Tôi dùng chữ "đã từng" vì tưởng như thế là yên thân với
‘mồ yên mả đẹp’ nhưng có ai ngờ lại phải bốc mộ đi dời để biến nghĩa trang Mạc
Đĩnh Chi thành công viên Lê Văn Tám ngày nay.
Nghĩa trang MĐC và bức tường rào phía đường Hiền Vương
(nay là Võ Thị
Sáu)
Nhân đây cũng nên
nói qua về nhân vật được ca tụng là ‘tuổi
trẻ anh hùng’, ‘ngọn đuốc sống’
Lê Văn Tám theo sách giáo khoa hiện đang sử dụng trong hệ thống giáo dục ngày
nay.
Ngày 19/10/1945
(?), cậu bé Lê Văn Tám (16 tuổi) đã tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho
xăng Thị Nghè Simon Piétri (?) của thực dân Pháp cách đấy mấy chục mét.
Về câu chuyện anh
hùng này, Phan Huy Lê, giáo sư sử học Đại học Quốc gia Hà Nội, trong bài viết Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám đã
kể lại theo lời dặn của Giáo sư Trần Huy Liệu khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Bộ
Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời:
“Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt
cháy vào khoảng tháng 10/1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong
nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người
tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi [tức GS Trần Huy Liệu – chú thích
của NNC] đã "dựng" lên câu
chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch
cách đấy mấy chục mét”.
Đài BBC đưa tin
và hôm sau bình luận: “Một cậu bé tẩm
xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ
lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng”. Ông
Liệu chắc đã phải tự trách mình vì thiếu cân nhắc về logic nên có chỗ chưa hợp
lý.
Thời Nam Bộ kháng
chiến, có rất nhiều tấm gương hy sinh vì Tổ quốc cho nên ‘dựng’ chuyện thiếu
niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng
Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám có lẽ vì họ Lê Văn rất phổ
biến và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám (?).
Ông Liệu giữ chức
Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời từ ngày 28/8/1945
đến ngày 1/1/1946, rồi Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Cổ động trong Chính phủ liên
hiệp lâm thời từ ngày 1/1/1946 cho đến khi thành lập Chính phủ liên hiệp kháng
chiến tại kỳ họp Quốc hội ngày 2/3/1946. Ông Liệu là một con người rất trung
thực, không muốn để lại một sự ngộ nhận trong lịch sử do mình tạo nên trong một
bối cảnh và yêu cầu bức xúc của cuộc kháng chiến.
Theo GS Lê, ông
Liệu đã căn dặn: “Sau này khi đất nước
yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn
nữa. Trong câu chuyện, GS còn tiên lượng là biết đâu sau này có người đi tìm
tung tích nhân vật Lê Văn Tám hay có người lại tự nhận là hậu duệ của gia đình,
họ hàng người anh hùng. Đây chính là điều lắng đọng sâu nhất trong tâm trí mà
tôi [tức GS Lê – chú thích của NNC]
coi là trách nhiệm đối với GS Trần Huy Liệu đã quá cố và đối với lịch sử”.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Trong loạt bài viết trên báo Sài Gòn
Giải phóng có nêu một số nguồn tham khảo cho biết Lê Văn Tám là một nhân vật có thật.
Theo nhà văn Trần Trọng Tân, với tư liệu Lịch
sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975) của Nhà xuất bản
thành phố Hồ Chí Minh (1994) thì có thể khẳng định kho đạn Thị Nghè đã bị nổ
hai lần vào ngày 17-10-1945 và ngày 8-4-1946. Vụ nổ ngày 17-10-1945 gắn
liền với Cây đuốc sống Lê Văn Tám là
có thực.
Kho đạn hay
kho xăng gần cầu Thị Nghè trong thời gian 1945-1946 đã từng bị cháy đến
hai lần? Lần đầu xảy ra vào ngày 17-10-1945, khi đó thiếu niên Lê Văn Tám, dưới
sự chỉ đạo của Lê Văn Châu, đã đột nhập vào kho đạn, mang theo diêm và xăng.
Khi rút lui, Lê Văn Tám bị dính xăng và bốc cháy như một cây đuốc sống.
Biểu tượng ‘ngọn đuốc sống Lê Văn Tám’ đã được quảng
bá rộng rãi, đi sâu vào tâm thức của mọi người, tiêu biểu cho tinh thần hi sinh
anh dũng, ý chí xả thân vì nước của quân dân trong buổi đầu của Nam kỳ Kháng
chiến chống thực dân Pháp. Một số đường phố, trường học, công viên hiện nay đã
mang tên Lê Văn Tám nhưng tiếc thay vẫn còn nhiều nghi vấn, không biết đó là hư
cấu vì mục đích tuyên truyền hay chuyện có thật.
Bức tượng về ‘ngọn đuốc sống’ trong công viên Lê Văn Tám,
nơi trước đây là Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi
Cũng tại Nghĩa
trang Mạc Đĩnh Chi, tiền thân của công viên Lê Văn Tám ngày nay, vốn được coi
dành riêng cho quân đội Sài Gòn, có đến hàng trăm ngôi mộ chiến sĩ tình báo
‘cách mạng’, ‘binh vận’ từng đóng vai quan chức, quân nhân tư bản của chế độ
Sài Gòn. Khi nằm xuống, họ vẫn mang cái ‘vỏ’ cũ... Thế là dù cách mạng hay phản
cách mạng, những người đã nằm xuống đều có chung ‘thân phận’. Đó là thân phận
của người chết.
Tổng thống Ngô Đình Diệm chết trong thiết vận xa M113
Sau khi bị lực
lượng đảo chính giết vào tháng 11/1963, hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu
được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Áo quan của ông Diệm hình hộp, áo quan
của ông Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích, người thân
của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho
ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu.
Mộ hai ông Ngô
Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt, chỉ có tấm đan bê tông đặt bên trên cao
hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm cho đến 1975, hai ngôi mộ nằm lọt
thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề những ngôi mộ kiên cố.
Quan tài của ông Diệm nằm bên phải,
của ông Nhu bên trái trước khi được chôn
Những kẻ cơ hội
quay lưng với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân cũng ngại đến thăm
viếng vì sợ chính quyền thời đó dòm ngó. Năm 1964, bà Phạm Thị Thân, thân mẫu
của hai ông mất, đám tang thậm chí còn không người đưa tiễn!
Hai ông Ngô Đình
Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín) rất khô
ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể
nhận ra từng người. Đầu hai người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những
vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông
Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do va đập.
Trong thời gian
di dời, có một người phụ nữ tên là Hạnh từ Huế vào, xưng là cháu, nhận thi hài
hai ông Diệm-Nhu và được đem đi cải táng tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa,
Thuận An, Bình Dương). Mộ ông Ngô Đình Cẩn (được chôn tại nghĩa trang sân bay
Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965), và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân
cũng được quy tụ về Lái thiêu.
Trong khu đất
rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô
nằm cùng một dãy. Mộ bà Luxia Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu
hai bên nhưng trên bia chỉ khắc Gioan
Baotixita Huynh (ông anh) và Giacobe
Đệ (ông em). Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn, trên bia có khắc Jean Baptiste Cẩn.
Mộ ông Ngô Đình Diệm
(trên bia khắc tên ‘Gioan Baotixita Huynh’)
Mộ ông Ngô Đình Nhu
(trên bia khắc tên ‘Giacobe Đệ’)
Mộ bà Luxia Phạm Thị Thân
(nằm giữa mộ hai người con, Huynh và Đệ)
Mộ ông Ngô Đình Cẩn
(trên bia chỉ đề Jean Baptiste Cẩn)
Tại Mạc Đĩnh Chi, ngoài mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình
Nhu còn có mộ thân phụ của các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, một số
tướng lĩnh cao nhất, dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cùng hàng nghìn nhân vật
tên tuổi trong chính quyền. Trước năm 1975, một số người vì muốn thân nhân đã
khuất được danh giá, bản thân được chút tiếng tăm, phải cố chạy chọt giành lấy
một khoảnh đất trong Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Một người từng cải táng mộ thân nhân tại nghĩa trang Mạc
Đĩnh Chi vào năm 1983 là bà Thanh Triều. Bà có chồng là sĩ quan VNCH và cháu là
Hồng Ngọc (vợ của ca sĩ Elvis Phương) chôn tại đây. Chồng bà bị tử nạn khi máy
bay rơi trên đường từ Đà Nẵng về Đà Lạt năm 1973. Còn cô cháu Hồng Ngọc mất năm
1970 do tai nạn giao thông.
Bà Triều nhớ lại: "Tôi nhận được thông báo di dời
nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vào đầu tháng 5/1983. Thời gian di dời là 3 tháng.
Nói thật, tôi thấy bàng hoàng, vì khi chôn thì xác định rằng chôn vĩnh viễn.
Nhưng sau, suy nghĩ cạn lý, tôi thấy việc này không đừng được. Nghe đâu mấy ổng
trước [chính phủ Sài Gòn – chú
thích của NNC] đã nhiều lần định làm rồi, nhưng cứ nán lại vì sợ đụng ông
nọ, ông kia".
Bà Triều thuê đội bốc mộ cải táng. Khi cải lên, do chôn
trong kim tĩnh, lại chôn trong vùng đất cao và khô, nên cả hai thi hài vẫn giữ
nguyên hình dạng. Bà cho đem đi thiêu cả hai. Từ đó đến giờ, bà gửi tro cốt
chồng tại chùa Phổ Quang. Bà vẫn thường xuyên lên chùa, hương hỏa cho chồng.
Còn phần tro cốt của Hồng Ngọc đã được ca sĩ Elvis Phương
mang ra nước ngoài để tiện việc thờ cúng. Không biết có chính xác hay không,
theo nhiều người kể lại, trên mộ của Hồng Ngọc tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi hồi
đó, Elvis Phương có khắc dòng chữ “Ngọc
chết rồi Phương chơi với ai?”.
Ca sĩ Elvis Phương trước năm 1975
Trước 75, Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, còn được gọi qua tên Đất thánh Tây, là một khu đất bao bọc
bởi bức tường vôi màu vàng cũ kỹ nằm ngay giữa trung tâm sầm uất của Sài Gòn
xưa. Vì là nghĩa trang của giới quý tộc nên một khoảnh đất nhỏ trong Mạc Đĩnh
Chi có giá bằng cả một gia tài của một người sống giữa đất Sài Gòn.
Mộ bia tại đây thường là những tấm đá cẩm thạch, đá hoa
cương bóng lộn với dòng chữ R.I.P (rest in peace), có những câu đậm mùi triết
lý “Hãy nhớ mình là cát bụi và sẽ trở về
với cát bụi” hoặc “Người sẽ chết
tưởng nhớ người đã chết”... Nghĩa tử là nghĩa tận, ‘người sẽ chết’ đã lo
cho ‘người đã chết’ bằng những mộ phần hào nhoáng trị giá gấp trăm, thậm chí
gấp nghìn lần, những căn nhà ọp ẹp dựng trên bờ kinh nước đen Nhiêu Lộc.
Truy lùng VC tại nghĩa trang MĐC vào Tết Mậu Thân 1968
Công bằng mà nói, việc biến nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi thành
công viên Lê Văn Tám - dù có đụng chạm đến quyền lợi của một số người có thân
nhân nằm trong đó - vẫn là một việc phải làm khi đất đai tại trung tâm thành
phố ngày càng thu hẹp, dân số ngày càng gia tăng.
Chắc hẳn những người đã an nghỉ tại Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi
cũng rộng lòng thông cảm cho lớp hậu duệ ngày nay!
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người – Chương 4: Thời quân ngũ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
***
1 Comment on Multiply
nguoigiaonline
wrote on Oct 16, '10
Đồng ý kết luận của anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét