(Phần
2)
Trong
Phần 1, chúng ta mới đọc được đoạn đầu hồi ký của bà V.A… tác phẩm “Sài Gòn tạp pín lù” của Vương Hồng Sển.
Cũng chỉ vì ao ước có một chiếc kiềng vàng như cô chủ sự nên cô gái quê đã lạc
bước vào thế giới ăn chơi.
Chỉ
3 ngày sau lần gặp gỡ dưới ghe, V.A. đã tìm đến nhà cô chủ sự ở gần nhà lồng chợ
Mỹ (Mỹ Tho) để mong “đổi đời”! Cô chủ sự đon đả:
“Ủa nầy, em. Tội nghiệp
thì thôi. Mắc hồi hôm lỡ thức chơi bài... phải qua ngủ nướng thêm chút nữa chắc
nhọc lòng em chờ đợi, hoặc qua đã mất dịp gặp em mà qua hằng trông đợi”.
Nhà lồng chợ Mỹ Tho xưa
Cô
dẫn V.A. đi khắp nhà mình, kể cả phòng tắm, cầu tiêu… chỗ nào cũng sang trọng,
lịch sự. Trước mắt V.A. là cuộc sống vàng son, nhung lụa của chủ nhà và cô gái
quê nghĩ thầm trong bụng:
“Người ta cũng thì
người ta như mình, mà người sao ăn sung mặc sướng đủ điều, đã chẳng làm gì cho
đụng móng tay, mà chuỗi kiềng đeo không hết, quần áo chẳng thiếu gì. Lại còn
bài bạc thâu đêm, rồi ngủ cho trưa trờ trưa trật. Còn mình đây, sao lại cực khổ
mãn đời: nồi cơm, trách cá, xắt chuối nuôi heo, một ngày chí tối làm không hở
tay, xin có một cây kiềng, mà mấy tháng nay xin hoài không được”.
Thế
là “cá đã cắn câu”. Cuộc gặp gỡ kết
thúc với với lời hứa hẹn một tương lai huy hoàng từ miệng cô chủ sự:
“… em cứ nghe lời
qua, về đừng cho ai hay, lo tom góp áo quần cho sẵn. Bất kỳ là ngày nào, hễ em
lên tới đây, thì qua sẵn có thế tiện giúp em lập cuộc đời như qua đây không
khác”.
Như
có một ma lực, cô gái ngây thơ trốn gia đình và đến với cô chủ sự. Hai người đi
tầu lục tỉnh để lên Sài Gòn. Hồi mới 8 tuổi cô đã có một lần đến Sài Gòn… Khi
đó là năm 1913, năm vừa xây xong chợ mới Bến Thành và có một buổi lễ khai
trương thật long trọng.
Đó
cũng là năm tía cô trúng mùa được mấy chục giạ nên đưa cả hai mẹ con cô lên Sài
Gòn cho biết “đèn khí đá”, “đèn dầu” và thứ đèn mới ra sao. “Đèn mới có không cần tim nà vẫn sáng hơn hai thứ đèn kia, dùng “điện lực”
mà sao gọi là “đèn khí”… là khí gì, ác thật”.
Đó
cũng là năm lần đầu trong đời cô được thấy “sao chổi” mà sau này mới biết là “sao chổi Halley”. Đó cũng là “điềm báo
hiệu” năm sau xảy ra trận giặc Đức (Đệ
nhất thế chiến, 1914-1918). Giờ ngồi viết lại hồi ký, bà V.A. nghiệm lại đúng
là lần lên Sài Gòn lần thứ hai cũng là điềm cho một cuộc đời… giang hồ!
Chợ Bến Thành xưa
Tàu
cập bến Sài Gòn, cô chủ sự thuê xe kéo đến nhà một người đàn bà lớn tuổi mà cô
gọi bằng “má” ở đường Bồ-rệt (Boresse, nay là đường Calmette). Hai “má con” đưa
nhau vào phòng trong, nói chi không rõ, giây lát trở ra cô căn dặn V.A. ở lại
đây với má Tư Hớn ít ngày: “Ở đây với má,
má sẽ thương như qua đây thương em vậy…”
Má
Tư Hớn cũng xởi lởi: “Chị em với con Bảy
chủ sự thì cũng như con ruột một nhà, vậy con cứ ở, đừng ngại ngùng chi cả”.
Cô chủ sự còn dặn dò V.A. trước khi vào Chợ Lớn rằng mọi việc ráng sao cũng phải
tin cậy và nghe lời má Tư, thì mới hòng nên thân. Cô nói:
“Nội Sài Gòn đây có
ai lanh lợi và quen lớn với nhiều ông nhiều thầy cho bằng má Tư, như chị đây
năm xưa xuất thân cũng nhờ má Tư sắp đặt cho nên ngày nay mới rỡ ràng sung sướng
và có địa vị như ngày hôm nay làm vậy!”
Khi
cô chủ sự đi khỏi, bỗng có một tốp mấy ông mấy thầy kéo vào nhà, ông nào ông nấy
xem đã ngà ngà, nói với nhau tiếng Tây lốp bốp, kẻ kêu “dì”, người gọi “má”, om
sòm. Ở chưa được một tuần, một hôm má Tư nói nhỏ với V.A.:
“Nay có thằng Hạch
người Chà [Chà
Và, Ấn Độ], quản gia trong nhà máy xay
lúa lớn trong Chợ Lớn, giàu lắm, nó muốn cưới con về làm vợ, với một cây kiềng
đúng một lượng và hai lượng chuỗi hột quấn tay, con nên ưng nó đi mà lập thân,
chỗ nầy được lắm, nên nghe lời má, thuở nay má ăn chay niệm Phật, tạo lập không
biết bao nhiêu gia đình như vầy, tụ thiểu thành đa, không nên già kén, mà bỏ
qua dịp tốt”.
Thế
là cuộc đời “giang hồ” của V.A. bắt đầu từ đó. Suy cho cùng, cô mới 18 tuổi, tứ
cố vô thân, bụng không muốn cũng chẳng dám từ chối. Huống chi mụ nầy, giọng kèn
tiếng quyển, thật dễ xiêu lòng, lại nghe có kiềng, có chuỗi thì còn chê bai gì
nữa nên cô gật đầu ưng đại. V.A. viết trong hồi ký:
“Đêm tân hôn, nay nhớ
lại còn rùng mình. Đúng là thuyền nan lâm bão lớn, tấm thân trong ngọc trắng
ngà, giá kể ngàn vàng, nói theo văn Kiều, đành để “hồng ngâm chuột vọc”. Mà con
chuột nầy nó không vọc, nó nghiến răng xàm xạp.
“Hạch tuy không
thương được nhưng ở rất biết điều. Va mướn cho tôi một căn phố không xa nhà má
Tư Hớn là mấy, cái nầy là tại tôi đòi y theo lời má Tư căn dặn. Y mua bàn mua
ghế và tập tôi ăn cà ri, chu choa, ban đầu cay xé miệng, mà nay gặp không cay
tôi không thèm rớ, mới kỳ!
“Nghe tôi đòi muốn ở
gần má, ban đầu anh Hạch vùng vằng, song thét rồi cũng ưng, vì anh mê tôi như
điếu đổ, muốn gì được nấy. Quả là anh Hạch thương tôi một cách thật tình, và
nói nhỏ mà nghe, ban đầu tôi không cảm, nhưng chưa đầy bốn tháng, anh sắm cho
tôi áo quần chật tủ, vàng, chuỗi có rồi.
…
“Từ cảm vừa vừa đến mến,
rồi qua thương, tình Hạch - Việt cà ri thịt kho, tôi tập ảnh ăn nước mắm, ảnh
nín mũi queo râu, thấy dễ tức cười, vợ chồng cách nhau hơn hai con giáp tôi mười
tám xuân, ảnh tròm trèm bốn chục, tôi bắt mùi quen ăn “nị” [cà-ri nị của Ấn] tưởng cùng nhau sẽ nối tóc đến già.
“Ảnh làm việc trong
nhà máy xay lúa trong Chợ Lớn Bình Tây, tử ngày đụng tôi, ảnh xin đổi phiên gác
không gác tối nữa và làm việc ban ngày, đêm nào cũng về, vì vậy ban ngày ở nhà
một mình buồn, tôi thường lại nhà má Tư để giải khuây, ngờ đâu má cò máy với mấy
chị trong nhà ra ngón độc bày đặt rủ ren cờ bạc.
“Ban đầu đánh nhỏ thì
tôi ăn, gọi là chơi vị tình, sau lần hồi gầy sòng đánh lớn, tôi bị gài vào bẫy,
dính ăn dính thua, say máu ngà, bữa nào chiều về nhà cũng sạch túi. Cái nghề cờ
bạc, nóng mũi nên phái gỡ, gỡ đâu không thấy, ngày càng lậm, hết chục nầy tới bạc
trăm kia thét rồi tới cầm đồ, cứ nay một chiếc, mai mốt cầm một đôi, không đầy
hai tháng trời, bao nhiêu chuỗi vàng kiềng chạm đều ton ráo, hoá ra giấy biên
lai cầm đồ chú Hoả, ráo nạo”.
(hết
trích)
Người Chà Và (Ấn Độ) ở Sài Gòn xưa
Chuyện
của bà V.A. còn dài, còn nhiều tình tiết ly kỳ… Chẳng hạn như má Tư Hớn ra giá
300 đồng bạc lớn để anh Hạch “phá trinh” V.A. Đến khi gặp mặt, thấy người con
gái quê non nớt, anh không đành lòng. Anh bàn qua việc cưới làm vợ, dì Tư lập tức
lên giá năm trăm bạc chẵn!
Má
Tư Hớn đúng là một mụ Tú Bà “đầy kinh
nghiệm” với trăm phương nghìn kế. V.A. đã vào tay mụ thì hết đường thoát
thân. Sau vụ anh Hạch, “má” còn đạo diễn nhiều cuộc gả bán khác và cứ như thế, “cuộc đời nàng Kiều thời Pháp thuộc” trải
qua những giai đoạn bi thảm của kiếp… hồng nhan đa truân!
Ly
kỳ nhất là đoạn V.A. đi tu (nhưng lại không xuống tóc)! Cô xuống tận Tây Ninh,
lên núi Bà Đen và tìm đến Chùa Bà. Ngày xưa Kiều cũng đã đi tu, gặp vãi Giác
Duyên, đến thời của V.A. cô cũng xin với hòa thượng trụ trì:
“Bạch rằng tôi có lời
nguyện, xin hoà thượng mai nầy cúng cho tôi một ngọ và cho phép tôi để tóc, chụp
mủ ni, ăn chay niệm Phật, tu tại đây và tôi đặt tiền cúng là năm trăm đồng bạc,
xin hoà thượng nhận dùng vào hương khói cho Bà, cho tôi qui y, ở đây, quyết làm
tôi Phật cho tới răng long tóc bạc”.
Nguyên
cốt Bà là một tượng đá cổ, cao bằng hai gang tay. Bà ngồi tham thiền và tượng đặt
trong một hốc đá. Điện thờ không xây bằng gạch như ngày nay, chỉ là một hang đá
khá rộng nhưng tôn nghiêm.
Lên
ở chùa chưa được nửa tháng, chay lạt vừa quen, tuy kinh kệ chưa thuộc nhưng với
quyết tâm tu luyện. Thế nhưng, hình như nợ trần chưa trả hết nên có lời ra tiếng
vào. Nhất là bà mãi biện (bà vãi) có nhiệm vụ và quyền hạn rất lớn trong chùa.
Bà nói:
“Cái tuồng mặt coi
còn bén ngót, khéo nói chuyện gõ mõ tụng kinh, làm dâu cửa Phật, khéo bán dạng
thuyền quyên, trêu ngươi bẹo chúng… Thiệt khéo thì thôi… Tôi nói đây để cho mấy
bà về ăn trầu gẫm lại coi: thét đây khi mai mà chùa nầy không khỏi trở nên nhà
bảo sanh mà chớ?”
Cuối
cùng thầy trụ trì phân trần lúc V.A. rời chùa:
“Mô Phật…. Đồ đệ có
lòng đem của cúng Bà, thôi, một tấm lòng thành Bà cũng chứng cho, lựa là phải để
bạc lại làm chi…. Người đời, hoạn nạn là thử thách. Kẻ nào khóc nhiều kẻ đó sống
nhiều… Đồ đệ vui lòng đứng chấp nhứt mụ vãi ngu xuẩn kia, coi vậy chùa nầy
không có vãi ấy cũng không xong!”
Chùa Điện Bà trên núi Bà Đen ngày nay
Nhưng
thôi, hãy nói qua chuyện của Vương Hồng Sển. Như đã tiết lộ trong Phần 1, tác
giả đã điểm qua “những người đẹp” trong khoảng những năm 1920-1935, trong đó nổi
bật nhất là hai cô Ba Trà và Tư Nhị, một cặp bài trùng về nhan sắc nhưng lại
khác nhau về hậu vận. Người ta bảo đó là cái số của từng ngưới.
Trong
đoạn mang tựa đề “Những gì tôi biết về cô
Ba Trà, tức Trần Ngọc Trà, huê khôi số một ở Sài Gòn, khoảng 1920-1935”,
tác giả kể lại lần đầu tiên được chứng kiến dung nhan “người đẹp”:
“Ngày mồng một tháng
ba dương lịch 1924, đĩ xem hát cải lương tại rạp Modern, đường d’Espagne, là lần
tôi được ngồi gần cô Ba Trà, lúc ấy đang sáng chói trong tiền, trong nhan sắc,
và sắm xe hơi có tài xế phụ, để dành mở cửa. Cô Ba ngồi một dãy ghế thượng hạng
với bác sĩ Lê Quan Trinh, ông toà Trần Văn Tỷ và thầy Sáu Ngọ, tức Paul Daroll,
“vua cờ bạc lừng danh thuở ấy”.
“Trớ trêu thay, bên
tay mặt và sát ghế cô là ghế của kẻ nầy. Cô ngồi xem mà mùi nước hoa làm tôi
ngây ngất và khi nửa chừng cô ra về, tôi hết biết trên sân khấu hát ca những gì.
Cô Ba Trà vụt lên như diều gặp gió lên xe xuống ngựa mấy chục năm trường… tôi thì một rương sách, một túi áo quần, để
sau còn đùm đề thêm ba cái đồ sành cũ ưa bể và nứt rạn...”.
Mấy
chục năm sau, y như trong giấc chiêm bao, cô Ba Trà và Vương Hồng Sển tình cờ gặp
lại lần thứ hai, nơi một sòng tài xỉu ở Đại thế giới Chợ Lớn. Cô thì đã mất
phong độ năm nào nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ nhan sắc cô nay kém
hơn trước tới bực nào. Vương Hồng Sển đáp tỉnh bơ:
“Đối với tôi, tôi chỉ
biết cô là người y như hình chụp treo trong tủ kiếng trước cửa nhà “photo Khánh
Ký” đường Bonard, lúc tôi còn học trường Chasseloup, mà mặc trời mưa trời gió,
chúa nhựt nào tôi cũng phải ra trường đến ngắm tiên dung rồi mới trở về trường
ăn ngủ được… và đã khiến tôi thành thi sĩ, xin lỗi, thành thợ thơ nọ”.
Câu
nói ấy khiến Ba Trà cười, hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa. Và cũng từ đó, cô
thâu dụng tác già làm “bí thư không nhận
lương” suốt một thời gian khá lâu. Cô Ba Trà kể lại cuộc đời mình cho Vương
Hồng Sển, lại còn viết thêm một câu “làm bằng” cho bài viết:
“Tôi, Trần Ngọc Trà,
tự Cô Ba Trà, bằng lòng cho báo “Tiếng Dội” đăng về cuộc đời của tôi, từ buổi
thiếu thời đến nay, chính tôi thuật cho người đại diện báo “Tiếng Dội” nghe
chuyện của tôi để đăng báo”.
Sài Gòn, le 9-5-1952.
Ký tên: Trần Ngọc Trà”
Cuộc
đời cô chỉ xin tóm gọn đôi dòng. Năm 9 tuổi cô vẫn chưa đi học, năm 14 tuổi cô
được bán cho “quan ba y sỹ” người Tây (mua làm vật tiêu khiển mà đến cái tên của
ông cô cũng không nhớ nổi). Quan Tây về nước một năm sau cô lại lấy một anh chồng
người Tàu, vừa ích kỷ lại vừa lận đận, lao đao.
Chú
Toàn (có cha người Hải Nam, tỷ phú ở Phan Rang, mẹ người Qui Nhơn) là mối tình
đầu đời của cô. Toàn chỉ là một con ong ham hoa mới, một con bướm chuộng hoa lạ.
Toàn lại theo phong tục của Tàu: vợ nhà, vợ bé, mèo chuột… khi cô khởi sự biết
ghen thì Toàn lại càng luông tuồng.
Mẹ
cô (một người đàn bà… ác độc khi người cha mất sớm) phản đối cuộc hôn nhân này
nên năm 17 tuổi cô sống tạm bợ để giữ chữ Hiếu với mẹ và chữ Tình với chồng! Ba
Trà còn có biệt danh “Cô Ba Chả Giò” khi cùng mẹ buôn bán trên xe lửa Sài Gòn –
Phan Thiết!
Rồi
cuộc đời cô “phất lên” như diều gặp gió trong thế giới ăn chơi của Sài Gòn xưa.
Đó là một thế giới khép kín với những chuyện tình rất “đời thường”, chuyện cờ bạc
thắng thua có thể đi đến tán gia bại sản và thêm một chất khói đưa vào mộng ảo
phù dung: thuốc phiện.
Năm
1923, cô Ba đã là một nàng tiên trên dương thế, cô lên như diều gặp gió. Chiều
chiều cô ngồi một mình trên chiếc ô tô mui trần lộng lẫy, phía trước có hai người
tài xế: một tài xế chánh để lái xe, một tài xế phụ để mở cửa xe. Ba Trà sang trọng
không thua gì Thống đốc Nam kỳ vì chỉ có ông mới có hai tài xế cho chiếc “Delage
six cylindres” mang số hiệu đặc biệt “C.20”.
Bản
thân Ba Trà không có “máu đỏ đen” nhưng cô xuất hiện tại Đại thế giới như một cứu
tinh cho những kẻ thua bạc. Cái nghề “xanh
xít đít đui” (cinq, six, dix, douze) sẽ cứu giúp những kẻ “vận đen” với điều
kiện tỷ lệ lãi là 10% số tiến “cấp vốn” tính theo ngày!
Danh
sách người tình của cô Ba Trà có công tử Lê văn Phước, còn gọi là “Cậu Tư Phước
Georges” và giới ăn chơi Sài Gòn thời đó đặt cho cậu mỹ danh “Bạch Công Tử” vì
cậu trắng trẻo, đẹp trai.
Georges
có bụng dạ rộng rãi và đối xử với bọn nghèo đã không khinh khi mà còn giúp đỡ
nhiều bề. Thiếu nón đội, cậu cho nón Fléchet mới và đắt tiền cậu cũng không tiếc.
Thiếu tiền xài, cậu giúp, và khi gánh hát diễn tuồng trên sân khấu, cậu cho mượn
bộ ghế sa lon của cha để lại và diễn xong cậu không đòi lại…
Cũng
vì sự hào phóng của công tử nên chỉ vài năm ruộng vườn, nhà cửa đều theo ngón
hào hiệp của cậu mà bay tứ tán... Cậu chỉ được cái danh “dám ăn, dám xài” và dĩ nhiên người đẹp bu quanh cậu có đến hàng
tá.
Ngược
lại với Bạch Công Tử là Hắc Công Tử, một người có nước da ngăm ngăm vì xuất xứ
từ vùng ruộng muối. Hắc Công Tử lớn tuổi hơn Georges nhưng việc xài tiền thì cả
hai công tử được phân định là “bên tám lạng,
bên nửa cân”.
Mất
một tờ giấy năm đồng trong rạp hát, Hắc Công Tử bỏ coi diễn để lo mò kiếm “tờ
giấy bạc con công” (5$00), trong khi Bạch Công Tử ngồi kế bên, miệng cười hề hề,
tay móc túi đốt tờ giấy hai chục (20$00) dùng làm đuốc rọi để… tìm 5 đồng!
Uy
danh cậu Ba Hắc Công Tử có phần kém hơn cậu Tư Bạch công tử vì ăn nói có vẻ
khinh người, ưa “mầy tao mi tớ”. Tư
Phước ngọt với em út bao nhiêu thì cậu Ba cũng ngọt với bồ bịch bấy nhiêu, duy
“chiến lược” mỗi chàng mỗi khác. Cậu Tư chuộng người phải cho đẹp, cậu Ba chọn
người phải cho “ngon”, phần đông tuyển trong hàng gái vườn, chân chưa rửa sạch
phèn.
Vương
Hồng Sển viết:
“Ông hội đồng Rạch
giá và cậu nhà giàu Cần Thơ ở trên nầy [Sài Gòn]
trót tháng, rốt lại phải từ giã cô Ba, để
mạnh ai về xứ nấy, kẻ luyện phi đao, người luyện phi bạc, chỉnh tu binh mã để kỳ
bãi trường tới rước con về sẽ chiến đấu tranh nhau hôn cái da non của bàn tay mềm
mại của cô Ba, thành ngữ đổ quán xiêu đình, vào khoảng 1920-1945 nên đổi lại
“xiêu điền nát ruộng” cũng vì đua nhau tranh tiếng hảo “có ngủ, có gần cô B.
người đẹp số “dách” đất Sài gòn”.
Người đẹp Sài Gòn xưa
Nồi
bật trong số người tình của cô Ba Trà là Philippe Franchini, chủ của
Continental Palace mà ngày nay là Khách sạn Continental, bên hông Nhà hát Thành
phố. Ba Trà tâm sự với Vương Hồng Sển: “Lấy
Franchini, về vật chất không thiếu món nào, nhưng ông Tây nầy cưng vợ theo Tây,
mà nước ghen lại là nước ghen Á Đông thuần nhứt!”
Một
hôm Franchini đi khỏi, cô Ba nhập sòng, và vận đang đỏ, cô trúng một hơi vét
sòng. Cô đi ngay lại hãng xe, sẵn tiền cô kéo về một chiếc ô tô hiệu Alfa-Roméo
của Ý, giá 11.000$, mắc gấp đôi xe Hotchkiss giá 4.000, mắc gấp ba xe Citroen bảy
chỗ ngồi, hoặc FIAT mui kiếng limousinet bốn chỗ ngồi giá 2.700$.
Cô
Ba kéo xe về, Franchini bảo cô Ba đem xe ra ngay đường Catinat để “khai quang điểm nhãn” bằng một chai
champagne. Giống như lễ hạ thủy một chiếc tàu, cô tự cắt dây băng cho champagne
đụng vào đầu xe!
Sẵn
xe mới cốt ý để khoe ngón phong lưu và cũng nhờ thế lục của Franchini, cô Ba
Trà sang tận Cao Miên mở sòng bài. Người ta đồn rằng cô thua bài quá nhiều nên
đi vơ vét các tay chơi ở tỉnh!
Đến
hồi vận đen, cô Ba đã có lần tự tử nhưng được cứu sống tại nhà thương cấp cứu
trên đường Bonard (Lê Lợi). Đó chính là Bệnh viện Saigon do Chú Hỏa xây dựng và
sau này là Trung tâm cấp cứu, xế bên chợ Bến Thành.
Cũng
trong thời kỳ chung sống với Fanchini, cô Ba gặp một người con gái đến làm quen
trong rạp hát. Ba Trà vừa giận vừa vui với câu cô gái nhắc lại lời của mẹ mình:
“Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô mới đáng
gọi là gái ngoan!” Theo mô tả của Vương Hồng Sển:
“… Đây là một cô gái
mơn mơn đào tơ hết sức trẻ, tròn trịa như con chim chàng nghịch óc cau đầu mùa
lúa trổ, ngực tròn như cặp tuyết sơn muốn xé hàng sọc dưa rằn ri tung ra, trán
thấp có mở tóc quăn xoắn che lúp xúp ngỗ nghịch nhiều hơn phục tùng, cặp mắt mơ
màng tình tứ, nhứt là cặp môi dày đỏ mọng, nửa mời mọc nửa khiêu khích, đúng là
một con đĩ mén mất dạy, ăn nói như hồi nãy, nhưng mặn mòi duyên dáng một cách rừng
rú, khiến không giận được với con “ba trợn” nầy. Sau rõ lại nàng ta từ Nam Vang
xuống, cha Cơme, mẹ người Sa Đéc, có chút “pra hóc” (mắm bò hóc) pha với chút sắc
bén của gái Nha Mân xưa từng được Cao Miên tuyển vào cung vua đàng Thổ, thảo
nào!”
Ba
Trà đem cô nầy về, anh Franchini không nói không rằng, vui vẻ chấp nhận. Nhân
đi xem tuồng chớp bóng sau đó, thấy trên màn bạc một nữ diễn viên Pháp duyên
dáng và có hình dáng giống giống cô gái nên anh đặt tên cho cô là Marianne (tên
cô đào trên màn ảnh), để đối với tên của cô Ba là Yvette. Lại còn đặt tên cô là
thứ tư, Tư Nhị, chớ Nhị vốn thứ hai, con cả đầu lòng xứ Nam Vang ăn mắm bò hóc!
Từ
đó, vòm trời Sài Gòn mọc một ngôi sao mới, tuy không sáng chói bằng sao Ba Trà,
nhưng đối với khách ham lạ, ham trẻ thì Tư Nhị Marianne vẫn mới vẫn giòn, vẫn
mát da mát thịt hơn, dầu gì cũng mới.
“Nhị đào vẹn vẻ đường
tơ,
Trà mi kia đã sởn sơ
gần chiều”.
Dấu ấn của Franchini tại Sài Gòn: Continental Palace
Vương
Hồng Sển là một trong số ít nhà văn thời VNCH nhưng vẫn có sách xuất bản sau
năm 1975. Sự nghiệp văn học của ông khá đồ sộ với hàng chục tác phẩm đã xuất bản,
trong số đó có một số sách khá nổi tiếng như Thú Chơi Sách (1960), Sài Gòn Năm
Xưa (Tập I, II – 1960; Tập III – 1992), Hồi Ký 50 Năm Mê Hát (1968), Phong Lưu
Cũ Mới (1970), Thú Chơi Cổ Ngoạn (1971), Hơn Nửa Đời Hư (1992).
Thực
ra, “Sài Gòn tạp pín lù” không chỉ “vô
hà trật tự” theo ông tự đánh giá… mà văn phong còn lẩm cẩm và lủng củng nữa. Nhiều
ý tác gỉa cứ lập đi lập lại, chẳng có đầu có đuôi. Rất nhiều độc giả đã rất thất
vọng khi đọc cuốn sách...
Có
thể ông viết khi tuổi đã cao nên có phần nào lẩm cẩm. Sách được xuất bản lần đầu
năm 1992, lúc đó ông Vương Hồng Sển đã là một cụ gìa 90 tuổi rồi nên việc ông
có lẩm cẩm, viết lách “vô hà trật tự” thì cũng là điều dễ hiểu.
Có
những chuyện ông đã viết ở phần trên, nhưng rồi ông lại lập lại chuyện đó ở chỗ
khác. Có thể nhà xuất bản đã in sách của ông chẳng qua chỉ vì cái tên Vương Hồng
Sển đã nổi tiếng, nhiều người biết đến.
Trước
đó, ở Miền Bắc có “ông vua phóng sự”
Vũ Trọng Phụng với những tác phẩm về “chị
em ta” như Làm đĩ, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây… nhưng đó chỉ là cách viết phóng
sự về mặt trái cuộc sống ở Hà Nội.
Dù
sao đi nữa, với thành tích “hơn nửa đời
hư”, Vương Hồng Sển đã đưa người đọc vào thế giới phấn son, cũng nhờ vậy mà
ngày nay ta có thể ung dung ngồi đọc những dòng hồi ký của những người đẹp để
phần nào hình dung được thế giới ăn chơi của Sài Gòn xưa.
Vương Hồng Sển qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ (1963)
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét