(Phần 1)
Thế hệ trẻ ngày nay chắc không hiểu “tạp pín lù”, hay “tả pín lù”
là gì. Đó là tên gọi một món ăn được nấu trên lò theo kiểu của người Tầu. Theo
Hán tự, “tả” hay “tạp” là đánh (đánh chén), “pín”
là gần hay kề bên và “lù” là lò lửa
hay… cái củ lao khoét lỗ để bỏ vào vài cục than hồng.
Chiết tự như vậy là có thể đoán đó là món ăn được nấu trong cù
lao. Khi nước dùng sôi, người ta bỏ trong nồi đủ loại “hầm bà lằng” như thịt bò, mề gà, lòng heo, ruột già, ruột non, dồi
trường… Sau này còn thêm tôm, cua, cá… và nếu là lẩu chay, chỉ có các loại nấm
và rau.
Người ăn tự gắp bằng đũa, nhúng vào nước dùng đang sôi, rồi gắp
qua chén mình tùy theo sở thích ăn tái hay chín. Rồi thì bia hay rượu đưa cay
cùng rau sống… miệng ngồm ngoàm thưởng thức. Cũng vì thế, Sài Gòn xưa mới có
món ăn “tả pín lù”, có nghĩa là đủ
các thứ trộn chung một nồi!
Một cù lao thập cẩm
Bài viết này lại không bàn đến chuyện ăn lẩu mà là chuyện đời xưa!
Nhà văn kiêm nhà khảo cổ Vương Hồng Sển viết “Sài Gòn tạp pín lù” năm 1982 để nối tiếp tác phẩm “Saigon năm xưa” được viết từ năm 1960. Hai
tác phẩm được sáng tác qua 2 giai đoạn Trước và Sau 1975.
Theo tác giả, “Sài Gòn tạp
pín lù” còn có thể được gọi là “Sài
Gòn thập cẩm”, “Sài Gòn tào lao” hay
“Sài Gòn ba lăng nhăng” gồm những
chuyện của giới ăn chơi ngày xưa. Truyện dựa theo một bức thư và tập hồi ký cuộc
đời của bà V.A. ở Paris, không đề ngày tháng mà ông nhận được năm 1979. Thư có
đoạn:
“Ông
viết “Sài Gòn năm xưa”, xuất bản đã hai lần, sách biên khảo được vậy là khá,
nhưng tại sao ông bỏ sót không viết đầy đủ về nhóm chị em chúng tôi. Trong sách
ông kể đủ, nào Trần Bá Lộc bợ Tây, bạo tàn, nào Đỗ Hữu Phước bán đứng liệt sĩ
Thủ Khoa Huân, làm giàu trên xương máu đồng bào, nào Sáu Ngọ vua cờ bạc...
nhưng vì sao ông chừa giới ăn chơi, đám công tứ bột, và nhóm giang hồ lưu lạc,
mượn yên hoa son phấn hành nghề? Vâng, nhóm son phấn ẩy, cứ gọi đúng tên, có
chi rằng nhục, có tên để gọi, có chữ để đọc, kêu xách mé hại gì? Hay vì yêu hoa
nhắc đến truỵ lạc, ông sợ nên né tránh?
“Miệng
tụng kinh Di Đà, lòng chứa sẵn một bồ dao găm. Ấy là quân giấu hình, giấu dạng.
Ban ngày ăn tương chao niệm Phật, trời sắp tối, tay cầm chuỗi, tay gõ mõ, mắt
láo liếng xanh khách. Khách xuống xe đi lỏn nhà, nhè nhà kế bên cũng thờ thần
mày trắng bước vô, kinh đọc chữ cà lăm, chữ vấp váp, thà làm nghề nằm ngửa như
bọn tôi mà ít tội hơn. Thế gian truỵ lạc còn nhiều làm sao kể xiết? Xã hội ngày
nay đã dường thế, ông có giấu cũng không xong. Phàm xấu che tốt khoe là thường
lệ, thơm gì đời con đĩ mà thuật ra đây...”
(hết trích)
Bà V.A. nhắc Vương Hồng Sển, “đừng
quên công của chị em chúng tôi”. Từ những năm 1920 đến 1945 ruộng Hậu Giang
nhờ kinh xáng khai thông mà phát, mùa trúng liên tiếp, lúa lại được giá, con
cháu các đại điền chủ đua nhau giỡn với tiền rừng, bạc biển.
Có người, cha chết chưa kịp chôn, đã ăn cắp bằng khoán đi cầm cho “Chà Setty” (chetty) để lấy bạc kịp mua
xe chở em út đi ăn nem hứng gió. Các chủ ruộng có con trai đều háo hức cho sang
Pháp, thi đậu bằng trung cấp, làm nghề “thầy
cãi” (luật sư), “thầy thuốc” (bác
sĩ), “thầy nhổ răng” (nha sĩ)...
Đám khác không học chữ lại học khiêu vũ, nhiếp ảnh, cắt may… về xứ
mở phòng chụp hình như Antoine Giàu, lập nhà may âu phục như Nguyễn Phong Tân.
Đồng bào hại đồng bào thời Nam kỳ quốc, bắt nói “Tân Sơn Nhứt” hễ nói “Nhất”
thì cho chầu Diêm Vương. Họ đều tưởng hưởng lộc Tây lâu dài, té ra vẫn đền mạng
bên Pháp vì tội bán nước, chạy trời không khỏi nắng.
Nhóm ít tiền, cho con ra học trường cao đẳng ở Hà Nội để làm đốc
phủ, đốc sự… mộng làm quan chưa tỉnh, sự nghiệp đã đi đời, kẻ đau tim chết sớm,
kẻ chờ con lãnh sang nước ngoài chờ thời. Con chủ điền muốn xứng danh “công tử bột, phá gia chi tử”, nếu không
có “chị em chúng tôi” tiếp tay, xô đẩy
làm cho cái xã hội ăn chơi đàn đúm trào Pháp mau sụp đổ.
Vì không viết trong “Saigon
năm xưa” nên đám “chị em ta” phải
nhắc. Đừng gọi họ là phá gia chi tử, họ không hư hơn ai kia đâu. Họ có quyền
tung vãi đồng tiền của ông cha làm giàu bằng mồ hồi nước mắt của tá điền… nay bọn
con tá điền trở về báo thù, ấy là quả báo nhãn tiền.
Nếu không có “chị em ta”
quyến rũ thì đồng tiền thất đức của chủ điền vẫn khoá chặt trong tủ sắt, làm
sao lọt tới tay bác tài, chú bếp? Gánh nước làm chi cho đau vai? Ở trong làng lấy
một chồng làm chi để sanh con cực thân? Sức đàn bà có bao lăm và chỉ có làm nghề
không vốn hoạ may mới cất đầu lên được. Không xuống đường làm đĩ để chết rục
trong xó hè à? Thư bà V.A. viết:
“Làm
đĩ có ba bốn đường vả lại có chồng mà còn ăn vụng lại thúi hơn là làm đĩ công
khai. Chúng tôi sanh sống trong những năm 1920-1945, thò bốc trong túi công tử
bột, ăn to xài lớn, tung vãi: đục, khoét, gặm, nhấm, làm đủ mọi cách, xã hội
như nay mới có. Tưởng không nên cười con đĩ và nên chấm công cho gái giang hồ.
Bao nhiêu nước mắt của chị em chúng tôi, nếu có phép nào gom lại được thì sẽ biến
thành “khổ hải” bao la. Bao nhiêu nỗi oan khúc bất công của xã hội đối với chị
em chúng tôi, nếu có phép quy tụ lại thì ắt hoá ra lửa, lửa nầy đủ để đốt bầu
trời nầy tan ra mây khói, và khói nầy sẽ là thiên hồn địa ám, mù mịt còn dày
hơn bên Anh quốc những tháng sa mù, đèn Diogène đâu dễ rọi thấy đường”
“Saigon năm xưa” (1960)
Mãi đến năm 1983 Vương Hồng Sển mới sao lục bức thư và cuốn “nhật
ký” viết theo kiểu “nhớ đâu viết đó”
của bà V.A. để ra thành sách tiếp nối quyển “Saigon
năm xưa”. Chính tác giả thú nhận, giọng văn bình dân của người miền Nam
trong “Sài Gòn tạp pín lù” là lối kể
chuyện lan man, chuyện này xọ qua chuyện nọ, chẳng có một thứ tự nào.
Đầu tiên là chuyện các cô lưu lạc, trốn cha trốn mẹ để bước vào
giang hồ, để được ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa.
“Mỹ
nhơn tự cổ như danh tướng,
Bất
hứa nhơn gian kiến bạch đầu”
(Bà V.A. còn cẩn thận lưu ý tác giả, yêu cầu ông giữ y nguyên văn
lời dịch dưới đây vì đó là ý muốn của một phụ nữ):
“Ngàn
xưa người đẹp như danh tướng,
Không
hẹn cho ai thấy bạc đầu”.
Người đẹp đó có thể là Cô Ba, con thầy thông Chánh, người đã dám
sách súng bắn biện lý Jabouin ở Trà Vinh. Cô Ba chính là người đã được hãng xà
bông Việt Nam in hình trên mỗi viên xà bông bán “đắt như tôm tươi” khắp xứ Nam Kỳ. Lại còn xuất hiện trên con tem
thời Indochine nữa chớ!
Cô Ba xuất hiện trên xà bông Việt
Nam và cả trên tem Indochine
Người đẹp đó cũng là các cô Chánh Bẹt-tăng, cô Hai Đẩu cùng ở Sóc
Trăng. Cô Ba Thọ ở xóm nhà thờ, tuy rỗ hoa mè, nhưng cô Ba có duyên ngầm, cô
không dùng son phấn, để mặt tự nhiên mà lại “hút khách” hơn ai hết.
Chủ tỉnh ở Sóc Trăng hồi đó là Giudicelli, vì có bịnh nghiện hút
nên đường công danh trắc trở nhưng bù lại ông có tài viết văn. Cô Ba Thọ như
cây kiểng để gần bàn đèn cho ông ngắm. Chồng ngày vợ tháng, hai người không xơ
múi gì nhưng cô nhờ ông như “chùm gởi
đóng nhành me”, còn ông bám cô như “thằn
lằn ôm cột cầu”! Thế mà mối tình tương đắc.
Đó là điển hình các cô theo lời bà V.A. kể lại. Về phần tác giả,
Vương Hồng Sển cho rằng đó là những cô nổi danh thời Pháp thuộc, lắm cô chỉ “văn kỳ thinh”, vài cô ông đã được diễm
phúc “kiến kỳ hình”.
Danh sách những người đẹp không sắp theo thứ tự, vả lại mỗi cô có
một sắc thái riêng biệt, biết làm sao sắp xếp cho vừa lòng cả chị lẫn em. Chị
tuy lé nhưng răng đều như hạt dưa, nào thua em, tuy tươi tốt mới mười tám thanh
xuân, nhưng phải nỗi khi đến gần, phảng phất mùi “nị chà”, mất hết cả hứng.
Thôi thì đành dành riêng mỗi người một chiếu và cũng không dám đi
quá sâu, e đụng chạm đến người còn sống, hà tất tranh luận ngôi thứ cho thêm
phiền. Dù chuyện đã lui vào dĩ vãng nhưng tác giả cũng nhớ chừng để tưởng niệm
các cô. Vương Hồng Sển đưa ra một danh sách khá dài:
-
Cô Ba Pho, tộc danh là Lê Thị Ngọc, thánh danh là Rosalie, từng làm chủ một nhà
may đường Sabourain (Tạ Thu Thâu - nay là Lưu Văn Lạng);
-
Cô Tư Ăng lê, không rõ tên gì nhưng mỗi lần đến nhà để “câu cá”, vẫn sóng thu mắt
liếc như dao;
-
Cô Marie Huê, ngồi két nhà bán cơm Việt “Đông Pháp lữ quán” đường Espagne cũ;
-
Cô Ba Cù-là, có giọng khao khao, mỗi lần tôi hỏi mượn tiền, dầu không có, mắt
cô ướt ướt, mũi cô đo đỏ, dẫu tiền không một xu dính túi, cũng phải đào cho ra;
-
Cô Hai Thời, nhà ở ngang nhà hàng cơm Tây ở Đất Hộ (Dakao), cùng một dãy với rạp
chớp bóng nay gọi Rạp Cầu Bông; tôi nhớ địa chỉ rõ, vì cô là kế thất của ông
Bô, thông ngôn toà án Sài Gòn, nhiều người còn nhớ danh, ông Trần Văn Kính;
-
Cô Lucie Bandeau, gọi làm vậy là cô đế dấu tích trên trán, nhỏ thôi, nhưng đế
che vết nầy, cô thường lấy một băng màu [bandeau] che khuất mà thành danh luôn;
-
Cô Chapuis, gọi theo tên chồng, trước ở Cần Thơ, sau lên Sài Gòn, khiêu vũ nghề
riêng ăn đứt không nhường cô gái nhảy Cẩm Nhung sau nầy;
-
Cô Năm Cần Thơ, kết bạn với một vị luật sư quê ở Châu Đốc, cùng đi kháng chiến,
không hiểu vì sao keo tan hồ rã, cô bỏ về và biệt tích luôn ở Sài Gòn;
-
Cô Sáu Hương, em công tử Bích, cả hai vốn con nhà giàu lớn xứ Trà Vinh, đi ăn
chơi theo tiếng gọi trái tim chớ không vì sinh kế;
-
Cô Tư Nhị, trẻ trung và đang độ xuân thì, quê ở Nam Vang xuống;
-
Cô Ba Trà, nõn nà lấn hơn Tư Nhị, và vẫn là địch thủ, giành riêng một công tử [sẽ
nói đến cô này ở phần sau];
-
Cô Bảy Hột Điều, vì khuôn mặt chữ điền, y như “Hột Điều” nay đã khoác áo nâu
sòng vì cô có một sự tích ly kỳ [sẽ nói
đến cô này ở phần sau]
“Sài Gòn tạp pín lù” (1983)
Cuộc đời “hồng nhan đa
truân” của bà V.A. cũng là một thiên tình sử. Vốn xuất thân từ một gia đình
nho phong, lấy đạo đức làm nền, có ngờ đâu khi lưu lạc, xã hội ăn chơi đã biến
bà thành một phụ nữ… “bán trời không văn
tự”. Bất cứ việc gì cũng dám làm.
Đơn giản chỉ vì lòng ham muốn, mê một cây kiềng vàng mà bà đã một
lần thấy trên cổ cô chủ sự vợ Tây đoan! Với số vốn “tự có” chỉ là “Hai quả núi vàng pha núm tuyết / Một khe
hang nước nức mùi hương”… bà đã khiến các công tử phải khuynh gia bại sản.
Tâm hồn bà ngày nay khi viết hồi ký được mô tả là “đục xà ngầu như lu nước sông chưa lóng
phèn”. Tuy vậy, bà vẫn nhớ đền cảnh
u tịch ngày xưa nơi nhà tía má ở Rạch Gầm. “Nhà
lá, cột tràm nhưng nay sao vẫn quý hơn góc lầu ở Paris hoa lệ”. Bà V.A. viết
trong hồi ký:
“Hôm
ấy, tôi đang ngồi giặt áo mé sông trước nhà. Bỗng một chiếc ghe có mui như ghe
thầy cai tổng dùng đi hầu lệ và sơn trắng phếu, chèo ngay lại gần chỗ tôi ngồi
và cặp bến. Vừa ghé xong, thấy hai người lính với một ông Tây nhảy lên bờ và
xăm xăm hướng nhả chú Phó lý, ở thôn trên nhà tía tôi một đỗi.
“Thôi
rồi, tôi biết nhà chú Phó lý thường đặt rượu lậu, vì tía tôi hay sai tôi đến đó
mua rượu đem về, nay có ai mách, nên Tây đoan lại xét bắt chớ không có chuyện
gì khác… Kế thấy trong mui ghe chun ra một cô dong dảy người, mặc áo bà ba trắng
vải ba-tích (batiste) bó sát da, dưới mặc quần lãnh Tàu láng mượt. Mặt mày cô
trắng như bột, trông lịch sự quá chừng quá đỗi, mà hấp dẫn nhứt là chiếc kiềng
vàng cô đeo nơi cổ.
“Cha
chả! Cây kiềng nó chói mắt làm sao? Tôi nhìn cô trân trân... Đã ngót mấy tháng nay,
tôi to nhỏ nài nỉ má tôi, đòi chằng chằng ngày đêm mà chưa có cây kiềng vàng chạm.
Nội làng tôi chỉ thấy con gái thầy cai có một cây, nên tôi muốn lắm. Đêm nào
tôi cũng chiêm bao cứ thấy cây kiềng, nhưng kiềng của con ông cai, tuy vẫn chạm
nhưng nào có khéo như cây kiềng trên cổ cô nầy?”
(hết trích)
Thế rồi người khách sang trọng mời cô gái xuống ghe. Chiếc kiềng
vàng mơ ước giúp cô thêm bạo dạn. Mùi dầu thơm cô xức thật “bát ngát”, nó nhẹ
nhàng khiến cô càng mê mẩn.
Khách lạ hỏi: “Bộ em muốn lắm
sao?”. V.A. bèn thú thật: “Đã mấy
tháng nay, tôi xin mãi mà má tôi chưa cho”. Khách lạ bèn cởi cây kiềng đang
đeo để đeo vào cổ cô V.A., lại lấy gương soi nhỏ trong xách tay cho cô mặc tình
ngắm nghía. Bà V.A. nhớ lại:
“Bây
giờ tôi mới rõ vì sao mỗi lần tôi đi chợ, Hai Truyện, Ba Sách liếc ngó thì thầm,
và đám đàn em Năm Xuân, Sáu Đồng buông lời chọc ghẹo. Nhớ tía má tuy nhà nghèo
nhưng không thiếu nợ, tía má cưng, khỏi dang nắng cấy gặt, chỉ cho làm việc vặt
trong nhà…
“Da
tôi trẳng, không dồi phấn mà hơn xa da cô nầy đã quá nửa chừng xuân, ngực tôi
không độn mà no tròn đẩy áo nịt gần muốn đứt, không như ngực cô đã xệ quả mướp.
Tôi mảng tưởng tượng chỉ thấy cây kiềng vàng chạm trên cổ, mơ màng nhớ đâu mình
đã thành tiên.
Bỗng
nhớ lại không phải được đeo cây kiềng nầy mãi mãi, từ tiên hoá ra con nhỏ giặt
áo: cho em nó, thau đồ giặt còn tươm bọt xà bông, nhớ đến đó, vụt nước mắt từ
đâu sa ròng ròng giọt giọt. Cô chủ sự, không ngớt lời khuyên giải:
“Em
đừng buồn. Nếu em muốn, hãy tìm qua, qua tính cho. Vậy bữa nào, em đi chợ, hãy
ghé nhà, đừng ngại. Nhan sắc em như vầy, lo chi không có đồ bắc kế. Thật tình mới
biết mà qua thương em lắm. Nhà qua ở gần công-xi (công ti) rượu, qua khỏi nhà lồng
chợ một đỗi. Để bữa nào em ghé, qua sẽ tính cho”.
(hết trích)
***
* Hạ Hồi Phân Giải… Chuyện của bà V.A. sẽ kể tiếp trong phần thứ
hai…
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét