackland. Cái cassette với tiếng đàn guitar Chính đệm cho tôi hát bài "Oui devant Dieu" để tặng vợ tôi nhân kỷ-niệm 2 năm ngày cưới của chúng tôi vào tháng 11-1971, tôi vẫn còn giữ đây. Mỗi lần nghe là tôi nhớ đến người bạn hiền-lành dễ-thương năm nào.
Thân,
Sang

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)  
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

2 Comments on Multiply

chauxuannguyen wrote on Nov 11, '10, edited on Nov 11, '10
Chào anh Nguyen Ngoc Chinh,
Theo dõi những chapters hồi ký của anh rất thích thú. An interesting live second to none,
Thanks for posting them,
Thân ái,
Chau Xuan Nguyen
Tôi thì nhỏ hơn anh nhiều (sanh năm 1956)

nguyenngocchinh wrote on Nov 11, '10
chauxuannguyen said “Theo dõi những chapters hồi ký của anh rất thích thú. An interesting lives second to none,
Thanks for your kind compliments, chauxuannguyen.

4 nhận xét:

  1. Khi bài viết này được đăng trên Blog Yahoo dưới tên Người Sài Gòn, tác giả đã nhận được một số phản hồi:

    + Nguyen 15:54 28 thg 11 2012
    Cháu chào bác Chính,
    Cháu đọc Hồi ức một đời người của Bác. Chương Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn đặc biệt gây cho cháu ấn tượng...cháu ấn tượng vì Bố cháu cũng từng là Giảng viên trường này.
    Bố cháu tên Đoàn Trọng Thu. Vào Thủ Đức khoảng 68-69. Về Trường SNQĐ khoảng năm 69. Đến năm 1971, thay vì đi Mỹ, bố cháu xin về dạy học, vì Bố cháu gốc giáo chức.
    Cháu mạo muội ghi mấy dòng này gửi Bác, mong Bác giúp cháu , nếu Bác có thông tin, để cháu tìm thêm thông tin về một quãng thời gian trong cuộc đời Bố cháu.
    Bố cháu mất đột ngột năm 2007, nên cháu không kịp lưu giữ các thông tin cần thiết.
    Đoàn Hồng Nguyên

    + Nguyen 21:51 18 thg 1 2012
    Con chào bác Chính, Thật may là bác cũng biết ba con. Năm 1974, ba con bị chuyển ra Phù Cát, Quy Nhơn và đến tháng 04/1975 thì mất liên lạc với gia đình..Con cũng đã liên lạc được với bác Bùi Trọng Kính để xem có biết thêm gì không. Thật tiếc là bác Kính sau khi trao đổi với bác Hỷ cũng không rõ thêm được là bao. Sau này, con cũng đã liên hệ với bác Tiep ở Hoa Kỳ, nhưng có lẽ là sau khi ba con chuyển đi Phù Cát thì các đồng nghiệp ở đơn vị cũ cũng bặt tin luôn. Đến lúc này, gia đình kết luận có lẽ ba con đã mất trong lúc miền Trung thất thủ hoặc trong trại tù của Cộng sản.
    Nguyễn Huy Thông

    + Một số ý kiến:

    * Trọng Kim Nguyễn (USA): … Hồi ức về Trường Sinh ngữ Quân đội đọc thấy thích thú lắm. Tuy nhiên có vài chi tiết hay sự kiện mà tôi biết về hai nhân vật của trường.
    Người thứ nhất: Anh Lương Tô, chết ở Kà Tum chứ không phải ở Trảng Lớn. Anh Tô ở đội khác dội của tôi. Nghe nói trong thời gian cải tạo anh Tô tập luyện một loại hít thở cổ truyền của người Trung Hoa (an ancient Chinese breathing technique) có tên gọi đặc biệt mà tôi không nhớ tên. Anh Tô chết vì bị “tẩu hỏa nhập ma” trong lúc tập, bị bệnh sau đó và chết chứ không phải chết vì bị “bội thực”. Đó là những gì tôi biết về vụ này.

    Người thứ hai: Anh Trương Bác Chí học khóa Giảng viên Anh ngữ ở DLI tại Lackland, Texas với tôi từ 1.1971 đến 11.1971. Nhóm tôi gồm có những sĩ quan khác như Phạm Ngọc Bích, Dan Hoài Lân, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Phương Toàn, etc… Sau khóa học chúng tôi check in tại YMCA ở San Francisco và ở chơi khoảng 1 tuần mới trở về VN. Nhưng ngày chúng tôi ra phi trường San Francisco thì không có mặt anh Chí.

    + Người Sài Gòn 09:14 21 thg 8 2010
    Khi bài viết này được post trên blog, một số bạn bè cũ ở TSNQĐ đã comment qua mail:

    * Nguyễn Văn Thông(USA: Mày còn giữ khá nhiều hình ảnh và taì liệu. Hay thật. Thằng Sang hiện ở Canada, kg phải ở Mỹ.

    * Nguyễn Cường Nam(USA): Hay quá Ông ơi. Phục Ông thật. Theo bài của Ông, tôi xin Phúc Đáp rằng Tôi cũng chẳng nạp 1 xu nhỏ nào để về TSNQD, (chắc là nhờ giỏi, đạt ECL cao -- CHẢNH!!!!! ). Về trường rồi, ai cũng thấy Nam Gạo là thằng Nghèo nhất trường mà. Còn bằng COCC thì trong gia tộc tôi, có lẽ tôi là Sĩ Quan trong QLVNCH cao cấp nhất.

    * Văn Hùng Đốc (USA): Bài viết kèm hình ảnh về Trường SNQĐ đầy kỷ niệm và ấn tượng. Moa đọc chậm chậm, từ từ sợ... chóng hết, thế mà vẫn bị hụt hẫng. Moa đâu có biết khóa toa có cả Nam Gạo vừa lái xe từ San Francisco xuống Phước Lộc Thọ Nam Cali chỉ để đãi moa và Đỗ Văn Kiên tô mì. Viết thêm nữa đi. Hay và hấp dẫn lắm! Merci beaucoup!

    Trả lờiXóa
  2. Đoàn Trọng Hiếulúc 21:43 19 tháng 11, 2013

    Kính anh Chính.
    Tình cờ đọc được bài này mới được biết quý anh cũng thuộc K4/68. Nguyễn Công Sang thủ kỳ của ĐĐ44 tôi vẫn còn nhớ. Tôi thuộc ĐĐ42. Mấy năm nay anh em 4/68 ( Thủ Đức và Đồng Đế)cứ hai năm vẫn tổ chức hội ngộ một lần tại Nam Cali, năm tới 2014 đang được chuẩn bị sẽ tổ chức vào tháng 7. Mong gặp quý anh, địa chỉ email của tôi .
    BĐQ Đoàn Trọng Hiếu

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ-huy-trưởng TSNQĐ có hơn ba ngườilúc 10:26 31 tháng 7, 2016

    Kính anh Chính:
    Xin đính-chánh là TSNQĐ có nhiều hơn 3 Chỉ-huy-trưởng như anh đề-cập ở trên. Tôi thuộc khóa 8/68 Đồng-đế (về trường với Đỗ-như-Khoa),năm 1974 thi đậu vào CH/QGHC khóa 10 nên giải-ngủ. Lúc tôi còn ở đó,Trung-tá La-văn-Trường đã thay-thế ĐT Huỳnh-vĩnh-Lại, sau đó Trung-tá Trịnh-đình-Phi thay ông Trường cho đến 75. Tôi hiện ở San Diego, đã về hưu sau khi hành nghề CPA hơn 20 năm và dạy KT/TC ở ĐH 16 năm (có bằng TS/QTKD-Doctor of Business Administration).
    lamle92@hotmail.com - Cell (760) 717-7225 Thân ái. Lâm Lê.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như thông tin của anh... Tr/tá TĐPhi về thay Đai tá HV Lại... lúc đó tôi đã biệt phái về Tổng cục Quân huấn nên có phần thiết sót khi không nhắc đến Trung tá Phi...

      Xóa

Popular posts